Showing posts with label Truyên ngắn. Show all posts
Showing posts with label Truyên ngắn. Show all posts

8/1/22

CON KỲ NHÔNG XANH TRÊN LUỐNG DÂU


Ở Úc họ trồng dâu tây (Strawberry) trên những luống đất thật dài, được bọc kỹ bởi một loại vải nhựa dệt thưa, nhưng có độ bền để có thể chịu đựng được nắng mưa, ờ giữa luống họ khoét những lỗ tròn trên tấm bọc đất, cây dâu được trồng vào đấy, và cứ thế luống dâu liên tục kéo dài. Những luống dâu chạy dài thành nhiều hàng trông thật đẹp mắt, thân cây dâu không phải là loại thân mộc, nằm xòe trên luống, nên khi ra trái, trái dâu sẽ được nằm trên luống đất đã được bọc kỹ bằng vải nhựa, nhờ thế mà trái dâu không bị tiếp xúc trực tiếp với đất, nên trái dâu chín sẽ không bị hư hoại.

Đám thanh niên VN tỵ nạn chúng tôi, những ngày mới đến Úc, chưa thể tìm một công việc thích hợp ngay, nên thường thì đành kéo nhau đi làm ở farm ( nông trại ) để kiếm tiền mà có thể dành dụm gửi về VN cho gia đình ở bên nhà. Đến mùa dâu thì đi hái dâu ở các farm dâu, nghe công việc đi hái dâu tưởng đâu là nhàn hạ và thơ mộng lắm, nhưng thật ra chúng tôi phải khom lưng suốt cả ngày, vì bởi như đã nói ở trên, dâu tây ra trái trên những luống dâu chỉ cách mặt đất chừng 3 tất, vì vậy người hái dâu phải đứng khom lưng bên vồng dâu, một cái khay được quàng ở khủy tay, tay kia thì hái trái, trong điều kiện là phải cong lưng xuống để hái, và cứ thế khom lưng đi lần theo chiều dài của vồng dâu mà tìm hái những trái dâu vừa chín đỏ lẫn trong đám lá dâu xanh…

Ôi, lứa dâu đầu mùa và cũng là lứa trái đầu tiên của loạt trồng mới nầy, nên trái nào trái nấy to tướng, chín đỏ, căng phồng, nhất là trong buổi sớm tinh mơ, lấp lánh dưới ánh nắng hồng qua những hạt sương mai còn đọng lại, trái dâu trông lại càng hấp dẫn làm sao… Chủ nhân của nông trại trồng dâu nầy, họ là một cặp vợ chồng người Úc chính thống, Farmer (nông gia) ở Úc không phải như những người nông dân chân lấm tay bùn ờ bên nhà, mà người chồng là một Kỷ Sư Nông Nghiệp chính hiệu, nên họ đối xử với đám tỵ nạn VN đi làm công chúng tôi rất ư là thân thiện, lịch sự, đầy hiểu biết và cảm thông, nhất là bà chủ nông trại, với một gương mặt hiền hòa, miệng luôn nở một nụ cười và kèm theo là những lời nói rất ân cần, tử tế…-“ Các bạn hái dâu, nếu thấy bất cứ trái dâu nào ngon nhất và nuốn ăn thì cứ hái ăn tại chổ tự nhiên nhé! Mình làm việc trên farm dâu mà không được ăn những trái ngon nhất thì cũng không hợp lý phải không? “  
Nghe những lời nói ấy, bọn chúng tôi thật thấy mát cả lòng, và cũng có cơ hôi để…tha hồ thưởng thức những trái dâu nào to nhất, mọng đỏ nhất và đặc biệt là với nụ cười rất ân cần của nhị vị chủ nhân thật dễ thương kia.

