5/4/22

Thí một con chốt hốt mười con xe.

Bình-Nguyên Lộc

TẾT năm nay dưa hấu được mùa. Các sông rạch chật ních ghe buôn hàng Tết mà phần lớn là ghe dưa.

Ghe dưa nào cũng đổ xô về ngã năm Bảy Hựu khiến những ghe thương hồ không quen tục buôn dưa ngạc nhiên lắm.

Cái gì mà mua dưa trong rẫy xong, chèo ngang qua chợ nào đó họ không ghé lại bán để hè hụi riết về chỗ ngã năm vắng teo ấy làm gì ?

Nhưng đó là họ vâng theo một tục lệ đã đặt ra trên mười lăm năm nay rồi.

Số là ngày trước, đi buôn dưa hấu giống hệt đi đánh bạc. Vì không biết ý định của nhau, nến nhiều cái Tết, ở một chợ nào đó, ghe dưa áp nhau về hàng trăm chiếc. Bị đụng đầu với nhau như vậy, cố nhiên là họ phải bán đổ bán tháo mà vẫn không hết hàng. Năm cùng tháng cận rồi, còn đâu ngày giờ để lui qua chợ khác.

Trong khi đó thì ở các chợ khác dưa lại khan hiếm như tôm tươi.

Thành ra đi buôn dưa ngày Tết, được hay thua không phải là do dưa ngon hay dở, mà thành bại nằm cả trên sự rủi may vào phút chọn chợ.

Chọn chợ là cả một khoa toán “Có lẽ ” (Calcul des probabilités). Năm X, bác thất bại ở chợ Cầu ư ? Năm Y, bác tránh chợ đó để chạy qua chợ Bưng. Nhưng người khác cũng tính y như bác, thế là cả bọn lại đụng đầu nhau ở chợ Bưng.

Nhưng nếu bác đoán rằng họ sợ chợ Cầu, chạy đi chợ khác thì mình ở lại chợ Cầu chắc ăn lắm. Đoán như thế bác cũng chết tươi, vì có kẻ khác cũng đoán giống hệt bác. Rồi áp nhau mà trở lại đông đảo ở chính cái chợ mà họ đã chết năm trước. Vậy là chết cả lũ thêm một năm nữa.

Có lắm chú lái, cứ tính trật như vậy từ năm này qua năm khác đến phải bán cả nhà cả vườn mà trả nợ buôn lỗ.

Mãi cho đến một năm nọ, ông Tư Khâm đứng ra tổ chức lại cuộc buôn dưa, bọn lái buôn mới khỏi sạt nghiệp.

Ông Tư Khâm là một kẻ giang hồ lúc còn trẻ. Nhờ thế ông quen với hầu hết các tay lái thương hồ.

Năm nọ ông đi tìm từng chủ lái dưa một để thuyết phục họ chịu theo tổ chức do ông nghĩ ra. Ông đi du thuyết ba tháng trước ngày dưa rộ mà cho mãi đến rằm tháng Chạp ông mới nói chuyện xong với anh lái dưa thứ chót.

Vậy năm đó, tất cả anh hùng tứ xứ đều hội tại ngã năm Bảy Hựu, bất kỳ dưa mua ở đâu cũng phải chở vào đó, bất kỳ qua chợ nàọ cũng không được ghé.

Ông tự chia đều số ghe ra làm mười hai toán rồi cho họ phân tán vào năm con sông rạch để về mười hai chợ nằm dựa các sông rạch ấy.

Ông Tư là người vận đỏ nên năm nào ông cũng trúng mối lớn cả. Ông làm thế tức là ông thôi không hưởng cái may mắn của trời cho ông nữa, trở xuống đứng ngang hàng với mọi lái dưa khác để ăn chắc nhưng ăn ít như họ.

Lòng vị tha ấy giúp ông được uy tín lớn, và ông nói thì họ nghe theo rụp rụp.

Vậy năm nay như mười lăm năm đã qua, ngày hai mươi tháng chạp bến Giang Tần lại họp đại hội ghe dưa.

Năm nay ông Tư Khâm đã già quá, cứ đau ốm mãi quanh năm. Đó là nghe theo lời cô con gái út của ông, chớ ông nằm lì trong khoang ghe không ai thấy mặt ông được hết.

Trưa hôm ấy, khi ghe nào cũng cắm sào xong xả, cô út đứng trên mui của ghe cô, lấy tay làm loa rồi kêu gọi : «Bà con ghe dưa bước qua gần gần đây để tôi thưa chuyện».

Hằng trăm chiếc ghe dưa đậu dài theo bờ sông lớn nhứt tại ngã năm, thành ra chiếc ghe đuôi cách chiếc ghe đầu rất xa, mà cách chiếc ghe giữa của ông Tư cũng gần mấy trăm thước.

