11/17/20

Tản mạn cháo Tây, cháo Tàu, cháo ta

 Có một lần cũng lâu rồi, có một cô bạn dịch bài về ẩm thực Việt Nam cho một tờ báo tiếng Anh hỏi tôi từ “cháo” dịch sang tiếng Anh như thế nào? Tôi lúc đó chủ quan nên bảo với cô ấy “cháo” dịch tiếng Anh là “porridge” mà không suy nghĩ gì nhiều. Đến khi cô ấy đưa bài dịch của mình đã được đăng báo cho tôi xem thì tôi mới giật mình, vì món cháo mà bạn tôi hỏi là “cháo vịt Thanh Đa” mà dịch ra “duck porridge” thì sai bét. Sau lần đó tôi tự trách mình rất nhiều về sự ẩu tả của mình và cũng chính vì vậy mà tôi trở nên cẩn thận hơn rất nhiều, vì đúng là sai một ly đi một dặm.


Trong tiếng Anh có đến ba từ để nói về cháo. “Porridge” là từ để chỉ cháo trắng đặc được nấu từ gạo hoặc yến mạch gần giống như cháo trắng mà chúng ta hay dùng để ăn chung với hột vịt muối. Các nước phương Tây cũng ăn porridge nấu rất đặc vào buổi sáng cho thêm tí muối tiêu với trứng tráng hoặc xúc xích nhỏ.

Còn cháo hoa (cháo nấu với ít gạo và nhiều nước để hạt gạo nở ra như hoa) và thường nấu chung với thịt thì được gọi là “congee” hoặc “rice soup”. Để nói về món cháo vịt, đáng lẽ phải gọi là “duck meat congee” hoặc “duck meat rice soup” mới đúng. Quả thật, có những cái mình nghĩ rằng mình biết rồi nhưng vẫn sai như thường.



Trở lại với cháo, lúc nhỏ tôi rất ghét ăn cháo vì cháo vừa nhạt vừa loãng, ăn xong cũng như chưa ăn, không được chắc bụng như ăn cơm. Tôi né tất cả các thể loại cháo từ cháo trắng ăn với thịt kho tiêu mỗi khi bị bệnh, cho tới cháo gà, cháo vịt, cháo lòng, cháo cá…

Trong đó, món cháo mà tôi ghét nhất là cháo trắng của người Tiều. Không như cháo trắng của người Việt bán ở các xe cháo khuya ăn cùng với dưa món, hột vịt muối hoặc thịt cá kho tiêu, vốn là cháo trắng nấu đặc; cháo trắng của người Tiều nấu rất loãng, bảy phần nước và ba phần gạo, nấu tới hạt gạo nở bung ra gần như nát nhừ, ăn chả có mùi vị gì cả.



Người Tiều ăn cháo gần như trong mọi bữa ăn. Buổi sáng của người Quảng Đông, sang thì điểm tâm với đủ thứ há cảo xíu mại, bình dân thì cũng tô hủ tíu mì hay cái bánh bao; còn buổi sáng của người Tiều thì ăn cháo loãng với cà na muối, hột vịt muối hoặc cải xá bấu muối thật mặn. Sang hơn tí thì người Tiều có thêm cặp dầu cháo quảy là xong bữa ăn sáng. Buổi trưa và buổi chiều thì họ lại tô cháo loãng được múc ra húp thay canh. Ngay cả những quán bán đồ ăn người Tiều cũng luôn có nồi cháo trắng kế bên nồi cơm.


Hồi còn nhỏ, mỗi lần dẫn tôi đi ăn cơm Tiều, ba tôi luôn kêu thêm chén cháo trắng để húp với ít nước thịt kho còn lại. Khi tôi tỏ vẻ không hứng thú với việc húp chén cháo trắng nhạt thếch lõng bõng này, ba tôi hay bảo: “Hồi ba còn nhỏ, a dè a mà (ông nội bà nội) nghèo lắm, cả nhà bảy tám anh chị em, mỗi người chỉ có dách gủn pạc chúc (một chén cháo trắng) và pun che hàm tản (nửa cái trứng vịt muối) thôi.”

Ba tôi chẳng bao giờ dạy cho tôi nói tiếng Quảng Đông một cách bài bản mà luôn có cách nói chuyện nửa Việt nửa Quảng như vậy, con cái hiểu thì hiểu không hiểu thì thôi. Vậy mà cuối cùng tôi cũng nói được tiếng Quảng.