Vừa khom lưng lần theo luống dâu chạy dài, vừa tay làm và hàm nhai những trái dâu còn mát lạnh trong buổi sớm tinh sương, vừa trầm trồ xuýt xoa sao mà họ trồng giỏi quá, vụ dâu này họ thu hoạch chắc khẳm tiền…và đôi khi thả hồn đi lạc với nỗi buồn mênh mang của kiếp đời tỵ nạn, của phận đời lưu vong với những ngày mới đặt chân nơi xứ người…

Ồ, không được rồi, chuyện gì vậy?!  Những trái dâu chín đỏ trên vồng dâu được phát hiện là đã bị con gì ăn loang lổ khắp cùng, không phải một vài trái mà là cả một vạt dâu chín, trái nào cũng bị cắn dang dở rất ư là bực mình, người nầy nói với người kia, và hiện tượng lạ nầy đã được truyền nhanh đến nhiều người trên các vồng dâu khác…Và đây rôi, thủ phạm cắn phá dâu đã được một vài anh em người Việt tìm thấy là một con kỳ nhông xanh khá to và dài cỡ một cánh tay, đang “thoải mái” bò giữa luống dâu với những trái dâu bị cắn ăn loang lổ. Thế là phản ứng rất tự nhiên, một vài anh em đã bỏ khay dâu xuống và tìm nhặt những khúc cây quanh đấy, rồi hè nhau rượt đuổi và đánh đập chú kỳ nhông xanh kia không chút nương tay.

Lấy làm lạ với hiện tượng nhốn nháo ở ngoài farm, tiếng rượt đuổi, reo hò, tiếng đập cây bình bịch, bà chủ farm đã vội vàng chạy ra và hỏi: “ what’s the matter ? “ ( chuyện gì vậy? ) vừa chạy nhanh đến nơi những thanh niên người Việt với những khúc cây trên tay, bà đã sững sờ nhìn họ và thốt lên tiếng kêu thảng thốt “ Oh! My God “ khi bà nhìn thấy vẻ mặt hớn hở của mấy người kia, vì đã lập được thành tích với chủ nhân là đã tiêu diệt được kẻ phá hoại trên các vồng dâu chín nầy. Con Kỳ Nhông xanh đang nằm sóng soải trên mặt đất, với nỗi đớn đau quằn quại, không biết còn sống được không! Một vài anh em đã vội hái một số trái dâu bị cắn ăn dang dở, đưa cho bà chủ xem và nói:
– Bà xem đây nầy, may mà chúng tôi tìm thấy nó, chứ không thì nó sẽ còn phá hoại dâu của bà không biết bao nhiêu nữa đấy!
– Oh ! No, nó không phá hoại gì cả!
Vừa nói câu ấy xong để trả lời với mấy công nhân người Việt, bà chủ vừa quỳ xuống đất, đưa hai tay run rẩy bồng con kỳ nhông xanh lên và khóc nức nở:
– “ Sorry darling…, xin lỗi cưng ơi, sao họ có thể đánh cưng ra nông nỗi nầy…”
Quay sang các bạn VN mình, bà chủ vừa khóc vừa nói :
– Nó là một con vật rất dễ thương, nó không cắn hay làm hại ai cả, vậy sao các bạn lại đánh nó và làm nó bị thương trầm trọng thế nầy?
Câu trả lời của các anh em VN là:
– Có chứ, nó cằn phá rất nhiều trái dâu chín của Bà kia kìa…
– Không đâu, nó không hề phá hoại, nó chỉ đi kiếm ăn thôi mà…mà dẫu cho nó vừa ăn, vừa cắn phá chút ít thì nó cũng không làm hại ai cả, nó cũng không làm tôi nghèo, nó là người bạn rất dễ thương của chúng tôi, chúng tôi mời nó cứ thoải mái ăn kia mà… xin làm ơn đừng làm hại chúng nữa!

Nói xong, bà đã vội vàng bồng con kỳ nhông chạy nhanh vào nhà và gọi chồng bà tức tốc lái xe đưa con kỳ nhông đến “Vet” (bác sĩ thú y) để chăm sóc và trị liệu vết thương cho con kỳ nhông. Khoảng nửa giờ sau bà trở về với con kỳ nhông đã được băng bó ở chân và ở lưng, bà nhẹ nhàng đặt nó nằm giữa vồng dâu có nhiều trái chín nhất và ân cần nói:
– Bạn cứ ăn thoải mái nhé, tôi đã nói với họ rồi, họ sẽ không rượt đánh bạn nữa đâu, hãy mau chóng khỏe lại nhé, chúc may mắn !…

