3/27/21

Nhớ cây tre

Võ Hương An

Nhà tôi ở trong Thành Nội, còn quê nội tôi là làng An-Ninh nằm bên bờ sông Bạch Yến; hai bên bờ bóng tre xanh mát suốt dòng sông.

Photo Thanh Tiên

Hồi còn bé, xe đạp đang còn hiếm — nói chi tới xe gắn máy hay hệ thống xe bus từ trung tâm thành phố tỏa ra vùng phụ cận như từ 1955 trở đi — mỗi lần có giỗ lớn, tôi theo thầy tôi hay mạ tôi cuốc bộ về quê dự đám giỗ.

 Chúng tôi ra cửa Hữu, qua đò Kẻ Vạn, qua chợ Kẻ Vạn, rồi từ đó băng qua các làng Phú Xuân, Phú Mộng để về làng. Những rặng tre hai bên đường giao ngọn, tạo thành một tàn lá che nắng tuyệt hảo.

 Ngày hè, sau khi phải đội nắng hanh hao qua những con đường sỏi đá không bóng cây, rồi được đi trong những con đường làng rợp bóng tre như thế, tự nhiên thấy tươi tỉnh ra.

Những lúc đó mà được mạ ghé vào một cái quán bên đường để tạm nghỉ chân, lại cho thêm cái kẹo gừng hay miếng kẹo đậu phụng kèm đọi nước chè xanh thì cuộc đời thấy đáng yêu ngay và hành trình lội bộ mất non nửa ngày thấy không còn đáng ghét nữa.

Một người bạn thủy chung

Cây tre của Việt Nam có mặt khắp nơi, không chỉ tạo nên cảnh quang điển hình của làng quê Việt Nam mà còn gắn chặt vào mọi mặt sinh hoạt của người dân từ lúc mới oa oa chào đời cho tới khi trăm tuổi giả từ trần thế.

 

Cũng như nhiều dân tộc khác ở vùng Đông Nam Á, người Việt sống nhờ hột gạo. Vì vậy việc vinh danh  cây lúa qua những lễ hội liên quan đến nghề nông –  chẳng hạn lễ Tịch điền của triều đình, lễ xuống đồng, lễ cúng cơm mới của nông dân – là việc đương nhiên phải có.

Điều đáng nói là sau cây lúa, cây tre đã gắn liền với đời sống người dân trong từng hơi thở, vậy mà chưa thấy một hành động hay một lời biết ơn. Này nhé, nào mái nhà tre lợp tranh che mưa che nắng, tấm phên tre che gió che sương, rồi nôi tre, giường tre, chõng tre, gối tre, guốc tre, và biết bao thứ đồ dùng khác trong nhà cũng từ tre mà ra. Nào rổ, rá, giần, sàng, nong, nia, thúng, mủng. Nào bầu, trạc, giỏ, lồng, bồ, sề, nơm, rọ. Thiệt không thiếu thứ chi.

Trong nhà đã vậy, bước ra sân ra vườn, cây tre cũng có mặt trên từng bước đi. Luống cải kia không bị gà bới là nhờ có mành tre vây quanh; bụi cúc vàng nọ trước sân đứng vững trước gió mạnh lắt lay để khoe màu với khách là nhờ tựa vào cái chói tre cứng cáp.

Nói chi đến dàn hoa thiên lý hay dàn bầu dàn bí tốt tươi trước hiên nhà, không có tre bắt chói làm dàn thì lấy chi cho mày bò lan để đơm hoa kết trái?

Ngày xưa, khi ánh sáng khoa học của Tây phương chưa soi tới, nào ai biết nhiễm trùng là chi. Lắm bà mụ vườn không ngần ngại dùng con dao làm bằng cật tre hay cật nứa để cắt nhau rốn cho trẻ sơ sinh.

Thôi thì đứa nào trời cho sống cứ sống, còn nếu lỡ nhiễm trùng mà chết thì đổ cho con ranh con lộn, có sao đâu. Chiếc nôi tre tuy không đẹp nhưng cũng đủ êm để cho bé ngon giấc trong năm tuổi đầu tiên.

