11/25/22
Những bệnh vô duyên
11/24/22
Thế Sự Dưới Cái Nhìn Của Tuổi Già
Thế Sự Dưới Cái Nhìn Của Tuổi Già
Nghe Nhạc:" Hãy để dành một chút gì của mình cho chính mình." (có thể chọn phụ đề theo ngôn ngữ mình chọn)
Xin chia sẻ bài thơ tuổi già với các bạn,
Trăng già
Bây giờ sức kiệt... còn đâu
Làm lụng vất vả ngưỡng cầu cho ai!
Một đời cần mẫn hăng sai
Gia đình, xã hội tương lai vẫn còn!
Trước sau gìn giữ sắt son,
Nhớ về cố quốc núi non rạng ngời.
Quê hương cách biệt trùng khơi,
Bình tâm ngoảnh lại thế đời qua mau.
Lo chi những chuyện làm giàu,
Bận chi những chuyện đảo chao của đời.
Giữ tâm an ổn thảnh thơi
Du lịch, viết, đọc... sáng ngời trong ta.
Cung đàn điệu nhạc lời ca,
Câu kinh tiếng kệ ngân nga chuông chiều.
Hoàng hôn gió mát hiu hiu
Thân tâm thanh tịnh thêm nhiều niềm vui.
Mạnh khỏe luôn có nụ cười
Bỏ buông phiền não thì đời bình an
Đã mang số kiếp trần gian
Sinh, lão, bịnh, tử chẳng màng để tâm.
Bây giờ tóc đã hoa răm,
Biết bao nhiêu cảnh thăng trầm trải qua.
Bâng khuâng ngắm ánh trăng ngà,
Hỏi trăng, trăng có tuổi già không trăng?
Ngô Văn Thành
********
Today is Thanksgiving Day in the U.S.
I am thankful to be born as a sentient being (nhân thân nan đắc. 人身難得)
Mostly, I am thankful for being old, về già, tai thì điếc lác, mắt thì kém cỏi, đầu óc không còn minh mẫn nữa, sức khỏe là vốn quý.
Happy Thanksgiving and let's enjoy our golden ages!
Thanks for sharing, anh Truong and anh Thanh.
11/23/22
Nga là quốc gia khủng bố.
Điều gì đến sẽ đến, sau các cuộc tấn công khủng bố liên tiếp của Nga vào các cơ sở hạ tầng của Ukraina, Hội đồng các quốc gia NATO đã họp và hôm nay, 22-11-2022, đã ra quyết định chính thức công nhận chính phủ Nga do Putin đứng đầu là nhà nước khủng bố, với tỷ lệ chấp thuận tuyệt đối 30/30. Điều này cho phép các quốc gia này có thể tiến hành trừng phạt bất kỳ một quốc gia nào khác tiếp tục có quan hệ quốc phòng, quân sự với Nga bắt đầu từ ngày này, đồng thời là dấu hiệu cho thấy sẽ tăng cường nhiều hơn nữa sự hỗ trợ vũ khí cho Ukraina.
NATO Parliamentary Assembly declares Russia to be a ‘terrorist state’.
Bài đọc thêm: Nghị viện châu Âu nói Nga là "nước tài trợ khủng bố" (Theo BBC tiếng Việt)
11/22/22
World Cup 2022: Nhật Bản lội ngược dòng thắng ngoạn mục Đức
Cổ động viên Nhật Bản trong trận đấu gặp đội tuyển Đức ở bảng E ngày 23/11 tại World Cup 2022 Qatar |
Đức chiếm ưu thế trong một trận đấu điên cuồng với những pha bóng lớn nhưng không tận dụng được áp lực mà họ tạo ra - trước khi Nhật Bản khiến Sân vận động Quốc tế Khalifa nổ ra một màn ăn mừng xen lẫn bất ngờ.
Cầu thủ vào thay người Takuma Asano đã thực hiện một pha dứt điểm từ góc hẹp để nâng tỷ số lên 2-1 cho Nhật Bản và chạy đến chỗ các nhiếp ảnh gia ở góc sân vận động trong niềm vui tột độ.
Cầu thủ Nhật Bản ăn mừng chiến thắng trước Đức trong trận đấu của bảng E ngày 23/11 ở World Cup 2022 Qatar |
11/21/22
Ngày Giỗ đầu - GS VŨ QUỐC THÚC: HÀNH TRÌNH NGŨ THƯỜNG TRONG BÁCH NIÊN TẠI THẾ (1920-2021)
GS VŨ QUỐC THÚC:
HÀNH TRÌNH NGŨ THƯỜNG TRONG BÁCH NIÊN TẠI THẾ (1920-2021)
GS vũ Quốc Thúc sinh ngày 5/8/1920, mất ngày 22/11/2021, hưởng đại thọ 101 tuổi. Thánh lễ an táng đã được linh mục Nguyễn Kim Sang cử hành tại Giáo xứ Paris ngày 25/11/2021, các nghi thức hỏa táng diễn ra ngày 1/12/2021 tại Crématorium du Mont Valérien. Giáo sư Thúc mất đi để lại lòng thương tiếc tại Paris cũng như trên toàn thế giới.
Trong hơn 20 năm, tôi có dịp đồng hành với GS Thúc tại giảng đường đại học cũng như nhiều sinh hoạt khác. Từ năm 2010, hàng tháng GS Thúc có buổi họp với LS Lê Trọng Quát, GS Phạm Đăng Sum và chúng tôi để luận bàn về thời thế. Ngoài ra, GS Thúc thường xuyên tiếp chúng tôi tại tư thất như hình dưới đây.
Trong ngày giỗ đầu của GS Thúc, có nhiều cách tiếp cận cuộc hành trình bách niên. Chúng tôi xin chọn phương pháp ngũ hành: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Nhân: GS có lòng nhân đạo không những đối với vợ con và các cháu, mà ngay cả các môn sinh, người giúp việc...
Luật Khoa : GS Thúc từng là phó khoa trưởng đại học luật khoa Hà Nội (khoa trưởng là người Pháp). Sau 1954, trong nhiều năm, ông là khoa trưởng đại học luật khoa Sài Gòn, giảng dạy môn kinh tế học. Nhiều vị thẩm phán, luật sư... xuất thân từ hai trường đại học luật khoa Hà Nội (trước 1954) và Sài Gòn (1954-1975) đã từng học với giáo sư đều có lòng tôn sư trọng đạo.
Viện Đại Học Đà Lạt: GS Thúc dạy môn kinh tế học tại trường Chánh Trị Kinh Doanh niên khoá 1964-1965. Thời gian giảng dạy tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm, vì các cựu sinh viên Đà Lạt vẫn duy trì truyền thống Thụ Nhân của cố viện trưởng là Đức Ông Nguyễn Văn Lập lưu truyền, lập ra hội Thụ Nhân ở Pháp và nhiều nơi khác trên thế giới. GS Thúc là biểu tượng một thời học tập, luôn được các cựu sinh viên một lòng tôn kính.
Nghĩa: Nghĩa nói chung là chính trực, tôn trọng chính nghĩa. GS Thúc đã thể hiện ý nghĩa này ngay từ trường luật, khi đòi hỏi quyền lợi chính đáng của các giáo sư người Việt được ngang hàng với các đồng nghiệp người Pháp. Sau cùng, bộ giáo dục Pháp phải chấp nhận các đòi hỏi này.
