4/1/21

Nhân ngày giỗ lần thứ mười của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, giở lại trang sử âm nhạc và sinh hoạt thanh niên: Phong Trào Du Ca

Nguyễn Thị Nhuận (hồi ký Phong Trào du ca)
Báo Viễn Đông
Ảnh:  Chung Thế Hùng 

Khoảng năm 1965,1966, tôi là một con bé 15,16 tuổi thật nhút nhát nhưng cũng thật lý tưởng, ôm ấp trong đầu nhiều mơ ước, mà mơ ước lớn nhất là làm được một chuyện gì tốt đẹp cho quê hương đất nước, một quê hương mà dù còn nhỏ như vậy, tôi cũng cảm thấy là đang ở vào một tình trạng vô vọng, không lối thoát. Hằng ngày, tôi biết là có nhiều người bị gọi đi lính, và nhiều người ra đi không về. Tôi gia nhập Phong Trào Học Đường Phục Vụ Xã Hội, một đoàn thể gồm toàn những học sinh như tôi, dẫn đầu bởi một số giáo chức mà chúng tôi gọi là huynh trưởng. Đoàn thể thường tổ chức những trại công tác với mục đích xây nhà cho đồng bào chiến nạn, sửa sang phòng ốc cho các trại cô nhi, giúp đỡ những trại tạm cư... Con bé mới lớn là tôi hăng hái đi trại, cầm chổi sơn tường, phát quà cho đồng bào tị nạn... Sau những giờ làm việc là những buổi lửa trại, nơi chúng tôi tha hồ gào hét những bài hát hướng đạo cũng như những bài du ca của Nguyễn Đức Quang: Về Với Mẹ Cha, Người Yêu Tôi Bệnh, Lìa Nhau, Đường Việt Nam, Anh Em Tôi... Con bé rất thích hát là tôi say sưa hát. Và sau đó được “mời” vào hát trong chương trình phát thanh “Chúng Ta Cùng Hát” của Nguyễn Đức Quang.

 

Khoảng năm 64, 65 gì đó, tôi đã biết đến ban Trầm Ca. Trong một buổi văn nghệ Tết tổ chức ngay nền Khám Lớn cũ - một miếng đất trống với vài căn nhà tiền chế, đất dụng võ của một số thanh niên sinh viên, nơi có quán Văn nổi tiếng với buổi trình diễn của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đi chân đất – tôi đã được nghe ban Trầm Ca hát những ca khúc của họ. Những Nguyễn Đức Quang, Phương Oanh, Đinh Gia Lập, Nguyễn Kim Châu, Trần Trọng Thảo, Hoàng Thái Lĩnh đã làm tôi cảm động với Tiếng Rống Đàn Bò, Nỗi Buồn Nhược Tiểu, Lìa Nhau... Thế mà bây giờ tôi được gặp Nguyễn Đức Quang và được hát với nhóm của anh!

 

Chúng Ta Cùng Hát là một chương trình chuyên hát những ca khúc “cộng đồng”, tức những bài ca viết cho nhiều người cùng hát. Có lẽ Nguyễn Đức Quang đã viết ca khúc Ngồi Quanh Đây Chúng Ta Cùng Hát riêng cho chương trình này. Tôi không có dịp hỏi lại NĐQ nhưng có lẽ CTCH cũng như một vài sinh hoạt trẻ khác lúc đó được nâng đỡ nhiều bởi những vị bộ trưởng của chính phủ mới sau năm 1963 , còn trẻ và có cảm tình với phong trào sinh hoạt thanh niên. Mỗi tuần chúng tôi đến Đài Phát Thanh tập hát, cùng hát và thu thanh những bài du ca, hầu hết là của Nguyễn Đức Quang, thỉnh thoảng có một vài bài dân ca hoặc một vài bài của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy. Cả những bài của Hoàng Quý mà hướng đạo hay hát. Ngoài Nguyễn Đức Quang và Trịnh Công Sơn lúc đó đã nổi tiếng, cùng thời còn có cả một lớp các nhạc sĩ trẻ đang lên sáng tác rất hăng, không tuần nào mà không có bài mới: Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Miên Đức Thắng, Lê Uyên Phương... Nhạc sĩ Phạm Duy cũng viết nhạc rất nhiều trong thời kỳ này. Nhưng phải nói chỉ có Nguyễn Đức Quang là hoàn toàn “trung thành” với loại nhạc nhận thức về quê hương , hay “du ca” cũng vậy. Nếu bạn nào cùng tuổi trên 5 bó như tôi còn nhớ một vài bài du ca thì có lẽ cũng đã có lần nghe chương trình Chúng Ta Cùng Hát trên đài phát thanh Sài Gòn.

