Một nhà hoạt động sinh viên Hong Kong bị kết án ba năm bảy tháng tù vì cho rằng lãnh thổ này nên theo đuổi độc lập khỏi Trung Quốc.
Tony Chung đã nhận tội ly khai và rửa tiền, nhưng vẫn khẳng định rằng anh "không có gì phải xấu hổ".
Chung là người trẻ nhất, 20 tuổi, bị kết án theo luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong cho đến nay.
Các cáo buộc liên quan đến việc Chung lãnh đạo nhóm ủng hộ độc lập Studentlocalism mà anh đã thành lập khi còn là sinh viên. Nhóm này vận động cho Hong Kong độc lập khỏi Trung Quốc.
Trước đây đó chỉ là quan điểm thiểu số, nhưng nó dần trở nên phổ biến hơn trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ làm rung chuyển thành phố vào năm 2019.
Chung cũng bị buộc tội sở hữu các tài liệu ủng hộ độc lập và các bài đăng trên mạng xã hội bị coi là bất hợp pháp theo luật an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, nhiều bài đã được đăng từ trước khi luật an ninh có hiệu lực. Điều này làm suy yếu cam kết của Hong Kong rằng các quy định sẽ không được áp dụng hồi tố.
Chung bị bắt cùng với hai nhà hoạt động khác gần lãnh sự quán Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 2020 bởi cảnh sát mặc thường phục. Những người ủng hộ nói rằng anh đang trên đường xin tị nạn chính trị tại thời điểm đó.
Thẩm phán Stanley Chan nói rằng Chung "đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy nền độc lập của Hong Kong".
Johnny Patterson, giám đốc chính sách của tổ chức nhân quyền Hong Kong Watch, phát biểu trong một tuyên bố rằng quyết định này là "không cân xứng, hà khắc và tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho những người Hong Kong trẻ tuổi khác, những người có tội duy nhất là sử dụng mạng xã hội để phản đối việc tước bỏ quyền tự do của Hong Kong".
"Ở tuổi 20, Tony Chung là người trẻ nhất bị kết án theo luật hà khắc này. Anh ấy sẽ không phải là người cuối cùng", ông nói thêm.
Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hong Kong vào tháng 6 năm 2020 sau khi phớt lờ luật của lãnh thổ này với sự đồng thuận của Đặc khu trưởng Hong Kong, Carrie Lam.
Đạo luật gây tranh cãi đã làm giảm quyền tự trị tư pháp của Hong Kong và giúp việc trừng phạt những người biểu tình và nhà hoạt động trở nên dễ dàng hơn. Luật cũng hình sự hóa việc ly khai, lật đổ và cấu kết với các thế lực nước ngoài và phải chịu mức án tối đa là chung thân.
Kể từ khi được ban hành, hơn 150 nhà hoạt động, nhà báo và chính trị gia ủng hộ dân chủ đã bị bắt theo luật, và có khoảng một nửa trong số họ bị buộc tội, AFP đưa tin.