4/25/21

TÌM TRONG KÝ ỨC 30 THÁNG 4

PHAN THANH MỸ

Phan Thanh Mỹ là hậu duệ của nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản. Tôi quen biết cô qua sự cộng tác với Giải Văn Học Phan Thanh Giản. Trước năm 1975, ở Miền Nam cô thuộc loại "tiểu thơ đài các gánh giang san nhà". Thời chiến tranh Việt Cọng, cô theo cha đi “bốn vùng chiến thuật” và làm việc ở các cơ sở giáo dục của Miền Nam. Sau 30-4, theo lời cô kể, là phải “đi giang hồ tìm đường vượt biên”. Sang Hoa Kỳ, Phan Thanh Mỹ “cày sâu cuốc bẫm được một vài mảnh bằng”. Phan Thanh Mỹ là tác giả một số sách Việt & Anh. Đoạt một số giải văn học Anh & Việt. Cha mẹ là thầy cô giáo (cha chỉ đi trận vài năm). Phan Thanh Mỹ cũng từng là giáo sư dạy toán tại các trung học ở Mỹ.

Bài tản mạn ngắn Phan Thanh Mỹ viết nhân tưởng nhớ biến cố Tháng Tư Đen 30/4/1975 như một nét khắc tác giả gắn thêm lên bức tranh lịch sử vĩ đại kết thúc chiến tranh Việt Cọng ở Việt Nam năm 1975. Gió O cho đăng lại với sự trân trọng dành cho một tác giả viết rất cẩn trọng và và đáng tin cậy của những gì cô ghi lại, như một chứng nhân lịch sử 30/4/1975 sống sót một cách hiển hách. (lê thị huệ, chủ biên gio-o . com)

Tìm Nhau Trong Ngậm Ngùi

Đang sống ở chốn thành đô Sài Gòn, mẹ tôi dắt đàn con đi theo cha tôi trên những vùng chiến thuật. Cha tôi đi trận lớn vào Tết Mậu Thân 1968. Từ một căn nhà lầu hai tầng, chúng tôi phải tạm ở trong một căn nhà lá ở vùng quê không xa địa đạo Củ Chi cho lắm. Chúng tôi dọn về đó trước năm 1968. Cũng như những người hàng xóm, chúng tôi cũng đào hầm trú bom.

Một ngày đó, không nhớ mẹ tôi đi đâu nhưng cha tôi đang ở chiến trường. Tôi là đứa con lớn nhất nên mẹ vắng nhà tôi phải trông đàn em. Bỗng ngửi thấy khói cay, tôi dắt đàn em chạy xuống hầm. Trên đường đi xuống hầm chúng tôi phải qua một mảnh vườn rau của gia đình. Em nhỏ của tôi lấy lá rau răm nhét vào mũi cho khỏi cay. Khi vào hầm trú rồi, bé bị ngộp thở. Càng lấy tay kéo mấy lá răm tôi càng vô tình thọc sâu vào mũi bé. Bên ngoài tiếng máy bay trên không ầm ỉ. Thôi thì can đảm “hy sinh thân mình” cứu em vậy! Tôi nghĩ, tôi phải lấy tiêu cho em ngữi để nó hách xì ra mấy lá rau răm đã vò viên kỹ.

Khi vừa lên hầm trú, tôi thấy một ông lính Mỹ bị thương, máu chảy ướt một cánh tay. Lúc đó tôi chưa thể nói được tiếng Anh nhưng tôi ráng nghe và hình như ông cũng nhận ra điều đó nên cứ chậm nói từng chữ. Khi tôi nghe được “military base”, tôi kéo ông chạy qua (không đi bộ) nhà hàng xóm cách nhà tôi vài căn. May quá, vừa tới nhà là gặp ngay chị bạn học cùng trường nhưng chị ấy sắp thi tú tài nên tiếng Anh khá giỏi. Tôi nắm tay ông Mỹ để vào tay chị ấy rồi chạy vội về nhà cứu em. Sau khi còi hụ báo yên, chúng tôi ra khỏi hầm và tôi chạy qua nhà chị bạn hỏi chuyện. Nhưng chị ấy chỉ nói là ông rớt máy bay, bị thương, cần biết căn cứ quân sự gần nhất ở đâu. Có lẽ chị cũng giống tôi, đang ra khỏi hầm trong khoảnh khắc.