Rồi bé lớn lên thành người, bôn ba, bươn chải với đời. Khi người nằm xuống, lại ngọn tre phơ phất lá triệu dẫn đầu đám tang, đưa tiễn người lần cuối. Hỏi có ai chung thủy bằng tre?

Ngày trước, người Việt mình quan niệm rằng những vật bằng kim loại (thiết khí) để gần thi hài sẽ ảnh hưởng tới sự siêu thoát của người chết. Vì vậy chiếc quan tài cổ truyền của Việt Nam hoàn toàn không có một cái đinh nào. Sáu tấm ván được cố kết bằng khe, mộng, chốt và nêm.

Quan tài có khi quàn đến cả tuần hay cả tháng để chờ thân nhân ở xa về, để chờ thầy chọn cho được cuộc đất tốt, để chờ ngày tốt giờ tốt v.v. Làm sao giữ cho cái nắp quan tài khỏi bung ra dưới sức nén của khí phân hủy thoát ra từ thây ma mà không cần dùng đến đinh sắt hay dây thép? Ấy, lại nhờ đến tre.

Nắp được giữ chặt bằng một bộ néo làm bằng tre gốc và buộc bằng lạt tre sợi lớn, dẻo và dai. Hồi còn niên thiếu, có lần tôi được chứng kiến những người lớn tuổi trong xóm chôn một người ăn xin chết vô thừa nhận bằng một manh chiếu bó lại với sáu cái nẹp tre bọc chung quanh.

Tò mò, tôi hỏi làm thế để làm gì? Một ông già trả lời: bó lại bằng nẹp tre thì dễ khiêng đi, với lại cũng như mình mai táng họ đầy đủ nghi thức với quan tài đóng bằng sáu tấm ván vậy, để cho họ khỏi tủi thân.

Cây tre vũ khí

Cây tre không phải chỉ cho bóng mát hiền hòa, cây tre còn là một vũ khí, một vật liệu quân sự. Trong huyền sử Việt Nam , có truyện Phù Đổng Thiên Vương giúp vua đánh đuổi giặc Ân để cứu nước và giữ nước.

Cuộc chiến đấu chống ngoại xâm dũng mãnh và hăng say cho tới nổi roi sắt cũng gãy. Thế là chàng thanh niên làng Gióng ném luôn khúc roi sắt còn lại, nhổ tre hai bên đường làm vũ khí để đánh đuổi giặc tới cùng.

Hễ bụi này tan thì chàng lại ném đi và nhổ bụi khác. Cứ thế cho dến khi giặc tan tác , đầu hàng, thì chàng cỡi luôn ngựa sắt bay lên núi Sóc để về trời. Tôi chưa được tới thăm quê Thánh Gióng để chiêm ngưỡng dấu tích huyền sử, nhưng theo một anh bạn người Bắc Ninh đã từng qua đó thì hai bên đường lên núi Sóc người ta còn thấy những ao lớn, tục truyền là dấu chân của ngựa sắt, và những bụi tre nghiêng ngã tự bao đời, tục truyền là cháu chắt của những bụi tre thánh ném ngày xưa.

Chuyện Thánh Gióng dùng tre làm vũ khí đánh giặc chưa biết hư thực ra sao, nhưng điều hiển nhiên qua huyền thoại đó cây tre đã đi vào quân sử. Khi cung tên và gươm giáo còn là vũ khí căn bản của quân đội thì họ nhà tre là vật liệu quân dụng cũng như sắt thép vậy.

Nào tên tre, chông tre, rồi cán gươm, cán giáo đa số cũng bằng tre cả. Có một loại tre không có gai, đặc ruột, cao chừng bốn, năm thước, thẳng, lớn vừa vặn tay cầm, làm cán thương cán giáo rất tốt, không cần phải tốn công trau chuốt gì cả.

Bởi vậy, giống tre này có tên là tre cán giáo. Ở nông thôn, để làm cán cào cán cuốc, cán mỏ khảy, người ta dùng phần ngọn của cây tre già, vì tre cán giáo không phải ở đâu cũng có. Ở Huế, tôi thấy một nhà nọ gần cống Vĩnh Lợi có trồng hai bụi trước ngõ.

