8/7/22

Cáo phó - (Vũ Trung Hưng K2)



BĐD TN1-2 VN đã nhận được tin bạn Vũ Trung Hưng, K-2, vừa vĩnh viễn ra đi, vào ngày Thứ Bảy, 6 tháng 8 tại Sài Gòn. Tang lễ được tổ chức vào ngày Chủ Nhật và Thứ Hai 7- 8 Tháng 8 tại tư gia. BĐD đã gởi vòng hoa đến tang quyến. Đại Điện TN 1-2 Nam Cali cũng đã gởi vòng hoa phân ưu.
Anh chị nào muốn đến viếng, thắp nhang, cầu nguyện hay tiễn đưa linh cữu bạn Vũ Trung Hưng xin vui lòng liên lạc với Sơn Râu để biết thêm chi tiết.
Xin cầu nguyện cho linh hồn Gioan Baotixita.

ĐD TN1-2 VN
Tr V Hải
Trh H Tường.

8/6/22

Chương trình họp mặt Thụ Nhân 17-20/12/2022


Hãy về nơi ấy thời gian không còn dài
Để nhìn thấy nhau sau nỗi kinh hoàng Covid
Những người Anh Em Bạn lặng lẽ ra đi
Không đợi được đến ngày họp mặt Trường cũ
Đà Lạt ơi với muôn ngàn nỗi nhớ
Cây Thông già lặng lẽ đứng chờ mong.

Kính chúc Ngày Họp Mặt Truyền Thống năm 2022 đông vui.
(PHAN HÀ th5.2022).
****

CHƯƠNG TRÌNH SÀI GÒN - ĐÀ LẠT 3 và 4 NGÀY (17-19, 20/12/2022)

Thứ Bảy, ngày 17 tháng 12: Sài Gòn - Đà Lạt (ăn sáng/trưa/tối)
6:00 Xe đón tại phía đối diện cổng Công viên Lê Văn Tám đường Điện Biên Phủ, quận 1.
6:15 Khởi hành đi Đà Lạt
7:30 Dừng nghỉ 30 phút -Ăn sáng (bánh mì thập cẩm).
8:00 Tiếp tục hành trình. Dừng nghỉ Ma Đa Gui 15 phút.
12:30 Dừng ăn trưa tại Nhà hàng Hưng Thịnh, Liên Nghĩa.

Đến Đà Lạt, nhận phòng KS 4* Sammy số 1 Lê Hồng Phong Đà Lạt.
Buổi chiều xe đưa tham quan chụp hình vườn hoa hoặc khu trưng bày hoa Dalat.
18:00 Ăn tối tại nhà hàng cơm niêu Hương Việt.
19:30 Dạo chơi khu Hoà Bình
20:30 về khách sạn nghỉ ngơi.

Chủ Nhật, ngày 18 tháng 12: Đà Lạt (Ăn sáng/trưa/tối)
Từ 6:00 Điểm tâm buffet tại khách sạn.
8:30 Chụp hình lưu niệm trước khách sạn.
8:40 Vào thăm trường cũ (30')
9:40 Xe đưa đến Nguyện đường Don Bosco, B1_18 khu GOLF VALLEY, Phường 2, Đà Lạt (cổng sau).
10:00 Tham dự thánh lễ tưởng niệm các vị Viện trưởng, Thầy Cô và đồng môn đã qua đời.
11:30 Ăn trưa và sinh hoạt cùng sinh viên lưu xá Don Bosco tại Trung tâm mục vụ.
13:30 Xe đưa về khách sạn.
17:30 Tham dự tiệc Gala Truyền Thống Thụ Nhân 2022 tại Nhà hàng KS Sammy Dalat.
Chương trình văn nghệ với nhiều “ca sĩ" Thụ Nhân -Xổ số - Khiêu vũ…

Thứ Hai, ngày 19/12 Chương trình 3 ngày: Đà Lạt - Sài Gòn (ăn sáng, trưa)
Từ 6:00 Điểm tâm buffet tại khách sạn
8:30 Trả phòng, khởi hành về Saigon. Xe ghé chợ Đà Lạt nếu đường vào thoáng.
12:30 Ăn trưa tại Bảo Lộc hoặc MaĐaGui. Khoảng 16:30 về đến CV Lê Văn Tám SG. Kết thúc.
-Thứ Hai, ngày 19/12 Chương trình 4 ngày: (ăn sáng)
Từ 6:00 Điểm tâm buffet tại khách sạn
8:30 đến khu du lịch (tùy chọn) dạo chơi, chụp hình lưu niệm.
Cả ngày ăn uống tự túc và chiều, tối sinh hoạt nhóm hoặc dạo chơi tự do.

