Showing posts with label Văn hóa-Xã hội. Show all posts
Showing posts with label Văn hóa-Xã hội. Show all posts

6/21/23

Giai Thoại văn Chương : Tết Đoan Ngọ

Cũng Tại Cái Ông KHUẤT NGUYÊN của nước Sở!

    Mùng 5 tháng 5 là TIẾT ĐOAN NGỌ 端午節, theo Ngũ hành Bát quái, vì số 5 thuộc dương, nên Tiết Đoan Ngọ còn gọi là Tiết ĐOAN DƯƠNG 端陽. ĐOAN: là Đầu mối, là mở đầu; NGỌ: là giờ Ngọ, là giữa trưa; còn DƯƠNG là mặt trời, là khí dương, ĐOAN DƯƠNG có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Còn ĐOAN NGỌ là bắt đầu lúc giữa trưa. Theo truyền thuyết Trung Hoa...

     KHUẤT NGUYÊN 屈原 (340-278 TCN) : Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông chẳng những là vị trung thần của nước Sở mà còn là nhà thơ, nhà văn hoá nổi tiếng của Trung Hoa. Ông là tác giả hai bài thơ bất hủ là LY TAO 離騷 và SỞ TỪ 楚辭, nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa cổ đại, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong. Do can ngăn Sở Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự trầm ngày mùng 5 tháng 5. Dân chúng nơi đó đã mang thuyền đến giữa dòng sông để cố gắng cứu vớt nhưng không thành. Để cho các loại cá và linh hồn của các yêu ma quỷ quái không lại gần được thi thể của ông họ đã đánh trống và vẩy nước bằng các mái chèo của họ. Sau đó để tưởng nhớ, tiếc thương cho một người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày mùng 5 tháng 5, dân Trung Hoa xưa lại làm bánh ú gói nhân thịt mỡ, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh xuống để cúng Khuất Nguyên. Do đó, hình thành hai tập tục trong ngày lễ Đoan Ngọ cho đến hiên nay là : Đua thuyền rồng và Ăn bánh ú.


    Trong văn học, tác phẩm LY TAO của Khuất Nguyên hình thành những từ như : Tao Nhân Mặc Khách, Tao Đàn ... Trong thơ ca Trung Hoa còn ghi nhận SỞ TỪ là nguồn gốc của thơ Thất ngôn sau nầy. Sau đây là hai bài thơ Thất ngôn Tứ tuyệt có liên quan đến Tết Đoan Ngọ ở đời Đường. 
 
        同州端午             ĐỒNG CHÂU ĐOAN NGỌ

     鶴髮垂肩尺許長,    Hạc phát thùy kiên xích hứa trường,
     離家三十五端陽。    Ly gia tam thập ngũ Đoan Dương.
     兒童見說深驚訝,    Nhi đồng kiến thuyết thâm kinh nhạ,
     卻問何方是故鄉。    Khước vấn hà phương thị cố hương ?
             殷堯藩                                         Ân Nghiêu Phồn


Có nghĩa :
              Tóc bạc qúa vai cả thước thường,
              Xa nhà ba mươi lăm Đoan Dương.
              Trẻ con nghe nói đều kinh ngạc,
              Cùng hỏi nơi nào là cố hương ?
 
        Tết giữa năm cũng khiến cho người lữ khách nhớ nhà như là Tết Nguyên Đán vậy ! Đọc bài thơ trên làm cho ta lại nhớ đến bài "Hồi Hương Ngẫu Thư" của Hạ Tri Chương... Ta đọc thêm một bài thơ về Đoan Ngọ nữa nhé !
 
         端午                  ĐOAN NGỌ

     節分端午自誰言,    Tiết phân Đoan Ngọ tự thùy ngôn,
     萬古傳聞為屈原。    Vạn cổ truyền văn vị Khuất Nguyên.
     堪笑楚江空渺渺,    Kham tiếu Sở giang không diểu diểu,
     不能洗得直臣冤。    Bất năng tẩy đắc trực thần oan !
                文秀                                                  Văn Tú

Có Nghĩa :
              Đoan Ngọ ai chia Tết tháng năm,
              Khuất Nguyên từ vạn cổ xa xăm.
              Nực cười sông Sở trôi trôi mãi...
              Rửa chẳng sạch oan đấng nghĩa thần !

      Sông Mịch La của nước Sở, nơi Khuất Nguyên nhảy xuống để tự trầm, mấy ngàn năm vẫn không thể rửa hết oan khiên cho đấng bề tôi trung nghĩa. Bài thơ nầy làm cho ta nhớ đến một "Giai thoại văn chương Việt Nam thời vua Tự Đức", ông vua rất giỏi văn thơ của Việt nam ta ...
              
      Trong "Giai thoại văn chương Việt Nam" của Thái Bạch có kể về tài ứng đối của Đinh Nhật Thận như sau : Đinh Nhật Thận sinh năm Ất Hợi (1815) tại làng Thanh Lạo, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đỗ cử nhân khoa Đinh Dậu (1837), đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1838) được bổ làm Tri phủ. Ông thường giao du với Cao Bá Quát và Nguyễn Hàm Ninh. Sau Cao Bá Quát dấy binh chống lại triều đình, Đinh Nhật Thận bị tình nghi, bắt giải về kinh giam lại, sau lại được thả ra. ("Quốc Triều Hương Khoa Lục" chép về Đinh Nhật Thận: “ Vì là bạn cũ của tên giặc Cao Bá Quát nên bị bắt giam, sau được thả”.


    Vì mến tài ông, vua Tự Đức lưu ông lại ở kinh đô để dạy cho con em trong hoàng tộc và cũng để dễ bề kiềm chế ông. Tục truyền khi ở kinh đô, một hôm Đinh Nhật Thận cùng các quan đại đại thần theo thuyền ngự đi ngoạn cảnh trên sông Hương. Nhân bàn luận về Nho giáo, ông nhắc đến câu: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” và cho đó là một câu chí lý. Nghe xong, vua Tự Đức phán :
     - Vậy trẫm truyền cho khanh nhảy xuống sông này chết đi, khanh có dám làm không ?
     Nghe vua phán vậy, các quan trên thuyền đều lo sợ thay cho ông, vì không nhảy xuống sông thì không trung với vua, mà nhảy xuống thì chết là cái chắc. Ấy vậy mà ông vẫn bình tĩnh lạy nhà vua ba lạy xong đâu vào đấy, rồi lao mình nhảy tỏm xuống dòng sông. Mọi người đều bàng hoàng, tưởng đây là nơi an nghỉ ngàn thu của ông rồi. Nhưng chỉ trong giây lát, ông ngoi đầu lên khỏi mặt nước và vói tay bám vào mạn thuyền ngự. Vua Tự Đức hỏi: 
    - Sao khanh không ở dưới đó luôn mà còn trở lên đây chi vậy ?
      Ông bình tĩnh đáp rằng :
    - Chỉ tại cái ông Khuất Nguyên của nước Sở. Nhà vua ngạc nhiên hỏi :
    - Tại sao lại Khuất Nguyên ?. Ông chậm rãi kể :
    - Thần định ở luôn dưới đó, nhưng khi vừa xuống đến đáy sông thì thần gặp ông Khuất Nguyên, ông ấy đuổi thần lên và mắng thần rằng : 

             Ngã phùng ám chúa hàm oan nhẫn,     我逢黯主含冤忍,
             Nhữ ngộ minh quân nịch tử hà ?          爾遇明君溺死何?

   Có nghĩa :
          Ta gặp phải chúa hắc ám, nên phải chịu oan đã đành,
          Còn ngươi gặp được minh quân sao lại phải nhảy xuống đây trầm mình tự tử vậy ?

  ... hạ thần nghe ông ấy mắng quá đúng cho nên phải ngoi lên đây để tâu cùng bệ hạ rõ!

      Vua Tự Đức cả cười, sai thị vệ kéo ông lên thuyền ngự, lấy quần áo cho ông thay rồi đích thân rót một chén rượu để khen thưởng cho cái tài ứng đối mẫn tiệp, mặc dù biết đó là một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt.


Giai thoại trên nghe thì rất lý thú, nhưng chỉ để kể cho nhau nghe chơi khi trà dư tửu hậu mà thôi. Nay nhân Tết Đoan Ngọ, ở nơi xứ lạ quê người nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, nên kể hầu chư vị cho vui với một ngày Lễ chỉ có ở vùng của các nước Đông Nam Châu Á mà thôi.

