11/19/20

Xem lại những hí họa của Chóe

Viết về hội họa có lẽ không ai có đủ “thẩm quyền” hơn các họa sĩ. Họ là những người trong nghề nên có những nhận xét chuyên môn mà những người “ngoại đạo” như tôi không thể nào có được. Muốn làm nhà phê bình hội họa lại càng khó hơn vì chưa chắc một họa sĩ tài hoa đã là một nhà phê bình xuất sắc.

Thế cho nên, bài viết này chỉ là một cái nhìn của người thưởng ngoạn những bức hí họa của họa sĩ Nguyễn Hải Chí (*) mà lâu nay ta biết đến qua cái tên Chóe trên báo chí.

Sự nghiệp hí họa của Chóe kéo dài qua hai thời kỳ, từ năm 1969 dưới thời VNCH và chấm dứt vào năm 2003 trong thời CHXHCN. 2003 là năm ông qua đời vì biến chứng của bệnh tiểu đường sau một thời gian bị lòa con mắt, đành phải “bó tay” xếp cọ. Họa sĩ mà mắt bị lòa thì cũng chẳng khác nào ca sĩ bị mất giọng.



Họa sĩ Chóe
(Ảnh Nguyễn Phong Quang)

Phòng ngừa bệnh Mất Dần Trí Nhớ.

Phúc trình mới nhất của chính phủ cho biết rằng thuốc bổ (supplements),hay thuốc chữa bệnh không giúp gì được cả trong việc ngăn ngừa bệnh Alzheimer, tức là bệnh mất dần trí nhớ, bệnh lú lẫn.

Đây là căn bệnh nhiều người già bị vướng phải, giống như trường hợp của cựu Tổng thống Ronald Reagan.

Nhưng nếu chúng ta đọc thật kỹ phúc trình của chính phủ, để ý đến những dòng chữ nhỏ, chúng ta sẽ tìm thấy được nhiều thông tín hữu ích trong việc gìn giữ những tế bào chất xám trong đầu không bị lão hoá.

Sự thực được báo cáo này đưa ra cho chúng ta thấy là không có hồ sơ chứng liệu nào cho biết thuốc chữa bệnh, hay thuốc bổ đem lại ích lợi cho việc chống lại căn bệnh quái ác này.
Nhưng ngược lại, phúc trình đó lại đưa ra những bằng chứng rõ ràng là nếu chúng ta chịu khó tập thể dục, tỏ ra năng động, ăn uống lành mạnh, giữ cho áp huyết thấp để máu có thể đưa lên não dễ dàng, chúng ta sẽ ngăn ngừa được bệnh mất trí nhớ.

11/18/20

Tạ Ơn Rừng

Tạ ơn rừng cho ta nguồn tâm sự,
Cội rễ muôn trùng thăm thẳm hoang vu.
Suối nỉ non bản trường ca tình tự,
Vách đá vang lời vọng cổ thiên thu.

Trăng cô đơn vẫn nằm nghiêng cửa động.
Đỉnh hồng hoang còn e ấp sương mù,
Tóc liễu buông dài thướt tha gió lộng,
Tiếng thì thầm trong lòng núi âm u.

Tạ ơn rừng cho ta đường cổ tích,
Dáng xuân sơn kiều diễm tự ngàn xưa.
Nét sử vàng chói lòa sườn thạch bích!
Hồn muôn năm uy liệt chẳng phai mờ!

Rừng trải bạt ngàn, tay rừng mở rộng,
Ôm giang sơn trong lòng Mẹ Âu Cơ.
Đứng hiên ngang giữa mưa trào gió lộng,
Ru hồn thiêng từ những buổi hoang sơ

Tạ ơn rừng cho hương hoa nguồn sống,
Muôn giải đường đèo, mây lướt thênh thang.
Ánh lửa bập bùng, tiếng cồng khua động,
Hồn núi oai hùng, hồn nước mênh mang!