Ai đã từng ở miền núi đều biết đến cái nguy hiểm của các loại chông, bẫy và thò của đồng bào thiểu số. Lơị dụng tính mềm dẻo của họ nhà tre để tạo thành một sức bật mạnh như lò xo thép, người miền núi đã có trong tay những vũ khí thô sơ nhưng không kém nguy hiểm, có thể gây chết chóc hay thương tích cho những ai xâm nhập trộm cắp hay phá phách nương rẫy của họ.

Ở thôn quê, tre thường được trồng ở cuối vườn để làm ranh giới giữa các nhà. Rễ tre mọc rất bạo, nên người ta phải đào mương sâu – có khi rộng đến cả hai thước tây, nếu vườn rộng cả mẫu đất – để ngăn chận không cho rễ tre xâm nhập sâu vào vườn, tác hại đến các cây trồng khác.

Tre thường được trồng dọc theo các bờ sông, vừa để tiết kiệm đất vừa ngăn chận sự xói mòn của dòng chảy vào mùa lũ lụt. Hai chữ lũy tre thường dễ gợi cho người nghe hình ảnh tươi mát thân yêu của một làng quê bên nội hay bên ngoại nào đó.

Đâu biết rằng khi tre được trồng dày đặc và kiên cố như một cái lũy thì nó trở thành một hệ thống phòng vệ rất có hiệu quả về mặt quân sự.

Tại những vùng quê hay bị cướp phá, chẳng hạn làng mạc ở đồng bằng miền Bắc vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, những lũy tre như thế với chiếc cổng làng kiên cố đã giúp người dân được yên ổn phần nào qua những mùa bạo loạn vì cơm thua gạo kém.

Đối với thiên nhiên, những lũy tre làng cũng đã giúp nông thôn giảm thiểu được phần nào sức tàn phá của gió bão.

Món ngon từ tre

Măng là mầm tre non vừa lên khỏi mặt đất. Chỉ có loài gấu trúc Panda mới ăn lá tre chứ người thì chỉ xơi măng thôi. Chuyện đời xưa kể rằng vào một mùa Đông năm nọ, khi băng tuyết phủ khắp sơn khê thì bà mẹ Mạnh Tông trở chứng thèm măng.

Mùa Đông làm gì bói ra măng, nhưng thấy mẹ thèm măng quay quắt, Mạnh Tông thương mẹ quá, đành đội tuyết ra ôm gốc tre khóc lóc năn nỉ xin một búp măng để vui lòng mẹ. Lòng hiếu của Mạnh Tông đã làm cảm động gốc tre già và một mầm măng nhú lên như phép lạ.

Nếu Mạnh Tông sinh ra vào thời buổi này thì ông không đến nỗi vất vả như thế, chỉ cần lái xe đến siêu thị thì tha hồ chọn lựa để làm vui mẹ già.

Lần đầu tiên khi bước chân vào một siêu thị thực phẩm Á Đông ở San Jose , tôi đã không khỏi ngạc nhiên thích thú khi thấy bày bán đủ các loại măng, từ tươi cho đến khô và đóng hộp, dưới cái tên nghe chẳng thân mật chút nào, bamboo root.

Măng đã là một thực phẩm từ bao đời nay của dân ta. Kinh nghiệm của các bà nội trợ là măng tươi sau khi xắt ra, phải luộc chín, xả nước lạnh rồi mới nấu, nếu không măng sẽ đắng.

Các bà không cần biết trong măng có chất cyanogens, độc, chỉ biết luộc đi thì ăn ngon và các bà đã làm đúng. Món bình dân thì có canh măng chua, măng kho. Cao cấp hơn một chút thì có vịt, gà hầm măng hay xáo măng, giò heo hầm măng.

Nói chung, thịt của các loại gia cầm và các loại chim trời rất hợp ý với măng, cũng như cầy đi với riềng, heo đi với hành tiêu và bò đi với sả, lốt vậy. Có những ngày mưa lạnh ở San Jose trông ra chẳng khác gì mùa Đông xứ Huế.

Nhớ ngày còn ở quê nhà, vào những ngày như thế này ở các chợ thường bày bán chim mỏ nhát và le le do nông dân đánh bẫy được. Nếu không tính chuyện làm món rô-ti cho chồng nhậu rượu thì các bà một khi đã mua chim thường không quên mua măng.