 

CTCH không thọ lâu nhưng không sao, lúc đó, như NĐQ đã kể bên trên, anh Đinh Gia Lập đã làm giấy tờ chính thức thành lập Phong Trào Du Ca với một ban quản trị đàng hoàng. Hình như anh Hoàng Ngọc Tuệ lúc đó là chủ tịch ban quản trị mặc dù anh ít hát và cũng ít sinh hoạt văn nghệ. Thực ra thì anh cũng rất mê hát và là “sponsor” của nhóm Trầm Ca nhiều năm trời, thành ra việc anh làm chủ tịch cũng không có gì là lạ. Căn nhà của anh trên đường Sương Nguyệt Anh nghiễm nhiên trở thành trụ sở đầu tiên của Du Ca. Tôi còn nhớ đã đến đây học lớp dậy guitar cũng như dự buổi hát thân mật đầu tiên của cặp Lê Uyên Phương khi họ mới từ Đà Lạt xuống Sài Gòn.

 

Lâu lâu tôi lại đi nghe những buổi hát du ca ở rất nhiều nơi, có nhóm Trầm Ca cũng như ông Phạm Duy trình diễn như Nguyễn Đức Quang đã kể ở phần trên. Phải nói là những buổi hát này đã đem đến cho tôi nhiều suy nghĩ, trăn trở. Đi trại công tác, tôi có dịp rời khỏi tháp ngà của gia đình và trường học để gặp những người dân nghèo từ nhiều miền đất nước, có dịp thấm thía cảnh khổ của họ và suy nghĩ về tình trạng quê hương, về chiến tranh. Nguyễn Đức Quang và những nhạc sĩ du ca tiếp nối – Nguyễn Hữu Nghĩa, Trần Tú, Trần Đình Quân, Giang Châu, Bùi Công Thuấn, Nguyễn Quyết Thắng... - đã nói giùm tôi những gì tôi cảm nhận nhưng không nói ra được. Tôi thuộc lòng rất nhiều bài du ca.

 

Tết Mậu Thân, tôi và các bạn trong PTHĐPVXH cùng kéo nhau đến những trại tạm cư, nơi những đồng bào không may ở tạm vì nhà bị cháy trong chiến cuộc, làm công tác. Sân vận động Hoa Lư, trường Kiến Thiết... là một vài địa điểm cho những trại tạm cư này. Chúng tôi còn làm việc ở một công trường xây cất ngay đường Lý Thái Tổ, được tạm dùng cho bà con chiến nạn tá túc. Buổi tối, chúng tôi ngồi quanh lửa trại ca hát, nghe kể chuyện. Chính nơi đây chúng tôi được Đỗ Ngọc Yến, người hay đi và có nhiều “connections” nhất, đến hát cho nghe 2 sáng tác mới nhất của Trịnh Công Sơn: Bài Ca Dành Cho Những Xác Người và Hát Trên Bãi Dâu. Tối âm u dưới những ngọn đèn mắc vội, chúng tôi ngồi nghe những câu: Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy trên con đường người ta bồng bế nhau chạy trốn... hay Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng, trên nóc nhà thành phố, trên những đồi hoang vu... thật ghê rợn. Bộ mặt thật của chiến tranh lộ diện, những học trò thành phố không còn ngủ yên đêm đêm nữa mà phải “nhận thức” thực trạng quê hương. Có những đêm chúng tôi ngủ lại dưới lều bạt và một buổi tối thật khuya, tôi hát bài “Người Anh Vĩnh Bình” mới học được của Nguyễn Đức Quang. Câu chuyện cảm động về một anh lính quốc gia đi phép về thăm nhà, mới bế con được vài giờ thì tối đến đã bị những người bên kia vác mã tấu đến tận nhà chém chết, được NĐQ kể lại bằng những khúc nhạc 3/4 giản dị nhưng lời hát đã vẽ lên được nét bi thảm của một giai đoạn đau thương của đất nước Việt Nam. Giọng hát của tôi lúc đó phải nói là rất còn non nớt nhưng chứa đựng đầy xúc cảm vì chính tôi đã quá cảm xúc với bài hát. Sáng ra, nhiều người nói với tôi là họ đã rợn người khi nghe bài hát ấy. Đó là tác dụng của nhạc hiện thực.