Qua chuyện con Kỳ Nhông ăn trái chín trên vồng dâu này, tôi tự hỏi :
– Từ tâm phát sinh từ đâu nhỉ? – Từ trong bản chất ? hay từ sự được dạy dỗ và khuyên bảo?
– Bản chất của người Việt chúng ta rất hiền từ nhân ái cơ mà?  
Nhưng có lẽ “ Cái khó nó bó cái khôn” việc gì cũng nghĩ đến cái lợi của mình, và có lòng tốt muốn bảo vệ của cải của người, nhưng lại vì cái lợi rất nhỏ nhoi mà có thể đánh mất đi cái từ tâm cao quý của bản chất con người !
– Sự dạy dỗ, khuyên bảo trong đối xử, chúng ta chỉ đặt nặng sự tử tế giũa con người với con người mà quên đi quyền sống của các loài vật khác cũng cần được tôn trọng và bảo vệ.

Câu chuyện đã xảy ra hơn 35 năm rồi, vẫn còn ghi đậm trong lòng tôi một nỗi niềm cảm phục tính nhân hậu của vợ chồng ông bà chủ farm dâu nói riêng và có lẽ của hầu hết những người Úc nói chung. Cám ơn rất nhiều, không phải chỉ bởi cuộc sống ở nơi đây mà thôi, mà những bài học về nhân ái của xứ sở nầy luôn là một dấu ấn đậm nét trong tâm thức của chúng tôi trên đất nước vô cùng xinh đẹp nầy.

Gia Hiếu

12/28/21

Người Đức và người Mỹ đã chia sẻ bữa tối Giáng sinh giữa Thế chiến II như thế nào?

Lính Mỹ trong Thế chiến II; Nguồn: historyofyesterday.com

 Câu chuyện diễn ra vào một đêm giáng sinh năm 1944. Vào thời điểm đó, tình hình chiến sự ở Châu Âu đã đảo chiều. Quân đội Đức ngày càng rơi vào trạng thái bất lợi, quân đồng minh đổ bộ vào đất liền qua Normandie, tiến hành phản công.

Tuy nhiên, Hitler không cam tâm. Vào ngày 16 tháng 12 -- 8 ngày trước lễ giáng sinh năm đó -- ông ta đã mệnh lệnh cho quân Đức đóng tại khu vực Ardennes của Bỉ phát động một chiến dịch, bất ngờ tấn công quân đồng minh, cắt đứt mạch cung ứng của đối thủ, ép quân đồng minh phải giảng hòa.

Đây là chiến dịch đẫm máu nhất trong Thế Chiến II. Chiến dịch kéo dài hơn một tháng với số lượng người thương vong quá lớn, gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên.

… …

Tại một nơi sâu hun hút trong khu rừng Hürtgen, một phụ nữ Đức tên Elisabeth Vincken dẫn theo cậu con trai 12 tuổi Frisbey lánh đến đây dựng một căn nhà gỗ ở tạm, bởi tiệm bánh của họ trong thành phố đã bị những trận oanh tạc trên không của quân đồng minh phá hủy tan tành.

12/11/21

TÀN DƯ TƯ BẢN

(Trích tự truyện “Nơi làng quê heo hút” )- Lê Đình Khẩn


Ảnh Tác giả
Sau sự kiện Tháng Tư, 1975, tôi rời đất Bắc vào kiếm sống ở miền Nam (Sài Gòn, Vĩnh Long).

Ở vùng đất mới này, có thời gian, tôi giống như một người nội trợ.
Đôi khi, tôi cảm thấy thú vị từ công việc chợ búa, mua bán này. Vì ở môi trường ấy, tôi biết thêm được nhiều thứ, về một xã hội tư bản cách đó chưa lâu , mà tôi chỉ biết qua sách báo xã hội chủ nghĩa miền Bắc từng mô tả..
Cái “văn hóa mua bán” của người miền Nam, khác người miền Bắc rất xa .
Sau năm 1975, ở miền Nam, tuy xã hội chủ nghĩa đã thay thế , nhưng “tàn dư chủ nghĩa tư bản”* vẫn còn “rơi rớt lại” rất nhiều.
Câu nói: “Thuận mua vừa bán”, luôn thể hiện rất rõ . Người bán không nói thách quá, hay hét giá, để rồi người mua phải cò kè bớt một thêm hai .
Hồi đầu, lúc mua cái gì đó ở chợ, ở tiệm, tôi cũng thường bắt chước người miền Bắc, mặc cả (trả giá). Nhưng đều được người bán nhẹ nhàng trả lời : “Giá nhứt định”.Có người còn giải thích thêm là, giá mua vào bao nhiêu, chỉ lời được bao nhiêu, và mong khách hàng hiểu cho. Nghe rất sòng phẳng, thỏa đáng, dễ chấp nhận.