Vài thập niên sau, tình cờ tôi đọc một bài báo Mỹ đăng cho ngày 30-4-1975. Cô con gái của một bác sĩ quân y Mỹ viết về người cha xa nhà đi chiến đấu khi cô chưa đầy mười tuổi. Cô chỉ nói về nỗi lòng của cô khi xa cha chứ không nói chi tiết gì về ông. Nhưng tôi cảm thấy có cái gì lôi cuốn tôi. Bắt phone lên xin được gặp mặt cô. Chủ nhà báo sắp xếp thời giờ cho tôi gặp cô.

người sĩ quan Mỹ, ảnh do Phan Thanh Mỹ
 cung cấp
Tôi đến trước khoảng mười phút và ngồi đợi ở phòng khách của tòa soạn. Tôi chưa biết cô giống như thế nào nhưng vừa đúng hẹn, cánh cửa mở ra, tôi chạy lại ôm chầm lấy cô. Cô cũng ôm tôi lại như hai chị em sinh đôi bị xa cách bao nhiêu năm. Nước mắt chúng tôi chan hòa và có lẽ cũng rơi rớt trên đoạn đường đến văn phòng của cô. Khi ngồi xuống, chúng tôi hỏi thăm làm quen. Tôi được biết cha cô sống ở Virginia và mới qua đời đúng một năm. Rồi tôi kể chuyện tôi gặp một người lính Mỹ năm xưa. Cô hỏi nơi máy bay rớt, năm tháng nào và diễn tả hình dáng người Mỹ đó. Đang kể tôi thấy cô nước mắt lại rơi nhưng lại cười. Khi tôi kể xong, cô quay tấm hình cha cô trong quân ngũ năm bị thương đó và nói người đó chính là cha cô!

Ông là bác sĩ quân y nhưng cũng lái máy bay trực thăng. Khi máy bay bị bắn rớt trên đường đi cứu thương, ông chạy bộ đến ngôi làng gần nhất. Nhưng ông bị thương trong giờ ai cũng phải trốn dưới hầm. Nhờ kiếm không ra nên ông đã đi gần đến căn cứ quân sự và người làng đầu tiên ông gặp là tôi.

Tôi nghĩ dù chỉ kéo tay ông đến nhà hàng xóm mà sau khi ông qua đời ông cũng khiến con ông và tôi gặp nhau. Ông chủ tòa soạn mời chúng tôi đi ăn trưa. Ăn xong ông cho tôi đi một vòng tòa soạn rồi cũng cho tôi vào dự họp thảo cho tờ báo in ngày mai. Gặp nhau trong ngậm ngùi nhưng tôi ra về với sự hân hoan. Tôi học được thêm công việc tòa soạn và biết được cái ân nghĩa nhỏ có thể sống muôn đời. Cô đã biết được đứa bé năm nào “cứu” cha cô.

Tôi Phải Sống

30-4-1975 lại về. Nhà tâm lý nói để hàn gắn vết thương lòng, ta nên trút hết tâm tư. Nhưng trút cho ai vì ai cũng cùng cảnh ngộ? Các giáo đạo đều dạy hãy tha thứ và quên đi. Làm sao tha thứ vì ta không phải là bậc tu hành và phải quên thì tha thứ sẽ theo sau. Quên sao được khi ngày đó nước mất nhà tan, gia đình ly tán, học hành dở dang vì học tài thi lý lịch. Làm sao quên được những cảnh đổi đời, đổi tiền, đổi lòng: cuộc sống nhung lụa đổi thành bần cố nông, gạo Nàng Hương thành bo bo, rách rưới đến nỗi không còn lề để giữ, trở về thời ăn lông ở lỗ. Không bao lâu sau, tôi theo dòng người đi tìm đường vượt biên. Bắc di cư 1954 còn diễm phúc trở về thăm lại mái nhà xưa sau ngày 30-4-1975. Bắc di cư 1954 còn diễm phúc đi trên tàu há mồm. Còn tôi ngồi chui vào hộp cá mòi, lắc lư như cụm lục bình trên dòng Sông Cửu Long vào mùa nước đục và bầu trời mênh mông xám xịt như cửa vào địa ngục. Bắc di cư còn diễm phúc được chánh phủ Ngô Đình Diệm (1901-1963) đón nhận và tạo điều kiện cho lập lại cuộc đời trên đất Nam một cách nhanh chóng.