Ông đã từng đảm nhiệm nhiều trọng trách, trong lãnh vực giảng dạy: giáo sư và khoa trưởng đại học luật khoa Hà Nội và Saì gòn. Từ 1978-1988: ông là giáo sư kinh tế tại đại học Paris. Ngoài ra ông cũng từng tham chánh, giữ các chức vụ: Thống đốc Ngân hàng Quốc gia (1955-1956), Bộ trưởng, Quốc vụ khanh và là đồng tác giả của công trình nghiên cứu "The Postwar Development of the Republic of Viet Nam" (New York, Praeger, 1970) cùng với David E. Lilienthal.
Lễ: Là nhà giáo, ông luôn hoà nhã với tất cả mọi người, từ đồng nghiệp, các sinh viên, nói chung là trong gia đình và ngoài xã hội.
Trí: Học vị thạc sĩ (professeur agrégé) cao nhất đã chứng minh trí tuệ của ông. GS Thúc kể cho tôi nghe trong hội nghị thượng đỉnh Nguyễn Văn Thiệu - Lyndon Johnson tại Hawaï ngày 19/8/1968, trên bàn họp hình bầu dục, TT Johnson đã hỏi thẳng GS Thúc về kế hoạch hậu chiến.
Tín:
Sau năm 1975, GS Thúc hoàn toàn thất vọng về chế độ cộng sản. Ngày 13/10/1976, ông đến cầu nguyện tại thánh đường Đức Mẹ Fatima ở Bình Triệu, nơi Đức Ông Nguyễn Văn Lập là cha sở. Tại đây, GS Thúc xin Đức Mẹ cứu giúp cho gia đình ông thì ông sẽ xin rửa tội. Lạ thay, cùng ngày buổi tối đó, ông nghe đài BBC được biết tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing vừa bổ nhiệm GS Raymond Barre làm thủ tướng. Năm 1950, GS Barre và GS Thúc là bạn đồng khoa thi thạc sĩ kinh tế học. Ông viết thư, nhờ trưởng nữ là TS Vũ Mộng Lan chuyển đến văn phòng thủ tướng. Thủ tướng Raymond Barre đã can thiệp và gia đình GS Thúc được sang Pháp. Ngoài ra, GS Thúc còn cho biết nhờ lời cầu nguyện tại Fatima (Bồ Đào Nha) mà trưởng nam và thứ nữ hiếm muộn, 9 tháng 10 ngày sau, đều có con. Giữ đúng chữ tín, ngày 12/4/2012, GS Thúc đã được Đức Ông Mai Đức Vinh làm phép rửa tôi tại Giáo Xứ Paris.Kết luận :
Trong hành trình ngũ thường, GS Vũ Quốc Thúc thể hiện tình thần Kẻ Sĩ của Nguyễn Công Trứ qua câu cổ thi : uy vũ bất năng khuất.
Lê Đình Thông
Đường Xa Nhớ Lại
Dạo:
Miệt mài cảnh lạ đường xa,
Ngậm ngùi nhớ đến quê nhà năm nao.
Cóc cuối tuần:
Đường Xa Nhớ Lại
(Để nhớ lại những ngày lang thang
ở Nam Mỹ gần hai tháng trước)
Đường đất lạ, lang thang quên ngày tháng,
Mảng vui chơi nên sáng tối chẳng nề,
Lóc cóc từ thành thị tới thôn quê,
Luôn háo hức nghĩ về nơi sắp đến.
Chiều mới tắt và xe vừa cặp bến,
Đã vội vàng lo tính chuyện ngày mai,
Bụng rỗng không với đầu óc mệt nhoài,
Vẽ vời cảnh tương lai mình sẽ thấy.
Có lắm lúc mặt trời chưa thức dậy,
Đã lên đường, chạy nhảy muốn mòn hơi,
Để đủ giờ xem cảnh đẹp khắp nơi,
Thăm di tích của những thời xưa cũ.
Dù có ít thời gian cho ăn, ngủ,
Nhờ Trời thương, vẫn đủ sức rong chơi,
Vẫn lê la, dù xương cốt mỏi rời,
Vui được thấy bao cảnh đời khác biệt.
Đường ngược xuôi mải miết,
Nhưng những lần thấm mệt tạm dừng chân,
Lại chợt thấy bần thần,
Tưởng quê cũ đang gần trong gang tấc.
Nhưng ngay đó vội giật mình tỉnh giấc,
Thấy mình còn đang khất khưởng lang thang,
Đang tham lam ngấu nghiến những dặm đàng,
Vui cất bước chẳng màng chi sương gió.
Những đất nước mình đang thăm viếng đó,
Người dân dù nghèo khó vẫn an nhiên,
Sống một đời thật lương thiện bình yên,
Tuyệt hiếm có thói "bưng biền" lừa đảo.
Dẫu coi trọng túc cầu như tôn giáo,
Thắng hay thua, chuyện cơm cháo bình thường,
Chẳng có ai trần trụi nhảy ra đường,
Để hô hoán quê hương mình "vĩ đại"!
Ngược thời gian nhìn lại,
Chợt rưng rưng tê tái trong lòng,
Thuở Sài Gòn là "Hòn Ngọc Viễn Đông",
Nơi đây có mấy ai hòng sánh được!
Với thân phận của người dân mất nước,
Mộng trở về đã vượt khỏi tầm tay.
Nhìn quốc kỳ họ ngạo nghễ tung bay,
Mà cảm thấy buồn thay cho đất mẹ.
Tháng Tư đó, ngày sẩy đàn tan nghé,
Cờ với người chịu ngàn lẽ đắng cay.
Rồi cả hai, Trời cho được gặp may,
Cùng tỵ nạn giờ đây trên đất lạ.
x
x x
Càng nghĩ đến, càng nao nao tấc dạ,
Mình mãi là một gã mất quê hương,
Nên khi nhìn ngắm cảnh đẹp tha phương,
Lại nghe nhói vết thương đời biệt xứ.
Gần đi trọn hết chặng đường lữ thứ,
Ngày qua ngày, nỗi nhớ lại càng sâu,
Cuồn cuộn bóng mây sầu,
Chút hy vọng từ lâu đà sớm tắt.
Nỗi quốc hận dẫu muôn năm dằng dặc,
Và đời mình thoáng mắt sẽ vù qua,
Nhưng khi hay cảnh sống ở quê nhà,
Lòng không khỏi xót xa cùng ngao ngán.
Giang san đã rơi vào tay giặc Hán,
Dân Việt giờ biết tỵ nạn về đâu,
Và con cháu ngày sau,
Có còn biết đến niềm đau mất nước?
Trần Văn Lương
Cali, 11/2022
11/20/22
NHƯ THUỞ ĐỊA ĐÀNG
//)
Trước năm 1975, hắn là sĩ quan Biệt động quân của chính phủ miền Nam, sau trận đánh cuối cùng ở Bình Long hắn bị thương nặng và nằm điều trị tại quân y viện Cộng Hòa. Khi hắn xuất viện về nhà đúng lúc miền Nam thay đổi chủ. Rồi hắn phải vào trại cải tạo tận miền Bắc xa xôi như số phận của đa số quân, cán, chính đồng cảnh ngộ, để lại nhà vợ và hai đứa con cùng mẹ già tuổi gần bảy mươi .