Đỗ Chiêu Đức 

5/18/23

Những chiếc xe mì của quá khứ

Đỗ Duy Ngọc @ 1/3/2018


Sài Gòn từ khi hình thành là nơi đất lành chim đậu, là nơi giao thoa các nền văn hoá khác nhau. Đó không chỉ là nơi hội tụ của người Việt từ ba miền Nam, Trung, Bắc; mà còn là nơi đón nhận nhiều phong tục, lối sống của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới nữa. Đặc biệt là văn hoá ẩm thực. Ở Sài Gòn, ta có thể thưởng thức món gan ngỗng béo ngậy của Pháp, món lẩu chua cay của Thái, mắm bò hóc và chè Kampuchia, món sushi của Nhật, món pizza của Ý, món cari của Ấn, món nướng của Hàn, món soup rau của Địa Trung Hải, món cháo ếch của Singapore, món Dim sum Hồng Kông... và đặc biệt không thể không nhắc đến những món ăn của người Hoa Chợ Lớn.

Ẩm thực của người Hoa thì vô cùng phong phú, kể ra cũng vài trang giấy. Ở đây, trong phạm vi những dòng ngắn ngủi đầu xuân, tôi chỉ nói tới món hủ tíu và mì của họ. Những món ăn luôn hấp dẫn tôi từ trước đến nay.

Nhắc tới món ăn này trước hết phải kể đến chiếc xe mì.
Đó là những chiếc xe thường xuất hiện vào lúc xẩm tối, bên vỉa hè, nơi góc chợ, chỗ có đông người qua lại. Đó là những chiếc xe chuyên dụng, chỉ dùng để bán hủ tíu, mì. Trên chiếc xe này được trang bị đầy đủ như một quán ăn, có bếp đốt bằng than củi, có chỗ xài bình ga, lửa xanh lét phì phì, có nồi nước lèo hai ngăn to bự chảng, một bên để trụng hủ tíu, mì, ngăn còn lại chứa nước lèo sôi sùng sục. Nước lèo thường được hầm với xương, củ cải trắng, mực, tôm khô, có nơi còn có cả sá sùng. Bên trên có tủ kiếng chia ngăn để thịt, rau hành. Đặc biệt luôn luôn bên cạnh thùng nước lèo có mặt một cái vịm bằng gốm, trong chứa mỡ nước và những miếng mỡ heo thái hạt lựu đã được thắng vàng. Tôi có mấy người bạn làm nghề này bảo rằng thứ làm cho tô mì ngon hay dở đều nằm trong cái vịm thắng mỡ này. Theo họ thì cái này không chỉ chứa mỡ mà còn được gia cố thêm bột nêm, bột ngọt và bí quyết riêng của mỗi xe mì. Trụng xong mì hay sợi hủ tíu, bỏ vào tô, cho thịt, xá xíu, hành, rau, lúc đó múc một muỗng mỡ vào rồi mới chế nước lèo lên. Không có cái muỗng mỡ này, tô mì ăn lạt nhách. Hơn nữa, nồi nước lèo nếu nêm nếm gia vị nhiều quá sẽ mau thiu, không thể để lâu được. Còn cái vịm mỡ gia vị đó thì để bao lâu cũng chẳng hư. Âu đó cũng là kinh nghiệm gia truyền.

Ba mặt của xe mì thường có ba tấm thiếc, nhôm hoặc inox hay ván gỗ, mở ra, cài hai cái móc, để thêm mấy cái ghế xếp nữa thành bàn. Trên đó để chai giấm, chai nước tương, hủ ớt dầm giấm và lon guigoz đựng muỗng đũa. Ông bà nào dân Việt thuần tuý đi ăn mì Tàu mà muốn kiếm nước mắm sẽ không bao giờ tìm thấy ở đây. Nếu quán đông khách, người ta kê thêm mấy cái bàn, vài cái ghế đẩu và quán hoạt động đến khuya.

Nhắc xe mì mà không nói đến những tranh kiếng đủ màu trang trí trên xe là một thiếu sót lớn. Đó là những tấm tranh vẽ những điển tích của văn hóa dân gian Trung Hoa. Đó là những cảnh minh họa truyện Tam Quốc như: nhân vật Quan Công mặt đỏ râu dài cỡi ngựa đỏ, Trương Phi râu rậm, mắt lồi dữ tợn, Triệu Tử Long múa đao, đó là cảnh Bát tiên phó hội, Bát tiên quá hải, Tôn ngộ không, Thất hiền, rồng phụng tương giao, cảnh sơn thuỷ...

Tất cả đều tô màu sặc sỡ, với một kỹ thuật đặc biệt và nét vẽ điêu luyện tuy chỉ do những người thợ mỹ nghệ làm ra. Đến nay, nghề này đã bị thu hẹp lại, các nghệ nhân xưa đã già hay đã qua đời, nghề lại ít người theo nên tranh kiếng ngày nay thiếu mất cái hồn, cái uy nghi, vũ dũng trong nét bút của thời xưa. Hồi đó, mỗi lần đi ăn mì, tôi say sưa ngồi ngắm những tranh vẽ đó, về nhà học vẽ theo đầy cả vở, bị ba tôi phạt hoài.

Ngày nay, những xe mì với tranh kiếng vắng bóng dần trên các vỉa hè, đôi khi lại tìm thấy trong các nhà hàng, người ta để như là một biểu tượng. Chiếc xe mì tranh kiếng nằm nơi góc chợ, bên lề đường có vẻ hay hơn, đắc địa hơn, có sinh khí hơn nhiều.

Ngoài những xe mì cố định, còn có xe mì lưu động. Đó là những chiếc xe nhỏ hơn, trang bị gọn hơn, ít khi có tranh kiếng, nếu có cũng vẽ đơn giản, sơ sài hơn. Ông chủ xe thường là tuổi trung niên, mặc cái áo thun ba lỗ, vai vắt khăn. Bên cạnh thường có những đứa bé cầm hai thanh tre đã lên nước nâu bóng gõ theo nhịp điệu muôn đời không đổi sực... tắc, sực... tắc. Tiếng gõ vang một góc đường, một con hẻm giữa đêm gợi cho ta thèm muốn một bát mì nghi ngút giữa đêm, giúp cho người đi chơi khuya về có bát mì ngon, giúp kẻ lỡ đường với số tiền ít ỏi qua cơn đói. Bởi những xe mì lưu động này bán giá rất bình dân, tuy vậy cũng có những xe mì lưu động rất ngon không khác gì những xe, những quán cố định.

Nhiều người đi xa có lúc nhớ về quê nhà lại nhớ tiếng sực tắc đêm khuya. Có những người đã già, nhớ lại thời bé dại, cũng có lúc lại nhớ tiếng gõ đều đều của hai thanh tre của chiếc xe mì đi qua ngõ quá khứ.

Tô mì hay hủ tíu thường được ăn cùng với xá xíu, những miếng thịt heo nạc màu đỏ xắt mỏng ăn thơm thơm mùi ngũ vị hương, ngòn ngọt của mật ong phết lên lúc quay lúc nướng. Cũng có mì hủ tíu ăn với cật, gan heo và con tôm hồng hào hấp dẫn. Còn có mì hoành thánh, sủi cảo chấm tương ớt hoặc nước tương. Bỏ vào miệng cảm được cái mềm mại của bột, cái dai dai béo béo đậm đà của thịt, cái ngọt lừ của nước lèo, tất cả hoà thành một hương vị đặc biệt khó quên. Người Hoa Chợ Lớn có người Tiều, người Quảng, người Hẹ, Phúc Kiến, người Hải Nam... Người vùng nào cũng có người làm nghề bán hủ tíu mì. Nhưng riêng tô hủ tíu mì của người Quảng thường có miếng bánh tráng mỏng nho nhỏ chiên vàng ươm, trên có một vài con tôm nhỏ để nguyên chân cẳng, râu càng. Cắn miếng bánh dòn rụm, húp thêm niếng nước lèo, đưa thêm vài sợi mì, ngon!

Sau này còn có Hủ tíu sa tế, gồm bò hoặc nai, ăn với một loại sauce cay cay trộn đậu phụng giã nát. Hình như những quán bán loại này đa phần là người Triều Châu, không biết đúng không bởi món này cũng không phổ biến lắm?