Ta ở nơi đây nhớ rừng nhớ núi,
Năm tháng kéo dài cuộc sống lê thê...
Một mai hoa vàng nở bên bờ suối,
Rừng thiêng ơi, ta sẽ trở về!

Trần Quốc Bảo

11/17/20

Donald Trump Định Đảo Chính Bằng Mạng Xã Hội ?

Quốc Bảo, THDCDN (Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)

Cái giá phải trả cho chủ nghĩa dân tuý không rẻ nhưng may còn có hiện tượng Trump để người ta nhận ra sự cẩn trọng cần thiết với mạng xã hội. Sớm hay muộn thế giới cũng phải cho ra đời bộ qui tắc ứng xử trên mạng xã hội để những tin tức giả, thuyết âm mưu và các cáo buộc vô căn cứ không còn tác yêu tác quái như hiện nay.



Không chấp nhận kết quả bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3/11/2020, tổng thống đương nhiệm Trump đã liên tục lên Twitter tung ra các cáo buộc bầu cử gian lận. Cùng với việc sa thải Bộ trưởng bộ quốc phòng Mark Esper và bổ nhiệm Christopher Miller, Trump đang làm dấy lên sự lo ngại về đảo chính quân sự. Nhưng có nhiều khả năng, sự lo ngại đó là hơi quá. Điều cần cảnh giác với thế giới dân chủ là mạng xã hội, công cụ để trục lợi của các chính trị gia dân tuý.

Sau khi chia rẽ nước Mỹ nói chung và phần nào là cả thế giới nói chung, một cách trầm trọng, đến cuối đời, Trump cũng góp phần “hàn gắn” nước Mỹ và tặng cho thế giới dân chủ bài học quan trọng là cần cẩn trọng với mạng xã hội. Trump đã sa thải các nhân vật quan trọng trong Nhà Trắng theo phong cách “rất Trump”: Lên Twitter thông báo. Hôm rồi là Bộ trưởng quốc phòng Mark Esper. Sắp tới, có thể là các vị trí quan trọng khác trong nội các. Có nhiều khả năng, sẽ sớm thôi, những viên chức cao cấp bị sa thải sẽ chống lại sếp cũ của họ, theo cách không thể tệ hơn, cả về mặt con người lẫn pháp lý, và đó là cách những người có hiểu biết bảo vệ chính bản thân họ và cho nước Mỹ. Khi có cùng chung một mối lo sẽ tạo ra những đoàn kết không ngờ.

Trump đã sa thải Bộ trưởng quốc phòng Mỹ qua một thông báo ngắn trên Mạng xã hội Twitter.


Trump là một mối lo, một sự cảnh tỉnh hơn là một mối nguy thực sự về nhận thức và nguy cơ đảo chính. Chưa đến mức đó. Cảnh giác là cần thiết. Trong một thể chế dân chủ, đạo đức là giá trị cao nhất và là điều kiện bắt buộc để có thể tồn tại. Đạo đức đến từ giáo dục. Giáo dục đến từ niềm tin và tính chân thiện mỹ phổ quát của con người. Mất đi đạo đức, nền cộng hòa sẽ bị hủy hoại và chuyên chế sẽ lên ngôi.

Người ta liên tưởng với Trump, chủ nghĩa phát xít đang quay trở lại. Trump đang bình thường hóa sự độc tài là đúng. Nhưng không đủ. Trump chỉ mới manh nha điều đó. Phát xít và độc tài cần cả một quá trình xây dựng hình tượng trên một nền dân trí thấp cũng như sự thiếu vắng của đối lập chính trị. So với phát xít và độc tài, Trump chỉ hơn ở mạng xã hội, nhưng còn thua về bản lĩnh và uy quyền cần có của một tổng thống chuyên chế. Tuy vậy vẫn cần thận trọng vì Trump là một diễn viên bậc thầy.