Người Tiều không chỉ ăn cháo trắng mà còn có cả cháo lòng với đầy đủ tim gan cật ruột cũng gần giống như cháo lòng của người Việt; nhưng lòng xắt lát mỏng để bên ngoài chứ không nấu trong nồi như cháo lòng của người Việt, khi nào khách gọi thì mới trụng qua cháo rồi cho vào tô.




Nước cháo được nấu bằng mực, nấm rơm và xương ống nên rất ngọt và thơm. Người Tiều ăn cháo lòng cũng thường thêm dầu cháo quảy như người Việt nhưng không bỏ giá và ớt mà bỏ rất nhiều hành lá xắt nhỏ, tiêu xay, gừng tươi xắt sợi và một ít dầu mè.

Cũng như ăn hủ tiếu mì, người Hoa ăn cháo thường nêm thêm giấm đỏ và nước tương chứ không nêm nước mắm. Không chỉ có cháo lòng mà cháo cá, cháo mực, cháo thịt bằm hoặc cháo tôm viên khi ăn cũng nêm nếm như vậy: gừng tươi, dầu mè, tiêu, xì dầu và giấm. Cháo lòng kiểu người Tiều hồi đó tôi cũng có ăn một vài lần ở chợ Bàn Cờ quận 3 nhưng vì không hảo cháo lắm nên lâu rồi cũng không ăn lại.


Dân sành ăn tối Sài Gòn – Chợ Lớn chắc ít người không biết tới quán cháo thập cẩm ở bùng binh Soái Kình Lâm kế bên chợ thuốc bắc Phùng Hưng. Cháo ở đây nấu theo kiểu người Quảng Đông là cháo trắng nấu đặc và ăn với tôm, mực, da heo, gan, cật, phèo nên gọi là “chạp chúc” (cháo thập cẩm).

Thật ra gọi là “thập cẩm” không đúng lắm vì “chạp cẩm” dịch ra tiếng Việt là “tạp cẩm” mới đúng. Có lẽ chữ “tạp” nghe có vẻ hổ lốn và hỗn tạp quá nên người Việt mới gọi là “thập cẩm” cho sang hơn.


Theo lời kể của những người sống lâu ở Chợ Lớn thì quán cháo Đèn Năm Ngọn (tên cũ của khu Soái Kình Lâm) này đã có từ rất lâu đời rồi, nếu tính tới nay chắc cũng không dưới năm sáu chục năm. Hồi nhỏ, ba tôi hay chở tôi ra đây ăn, nhưng quán cháo này gắn với một kỷ niệm khá kinh dị nên tôi không bao giờ quay trở lại ăn nữa, dù thỉnh thoảng thèm món Hoa, tôi vẫn chở bà xã đi vòng vòng Chợ Lớn ăn lại những quán gắn liền với ký ức tuổi thơ của mình.

Có một lần khi đang ngồi ăn với ba mẹ tôi ở quán cháo đó, có một cậu bé trạc tuổi tôi lúc đó (5-6 tuổi) bán vé số mời mua. Và khi nhìn lên thì tôi suýt nữa hét toáng lên vì sợ: cánh mũi của cậu bé này không biết bị ai cắt mất chỉ còn hai cái lỗ sâu hoắm nhìn vừa đáng thương vừa đáng sợ. Hình ảnh đó ám ảnh tôi tới ngày hôm nay đến mức tôi không dám ăn lại quán cháo đó lần nào nữa cho dù đã hơn 30 năm rồi.

Dạo mấy năm gần đây tôi lại đổi tính thích ăn cháo. Nhiều lúc cảm thấy mệt trong người hoặc chỉ là đơn giản không muốn ăn cơm thì một chén cháo trắng và nửa cái hột vịt muối luộc hoặc tí thịt kho tiêu mặn cũng có thể giải quyết cơn đói và nhẹ người.

Cầu kỳ hơn một tí thì cho cái trứng hột vịt bắc thảo và tí thịt bằm vào trong nồi cháo quấy lên. Tôi thích ăn trứng bắc thảo nấu chung với cháo hoặc chưng cùng với trứng vịt tươi, trứng vịt muối tạo thành món trứng 3 màu ăn chung với cơm hay cháo gì cũng rất ngon.