Thời gian ở trại cải tạo, vợ hắn đi thăm nuôi hắn được hai lần. Lần đầu báo tin mẹ hắn mất, lần thứ hai cho hắn biết là nàng sẽ lấy chồng vì một mình nuôi không nổi hai đứa con. Mỗi lần đi thăm chồng, vợ hắn về sớm hơn những bà vợ đi thăm nuôi khác, người ta thấy hắn khóc, nhưng rồi nước mắt cũng khô theo gió núi vùng đèo heo biên giới nơi hắn bị giam giữ. Bạn đồng trại hỏi hắn hết buồn chưa, hắn cười nói tỉnh queo:
- Đời là vậy, buồn chi cho mệt.
Sau tám năm cải tạo, hắn về nhà cũ, vợ con không còn. Đi tìm người thân, bè bạn thì thấy nhà ai cũng khốn đốn cơm trộn bo bo, rau, thịt mua phải sắp hàng tính đầu người chờ cân đong, đo, đếm. Thương tình lắm có người đãi hắn một, hai buổi cơm nhưng cách đối đãi như dáng chừng cầu hắn đi đâu đi cho khuất mắt. Buồn, chán cuộc đời hắn đợi đêm khuya lên giữa cầu chữ Y đâm đầu xuống sông tự tử. Nợ đời hắn còn dài nên có người tình cờ đi ngang qua thấy và cứu hắn.
Ân nhân của hắn tên Huy, là một anh chàng lái đò trên bến kinh Đôi nằm ngay ngã ba bến Nguyễn Duy và con đường Chánh Hưng chạy dài, hàng ngày đưa khách sang sông qua bên kia vùng Phạm thế Hiển. Người nghèo dễ cảm thông người khăn khó, vợ chồng Huy mời hắn ở tạm cùng họ nơi bến đò nhỏ cũng là mái ấm của vợ chồng Huy và đứa con trai còn cắp sách đến trường Tiểu học. Cuộc đời một sĩ quan Biệt Động thoáng chốc dừng lại trên bến đò ngang, hắn học lái đò và một sớm một chiều trở thành ông lái đò thuần thục, luân phiên cùng Huy đưa khách sang sông. Vợ Huy hiền dù tính hơi lanh chanh của người lao động, hắn coi gia đình Huy như chính gia đình ruột thịt của mình, họ sống thuận thảo bên nhau, nghèo tiền nhưng giàu tình tương trợ.
Làm người đưa đò, đôi ba lần hắn cũng gặp lại vài người quen nhưng rồi khi qua sông, đến bến lại chia tay không lời hẹn gặp, từ trong thâm tâm hắn bỗng thầy mình trở thành triết gia khi nhận ra cuộc đời này hư ảo, đến-đi, còn-mất chỉ như gió thoảng, mây trời, như chiêm bao, mộng mị. Hắn ra vỉa hè đường Lê Lợi nơi bán sách cũ, tìm mua quyển sách gối đầu giường hắn vẫn thích đọc thời chưa vào lính, quyển Câu Chuyện Dòng Sông của Hermann Hesse, nói về chuyện hai người lái đò đi tìm Chân, Thiện, Mỹ cuộc đời với tiếng nói vô hình của một dòng sông. Những đêm dài lặng lẽ bên bờ đá của bến đò, nhìn trời, ngắm sao hắn cũng thử tìm nghe tiếng vọng của con nước bến sông nhưng tự trong đáy tâm hồn hắn chỉ thấy lòng đoài đoạn nhớ hai đứa con, nhớ âm vang tiếng cười nói của trẻ nhỏ khi vợ chồng hắn còn chung lưng xây dựng mái ấm gia đình. Tiếng nói của con sông hình như riêng dành cho người tìm đường thoát tục, còn hắn, nợ trần vướng vít nên tự tử không thành, sống lặng lờ chẳng khác lục bình trôi, tâm trí chưa đoạn cùng quá khứ thì làm sao nghe được tiếng nói của dòng sông.
Bên kia đường, đối diện với bến đò là một quán cà phê bình dân của vợ chồng Năm Phải. Quán không lớn, đủ để khách chờ đò hay khách lỡ đường ghé bước vào đánh chén hoặc uống trà, cà phê đỡ khát, muốn gọi quán trà hay quán nhậu, quán cà phê đều đúng cả. Huy kể, Năm Phải là dân tứ chiến, sau 1975 đi vùng Kinh Tế Lâm Minh Xuân nhưng sống không nổi nên trôi dạt về cắm dùi ngay ngã ba nầy sau khi đã chạy chọt lo lót cho Quận trên, Phường dưới ít nhiều của hối. Năm Phải trạc chừng trên dưới bốn mươi, vợ anh ta tên Thắm tuổi cũng khoảng hăm mấy, ba mươi. Anh chồng dáng bặm trợn, vai u, thịt bắp dữ dằn nhưng không hiểu sao cưới được cô vợ coi cũng khá mặn mòi, duyên dáng. Vợ chồng họ ở với nhau không biết bao lâu nhưng chẳng có đứa con nào hết dù Năm Phải rất mong một thằng cu tí nối dõi tông đường. Hắn lúc ban đầu sau những giờ vắng khách sang sông thỉnh thoảng cũng băng qua đường vào quán ngồi nhâm nhi khi chén trà, tách cà phê, lúc vài chun đế Long An. Nhưng hắn để ý thấy Năm Phải hay bóng gió ghen tuông với bất kỳ người nào Thắm đứng trò chuyện hơi lâu, trong những người đó có hắn. Nhìn đôi mắt rình mò, theo dõi của Năm Phải hắn hơi bực mình nên hắn thưa lần và thôi không qua quán đó nữa.
Một đêm, mọi người đang ngủ bỗng nghe tiếng chửi rủa la hét, đấm đá giận dữ lẫn tiếng kêu cứu từ quán ven sông vọng ra. Những ai nhà ở gần tò mò mở cửa nhìn ra sẽ thấy quán chưa đóng và giữa quán Năm Phải một tay kéo ghịt mái tóc dài của Thắm, tay còn lại đánh liên hồi, chân đá không nương, miệng thì chửi thề văng tục chẳng tiếc lời:
- Đ.m., tao đánh cho mầy chết, gần cả chục năm không đẻ đái gì được hết, sao bây giờ lại có bầu. Nói, nói cho rõ, thằng chó nào ngủ với mầy để tao giết hết hai đứa, đồ gian phu, dâm phụ….
Thắm kêu cứu inh ỏi trong tiếng khóc, mặt mày đầy máu từ mũi, miệng tuôn ra, cô không chống cự mà chỉ cúi cong người, hai tay che bụng như để bảo vệ đứa con vừa mới tượng hình. Hàng xóm chỉ nhìn chứ không thấy ai can gián, thói thường đèn nhà ai nấy sáng, cơm nhà ai nấy ăn khiến mọi người dường như trở thành vô cảm, ai chết mặc ai miễn ta không bị đụng chạm là được rồi. Cuộc khảo hình còn đang tiếp diễn thì người ta thấy hắn đến bên cạnh Năm Phải dằng tay gã ra:
- Thôi, anh Năm, chuyện đâu còn đó, khuya rồi, đi ngủ đi anh Năm, để bà con ngủ nữa.
Năm Phải buông Thắm ra, quay sang nhìn hắn, cười gằn:
- Vậy ra thằng chó đó là mầy, chỉ có đứa ngủ với nó mới nóng ruột nhào vô chứ mắc mớ gì mà mầy can tao. Phải mầy không? Nói mau, đồ khốn kiếp.
