PHÁI NỮ VÀ CÔNG VIỆC
(Điều 23 Nam
nữ mỗi phái có đặc tính khác nhau nên vai trò thích hợp khác nhau. Nhận thức
đúng sự khác nhau này và giúp đỡ nhau hoàn thành vai trò giúp chúng ta sống hạnh
phúc và xã hội phồn vinh.) (1)
MATSUSHITA Kônosuke (*)
Dịch: Nguyễn Sơn Hùng
***
Nam nữ mỗi phái có đặc tính và vai trò khác nhau. Nhận thức
đúng sự khác biệt này và hoàn thành vai trò vốn nên đảm nhận của mỗi phái mới
là bình đẳng chân chính.(2)
Gần đây xã hội thường đề cập đến vấn đề bình đẳng của
nam nữ, và so với ngày xưa, số người nữ có nghề nghiệp ngoài xã hội đã tăng nhiều
lên. Tôi nghĩ tình trạng này có ý nghĩa rất lớn và là việc rất tốt.
Tuy nhiên, không chỉ hạn định trong vấn đề bình đẳng
của nam nữ mà ngay cả trong các vấn đề khác, cái gọi là bình đẳng không có
nghĩa là đối với ai, đối với việc gì cũng giống như nhau. Đối với con người
chúng ta, từng mỗi người một, ai cũng được trời ban phú cho thiên phận, đặc
tính của riêng mình, không giống với người khác. Cái gọi là bình đẳng là bình đẳng
ở việc đối với ai, trời cũng đều ban phú cho đặc tính riêng biệt, và chắc chắn
không có việc đặc tính cá nhân riêng biệt đều giống như nhau. Do đó, dù nói là
bình đẳng giữa nam nữ nhưng không phải là đối với việc gì nam nữ cũng phải suy
nghĩ, hành động giống nhau. Tôi nghĩ rằng mỗi phái cần phải phát huy đầy đủ các
đặc tính và vai trò của mỗi phái.
Trong thực tế, đặc tính và vai trò của người nam, người
nữ có thể xem khác nhau. Chúng ta thử làm rõ sự khác biệt này từ các hình ảnh
trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Con người dù nam hay nữ, nếu hỏi rằng việc sống độc
thân một mình suốt cả đời vốn có phải là hình ảnh nên có hay không, tôi nghĩ rằng
không phải như vậy! Do ý tưởng gì đó, cũng có người sống độc thân một mình
nhưng tôi nghĩ đó chỉ là ngoại lệ. Thông thường một đôi nam nữ sống chung nhau
với hình thức vợ chồng, phải chăng đó là hình ảnh vốn nên có của con người?
Như vậy, trong đôi vợ chồng, vai trò sinh con và nuôi
con lớn là đặc tính trời ban phú cho phái nữ; đối với phái nam không có đặc
tính này nên vai trò phải khác với phái nữ. Điều này có nghĩa, phái nam ra
ngoài xã hội làm việc và phái nữ giữ gìn, quản trị (3) gia đình là
vai trò chủ yếu của mỗi phái. Phân phối vai trò như thế thì vợ chồng trở nên một
thể và cùng nhau xây dựng gia đình lành mạnh, tôi nghĩ phải chăng đó vốn là
hình ảnh nên có của con người chúng ta để tạo ra sự phát triển của toàn thể xã
hội.
Tuy nhiên, trong quá khứ của Nhật Bản đã tồn tại cách
suy nghĩ nam trọng nữ khinh, và từ cách suy nghĩ này việc ra ngoài xã hội làm
việc được xem trọng, việc gìn giữ và quản trị gia đình bị xem thường đã trở
thành phong trào cả nước Nhật Bản. Tôi nghĩ đây là một điều sai lầm. Đối với sự
làm việc ngoài xã hội hoặc sự gìn giữ và quản trị gia đình, không nên có việc
xem trọng công việc này xem nhẹ công việc khác; cả hai cần phải được xem trọng.
Đối
với việc phân phối vai trò của nam nữ, cách suy nghĩ cả hai phải cùng nhau đảm
nhiệm mỗi vai trò và cùng nhau làm công việc như nhau cũng có thể thực hiện.
Tuy nhiên, trong thực tế, phái nam không có khả năng sinh con hay cho con bú sữa.
Ngoài việc sinh con và nuôi con lớn, nếu thêm vai trò của phái nam vào phái nữ,
nghĩa là thêm việc ra ngoài xã hội làm việc, thì gánh nặng của phái nữ trở nên
quá to lớn.
Do đó, tôi nghĩ phải chăng nam nữ nên phụ trách các
vai trò vốn khác nhau của mỗi phái, và cách suy nghĩ vai trò nào cũng cao quý
đáng kính là tự nhiên và trung thực. Ngoài ra, cũng căn cứ vào cách suy nghĩ
này, mỗi người sống với vai trò của mỗi người phải chăng là cách sống mang lại
hạnh phúc chân thật?