Ở chợ, người ta không những bán măng tươi mà còn bán cả măng luộc sẵn nữa. Đó là loại măng le, lấy từ những rừng le ở cao nguyên, người ta buôn về với số lượng lớn chứa trong những cần xéù rồi phân phối lại cho các người bán lẻ.

Những thứ bánh đặc sản của Huế như bánh phất, bánh ít trắng mà nhưn nhị không có măng xắt hột lựu trộn vô thì sẽ vô duyên mất một nửa.

Về loại bánh ngọt, Huế có hai thứ bánh dẻo đều làm bằng bột nếp, nhỏ bằng cái bánh in, gọi là bánh măng và bánh mận. Bánh mận có mè trắng rang chín bao bọc ở ngoài, còn bánh măng lại có những sợi măng xắt nhỏ rí lẫn bên trong, ăn nghe sần sật.

Có bao giờ bạn nghe câu vè Măng tháng Ba cấm cắt cấm bẻ. Măng tháng Mười vừa cười vừa hái chưa? Sự tình là thế này: có nhiều làng xã đã xem cây tre là một tài sản thiên nhiên rất có ích cho dân làng, cần phải được bảo vệ, nên việc này được đưa vào hương ước như là một lệ làng. Mà đã là lệ làng thì ai vi phạm sẽ bị bắt vạ (phạt) ngay. Vậy đễ cho dễ nhớ, dân đặt thành vè.

Mỗi năm măng mọc hai lần vào tháng Ba và tháng Mười. Tháng Ba là tháng Xuân, mùa sinh sôi nảy nở, thời tiết tốt, nên măng cần được bảo vệ phát triển cho dài dòng lớn họ.

Làng cấm bẻ măng vào tháng Ba là thế, đừng có vì thèm quá, bẻ măng, rồi gân cổ lên mà cãi rằng : “măng của vườn tui thì tui cứ bẻ”, phải biết phép vua thua lệ làng chứ!

Đến tháng Mười là tháng của mưa bão, măng có mọc lên cũng ít cơ may sống sót vì gió bão trước sau gì cũng đánh cho gãy gục, vậy bẻ đi mà ăn nghe có ích hơn.

Ngày nay, nếu mấy tổ chức bảo vệ môi sinh trên thế giới biết rằng ngày xưa ở những làng quê Việt Nam đã có luật lệ tiến bộ như thế để bảo vệ thiên nhiên thì hẳn họ phải hết lời ca ngợi!

Trăm thứ từ tre

Nói đến công dụng của tre thì thiệt vô cùng. Hồi chưa có kỹ nghệ chất dẻo, lắm lúc tôi nghĩ rằng nếu không có cây tre thì đời sống người dân Việt Nam sẽ thiếu thốn chật vật biết mấy vì có biết bao vật dụng cần thiết hàng ngày được làm ra từ cây tre.

Với sự có mặt khắp nơi của cây tre và nhu cầu vật dụng đã kích thích óc sáng tạo của người dân Việt, tạo nên cả một ngành thủ công phong phú. Hầu như người nông dân nào ít nhiều cũng biết đan đát hay biết chế tạo những dụng cụ cần thiết dễ dùng trong nhà.

Nếu không biết đan rổ đan rá cho vợ cho con thì cũng biết bện cái nơm đễ bắt cá, đan cái giỏ để đi câu hay bắt rạm ngoài đồng hoặc ít nữa thì cũng làm được bộ cóng rớ nho nhỏ để đi cất cá vào mùa mưa lụt.

Thừa Thiên-Huế, xứ sở của mưa lụt và gió bão, Bão năm Thìn và Lụt năm Tỵ với câu ngạn ngữ Thìn Tỵ là kỵ Long Vương đã trở thành những kinh nghiệm lịch sử thời tiết địa phương khó quên.

Trong trận lụt năm Tỵ, 1953, nhà tôi ở trong Thành Nội, nước ngập mái. Nếu không có chú Sau đóng bè chuối tới cứu thì chắc anh em tôi khó sống tới giờ. Sau trận lụt đó, thầy tôi thuê chú Sau đan một chiếc xuồng, loại xuồng câu, nhưng lớn hơn một chút, có sức chở ba người, dùng làm phương tiện cứu hộ khi lụt lớn.