Hắn tái mặt nhưng điềm tỉnh:
- Anh chắc say rồi nên nói bậy. Vô ngủ đi, đừng để om xòm công an kéo đến phiền lắm đó.
Nói xong hắn quay lưng băng qua đường về nhà bên bờ đá của bến sông nhưng Năm Phải nhào tới chụp vai hắn, giọng giận dữ:
- Cái gì, thằng khốn kiếp, mầy đem công an ra dọa tao hả? Tao giết hết tụi bây thử coi công an nào dám làm gì tao.
Hắn quay lại gở tay Năm Phải ra vừa đúng lúc Năm Phải co tay nắm đưa một cú thôi sơn vào mặt hắn khiến hắn tá hỏa suýt té nhào. Chưa kịp định thần hắn đã nghe hơi gió của cú đấm thứ hai đang ào tới, những bài học quyền cước lúc cận chiến của thời binh ngủ đánh thức trong hắn phản ứng tự vệ lúc cấp thời, hắn thụp đầu xuống thuận chân đá thốc vào bụng Năm Phải, sóng lưng tay phải hạ xuống chặt mạnh vào cổ đối phương. Năm Phải ngả vật xuống đất như một bị thịt, đầu va mạnh vào bờ đá của bến sông, anh ta co giật vài cái rồi nằm im, bất động. Ánh đèn đường vàng vọt hai bên đường soi rọi thảm kịch, mọi người bấy giờ túa nhau đứng vây quanh hắn, có ai đó cúi xuống sờ mũi Năm Phải rồi thất thanh la lớn:
- Năm Phải hết thở, chết rồi, chết thiệt rồi bà con ơi.
Sau đêm đó, hắn bị đưa vào trại giam. Ngày ra tòa, nhờ sự chứng nhận của lối xóm hắn chỉ bị một năm tù ở vì lý do tự vệ, ngộ sát chứ không cố ý giết người. Thắm cũng có mặt hôm đó, vợ chồng Huy ân cần dặn dò hắn khi mãn hạn tù hãy trở lại bến đò xưa.
Hắn ở tù, Thắm mỗi tuần đi thăm nuôi hắn như vợ lo cho chồng. Hắn nói Thắm đừng bận lòng như vậy thiên hạ sẽ nghĩ lời Năm Phải là đúng khi nhìn bụng của Thắm lớn dần theo thời gian. Thắm buồn rầu nói trong hai hàng nước mắt:
- Đứa nhỏ trong bụng em là con của Năm Phải, ảnh nghi bậy vì vợ chồng em ở với nhau trên mười năm mà chẳng có con, không hiểu sao đợi đến bây giờ em mới dính bầu như vậy. Dù sao thì ảnh cũng chết rồi, anh vì em mà tù tội, anh chị Huy bận chèo chống kiếm cơm, em không lo cho anh thì ai lo đây? Anh đừng cấm em thăm nuôi anh. Miệng đời ai nói gì thì nói, miễn mình không quấy, lương tâm mình hiểu là đủ rồi, em không sợ gì hết.
Hắn thở dài, lòng ngổn ngang nỗi niềm chỉ có hắn biết mà thôi. Nghĩ đến ngày ra tù, hắn ngao ngán không biết phải làm gì. Về lại bến đò xưa thì không lẽ làm ngơ bỏ mặc Thắm xoay sở với cái quán bên đường và đứa con không cha. Nhưng về sống với Thắm thì có khác chi nhận lời thú tội dan díu cùng vợ người rồi giết chồng, đoạt vợ thiên hạ. Khổ nỗi, không về thì đi đâu với tấm thân tứ cố vô phương bây giờ.
Ông Trời dường như muốn tìm cho hắn con đường giải thoát nên vào tháng thứ tám của thời hạn tù đày, một hôm quản ngục kêu hắn lên gặp người thăm nuôi. Tưởng là Thắm nên hắn thanh thản vào phòng thăm, nhưng hắn bỗng dừng lại, sửng sờ, trước mặt hắn là Đào, vợ hắn, người đầu ấp tay gối đã bỏ hắn trong cơn hoạn nạn, là mẹ của hai đứa con mà mấy năm trời hắn chưa từng gặp lại. Hơn mười năm xa cách, hắn không nghĩ rằng Đào còn nhớ tình nghĩa xưa mà đi tìm hắn . Hắn chưa kịp hết bàng hoàng thì vợ hắn vồn vã:
- Em tìm anh mấy năm mà không gặp, may nhờ người quen có lần đi ngang qua đò bên kia bến Phạm thế Hiển đã gặp anh nên cho em hay, em tìm đến đó hỏi mới biết anh ra nông nỗi nầy..
Đào khôn khéo không đá động đến lý do hắn vào tù, hắn cũng không buồn hỏi tại sao cô ta cố tình tìm gặp hắn, hắn chỉ quan tâm đến hai đứa con mà hắn âm thầm thương nhớ mấy năm qua:
- Hai đứa nhỏ ra sao rồi? Tụi nó khoẻ không? Học hành tới đâu rồi? Cô nói một mình cô không đủ sức lo cho tụi nó, vậy chúng có sống yên lành với chồng sau của cô không?
Hắn hỏi dồn dập như tuôn hết bao nhiêu nỗi niềm về hai đứa con, ruột thịt duy nhất còn lại của hắn. Đào cúi gằm mặt nghe hắn hỏi, sau đó cô ngẩng lên nhìn hắn, giọng ngọt ngào như ngày nào hắn và nàng mới quen nhau:
- Thì cũng vì tụi nhỏ nên em mới tìm đến anh đây. Hãy hiểu và đừng giận em anh ơi. Em vẫn một dạ yêu thương anh nhưng thân phận đàn bà yếu đuối làm sao em gồng gánh để lo trọn vẹn cho con của chúng mình, nhất là trong thời buổi nhiễu nhương nầy. Vạn bất đắc dĩ em mới nương thân nhờ người nuôi con chờ ngày anh trở lại.
- Hừ, chờ ngày tôi trở lại. Vậy sao cô không để lại dấu tích cho tôi đi tìm cô và tụi nhỏ khi tôi mãn hạn cải tạo trở về. Bây giờ cô tìm tôi, cô muốn gì nơi tôi?
Đào chợt bật khóc, nghẹn ngào:
- Người chồng sau của em là một cán bộ tập kết mới về, ông ta với em chỉ sống theo kiểu già nhân ngải, non vợ chồng chứ không có giấy tờ chi hết. nhờ vậy em mới nuôi con nổi tới ngày nay. Ổng có vợ ngoài Bắc và vợ ổng mới vô Nam năm rồi, họ đã trở về sống với nhau. Bây giờ em chỉ còn anh và hai đứa nhỏ. Nhờ ơn trời, em lo đủ đầy cho tụi nó đến trường học tập, nhưng đến kỳ thi cử thì học cho lắm chúng cũng không ngoi đầu lên nổi với tờ khai lý lịch là con của ngụy quân, ngụy quyền…
Đào ngừng nói, lấy khăn lau nước mắt rồi tiếp trong lúc hắn lẳng lặng nghe:
- Anh nhớ không, thằng Huy năm nay gần hai mươi tuổi rồi, con Hằng cũng sắp mười tám rồi chứ có ít ỏi gì đâu, vậy mà cứ bị chèn ép thua sút mấy đứa con gia đình cách mạng, liệt sĩ. Học hết cấp hai Trung học em sợ chúng không vượt qua nỗi lề luật phân biệt thành phần xã hội hiện nay để có thể vào được Đại học anh à.