 

Tôi đang hát du ca một cách tơ lơ mơ như vậy thì bỗng một hôm có anh chàng gầy lêu khêu đến nói chuyện và rủ tôi vào toán du ca Mùa Xuân. Đó chính là Phạm Công Ngân. Ngân quen với Nguyễn Đức Quang như thế nào thì tôi không biết rõ nhưng theo lời Ngân, anh Quang đã ủy thác cho Ngân đi tìm toán viên cho toán du ca đặc biệt này.

Lúc đó, phong trào du ca đang lan rộng khắp nơi ở miền Nam nước Việt, từ những tỉnh miền Nam như Long Xuyên, Tây Ninh tới những tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Nha Trang, Huế... Mỗi địa phương đều tổ chức thành những toán du ca cùng nhau sáng tác, đàn hát, đi trại công tác, đi trình diễn ở những buổi hát cộng đồng, những buổi hát theo đúng mô thức của những buổi diễn Phạm Duy – Trầm Ca năm nào.

 

Từ những toán này, một số những nhạc sĩ du ca xuất hiện. Từ Tây Ninh có Nguyễn Hữu Nghĩa, từ Đà Nẵng có Trần Đình Quân, từ miền cao nguyên có Bùi Công Thuấn, Nguyễn Quyết Thắng... Một toán du ca mang tên ngộ nghĩnh: Con Sáo Huế. Những toán khác: Vượt Sóng, Phù Sa,.... Ngay tại “đại bản doanh” Sài Gòn, các ông huynh trưởng du ca muốn có một toán du ca “nồng cốt”, tập dượt ráo riết những bài du ca để “đi hát dạo” kiểu Phạm Duy và Trầm Ca, lúc này đã hầu như ngưng hát. Phạm Duy thì có nhiều “projects” khác, ban Trầm Ca thì phân tán vì mỗi người dấn thân vào một công việc khác nhau: Phương Oanh thành lập nhóm đàn tranh Hoa Sim, mấy người con trai thì đi lính gần hết.

Thế là toán du ca “Mùa Xuân” ra đời gồm có Phạm Công Ngân, Uông Thế Công, Trần Ngọc Oánh, Nguyễn Thị Ngọc Yến, Trịnh Hữu Tâm, Nguyễn Minh Phương, Ngọc Hoàn và tôi. Oánh không trình diễn mà giữ nhiệm vụ viết hòa âm các bài hát. Phạm Công Ngân và Trịnh Hữu Tâm vừa hát vừa đàn guitar. Nguyễn Đức Quang giữ nhiệm vụ “nhà dìu dắt”. Toán Mùa Xuân rất là “có trình độ”, hát với 4 bè đàng hoàng cùng tiếng đàn đệm của Ngân, Tâm và anh Quang.

Chúng tôi làm nhiều chuyến “lưu diễn” ở các trường học khắp nơi cùng Nguyễn Đức Quang. Những bài hát của anh có dịp ghi khắc vào tâm khảm tôi, nói lên hộ tôi những khắc khoải của một tâm hồn mới lớn, đầy lý tưởng và nhiệt huyết. Nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy một bế tắc trong suy nghĩ và hành động. Ừ, đúng, tôi đang hát lên tâm tư của mình, những ưu tư về cuộc chiến tranh không lối thoát, những trăn trở cho cuộc sống đang phải dấn thân vào. Rồi sao nữa? Tôi không làm gì hết, tôi chỉ đi học, đi làm công tác thiện nguyện phất phơ, đi dạy thêm để kiếm tiền tiêu… Tôi chưa làm gì để có thể thóat ra những ưu tư dằn vặt đó được, chúng ở ngòai tầm tay một đứa trẻ mới lớn. Đến khi việc học trở nên quá bận rộn, tôi rời khỏi Phong Trào Du Ca.