Hột vịt bắc thảo (tiếng Quảng Đông gọi là pì tản) ai ăn không quen thì nhìn hơi sợ sợ vì cả quả trứng đen bóng và có mùi ngai ngái của amoniac, nhưng khi đã quen rồi thì sẽ ghiền vì vị béo béo bùi bùi rất đặc trưng.

Hồi còn ở Mỹ có lần tôi nấu cháo trứng vịt bắc thảo mời cô bạn người Nhật ăn thử. Cô lúc đầu còn ngại vì thấy màu cháo đen thui nhưng khi ăn một chén thì tự động vô nồi múc thêm chén nữa. Bởi vậy mới nói, không phải cứ là sơn hào hải vị mới ngon mà đôi khi những thứ dân dã đơn giản nếu hạp khẩu vị vẫn ngon hơn yến sào bào ngư vi cá vậy.

Huỳnh Chí Viễn (Giáo viên, Dịch giả)


Lá thư Tôn Vận Tuyền để lại cho các con

Lá thư Tôn Vận Tuyền để lại cho các con – Một lá thư đáng đọc

Tôn Vận Tuyền (孫運璿, Sun Yun-Suan, 10/11/1913 – 15/2 /2006) , một nhà kinh tế, một chính trị gia Đài Loan, xuất thân là kỹ sư, quê ở Bồng Lai, Sơn Tây (Trung Quốc). Ông tốt nghiệp ngành Công nghệ điện tại Đại học Công nghệ Harbin (Harbin Institute of Technology). Từ năm 1937 đến 1940 ông làm việc tại Hội đồng tài nguyên quốc gia (National Resources Commission). Ông được gửi đi tu nghiệp tại Tennessee Valley Authority (Hoa Kỳ) từ năm 1943 đến 1945. Ông làm Bộ trưởng gần 20 năm ở các bộ Giao thông vận tải, Truyền thông và Bộ Kinh tế . Ông là Bộ trưởng Bộ Kinh tế từ năm 1969 đến 1978, sau đó được bầu làm Thủ tướng Đài Loan (Premier of the Republic of China ) từ năm 1978 đến 1984. Ông có công xây dựng Mười dự án siêu cấu trúc , trong đó có sân bay quốc tế Chiang Kai-shek International,Nhà máy Điện hạt nhân số 1, đường cao tốc Quốc gia Tôn Dật Tiên (Sun Yat-sen National Expressway) Viện nghiên cứu Công nghiệp Quốc gia (Industrial Technology Research Institute) và Công viên Công nghệ khoa học Tân Trúc (Hsinchu Science-based Industrial Park)… Nhờ những biến đổi có tính cách mạng này mà từ những năm 60 của thế kỷ trước, Đài Loan đã trở thành nơi xuất khẩu mạnh mẽ các loại hàng dệt may, giầy dép, đồ nhựa, nông sản phẩm, công nghệ hóa dầu, thiết bị cơ khí và đặc biệt là các linh kiện điện tử. Ông được coi là một trong những người tạo ra sự bứt phá về Công nghệ và Kinh tế ở Đài Loan .

Ngày 24 tháng hai năm 1984 ông bị đột quý do xuất huyết não và sau khi phục hồi chỉ có thể ngồi trên xe lăn. Tháng 2 năm 2006 do bị biến chứng, ông đã qua đời tại Đài Bắc, hưởng thọ 92 tuổi . Ngoài các trước tác về Kinh tế, Chính trị, tôi quan tâm đến một bức thư ông để lại cho các con của ông. Một bức thư giản dị nhưng thật chân tình và sâu sắc. Tôi xin phép được giới thiệu lại cùng các bạn bức thư này:

“KIẾP SAU( NẾU CÓ) DÙ THƯƠNG HAY KHÔNG THƯƠNG, CŨNG KHÔNG CÒN DỊP GẶP LẠI NHAU ĐÂU”

Tôn Vận Tuyền đã để lại những lời căn dặn như sau:

Các con thân mến, viết những điều căn dặn này, cha dựa trên 3 nguyên tắc như sau :

1. Đời sống là vô thường, không ai biết trước mình sống được bao lâu, có những việc cần , nếu được nói ra sớm để hiểu thì hay hơn.

2. Cha là Cha của các con, nếu không nói ra thì chắc không ai nói rõ với các con những việc này đâu!

3.Những điều căn dặn để ghi nhớ này là kết quả của bao kinh nghiệm xương máu, thất bại đắng cay trong cuộc đời của chính bản thân mà Cha ghi nhận được, Nó sẽ giúp các con tránh những nhầm lẫn hoang phí trên con đường trưởng thành của các con.