Hắn nghe tim quặn thắt, vấn đề Đào nói hắn biết cứ sao không biết nhưng không ở gần con làm sao hắn thấy được sự tình. Hắn thở dài, giọng bớt gay gắt :
- Bây giờ cô tính sao? Tôi làm gì được cho tụi nhỏ đây?
Đào đưa tay quẹt nước mắt, vừa đẩy giỏ quà đem theo về phía hắn, vừa trả lời:
- Hiện có chương trình HO của Mỹ, điều đình cùng chính phủ VN cho các sĩ quan, nhân viên cao cấp làm việc cho chế độ miền Nam trước đây được cùng gia đình sang Mỹ định cư. Em đã lo đủ giấy tờ, chỉ cần anh ký để cả gia đình mình lập lại cuộc đời, tạo dựng tương lai cho các con.
A, ra vậy, hắn hiểu rồi, nếu không có chương trình HO chưa chắc vợ hắn lặn lội tìm hắn, tất cả cũng vì lá đơn xuất cảnh mà thôi, một nỗi chua cay chợt trào dâng trong tim hắn, hắn nghe ngậm ngùi cho mình thì ít mà thương cho hai đứa con thì nhiều. Ôi, cái thế của bên chiến bại, không phải chỉ chịu khổ ải đời cha mà còn lãnh đủ thiệt thòi cho cả đời con. Bao năm tháng dài chèo chống con đò, hắn tự nhủ sẽ học làm chàng Tất Đạt hay Vệ Sữ (*), sẽ nhìn đời như con sông trầm lặng, không ta thán bên nầy, không thù hận bên kia vì nghĩ cho cùng thời cuộc quê hương này là kết quả trò đùa độc ác của những nước ngoại cường đã dùng sự mù quáng tranh đua của dân tộc chàng cho họ mượn đất đai sông núi quê hương Việt làm nơi thử đạn, bom, vũ khí của họ, mượn máu xương ruột thịt anh em một nhà bắn giết lẫn nhau. Từ trong sâu thẳm những đắng cay của cuộc đời, hắn nhận ra hai bề phải, trái của thế sự, của con người để không bận lòng nữa chuyện đúng, sai sau ngày tàn cuộc chiến, cứ tự an ủi để cho đó là nghiệp chướng, tiền căn của một dân tộc đã quá quen rồi chuyện phân chia, ly tán từ thuở hồng hoang cho đến tận bây giờ. Hắn đã buông xã nhưng thời thế vẫn buộc chặt, thắt gút nên dù không muốn rời xa quê hương hắn vẫn thuận lòng chìu ý Đào, hứa ký tên vào tất cả những đơn từ cần thiết chờ ngày mãn tù xuất cảnh cùng gia đình sang Mỹ, mọi việc hắn làm chỉ vì tương lai hai đứa con thân yêu của hắn mà thôi.
Đào hớn hở ra về, tuần sau dẫn hai đứa con vào thăm đúng lúc có mặt Thắm trước đó không bao lâu. Hắn bình thản giới thiệu đôi bên với nhau, lòng không chút ngượng ngập trong khi hai người đàn bà nhìn nhau dò xét, ngại ngùng, hai đứa con cũng nhìn cha chúng và người đàn bà xa lạ với ánh mắt tò mò tìm hiểu lẫn nghi ngờ. Nhưng kể từ tuần lễ đó Thắm không vào thăm hắn nữa, hắn nghe lòng thiếu thiếu một cái gì thân quen và biết khó tìm lại được đường về bến đò xưa.
Vài tháng sau hắn mãn hạn tù, mẹ con Đào đến tận nơi rước hắn về nhà, nhà của Đào, vì ông chồng không giấy tờ của nàng đã về với bà vợ cũ từ miền Bắc vào hơn một năm nay. Giấy tờ xuất cảnh được tiến hành và hoàn tất sau đó, các cuộc phỏng vấn đã được thông qua, đợi thêm một thời gian ngắn nữa là gia đình hắn lên phi cơ về chân trời mới.
Trước ngày lên đường, hắn một mình đi từ giã nơi đã cưu mang hắn trong cơn hoạn nạn. Vợ chồng Huy chúc hắn mọi an vui may mắn trong đời viễn xứ, họ đãi hắn buổi ăn đạm bạc cơm rau, cá mắm như ngày nào, hắn ăn mà nghe nước mắt thấm mặn môi mình. Nhìn qua bên kia đường hắn thấy Thắm đang lui cui lo chuyện hàng quán, bên trong nhà nàng có tiếng khóc của trẻ thơ. Hắn bước qua đường, vào quán , Thắm ngước nhìn người khách mới đến mà sững sờ, lâu rồi, từ khi biết vợ chồng hắn đoàn tụ với nhau nàng không nghĩ sẽ có ngày còn gặp lại hắn. Hắn cũng nhìn nàng, đôi bên không nói một lời, cái nhìn hình như thay cho tất cả. Ừ, có gì để nói đâu, chẳng nhân ngãi cũng không lời thề hẹn, chỉ vương nhau vì một ân tình căn nghiệp của một đêm bạo hành bởi người chồng hung hãn. Vậy mà trong họ như có cái gì nhen nhúm, nói ra sợ tội với đời, không nói lòng lại nặng oằn chữ thương. Và còn thêm một điều nữa, chỉ hắn biết, biết để tự hứa không bao giờ mở miệng nói tiếng ngỏ lời. Cuối cùng thì Thắm cũng sực tỉnh để kéo ghế mời hắn ngồi, họ bắt đầu nói, những ngôn ngữ xã giao thông thường thăm hỏi, tránh né đụng chạm những riêng tư của người trước mặt. Nhưng rồi trước lúc quay đi, hắn cũng phải cho nàng biết là hắn sắp rời bỏ quê nhà và đây có lẽ là lần cuối chào nhau, chừng đó mới thấy Thắm như lảo đảo, như rơi vào khoảng trống vô cùng, cô lắp bắp:
- Trời ơi, vậy anh đi luôn không về nữa sao?
Cô không cần biết hắn đi với ai, chỉ đủ đau khi nghĩ rằng không còn gặp hắn nữa dù họ vẫn sống chung một bầu trời, nhưng bầu trời đó phía dưới có cả đại dương trùng điệp ngăn đôi mà cô thì bé nhỏ như chiếc đò con không bao giờ dám tìm ra biển cả. Mắt cô tự dưng long lanh ướt, cô khóc không thành lời, hắn xúc động bạo dạn nắm lấy tay cô, hắn nói:
- Thắm đừng buồn.Tôi sẽ viết thư về thăm Thắm mà. Nếu trời còn thương biết đâu sẽ có ngày tôi trở về. Thắm ở lại mạnh giỏi, ráng nuôi con của Thắm nên người. Thôi, tôi đi đây.
Rồi buông tay cô ra, hắn bước đi như chạy vì hắn hiểu nếu đứng lâu những giọt nước mắt kia biết đâu sẽ khiến hắn thay đổi cả một chuyến bay.
