4/25/22

Cửa Lớn, dòng sông nối liền hai biển nơi cuối đất quê hương

 


Sông Cửa Lớn* là một con kênh dài 58 km, rộng 600 m và sâu 12 m ở tỉnh Cà Mau*, nối Biển Đông với biển Tây. Con kênh này đầu bên Biển Đông là cửa Bồ Đề. Còn đầu bên biển Tây là cửa Mũi Ông Trang, gần mũi Cà Mau*. Đoạn từ ngã ba sông Đầm Dơi và sông Cửa Lớn đến cửa Bồ Đề còn được gọi là sông Bồ Đề.
 
*Cà mau có nghĩa là “nước đen” trong tiếng Khmer, với màu nước đặc trưng của lá tràm, lá đước đã rụng từ lâu đời.

Đại Môn Giang là ranh giới tự nhiên giữa huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển, tách khu vực cuối cực nam của bán đảo Cà Mau thành một đảo, có cầu Năm Căn bắc qua đây.

Nước ở đây là nước lợ vì có một số sông nhỏ là sông Đầm Dơi, sông Đầm Chim và sông Cái Ngang đổ nước ngọt vào lẫn nước biển ở kênh này. Sông Bồ Đề là một phân lưu ra biển của sông Cửa Lớn.

Sông Cửa Lớn là một nơi khai thác các loại thủy sản nước lợ của cư dân sống quanh khu vực này. Cảng Năm Căn nằm trên sông Cửa Lớn, phía tả ngạn gần thị trấn Năm Căn. 

*Sông Cửa Lớn ( Wikipedia)

Trên bản đồ địa lý Việt Nam, sông có tên là Cửa Lớn. Nhưng trong thực tế, nó còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau, dựa vào địa danh nơi đoạn sông đi qua như Bồ Đề, Năm Căn, Ông Trang. Chính từ ba đoạn sông này mà người ta còn gọi đây là dòng Tam Giang. Có câu ca dao nghe như một câu đố mẹo: 

“Ba sông làm một Tam Giang
Bồ Đề Cửa Lớn Ông Trang một dòng.”

Sông bắt nguồn từ cửa Bồ Đề phía biển Đông và kết thúc tại cửa Ông Trang khi ra đến biển Tây trong vịnh Thái Lan. Sông như là nhát cắt ngang phần đuôi của bán đảo Cà Mau, biến cái mỏm nhọn cuối cùng này, mà ngày nay là toàn bộ huyện Ngọc Hiển, thành một hòn đảo chìm với phần nổi lên mặt nước là màu xanh của rừng ngập mặn và những nếp nhà sàn của cư dân. Tuy chiều dài hiện tại được ghi trên bản đồ chỉ có 58 km, nhưng sông rất rộng, nơi hẹp nhất gần cửa Bồ Đề đo được hơn 500 mét, sâu hơn 25 mét; xuôi về biển Tây sông càng rộng ra nhưng cạn dần, nơi rộng nhất gần vàm Ông Trang hơn 1,200 mét, sâu hơn 8 mét.

Người ta biết đến đồng bằng sông Cửu Long như một vùng sông nước, thì Cà Mau là điển hình đậm nét nhất của đặc điểm này. Đây là vùng sa bồi hình thành sau cùng của đồng bằng sông Cửu Long. Sự thành tạo tự nhiên này còn để lại một thủy hệ chằng chịt: tổng chiều dài sông ngòi kênh rạch tự nhiên của Cà Mau là hơn 12,000 km. Và, càng về cuối bán đảo, sông ngòi càng thêm dày đặc.

Đánh bắt cá đường trong mùa hội. (Hình: Nguyễn Hiệp)

Làm giàu từ cá đường

Vùng biển ngoài cửa Bồ Đề, chếch về hướng mũi Cà Mau, ngày trước hằng năm có một mùa hội cá đường. Con cá đường sinh sống ở đâu trên đại dương thì ngư dân Cà Mau không biết, vì ít khi đánh bắt được. Nhưng cứ đúng hẹn đến Tháng Ba Âm Lịch hằng năm, nhiều nhất vào các ngày từ Mùng Ba đến Mùng Mười, cá đường tập trung về đây quần hội nhiều vô kể, màu vàng thân cá làm sáng cả một vùng biển lớn.