Tô mì ngon ngoài nước lèo ngọt, đậm đà, thịt chế biến giỏi còn có yếu tố quan trọng là sợi mì phải dai, ăn đến muỗng cuối cùng, mì vẫn không nhão nát. Mì được làm từ bột mì, thêm màu vàng óng của nghệ hoặc phầm màu và nghe đâu phải có tro tàu sợi mì mới dai ngon. Có loại sợi mì nhỏ như sợi bún, cũng có loại to dẹp, ngon dở tuỳ khẩu vị mỗi người mà lựa chọn. Khi trụng mì cũng là một kỹ thuật. Có nơi trụng bằng nước sôi, xong lại qua một lượt nước lạnh, rồi trụng sơ lại nước nóng lượt nữa mới cho vào tô. Trụng như thế sợi mì sẽ dai lâu mà không nát. Mì được khoanh từng vắt nhỏ dáng tròn tròn như hột vịt. Có người muốn ăn no, thường kêu ba hoặc bốn vắt một tô. Nhìn tô mì đầy nhóc thấy ớn. Cũng có đôi chỗ bán mì tươi, kéo mì tại chỗ thành những sợi dài, kiểu mì này cũng ít nơi bán vì rất mất thì giờ chờ đợi.

Sợi hủ tíu làm bằng bột gạo, sợi hủ tíu ngon là sợi hủ tíu không bị nhão khi ăn, nuốt vào miệng nghe trơn tuột và cũng cần kỹ thuật khi trụng.

Cũng có nhiều xe mì bán thêm món há cảo, bột được bọc với con tôm, đem hấp chín, khi ăn chấm với tương ớt và xì dầu.

Có người thích ăn chung một tô có mì lẫn hủ tíu, cũng là một cái thú vì ăn được hai thứ trong một tô. Thế nhưng có nhiều xe mì không chịu làm thế, hủ tíu là hủ tíu, mì là mì, không thế có thứ hỗn hợp như thế.

Đi năm châu bốn bể, kể cả một thời gian khá dài ở bên Trung Quốc, tôi vẫn không thấy đâu ngon bằng tô hủ tíu mì ở Việt Nam, đặc biệt là tô mì ở Chợ Lớn. Họ cũng gọi là mì nhưng thiếu cái hương vị mình đã dùng qua, cái cảm giác mà mình đã hưởng thụ. Ngay khi ra Hà Nội, hay về Đà Nẵng, vẫn thấy tô mì không giống tô mì Chợ Lớn. Bởi tô mì của quá khứ là tô mì quen thuộc, đã theo ta suốt một quãng đường dài của cuộc đời.
Bây giờ ở Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi, cũng chẳng khó khăn gì để kiếm một bát mì ngon, nhưng ăn trong quán, trong nhà hàng máy lạnh lại không có được cảm giác thú vị của ngọn gió đêm hiu hiu, ngọn đèn đường hắt hiu và phố xá có người qua, ăn trong âm thanh rộn rã của cuộc sống.

Tìm tô mì dễ dàng nhưng không còn thấy những chiếc xe mì lưu động, thay vào đó là những xe mì gõ mới không giống như cũ, tiếng sực tắc cũng chẳng còn âm thanh cũ, chất lượng, hương vị cũng đổi thay và tiếc nhất là những xe mì vỉa hè có những bức tranh kiếng. Giờ vẫn còn rải rác đâu đó để kiếm tìm, nhưng chắc chắn mốt mai, nó chỉ còn trong kỷ niệm.
Ai cũng có một món ngon của quá khứ, và chằc hẳn món đó là món ngon nhất trong tâm tưởng của riêng mình.


4/23/23

Giải Cino Del Duca 2023 được trao cho nhà văn Dương Thu Hương

Nhà văn Dương Thu Hương. Ảnh trên 

Vào ngày 21 tháng 4 năm 2023, dưới sự đề xuất, với đa số tuyệt đối, của Hội đồng Giải Cino Del Duca Thế giới, do bà Hélène Carrère d’Encausse, Thư ký Thường trực của Viện Hàn lâm Pháp làm chủ tịch, Ủy ban Quỹ Del Duca, do Xavier Darcos, Đổng lý văn phòng của Institut de France, thuộc Viện Hàn lâm nước Pháp, đã trao Giải thưởng Thế giới 2023, trị giá 200.000€, cho bà Dương Thu Hương, nhà văn Việt Nam đang sống tại Pháp.

Tên của bà đã được Daniel Rondeau, thuộc Viện Hàn lâm Pháp, công bố vào ngày 21 tháng 4 năm 2023 trong khuôn khổ Lễ hội Sách Paris.

Theo nhận xét của Hội đồng giải Cino Del Duca, Dương Thu Hương là một nhà văn tận tuỵ và dấn thân trong việc lên án những vấn nạn tại Việt Nam.

Tên tuổi của bà vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Bà nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt tại Pháp, nơi nhiều tác phẩm của bà đã được dịch sang tiếng Pháp.

Từ Chốn vắng, cuốn sách được đọc nhiều nhất của bà và Đồi bạch đàn, đến Đỉnh cao chói lọi, dành riêng cho nhân vật Hồ Chí Minh, bà mô tả cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam, sức nặng của quá khứ và truyền thống trong một xã hội mang trong lòng nhiều dấu vết của các cuộc chiến tranh bi thương.

Giải thưởng Cino Del Duca 2023 tôn vinh một nhà văn lớn mà tác phẩm và nhân cách đặc biệt đã chuyên chở những thông điệp về chủ nghĩa nhân văn hiện đại được Hội đồng giải thưởng công nhận.

Giải thưởng được lập ra bởi Simone Del Duca vào năm 1969 với mục đích tôn vinh sự nghiệp của một tác giả người Pháp hoặc nước ngoài có tác phẩm cấu thành, dưới hình thức khoa học hoặc văn học, một thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại.

Với số tiền thưởng lên đến 200.000€, chỉ sau giải thưởng Nobel Văn học.

Ban giám khảo bao gồm 14 thành viên, phần lớn là thành viên của Institut de France, thuộc Viện Hàn lâm Pháp.

Giải thưởng quốc tế Cino Del Duca dành cho văn học thường được ví von như một “antichambre” của giải Nobel Văn học danh giá.

Thật vậy, Mario Vargas Llosa được trao giải Cino Del Duca vào năm 2008. Hai năm sau, nhà văn người Pérou và Tây Ban Nha đã dành giải Nobel Văn học.

Cũng vào năm 2010, nhà văn Pháp, Patrick Modiano là chủ nhân của giải Cino Del Duca trước khi được vinh danh vào năm 2014 với giải Nobel Văn học.

Ngoài ra còn có các nhà khoa học đã được trao giải Cino Del Duca trước khi được nhận các giải Nobel về Sinh học, Y học và cả giải Nobel Hoà bình.

Năm 2022, nhà văn Nhật nổi tiếng Haruki Murakami cũng được trao giải Cino Del Duca. Murakami là một cái tên nổi bật và thường được đề cử trong danh sách các ứng viên cho giải Nobel Văn học.

Ngoài ra còn có nhà văn người Pháp gốc Tiệp nổi tiếng Milan Kundera cũng được vinh danh với giải Cino Del Duca vào năm 2009. Milan Kundera là tác giả của tác phẩm nổi tiếng L’Insoutenable Légèreté de l’être (Đời nhẹ khôn kham).

Việc nhà văn Dương Thu Hương được trao giải Cino Del Duca là một sự kiện lớn trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Đó cũng là một cú đấm vào bộ mặt chế độ Việt Nam vì những tác phẩm của bà thể hiện sự bất mãn của bản thân bà đối với chế độ cộng sản độc tài toàn trị. Bà đã từng phải vào tù vì dám lên tiếng phát biểu phê phán việc áp dụng chủ nghĩa Marx-Lenin vào Việt Nam và phản đối độc quyền của đảng cộng sản.

Hiện nay, các tác phẩm văn chương của bà vẫn bị cấm tại Việt Nam vì lý do chính trị.

Giải thưởng Thế giới Cino Del Duca sẽ được trao cho Dương Thu Hương dưới Mái vòm của Institut de France, Viện Hàn lâm Pháp, trong buổi lễ long trọng trao các Giải thưởng Lớn của Viện, vào ngày 21 tháng 6 năm 2023.

