"Cầu cổ tầm luận"(求古尋論), đọc sách Thánh Hiền và nghe lời dạy cổ nhân là một thành tựu của cuộc sống; "phân cam đồng vị" (分甘同味) chia sẻ cảm nghĩ và câu chuyện vui buồn trong sinh hoạt hằng ngày là một niềm vui của tuổi già. Hoặc nói nôm na, đem những câu chuyện đời trong trải nghiệm của cuộc sống để cùng tán cho vui.
Sách có câu "Văn dĩ tải đạo" (文以載道) là để chỉ việc sử dụng văn chương và ngôn từ để truyền tải đạo lý. Về lý thuyết là như vậy, nhưng trên thực tế chúng ta thường vấp phải vấn đề chỉ biết dùng văn tự mà không hề suy nghĩ về 'nghĩa thật' (the real meaning) hay xuất xứ của nó. Tại sao?: "cũng là sông lớn mà Hoàng Hà gọi là 'hà' (河) trong khi Dương Tử Giang, còn gọi là Trường Giang lại gọi là 'giang'?, xuyên (川) cũng là con sông dòng nước mà sao không gọi là hà hay giang"?
Được biết, Giang và Hà trong tiếng Trung Quốc đều có nghĩa là sông. Từ thời thượng cổ, người ta gọi tất cả các vùng có nước là "Xuyên" để thể hiện một con sông tương đối lớn, sau đó, tên gọi dần dần biến đổi thành là Giang và Hà. Nếu phân tích vấn đề này từ góc độ địa lý nhân văn, con người ở các vùng miền khác nhau thì có nền văn hóa và lối sống khác nhau nên cách nhìn nhận của họ về sự việc cũng khác nhau.
Đầu tiên, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra, thủy vực phía nam Trung Quốc được gọi là Giang, còn thủy vực ở phía bắc thì được gọi là Hà. Ví dụ điển hình chính là:
-Trường Giang, Chu Giang, Lệ Giang, Tiền Đường Giang, Kim Sa Giang, Cửu Long Giang ... đều nằm tại miền Nam.
-Hoàng Hà, Vị Hà, Hoài Hà, Kinh Hà, Ẩm Mã Hà, Thác lý Mộc Hà ... đều nằm ở miền Bắc.
Thứ hai, nếu quan sát kỹ hơn, đa phần các vùng nước nối với biển đều được gọi là Giang, ngược lại, sông hồ chảy sâu trong nội địa được gọi là Hà. Ví dụ điển hình chính là:
-Trường Giang chảy vào Biển Đông; Chu Giang chảy vào Biển Nam ...
-Hoàng Hà chảy vào Biển Bột Hải 渤海 (Tuy gọi là Biển nhưng dòng nước này nằm trong nội địa ở khoảng giữa bán đảo Sơn Đông và bán đảo Liêu Đông, Trung Quốc); Thác lý Mộc Hà chảy vào Hồ La Bố Bạc 罗布泊 (Hồ lớn tại nội địa tỉnh Tân Cương) ...
Cuối cùng, nói về đất đai, hệ sinh thái hai bên bờ sông Trường Giang quả thực rất phong phú, hơn nữa vì tiếng "Giang", hài âm với tiếng kêu của khổng tước (chim công), nên mọi người cho rằng Trường Giang là nơi đất lành chim đậu; ngược lại, âm đọc chữ Hà gần giống với tiếng hú của dã thú, bởi vì chúng ta đều biết rằng Hoàng Hà được mệnh danh là "con sông giận dữ" với dòng nước chảy mạnh cuồn cuộn. Hoàng Hà và các con sông có tên Hà khác hầu như đều xảy ra hạn hán và lũ lụt, không tốt cho mùa màng.
Thật ra, dù gọi Giang hay Hà đi chăng nữa thì đó cũng là kết quả của diễn biến văn hóa qua mấy nghìn năm lịch sử của Trung Quốc. Cũng như Định mệnh của dân tộc Việt Nam là định mệnh chia cắt. Một trăm năm Trịnh-Nguyễn phân tranh chẻ đôi đất nước với Đàng Trong và Đàng Ngoài. Rồi 87 năm dưới thời thực dân Pháp đất nước bị chia ba cho nên ba miền lại có nhiều điều không hiểu nhau. Rồi từ 1954-1975 đất nước lại bị chia đôi cho nên sự khác biệt về nhiều mặt lại gia tăng hơn nữa. Tuy nhiên, sự đa dạng của ngôn từ sẽ làm cho văn hóa Việt Nam phong phú hơn miễn là sự “đa dạng” đó người ta hiểu và chấp nhận, phổ biến rộng rãi.
