3/29/20

NÓI KHÔNG CÙNG KHÔNG PHẢI LÀ MỘT SỰ LỰA CHỌN


Pháp : Tương ái với những "chiến sĩ" tuyến đầu chống dịch Covid-19



Một đại lộ Champs-Elysée vắng lặng, một Tháp Eiffel không bóng người, một Nhà Thờ Đức Bà Paris chỉ còn lại những đàn chim bồ câu. Chưa bao giờ Paris và nước Pháp nói riêng, cũng như những thành phố lớn trên thế giới nói chung lại im lặng một cách đáng sợ như vậy. Im lặng trước một kẻ thù vô hình !

Virus corona làm đảo lộn tất cả, tác động đến mọi lĩnh vực, tấn công bất kỳ ai mà không phân biệt mầu da, quốc tịch, giầu-nghèo. Sau thời gian đầu xem nhẹ virus corona như một loại virus cúm mùa, chính quyền, rồi người dân Pháp bắt đầu hiểu và bất ngờ trước độ nguy hiểm của dịch Covid-19 : lây lan nhanh hơn và gây chết người hơn. Trong thời gian gấp rút chống dịch, mà đội ngũ y bác sĩ trên tuyến đầu, người dân Pháp có những cách thể hiện lòng biết ơn và tình liên đới rất riêng.

Những tràng pháo tay cổ vũ nhân viên y tế
Trước cả khi biện pháp phong tỏa được triển khai, cứ đúng 20 giờ hàng ngày, mọi người bỏ ngang công việc để ra ngoài ban công vỗ tay, hô vang những lời cảm ơn đội ngũ nhân viên y tế, xen lẫn trong tiếng gõ xoong nồi và tiếng còi xe hiếm hoi. Vài phút cũng là khoảnh khắc giúp tìm lại một chút dư vị của cuộc sống trong thời gian phong tỏa.
Bé Sophie, sống ở Joinville-le-Pont (ngoại ô Paris), cũng vậy. Tối nào bé cũng chờ đúng 20 giờ, để mở cửa sổ và vỗ tay :
« Tại vì con muốn cảm ơn và cổ vũ các y tá, bác sĩ và phần nào cũng để tưởng nhớ những bác sĩ đã qua đời. Chúng con cổ vũ họ bằng cách gõ xoong nồi, vỗ tay. Ngoài ra còn có nhiều người, như những người bán bánh mỳ, họ gửi bánh mỳ kẹp, bánh pizza đến bệnh viện để động viên các y bác sĩ. Bởi vì, nhờ họ mà chúng ta có thể khỏi bệnh Covid-19. Nếu như không có các y tá, không có các bác sĩ, thì những người cần được chăm sóc, có lẽ đã qua đời hết rồi. Vì thế, chúng ta phải động viên họ ».....
Nghe nội dung tiếp theo trong Video bên trên

Khi Covid-19 làm cho con người gần gũi với thiên nhiên hơn



Lệnh phong tỏa làm cho không khí trong lành và con người được gần gũi với thiên nhiên hơn ; Covid-19, hàn thử biểu đo tình liên đới Liên Hiệp Châu Âu ; Tại Hà Lan, hoa Tulip còn là nạn nhân của dịch virus corona và Bất chấp dịch bệnh, người dân Nhật Bản vẫn mừng lễ hội hoa anh đào… Trên đây là những chủ đề chính mục Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.


