9/10/20

Ông Thầy Dạy Võ đáng phục

 

Ông Thầy Dạy Võ đáng phục
Vũ Nguyên Đặng Công Hùng



Một hôm tại lớp võ của tôi tập có chuyện không vui xảy ra, đây là lần đầu tiên có cô võ sinh đã bị mất tiền từ phòng chứa đồ dành chung cho tất cả mọi thành viên của võ đường.

Nạn nhân là một huyền đai tên Cheng, nữ sinh viên năm cuối, du học sinh từ Singapore, cuối ngày hôm ấy cô đã ghé qua ngân hàng rút một số tiền lớn (khoảng $5000 Mỹ Kim) để sáng ngày mai sẽ đóng tiền cho trường cô đang theo học và lo một số việc cho gia đình. Có thể cô quá chủ quan vì suốt 3 năm theo tập tại võ đường chúng tôi chưa bao giờ có vấn đề tệ hại này xảy ra.

Trong giờ giải lao 5 phút, cô phát hiện ví tiền còn nguyên trong ngăn kéo nhưng tất cả số tiền không cánh mà bay. Hoảng hốt cô liền lớn tiếng hô mất trộm và quyết định kêu Cảnh sát và đề nghị Thầy giữ tất cả mọi người trong lớp chờ điều tra cho ra lẽ.

Lúc đó Thầy tôi - Một võ sư gốc Nhật 70 tuổi, đăm chiêu suy nghĩ. Chờ mọi người xung quanh lắng xuống ông mới ôn tồn nói :



- Đây là lần đầu tiên trong 50 năm dạy võ của Thầy, 20 năm võ đường chúng ta được thành lập mới xảy ra chuyện không vui này, Thầy rất buồn về sự việc đã xảy ra nhưng Thầy hiểu rằng con người ai cũng có những lúc sai trái và sa đà trong việc mình làm. Là người Thầy dạy các em thì Thầy phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Thầy xin cam đoan với các em nếu hôm nay không tìm ra được số tiền đó thì Thầy xin đứng ra gởi lại số tiền cho người mất. Tuy nhiên nếu có người lấy cắp số tiền trên tại võ đường này thì chắc chắn phải là học trò thương yêu nào đó của Thầy... Thầy xin em Cheng cho Thầy giải quyết theo cách của Thầy nhé.


Trong đám võ sinh lố nhố, người im lặng, có người buồn, có đứa giơ tay đề nghị phải làm cho ra lẽ, cứ việc gọi cảnh sát đến điều tra ra trắng đen, v.v… Thầy đưa tay đề nghị mọi người giữ im lặng để Thầy nói :


- Thầy xin lỗi tất cả trước và đây là cách giải quyết của Thầy, không cần gọi cảnh sát làm gì. Xin tất cả ra sân đứng sắp hàng không thiếu một ai. Chút nữa từng người một bước vào võ đường một mình trong vài phút, nếu ai lỡ mượn tiền bạn mình mà chưa xin phép thì cứ lấy ra bỏ lại vào ví cho bạn và tất cả ra đây sắp hàng lại nhé. Người cuối cùng vào xem lại ví tiền sẽ là em Cheng. Tuy nhiên trước hết xin cho Thầy, cô Cheng cùng một võ sinh lớn tuổi nhất trong lớp chúng ta vào xem nơi mất tiền vài phút nhé.


Thầy và cô gái mất tiền, vị võ sư đàn anh của chúng tôi cùng vào nơi để chiếc ví trở ra, sau đó tự từng người một đi lặng lẽ vào bên trong võ đường. Hơn một giờ mọi người đi vào và ra, đúng như dự kiến của Thầy số tiền đã được ai đó trả lại ngay vào trong ví của người mất, cô gái mất tiền cũng thở phào khi tìm lại được đầy đủ những gì cần thiết.



Mọi người cảm thấy nhẹ nhàng, nhưng nhìn sâu trong mắt mọi người dường như ai đó cũng có chút suy tư.

Trong suy nghĩ của tôi :

Tuy nhiên - Tại sao trong ánh mắt mọi người có chút lệ ? Tôi tin là mọi người cũng như tôi, ai cũng đã thấy khi vào nơi mất tiền. Một bao thư đóng kín còn nguyên đã được đặt trên ghế có ghi chú bằng mực đen bên ngoài và một tờ giấy ai đó viết vài chữ nghệch ngoạc cũng bằng tiếng Anh : "ĐÂY LÀ SỐ TIỀN THU PHÍ THÁNG NÀY, TRONG CÁC CON AI KẸT TIỀN CỨ LẤY, KHÔNG CẦN TRẢ LẠI THẦY..." trên bao thư.

Tờ giấy bên cạnh : "CON XIN LỖI THẦY & MỌI NGƯỜI, CON KHÔNG DÁM NHẬN SỐ TIỀN CỦA THẦY. NHƯNG CON HỨA SẼ KHÔNG BAO GIỜ LÀM NHƯ THẾ NỮA...".

