11/16/21

Britcoin: Ngân hàng Anh Quốc sẽ tham vấn từ 2022 để phát hành tiền điện tử

BBC tiếng Việt ngày 11.11.2021

Ngân hàng Anh Quốc sẽ bắt đầu quá trình tham vấn vấn từ 2022 để phát hành tiền kỹ thuật số mà dư luận gọi là Britcoin vào khoảng năm 2025.


Tuy thế, hiện nay cách gọi của Anh về đồng tiền 'digital' này vẫn là tên chung, CBD, viết tắt của "central bank digital currency"- tiền tệ kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành.

Báo chí Anh trong khi đó đã gọi nó là đồng 'Britcoin'.

Ngân hàng Anh Quốc (Bank of England - BoE), có vai trò ngân hàng trung ương cho toàn Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UK), cho hay đây không phải là dạng tiền mã hóa như 'cryptocurrency' hiện được buôn bán nhiều tại Anh.

"CBDC nếu được đem vào lưu thông, sẽ có mệnh giá tính bằng đồng bảng (pounds sterling), như tiền giấy, vì thế £10 bằng CBDC sẽ luôn có trị giá £10 như tiền giấy."

Ông Jon Cunliffe xác nhận việc tham vấn sẽ bắt đầu từ 2022, và đây là cơ hội "tạo ra cách thanh toán mới", nhưng cần được "quản trị rất cẩn thận".

Việc tung ra đồng tiền này có khả năng sẽ bắt đầu sau 2025.

Ngay từ tháng 4/2021, chính phủ Anh đã nói Ngân hàng Anh Quốc "sẽ bắt đầu thảo luận với các bên liên quan về tính năng, lợi ích của dạng tiền kỹ thuật số.

Một nhóm công tác (taskforce) sẽ được thành lập và do Phó Thống đốc BoE, Sir Jon Cunliffe, và Cục trưởng Dịch vụ tài chính của Bộ Ngân khố, bà Katharine Braddick, đồng lãnh đạo.

Tạo thay đổi lớn nhưng không phải là tiền để 'đầu cơ' như Bitcoin

BoE xác nhận việc chấp nhận tiền mã hóa sẽ "tạo ra thay đổi lớn trên thị trường tiền tệ và cách thanh toán" ở Anh, theo BBC News hôm 10/11/2021.

Tuy thế, cách tiếp cận "thế giới digital token" của chính quyền Anh có vẻ không khác các nước như Hoa Kỳ, Trung Quốc.
Đồng Bitcoin hiện đã được dùng vào thanh toán ở nhiều nước nhưng mỗi chính phủ lại có chính sách khác nhau về nó và các loại tiền mã hóa

Họ cho phép dùng đồng 'coin' nhà nước phát hành theo mệnh giá của tiền tệ quốc gia và kiểm soát nguồn tiền cho vào lưu thông, khác với một số loại cryptocurrency cho bất cứ ai muốn "khai thác" (mining) thì có thể dùng thuật toán để tìm và tích lũy coin.

Theo bình luận của BBC News, trang Business từ hôm 19/04/2021, "đồng Britcoin sẽ không phải là loại tiền đầu cơ dạng Bitcoin vốn có giá trị lên xuống rất mạnh".

"Vì thế, Britcoin sẽ không hấp dẫn dân chơi và người đầu tư vào tiền crypto."

Một số loại crypto cũng có số lượng mặc định hạn chế, đẩy giá trị của nó lên cao theo thời gian.

Còn các chính phủ luôn lo ngại tiền mã hóa của họ bị biến thành phương tiện tích lũy vốn, đầu tư đen hoặc đầu cơ.

Cho đến gần đây, một số quốc gia vẫn cấm dùng các loại tiền crypto vì sợ nạn rửa tiền.

Tuy thế, xu hướng chung là các chính phủ cần vào cuộc để quản trị thị trường này.

EU cũng đang nghiên cứu việc tung ra tiền kỹ thuật số của mình, và tại Anh, Cơ quan Quản lý Tài chính (FCA) cũng đã cấp giấy phép cho các công ty startup trong ngành quản lý tài sản bằng tiền crypto.

Niêm yết tiền điện tử - hình minh họa

Trung Quốc hiện đang cho thử nghiệm tiền eCNY ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến.

Những tháng qua, việc buôn bán tiền mã hóa dạng điện tử (cryptocurrency) và các đồng xu kỹ thuật số (digital token, thiết kế và lưu trữ bằng công nghệ blockchain) bùng nổ trên thế giới.

Các nước có giao dịch mạnh được cho là Hoa Kỳ, Canada, Anh Quốc, EU, Trung Quốc (cho tới gần đây) và cả Việt Nam.

Trong tiếng Việt hiện có nhiều cách gọi cryptocurrency: tiền điện tử, tiền ảo hoặc tiền mã hóa.

Hàng nghìn loại 'coin' khác nhau hiện được mua bán trên những sàn (exchange) như cổ phiếu hay các loại tài sản khác.

Trong "cơn sốt Bitcoin" nhiều người dân trên thế giới bỗng nhiên được nghe trên báo chí về "triệu phú đô la" chỉ nhờ đầu tư tiền vào đồng Bitcoine hoặc các đồng tiền mã hóa khác.

Tuy nhiên, việc thua lỗ, thậm chí mất hết vốn liếng khi "chơi coin" lại ít được báo chí đề cập.

Hôm 09/11/2021, Bitcoin lên giá kỷ lục, vượt ngưỡng 68 nghìn USD. Hồi cuối 2017, đồng tiền này chỉ có giá 360 USD.

Cho đến gần đây, một số quốc gia vẫn cấm dùng các loại tiền crypto nhưng một số nước khác lại cho phép thanh toán bình thường qua quy chế chuyển đổi tiền mã hóa sang nội tệ trên ví điện tử của người dân

No comments:

Post a Comment