Nhắc đến Dương Thu Hương, người viết chợt nhớ đến lời nhận xét của một dịch giả nổi tiếng trong nước, khi gặp ông tại Lausanne, Thuỵ Sĩ: “Văn chương của Dương Thu Hương không có gì đặc biệt và khó đọc”. Khi ấy người viết có nói rằng “khó đọc” có lẽ vì nó trần trụi và khốc liệt khi phơi bày những sự thật, những nỗi thống khổ của người dân Việt Nam trong cái nhà tù khổng lồ lộ thiên! Văn chương của bà là thứ văn chương phản kháng mà không phải ai cũng có cái dũng và sự can đảm để viết…

Mong rằng Dương Thu Hương, một ngày không xa, sẽ được trao giải Nobel Văn học, để làm “thoả lòng” ông Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước, khi ông này phát biểu: “Tôi luôn mong ước một ngày không xa Việt Nam sẽ có nhà văn đạt giải thưởng Nobel Văn chương, mang đến niềm tự hào cho đất nước. Tôi có niềm tin mạnh mẽ vào tất cả các nhà văn, tác giả trẻ hôm nay”.

Biết đâu, “niềm tự hào” ấy lại đến từ một ngòi bút sắt thép của một nữ nhà văn bất đồng chính kiến, đang phải sống tha hương, không hề run sợ, chùn bước trước bạo tàn và khủng bố của bộ máy độc tài toàn trị.

10/11/22

Cung Trầm Tưởng

EAGAN, Minnesota (NV) – Nhà thơ Cung Trầm Tưởng, tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc như “Mùa Thu Paris,” “Chưa Bao Giờ Buồn Thế,”… vừa qua đời lúc 4 giờ 27 phút, chiều 9 Tháng Mười, tại bệnh viện United Hospital, thành phố Saint Paul, tiểu bang Minnesota.

“Bố tôi mất vì viêm phổi nặng và nhịp tim yếu quá!” Bà Hằng Cung, người con gái lớn trong bảy người con (bốn trai, ba gái) của nhà thơ, xác nhận với Nhật báo Người Việt.


Bà Hằng Cung nói thêm: “Chúng tôi rất buồn, rất sốc về sự ra đi của bố. Nhưng cũng rất tự hào về bố, về các bài thơ nổi tiếng của bố được bác Phạm Duy phổ nhạc quen thuộc mà nhiều người biết.”

10/5/22

Giấy Dó

Giấy dó là gì và dùng để làm gì?

Giấy dó là loại giấy được sản xuất từ vỏ những cây dó (như dó giấy, dó liệt...), theo quy trình thủ công được truyền lại qua nhiều thế hệ ở một số làng nghề [thủ công nghệ] ở Việt Nam. Giấy dó được dùng cho/[để] vẽ tranh trong mỹ thuật dân gian Việt Nam, đặc biệt là để làm giấy điệp cho tranh Đông Hồ, hay lưu giữ các tài liệu, nhờ vào nhiều ưu điểm, nổi bật nhất là độ bền theo thời gian.

10/2/22

Romy Schneider, người viết trang sử đẹp của điện ảnh Pháp

Nghe phần âm thanh:



Sinh ra tại Áo, thành danh tại Đức, Romy Schneider (1938-1982) đã cùng với những đạo diễn lừng danh nhất thế giới để lại dấu ấn của một thời đại trong làng nghệ thuật thứ 7. Bốn mươi năm sau ngày qua đời, « Romy » vẫn là biểu tượng của những người phụ nữ quý phái nơi kinh đô ánh sáng, của những trái tim đa tình. Với Romy Schneider, Paris là điểm khởi đầu của một mối tình « trẻ mãi không già ».

Mùa hè năm 1968, Alain Delon tại phi trường Nice, đợi đón nữ diễn viên Romy Schneider. Delon nói ông hồi hộp trước phút hội ngộ. Mười năm đã trôi qua từ ngày họ gặp nhau lần đầu cũng tại một sân bay, nhưng đấy là phi trường Orly, phía nam thủ đô Paris.
Năm 1958, Romy 19 tuổi, đã là một minh tinh màn bạc, nổi tiếng khắp châu Âu nhờ vai diễn hoàng hậu của vương quốc Áo Sissi. Alain hơn nàng 3 tuổi, vừa giải ngũ, từ chiến trường Đông Dương trở về. Delon mới chập chững bước vào thế giới nghệ thuật. Alain và Romy cùng đóng phim Christine, của đạo diễn Pierre Gaspard Huit.

Christine đã chìm vào quên lãng, nhưng bộ phim đó là một khúc quanh trong cuộc đời và sự nghiệp của cả Romy Schneider lẫn Alain Delon. Romy là « con nhà nòi » trong thế giới nghệ thuật sân khấu của Áo và Đức. Còn Alain khi đó là một chàng lãng tử, bụi đời, với mặc cảm ít học thức. Paris của Delon khi đó không phải là Saint Germain des Près, nơi giới trí thức lui tới. Alain là người của những khu phố xô bồ, nhộn nhịp với cuộc sống về đêm như Pigalle.

Tháng Giêng 1959, bộ phim ra mắt công chúng lần đầu tiên tại Bruxelles : Romy Schneider lộng lẫy và hạnh phúc xuất hiện bên Alain Delon. Thilo Wydra, nhà báo Đức và cũng là tác giả cuốn Eine Liebe in Paris-Romy und Alain - Tình Yêu ở Paris Romy và Alain kể lại lễ đính hôn ngày 22/03/1959 : « Lễ đính hôn tổ chức bên bờ hồ Lugano là một sự kiện lạ lùng. Magda, mẹ của Romy tổ chức tất cả. Nhưng cho đến tận giờ chót, không ai biết là Alain Delon có đến hay không. Ngay cả Romy Schneider cũng không biết là vị hôn phu có lỡ hẹn với cô và gia đình, bạn bè thân thiết hay không. Với Alain, Romy biết được một điều đó là không bao giờ có thể trông cậy vào cậu tài tử đẹp trai đó. Alain Delon đã bắt mọi người chờ đợi, bắt cả Romy phải sốt ruột đợi mình. Nhưng cuối cùng, anh cũng đến ! ».

Công luận Đức phẫn nộ, ví mối tình của cặp Delon - Schneider như « bông hoa nhài cắm… », nhiều người xem việc Romy đi lấy chồng xứ lạ như một sự phản bội.

Bỏ mặc những tiếng thị phi, Romy Schneider và Alain Delon xây tổ ấm cách Paris khoảng một giờ lái xe, rồi họ dọn về ở ngay giữa lòng kinh đô ánh sáng. Romy và Alain rạng ngời bên nhau tại Liên hoan điện ảnh Cannes, che khuất cả những ngôi sao màn bạc của thế giới như Sophia Loren, Grace Kelly…

Ngôi sao lúc tỏ lúc mờ

Đầu thập niên 1960, sự nghiệp của Alain Delon bắt đầu cất cánh. Những tên tuổi của làng điện ảnh lúc bấy giờ, như đạo diễn Ý Luchino Visconti, hay Henri Verneuil, René Clément... của Pháp mời Delon đóng phim.

Romy Schneider từ một ngôi sao điện ảnh hàng đầu của Đức đã lùi vào bóng tối. Cô đi cùng Alain đến phim trường, lặng lẽ như một chiếc bóng. Không một đạo diễn Pháp nào chú ý đến cô gái tóc vàng từ xứ sở của Goeth sang làm dâu kinh đô Paris. Họa hoằn lắm, Romy mới được trao một vai diễn phụ. Mùa hè 1960, Alain Delon giới thiệu Romy với đạo diễn Ý Visconti. Ông tuyển cô vào diễn chung với Delon trên sân khấu trong vở kịch nổi tiếng của văn học Anh 'Tis Pity She's a Whore với cái tên được dịch sang tiếng Pháp là Dommage qu’elle soit une putain, nói về một mối tình giữa hai anh em ruột để rồi cả đôi nhận lấy hồi kết thảm khốc.

Romy tỏa sáng trên sân khấu và thế là ông phù thủy của làng điện ảnh Ý Luchino Visconti đã mời cô cộng tác tiếp trong bộ phim Boccace 70. Giai đoạn 1961-1962, Romy khá thành công trên sân khấu kịch nghệ với Chim Hải Âu của Chekov. Romy Schneider chắp cánh bay xa : cô được mời đóng phim tại Mỹ với những tên tuổi lừng danh như Orson Welles trong The Trial - Vụ Án, lấy từ tác phẩm cùng tên của văn hào Franz Kafkaz.