Khi gặp lại Nguyễn Đức Quang và gia đình ở quận Cam vào những năm 1979, 1980, chúng tôi nối lại thân tình và đã cố gắng gầy dựng lại phong trào nhờ tập hợp được một các anh chị em du ca cũ: Nguyễn Thiện Cơ, Đoàn Trường Thọ, Lê Hiếu Nghĩa, Thu Vân,… thêm sự tiếp sức của du ca mới Việt Dzũng. Chúng tôi hội họp nhau tại nhà Phan Huy Đạt tập hát và đã làm một cuốn băng du ca thu tại phòng ngủ của căn apartment này cũng như tổ chức một vài buổi trình diễn nhạc du ca. Nhưng rồi những lo toan của cuộc sống đã làm tắt đi những hăng say ban đầu, mà khán giả cũng không còn, phong trào đành đi vào quên lãng.

Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn nhớ mãi từng lời ca, vẫn thấy máu sôi lên trong huyết quản khi hát Đường Việt Nam, Anh Em Tôi, Lìa Nhau, Cần Nhau, Người Anh Vĩnh Bình, Tuổi Trẻ Chúng Tôi… Chúng là một phần tim óc của tôi, chúng đã làm nên con người tôi. Tôi tin rằng không ít những người cùng thời với tôi có cùng cảm nghĩ.

Và bây giờ, tôi rất vui khi thấy thế hệ trẻ cũng đã cất cao tiếng hát Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ và đang dần khám phá những bài hát khác, những bài du ca của Nguyễn Đức Quang.



Từ trái, Minh Chiến, Nguyễn Đức Quang,  Nguyễn Quyết Thắng (trong ngày sinh nhật NQ Thắng 19-9) tại Paris, Pháp năm 2010.


NQ Thắng viết trên trang Facebook cá nhân ngày 27 tháng 3, 2021 về những kỷ niệm năm 2010:

“Một trong những kỷ niệm thật thân thương và trìu mến giữa tôi với người đàn anh Du Ca Nguyễn Đức Quang mà tôi không bao giờ quên. Đó là lần anh đã từ Cali bay qua Hòa Lan thăm gia đình tôi. Cũng trong dịp này, tôi cùng anh đã đi một vòng Âu Châu ghé thăm một số bằng hữu ở rải rác khắp nơi: Hòa Lan, Pháp, Bỉ, Đức, Áo, Budapest, Tiệp Khắc…

“Trong những ngày dài bên nhau, cùng bàn luận chuyện vui buồn và những bước đi cho tương lai của Phong Trào Du Ca.

“Trong những đêm dài nơi đất lạ trên khắp vùng trời Âu, anh đã tâm sự những chuyện thầm kín riêng tư, mà anh vẫn còn ấp ủ trong tim.

“Chúng tôi đã cùng hát say sưa bên nhau với những bài ca Khai Phá , những bài Nhận Thức Ca, Dân Ca, và cả những bài Tình Ca,  trong dịp ghé thăm đoàn Du Ca Paris tại Pháp. Cũng là ngày sinh nhật của tôi 19 tháng 09,  là ngày đầu tiên tôi phủi tay, gác chuyện cơm áo. Những bài ca suốt một thời tuổi trẻ đến nay vẫn rong ruổi theo gót chân tôi từng tuổi đời .

“Một lần ngồi uống cafe ở ven đường Place d’Itali- Paris, anh nói, 'Minh Chiến chụp cho anh với Thắng tấm ảnh kỷ niệm chỗ này đi, biết đâu nó lại đi vào *lịch sử* không chừng.'

“Mà quả thật, đấy cũng là lần gặp gỡ cuối cùng, không ngờ 6 tháng sau anh đã vĩnh viễn lìa trần.

“Hôm nay 27-03-2021, xin viết đôi dòng tưởng nhớ ngày giỗ thứ 10 của người anh tinh thần Nguyễn Đức Quang mà tôi luôn quí mến.”


Các bài viết liên quan:

Nghĩ về anh Nguyễn Đức Quang

10 năm cõi tạm

Họp mặt Du Ca Mùa Xuân 2021, tưởng nhớ nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang



No comments:

Post a Comment