Dưới đây là những điều nên ghi nhớ trong cuộc đời :

1. Nếu có người đối xử với con không tốt, đừng thèm để tâm cho mất thời giờ. Trong cuộc đời nầy, không ai có bổn phận phải đôi xử tốt với con cả, ngoại trừ cha và mẹ của các con. Nếu có người đối xử tốt với con, ngoài việc các con phải biết ơn, trân quý, các con cũng nên thận trọng một chút, vì người đời thường làm việc gì cũng có mục đích của nó, chớ có vội vàng cho là bạn tốt của mình ngay.

2.Không có người nào mà không thể thay thế được cả; không có vật gì mà nhất thiết phải sở hữu, bám chặt lấy nó. Nếu hiểu rõ được nguyên lý nầy, thì sau nầy trong cuộc đời, lỡ người bạn đời không còn muốn cùng đi trọn cuộc đời, hay vì lý do gì con bị mất đi những gì trân quý nhất trong đời con, thì cũng nên hiểu: đó cũng không phải là chuyện trời sập.

3. Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay ta để lãng phi thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi!. Cho nên, nếu ta càng trân biết quý sinh mạng của mình càng sớm, thì ta được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn. Trông mong được sống trường thọ, chi bằng mình cứ tận hưởng cuộc đời mìmh ngay từ bây giờ.

4.Trên đời nầy chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Aí tình chẳng qua là một cảm xúc nhất thời, cảm giác nầy tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà biến thiên, thay đổi. Nều người yêu bất diệt rời bỏ con rồi, hãy chịu khó nhẫn nại một chút, để thời gian dần dần trôi qua, để tâm tư mình từ từ lắng đọng, cái đau khổ cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi. Không nên cứ ôm ấp cái ảo ảnh yêu thương mãi, cũng không nên quá bi luy vì thất tình.

5.Tuy có nhiều người trên thế giới này thành công, nổi tiếng mà chẳng có học hành nhiều, chẳng có bằng cấp cao, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không cần học hành nhiều sẽ thành công. Kiến thức đạt được do việc học hành, giáo dục là vũ khi trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự nghiệp với bàn tay trắng, nhưng không thể trong tay không có tấc sắt. Nên nhớ kỷ điều nầy !

6. Cha không yêu cầu các con phải phụng dưỡng cha trong nửa quãng đời còn lại của cha sau nầy. Ngược lại, cha cũng không thể bao bọc nữa quãng đời sau này của các con. Lúc các con đã trưởng thành, độc lập, đó cũng là lúc cha đã làm tròn thiên chức của mình. Sau nầy các con có đi xe Bus công cộng hay đi Auto nhà, các con ăn soup vây cá hay ăn mi gói, đều là trách nhiệm của các con.

7. Các con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ TÍN, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ TÍN với mình. Các con có thể yêu cầu mình phải đối xử TỐT với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử TỐT với mình. Mình đối xử người ta thế nào, không có nghiã là nguời ta sẽ đối xử lại mình như thế , nếu không hiểu rõ được điều nầy, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền cho mình.

8.Trong mười mấy, hai mươi năm nay, có người tuần nào cũng mua vé số, nhưng vẫn nghèo trắng tay, điều nầy chứng minh: muốn phát đạt, phải siêng năng làm ăn mới khá được. Trên thế gian nầy không có cái gì là miễn phí cả.

9.Sum họp gia đình, thân thích đều là duyên phận, bất luận trong kiếp nầy chúng ta sống chung với nhau được bao lâu ,như thế nào, nên trân qúy khoảng thời gian chúng ta được chung sống với nhau, kiếp sau (nếu có), dù ta có thuơng hay không thương, cũng không có dịp gặp lại nhau đâu.

Do Nguyễn Đức Trọng chuyển lên DĐ

*****
Mạn đàm
Lý Trinh Trường K5


Các bạn và anh Kim thân mến,

Hai hôm trước, hưởng ứng bài "lá thư gửi các con" (父親的信) của anh Kim giới thiệu, tôi có gửi một bài văn ngắn Hoa ngữ (看淡人生) nhưng quên dịch ra chữ Việt, nay xin bổ túc bài phiên dịch. Mong các bạn thích ý.