Năm 1962, đạo diễn Alain Cavalier mời Romy Schneider tham gia phim Le Combat dans l’ile. Trong tác phẩm này, Romy đóng vai Anne, một phụ nữ Pháp với sự đam mê và một bầu nhiệt huyết lạ thường, một nhân vật rất phức tạp bị giằn vặt giữa ý chí chính trị, tình yêu. Gần nửa thế kỷ sau, Cavalier hồi tưởng lại về Romy : « Cô bé người Áo đó từng thành danh trong làng điện ảnh nhờ những phim tình cảm ngọt ngào lấy bối cảnh là thành Vienna. Thế rồi cô ấy đến trường phim để nhập vai một người đàn bà Pháp và phải công nhận là Romy đã rất dễ dàng thuyết phục tất cả đoàn làm phim. Romy Schneider vào vai diễn với tất cả sự tinh tế và thông minh của riêng cô ấy, với thái độ rất tự nhiên… Thực sự, đây là một điều tuyệt vời và rất đáng nể phục ».

Nhà sản xuất phim Alain Terzian, một mối thâm giao với Romy Schneider, từng cộng tác với nữ minh tinh màn bạc người Đức này cả chục lần cũng đồng quan điểm : « Romy Schneider là hiện thân của một người đàn bà Pháp lý tưởng. Điều lạ lùng, là không ai thể hiện vai diễn của người phụ nữ Pháp tinh tế hơn, sâu sắc hơn là một nữ diễn viên mang hai dòng máu của Áo và Đức ».

Alain Delon và Romy Schneider rất bận rộn với các dự án làm phim. Delon thường xuyên vắng nhà. Romy ký hợp đồng với các hãng phim Mỹ, lọt vào mắt xanh của đạo diễn nổi tiếng Orson Welles.

1963, sự đổ vỡ và điểm khởi đầu


Mệt mỏi và cũng thất vọng vì cung cách làm phim của Hollywood, năm 1963, Romy bỏ cuộc chơi, quay lại Pháp vào lúc rộ lên hình ảnh một cô gái nẩy lửa luôn xuất hiện bên Alain Delon. Ngày trở về, Romy nhận được lá thư từ hôn và một đóa hồng đỏ thắm.

Chia tay với Delon, với Paris, Romy trở lại Berlin. Cô nhanh chóng kết hôn với nhà soạn kịch Harry Meyen và sinh cậu con trai đầu lòng, David. Romy Schneider vui với vai trò làm vợ, làm mẹ. Sân khấu, phim trường và hình ảnh của Alain nhạt dần.

Năm 1968, Romy Schneider kể lại : Alain Delon điện thoại cho bà và đề nghị Romy cùng diễn trong phim La Piscine của đạo diễn Jacques Deray. Nam diễn viên người Pháp trên đỉnh cao danh vọng xác nhận chính ông đã áp đặt với đoàn phim vai nữ Marianne phải do Romy Schneider đảm nhiệm. Delon ra tối hậu thư và đã được toại nguyện.

Mùa hè 1968, Alain và Romy hội ngộ trên bầu trời điện ảnh, gần 10 năm sau cuộc gặp gỡ ban đầu. Họ tình tứ, thân mật, tự nhiên như thể con tim chưa một lần nhỏ máu. Trước ống kính của Deray, đôi bạn diễn ăn ý với nhau : không còn biên giới giữa cặp Alain - Romy ngoài đời với đôi tình nhân Jean Paul - Marianne trong phim. Họ mất nhau để rồi tìm thấy được một tình yêu mới.

Ngoài mong đợi, Bể Bơi - La Piscine là cánh cổng mở ra hơn một thập niên Romy Schneider tỏa sang trên bầu trời nghệ thuật. Năm 1970, bà cộng tác với Claude Sautet trong phim Les Choses de la Vie, rồi đi từ thành công này đến thành công khác với những tác phẩm như là Max et les Ferrailleurs, César et Rosalie, Le Train, L’important c’est d’aimer, Clair de femme… Romy đã tham gia hơn 60 bộ phim, cộng tác với những đạo diễn bậc thầy trong làng điện ảnh, diễn chung với những nam tài tử nổi tiếng một thời. Trái tim đa tình của Romy đã dành một chỗ đứng riêng biệt cho mỗi người đàn ông đi qua đời bà.

Vẫn trước ống kính của nhà làm phim Claude Sautet, năm 1971, Romy Schneider rực rỡ và nẩy lửa trong vai Lily, một cô gái làng chơi. © Minh Anh/RFI


Vũ điệu cuối cùng

Ngoài đời, Alain Delon và Romy Schneider vẫn thường xuyên gặp lại nhau, khi nơi phim trường, lúc trong các buổi tiếp tân ra mắt phim… Nhà sản xuất Alain Terzian kể lại một lần, các ngôi sao điện ảnh Pháp họp nhau ở hộp đêm nổi tiếng của Paris, năm 1980 : « Tất cả những ngôi sao điện ảnh Pháp lúc bấy giờ đều có mặt đêm hôm đó, có Romy Schneider, Yves Montand, Lino Ventura... Mọi người họp nhau, ăn uống, nhạc xập xình tại hộp đêm Chez Régine. Thế rồi Romy kéo tôi lại, bảo rằng cô muốn khiêu vũ với Alain. Làm công tác giao liên, tôi nhắn lời lại với Delon. Anh đứng lên, yêu cầu cho chơi bản Stranger in the Night của Frank Sinatra. Anh đã mời Romy ra sàn nhẩy. Mọi người lui cả vào bóng tối. Chỉ còn lại có Alain và Romy. Họ quấn lấy nhau, như mối tình học trò, như hai người tình từ muôn thuở, họ thực sự yêu nhau tha thiết. Họ hôn nhau như những ngày đầu. Mireille Darc, người bạn đời của Alain Delon cũng có mặt đêm hôm ấy. Mọi người nín thở. Chỉ có tiếng nhạc và bước nhảy của Romy với Alain mà thôi ».

Ngày vui qua mau. Bước sang thập niên 1980, chồng thứ nhất của Romy Schneider là nhà soạn kịch Harry Meyen tự vẫn. Romy chia tay với người chồng thứ nhì là Daniel Biasini năm 1981, cùng năm David, cậu con trai của Romy 14 tuổi, chết trong điều kiện thảm khốc. Romy Schneider bị đẩy xuống vực thẳm, bà bị đẩy xa khỏi dòng đời để không bao giờ quay lại được vào bờ.

Ngày 29/05/1982, các đài truyền hình loan tin Romy Schneider không còn nữa. Một nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn vĩnh viễn ra đi, bà mới 43 tuổi.

Hay tin dữ, 5 giờ rưỡi sáng hôm ấy, Alain Delon cùng với nhà sản xuất Terzian đã đến ngay căn hộ của Romy ở quận 7 Paris. Họ đã bước vào phòng ngủ của người tình Alain Delon chưa bao giờ cưới. Delon đã ngồi lại bên Romy. Ông đã khóc, khóc rất nhiều. Hàng giờ sau, Magda Schneider, mẹ của Romy bước vào phòng. Bà ôm lấy Alain Delon. Terzian kể lại, giây phút đó, ông biết rằng, dù không lên xe hoa, Alain và Romy đã nặng nghĩa vợ chồng. Alain Delon một mình lo liệu tang lễ cho Romy Schneider.

Trong 24 năm đồng hành, trên đất kinh kỳ của Paris, Alain và Romy đã gặp nhau, họ yêu nhau, vô tình hay cố ý họ gây thương tích cho nhau. Họ chia tay nhưng chưa bao giờ lìa xa nhau. Dù là người rũ áo ra đi, Alain Delon đã cùng sánh vai Romy Schneider đi rất xa trên con đường nghệ thuật và cũng chính ông đưa hoàng hậu Sissi đi đến điểm tận cùng cuộc đời.

9/24/22

Thư viện đặc biệt nhất thế giới: Không có nổi một cuốn sách nhưng vô ...

Nhắc đến thư viện, hầu hết chúng ta đều hình dung ra khung cảnh một căn phòng rộng lớn với hàng loạt các tủ sách xếp dày đặc đa dạng những cuốn sách theo từng danh mục cùng sự tĩnh lặng tuyệt đối. Tuy nhiên, tại Đan Mạch lại xuất hiện một thư viện đặc biệt, nơi không có bất kỳ quyển sách nào, cũng chẳng hề tĩnh lặng mà lại tràn ngập tiếng trò chuyện của mọi người.