Xuồng đan bằng tre, trét dầu rái, nhẹ mà vững. Cũng với kỹ thuật đan đó, người ta đã đan thành những chiếc ghe lớn có sức chở cả tấn để đi buôn dọc duyên hải Việt Nam . Đó là loại ghe bầu thường xuất hiện hàng năm ở bến Bao Vinh vào mùa gió Nồm thổi.

Ở nông thôn ngày xưa, chỉ có hạng khá giả mới mua nổi cây, gỗ để cất nhà, vì giá cả đã cao, mà việc vận chuyển cũng không phải dễ dàng, nghĩa là rất tốn kém. Riêng với đại chúng thì họ nhà tre từ bao đời nay đã giúp dân ta có được một mái nhà ấm cúng để an cư, dù hình thức thì khiêm tốn và nhìn không mấy mát mắt.

Nói như vậy chứ không phải nhà tre nào cũng đồ xoàng cả đâu, Có những nhà tre tồn tại hàng chục năm, vì người ta dùng toàn loại tre già, được tuyển lựa kỹ, lại đem ngâm dưới ao bùn cả năm trời nên có sức chịu đưng rất cao đối với thời tiết và mối mọt.

Tôi có bà dì, nhà tranh phên tre nhưng được làm rất khéo, vì dượng tôi là một thợ tre. Ngoại trừ hai cây cột cái làm bằng gỗ thầu đâu (sầu đông), còn toàn bộ giàn trò hoàn toàn bằng tre ngâm.

Phên đan bằng tre cật, trét kín bằng hỗn hợp đất sét trộn với phân trâu và rơm giả nhỏ. Nhà làm chỗ thấp, cứ vài năm lại bị nước lụt vô nhà ngâm một hai hôm. Vây mà ba chục năm sau, khi ông giở nhà tranh để xây lại nhà ngói, có người trong xóm thấy bộ sườn nhà bằng tre còn quá tốt, thấy tiếc của đời đã xin để làm nhà bếp.

Cùng với cái bùng binh , cái cột nhà bằng tre cũng là nơi để giữ tiền tiết kiệm. Chỉ việc lấy cái cưa cưa ngang một đường bên dưới cái mắt tre sâu vào chừng ba phân, tạo thành cái miệng để nhét bạc giấy và tiền kên vào, thế là xong. Khi nào muốn lấy thì dùng cưa và và đục để tạo thành cái lỗ bên dưới mà moi tiền ra. Người ta gọi đây là tiền bỏ ống.

Khi người Pháp du nhập kỹ thuật xây dựng của Tây phương vào Việt Nam , cây tre cũng được trọng dụng. Để chống lún, tre gốc già, dài chừng 2m, có khi được dùng để đóng dày ở đáy hố móng.

Tre tươi tồn tại rất lâu trong đất bùn mà không bị thối mục. Ở trong Nam , cây tràm nước được dùng thay cho tre trong trường hợp tương tự. Khi chưa có giàn giáo bằng ống thép, họ nhà tre được giới xây dựng dùng làm giàn để đưa người thợ hồ và vật liệu lên cao, dựng nên lâu đài thành quách.

Con đường Huỳnh Thúc Kháng ngày nay ở Huế, trước 1945 có tên là đường Hàng Bè. Con đường này chạy dọc bờ sông Đông Ba, là nơi tập trung bán các loại tre, nứa, mây, cho dân thành phố.

Những thứ này được khai thác ở thượng nguồn sông Hương rồi đóng bè thả xuôi theo dòng sông . Tới bến, chủ vựa thuê người vớt lên, dựng đứng trong những cái giàn đặt dựa bờ sông, khách mua đứng bên lề đường, tha hồ lựa chọn, vừa ý cây nào rút cây đó.

 Nhất đốn tre, nhì ve gái

Cái vụ làm quen và tán tỉnh đàn bà con gái người Huế gọi là ve gái . Nếu trời không cho cái khiếu bẻm mép thì chuyện ve gái quả là khó thiệt, nhưng theo kinh nghiệm của các cụ xưa thì cái khó này còn đứng sau việc đốn tre. Sao kỳ vậy?