Cuộc Đời Đạm Bạc (看淡人生)

Mỗi người mình gặp gỡ trong đời đều có duyên cớ nhân duyên.

- Người thích mình cho mình ấm áp và dũng khí.

- Người mình thích cho mình biết tình thương và kính mến.

- Người mình không thích dạy mình sự bao dung và tôn trọng.

- Người không thích mình cho mình học "tự kiểm thảo" và trưởng thành.

Bởi vì không chấp, cho nên vui vẻ; bởi vì đạm bạc, cho nên hạnh phúc.

Chúng ta đều là khách qua đường, không thể làm chủ nhiều chuyện đời: ví dụ _ thời gian qua đi, người phải xa lìa...

Ba dấu chấm của chữ tâm Hoa ngữ “心” đều hướng ngoài, càng muốn giữ nó, nó càng dang xa.

Mọi việc tùy duyên, duyên sâu đậm thì tụ, duyên nông cạn thì tan. Nhìn đời đạm bạc bao nhiêu, đau khổ sẽ giảm bớt bấy nhiêu.

Mọi người đều muốn trí mình sáng, kỳ thực ở đời phải biết du di, tương đối, không nên quá chấp, cực đoan:

- Nấu cháo, 3 phần gạo, 7 phần nước.

- Ở đời, 3 phần vì mình, 7 phần vì người khác.

- Với bè bạn, 3 phần thận trọng, 7 phần khoan dung.

- với gia đình, 3 phần tình thương, 7 phần trách nhiệm.

- Đọc văn chương, 3 phần thưởng thức, 7 phần suy ngẫm.

- Uống rượu, 3 phần say, 7 phần tỉnh.

Đọc sách, nhưng nhìn thấu được thế giới là ta bà.

Pha trà, nhưng nhấm nháp được sinh hoạt của hồng trần.

Nhấp rượu, nhưng cảm được là đắng cay cuộc đời.

Mỗi hành trình trong đời sống đều là một cuộc trải nghiệm.

Núi có chiều cao, biển có độ sâu, không cần so bì, mỗi người đều có sở trường của mình; gió nó phiêu bạc, mây nó bềnh bồng, không cần dõi bước, mỗi người đều có đặc thù của riêng mình.

Trân quí duyên lành, ôm ấp ý chí, giữ tâm thanh tịnh, an nhiên tự tại.

Một con đường: vững bước trên chánh đạo.

Hai điều quí: sức khỏe và tâm linh.

Bốn điều khổ: nhìn không thấu, xả không được, thua không nổi, buông không được.

Năm câu cú: Dù khó vẫn phải kiên trì, dù có vẫn phải đạm bạc, dù kém vẫn phải tự tin, dù nhiều vẫn phải tiết kiệm, dù lạnh nhạt vẫn phải nhiệt tình.

Sáu của báu: thân thể, trí thức, mộng tưởng, niềm tin, tự trọng và khí phách.

Trường
李清祥

11/16/20

Cuộc sống ít ai ngờ của cặp vợ chồng tỷ phú làm nên vắc xin Covid-19


Dù sở hữu công ty tỷ đô, Tiến sĩ Ozlem Tureci và Tiến sĩ Ugur Sahin vẫn sống trong một căn hộ bình thường, hàng ngày đi xe đạp tới văn phòng. 


Tiến sĩ Ozlem Tureci và Tiến sĩ Ugur Sahin nhanh chóng trở thành cặp đôi nổi tiếng nhất trong khoa học kể từ khi Marie và Pierre Curie phát hiện ra hiện tượng phóng xạ.

Cặp vợ chồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang gần cột mốc tuyên bố loại vắc xin ngừa Covid-19 hiệu quả đầu tiên. Nhưng giống như những người tiền nhiệm, họ đi khắp nơi bằng xe đạp, không quan tâm đến hàng tỷ USD mà họ có thể kiếm được từ khám phá của mình. Họ hạnh phúc nhất khi làm việc cùng nhau trong màu áo phòng thí nghiệm, ngay cả trong ngày cưới của họ.


Giống như Marie Curie, họ là người nhập cư, cha mẹ của họ đều từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Đức. Họ có thể cùng nhận giải Nobel sau khi công ty của họ, BioNTech - cùng với hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer - công bố vắc xin Covid-19 của họ hiệu quả hơn 90% vào ngày 9/11.