Tuy nhiên, điều tôi trình bày ở trên không có nghĩa
là phái nữ không nên ra ngoài xã hội làm việc. Như tôi đã trình bày ở đầu bài
viết, việc số người nữ có nghề nghiệp đang tăng lên là điều rất có ý nghĩa. Gần
đây, theo sự tiến bộ và đa dạng hóa của xã hội, các nghề nghiệp thích hợp với
phái nữ, và loại nghề nghiệp chỉ có phái nữ mới có thể đảm nhiệm trở nên có nhiều
hơn. Tôi nghĩ rằng việc dành cho phái nữ đảm nhiệm các công việc, nghề nghiệp
phát huy được các đặc tính của phái nữ cũng quan trọng đối với xã hội. Ngoài
ra, từ ý nghĩa để cho phái nữ biết cụ thể nội dung thực tế của xã hội, có lẽ việc
phái nữ làm việc ngoài xã hội trước khi kết hôn là một việc có ý nghĩa và nên
có.
Do đó, tôi nghĩ rằng từ đây việc phái nữ ra ngoài xã
hội làm việc cũng là điều tốt. Mỗi người cần phải biết đúng vai trò vốn nên đảm
nhận của phái nữ và đánh giá thích đáng vai trò này.
Việc phái nữ vốn ở trong gia đình và gìn giữ gia đình
là việc quan trọng; ý nghĩa của và trình độ quan trọng của công việc này cần phải
được nhận thức thích đáng hơn trong toàn thể xã hội, và cần được đánh giá cao
là việc cần thiết. Trên tiền đề này, tôi nghĩ việc phái nữ ra làm việc ngoài xã
hội cần nên được khuyến khích.
Tôi nghĩ rằng nội dung tôi trình bày ở trên phải
chăng cũng nhất trí với việc bình đẳng thực sự của nam nữ.
Nguyễn Sơn Hùng
4/5/2023
(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP
xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.
Nhận xét của người dịch
1. Bình đẳng của nam nữ là một vấn đề lớn và quan trọng.
Tuy nhiên trong bài viết tác giả chỉ đề cập đến khía cạnh của công việc, nghề nghiệp.
Về vai trò của phái nữ, người dịch nghĩ rằng ý kiến của tác giả đáng để chúng
ta tham khảo để suy nghĩ xem xét thêm. Ý tưởng của tác giả Matsushita Kônosuke
(1894~1989) trong bài viết tương tự như ý tưởng của Fukuzawa Yukichi 福沢諭吉 (1835~1901) trong
tác phẩm Phúc Ông Trăm Truyện (4) được viết trước đó khoảng 60 năm.
Do đó, chúng ta có thể suy đoán việc cải thiện vấn đề bình đẳng giữa nam nữ ở
Nhật Bản tiến triển chậm. Đây có thể nói là một đặc điểm học.
Fukuzawa Yukichi nhận thức vai trò phụ nữ rất quan trọng
nên ông cũng bỏ nhiều công sức để thúc đẩy việc sớm xây dựng các trường đại học
dành riêng cho nữ phái.
Đối với vai trò của nam nữ, người dịch nghĩ rằng thông
thường (5) tầm quan trọng của phái nữ cao hơn phái nam. Tại sao vậy?
Bởi vì đối với thành đạt, hạnh phúc sau khi trưởng thành của con cái và sức khỏe
của gia đình, ảnh hưởng của phái nữ (người mẹ hoặc người vợ) trong gia đình có
thể nói là to lớn nhất . Ảnh hưởng của việc thành đạt của con cái thông qua
giáo dục từ khi trẻ chào đời, không những chỉ xảy ra trong một đời của cái mà
còn có ảnh hưởng đến nhiều đời sau, con cháu của con cái. Con cái chúng ta được
giáo dục tốt, chúng sẽ biết nên giáo dục con cái chúng như thế nào. Theo ông
Ifuka Masaru井深 大(1908~1997), cùng với
ông Morita Akio 盛田 昭夫 (1920~1999) là người sáng lập Sony, cho rằng giáo dục trẻ em từ
trong bụng mẹ đến trước khi vào mẫu giáo rất quan trọng (6).
Sự an toàn và dinh dưỡng của thức ăn hàng ngày có ảnh hưởng
lớn đến sức khỏe của gia đình và các thói quen ăn uống của trẻ em từ nhỏ có ảnh
hưởng cả cuộc đời của chúng là điều quá rõ ràng thiết tưởng không cần phải nói
thêm ở đây.
Sau khi xem xét các phương pháp giáo dục trẻ thành công
trên thế giới, người dịch đưa đến kết luận rằng muốn xây dựng một quốc gia giàu mạnh không gì nhanh chóng và chắc chắn bằng
kiến lập một nền giáo dục tốt dành cho phái nữ dạy và huấn luyện cho đầy đủ kiến
thức về ăn uống, vệ sinh, sức khỏe, quản lý sinh kế gia đình, giáo dục con cái,
cách tạo dựng gia đình ấm cúng hạnh phúc, hạnh phúc chân thật là gì ....