Tiếng chim hót ban mai, lời thì thầm của gió, bầu không khí trong lành… là những gì người dân Paris được tận hưởng trong mười ngày qua. Lệnh phong tỏa toàn quốc, yêu cầu người dân hạn chế đi lại, các hoạt động kinh doanh bị đình trệ, nhằm ngăn chận dịch bệnh khiến thành phố Paris và các vùng phụ cận như chìm vào tĩnh lặng.
Khi không còn tiếng xe là tiếng líu lo của những đàn chim ban mai, tiếng kêu của các loài động vật lại vang lên. Với ông Jerôme Sueur, nhà nghiên cứu âm học - sinh thái tại Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên Quốc gia, đó là một sự « giải độc » âm thanh. Lúc bình thường, khi chưa phải bị « tự giam lỏng » ở nhà, những tiếng ồn do các hoạt động con người gây ra lấn át ở những tiếng ồn của muôn thú.
Bởi vì, tiếng kêu của loài vật thường có những chức năng sinh tồn, hàm ý rằng chúng sẵn sàng cho mùa sinh sản, hay báo động một mối nguy hiểm… Để lấp đi những tiếng ồn do con người gây ra, các loài thú buộc phải kêu to hơn hay thường xuyên hơn và điều đó làm cho chúng mau mệt mỏi.
Đổi lại, sự yên tĩnh tương đối có lẽ giúp cho chúng cảm thấy có nhiều sức lực hơn và sinh sản dễ dàng hơn. Thế nên, ông Jerôme Sueur cho rằng « với cuộc khủng hoảng Covid-19, mật độ lưu thông giảm mạnh mang lại những điều kiện hy hữu cho một khảo sát khoa học quy mô lớn. Xóa bỏ một phần tiếng ồn trên cả nước – cú sốc ngoại sinh không thể thiếu đối với một nghiên cứu khoa học – cho phép thử nghiệm ảnh hưởng của những âm thanh từ các hoạt động của con người đối với hành vi và hệ sinh thái động vật ».
Có lẽ siêu vi corona đến cũng để nói rằng con người nên nhường chỗ nhiều hơn cho thiên nhiên. Sự trở về của muôn thú những ngày gần đây được thấy rõ tại khu công viên quốc gia Calanques ở Marseille. Khi những khu cảng biển không còn tấp nập các du thuyền do lệnh phong tỏa, nhiều loài sinh vật biển như cá heo, cá ngừ, chim hải âu cánh dài, hay những con ó biển, diệc xám... hiếm khi được nhìn thấy bỗng nhiên xuất hiện.
Chuyện gì sẽ xảy ra một khi dịch bệnh đi qua, lệnh phong tỏa được dỡ bỏ ? Liệu rằng khi tái thiết đất nước, với kế hoạch hỗ trợ kinh tế hàng trăm, hàng ngàn tỷ euro, con người có còn nhớ phải dành chỗ cho thiên nhiên hay không ? Những câu hỏi không ai chắc là sẽ tìm được lời giải đáp thỏa đáng !

Covid-19 : Hàn thử biểu đo tình liên đới Liên Hiệp Châu Âu


Hồ sơ di dân chắc có lẽ chưa đủ để đo tình liên đới của Liên Hiệp Châu Âu. Dịch bệnh viêm phổi do siêu vi corona chủng mới xảy ra đã cho thấy rõ hơn cách ứng xử giữa các nước thành viên với nhau trong khối, mà vụ chính quyền Séc tịch thu trang thiết bị y tế được chính quyền Trung Quốc gởi tặng Ý là một ví dụ điển hình.
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI, Pierre Benazet tường thuật:
« Ngoại trưởng Séc cam kết với đồng nhiệm Ý rằng chừng hơn 100 ngàn khẩu trang sẽ được gởi từ Praha sang Roma, chậm nhất là vào ngày 24/03. Đối với ngoại trưởng Ý, chuyện đã sang trang nhưng vẫn còn một số vấn đề chưa ổn thỏa : đầu tiên hết là món hàng và khối lượng gởi đi.
Mọi thiết bị y khoa, tâm điểm của sự rắc rối này, đã bị giữ lại hôm thứ Ba 17/3 tại Lovosice, phía bắc vùng Bohemia. Ngày hôm đó, chính quyền Séc tự hào thông báo đã tịch thu 680 ngàn khẩu trang và nhiều máy trợ thở bị những kẻ đầu cơ biển thủ.
Những con số này cao hơn rất nhiều so với số lượng hàng sẽ được chính quyền Séc gởi sang Ý, vì 380 ngàn khẩu trang đã được phân phát cho các bệnh viện ở Séc và toàn bộ thiết bị tịch thu được không thể gởi đến Ý.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong vụ việc mà bộ trưởng Nội Vụ Séc cho là một sự ‘‘hiểu lầm đáng tiếc’’, chính là những hình ảnh về vụ tịch thu ở hải quan cho thấy trên thùng một số kiện hàng có ghi rõ hàng chữ ‘‘chúng tôi sát cánh cùng các bạn, nước Ý muôn năm’’ và dòng ghi chú bằng tiếng Anh : ‘‘Quà tặng của Chữ Thập Đỏ huyện Thanh Điền’’. Tất cả những hàng chữ này được ghi trên nền ảnh cờ Trung Quốc và Ý, những điều lẽ ra cho phép hải quan Séc phải đoán hiểu là hàng gởi cho ai ».