Vũ Nguyên Đặng Công Hùng

(baomai.blogspot.com)

9/9/20

Abenomics, làn sinh khí cho kinh tế Nhật Bản

Cốc nước nửa đầy hay nửa vơi ? Tokyo khá thành công trong những mục tiêu chấm dứt giảm phát, thúc đẩy tăng trưởng, dùng tự do mậu dịch làm đòn bẩy. Nhưng tám năm cải tổ chưa đủ sức đưa Nhật Bản vĩnh viễn thoát khỏi khủng hoảng và những nỗ lực của Abenomics bị virus corona hủy hoại. 
Từ 2013 kế hoạch Abenomics mang tên thủ tướng Shinzo Abe đi vào lịch sử kinh tế toàn cầu. Ngay từ năm đầu nhiệm kỳ thứ hai, vị thủ tướng thuộc cánh bảo thủ này đã xem nhiệm vụ đem lại một làn sinh khí mới cho kinh tế Nhật là ưu tiên.

Nghe phần âm thanh:
 

Thanh Hà RFI

SÀI GÒN, NGÀY THÁNG CŨ

SÀI GÒN, NGÀY THÁNG CŨ 


“Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”.(*)
Hình bóng xưa vẫn sống mãi trong lòng,
Cho nỗi nhớ ngược dòng tìm dĩ vãng.

Một thuở nào Gia Long tà Áo trắng,
Cánh bướm vờn trong vệt nắng sân trường.
Tuổi học trò, ngày tháng cũ thân thương,
Chút giận hờn: chiều Trưng Vương lỡ hẹn.

Thành phố ấy biết bao nhiêu kỷ niệm,
Trường Luật, Kiến Trúc…Lưu luyến một thời.
Đường Duy Tân gió thoảng lá me rơi,
Thấp thóang bóng ai khung trời đại học.

Những bước chân lang thang chiều chủ nhật,
Phố Lê Lợi, con đường sách trải dài.
Vài quyển chuyện mua hờ để tặng Ai?
Vẫn ngập ngừng chờ hoài không dám gởi.

Tuổi mới lớn vẩn vơ làn tóc rối,
Tình bâng quơ chợt tới rồi chợt đi.
Chút lãng mạn tô vẻ cuộc tình si,
Làm chuyện kể, quán cà phê gốc phố.

Rồi cũng qua mấy mùa Thu lá đổ,
Địa đầu, hỏa tuyến thế chỗ sân trường.
Xong bút nghiên,nay trả nợ quê hương,
Người trai trẻ lên đường vào cuộc chiến.

Ngày ra đi vẫn còn nhiều quyến luyến,
Sân cỏ Quán Văn : điểm đến cuối tuần,
Cà phê Thu Hương, Hầm Gió,Thằng Bờm…
Những bước chân quen chiều buồn qua phố!

Ba lô lính trận mang theo nỗi nhớ,
Và lời ước hẹn gặp gỡ sau nầy.
Cuộc đời binh lửa biết nói sao đây?
Chỉ nguyện cầu cho qua ngày quan tái.

Thuở chiến chinh duyên may nên trở lại,
Thời lưu vong định phận phải chia xa.
Ngày tháng cũ khắc sâu chẳng nhạt nhòa,
SÀI GÒN ơi ! còn trong ta maĩ mãi !

(*) : Áo lụa Hà Đông : Thơ Nguyên Sa


Florida, cuối hè 2020

Hàn Sĩ Phan 



Anh bên giường em



Anh bên giường em

Anh đứng lặng nhìn, em ho quằn quại
Đàm trào lên cổ, dạ xót lòng thương
Mũi em đỏ mắt ướt tràn lệ khổ
Lau mắt cho em, lòng quặn sầu vương..

Anh bây giờ chỉ còn tình thương vợ
Đất ly hương chẳng thân thuộc ruột rà
Con ở cách xa đâu còn dại nhỏ
Nhà vắng hoe, chỉ có vợ chồng giả..

Ngày mới cười vợ chồng mình Sơn Thủy
Ba mươi mấy năm kề cạnh bên nhau
Trước ngày cưới anh cũng chưa nhìn kỹ
Bởi duyên chúng mình Mẹ chọn cưới dâu..

Ngày hôn lễ trong cảnh nghèo thật gọn
Họ hàng đôi bên , bè bạn mươi người
Đôi hồng lạp với Phượng Loan uốn lượn
Pháo nổ dòn tan vui thật là vui...

Đời sống khó từ quê nhà tới hải ngoại
Mình vẫn bên nhau ấm lạnh ngọt ngào
Đường phẳng phiu có gì đâu e ngại
Ra công làm vun quén cho ngày sau...

Bước gần cuối đời đường còn rất ngắn
Nắng vẫn tươi hồng đường vẫn phẳng phiu
Đò xuôi sóng đâu có gì ngăn chận
Đâu ngờ nạn kiếp đến với em yêu..

Đứng bên giường mắt anh nhìn trìu mến
Rồi xót xa nhìn em quằn quại đau
Cơn bệnh dữ từ đâu sao lại đến
Má phai hồng dáng vẻ quá xanh xao...