° °°°°°°° °
Hắn bước xuống Taxi bên đây chân cầu Nguyễn Tri Phương, quận 8, cây cầu nối liền hai bờ kinh Tàu Hủ. Cảnh vật thay đổi nhiều quá, chỉ mới mười năm mà mọi thứ dường như khác hẳn, hắn cơ hồ không tìm ra đường lối cũ. Con đường Chánh Hưng thân quen giờ là đường Phạm Hùng, mặt lộ mở rộng, hai bên đường xe cộ chạy như mắc cửi, cửa hàng, quán ăn mọc lên như nấm. Ngôi chùa An Phú hiền lành cách bến đò nhỏ của hắn ngày xưa không xa tuy ở mặt đường nhưng tượng Phật Quan Âm trên cao giờ cũng bị phủ che bởi vách mái của những ngôi nhà cao tầng xây dựng bên hông chùa. Hai bờ Kinh Đôi giờ cũng có cây cầu Phạm thế Hiển bắt ngang qua. Bến cũ không còn, đò xưa vắng bóng, gia đình Huy và quán của Thắm bên đường cũng chẳng thấy đâu.
Hắn đứng trước một quán nhậu bán thức ăn hải sản nằm trên khuôn đất của quán Thắm năm xưa. Buổi trưa, chưa tới giờ mở cửa những người làm bên trong đã chuẩn bị mọi thứ đâu đó sẵn sàng, mấy thau nghêu, sò, ốc, hến để chật trước sân lấn ra lề đường, bên trong dành cho ghế bàn của thực khách. Quán ăn khá khang trang vững chắc hơn tiệm cà phê của Thắm ngày xưa nhiều. Hắn ngó sâu vào trong quán, cuối nhà có một cầu thang để lên tầng lầu trên, quán Thắm thuở nào ọp ẹp lắm, đâu có được như vầy. Hắn tần ngần giây lát, nửa muốn quay đi, nửa còn dùng dằng muốn hỏi thăm tin tức người năm cũ. Cuối cùng hắn tặc lưỡi, đánh bạo bước đến bên cô gái đang bưng một thau cua, cô tìm cách sắp xếp đặt để sao cho thực khách được thấy những chú cua còn sống đang quơ que, quơ càng như mời mọc khách sành ăn lựa chọn cho mình sớm được lên bàn nhậu, tìm đường hoá kiếp đầu thai. Cô gái ngước nhìn lên khi nghe hắn hỏi:
- Cô ơi, cô có biết chủ quán cũ nầy hồi xưa giờ ở đâu không? Cô ấy tên Thắm, có một đứa con trai bây giờ cũng trên dưới mười tuổi rồi. Trước đây quán nầy bán trà, cà phê cô à.
Cô gái vừa nghe hắn dứt lời đã nói liền một hơi:
- Chị Thắm hả? Chỉ ở đây chứ đi đâu, quán chỉ cho tui mướn lại, hiện chỉ ở tầng trên với thằng con của chỉ đó. Ủa, mà ông là gì của chỉ vậy?
- Tôi là người quen của cổ cô à.
- Vậy hả? – cô gái mau mắn nói – Cha, tự thuở đời nào đến nay tui có nghe ai tìm thăm chỉ đâu. Thôi, ông đứng đây để tui kêu chỉ giùm cho.
Nói xong, cô đặt thau cua xuống đất rồi bương bã chạy đến dưới chân cầu thang trong nhà kêu vọng lên:
- Chị Thắm ơi, có người quen kiếm chị nè. Cho ổng lên hay chị xuống gặp ổng?
- Ai kiếm chị vậy? Thôi, để chị xuống coi thử ai.
Tiếng Thắm từ tầng trên vọng xuống và chừng trong tích tắc hắn thấy người năm xưa xuất hiện bằng thịt bằng xương sau hơn mười năm xa cách. Nắng trưa đứng bóng trước hàng hiên, dáng hắn chói lòa trong nắng, bên trong nhà Thắm bước xuống cầu thang vừa nhìn ra cửa vừa hỏi cô gái ban nảy:
- Khách tìm chị đâu? Ai vậy? Trờ..i…. ơi !!!!
Tiếng cô dừng lại, như đứt quãng giữa chừng khi nhìn ra ngoài thấy hắn. Hắn biết cô đã nhận ra hắn vì biết mình không thay đổi nhiều, bơ bột xứ người không làm hắn phát phì, phát tướng như đa số những người ra đi. Hắn lại cố tình ăn vận bình thường, không lên áo quần kiểu cọ thời trang để lòe thiên hạ nhãn hiệu Việt Kiều “vinh quy bái tổ”, hắn muôn thuở vẫn là người của bến sông. Cô gái nghe tiếng kêu thảng thốt của Thắm, cô dừng tay làm việc và đưa mắt nhìn hắn chăm chú hơn như muốn tìm hiểu tại sao chủ nhà lại bàng hoàng như vậy. Hắn tinh ý, bước hẳn vào trong, đi mau đến bên cầu thang, đứng trước mặt Thắm và nói nhanh:
- Tôi mới về, đến tìm thăm cô không báo trước để tạo sự bất ngờ cho cô đây, cô nhận ra tôi không?
Thắm như người mê sực tỉnh, cô tươi hẳn nét mặt, giọng mừng rỡ lẫn xúc động:
- Anh đã về. Phật Trời đã nghe tiếng em cầu xin.
Và nhanh nhẹn, cô quay sang cô gái trong lúc nắm tay anh kéo bước lên cầu thang:
- Anh đây là bạn của chị, để chị mời anh lên nhà, em coi quán đi nghen.
Con trai của Thắm đi học thêm ngoài giờ chưa về, bên chiếc bàn nhỏ, hai tách trà bày ra ngút khói cho họ thả lời thuật chuyện đã qua sau giây phút xúc động, bàng hoàng. Hắn kể trước, vì Thắm hỏi sao hắn lại trở về và vợ con hắn hiện giờ ra sao. Giọng hắn buồn buồn khác hẳn trước đó đã cười vui khi gặp lại Thắm. Hắn nói, khi đến Mỹ buổi đầu là cả một chuỗi dài gian khổ cho cả gia đình dù được trợ cấp đủ đầy, cái khổ thứ nhất là ngôn ngữ, khổ thứ hai là phong tục tập quán. Hai đứa con còn trẻ nên mau chóng sớm hội nhập vào xã hội mới, chúng được đi học đàng hoàng. Vợ chồng hắn cũng tập tành nói tiếng xứ người, không giỏi hơn ai nhưng đủ để đi làm công kiếm tiền mưu sinh. Vợ hắn học làm móng tay, cắt tóc rồi đi làm công một thời gian với nghề đã học. Hắn xin được việc trong một khách sạn ba sao. Tính tiết kiệm của người phương đông giúp vợ chồng hắn sớm tậu nhà, sắm xe, ra tiệm riêng cho mình trong một thời gian không lâu sau đó, cuộc sống của gia đình hắn coi như ổn định. Bên ngoài nhìn vào, mọi người thấy vợ chồng hắn sống tương đối êm ấm thuận hòa vì cả hai cùng thương con. Hai đứa nhỏ học ra trường tốt nghiệp và kiếm được việc làm thích ứng với mảnh bằng của chúng. Nhưng vật chất đi lên thì nghĩa tình đi xuống đúng như câu đen tình, đỏ bạc. Vợ hắn bắt đầu tập tểnh học nhảy đầm, học hội họp bạn bè se sua quần áo, quen chỗ nầy chỗ nọ. Khi hai đứa con hắn lập gia đình thì sự cách biệt giữa hắn và vợ hắn càng rõ ràng hơn cho đến một ngày Đào quăng tờ đơn ly dị yêu cầu hắn ký để nàng tự do bước sang hướng khác. Hắn ký mà không nghe luyến tiếc chi hết. Kể đến đây hắn nhìn thật lâu vào mắt Thắm và hỏi:
- Cô có biết tại sao tôi không tiếc gì chữ ký của mình không?