Từ sau thế chiến thứ Hai, Trump có lẽ là nhân vật đáng nói tới nhất. Không phải vì năng lực chính trị của Trump mà vì dù không có năng lực chính trị vẫn trở thành người đứng đầu hệ thống chính trị của siêu cường số một thế giới. Trump là người ở thế hệ cũ, có tài năng trong lĩnh vực diễn thuyết, nắm bắt tâm lý đám đông, tập hợp và dẫn dắt quần chúng theo ý mình…đó là những điều phải lưu tâm. Với mạng xã hội và khả năng diễn xuất, Trump tạo ra cảm xúc mạnh mẽ, nỗi lo lắng, sự thù ghét, vui buồn cho fan của mình. Chính trị đã thành một rạp xiếc.

Mạng xã hội là một công cụ đắc lực và tuyệt vời cho các chính trị gia dân tuý. Nó tạo ra một sân khấu ít tốn kém mà hiệu quả cao cho các nhạc công lọc lõi như Trump. Bằng cách quy tụ người dùng theo dõi, một chính trị gia có thể tác động đến đám đông thời 4.0 theo đúng những gì các chính trị gia tác động lên đám đông bằng diễn thuyết từ cả thế kỉ trước, nhưng ở mức độ cảm xúc nhanh và thời sự hơn rất nhiều. Câu từ dễ nhớ, ngắn gọn, đánh trực diện vào tâm lý, mơn trớn và chiều chuộng đám đông. Sẽ chẳng ai đánh giá chương trình hành động, đạo đức hay logic của Trump. Mạng xã hội đâu có được thiết kế để đánh giá chương trình chính trị. Đám đông chỉ nhớ những gì của cảm xúc. Chương trình hành động của Trump nếu tái đắc cử là gì? Ngay cả Trump cũng không biết và không bận tâm.




Sớm hay muộn thế giới cũng phải cho ra đời bộ qui tắc ứng xử trên mạng xã hội để những tin tức giả, thuyết âm mưu và các cáo buộc vô căn cứ không còn tác yêu tác quái như hiện nay

Mỹ là quốc gia tạo ra hai mạng xã hội lớn nhất thế giới. Người Mỹ tiên phong khai phá nhu cầu giải trí và kết giao ảo thì cũng sẽ tiên phong trong nhu cầu kiểm soát phát sinh khi nó bị lạm dụng. Đó không chỉ là vấn đề của niềm tin mà còn là quy luật của các chu trình phát triển và suy tàn. Đó cũng không hẳn là vấn đề đạo đức mà còn là quy luật của kinh doanh. Cái giá phải trả cho chủ nghĩa dân tuý không rẻ nhưng may còn có hiện tượng Trump để người ta nhận ra sự cẩn trọng cần thiết với mạng xã hội. Sớm hay muộn thế giới cũng phải cho ra đời bộ qui tắc ứng xử trên mạng xã hội để những tin tức giả, thuyết âm mưu và các cáo buộc vô căn cứ không còn tác yêu tác quái như hiện nay.

Ngay cả khi đang tại vị, Trump cũng đã không thể triển khai Đạo luật Chống nổi loạn 1807 để đưa quân đội chống biểu tình trong phong trào Black Lives Matter (Cuộc sống người da đen cũng quan trọng) hồi tháng 6-2020. Vì vậy bất luận thế nào Trump cũng không thể đảo chính bằng quân đội chỉ vì lí do gian lận bầu cử. Nếu lo lắng như thế là xem thường nước Mỹ.

Sẽ không quá bất ngờ khi Trump bị hạ bệ một cách bẽ bàng và không thương tiếc. Ông ta sẽ đối diện với pháp lý và sẽ tiếp tục thất bại trong kinh doanh sau khi không còn là tổng thống. Đó là cái họa từ chính tính cách của Trump.