11/15/21

NHỚ ĐÀ LẠT

ÐỖ DUY NGỌC
Hôm qua gặp gỡ nhóm bạn bè đã lâu không được gặp nhau từ khi Sài Gòn chớm dịch. Có người nhắc lâu rồi không đi chơi xa cùng nhau và gợi đến Đà Lạt. Và bỗng dưng nhớ vô cùng miền đất một thời mù sương đấy.

Tôi đến Đà Lạt lần đầu cách đây đã hơn 50 năm. Cuộc chạm mặt đầu tiên với thành phố đó làm tôi ngỡ ngàng. Hồi đó Đà Lạt còn đẹp lắm, không khác gì những thành phố nhỏ của nước Pháp. Khi xe vừa mới lên đến đèo Prenn, một ngọn đèo trên quốc lộ 20 ở cửa ngõ phía nam thành phố với những đồi thông và những tảng đá xếp lớp bên đường đi, lòng tôi đã xao xuyến và tự nhủ có phải đây chính là thành phố thường hiện về trong những giấc mơ của tuổi mới lớn của mình.

4/21/21

Tiết Nhơn Quý

Tiểu Tử

Trước ngày 30 tháng tư 1975, trong cơn sốt di tản, tôi chen lấn đẩy được vợ con lên trực thăng. Thằng Mỹ đen thòng người xuống, vừa kéo tôi lên vừa la lớn cho đồng bọn : ‘’Bốc lên! Bốc nhanh lên! Đầy ứ rồi!‘’

Chân tôi vừa chạm sàn trực thăng thì vợ tôi làm rớt cái xắc da xuống đám ngừơi đang xô đẩy nhau phía dưới. Như cái máy, tôi phóng xuống theo ! Khi tôi giành giựt lại được cái xắc thì chiếc trực thăng đã bay đi xa. Tôi ôm cứng cái xắc trứơc ngực, hổn hển nhìn theo mà nghe chết điếng trong lòng…

Nhờ bị rớt lại như vậy mà tôi còn giữ được nhà cửa xe cộ. Bởi vì những nhà khác - nhà những người đã di tản - đều bị đồng bào hôi của, rồi sau đó là bị Nhà Nước cách mạng tiếp thu. Cũng là một hình thức hôi của, nhưng… cao cấp hơn !

4/8/21

CHIẾC NÓN LÁ RÁCH.

Làm dâu được sáu năm, sanh ba cháu. Năm 1972 anh chị được chính phủ VNCH cấp căn nhà vùng ven đô nên đành phải xin Bố Mẹ cho ra riêng.

Đâu ngờ Có ngày 30/4 – Có thời “bao cấp”!

Như mọi người, gia đình nàng cũng rơi vào thảm cảnh. Khổ sở vì phải lo miếng cơm manh áo.

Từ “tiểu thơ nàng trở thành "con cò lặn lội bờ sông”.

Bươn chải đủ cách hầu đủ nuôi năm con với một chồng!

Và, vô tình học lóm đựơc nghề chầm nón lá từ bà hàng xóm. Nhờ vậy, nàng được có trong tay chiếc “cần câu” hầu kiếm cho cả nhà bữa cháo bữa rau. Cho các con còn có cơ hội được tiếp tục cắp sách đến trường, mót nhặt vài ba “cái chữ”. Tối tăm mặt mũi vì sinh kế, nên lâu lâu mới có dịp ghé thăm bố mẹ chồng.

Một lần đi mua vật liệu làm nón. Ghé lại nhà, thấy mẹ chồng cũng vừa đi “hàng” về tới. Nhìn bà đội chiếc nón lá sút vành rách bươm, nàng thấy xót xa trong lòng!

Ba ngày sau, nàng ”lái” chiếc xe đạp “cùn”, mang xuống biếu bà cái nón lá bài thơ, y chang của xứ Huế, nhưng do chính tay nàng làm. Bà cụ mừng quá, nhìn săm soi một hồi, gật gù tỏ vẻ ưng ý.

