11/3/21

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26

BBC tiếng Việt 31 tháng 10 2021

Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Biến đổi khí hậu đã chính thức khai mạc lúc 11 giờ ngày 31 tháng 10 năm 2021 tại thành phố Glasgow, Vương quốc Anh theo hình thức trực tiếp.

Đã có các cuộc biểu tình đòi thế giới phải có hành động, trước khi COP26 khai mạc tại Glassgow, chẳng hạn như cuộc biểu tình này ở Dusseldorf, Đức

Phái đoàn từ khoảng 200 quốc gia có mặt tại đây để tuyên bố việc các nước sẽ cắt giảm khí thải tính đến năm 2030 như thế nào để cứu hành tinh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.

Với tình trạng nóng ấm toàn cầu gây ra do con người dùng nhiên liệu hóa thạch dẫn đến xả khí thải, các khoa học gia cảnh báo rằng cần có hành động khẩn cấp để tránh xảy ra một thảm họa khí hậu.

'Khoảnh khắc sự thật của thế giới'

Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng kỳ họp thượng đỉnh sẽ là "khoảnh khắc sự thật của thế giới".

Phát biểu trước kỳ họp thượng đỉnh hai tuần, ông thúc giục các nhà lãnh đạo hãy tận dụng tối đa sự kiện này: "Câu hỏi mà mọi người đang nêu ra, đó là liệu chúng ta sẽ chớp lấy thời điểm này hay để nó vuột đi mất."

Chủ tịch COP 26, Alok Sharma, nói thỏa thuận sẽ "cứng rắn hơn so với những gì chúng ta đã đạt được tại Paris" hồi năm năm về trước, khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đã đồng ý một hiệp định nhằm "theo đuổi các nỗ lực" hạn chế tình trạng tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C.

Ông nói rằng "chúng ta trông đợi nhiều hơn nữa" từ các nước như Trung Quốc, quốc gia xả khí carbon nhiều nhất thế giới, và gọi kỳ họp thượng định này là "một cơ hội thực sự" để các nước đó thể hiện vai trò lãnh đạo.

Trong ngày thứ nhất của kỳ họp thượng đỉnh, hội nghị sẽ nghe bản phúc trình do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố về tình trạng khí hậu hiện nay.

Bản phúc trình tạm thời của WMO do các khoa học gia về khí hậu thực hiện sẽ so sánh nhiệt độ toàn cầu trong năm nay, tính đến thời điểm này, so với các năm trước.

Những đợt thời tiết khắc nghiệt có liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu, như các đợt nắng nóng, lũ lụt và cháy rừng, đang ngày càng tăng.

Thập kỷ vừa qua là lúc thế giới có mức nhiệt độ cao kỷ lục, và các chính phủ đã đồng ý rằng cần phải cấp bách có hành động chung.


Kỳ họp của Liên Hiệp Quốc là một trong những kỳ họp thượng đỉnh lớn nhất nước Anh từng tổ chức, và đã bị trì hoãn một năm do đại dịch Covid-19.

Hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tới vào cuối ngày ngày Chủ nhật. Nhiều người đang trên đường tới từ một kỳ họp thượng đỉnh khác, G20 tổ chức tại Rome.

Trong ngày Chủ nhật chủ yếu là lễ khai mạc với diễn văn từ các nhân vật như Abdulla Shahid, chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc và là Ngoại trưởng của Maldives, quần đảo nằm ở mức thấp hiện đang bị đe dọa bởi tình trạng biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng cao.

Các nước từ mọi vùng trên thế giới đều sẽ có đại diện tại Glasgow, sẵn sàng thảo luận về các kế hoạch cắt giảm khí thải cho tới năm 2030.

Các nước đều đồng ý hồi năm 2015 về việc sẽ thực hiện những thay đổi để giữ tình trạng nóng ấm toàn cầu ở mức thấp hơn nhiều so với với mức tăng 2C cao hơn thời tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, kể từ đó những sự kiện thời tiết khắc nghiệt vẫn tiếp tục gia tăng, khiến các khoa học gia về khí hậu thúc giục các nước hướng tới mục tiêu giảm mức tăng ở 1,5C nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra thảm họa môi trường.

Tại kỳ họp thượng đình G20 Rome, một dự thảo thông cáo nói rằng các nhà lãnh đạo sẽ cam kết có những bước đi khẩn cấp nhằm đạt được những mục tiêu này.

Tuy nhiên, một cam kết then chốt về việc trao cho các nước đang phát triển 100 tỷ đô la mỗi năm để tài trợ cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu đã bị đẩy lui lại, không được triển khai cho tới năm 2023.

Trọng trách với tương lai nhân loại

Thái tử Charles của Anh phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G20 hôm Chủ nhật. Ông nói với các nhà lãnh đạo thế giới rằng họ có "trọng trách đối với các thế hệ còn chưa chào đời" tại COP26.

Tổ chức hội nghị thượng đỉnh năm nay, Anh Quốc đưa ra mục tiêu toàn bộ điện năng tiêu thụ tại nước này sẽ phải được tạo ra từ các nguồn sạch vào năm 2035, và giảm lượng khí thải nhà kính xuống mức bằng 0 (net zero) vào năm 2050.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng điều này sẽ là không thể đạt được với những chính sách hiện thời của chính phủ Anh.
Nhà hoạt động vì môi trường người Thụy Điển Greta Thunberg tới Glasgow bằng tàu hỏa

Bên cạnh các nguyên thủ quốc gia, tại kỳ họp thượng đỉnh sẽ có mặt các nhà hoạt động vì môi trường hàng đầu, như Huân tước David Attenborough và Greta Thunberg, người đã tới Glasgow trên một "chuyến tàu khí hậu" vào tối thứ Bảy.

Chuyến tàu hỏa đặc biệt này, đi từ Amsterdam, chở theo khoảng 500 hành khách, trong đó có các phái đoàn của Hà Lan, Bỉ, Italy và Đức, cùng 150 nhà hoạt động trẻ và các nghị viên của Nghị viện châu Âu.

Nhiều người tới dự hội nghị và các nhà hoạt động đáp tàu tới Glasgow vì đó là các di chuyển bền vững hơn so với việc đi máy bay.

Trước khi COP26 khai mạc tại Glasgow, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã tổ chức Sự kiện TEDx Talk đầu tiên về chủ đề biến đổi khí hậu tại Việt Nam, hôm 30/10.

"Đây là cơ hội duy nhất trong một thế hệ để tạo nền tảng cho tăng trưởng xanh hơn, tạo ra những việc làm thân thiện với môi trường, giúp cải thiện chất lượng không khí, đồng thời giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và bảo vệ đa dạng sinh học," Đại sứ Gareth Ward nói tại sự kiện này.

Cùng có mặt tại sự kiện TEDx Talk, Đại sứ Italia tại Việt Nam, Alessandro Antonio nói: "Khủng hoảng khí hậu 'không hề có biên giới'. Bạn có thể làm những điều vĩ đại, hoặc làm những điều nhỏ theo cách vĩ đại."

No comments:

Post a Comment