Quốc Bảo 
(11/11/2020)

Tản mạn cháo Tây, cháo Tàu, cháo ta

 Có một lần cũng lâu rồi, có một cô bạn dịch bài về ẩm thực Việt Nam cho một tờ báo tiếng Anh hỏi tôi từ “cháo” dịch sang tiếng Anh như thế nào? Tôi lúc đó chủ quan nên bảo với cô ấy “cháo” dịch tiếng Anh là “porridge” mà không suy nghĩ gì nhiều. Đến khi cô ấy đưa bài dịch của mình đã được đăng báo cho tôi xem thì tôi mới giật mình, vì món cháo mà bạn tôi hỏi là “cháo vịt Thanh Đa” mà dịch ra “duck porridge” thì sai bét. Sau lần đó tôi tự trách mình rất nhiều về sự ẩu tả của mình và cũng chính vì vậy mà tôi trở nên cẩn thận hơn rất nhiều, vì đúng là sai một ly đi một dặm.


Trong tiếng Anh có đến ba từ để nói về cháo. “Porridge” là từ để chỉ cháo trắng đặc được nấu từ gạo hoặc yến mạch gần giống như cháo trắng mà chúng ta hay dùng để ăn chung với hột vịt muối. Các nước phương Tây cũng ăn porridge nấu rất đặc vào buổi sáng cho thêm tí muối tiêu với trứng tráng hoặc xúc xích nhỏ.

Còn cháo hoa (cháo nấu với ít gạo và nhiều nước để hạt gạo nở ra như hoa) và thường nấu chung với thịt thì được gọi là “congee” hoặc “rice soup”. Để nói về món cháo vịt, đáng lẽ phải gọi là “duck meat congee” hoặc “duck meat rice soup” mới đúng. Quả thật, có những cái mình nghĩ rằng mình biết rồi nhưng vẫn sai như thường.



Trở lại với cháo, lúc nhỏ tôi rất ghét ăn cháo vì cháo vừa nhạt vừa loãng, ăn xong cũng như chưa ăn, không được chắc bụng như ăn cơm. Tôi né tất cả các thể loại cháo từ cháo trắng ăn với thịt kho tiêu mỗi khi bị bệnh, cho tới cháo gà, cháo vịt, cháo lòng, cháo cá…

Trong đó, món cháo mà tôi ghét nhất là cháo trắng của người Tiều. Không như cháo trắng của người Việt bán ở các xe cháo khuya ăn cùng với dưa món, hột vịt muối hoặc thịt cá kho tiêu, vốn là cháo trắng nấu đặc; cháo trắng của người Tiều nấu rất loãng, bảy phần nước và ba phần gạo, nấu tới hạt gạo nở bung ra gần như nát nhừ, ăn chả có mùi vị gì cả.



Người Tiều ăn cháo gần như trong mọi bữa ăn. Buổi sáng của người Quảng Đông, sang thì điểm tâm với đủ thứ há cảo xíu mại, bình dân thì cũng tô hủ tíu mì hay cái bánh bao; còn buổi sáng của người Tiều thì ăn cháo loãng với cà na muối, hột vịt muối hoặc cải xá bấu muối thật mặn. Sang hơn tí thì người Tiều có thêm cặp dầu cháo quảy là xong bữa ăn sáng. Buổi trưa và buổi chiều thì họ lại tô cháo loãng được múc ra húp thay canh. Ngay cả những quán bán đồ ăn người Tiều cũng luôn có nồi cháo trắng kế bên nồi cơm.


Hồi còn nhỏ, mỗi lần dẫn tôi đi ăn cơm Tiều, ba tôi luôn kêu thêm chén cháo trắng để húp với ít nước thịt kho còn lại. Khi tôi tỏ vẻ không hứng thú với việc húp chén cháo trắng nhạt thếch lõng bõng này, ba tôi hay bảo: “Hồi ba còn nhỏ, a dè a mà (ông nội bà nội) nghèo lắm, cả nhà bảy tám anh chị em, mỗi người chỉ có dách gủn pạc chúc (một chén cháo trắng) và pun che hàm tản (nửa cái trứng vịt muối) thôi.”

Ba tôi chẳng bao giờ dạy cho tôi nói tiếng Quảng Đông một cách bài bản mà luôn có cách nói chuyện nửa Việt nửa Quảng như vậy, con cái hiểu thì hiểu không hiểu thì thôi. Vậy mà cuối cùng tôi cũng nói được tiếng Quảng.