Nàng bảo mẹ lấy quai nón cũ đưa con thay cho. Bà cụ cầm vào trong buồng. Nghe tiếng sột soạt vọng ra. Sau đó, tiếng chân bà lên lầu.

Thấy bà trở xuống tay không. Nàng hỏi nón đâu rồi? Bà bảo: - Mẹ vừa bao lại, mang lên gác cất để dành. Nón cũ còn dùng được, chừng nào hết xài, tao sẽ đội nón mới. Công lao tụi bây bỏ ra, tỉ mỉ mấy ngày trời mới làm được chiếc nón mới đẹp thế, phải không?

Nghe bà nói vậy, nàng bảo: - Mẹ cứ lấy ra đi, mai mốt hư, con “châm” cái khác biếu mẹ. Ai đời, con châm nón bán cho người ta, để mẹ già phải đội chiếc nón ờ tơi tả thế kia!
Nói mãi nhưng bà vẫn không đổi ý. Cuối cùng nàng giả bộ “nói lẫy”: - Vậy mẹ đưa lại, con đem bán. Bao giờ nón cũ hết xài, con sẽ mang nón mới xuống đổi cho.

Đang vui, tự nhiên mặt bà xụ xuống, cặp mắt đỏ hoe, nhìn lên gác như muốn khóc! Nàng biết mình lỡ lời bèn xin lỗi mẹ.

Bà chẳng nói chẳng rằng, bỏ vào phòng nằm. Khi chào ra về, bà cũng không thèm quay mặt ra. Biết bà giận, nàng hối hận lắm!

Gằn bốn mươi năm sau, chuyện đó đã đi vào quên lãng. Cho đến một ngày đầu năm 2013, con nàng tới hỏi: - Cái bếp mua cho mẹ cả năm nay sao mẹ không mang ra xài? Cái gì cũng cất kỹ, toàn dùng những thứ mà - như người khác - họ đã bỏ vô thùng rác từ lâu rồi. Rõ số khổ!

Nàng giải thích: -Thời buổi khó khăn, cái gì còn dùng được, mẹ cứ tận dụng, đỡ tốn kém cho các con đồng nào hay đồng nấy. “Nó” tuy cũ nhưng chẳng có chi trở ngại. Cơm canh nấu vẫn chín đó thôi.

- Vậy con lấy bếp lại để cho người khác nghe?

Nét mặt nàng bỗng xụ xuống y như bà cụ mẹ chồng ngày xưa, khi nghe nàng nói đòi lại chiếc nón. Nhưng không chỉ giống đôi mắt đỏ hoe rướm lệ, mà nàng còn bật khóc…, khóc tức tưởi… ! Chồng, con xúm lại vỗ về, an ủi mãi mới tạm nguôi.

Vài ngày sau, nàng kể: Lúc đó bị chạm tự ái, tủi thân vô cùng. Mình cho chúng, lo cho chúng bằng cả cuộc đời. Nay về già, chúng biếu, tặng (hay gọi là cho cũng được) thứ gì, đều phải tuân theo sự “chỉ đạo”(!). Nếu không làm như ý, chúng đòi lại. Hỏi sao chẳng đau lòng?

Đêm ấy, trằn trọc khó ngủ. Ngồi bó gối, than vắn thở dài. Bỗng chợt nhớ lại câu chuyện chiếc nón ngày xưa. Mình cũng có những lời nói tương tự với Mẹ chồng. Mặc dù không ác ý, nhưng cũng đã phạm sai lầm, vì vô tình gieo Nhân xấu. Và hôm nay, hậu quả được lập lại “y khuôn” cũng chỉ là lẽ đương nhiên.

Ông bà dưới quê thường nói “Đời xưa quả báo thì chầy. Đời nay quả báo một dây nhãn tiền”. Mình nghiệm ra: ”Lỗi tại Ta” và cảm thấy nhẹ nhõm, bèn lại Bàn thờ, thắp nén nhang, khẩn thầm xin lỗi trước di ảnh của Bà:

“Bởi chiếc nó lá rách, con đã hơn một lần làm cho Mẹ đau khổ, như con vừa trải qua. Nay thì con đã hiểu. Cúi xin Mẹ niệm tình tha thứ!”

Ông Đồ Già