Theo những lão ngư, thì đây chính là mùa hội giao phối của cá đường. Vào mùa hội, có hàng ngàn ghe thuyền tập trung vây lưới, nhưng cũng chỉ bắt được một phần rất nhỏ. Cá lưới được, người ta mổ bụng ngay dưới nước để chỉ lấy bong bóng, cón xác cá thì vứt ngay xuống biển. Trung bình mỗi con cá chừng trên dưới 15 kg, bong bóng sau khi phơi khô có trọng lượng trên dưới 300 gram.

Nghề đóng đáy cọc trên sông Cửa Lớn. (Hình: Hải Tần)

Ông Tư Tua, hơn 80 tuổi ở Rạch Gốc, còn nhớ, vào những năm 1960, giá mỗi ký bong bóng cá đường loại 1 (ba cái/kg) là 2 lượng vàng; loại 2 (năm cái/kg) là 1.2 lượng; loại 3 (bảy cái/kg) thì 1 lượng. Những người đánh bắt chỉ biết bán bong bóng cá cho các thương lái Hoa kiều từ Chợ Lớn xuống thu mua. Còn họ bán đi đâu, dùng làm thức ăn hay chế biến cái gì thì không ai rõ.

Mùa hội cá đường còn xuất hiện lần cuối cùng ở đây là vào năm 1998. Người còn trực tiếp khai thác và “trúng” khá lớn trong mùa hội này là ông Sáu Sỹ ở Rạch Tàu. Ông Sỹ ước tính tổng cộng có khoảng 350 tấn cá mà mùa hội này ngư dân đã đánh bắt được.

Sở dĩ ông Sỹ có thể ước tính là vì ở mùa hội cuối cùng này, ngư dân không thả xác cá xuống biển nữa. Thịt cá đường cũng rất ngon, chế biến thành cá khô là ngon nhất. Nhưng ngày trước lượng cá quá nhiều nên người ta phải bỏ xác cá đi. Những ngày sau mùa đánh bắt, xác cá trôi dạt vào đầy bãi biển Khai Long, dài hơn 5 km. Từ đó mà sinh ra ca dao: 

“Bao giờ hết đước Nam Căn
Viên An hết cát, Ông Trang hết rừng 
Khai Long hết xác cá đường 
Mũi Cà Mau đó ta nhường cho ngươi!”

Nghề đáy bè trên sông Cửa Lớn. (Hình: Hải Tần)

Một dòng tôm cá

Diện tích rừng ngập mặn mũi Cà Mau nằm hai bên bờ sông Cửa Lớn rộng đến 120,000 hécta. Trong rừng có nhiều trảng nước lưu niên, là môi trường sinh trưởng của hàng ngàn loài thủy tộc. Từ đó chúng theo các chi lưu ra sông cái, biến con sông thành một dòng tôm cá.

Vốn dĩ tôm cá dày đặc nên người dân nơi đây nghĩ ra nghề đáy, và nó trở thành nghề đánh bắt thủy sản lâu đời nhất trên sông Cửa Lớn, di thực đến đây hơn 200 năm, chủ yếu là từ vùng biển Trà Vinh.

Đáy có thể bắt được đủ loại tôm cá, nhưng ngày trước người ta cũng chỉ bắt lấy duy nhất một loài là tôm. Nhưng trước khi tìm được đường xuất cảng, con tôm vùng này cũng chỉ chế biến ra một sản phẩm duy nhất là tôm khô, vì con tôm khô mới có thể trữ lâu và vận chuyển đi xa.