Khung cảnh thư viện đặc biệt tại Đan Mạch

Được lên ý tưởng được vào những năm 2000 và xuất hiện lần đầu tại Lễ hội âm nhạc Roskilde tại Đan Mạch với cái tên "Human Library" (Tạm dịch: Thư viện con người), thư viện này đã đón nhận rất nhiều sự quan tâm và từ đó trở thành một tổ chức lớn mạnh.

9/11/22

Cái chết ảo

Trần Mộng Tú

Trong vòng trên dưới hai mươi năm nay chúng ta sống dựa vào điện thoại cầm tay và khung hình điện toán nhiều lắm, nhiều đến nỗi tưởng như nếu bây giờ không có hai thứ đó thì chúng ta sẽ trở về thời tiền sử vì chúng ta mất hết phương hướng. Chúng ta sẽ trở nên mù lòa, tàn tật.


Thế giới tin học này, ngoài việc giúp mở mang trí tuệ còn giúp con người liên lạc xuyên lục địa, giúp mở tung những giấu kín, bưng bít, những bí mật phi pháp, những khám phá mới nhất trước mặt, những khám phá giật lùi từ thượng cổ, tìm lại những liên hệ đã mất tích, giúp xây dựng hay lật đổ, giúp điều thiện, gây điều ác… không kể ra hết được.

Nó giống như một chiếc kính vạn hoa, người ta vào đó để hưởng được tất cả lợi nhuận của nó và đồng thời cũng để thất lạc chính mình trong đó. Đến nỗi có người đã phải thốt lên: There are three kinds of death in this world. There's heart death, there's brain death, and there's being off the network. (Guy Almes)

Một trong những lợi nhuận đầu tiên là thông tin giữa gia đình, bạn hữu thật. Sau đó mở rộng ra đến thông tin giữa những người mình chưa hề là bạn, chưa gặp gỡ bao giờ. Có khi hai người xa lạ, qua những điện thư, cũng tự gửi hình gia đình cho nhau, nói chuyện gia đình, con cái. Rồi tiếp đến một lời mời, một cái hẹn gặp nhau khi có dịp đi xa, đến thành phố đó, mình gặp nhau, để biến ảo thành thực. Lời mời đó đôi khi thực hiện được.

Mình cũng nhận được hình ảnh của hoa tươi, nghe được tiếng chim hót và cả những tiếng dội của bom đạn, hình những đám rác bềnh bồng trôi trên khung mạng. Cả những áng văn hay, những bài viết chỉ mới đọc một dòng đã phải xóa ngay của ai đó gửi đến cho mình.

Trong thế giới ảo này, chúng ta thật sự biết tên một người nào đó kèm theo hình ảnh đã là hiếm, nếu chúng ta gặp được, đặt tay lên vai, nở một nụ cười với người mang cái tên đó, lại càng hiếm nữa. Là một người viết, tôi có những bạn đọc ở xa lắm, xa đến nỗi tôi chẳng thể hình dung ra thành phố, quốc gia nơi người đó cư ngụ, nếu không phải là nơi tôi đã một lần ghé qua trong một chuyến du lịch. Tôi cũng không biết tuổi tác người đó (vì không bao giờ hỏi) không biết mặt (vì không bao giờ gửi, nhận hình). Có những người, sau năm ba lần thư gửi đi, tôi quên mất địa chỉ hộp thư, quên mất tên người đó, nếu người đó không quay lại tìm tôi, tôi không cố nhớ lại được, vì nhiều tên quá, nên tên có trong danh sách lưu trữ mà loay hoay tìm không ra vì trí nhớ thiếu sót.

Nhưng có người tôi nhớ mãi, dù cũng ảo như mọi người khác, nghĩa là chỉ có một cái tên nhưng chưa hề biết mặt, vì hình như có một sợi giây vô hình nào đó giúp chúng tôi hiểu nhau, gần gũi nhau lắm. Cho đến một hôm, cái tên người đó bỗng mất hẳn. Gọi mãi trên thư cũng không nghe thấy trả lời. Mất là mất hút, như gió sa mạc cuốn hạt cát đi, như đại dương xô vỡ một bọt nước, như con lốc cuốn chiếc lá lên trời. Trên cái khung hình trắng toát đó không bao giờ tôi nhận được dấu vết trở về. Tôi mất hẳn người bạn ảo đó. Tôi có ngẩn ngơ một thời gian, vì khi trao đổi thư với nhau, chúng tôi tìm được chút nào là tri kỷ. Đôi khi ngẫm nghĩ không biết mấy cái thư cuối mình có viết điều gì vụng về, để người bạn chưa hề gặp buồn lòng không? Tôi mất hút dấu vết của người bạn đó, tôi tiếc quá, nhưng không biết làm thế nào tìm lại được bây giờ.

Chuyện tiếc một người bạn ảo giống như tiếc một giấc mơ. Trong mơ ta biết rõ là mơ, là không phải thực khi ta tỉnh. Người bạn trên khung mạng ta biết phải là một người bằng xương, bằng thịt ngồi gõ những ô chữ để gửi một cái thư đi, người đó phải có thực, nhưng ta vẫn gọi là ảo, vì ta không bao giờ giáp mặt, không cầm tay, ngay cả vạt áo cũng chẳng chạm vào. Con người ảo đó nếu chỉ một buổi sáng mất cái tên trên khung mạng, không bao giờ thấy xuất hiện nữa, như nó chưa hề hiện diện, chưa hề nhận thư, chưa hề gửi thư thì lúc đó ta phải gọi là ảo chứ không thể nào thay bằng bất cứ một tên gọi nào khác.

Ta lại không biết người đó chỉ bỏ đi vì không muốn liên lạc với ta nữa, hay người đó đã suy yếu sức khỏe không còn khả năng ngồi viết thư, đọc thư nữa, hay người đó đã nằm yên trong đất, đã biến hóa thành phân bón cho cây cỏ, hay thân xác đã được hỏa táng thành tro đang trôi bềnh bồng trên biển cả. Ta tha hồ tưởng tượng về một cái tên bỗng dưng biến mất của người bạn ảo đó và ta nhớ tiếc.

Để cho khỏi đau buồn, ta tự nghĩ ra thế giới trên mạng này là thế giới thứ ba sau hai thế giới bấy lâu nay ta biết: thế giới con người và thế giới thần linh. Thế giới thứ ba này là chỉ xuất hiện trên khung mạng. Ai muốn vẽ rồng ra rồng, vẽ rắn ra rắn, vẽ thiên thần hay vẽ ngạ quỷ, tùy nghi. Ai muốn tin cứ tin, ai muốn xóa bỏ cứ xóa bỏ, không có một nguyên lý nhất định, một kim chỉ nam nào để người ta theo đó mà ung dung tự tại được trong thế giới thứ ba này. Cái đẹp của người này là cái xấu của người khác, cái hay và cái dở chồng chéo lên nhau, tùy theo bản ngã của mỗi người gạn đục, khơi trong.

Nhưng những cái tên quen thuộc bỗng mất đi không để lại vết tích nào quả có mang buồn bã, hụt hẫng cho những người bạn mỗi ngày vào mạng.

Một buổi sáng, tôi mở cái khung hình trắng xóa trước mặt, đọc những bài vở của những người bạn thật, bạn ảo từ xa gửi tới. Tôi nhận được tin báo: Chị Phi Yến, bị tai nạn xe cộ, chết ngày hôm qua.

Cũng như phần đông những người bạn ảo khác, tôi chưa hề gặp mặt chị Phi Yến bao giờ, tôi chỉ biết chị qua cái tên. Cái tên này lại nằm trong một danh sách dài của cậu em tôi ở Hà Nội gửi đến. Con chim Yến đậu lại trên khung hình ảo, con chim Yến bay đi, khoảng trống đó sẽ lại có một con Hồng ảo, con Nhạn ảo khác thế vào.

Trước sau, cái tên đó chỉ là ảo, nếu cậu em tôi ở Hà Nội không phải là bạn thân của chị Phi Yến, không gửi cho tôi mấy tấm hình của chị, sau khi nhận tin chị mất, tôi hỏi thăm về quê quán, tuổi tác chị.

Cái tên của chị không xuất hiện trên khung mạng của tôi nữa thì chẳng khác nào nó bay đi như con chim Yến bay đậu sang một nhánh cây khác.

Thôi, tôi cứ tin như thế, tin như chuyện xe tông vào chị như một chuyện nằm mơ. Nằm mơ, khi tỉnh dậy không tin là thật. Cái tên của chị Phi Yến mất đi trên trang mạng có khi chỉ là một Tên Ảo và cái chết của chị là một cái Chết Ảo.