Người Tiều không chỉ ăn cháo trắng mà còn có cả cháo lòng với đầy đủ tim gan cật ruột cũng gần giống như cháo lòng của người Việt; nhưng lòng xắt lát mỏng để bên ngoài chứ không nấu trong nồi như cháo lòng của người Việt, khi nào khách gọi thì mới trụng qua cháo rồi cho vào tô.




Nước cháo được nấu bằng mực, nấm rơm và xương ống nên rất ngọt và thơm. Người Tiều ăn cháo lòng cũng thường thêm dầu cháo quảy như người Việt nhưng không bỏ giá và ớt mà bỏ rất nhiều hành lá xắt nhỏ, tiêu xay, gừng tươi xắt sợi và một ít dầu mè.

Cũng như ăn hủ tiếu mì, người Hoa ăn cháo thường nêm thêm giấm đỏ và nước tương chứ không nêm nước mắm. Không chỉ có cháo lòng mà cháo cá, cháo mực, cháo thịt bằm hoặc cháo tôm viên khi ăn cũng nêm nếm như vậy: gừng tươi, dầu mè, tiêu, xì dầu và giấm. Cháo lòng kiểu người Tiều hồi đó tôi cũng có ăn một vài lần ở chợ Bàn Cờ quận 3 nhưng vì không hảo cháo lắm nên lâu rồi cũng không ăn lại.


Dân sành ăn tối Sài Gòn – Chợ Lớn chắc ít người không biết tới quán cháo thập cẩm ở bùng binh Soái Kình Lâm kế bên chợ thuốc bắc Phùng Hưng. Cháo ở đây nấu theo kiểu người Quảng Đông là cháo trắng nấu đặc và ăn với tôm, mực, da heo, gan, cật, phèo nên gọi là “chạp chúc” (cháo thập cẩm).

Thật ra gọi là “thập cẩm” không đúng lắm vì “chạp cẩm” dịch ra tiếng Việt là “tạp cẩm” mới đúng. Có lẽ chữ “tạp” nghe có vẻ hổ lốn và hỗn tạp quá nên người Việt mới gọi là “thập cẩm” cho sang hơn.


Theo lời kể của những người sống lâu ở Chợ Lớn thì quán cháo Đèn Năm Ngọn (tên cũ của khu Soái Kình Lâm) này đã có từ rất lâu đời rồi, nếu tính tới nay chắc cũng không dưới năm sáu chục năm. Hồi nhỏ, ba tôi hay chở tôi ra đây ăn, nhưng quán cháo này gắn với một kỷ niệm khá kinh dị nên tôi không bao giờ quay trở lại ăn nữa, dù thỉnh thoảng thèm món Hoa, tôi vẫn chở bà xã đi vòng vòng Chợ Lớn ăn lại những quán gắn liền với ký ức tuổi thơ của mình.

Có một lần khi đang ngồi ăn với ba mẹ tôi ở quán cháo đó, có một cậu bé trạc tuổi tôi lúc đó (5-6 tuổi) bán vé số mời mua. Và khi nhìn lên thì tôi suýt nữa hét toáng lên vì sợ: cánh mũi của cậu bé này không biết bị ai cắt mất chỉ còn hai cái lỗ sâu hoắm nhìn vừa đáng thương vừa đáng sợ. Hình ảnh đó ám ảnh tôi tới ngày hôm nay đến mức tôi không dám ăn lại quán cháo đó lần nào nữa cho dù đã hơn 30 năm rồi.

Dạo mấy năm gần đây tôi lại đổi tính thích ăn cháo. Nhiều lúc cảm thấy mệt trong người hoặc chỉ là đơn giản không muốn ăn cơm thì một chén cháo trắng và nửa cái hột vịt muối luộc hoặc tí thịt kho tiêu mặn cũng có thể giải quyết cơn đói và nhẹ người.