Một khi nghe các chủ trại đáy hỏi nhau: “Ngày hôm nay đáy anh chạy được mấy trăm ký?” Đó là họ hỏi số tôm khô thu được. Trung bình phải có 6 ký tôm tươi mới làm ra được 1 ký tôm khô. Than đước và tôm khô từng có vài mươi năm là chỉ dẫn địa lý để người ta biết đến đất Năm Căn và dòng sông Cửa Lớn.

Đáy là một loại ngư cụ đan bằng lưới, hình ống, đặt ngay dòng chảy mạnh trên sông để hứng bắt tôm cá. Ở nửa phần sông, từ sau thị trấn Năm Căn dài về phía Tây, đến cửa biển Ông Trang, đoạn này nước sâu vừa phải, người ta xây những hàng đáy cọc. Loại này cần phải có cọc gỗ lớn và dài để cặm xuống lòng sông, giăng thành hàng ngang từ 20 đến 30 miệng để chúng néo tựa vào nhau mới đương nổi với sức nước chảy.

Phơi lưới đáy. (Hình: Hải Tần)

Đoạn sông từ cửa Bồ Đề trở vào đến thị trấn Cả Nẩy, vì sông quá sâu không có cọc nào cặm thấu tới đáy, người ta nghĩ ra thế đóng đáy bè. Những chiếc cọc đáy bè chỉ lơ lửng giữa đáy sông, bên trên tựa vào bè, bên dưới được chằng giữ bằng dây neo. Bè là những chiếc ghe gỗ kè kết lại thành một khối. Để dựng được một hàng đáy, dù đáy cọc hay đáy bè, cũng là cả một nghệ thuật với rất nhiều thế thần, không chỉ cậy vào sức người mà còn phải biết tận dụng sức nước và sức gió.

Cả vùng rừng ngập mặn hai bên triền sông Cửa Lớn đều thấp hơn mặt nước biển. Nhưng thỉnh thoảng lại có những giồng đất đột ngột nhô cao, toàn đất đen là xác thực vật tích tụ do tác động của sóng biển, khác hẳn với loại đất bãi bồi phù sa trên toàn vùng. Trên những giồng đất này, trồng các cây hoa màu, có năng suất cao không thể tả.


Trong một câu chuyện truyền kỳ của Bác Ba Phi, kể rằng, một lần từ rừng U Minh xuống đây thăm người bạn, vì ngủ quên nên xuồng của Bác Ba bị con nước ròng cuốn mất ra biển. Bác Ba phải về quê bằng cách xin người bạn một trái bầu khô, cắt dọc làm đôi để làm xuồng chèo về quê.

Anh Huỳnh Tấn Tài, người có nhiều năm làm rẫy trên những giồng đất này, cho biết không thể có trái bầu nào làm được xuồng đi như Bác Ba, nhưng loại bầu sao trồng ở đây có trái lên đến 60 kg. Còn bí rợ (bí ngô) thì cỡ hai vòng tay người lớn, thả bí xuống nước đặt đứa bé 3 tuổi lên, nó vẫn nổi như thường. Nhưng ngày nay các vuông nuôi tôm đã san bằng hết những vồng đất này.

***

Vừa rồi, trở lại cửa biển Ông Trang, tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy một cù lao rộng bao la với rừng cây cao vút che phủ, nằm chắn ngang cửa sông rộng mênh mông của ngày nào. Mà thời gian đi qua chỉ hơn 10 năm. Mười năm đã đủ cho hòn đảo mới này kịp có một cái tên: Cồn Cò. Tôi đoan chắc rằng, con số 58 km chiều dài của sông Cửa Lớn trên bản đồ, bây giờ đã không còn chính xác.


Vậy là, con sông Cửa Lớn trên đường tiếp tục đi về phía Tây, đến đây, đến Cồn Cò, thì thành ra hai dòng. Bao giờ thì hai dòng chảy này sẽ lại gặp nhau? Ắt hẳn sự kỳ diệu của thiên nhiên còn hứa hẹn với con người nhiều ngạc nhiên ngoạn mục. (Nguyễn Trọng Tín) [qd] Báo Người Việt

No comments:

Post a Comment