Phần lớn người nam Nhật Bản suốt ngày phải “đầu tắt mặt tối”
với công việc (nhờ vậy kinh thế Nhật Bản mới khá) không có thời giờ trông nom
việc học hành của con cái, tất cả đều do người mẹ (nhờ vậy mà Nhật Bản có nhiều
nhân tài). Người mẹ nào biết trông nom con tốt thì con học giỏi, học trường tốt.
Có những người mẹ muốn con học được tốt phải dời nhà đi. Vợ người dịch được may
mắn làm quen được những người này và được họ hướng dẫn tận tình. Bản thân người
dịch cũng giống như những người nam của Nhật Bản.
Kế tiếp, sự an toàn và dinh dưỡng của thức ăn hàng ngày
có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của gia đình và các thói quen ăn uống của trẻ em
từ nhỏ có ảnh hưởng cả cuộc đời của chúng là điều quá rõ ràng thiết tưởng không cần phải nói
thêm. Không ít bệnh tật có nguyên nhân từ đồ ăn uống và thói quen ăn uống.
Nói như trên không có nghĩa ảnh hưởng của người cha không
có đối với con cái. Trong tác phẩm “Điều Quan Trọng của Bậc làm Cha Mẹ là gì?”
“ (2010), Matsushita Kônosuke viết “Để dạy dỗ tốt cho con cái, bậc cha mẹ trước
hết cần phải xác lập rõ ràng nhân sinh quan của mình.” Đầu bài viết “Thế Nào là
Người Cha?” trong tác phẩm “Nhân Sinh Đàm Nghĩa” (1990) ông viết đại ý như sau
“Về vấn đề trẻ em phạm pháp hoặc ăn hiếp người khác thường do không có mặt của
người cha trong gia đình. Vai trò của người cha trong việc giáo dục con cái quả
thật lớn!”
Bản thân của người dịch, trừ những cuối tuần và ngày lễ
ít khi dự buổi cơm chiều với con cái trong thời kỳ làm việc!
2. Trong
tình trạng giới trẻ hiện nay có khuynh hướng thích sống độc thân suốt cả đời hoặc
không thích có con, bài viết có giá trị tham khảo ở chỗ gợi ý cho chúng ta trở
về căn bản của vấn đề: thế nào là bình đẳng thật sự. Trở lại cơ sở từ đầu của vấn
đề thường giúp chúng ta thấy rõ đâu là vấn đề và từ đó dễ tìm ra phương pháp
thích hợp để giải quyết.
Tác giả đúng khi nói “sống hợp với đặc tính con người của
bản thân mới hạnh phúc”. Tuy nhiên, điều mà người dịch mong mỏi giới trẻ nên
lưu ý là một khi chúng ta sống trong xã hội, đồng thời với việc chúng ta có quyền
chọn lựa cách sống chúng ta thích nhưng chúng ta cũng cần nghĩ tới bổn phận,
trách nhiệm của chúng ta đối với xã hội. Bởi vì nhờ hiệp lực của các thành viên
trong xã hội chúng ta mới có thể sống theo cách sống chúng ta thích. Nghĩa là
nên nghĩ đến cả quyền lợi và bổn phận, nếu không chúng ta sẽ trở thành con người
rất ích kỷ.
Có những điều ban đầu chúng ta không thích, có lý do làm
cho chúng ta không thích. Nhưng chúng ta thử ra sức tập luyện, tu dưỡng thử một
thời gian, và xem xét nguyên nhân không thích, không tiến bộ ở đâu và thử cải
thiện. Sự cố gắng, kiên trì thường giúp chúng ta nâng cao được sức mạnh tinh thần
mà các sách xưa thường gọi là khí 気, trừu tượng khó hiểu.
Nguyễn Sơn Hùng
Viết xong 5/5/2023
Ghi chú
(1) Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do
người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác
giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.
(2) Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu
của mỗi bài.
(3) Trong nguyên tác, tác giả dùng từ trị nên ở đây dịch là quản
trị thay vì quản lý.
(4) Fukuzawa Yukichi (1897): “Nam Trọng Nữ Khinh ở Nhật Bản Chỉ là Hình Thức
Bên Ngoài”, truyện số 36 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện”.
https://www.erct.com/2-ThoVan/N-Son-Hung/36-Nam-trong-Nu-khinh.htm
Truyện số 24: “Vợ Chồng Nên Kính Trọng Lẫn Nhau”
https://www.erct.com/2-ThoVan/N-Son-Hung/24-Vo-chong.htm
Truyện số 7TT: “Một Gia Đình Văn Minh Phải là Một Tập Hợp
của Những Người Bạn Thân”
https://www.erct.com/2-ThoVan/N-Son-Hung/07-Mot-gia-dinh-van-minh.htm
(5) Ngoài “thông thường” là những người nam có thành quả
to lớn giúp ích nhiều cho xã hội.
(6) Ifuka Masaru (1971): “Chờ Đến Mẫu Giáo là Quá Trễ”.