Cầu kỳ hơn một tí thì cho cái trứng hột vịt bắc thảo và tí thịt bằm vào trong nồi cháo quấy lên. Tôi thích ăn trứng bắc thảo nấu chung với cháo hoặc chưng cùng với trứng vịt tươi, trứng vịt muối tạo thành món trứng 3 màu ăn chung với cơm hay cháo gì cũng rất ngon.




Hột vịt bắc thảo (tiếng Quảng Đông gọi là pì tản) ai ăn không quen thì nhìn hơi sợ sợ vì cả quả trứng đen bóng và có mùi ngai ngái của amoniac, nhưng khi đã quen rồi thì sẽ ghiền vì vị béo béo bùi bùi rất đặc trưng.

Hồi còn ở Mỹ có lần tôi nấu cháo trứng vịt bắc thảo mời cô bạn người Nhật ăn thử. Cô lúc đầu còn ngại vì thấy màu cháo đen thui nhưng khi ăn một chén thì tự động vô nồi múc thêm chén nữa. Bởi vậy mới nói, không phải cứ là sơn hào hải vị mới ngon mà đôi khi những thứ dân dã đơn giản nếu hạp khẩu vị vẫn ngon hơn yến sào bào ngư vi cá vậy.

Huỳnh Chí Viễn (Giáo viên, Dịch giả)


Lá thư Tôn Vận Tuyền để lại cho các con

Lá thư Tôn Vận Tuyền để lại cho các con – Một lá thư đáng đọc

Tôn Vận Tuyền (孫運璿, Sun Yun-Suan, 10/11/1913 – 15/2 /2006) , một nhà kinh tế, một chính trị gia Đài Loan, xuất thân là kỹ sư, quê ở Bồng Lai, Sơn Tây (Trung Quốc). Ông tốt nghiệp ngành Công nghệ điện tại Đại học Công nghệ Harbin (Harbin Institute of Technology). Từ năm 1937 đến 1940 ông làm việc tại Hội đồng tài nguyên quốc gia (National Resources Commission). Ông được gửi đi tu nghiệp tại Tennessee Valley Authority (Hoa Kỳ) từ năm 1943 đến 1945. Ông làm Bộ trưởng gần 20 năm ở các bộ Giao thông vận tải, Truyền thông và Bộ Kinh tế . Ông là Bộ trưởng Bộ Kinh tế từ năm 1969 đến 1978, sau đó được bầu làm Thủ tướng Đài Loan (Premier of the Republic of China ) từ năm 1978 đến 1984. Ông có công xây dựng Mười dự án siêu cấu trúc , trong đó có sân bay quốc tế Chiang Kai-shek International,Nhà máy Điện hạt nhân số 1, đường cao tốc Quốc gia Tôn Dật Tiên (Sun Yat-sen National Expressway) Viện nghiên cứu Công nghiệp Quốc gia (Industrial Technology Research Institute) và Công viên Công nghệ khoa học Tân Trúc (Hsinchu Science-based Industrial Park)… Nhờ những biến đổi có tính cách mạng này mà từ những năm 60 của thế kỷ trước, Đài Loan đã trở thành nơi xuất khẩu mạnh mẽ các loại hàng dệt may, giầy dép, đồ nhựa, nông sản phẩm, công nghệ hóa dầu, thiết bị cơ khí và đặc biệt là các linh kiện điện tử. Ông được coi là một trong những người tạo ra sự bứt phá về Công nghệ và Kinh tế ở Đài Loan .

Ngày 24 tháng hai năm 1984 ông bị đột quý do xuất huyết não và sau khi phục hồi chỉ có thể ngồi trên xe lăn. Tháng 2 năm 2006 do bị biến chứng, ông đã qua đời tại Đài Bắc, hưởng thọ 92 tuổi . Ngoài các trước tác về Kinh tế, Chính trị, tôi quan tâm đến một bức thư ông để lại cho các con của ông. Một bức thư giản dị nhưng thật chân tình và sâu sắc. Tôi xin phép được giới thiệu lại cùng các bạn bức thư này:

“KIẾP SAU( NẾU CÓ) DÙ THƯƠNG HAY KHÔNG THƯƠNG, CŨNG KHÔNG CÒN DỊP GẶP LẠI NHAU ĐÂU”

Tôn Vận Tuyền đã để lại những lời căn dặn như sau:

Các con thân mến, viết những điều căn dặn này, cha dựa trên 3 nguyên tắc như sau :

1. Đời sống là vô thường, không ai biết trước mình sống được bao lâu, có những việc cần , nếu được nói ra sớm để hiểu thì hay hơn.