Trái với mọi năm, chỉ những chú lái già chủ ghe là xúm quanh ghe ông Tư sau lời kêu gọi, năm nay cả đến mấy anh bạn chèo cũng vội vã nhảy đến xóm giữa.

Hằng trăm chiếc ghe trong lúc nước êm gió lặng lại bỗng lắc lư một lượt vì những bước nhảy nầy. Có nhiều anh bạn chèo nhảy hăng quá đến lọt xuống sông, bởi vì chơn nhảy mà mắt lại ngó lên trên, nhìn cái mui ghe của ông Tư Khâm không nháy mắt.

Họ nhìn cô gái đang đứng trên đó. Cô ấy mặc bà ba bằng vải Xiêm đen, nhưng nước da của cô lại trắng, trắng nõn nà khiến sự đối chọi càng làm cho nó nổi bật lên.

Ở xa, không biết cô xấu hay đẹp thế nào chỉ thấy nước da trắng và hình dáng của cô là đủ cho họ bị quyến rũ. Chà, hình dáng của cô ! Cô may áo chật quá, hay vì cô có da có thịt không rõ mà áo lại ôm sát thân thể cô như ai lấy hồ mà dán vào dó. Cái lưng của cô eo như lưng con kiến nhọt, còn hai tay cô thì dịu nhĩu mỗi khi cô cử động.

Mấy anh con trai đến nơi thì nhận rõ cô gái ăn trầu, nhưng ăn vén khéo thành ra môi của cô đỏ như thoa son. Những mui ghe gần đó đen nghẹt người ta, họ giành nhau bước tới trước, chen lấn khiến ghe nào cũng lắc lia lịa như cái trứng vịt, và những trái dưa trên các đỉnh núi dưa bắt đầu lăn xuống sông lủm chủm.

Cô gái đứng lặng thinh nhìn quanh rồi mỉm một nụ cười rất có duyên và hơi e lệ. Bây giờ gió hây hây thổi, tóc trán của cô bay phất phơ và vạt áo cũng bắt dầu tốc lên. Cô gái hoảng sợ lấy tay chận nó lại.

Nhiều anh con trai la:

– Thây kệ vạt áo. Cô lo vuốt tóc là hơn !

Rồi họ cười rộ lên. Cô gái mắc cở ửng má hồng khiến họ càng muốn nhào xuống sông hết thảy. Đoạn cô trấn tĩnh nói to :

– Thưa bà con cô bác, ba tôi khó ở trong mình, biểu tôi thay mặt để thưa với bà con cô bác mấy điều này.

– Ông già đau làm sao cô ? Tội nghiệp! Tôi bất hiếu quá, nào có hay gì.

– Cô Út ơi, để tôi qua sắc thuốc cho ông già, tôi ở luôn thí công vài năm nghen cô !

Cô Út giả điếc, làm thinh mà đợi họ nói bông đùa dứt rồi cô mới thêm:

– Thưa bà con cô bác, ba tôi định năm nay bỏ cái lệ chia chợ.

– Ồ sao lạ vậy ? – Mấy ông già đều rống lên hỏi.

Nhưng mấy cậu con trai lại hoan nghinh:

– Ừ, phải chớ. Tụi tôi đứa nào cũng quyết đi theo ghe ông Tư. Nếu chia chợ, cô đi một nơi, tụi tôi đi một ngả thì buồn chết.

– Cô Út ơi, mấy năm nay sao không nghe ai nói tới cô, không bao giờ thấy mặt cô ! Nếu có cô đi ghe dưa thì đời nào tụi tôi lại chịu chia chợ, nhứt quyết chết sống với cô một chỗ thôi chớ !

Cô gái mặc kệ mấy anh con trai nói gì cứ nói, cô đợi giây lâu cho họ hết líu lo, đoạn đáp lời mấy ông lão :

– Thưa các bác, ba con nói rằng mười mấy năm nay nhờ tổ chức chia chợ mà tránh cho nhiều người sạt nghiệp…

– Phải rồi, nhưng sao lại bỏ lệ ấy ?

– «.. thưa nhưng mà lối tổ chức đó cũng không ai giúp ai khá được hết. Mười mấy năm nay bà con mình đi buôn dưa ở vùng này chỉ lấy lại được vốn, còn công thì bỏ luôn, tay không vẫn huờn tay không.

«Thưa các bác, ba con nói chi bằng ta trở về tình trạng hỗn loạn trước kia, thuở con còn để bánh bèo trên đầu, thế mà hơn vì có người thua lỗ mà trái lại có người no đủ.