Tôi muốn tin như vậy.

7/12/22

NHỮNG MÓN ĂN DÂN DÃ CỦA NGƯỜI TÂY NAM BỘ

Miền Tây là miền quê sông nước, nơi gắn liền với bao thế hệ. Khi đến với miền Tây, du khách sẽ không chỉ cảm nhận được sự thoải mái của không khí nơi đây mà còn bị ấn tượng bởi sự thân thiện của người dân bản địa. Nơi mảnh đất của sông nước này mới có những món ăn ngon giản dị như chính con người miền Tây mộc mạc.

Canh gà lá giang

Canh gà lá giang là món ăn phổ biến miền Tây, đây là món ăn rất dễ làm và rất được ưa chuộng ở nhiều nơi bởi vị chua chua ngọt ngọt của nó vừa lạ miệng lại vừa đậm đà. Không chỉ thơm ngon, vị chua dịu đặc trưng của lá giang mà còn giúp giải nhiệt cơ thể, khiến bữa ăn thêm thanh mát.

Cá kèo kho tộ


Cá kèo kho tộ được xem là món ăn đặc trưng của Nam Bộ. Thịt cá kèo săn chắc, béo ngậy quyện với vị cay nồng của tiêu, của ớt, thêm vị thơm của hành lá. Người ta vốn thích ăn cá kèo kho tộ ăn với cơm trắng bởi hương vị đậm đà của nó hòa cùng cái nóng hổi của cơm trắng làm bao thế hệ con người miền Tây nao lòng. Vị đắng của mật, vị béo của ruột cá và vị ngọt của thịt cá làm nên huơng vị đặc trưng của món ăn mà không lẫn vào đâu được.

Lẩu bông


Lẩu bông từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân vùng sông nước. Lẩu bông là sự kết hợp hài hòa của hơn chục loại rau miền Tây như bông súng, kèo nèo, điên điển, rau nhút, rau muống bào, cải tím, rau đắng… Lẩu bông thường gồm một đĩa cá lăng loại bự, thịt cá được xắt thành miếng mỏng. Nhúng miếng cá lăng giòn giòn ngọt ngọt trong nước lẩu lá giang chua chua khiến thực khách ăn một lần là nhớ nhung hoài.

Canh chua cá lóc

Canh chua cá lóc- đệ nhất đặc sản miền Tây là món ăn được nhiều người ưa thích bởi vị chua ngọt tự nhiên của nó. Cá lóc khi chín có màu trắng, thịt dẻo, chắc, ít xương,mùi vị thơm, ngon, béo và ngọt mà ít có thứ cá nào sánh kịp. Người ăn có thể thưởng thức bằng cách cho một ít rau, bún và miếng thịt cá lóc, chan nước canh vào chén. Ai thích ăn cay có thể thêm lát ớt xiêm xanh cay nồng giúp ngon miệng hơn.


Lẩu tôm

Lẩu tôm được chế biến từ những nguyên liệu đơn giản nhưng khi kết hợp với nhau lại có thể tạo nên món lẩu chua cay, thơm ngon vô cùng hấp dẫn. Vị ngọt béo của thịt tôm càng xanh, rau bông thanh mát hoà quyện với nước lẩu đậm đà khiến thực khách muốn ăn hoài mà không thấy ngán. Nếm một chút nước lẩu, bạn sẽ cảm nhận ngay được vị thanh ngọt từ xương, vị chua chua, cay nồng của sả ớt vô cùng kích thích vị giác.

Theo: Dân Việt - Blog Lưu Khâm Hưng

4/11/22

Vì sao bức chân dung Marilyn Monroe được coi là tranh vẽ đắt nhất thế kỷ 20, giá lên tới 4,5 nghìn tỷ?

"Shot Sage Blue Marilyn" rộng 40 inch vuông là một trong hàng chục bức tranh mà nghệ sĩ huyền thoại Andy Warhol đã thực hiện về Marilyn Monroe vào những năm 1960.

Được giới chuyên gia mô tả là một trong những tác phẩm nghệ thuật hiếm nhất và siêu việt nhất còn tồn tại, bức chân dung "Shot Sage Blue Marilyn" đã từng được trưng bày tại Bảo tàng Guggenheim ở New York, Trung tâm Pompidou ở Paris và Tate Modern ở London. Bức tranh dự kiến sẽ được bán đấu giá ở New York vào tháng 5 này.

Cùng với bức "Sự ra đời của thần Vệ nữ" của Botticelli, bức "Mona Lisa" của Da Vinci và "Les Demoiselles d'Avignon" của Picasso, bức "Shot Sage Blue Marilyn" của Warhol được coi là một trong những bức tranh vĩ đại nhất mọi thời đại và trở thành bức tranh giá trị nhất còn lại được đấu giá trong thế kỷ 20.

Bức tranh sẽ được bán đấu giá vào tháng 5 năm 2022.

"Shot Sage Blue Marilyn" là bản sao đầy màu sắc của họa sĩ Andy Warhol về chân dung của ngôi sao Hollywood Marilyn Monroe. Bức tranh cũng là một trong những tác phẩm mang tính biểu tượng cho thành công của Andy Warhol.

Sử dụng một kỹ thuật được gọi là in lụa, sao chép hình ảnh trên giấy hoặc canvas bằng cách sử dụng một lớp lụa lưới mịn giống như giấy nến, Warhol bắt đầu sản xuất ra các bức tranh vào năm 1962, ngay sau khi Monroe qua đời.

Cũng như những bức vẽ các nhân vật nổi tiếng khác như Elvis Presley, người nghệ sĩ đã tạo ra nhiều phiên bản chân dung của Monroe với nhiều màu sắc và hình dạng khác nhau.

Năm 1964, Warhol đã phát triển một quy trình mới tinh tế hơn và tốn nhiều thời gian hơn, trái ngược với quy trình sản xuất tranh hàng loạt trước đây. Năm đó, ông đã sử dụng quy trình mới để tạo ra một số lượng hạn chế các bức chân dung, biến chúng trở thành các bản sao vô cùng hiếm hoi.

Kỷ lục đấu giá hiện tại cho một tác phẩm của Warhol được nắm giữ bởi "Silver Car Crash (Double Disaster)", bức tranh mô tả hậu quả của một vụ va chạm trên đường, sau khi nó được bán với giá hơn 105 triệu USD ở thời điểm gần một thập kỷ trước.

Nghệ sĩ Andy Warhol cùng các tác phẩm về Marilyn Monroe.

Một số tác phẩm khác về Marilyn của Warhol cũng thu hút được số tiền lớn trong các cuộc đấu giá trong những năm gần đây, với bức "White Marilyn" năm 1962 được bán với giá 41 triệu USD tại New York vào năm 2014.

Một số ít các bức tranh từng đạt được mức giá vượt quá 200 triệu USD. Kỳ tích nhất phải nhắc tới tác phẩm "Salvator Mundi" của Leonardo da Vinci, được bán vào năm 2017 với giá bán cuối cùng lên đến hơn 450 triệu USD (hơn 10 nghìn tỉ tiền Việt Nam).

Kỷ lục đấu giá hiện tại cho một bức tranh thuộc thế kỷ 20 là 179,4 triệu USD được trả cho tác phẩm "Les Femmes d'Alger (Version O)" của Pablo Picasso vào năm 2015.

Mức kỳ vọng dành cho bức "Shot Sage Blue Marilyn" của Andy Warhol sẽ lên mức ít nhất là 200 triệu USD (4568 nghìn tỉ tiền Việt Nam). Số tiền thu được sẽ dùng để tài trợ cho các chương trình giáo dục và sức khỏe cho trẻ em trên toàn thế giới.

Nguồn: Khoahoc.tv. Cập nhật: 05/04/2022 

2/6/22

DẠ!

Nhiều người vẫn lầm tưởng khi dùng chữ ‘dạ’ là tỏ thân phận hèn kém, bề dưới, lép vế, hay hèn mạt. Hoặc thậm chí hiểu sai luôn khi cho rằng chỉ người dưới mới cần dạ với người trên. Chữ ‘dưới’ ở đây được hiểu là người nhỏ tuổi hơn trong xã hội, hay vai em/con/cháu trong gia đình.