Ve gái, nếu nói năng vô duyên, thái độ sàm sỡ thì có thể bị mắng cho mất mặt, thậm chí, có thể ăn tát tai hay đế guốc cao gót vào đầu. Như vậy còn khá, vì có thể nhanh chân thoát được, còn đốn tre mà không khéo, không có kinh nghiệm thì có thể vào bệnh viện hay mất mạng.

Họ nhà tre, dù tre có gai hay không gai, đặc ruột hay rỗng ruột, đều có cái nguy hiểm ngầm của nó mà người không kinh nghiệm không biết được. Đặc điểm của loài tre là mềm dẽo dễ uốn. Vì vậy khi cong mình hay đan vào nhau , chúng trở thành một cái bẫy ngầm với sức bật chết người.

Nhớ một lần nọ, khi còn ở trên núi, một tổ mười người được cắt đi đốn giang. Khi anh bạn tù vừa chặt đứt cây giang thì cũng là lúc anh kêu trời, buông rựa để ôm lấy cánh tay đầy máu, vì ngọn giang vừa chặt bén như lưỡi mác đã phóng ngược trở lại vào anh.

Thấy bạn bị thương, máu chảy dầm dề thì lòng xót xa nhưng cũng mừng vì vết thương không phạm vào chỗ hiểm. Cứ tưởng tượng ngọn giang ấy mà phóng vào ngực hay bụng thì giữa cảnh rừng núi thâm u lúc đó, biết lấy chi mà cứu.

Bụi giang gồm những khúc suông sẻ, ngắn chừng năm hay sáu tấc, đan vào nhau, ngó rất ngon mắt, dễ đốn, vì vậy anh bạn đã chặt thoải mái, đâu ngờ đã vô tình đụng nhằm cái chốt bẫy của nó, thế là tai nạn xảy ra.

Đối với tre mọc thành bụi, dù là tre rừng hay tre nhà, rất ít khi người ta đốn sát gốc vì có hàng chục gốc đan chằng chịt vào nhau, không lách lưỡi rựa vào được, nên thường phải đốn cách gốc ít nhất là một thước trở lên.

Bạn phải lựa thế mà đứng ở cái thế chênh vênh đó cho vững vàng, rồi phải xem cây tre mình muốn đốn đang ngã ngọn về hướng nào, gió đang thổi hướng nào, ước lượng hướng gió thổi sẽ ảnh hưởng tới cách rơi của cây tre ra sao.

Khi chặt, phải chặt phía bụng trước, khi cây gần bị đứt thì mới hạ một nhát tối hậu ở lưng cho nó rơi dứt khoát. Nếu bạn thấy cây tre cong lưng một cách ngon lành như mời gọi và bạn hạ ngay nhát rựa thì cây tre sẽ bị tướt đôi do chính sức bật của nó và có thể bạn sẽ bị thương.

Phải tính toán, ước lượng mọi yếu tố thế nào để khi cây tre ngã xuống nó không phóng ngược cái gốc nhọn hoắt hay đập cái thân nó vào mình. Rõ ràng là khó hơn ve gái, phải không?

Họ nhà tre bao lớn?

Không mựợn đến sách vở, chỉ bằng vào kinh nghiệm của một tay ngang như tôi cũng thấy rằng họ nhà tre thật là đông đúc. Do đó tên gọi cũng nhiều, có khi cùng một giống nhưng mỗi nơi gọi một cách khác.

Nào là tre la-ngà, tre cán giáo, tre vàng, tre đen, nứa (lồ-ô), bương, mai, vầu, le v.v. Đó là chưa kể đến các giống tre nhỏ con khác, không có gai, tùy loại mà người Huế gọi là trúc hay hóp.

Trúc vì có dáng đẹp nên thường được trồng làm cây cảnh, còn hóp thì thân thẳng và lớn hơn nên thường được trồng làm hàng rào. Trong bài Thu vịnh, cụ Nguyễn Khuyến khi nói đến Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo, là chính loại tre nhỏ con này.