Tiến sĩ Sahin, sinh ra ở Iskenderun, gần biên giới Syria, là con trai của một công nhân nhà máy ô tô. Tiến sĩ Tureci là con gái của một bác sĩ phẫu thuật ở Istanbul. Họ gặp nhau tại Đại học Saarland ở Homburg và đã cộng tác kể từ đó. Họ quan tâm tới việc tìm thuốc điều trị ung thư và cách điều khiển hệ thống miễn dịch loại bỏ khối u.

Chơi vơi tình buồn

Truyện ngắn của Quý Thể

Lần đầu tiên đi máy bay tôi hư mất cái sơ mi pô- pơ- lin trắng. Thời đó, vào thập niên 60, sinh viên như chúng tôi, gia tài sự sản chỉ có hai cái áo "ăn nói" thế mà hư mất một cái chỉ vì cây bút máy Parker 61. Khi bước chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất tôi nghe ướt lạnh ở ngực trái. Nhìn xuống, một vết mực màu xanh đen, cũng hiệu Parker tràn lan thấm tới tận chiếc may- dô phía trong. Cái thứ mực tốt này thì đừng hòng giặt tẩy. Tôi giận mình sơ ý, khi lên máy bay không chịu vặn chặt nắp bút. Tôi tự nhủ, lần sau phải nhớ việc nầy. Chuyến sau từ Saigon về lại Nha Trang để xin cái phiếu tư pháp lý lịch số 3, tôi lại bị hư thêm cái áo thứ hai. Lần đó tôi nhớ đã vặn thật chặt nắp bút lúc chiếc máy bay từ từ lăn bánh chạy ra phi đạo. Thế mà khi xuống phi trường Nha Trang, lại cũng nghe ngực áo ướt lạnh. Từ đó tôi mới biết mỗi khi đi máy bay đừng giắt bút trong người. Lên cao, áp xuất thay đổi làm cho mọi thứ chất lỏng trào ra ngoài.

Về sau, mỗi lần bay lên cao, tôi còn bị nhiều thứ trào ra nữa, ban đầu là máu, sau là nước mắt. Nước mắt chơi vơi trên ngọn đỉnh trời...

***

11/15/20

RCEP : Vùng mậu dịch tự do tại Châu Á hình thành



















Mười lăm nước Châu Á và Thái Bình Dương ký kết hiệp định đối tác thương mại do Trung Quốc khởi xướng từ năm 2012, nhân thượng đỉnh ASEAN kết thúc vào Chủ nhật, 15/11/2020, dưới sự chủ tọa của Việt Nam, chủ tịch luân lưu Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á. 

Thượng đỉnh ASEAN, qua truyền hình trực tuyến, kết thúc vào Chủ nhật với sự kiện hình thành khối mậu dịch tự do quan trọng nhất thế giới gọi tắt là RCEP - Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Khu Vực.
 (Regional Comprehensive Economic Partnership) 

Hiệp định này thành lập một vùng thương mại tự do giữa 10 nước Đông Nam Á, cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ở phía bắc xuống tận nam Thái Bình Dương với Úc và New Zealand.

Với tư cách chủ tịch luân lưu ASEAN, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố là ông « hài lòng » đạt được kết quả sau 8 năm đàm phán phức tạp.

Do Bắc Kinh đề xuất, để đáp trả một sáng kiến thành lập Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP của Washington ( đã bị Donald Trump bỏ rơi), RCEP của Trung Quốc bao trùm một vùng kinh tế năng động liên quan đến 2 tỷ người và chiếm 30% tổng sản lượng (GDP) toàn cầu.


RCEP còn phục vụ cho tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh trong khu vực, qua một chiến lược phát huy ảnh hưởng bao quát hơn, dưới tên gọi « một vành đai một con đường ».

Theo AFP, các nước khu vực kỳ vọng vào RCEP để tăng cường phát triển kinh tế nhờ vào quy định giảm hàng rào thuế quan, hài hòa thủ tục xuất nhập khẩu, tạo điều kiện sinh hoạt dễ dàng hơn cho xí nghiệp.

Ấn Độ từ chối tham gia

Hiệp định có những quy định bảo vệ sở hữu trí tuệ nhưng thiếu hai lãnh vực quan trọng là « tôn trọng môi trường và quyền lợi người lao động ».

Lo ngại hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường, Ấn Độ không tham gia vào RCEP.

Chuyện phiếm - GIẤC MƠ BẾN THƯỢNG HẢI