3/25/20

Mong Chúng Sinh Thoát Khổ

Dịch corona xảy ra đến nay đã hơn một tháng, khắp nơi trên thế giới vô cùng hoảng hốt trước sự hoành hành của bệnh dịch. Riêng tại bắc California vừa tuyên bố tạm ngưng tất cả mọi hoạt động tụ hợp trên 10 người. Thương xá đóng cửa, nhà hàng ngừng trệ, hãng xưởng vắng tanh, thiên hạ hoảng loạn tồn trữ lương thực, quầy hàng siêu thị trống không, đường xá xe cộ lưa thưa, tựa như ngày tận thế đang đến gần.

Trước tình thế rối loạn bất an của xã hội hiện nay, sư bà Chứng Nghiêm (hội từ thiện Tzu Chi) cảm xúc mà nói: "Đại họa đã đến nơi, thiên hạ còn chưa thức tỉnh." (驚世的災難已臨頭,警世的覺悟未抬頭). Đại họa đó là dịch corona; thức tỉnh là hồi tâm, ám chỉ việc giữ lòng thanh tịnh, không phạm giới điều. Điều cấm hàng đầu trong cửa Phật là: Không Sát Sinh.

30 năm trước, tôi bắt đầu chay tịnh, lúc đó người ta thường cho rằng ăn chay trường là loại người lạ thường. Vì vậy, thân nhân tôi thường chế nhạo: "để coi nó gồng được bao lâu". Bạn bè cũng nhìn tôi bằng cặp mắt khác thường. Trước những lời đàm tiếu và ánh mắt trái với ý nguyện của mình, tôi chọn thái độ im lặng, tránh tranh cãi.

Tưởng Nhớ Ngô Đình Long

Anh Ngô đình Long thân mến,

Chúng ta quen biết nhau 68 năm qua và vẫn tôn kính nhau như khi mới gặp tại Chicago vào mùa hè 1952. Chúng ta đã cộng tác trong nhiều lãnh vực và nhất là 11 năm tại Viện Đại Học Dalat trong việc giảng dạy cũng như điều hành Trường Chánh Trị Kinh Doanh để vun trồng các lớp hậu sinh cho nên người hữu dụng giúp nước giúp dân.

Anh thâm thuý ít nói nhưng hiểu nhiều, tài cao học rộng. Tôi cũng muốn bắt chước nên không lắm lời và cũng chẳng dám phô trương sức học của mình. Cách đây hơn mười năm tôi có trồng một cây mộc lan đàng sau nhà bên bờ suối. Mỗi lần nhìn cây ấy là nhớ đến Anh, người bạn chí thân. Sáng hôm qua khi được tin Anh đã ra đi, tôi xuống tưới cây sau nhà và ngắm mấy tầng hoa sao trắng tinh.

Mến nhớ đến Anh, Chị Trâm-Anh và hai cháu Tú-Anh Hương Anh. Muôn vàn thương tiếc.

Ánh-Nguyệt và Trần Long.