Mình đi dạy kèm. Ông nội đứa học trò ngang tuổi ba mình. Vài lần tới sớm nhóc chưa kịp tắm hoặc ăn cơm, hay những khi mưa to phải ngồi chờ cho dứt cơn mới về là bác hay tiếp chuyện mình. Bác cẩn thận hỏi ba mẹ mình nhiêu tuổi. Khi biết ba mình hơn bác một tuổi bác khiêm tốn xưng chú và cười thẹn: “Thật là có lỗi với bác bên nhà quá.”. Mình cũng chữa thẹn cho bác, nói: “Dạ, con cũng như em út của các anh chị bên đây nên bác là bác cũng phải mà.”

1/22/22

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại chùa Từ Hiếu ở Huế, thọ 95 tuổi

Tin BBC tiếng Viêt ngày 22.01.2022

Thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa viên tịch tại Huế, theo thông tin từ Tăng đoàn Làng Mai nói với BBC tối thứ Sáu 21/01 giờ châu Âu.

Thiền sư Nhất Hạnh tại Tp HCM trong một lễ giải oan hồi tháng 3/2007.

Sư cô Chân Hiến Nghiêm, người Anh, hiện có mặt tại Pháp cho BBC News Tiếng Việt biết vào lúc 20:55 giờ London tối thứ Sáu rằng "lễ tang thầy của chúng tôi sẽ được tổ chức ngay từ sáng Thứ Bảy, ở Huế và kéo dài 5 ngày".

Thông tin từ Tăng đoàn Làng Mai cho hay thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch lúc 00:00 giờ ngày 22/01, năm 2022, ở tuổi 95, theo giờ Việt Nam ở chùa Từ Hiếu, Huế.

"Đây là ngôi chùa thầy quy y đúng 80 năm về trước."

Thông bạch, cáo phó còn nói "nhà tác giả và nhà thơ, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết trên 100 cuốn sách, và sách của thầy được dịch sang 40 ngôn ngữ"


Các cuốn in bằng tiếng Anh, The Miracle of Mindfulness, Peace is Every Step, Anger, và How to Love, đều nổi tiếng thế giới.

Một bài trên BBC News tiếng Anh hồi 2018 gọi ông là "người cha của môn Chánh niệm" (The Father of Mindfulness).

Các sách báo quốc tế đặt ông vào vị trí là một trong số các "lãnh tụ tâm linh, tinh thần" - The Guardian ở Anh coi ông là 'exiled spiritual leader'- có tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài một quốc gia.

BBC News Tiếng Việt hồi tháng 8/2010 có bài mô tả chuyến thăm của thiền sư đến London thuyết giảng về Phật giáo cho đa số người nghe là dân Anh và châu Âu:
Tăng đoàn Làng Mai trong buổi biểu diễn, thuyết giảng tại London tháng 8/2010

"Những người Việt Nam mới gặp phái Làng Mai có thể ngạc nhiên một cách thích thú khi thấy đa phần tăng ni theo ông là người Phương Tây. Nhưng đây không phải là chuyện lạ vì thực ra, Phật giáo cũng từ bên ngoài du nhập vào Việt Nam. Và nếu sau này, người thay thế Thiền sư Nhất Hạnh là một đệ tử Tây Phương thì cũng hợp lý bởi Làng Mai trước hết là một sản phẩm của xã hội châu Âu. Thông điệp của Thích Nhất Hạnh ngay từ thời Chiến tranh Việt Nam cũng đã vượt lên vị trí địa lý của xứ sở quê ông."

Trang BBC Religion viết về cuộc đời ông như sau:

Sinh năm 1926, ông quy y năm 16 tuổi và đúng tám năm sau đã lập ra Viện Phật giáo Ấn Quang ở Sài Gòn.

Năm 1961, Thích Nhất Hạnh sang Hoa Kỳ học và dạy môn tôn giáo so sánh ở các đại học Columbia và Princeton. Ông trở về Việt Nam hai năm sau đó để tham gia dẫn dắt các nỗ lực Phật giáo vì hòa bình.

Tháng 2/1964, ông lập ra dòng Tiếp Hiện, và đến 1966 lại rời Việt Nam ra thế giới để kêu gọi hòa bình trong khi cuộc chiến Việt Nam lan rộng.

Năm 1967, mục sư Martin Luther King đề cử ông cho giải Nobel Hòa bình, ca ngợi ông như sau

"Vị sư nhỏ bé từ Việt Nam nhưng là học giả có trí tuệ rất lớn. Ý tưởng vì hòa bình của ông, nếu được áp dụng, sẽ có thể tạo ra động lực cho đối thoại giữa các đạo giáo, vì tình huynh đệ của thế giới, vì nhân loại."

Năm 1969, thầy Thích Nhất Hạnh dẫn phái đoàn Phật giáo vì Hòa bình tới Hòa đàm Paris, và lập ra Tăng đoàn Phật giáo Thống nhất (Unified Buddhist Church - UBC) ở Pháp. Từ đó hình thành cộng đồng tu tập đầu tiên năm 1975, và sau đó là cơ sở Làng Mai ở miền Nam nước Pháp từ 1982.

Các cơ sở khác về sau được mở ra ở nước khác, gồm cả Việt Nam.

Nhưng việc 'bén rễ' của hệ phái này ở Lâm Đồng bất thành và tăng ni của tu viện Bát Nhã theo Làng Mai bị chính quyền gây khó khăn, phải bỏ đi năm 2009.

Xem thêm bài phỏng vấn của BBC năm 2009 về sự kiện tại tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng.

Một cơ sở sau đó ra đời tại Thái Lan, trong vùng núi thuộc tỉnh Nakhon Ratchasima.

Xem bài tường thuật của BBC từ cơ sở này năm 2018.

Tháng 8/2017, chính quyền VN lại cho phép thiền sư Thích Nhất Hạnh về thăm quê hương và ông ở lại đó cho đến khi qua đời.

Tuy được ca ngợi trên thế giới, cách nhìn về ông và trung tâm Làng Mai do ông sáng lập đã và đang khá khác nhau trong cộng đồng người gốc Việt ở hải ngoại, với nhiều lời khen và cũng có cả chỉ trích.

Quan hệ của Làng Mai với nhà nước Việt Nam hiện hành và những chức sắc của Giáo hội Phật giáo theo con đường 'xây dựng chủ nghĩa xã hội' cùng Đảng Cộng sản cũng không hoàn toàn êm đẹp, tuy đã cải thiện đáng kể từ sau sự kiện Bát Nhã.

Mới trong tháng 11/2021, trang Phật giáo Việt Nam đăng bài của ông Trần Đăng Khoa "Mừng Thiền sư Thích Nhất Hạnh 95 tuổi".

Bài có đoạn "nhân ngày sinh nhật ông, tôi lại nhớ đến cuốn sách rất thú vị: "Những bước chân an lạc".

"Cuốn sách tập hợp một số bài báo trong hàng vạn bài viết về Thiền sư Thích Nhất Hạnh của các cây bút nổi tiếng trên thế giới."

"Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bất an...Thích Nhất Hạnh cho rằng, chỉ có tình thương yêu mới xóa bỏ được mọi hận thù.một trong những công lao lớn nhất của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là đã hiện đại hóa đạo Phật, đưa đạo Phật đi vào cuộc đời."

Bài liên quan: 
.....

12/20/21

Người giàu xứ ta kiếm tiền từ đâu?

Vietnamnet.vn ngày 20/12/2021

Mấy ngày gần đây, trên báo và mạng xã hội bàn luận nhiều về chuyện đấu giá đất 2,4 tỷ/m2 ở Thủ Thiêm. Tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu nền kinh tế nước ta từ khi mở cửa phát triển thế nào, người giàu làm giàu từ đâu.

Tôi cũng tìm hiểu thêm về các tỷ phú, những người giàu trên thế giới, để từ đó so sánh ở Việt Nam ta làm ăn có khác với họ không. Tuy nhiên, ở xứ ta, câu trả lời thật chính xác về nguồn gốc làm giàu là rất khó.

"Đất vàng” tại khu đô thị mới Thủ Thiêm

Bởi nhiều người giàu không lên sàn, cả những người đã lên sàn chứng khoán cũng luôn có sự chuyển đổi từ lĩnh vực này qua lĩnh vực khác, khó xác minh. Đó là chưa kể sự thiếu minh bạch vốn tồn tại dai dẳng mà công luận đang lên tiếng. Ngay cả thứ đã công khai, số liệu, các loại thông tin nhiều khi cũng chỉ đúng một phần.