Thắm nhẹ nhàng nhưng ý nhị :
- Không lẽ vì anh còn nhớ bến đò xưa?
Hắn gật gù nhưng không tỏ vẻ xác nhận mà chỉ kể tiếp, giọng như chùng xuống:
- Mười năm tôi đã xong bổn phận làm cha, các con tôi đã an bề gia thất, công ăn việc làm đầy đủ. Đây là lúc tôi cần trả tự do cho vợ tôi vì thực ra tôi thấy mình không tròn trách nhiệm làm chồng. Tôi nghe trong tôi có tiếng nói vô hình của cái gì đó mời gọi tôi trở về cô Thắm à. Tôi cũng xin lỗi đã không giữ lời viết thư về cho cô và vợ chồng anh Huy, cuộc sống bên đó tất bật khiến đôi lúc tôi không nhớ mình là ai. Bây giờ tôi đã về, chỉ tiếc rằng cảnh cũ đổi thay nhiều quá, tôi không tìm được bến đò xưa của anh chị Huy, cũng chẳng rõ bây giờ anh chị ấy ở nơi nào? Giờ thì tôi không biết mình phải làm gì đây, có thể tôi sẽ trở về bên đó sống tiếp chuỗi ngày đơn độc còn lại cho xong.
Thắm mở tròn mắt nhìn hắn:
- Anh nói gì lạ vậy? Bến đò xưa không còn, anh chị Huy vắng mặt nhưng em thì sao? Không phải là anh đã nói nếu trời còn thương thì còn có ngày gặp lại nhau sao? Ai không tin trời em không biết, nhưng em, em tin. Lòng tin Phật Trời làm em vững tâm nghĩ sẽ có ngày đoàn viên hội ngộ, em cầu nguyện với tất cả tấm lòng để có giây phút nầy đây. Bây giờ đức tin được ứng hiện sao anh lại nói chuyện ra đi lần nữa, như vậy há không phải là anh đang đùa giỡn trên đức tin đó của em sao?
Hắn nhìn sâu vào mắt Thắm, ngập ngừng rồi chậm rãi nói từng lời và cũng thay đổi cách xưng hô:
- Thắm, em có nghe anh nói là anh hạ bút ký tên ly dị vì nghĩ mình không tròn bổn phận làm chồng hay không? Anh không tròn bổn phận với vợ anh thì sao anh có thể để em thất vọng vì anh sau nầy được?
Thắm xúc động với tiếng em lần đầu hắn gọi cô nhưng cũng ngạc nhiên trước câu hỏi của hắn, cô nhìn hắn:
- Anh nói gì,? Em không hiểu, hãy giải thích cho em nghe đi. Sao em lại phải thất vọng vì anh khi chúng ta đến với nhau bằng tình yêu chân thật chứ?
Hắn nhắm mắt lại, cúi đầu, lặng thinh không nói lời nào, thời gian như cô đọng trong sự im lặng đó, vài phút sau, hắn ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt thiếu phụ, thở dài, hắn nói như an phận:
- Thực sự, từ lâu anh và vợ anh chỉ sống như hai người bạn chứ không còn là chồng vợ với nhau. Anh đã mất thiên chức làm chồng ngay từ trận chiến cuối cùng trước năm 1975 khi về bệnh viện chữa trị. Vết thương chiến tranh đã cướp đi một phần quan trọng trên thân thể anh để anh chỉ còn là một anh chồng vô tích sự, như một ông quan hoạn hay một gã biến thái Thắm à. Cũng may là anh đã có được hai đứa con trước đó, nếu không chắc anh sẽ là người không con thừa tự. Giờ thì em đã hiểu tại sao anh im lặng mãi đến nay không? Anh về vì không cưỡng lại được tiếng gọi của tình yêu, tình yêu của em, của giòng sông và của tất cả những thân quen trên quê hương Việt Nam nầy chứ anh không dám mơ chuyện cùng em chung bước bao giờ.
Thắm ngẩn ngơ nghe hắn nói, nước mắt cô lại tuôn như đêm chia tay của mười năm về trước:
- Anh của em, đừng nói nữa, đừng làm em thương anh nhiều hơn nữa. Sao anh lại khổ như vậy? Sao không chia sẻ cùng em từ trước, có phải anh sẽ đỡ khổ hơn không?
- Vì em là đàn bà mà có người phụ nữ nào lại không cần hơi ấm của nghĩa chiếu chăn? Anh không mang lại được cho em hơi ấm đó, em biết không?
Thắm cười chua chát:
- Đừng nói chuyện ân tình chăn chiếu, em sợ lắm rồi. Em là đàn bà như anh thấy đó, nhưng không phải người đàn bà nào cũng đắm đuối chuyện phòng the. Bao nhiêu năm làm vợ Năm Phải, em bị anh ấy dằn vặt trên giường như một món đồ chơi, có vui thích gì đâu, em nghe sợ mỗi lần đêm đến, nghe hãi hùng khi bước chân chồng hùng hổ tới bên giường. Có thể vì vậy mà sau bao năm chồng vợ, em chẳng sanh cho anh ấy một đứa con để đến ngày con trụ hình thì oan nghiệt ập tràn tìm đến. Nếu không có anh can ngăn hôm đó, chắc gì ngày ấy con em còn đó để chào đời.
Thắm nói bằng giọng nghẹn ngào như chưa quên hết quảng đời bên Năm Phải, hắn chợt hiểu vì sao Năm Phải nghi ngờ chuyện máu thịt của đứa con, nhíu mày tỏ vẻ ngạc nhiên hắn hỏi:
- Vậy trước khi cưới nhau em không biết tính tình thô bạo của Năm Phải sao?
Thắm thở dài:
- Em biết chứ, nhưng lúc đó em mới mười sáu tuổi, bỏ quê lên thành để tránh nạn ban ngày lính quốc gia, ban đêm lính bác. Vùng quê Kiến Hoà em ở ngày đó khổ lắm anh ơi, một cổ hai tròng chịu sao cho thấu, cha mẹ em chết trong một trận đụng độ giữa hai bên, em gặp Năm Phải trong chuyến xe đò lên Saigon tìm đất sống. Ban đầu anh ấy cũng tử tế với em lắm nên em mới ưng dù rất sợ tướng tá bặm trợn của ảnh, em cần nơi nương tựa mà anh. Về làm vợ rồi em mới biết “tướng sao, người vậy” thì đã muộn, em đã lấy phải một người đàn ông nhậu nhẹt, say sưa, vũ phu, hung hãn. Nhưng em quen câu phận gái mười hai bến nước nên âm thầm chịu đựng chứ thiệt tình chẳng có tình yêu với chồng.