-Thứ Ba, ngày 20/12 Chương trình 4 ngày: Đà Lạt - Sài Gòn (ăn sáng, trưa)
Từ 6:00 Điểm tâm buffet tại khách sạn
8:30 AM Trả phòng, khởi hành về Saigon. Xe ghé chợ Đà Lạt nếu đường vào thoáng.
12:30 Ăn trưa tại Bảo Lộc hoặc MaĐaGui. Khoảng 16:30 về đến CV Lê Văn Tám SG.
Kết thúc.

Giá tour 3 ngày 2.500.000đ/người, tour 4 ngày 3.100.000đ/người.

Bao gồm:
- Phòng khách sạn 4* và buffet sáng tại Sammy số 1 Lê Hồng Phong Đà Lạt (Khách sạn có thang máy và máy điều hòa nóng, lạnh)
- Vận chuyển : xe đời mới 45 chỗ hoặc 29 chỗ
- Ăn uống, tham quan theo chương trình ghi trên.
- Chương trình tiệc Gala tại Nhà hàng KS Sammy số 1 Lê Hồng Phong Đà Lạt.
- Nước suối, khăn lạnh trên xe.

Không bao gồm: Chi phí phòng đơn và các chi phí phát sinh ngoài chương trình.

Chi tiết từng phần:
*Dalat 3 ngày: -Xe khứ hồi, đưa đón, tham quan, ăn sáng, 2 bữa trưa và nước uống theo xe: 850.000đ/người.
-2 đêm khách sạn 4* + buffet sáng 1.000.000đ/người.
-Ăn tối 17.12 tại Hương Việt Đà Lạt 150.000đ/người. Ăn trưa tại Don Bosco miễn phí.

*Dalat 4 ngày: -Xe đi, về, đưa đón, tham quan, ăn sáng, 2 bữa trưa và nước uống theo xe: 950.000đ/người.
-3 đêm khách sạn 4* + buffet sáng 1.500.000đ/người.
-Ăn tối 17.12 tại Hương Việt Đà Lạt 150.000đ/người. Ăn trưa tại Don Bosco miễn phí.

*Tham dự đêm tiệc Gala 18/12 : 500.000đ/người.

-Đăng ký tham dự tại đại diện Khoa, Khóa hạn đến 15/9/2022
-Đóng tiền hạn đến 15/10/2022.
-Thủ quỹ: Phạm Thị Lâm Viên Tài khoản: 1477797 Ngân hàng ACB Phòng giao dịch Bùi Đình Túy, TP.HCM. đt: +84903751500.

8/1/22

CON KỲ NHÔNG XANH TRÊN LUỐNG DÂU


Ở Úc họ trồng dâu tây (Strawberry) trên những luống đất thật dài, được bọc kỹ bởi một loại vải nhựa dệt thưa, nhưng có độ bền để có thể chịu đựng được nắng mưa, ờ giữa luống họ khoét những lỗ tròn trên tấm bọc đất, cây dâu được trồng vào đấy, và cứ thế luống dâu liên tục kéo dài. Những luống dâu chạy dài thành nhiều hàng trông thật đẹp mắt, thân cây dâu không phải là loại thân mộc, nằm xòe trên luống, nên khi ra trái, trái dâu sẽ được nằm trên luống đất đã được bọc kỹ bằng vải nhựa, nhờ thế mà trái dâu không bị tiếp xúc trực tiếp với đất, nên trái dâu chín sẽ không bị hư hoại.