Trong ký ức tuổi thơ của tôi, bụi hóp sau nhà là nguồn vật liệu để làm cần câu cá và làm đồ chơi. Cây hóp lớn cỡ ngón tay cái thì dùng làm cần câu cá rô cá diếc; cây hóp nhỏ cỡ ngón tay trỏ thì làm cần câu cá cấn cá mại.

Người dạy cho tôi chế tạo đồ chơi từ cây hóp là mệ ngoại tôi. Từ cây hóp, bọn trẻ con nhà nghèo chế ra súng bắn bằng đạn trái cây, nổ nghe lốp bốp cũng vui tai. Mùa hè, những cây muối dọc đường Đoàn Thị Điểm ra trái chi chít. Đó là nguồn “đạn “ của chúng tôi. Nhưng bắn bằng hột cây muối, tiếng nổ không dòn bàng hột cây bời lời. Cũng từ cây hóp, chúng tôi làm thành cây kèn lá để giả làm tiếng gà gáy, gắn thêm cái ống đu đủ thì thành cái kèn bầu đám ma!

Lại nhớ bài ca dao Lính thú đời xưa hồi còn đi học:

Ba năm trấn thủ lưu đồn,

Ngày thời canh điếm, tối dồn việc quan.

Chém tre, đẳn gỗ trên ngàn,

Hữu thân hữu khổ, phàn nàn cùng ai?

Miệng ăn măng trúc, măng mai,

Những giang cùng nứa, lấy ai bạn cùng?

Nước giếng trong, con cá nó vẫy vùng!

Ở cái tuổi đệ Thất (lớp 6) đệ Lục (lớp 7), tôi tự nhủ : ờ, cây trúc, cây mai thì mình biết rồi, nhưng cây mai làm chi có măng mà ông lính này ăn măng mai? Thắc mắc như thế nhưng vì nhút nhát và sợ bạn bè chê mình dốt (!) nên không dám hỏi thầy. Mãi sau mới biết ở ngoài Bắc có một thành viên họ nhà tre được gọi là mai. Quả là dốt thiệt!

Đã là người Việt Nam thì ai cũng biết cây tre, nhưng thấy được hoa tre và trái tre tôi nghĩ không mấy người. Tre già cũng ra hoa và kết trái nhưng theo sách vở thì phải mất năm mươi năm tre mới ra hoa một lần và khi ra hoa thì tre thu hút nhiều sinh lực của cây nên sau đó cây sẽ tàn tụi mà chết.

Từ dưới đất nhìn lên ngọn tre cao chót vót, những trái tre dài hơn hai gang tay, có hình con thoi, đong đưa trong gió gợi cho tôi nhớ đến những tổ chim “rột rột” trên những ngọn tre miền quê nội của những ngày thơ ấu.

Cũng nhờ mấy năm tu tiên trên núi sau 1975 mà tôi mới có dịp thấy cái hoa tre và trái tre nó ra làm sao chứ với chu kỳ năm mươi năm mới ra hoa một lần thì chỉ có tre rừng không ai đốn mới sống lâu mà ra hoa chứ còn tre nhà, không ai hoài công để dành như vậy.

Người ta trồng tre bằng gốc chứ không phải bằng ngọn hay hột. Người ta xắn gốc tre, chặt cụt ngọn đi, chừa lại cái thân chừng ba thước và đem trồng. Phải mất ba năm tre mới nhú lên cái mầm măng đầu tiên, còn hai năm đầu chỉ mới bén rể.

Lần đầu tiên được thấy hoa tre và trái tre, tôi có ngạc nhiên nhưng không ngạc nhiên cho bằng khi thấy cây giang. Gói bánh chưng, bánh tét, bánh ú, nem, tré, chả giò, chả lụa, chả thủ, mà buộc bằng lạt giang thì tuyệt, Buộc bằng sợi lạt có cái tiện là chỉ cần một tay làm cũng được, cứ chặp hai đầu dây lại và ngoáy vài cái là xong một mối buộc.

Lạt giang quen thuộc quá và vì cây giang thuộc họ nhà tre nên tôi cứ in trong trí rằng cây giang hẳn cũng thẳng đuột như cây tre. Nào hay nó thuộc loại thân leo. Đoạn thẳng nhất của nó dài không quá ba lóng (chừng trên dưới một thước rưỡi).