Nói chung, phương ngữ là sản phẩm tất yếu của mọi cộng đồng ngôn ngữ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ví dụ:
Chớ sao nữa (miền Nam) chơ răng nựa (miền Trung) chứ sao nữa (miền Bắc).
Hoặc qua sư sưu tầm về âm và tự giữa Bắc và Nam, chúng ta thấy có sự khác biệt về văn tự giữa hai miền:
Bát và chén; cốc và y; béo và mập; bủn xỉn và kẹo; bố mẹ và ba má; dọc mùng và bạc hà; đánh chén và nhậu; được và đặng; kim cương và hột xoàn; lợn và heo; mình ơi và cưng ơi; nến và đèn cây; quả và trái; nũng nịu và nhõng nhẽo; thìa và muỗng; trứng vịt và hột vịt; vô duyên và lãng nhách; hỏng và hư ...
Đó là hiện tượng bình thường và là nhân tố tích cực của sự phát triển. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác (ngữ âm và nhiều từ riêng biệt) thì chúng vẫn được giữ gìn, bảo lưu từ đời này sang đời khác. Đó là tính bền vững, làm nên một nét riêng, nét đẹp của tiếng Việt Nam.
Kỳ thực, văn tự chỉ là phương tiện, chứ không phải cứu cánh.
Đạo khả đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh (道可道,非常道,名可名,非常名). Đạo mà có thể nói rõ ra được 'Đạo' là gì, thì Đạo không còn là Đạo nữa; cũng như nếu ta nói được 'Không' là gì thì Không không là Không nữa. Nếu có thể gọi được tên và danh, thì cái ý đối với mỗi người sẽ khác nhau, chẳng ai đúng chẳng ai sai. Cho nên, đừng lệ thuộc vào ngôn từ, phương thức để phán đoán và chia cách nhau. Nói thế không có nghĩa là chúng ta bỏ hết ngôn từ, chữ nghĩa. Ngôn từ, chữ nghĩa làm nên văn hóa và cuộc sống. Chỉ là, ta cần uyển chuyển dùng chúng với một con tim khiêm tốn và một tâm thức sáng láng. Chạy xe thì phải biết thắng, biết rồ ga. Nhưng khi nào thắng khi nào rồ ga, đó là nghệ thuật cũng là trí tuệ. Người lái giỏi, người lái dở, là ở đó.
Kinh Đại Phẩm Bát Nhã và kinh Niết Bàn đều có câu: “Bất khả thuyết” (不可說). Nghĩa là "không thể nói được." Thiền tông – nhấn mạnh rằng, các kinh nghiệm Giác ngộ (Kiến tánh) vượt qua mọi ngôn ngữ, văn tự. Người đã kiến tánh tương tự một "người câm nằm chiêm bao", không thể trình bày giấc mộng của mình cho người khác. Cũng vì lý do này nên các vị Thiền sư thường khuyên đệ tử không nên bám chặt vào văn tự trong kinh sách, cho rằng, kinh sách chỉ là "ngón tay chỉ Mặt Trăng, không phải là Mặt Trăng."
Đạo khả đạo phi thường Đạo của Lão Tử và Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền (不立文字,教外別傳) của Thiền Tông Phật giáo đã gặp nhau trong tư tưởng "Tâm pháp Không pháp" và "thật tướng vô tướng", khi Phật đưa tay cầm nhành sen vàng giơ lên trước đại chúng, mà tất cả đều ngơ ngác, duy chỉ có Ngài Ma-ha Ca-diếp đã nhìn Phật mỉm cười lãnh thọ Tâm pháp.
Pháp bổn pháp vô pháp, 法 本 法 無 法
Vô pháp pháp diệc pháp 無 法 法 亦 法
Kim phó vô pháp thời, 今 付 無 法 時
Pháp pháp hà tằng pháp. 法 法 何 曾 法。
Dịch :
Pháp, gốc pháp không pháp
Không pháp, pháp cũng pháp
Nay lúc truyền không pháp
Pháp, pháp chưa từng pháp.
Thân kính
Trường
10-28-2023
No comments:
Post a Comment