Đám thanh niên VN tỵ nạn chúng tôi, những ngày mới đến Úc, chưa thể tìm một công việc thích hợp ngay, nên thường thì đành kéo nhau đi làm ở farm ( nông trại ) để kiếm tiền mà có thể dành dụm gửi về VN cho gia đình ở bên nhà. Đến mùa dâu thì đi hái dâu ở các farm dâu, nghe công việc đi hái dâu tưởng đâu là nhàn hạ và thơ mộng lắm, nhưng thật ra chúng tôi phải khom lưng suốt cả ngày, vì bởi như đã nói ở trên, dâu tây ra trái trên những luống dâu chỉ cách mặt đất chừng 3 tất, vì vậy người hái dâu phải đứng khom lưng bên vồng dâu, một cái khay được quàng ở khủy tay, tay kia thì hái trái, trong điều kiện là phải cong lưng xuống để hái, và cứ thế khom lưng đi lần theo chiều dài của vồng dâu mà tìm hái những trái dâu vừa chín đỏ lẫn trong đám lá dâu xanh…

Ôi, lứa dâu đầu mùa và cũng là lứa trái đầu tiên của loạt trồng mới nầy, nên trái nào trái nấy to tướng, chín đỏ, căng phồng, nhất là trong buổi sớm tinh mơ, lấp lánh dưới ánh nắng hồng qua những hạt sương mai còn đọng lại, trái dâu trông lại càng hấp dẫn làm sao… Chủ nhân của nông trại trồng dâu nầy, họ là một cặp vợ chồng người Úc chính thống, Farmer (nông gia) ở Úc không phải như những người nông dân chân lấm tay bùn ờ bên nhà, mà người chồng là một Kỷ Sư Nông Nghiệp chính hiệu, nên họ đối xử với đám tỵ nạn VN đi làm công chúng tôi rất ư là thân thiện, lịch sự, đầy hiểu biết và cảm thông, nhất là bà chủ nông trại, với một gương mặt hiền hòa, miệng luôn nở một nụ cười và kèm theo là những lời nói rất ân cần, tử tế…-“ Các bạn hái dâu, nếu thấy bất cứ trái dâu nào ngon nhất và nuốn ăn thì cứ hái ăn tại chổ tự nhiên nhé! Mình làm việc trên farm dâu mà không được ăn những trái ngon nhất thì cũng không hợp lý phải không? “  
Nghe những lời nói ấy, bọn chúng tôi thật thấy mát cả lòng, và cũng có cơ hôi để…tha hồ thưởng thức những trái dâu nào to nhất, mọng đỏ nhất và đặc biệt là với nụ cười rất ân cần của nhị vị chủ nhân thật dễ thương kia.

Vừa khom lưng lần theo luống dâu chạy dài, vừa tay làm và hàm nhai những trái dâu còn mát lạnh trong buổi sớm tinh sương, vừa trầm trồ xuýt xoa sao mà họ trồng giỏi quá, vụ dâu này họ thu hoạch chắc khẳm tiền…và đôi khi thả hồn đi lạc với nỗi buồn mênh mang của kiếp đời tỵ nạn, của phận đời lưu vong với những ngày mới đặt chân nơi xứ người…

Ồ, không được rồi, chuyện gì vậy?!  Những trái dâu chín đỏ trên vồng dâu được phát hiện là đã bị con gì ăn loang lổ khắp cùng, không phải một vài trái mà là cả một vạt dâu chín, trái nào cũng bị cắn dang dở rất ư là bực mình, người nầy nói với người kia, và hiện tượng lạ nầy đã được truyền nhanh đến nhiều người trên các vồng dâu khác…Và đây rôi, thủ phạm cắn phá dâu đã được một vài anh em người Việt tìm thấy là một con kỳ nhông xanh khá to và dài cỡ một cánh tay, đang “thoải mái” bò giữa luống dâu với những trái dâu bị cắn ăn loang lổ. Thế là phản ứng rất tự nhiên, một vài anh em đã bỏ khay dâu xuống và tìm nhặt những khúc cây quanh đấy, rồi hè nhau rượt đuổi và đánh đập chú kỳ nhông xanh kia không chút nương tay.