2. Cha là Cha của các con, nếu không nói ra thì chắc không ai nói rõ với các con những việc này đâu!

3.Những điều căn dặn để ghi nhớ này là kết quả của bao kinh nghiệm xương máu, thất bại đắng cay trong cuộc đời của chính bản thân mà Cha ghi nhận được, Nó sẽ giúp các con tránh những nhầm lẫn hoang phí trên con đường trưởng thành của các con.

Dưới đây là những điều nên ghi nhớ trong cuộc đời :

1. Nếu có người đối xử với con không tốt, đừng thèm để tâm cho mất thời giờ. Trong cuộc đời nầy, không ai có bổn phận phải đôi xử tốt với con cả, ngoại trừ cha và mẹ của các con. Nếu có người đối xử tốt với con, ngoài việc các con phải biết ơn, trân quý, các con cũng nên thận trọng một chút, vì người đời thường làm việc gì cũng có mục đích của nó, chớ có vội vàng cho là bạn tốt của mình ngay.

2.Không có người nào mà không thể thay thế được cả; không có vật gì mà nhất thiết phải sở hữu, bám chặt lấy nó. Nếu hiểu rõ được nguyên lý nầy, thì sau nầy trong cuộc đời, lỡ người bạn đời không còn muốn cùng đi trọn cuộc đời, hay vì lý do gì con bị mất đi những gì trân quý nhất trong đời con, thì cũng nên hiểu: đó cũng không phải là chuyện trời sập.

3. Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay ta để lãng phi thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi!. Cho nên, nếu ta càng trân biết quý sinh mạng của mình càng sớm, thì ta được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn. Trông mong được sống trường thọ, chi bằng mình cứ tận hưởng cuộc đời mìmh ngay từ bây giờ.

4.Trên đời nầy chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Aí tình chẳng qua là một cảm xúc nhất thời, cảm giác nầy tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà biến thiên, thay đổi. Nều người yêu bất diệt rời bỏ con rồi, hãy chịu khó nhẫn nại một chút, để thời gian dần dần trôi qua, để tâm tư mình từ từ lắng đọng, cái đau khổ cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi. Không nên cứ ôm ấp cái ảo ảnh yêu thương mãi, cũng không nên quá bi luy vì thất tình.

5.Tuy có nhiều người trên thế giới này thành công, nổi tiếng mà chẳng có học hành nhiều, chẳng có bằng cấp cao, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không cần học hành nhiều sẽ thành công. Kiến thức đạt được do việc học hành, giáo dục là vũ khi trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự nghiệp với bàn tay trắng, nhưng không thể trong tay không có tấc sắt. Nên nhớ kỷ điều nầy !

6. Cha không yêu cầu các con phải phụng dưỡng cha trong nửa quãng đời còn lại của cha sau nầy. Ngược lại, cha cũng không thể bao bọc nữa quãng đời sau này của các con. Lúc các con đã trưởng thành, độc lập, đó cũng là lúc cha đã làm tròn thiên chức của mình. Sau nầy các con có đi xe Bus công cộng hay đi Auto nhà, các con ăn soup vây cá hay ăn mi gói, đều là trách nhiệm của các con.

7. Các con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ TÍN, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ TÍN với mình. Các con có thể yêu cầu mình phải đối xử TỐT với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử TỐT với mình. Mình đối xử người ta thế nào, không có nghiã là nguời ta sẽ đối xử lại mình như thế , nếu không hiểu rõ được điều nầy, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền cho mình.