« Thưa các bác, ba con nói thà là cờ bạc như vậy để thử thời vận, chớ đi không về rồi mãi chán quá ».

Mấy ông lái già làm thinh. Mấy chú lái trẻ, con của mấy ông lái già và lũ bạn chèo ghe thì rộ lên tán thành cô gái.

Mấy ông già không tìm được lý lẽ gì để cãi lại, và họ biết có cãi cũng vô ích thôi, vì họ là thiểu số, và giữ trật tự thì khó chớ xui loạn thì dễ xui và xui rồi, không ông trời nào kéo lại được cả.

– Thưa bà con cô bác, bà con cô bác có đồng ý hay không ? – Cô gái hỏi gặng lần chót.

Câu hỏi của cô cũng bằng thừa vì số đông đợi cô mở miệng để hoan hô, còn số ít thì già quá, rất ngắn hơi.

Sau cơn hoan hô nhiệt liệt, cô gái mỉm cười nhìn mấy cậu trai mà rằng :

– Các anh đi chợ nào, cho em theo với ?

– Tụi tôi theo cô chứ.

– Không, em cứ đợi các anh đi trước hè.

– Ai dại gì mà đi trước.

– Các anh đừng có ép mà theo em, báo hại chết chùm cả lũ.

– Dầu chết cũng cam tâm mà, cô Út ơi!

– Nhưng em lại không cam tâm.

– Tụi tôi hùn tiền đền bồi lỗ lã cho cô mà, khỏi lo mà.

Bây giờ ông Tư Khâm mới lọm khọm bước ra khỏi mui, vừa đi vừa ho sù sụ.

Thanh niên lại hoan hô ông cụ dậy sông :

– Nhạc gia ơi, nhạc gia khó ở làm sao đó ?

– Thưa ba, cho con đi theo đỡ đần tay chơn.

– Ba ơi, con chèo ghe rất giỏi, nấu cơm bữa củi cũng tài, nguyện làm công không cho ba tới chết.

Ông Tư Khâm cười rất hóm hỉnh mà rằng :

– Tôi hết sức cám ơn bà con cô bác đã “ẩm hộ” tôi. Mười lăm năm trước tôi đề nghị bà con cũng theo, bây giờ, tôi lại đưa đề nghị khác, bà con cũng lại theo. Từ đây ta trở lại tranh giành với nhau, ai may nhờ rủi chịu. Trước ta theo luật công bình của trời.

Một ông già đứng lên bộ tịch thiểu não, giọng rầu rĩ nói :

– Anh Tư, sao anh lại tệ vậy ? Buôn trong vòng trật tự, tuy lời ít mà vẫn kiếm được chút đỉnh để ăn Tết. Anh báo hại làm chi rồi có kẻ khóc anh coi.

– Thì chính tôi cũng có thể khóc như các anh. Các anh quên rằng số người đi buôn cứ tăng lên, mà số chợ thì vẫn mười hai cái. Như vậy cứ tiếp tục chia đều thì ta sẽ về tay không. Thà là khóc.

Họ ăn cơm trưa, rồi đợi cơn nước bắt đầu lớn để ngược dòng những sông con để vô các chợ xa.

Gió trưa thổi hiu hiu, đất trên bờ ngã năm trơ trọi đìu hiu buồn minh mông xa vắng quá. Bỗng có tiếng phụ nữ ấm mà trong cất lên không phải để hò như ngay xưa mà để ca vọng cổ:

Trời đất ơi, em nghĩ cái thân này như chiếc thuyền nan, may gặp bến trong thì nhờ, rủi gặp bến đục thì chịu, còn biết kêu khóc với ai bây giờ.

Trai trẻ trong các ghe dưa, đang hiu hiu say nắng bỗng ngồi dậy cả. Anh nào cũng vỗ đùi, chắc lưỡi. Vài anh tài chánh khá, sắm được đờn ghi-ta, thảy đều rút ra lai rai mấy tiếng đồng, gọi là thông cảm với ca-sĩ trên chiếc ghe đằng xa kia.

Cô Út ca được bốn câu thì leo lên mui mà ngồi. Anh bạn chèo mũi của ông Tư Khâm – anh Núi – lo đi nhổ hai cây sào, còn ông Tư thì vừa chui ra để cầm lái.

Thấy ông Tư xung phong đi trước, thiên hạ rục rịch nhổ sào để đi.