Cuộc hành trình đến bên kia bờ Thái Bình Dương lại là một chuyện khó tưởng tượng nếu không là người trong cuộc. Không nhờ tình thương nhân loại của thế giới thì bến bờ tự do không có nghĩa lý gì. Cuộc sống ly hương có một cái giá rất cao: học ngôn ngữ lạ, quen dần phong tục tập quán xứ người hay nói khác hơn là tự mình đồng hóa để mà sống. Đó là “nhập gia tùy tục”. “Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Tôi đã bị rách rưới đến nỗi không còn lề để giữ sau ngày nghiệt ngã 30-4-1975 đó. Nên tôi không muốn mặc áo giấy. Tôi biết để mặc được chiếc áo cà sa tôi phải cố gắng gắp mấy vạn lần. Trong nghệ thuật trộn màu, chúng ta trộn vàng, đỏ và đen để lấy màu cà sa. Da tôi vàng, tôi đã sống dưới cờ máu, tôi chỉ cần màu đen. Ngày tôi khoác chiếc áo đen đội mũ lệch, cầm mảnh bằng tôi tưởng đời tôi đã khoác chiếc áo cà sa. Nhưng gia đình tôi vẫn bên kia bờ Thái Bình Dương thì làm sao tôi quên được ngày nghiệt ngã 30-4-1975?

Người ta nói “thời gian sẽ giúp mình quên đi những sầu hận.” Nhưng bao lâu? Khi xa quê hương, xa gia đình người ta mới biết quê hương là gì và gia đình là sợi dây trói buộc. Khi ta mới sinh ra đời bác sĩ cắt cái “khúc ruột” đó mà ta gọi nôm na là cắt cuống rún.

Nhưng một hôm, tôi lại di cư từ một miền nắng ấm, đông đảo bà con Việt Nam về xứ khỉ ho cò gáy. Giống như Bắc di cư 1954, tôi vẫn ở Mỹ. Qua một năm nơi xứ lạ nầy tôi mới khám phá ra nó có cái gì thân thuộc và cảm mến. Tôi đến vào mùa hè nóng như Miền Nam của tôi. Cỏ xanh khắp lối lại làm tôi nhớ lời Nguyễn Trung Trực (1838-1868): “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây.” Cây lúa, khóm trúc, bụi tre cũng là loài cỏ. Nhưng bên nầy tuyết mùa Đông diệt được cỏ. Lá mùa Thu lại khoe sắc chẳng khác gì dân Miền Nam mặc áo du Xuân. Mùa Xuân đến hoa nở khắp lối không thua gì Đà Lạt quê xưa. Phải mất vài năm tôi mới học hỏi được những cánh hoa Xuân nơi nầy. Và tôi khám phá ra tháng Tư là tháng có những chiếc hoa làm đẹp lòng tôi. Vâng, không phải thời gian làm tôi quên đi sầu muộn của ngày 30-4-1975 mà là chiếc hoa Nụ Đỏ (Redbud) và Gỗ Cẩu (Dogwood).

hoa Gỗ Cẩu Dogwood,  photo: BrighterBlooms . com

Nụ Đỏ là một loại cây gỗ thân đen có hoa tím (không phải đỏ). Mỗi cánh hoa như những chiếc hài em bé xinh xinh. Nụ hoa nho nhỏ bám vào thân cây như hoa chùm ruột. Dáng cây thẳng cao như người quân tử. Những lúc cây tìm ánh sáng thì dáng đứng như kẻ si tình đang đứng trước nhà chờ một thiếu nữ ra đứng bên song thưa. Không phải tôi thích cây Nụ Đỏ vì nó mang cái tính nam nhi mà vì cái màu tím của nó. Khi thấy nó là tôi nhớ về kỹ niệm ôm bình mực tím đi học. Cái hoa bé bé xinh xinh màu tím đã tượng trưng một thời mài đũng quần trên ghế học đường của tôi. Khi cây đứng một mình nó có dáng dấp một gã thanh niên. Khi cây đứng từng hàng giống như những học trò nghiêm trang ngước nhìn lá cờ ba sọc đỏ trong giờ hát quốc ca. Khi cây mọc lẻ loi trong rừng sẽ tô điểm những chiếc lá mới ra xanh màu mạ non. Lá cây Nụ Đỏ hình trái tim cho tôi hàng vạn yêu thương. Mùa thu lá rụng để lại hàng trăm chùm trái không khác gì những trái phượng đỏ hay trái điệp vàng quê tôi. Cây, hoa và trái Nụ Đỏ để lại cho tôi một ký ức yêu thương của thời vụng dại mà tôi muốn trân trọng giữ gìn.