8.Trong mười mấy, hai mươi năm nay, có người tuần nào cũng mua vé số, nhưng vẫn nghèo trắng tay, điều nầy chứng minh: muốn phát đạt, phải siêng năng làm ăn mới khá được. Trên thế gian nầy không có cái gì là miễn phí cả.

9.Sum họp gia đình, thân thích đều là duyên phận, bất luận trong kiếp nầy chúng ta sống chung với nhau được bao lâu ,như thế nào, nên trân qúy khoảng thời gian chúng ta được chung sống với nhau, kiếp sau (nếu có), dù ta có thuơng hay không thương, cũng không có dịp gặp lại nhau đâu.

Do Nguyễn Đức Trọng chuyển lên DĐ

*****
Mạn đàm
Lý Trinh Trường K5


Các bạn và anh Kim thân mến,

Hai hôm trước, hưởng ứng bài "lá thư gửi các con" (父親的信) của anh Kim giới thiệu, tôi có gửi một bài văn ngắn Hoa ngữ (看淡人生) nhưng quên dịch ra chữ Việt, nay xin bổ túc bài phiên dịch. Mong các bạn thích ý.

Cuộc Đời Đạm Bạc (看淡人生)

Mỗi người mình gặp gỡ trong đời đều có duyên cớ nhân duyên.

- Người thích mình cho mình ấm áp và dũng khí.

- Người mình thích cho mình biết tình thương và kính mến.

- Người mình không thích dạy mình sự bao dung và tôn trọng.

- Người không thích mình cho mình học "tự kiểm thảo" và trưởng thành.

Bởi vì không chấp, cho nên vui vẻ; bởi vì đạm bạc, cho nên hạnh phúc.

Chúng ta đều là khách qua đường, không thể làm chủ nhiều chuyện đời: ví dụ _ thời gian qua đi, người phải xa lìa...

Ba dấu chấm của chữ tâm Hoa ngữ “心” đều hướng ngoài, càng muốn giữ nó, nó càng dang xa.

Mọi việc tùy duyên, duyên sâu đậm thì tụ, duyên nông cạn thì tan. Nhìn đời đạm bạc bao nhiêu, đau khổ sẽ giảm bớt bấy nhiêu.

Mọi người đều muốn trí mình sáng, kỳ thực ở đời phải biết du di, tương đối, không nên quá chấp, cực đoan:

- Nấu cháo, 3 phần gạo, 7 phần nước.

- Ở đời, 3 phần vì mình, 7 phần vì người khác.

- Với bè bạn, 3 phần thận trọng, 7 phần khoan dung.

- với gia đình, 3 phần tình thương, 7 phần trách nhiệm.

- Đọc văn chương, 3 phần thưởng thức, 7 phần suy ngẫm.

- Uống rượu, 3 phần say, 7 phần tỉnh.

Đọc sách, nhưng nhìn thấu được thế giới là ta bà.

Pha trà, nhưng nhấm nháp được sinh hoạt của hồng trần.

Nhấp rượu, nhưng cảm được là đắng cay cuộc đời.

Mỗi hành trình trong đời sống đều là một cuộc trải nghiệm.

Núi có chiều cao, biển có độ sâu, không cần so bì, mỗi người đều có sở trường của mình; gió nó phiêu bạc, mây nó bềnh bồng, không cần dõi bước, mỗi người đều có đặc thù của riêng mình.

Trân quí duyên lành, ôm ấp ý chí, giữ tâm thanh tịnh, an nhiên tự tại.

Một con đường: vững bước trên chánh đạo.

Hai điều quí: sức khỏe và tâm linh.

Bốn điều khổ: nhìn không thấu, xả không được, thua không nổi, buông không được.

Năm câu cú: Dù khó vẫn phải kiên trì, dù có vẫn phải đạm bạc, dù kém vẫn phải tự tin, dù nhiều vẫn phải tiết kiệm, dù lạnh nhạt vẫn phải nhiệt tình.

Sáu của báu: thân thể, trí thức, mộng tưởng, niềm tin, tự trọng và khí phách.

Trường
李清祥