Trên ghe của các anh lái trẻ thì êm rơ, nhưng trên ghe lái già ồn ào tiếng cãi vã với nhau. Đó là cha con họ xung đột, các ông cha thì quyết tránh ông Tư Khâm vì họ biết ghe dưa của ông như hòn đá nam châm sẽ thu hút theo rất nhiều ghe khác ; các cậu con thì nằng nằng quyết một theo ghe ông già có con gái, họ viện lẽ rằng ông Tư phá bỏ lề lối cũ ; tức là ông ta đã nghe ngóng được tin gì hay, nên theo dấu ông ta mà kiếm ăn.

Rốt cuộc rừng ghe dưa phân ra làm hai đội. Lối năm mươi chiếc theo ông Tư để chui đầu vào một ngọn sông con chỉ có một cái chợ thôi, còn độ năm mươi chiếc khác thì tản ra ngược dòng bốn ngọn sông khác.

Cô Út ngồi trên mui để làm đích cho họ nhắm mà chèo theo. Cô không ca vọng cổ nữa mà lại hò như ngày xưa :

Hò… ơ… Nước xuôi chạy gió buồm mềm.
Muốn vô làm bé, biết có bền hay không.

Các anh lái trẻ mà đã vợ con, mê chết đi vì lời hò nầy. Bây giờ mà có ai đặt thủy lôi chận sông, họ cũng cứ chèo tới.

Một chú lái bắt bồ liền, hò đáp:

Hò…ơ…. Áo vá quàng viền đàng chỉ đỏ
Gẫm sự đời, vợ nhỏ cưng hơn.

Khi ai nấy đã đi sâu vào ngọn sông thì cô gái chui vô mui ở mất trong ấy không thèm triển lãm tấm thân kiều diễm của cô nữa, mà cũng chẳng thèm ca hò gì nữa cả.

Trót đã dấn thân vào đường chết, các chú lái háo sắc không ngày giờ để trở bước.

Sáng hôm ấy, họ tới trước chợ ông Hàm. Cảnh chết chùm hiện ra trước mắt. Năm nay làm ăn khó khăn, chợ ông Hàm ăn Tết rất lôi thôi. Bốn ghe dưa là dủ cho họ lắm rồi, thế mà các ghe hàng hóa nầy lại đậu ken trên sông như thuyền Tào trên Xích Bích.

Ông Tư Khâm không thèm bán chác gì cả, cứ đậu ghe mà ăn cơm cho đến ngày hăm lăm. Mọi ngày ông cho cô con út đi ủy lạo các chú lái bên kia để cầm hơi họ cho đến cái ngày chót ấy, ngày mà họ chỉ còn đổ dưa xuống nước mà về chớ không mong chèo qua chợ nào khác cho kịp nữa.

Ngày cuối cùng là ngày hăm lăm, ông Tư mang hết dưa lên chợ rồi kêu nhà nghèo tới mà bố thí. Với bạn đồng nghề, ông nói :

– Chết, tôi cho chết luôn.

Nhưng với cô con gái út, ông thì thầm :

– Làm phước để bớt tội với trời đất.

Rồi hai cha con cười với nhau.

Chiều hôm ấy ghe dưa lui hết, ông Tư cho dọn một tiệc khá sang dưới ghe rồi cả ba người trong thuyền xúm nhau ăn nhậu. Ông Tư nói với cô con gái út, nhưng lạ quá, lại kêu nó bằng cô, trái với phong tục miền Nam này :

– Ở đây có xe đò nhỏ đưa ra tỉnh. Từ tỉnh, cô về Sài-gòn rất dễ. Tôi chia cô bốn trăm, cô ăn Tết, năm tới ta lại làm nữa.

– Thưa bác, bác còn những mười ghe, đi các chợ kia trúng mối lắm, sao lại chia cháu có bốn trăm thôi.

– Nhưng tôi lỗ trọn ghe này.

– Khỉ mốc. Bác chọn dưa xấu mà bố thí ở đây, có lỗ là bao, nhưng bác lại lời ở mười ghe kia, dư sức đáp qua số lỗ ở đây rồi.

– Ậy, ậy, cô em quên rằng tôi đã cứu cô em à. Bốn trăm, cô em chê là ít, nhưng đó là tiền sạch nó quí hơn thứ tiền bán nhan sắc của cô nhiều lắm đó. Tôi mà không cứu cô trong vụ bố ráp hôm nọ liệu cô có đi làm ăn hoàn lương như vầy được hay không chứ ?

– Lão cáo già nói dễ nghe dữ! Chớ mấy bữa rày tôi lại không bán nhan sắc à ? Tôi lại không phơi lưng để rù quến họ theo ông ? Tiền của ông sạch quá! Chà, tiền gạt gẫm người ta lọt vào bẫy cả lũ mà còn khen là sạch. Ông liệu hồn, ông không đưa đủ hai ghim thì biết tôi.


No comments:

Post a Comment