Mặt em nhăn nhúm quằn thân đau đớn
Anh đứng nhìn thương nuốt đắng nghẹn ngào
Muốn chia xẻ, nát lòng anh bất lực
Chẳng biết làm sao em giảm bớt đau

Đấng thiêng liêng Chúa Phật Trời huyền nhiệm
Con cầu xin cứu giúp Thủy thoát nạn tai
Mắt ướt lệ thương nhìn em nằm mê lịm
Tình chúng minh đâu biết có hôm nay..

thylanthảo 
9-9-20

NHỚ QUÁ

NHỚ QUÁ

Bài thơ con viết từ lâu lắm
Đã đọc Má nghe với cả nhà
Bỏ quên đâu đó trong chồng sách
Bây giờ thấy lại tưởng... hôm qua!

Là mấy vần thơ mừng Thượng Thọ
thay lời hiếu đạo vốn chưa tròn
Đã có một thời ngay trước ngõ
Má đứng mỗi ngày trông ngóng con.

Thuở xưa chinh chiến con nhập cuộc
Má khóc từng đêm lúc cầu kinh
Đến lúc đổi đời khi mất nước
Má càng thêm khổ với gia đình.

Khi cả nhà qua cơn bỉ cực
Ly hương làm lại cả cuộc đời
Má cũng như xưa, là cổ thụ
Lo con, giữ cháu..."Mệt ghê nơi!"


Mỗi tháng Má trông nguồn "viện trợ"
Vài đồng, vài chục, đếm đã tay!
Gia tài cắt củm từ bao thuở
Đếm tới, đếm lui chẳng dám xài.

Niềm vui của Má là khi rảnh
Một mình soi bóng trước TiVi
Coi tới, coi lui không biết chán
Hài kịch, cải lương! "Đã kể gì!".

Nhìn trang thơ cũ con nhớ quá!
Ước gì Má vẫn ở quanh đây
Nhớ sao những tiếng cười rôm rả
của mọi người vui lúc sum vầy!
HUY VĂN
( Để nhớ Maria Nguyễn Thị Thương R.I.P )

9/8/20

Vài nét chấm phá về họa thủy mặc



… Một tâm hồn có nghệ thuật thì rất dễ rung cảm với sự vật chung quanh, và có khả năng nhìn THẤY cái đẹp của trời đất, họ thấy quê hương nào cũng đẹp, dù nơi đó, có mặt của sự nghèo nàn, chinh chiến, như Nguyễn Bính đã thấy : ”Quê tôi phượng đỏ mai vàng, con đê nho nhỏ, cái làng xa xa”; và ”quê tôi có gió bốn mùa, có trăng giữa tháng có chùa quanh năm”. Nguy Trung Nghĩa


* Hương Vân – Nguy Trung Nghĩa



Cái đẹp bàn bạc khắp nơi, ta chỉ cần mở mắt ra là thấy : trời xanh mây trắng, gió mát trăng hiền, nhà thơ Nhất Hạnh có câu : ” mặt trái đất dù mang đầy cát bụi, nhưng trăng sao vẫn đẹp những đêm rằm “. Thiên nhiên, tự nó, “có ý” phô trương cái đẹp của mình : bình minh buổi sáng, hoàng hôn buổi chiều, ngày nào cũng khác nhau, lúc nào cũng lộng lẫy, cây cỏ bốn mùa, đơm hoa kết trái, hoa thì khoe sắc thắm, mây thì xanh thẳm bềnh bồng … Còn đối với con người, thì …”bởi vì mắt thấy trời xanh, cho nên mắt cũng long lanh màu trời, bởi vì mắt thấy biển khơi, cho nên mắt cũng xa vời đại dương” (Trụ Vũ). Do vậy, thi sĩ thì làm thơ, họa sĩ thì vẽ hình, và nhạc sĩ thì tình tự với âm thanh. Nhiều khi ta tự hỏi : làm thơ, vẽ hình, hát ca, để làm gì nhỉ ? có lẽ, không để làm gì cả ! Bởi vì, “Hoa là nở, mây là bay”, hoa không vì ta mà nở; mây không vì ai mà phải lang thang; mùa thu không vì buồn vui mà đổ lá; dòng sông cũng không vì đâu mà chảy miệt mài… Đó là sự sống, đó là cuộc đời, sự nở là hân hoan, cái bay là hạnh phúc, và miệt mài là niềm vui bất tận. Một tâm hồn có nghệ thuật thì rất dễ rung cảm với sự vật chung quanh, và có khả năng nhìn THẤY cái đẹp cũa trời đất, họ thấy quê hương nào cũng đẹp, dù nơi đó, có mặt của sự nghèo nàn, chinh chiến, như Nguyễn Bính đã thấy : ‘’Quê tôi phượng đỏ mai vàng, con đê nho nhỏ, cái làng xa xa”; và ”quê tôi có gió bốn mùa, có trăng giữa tháng có chùa quanh năm”.