Cây Gỗ Cẩu cũng có thân gỗ và chiều cao tợ như cây Nụ Đỏ. Nhưng cấu trúc cành của nó mảnh khảnh, ẻo lả như cô gái xuân thì. Khi cánh hoa của nó nở ra nhìn giống như cánh bướm xòe. Hãy tưởng tượng hàng trăm con bướm nối vòng tay trên một cành. Mỗi cây có nhiều cành xếp thứ tự theo tầng như dáng thục nữ. Một thục nữ đã học tròn bài Công Ngôn Dung Hạnh. Hoa màu trắng, hồng hoặc đỏ và có bốn cánh to khoảng lòng bàn tay. Xứ tôi có nhiều nhất cây Gỗ Cẩu màu trắng như sữa. Ở thủ đô người ta làm lễ hoa anh đào, xứ tôi làm lễ hoa Gỗ Cẩu. Cây hơi khó trồng và đắc tiền nhưng vì là xứ đạo nên người dân cố gắng. Cánh hoa theo chiều ngang hay chiều dọc, ở phần ngọn có đốm như vết đinh đóng. Người ta đã tưởng tượng mỗi cánh hoa là hình ảnh Đức Chúa Jê-Su trên cây thập tự giá. Tìm về quá khứ người ta thấy chính khúc gỗ cây Gỗ Cẩu làm cây thánh giá và Đức Chúa mất vào tháng Tư. Tạo Hóa sinh ra cây Gỗ Cẩu để có cây thập tự. Vì thế, 30-4-1975 cũng là ngày định mệnh. Tạo Hóa cho Việt Nam Cộng Hòa tồn tại để dân Việt Nam học làm người có đủ phẩm cách Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín. Dù chỉ hai mươi năm tròn, Việt Nam Cộng Hòa đã trưởng thành để khi nó không còn, người ta tiếc nuối một thời vàng son đã qua. Một thời vàng son của những con người có lòng nhân đạo và tình yêu tổ quốc. Khi vuột khỏi tầm tay người ta mới thấy cái chân giá trị cao quý của nó. Người ta đã tìm về nét vàng son đó và đang cố gắng gom góp lại cái văn hiến mà làm người thì cần phải giữ lấy.

Tháng Tư xứ tôi cũng có nhiều loại hoa khác nhưng chúng sớm tàn. Hoa táo dại cũng nở rực vài tuần đầu tháng Tư nhưng chúng bắt đầu nở vào cuối tháng Ba. Duy nhất Nụ Đỏ và Gỗ Cẩu nở bắt đầu vào đầu tháng Tư và tàn vào cuối tháng. Cuối tháng Tư như dòng lịch sử tháng Tư đen kết thúc ngày 30-4-1975. Tháng Tư tôi thường tìm cách ngao du khắp thành phố để thưởng hoa, để nhớ về dĩ vãng đáng yêu và để quên đi những sầu hận. Thành phố ngàn hoa như những màu mạ non, như lúa trổ đồng đòng, như cái tuổi trăng tròn, như con gái một con, như gã si tình biết yêu, như gã anh hùng ôm chặc tay súng cho tôi trọn vẹn tuổi học trò ngây thơ ngày nào. Cứ mỗi tháng Tư về, Gỗ Cẩu và Nụ Đỏ cho tôi mặc chiếc áo cà sa dấu đi màu đen tối của một cuộc đời tôi đã một lần đi qua. Và hằng năm tôi cứ mong tháng Tư về nơi xứ nầy. Dù chỉ trong một tháng của mỗi năm, Tháng Tư xứ nầy giúp tôi sống được qua 11 tháng còn lại. Tôi phải sống để bảo tồn cái danh dự người anh hùng vì màu cờ ba sọc đỏ mà giữ biên cương. Tôi phải sống để tôn thờ Tự Do và tình nhân loại. Tôi phải sống để làm nhân chứng sống của cuộc đổi đời sau ngày nghiệt ngã 30-4-1975.

Viết cho ngày 30-4-1975.

No comments:

Post a Comment