Lấy làm lạ với hiện tượng nhốn nháo ở ngoài farm, tiếng rượt đuổi, reo hò, tiếng đập cây bình bịch, bà chủ farm đã vội vàng chạy ra và hỏi: “ what’s the matter ? “ ( chuyện gì vậy? ) vừa chạy nhanh đến nơi những thanh niên người Việt với những khúc cây trên tay, bà đã sững sờ nhìn họ và thốt lên tiếng kêu thảng thốt “ Oh! My God “ khi bà nhìn thấy vẻ mặt hớn hở của mấy người kia, vì đã lập được thành tích với chủ nhân là đã tiêu diệt được kẻ phá hoại trên các vồng dâu chín nầy. Con Kỳ Nhông xanh đang nằm sóng soải trên mặt đất, với nỗi đớn đau quằn quại, không biết còn sống được không! Một vài anh em đã vội hái một số trái dâu bị cắn ăn dang dở, đưa cho bà chủ xem và nói:
– Bà xem đây nầy, may mà chúng tôi tìm thấy nó, chứ không thì nó sẽ còn phá hoại dâu của bà không biết bao nhiêu nữa đấy!
– Oh ! No, nó không phá hoại gì cả!
Vừa nói câu ấy xong để trả lời với mấy công nhân người Việt, bà chủ vừa quỳ xuống đất, đưa hai tay run rẩy bồng con kỳ nhông xanh lên và khóc nức nở:
– “ Sorry darling…, xin lỗi cưng ơi, sao họ có thể đánh cưng ra nông nỗi nầy…”
Quay sang các bạn VN mình, bà chủ vừa khóc vừa nói :
– Nó là một con vật rất dễ thương, nó không cắn hay làm hại ai cả, vậy sao các bạn lại đánh nó và làm nó bị thương trầm trọng thế nầy?
Câu trả lời của các anh em VN là:
– Có chứ, nó cằn phá rất nhiều trái dâu chín của Bà kia kìa…
– Không đâu, nó không hề phá hoại, nó chỉ đi kiếm ăn thôi mà…mà dẫu cho nó vừa ăn, vừa cắn phá chút ít thì nó cũng không làm hại ai cả, nó cũng không làm tôi nghèo, nó là người bạn rất dễ thương của chúng tôi, chúng tôi mời nó cứ thoải mái ăn kia mà… xin làm ơn đừng làm hại chúng nữa!

Nói xong, bà đã vội vàng bồng con kỳ nhông chạy nhanh vào nhà và gọi chồng bà tức tốc lái xe đưa con kỳ nhông đến “Vet” (bác sĩ thú y) để chăm sóc và trị liệu vết thương cho con kỳ nhông. Khoảng nửa giờ sau bà trở về với con kỳ nhông đã được băng bó ở chân và ở lưng, bà nhẹ nhàng đặt nó nằm giữa vồng dâu có nhiều trái chín nhất và ân cần nói:
– Bạn cứ ăn thoải mái nhé, tôi đã nói với họ rồi, họ sẽ không rượt đánh bạn nữa đâu, hãy mau chóng khỏe lại nhé, chúc may mắn !…

Qua chuyện con Kỳ Nhông ăn trái chín trên vồng dâu này, tôi tự hỏi :
– Từ tâm phát sinh từ đâu nhỉ? – Từ trong bản chất ? hay từ sự được dạy dỗ và khuyên bảo?
– Bản chất của người Việt chúng ta rất hiền từ nhân ái cơ mà?  
Nhưng có lẽ “ Cái khó nó bó cái khôn” việc gì cũng nghĩ đến cái lợi của mình, và có lòng tốt muốn bảo vệ của cải của người, nhưng lại vì cái lợi rất nhỏ nhoi mà có thể đánh mất đi cái từ tâm cao quý của bản chất con người !
– Sự dạy dỗ, khuyên bảo trong đối xử, chúng ta chỉ đặt nặng sự tử tế giũa con người với con người mà quên đi quyền sống của các loài vật khác cũng cần được tôn trọng và bảo vệ.

Câu chuyện đã xảy ra hơn 35 năm rồi, vẫn còn ghi đậm trong lòng tôi một nỗi niềm cảm phục tính nhân hậu của vợ chồng ông bà chủ farm dâu nói riêng và có lẽ của hầu hết những người Úc nói chung. Cám ơn rất nhiều, không phải chỉ bởi cuộc sống ở nơi đây mà thôi, mà những bài học về nhân ái của xứ sở nầy luôn là một dấu ấn đậm nét trong tâm thức của chúng tôi trên đất nước vô cùng xinh đẹp nầy.

Gia Hiếu