Thắm ngừng nói, cả hai cùng im lặng, mỗi người mang một cảm nghĩ khác nhau. Hắn nhìn người đàn bà trước mặt, cuộc sống khá an lành cho cô tươi trẻ hơn xưa, mơn mởn như hoa mãn khai đang thời khoe sắc. Còn hắn, một con cua gãy càng, một cánh bướm không đủ sức hút nhụy hoa, tình yêu suông lý tưởng bằng lời liệu có đủ đem hạnh phúc cho người hắn yêu hay không. Hắn là đàn ông nửa vời, thứ đàn ông tạo dáng ban ngày nhưng vô tích sự ban đêm. Thắm không là ni cô hay dì phước mà chỉ là người đàn bà bình thường như bao nhiêu người đàn bà khác, hắn không muốn nhìn thấy nàng hụt hẫng trong chữ vợ chồng. Thế gian có trời- đất là âm-dương đối đãi, con người có nam - nữ để tạo giống sanh nòi. Tình yêu bằng con tim, không bằng đam mê nhục thể chỉ là loại tình yêu lý tưởng trong tiểu thuyết, trong huyền thoại hoặc dành để cho những ai yêu nhau nhưng bị hoàn cảnh cách ngăn không thể gần nhau, như Ngưu Lang-chức Nữ, như chinh phụ-chinh phu, nhưng Ngưu-Chức còn mỗi năm tìm nhau qua cầu Ô thước, chinh phụ-chinh phu còn chờ khi tàn cơn binh biến để hội ngộ đoàn viên và khi sum họp thì mây trời cũng hóa mưa để chứng minh kết quả sự giao hoà của luật âm dương trời đất. Hắn yêu Thắm nhưng tình yêu đó có đủ hay không khi âm-dương không cân bằng trong đời sống lứa đôi.
Thắm ngồi chờ hắn nói, nói gì cũng được miễn đừng bỏ cô ở lại như mười năm trước. Nhìn vào mắt hắn, cô hiểu hắn đang nghĩ gì. Cô muốn chứng tỏ cho hắn biết người đàn ông cô đợi không cần là người đem cho cô thêm những đứa trẻ sau nầy. Thà một tình yêu bằng lời nhưng dài lâu trong dịu dàng, chia sẻ hơn những phũ phàng của gối nệm nhàu nhăn. Đâu phải lúc nào thỏa mãn của thú vui nhục thể cũng đem hạnh phúc cho người đàn bà. Vẫn biết tình yêu là cho và nhận, như trời cho nắng- mưa để đất đơm hoa màu, cây trái. Đó là luật tồn sinh của muôn loài chứ không hẳn chỉ riêng của con người, đó là luật tự nhiên của trời đất khi tạo ra hai giống đực-cái trong thể loại âm-dương. Người đàn bà nơi cô không chờ những ngày nắng cháy của mặt trời rực đỏ, cô chỉ cần những dịu dàng tha thiết của vầng trăng thanh khiết. Nếu bản thể đàn ông nơi hắn như mặt trời đã gát bóng lùi xa nhưng tình yêu chân thật của hắn có khác gì vầng trăng đêm rằm tỏa sáng làm dịu mát đời cô. Hơn bốn mươi tuổi đời, Thắm chưa từng biết mật ngọt của yêu đương mà chỉ biết đắng cay, dày xé phũ phàng. Cái dũng khí của hắn trong đêm cứu cô dưới bàn tay thô bạo của Năm Phải khiến cô cảm động, trái tim khô cằn tình ái của cô dường như hồi phục và những năm tháng xa nhau cô sống bằng nhớ thương khắc khoải người đi xa.
Đến một lúc nào đó, có tiếng thở ra của Thắm:
- Anh đang nghĩ gì đó? Nếu thương em thật tình thì đừng nhớ đến chuyện đã qua trong đời anh nữa. Hãy cho em đi cạnh anh trong quãng đời còn lại, đi cạnh một người đàn ông bản lĩnh biết quyết định việc phải làm, biết che chở mẹ con em, biết cùng em chia sẻ buồn vui khi mưa, nắng, lúc ốm đau. Đó mới thật là một người đàn ông chứ không phải chiến tích trên giường định giá trị nam nhi đâu anh. Tình yêu chân chính đâu chỉ là những thỏa mãn tầm thường nhục thể, nó còn là sự đồng cảm giữa hai tâm hồn cùng nghĩ về nhau, cùng chung nhìn về một hướng. Em chờ đợi ngày anh về đã quá lâu rồi, đừng làm em thất vọng hơn nữa nghen anh.
Hắn không trả lời chi hết, vài tích tắc sau hắn bỗng đứng lên, ngập ngừng giây lát rồi lôi ra trong túi xách hắn đem theo bên mình một xấp hàng, một hộp sôcôla, tất cả được gói giấy hoa cẩn thận. Cầm hai thứ đó hắn nhẹ nhàng để xuống bàn chứ không dám trao tay người trước mặt:
- Anh có mua cho em xấp hàng may áo và con trai em hộp sô cô la, chút quà xứ xa. Bây giờ anh về đây. Có thể anh sẽ trở lại cũng có thể chúng ta không gặp nhau nữa. Anh cần suy nghĩ để đừng làm khổ em sau nầy Thắm à.
Người ta không biết hắn suy nghĩ thế nào, nhưng một tuần sau đó, cô gái bán quán tầng dưới nhà Thắm thấy hắn trở lại, tay cầm một bó hoa hồng nhung thật đẹp tìm thăm bà chủ nhà và chiều hôm ấy họ dẫn thằng con trai của Năm Phải đi một nhà hàng sang trọng ăn cơm chiều. Mặt mày Thắm tươi như đóa hồng nhung, thằng con trai cô cầm trên tay chiếc xe Ferrari nhỏ hắn mua tặng tung tăng bên cạnh hai người. Tàn buổi ăn, hắn móc túi lấy ra một hộp nữ trang có chiếc nhẫn cưới bên trong, hắn trang trọng đeo vào ngón áp út bàn tay cô và nói:
- Cho anh được làm người chia sẻ và bảo vệ mẹ con em suốt cả cuộc đời nghen Thắm.
Thắm xúc động, nhìn chiếc nhẫn trên tay, cô cười hạnh phúc:
- Ôi, anh, người đàn ông thực sự của em.
*********
Người thuật chuyện tình của họ tin chắc rằng họ sẽ đi tiếp quãng đời còn lại êm ấm bên nhau vì trong cuộc sống nầy nghĩa đích thực của hai chữ Đàn Bà – Đàn Ông không phải là điều kiện ắt có và đủ để vo tròn câu hạnh phúc. Tình yêu là cảm nhận của con tim luôn đi cùng nhựa sống đam mê, nhưng thế nhân vẫn chứng minh rằng theo thời gian tình yêu có thể vẫn trường tồn, bất tử trong khi nhựa sống đam mê sẽ cạn kiệt dần theo những tờ lịch bay. Vườn địa đàng thuở hồng hoang, khi Adam và Eva chưa ăn trái cấm, họ yêu nhau trong thanh khiết, chẳng đam mê nhục cảm mà vẫn trọn vẹn ý tình thì tại sao bây giờ lại không thể có hai kẻ yêu nhau theo cung cách “lý tưởng” đó? Các bạn có đồng ý như thế với tác giả không?
HUỲNH NGỌC NGA
Torino, ITALIA – 16.03.2015
CHÚ THÍCH : (*) Tất Đạt Vệ Sữ : Tên hai nhân vật trong tác phẩm Câu Chuyện Giòng Sông của Hermann Hesse