Sau khi bò quanh bò quất dưới đất, giang ta tìm được một thân cây lớn tựa vào để từ đó leo lên, rồi cứ thế mà thênh thang đây đó. Có cây giang vắt từ cây rừng này qua cây rừng khác, dài cả trăm thước.

Cây tre văn hóa

Cây tre gắn liền với cuộc sống dân ta từ hàng ngàn năm nay nên đã trở thành một thành tố văn hóa, một nguồn cảm hứng để tư duy, để sáng tạo nghệ thuật. Về mặt này, tôi nghĩ cây nêu ngày Tết là biểu tượng văn hóa đẹp nhất của cây tre Việt Nam .

Cũng như nhiều nước Á Dông khác chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa, Tết Nguyên Đán của Việt Nam cũng bắt nguồn từ phương Bắc nhưng cây nêu làm bằng cây tre cùng với bánh chưng bánh tét đã làm cho Tết trở thành Tết Việt Nam.

Cây tre có mặt trong truyện cổ tìch , trong thi văn, trong hội họa, trong âm nhạc. Trong các loại nhạc khí cổ truyền của Việt Nam tôi chịu nhất là cây sáo trúc và cây đàn bầu. Cả hai giống nhau ở chỗ được chế tạo từ họ nhà tre, rẻ tiền, dễ kiếm , cấu trúc đơn giản nhưng âm thanh lại cực kỳ phong phú.

Cái khèn của dân miền núi, cái đàn t’rưng cũng từ tre mà ra. Cái mõ ở chùa làm bằng gỗ, thường là gỗ mít, nhưng cái mõ của làng lại làm bằng tre. Công phu thì làm bằng gốc tre khoét rỗng ruột. Còn đơn giản thì chỉ việc lấy một lóng tre, lựa thứ già thuộc loại rỗng ruột mà làm.

Chỉ cần tạo ra một cái khe nhỏ trên lóng tre cho âm thanh thoát ra và thêm cái tay cầm là xong. Tiếng mõ vang xa cả làng đều nghe, khòi cần loa hay bộ phận khuyếch âm. Ở làng quê, thường nhà nào cũng có mõ. Khi nghe tiếng mõ đánh nhịp ba, cốc cốc…cốc, một cách gấp rút thì biết ngay là tín hiệu báo động, kêu cứu, không nhà cháy thì cũng là bị ăn cướp.

Làm bạn hàng ngày với tre, sống nhờ tre nên tre đã đi vào ngôn ngữ bình dân qua ca dao tục ngữ một cách tự nhiên như hơi thở. Ông Tây quen nghề máy móc thì xì xồ rằng Hãy rèn sắt khi đang còn nóng, nhưng ông cha ta giản dị hơn, nhìn bụi tre thì biết ngay rằng Măng không uốn, uốn tre sao lại . Ai bảo Đông, Tây chẳng bao giờ gặp nhau?

Năm 1946, người em trai út của tôi chết khi mới một tuổi do sự thiếu thốn thuốc men trên bước đường chạy giặc. Mạ tôi vừa ôm xác em tôi vừa khóc Tưởng măng khóc tre, ai ngờ tre khóc măng. Nghe vậy nhưng mãi tới khi khôn lớn, tôi mới hiểu được cái cảm xúc đau xót của mạ tôi trong câu than khóc giản dị nhưng thấm thía đó.

Cứ nghĩ rằng ở cái xứ Mỹ đầy máy móc cơ khí và điện tử này thì làm chi mà biết cây tre. Ai dè chỉ cách cái thành phố tôi ở chừng một giờ freeway về hướng Bắc lại có một vườn tre rất đẹp và rất phong phú, rộng đến 2 acres với một bộ sưu tập sống gồm 70 chủng loại tre trên thế giới, từ giống nhiệt đới cho tới loài xứ lạnh.

Ấy là khu Vườn Tre ( Bamboo Garden ) của trường Foot Hill College thuộc thành phố Los Altos , Bắc California . Đi dạo trong đó, bạn sẽ không nghĩ rằng mình đang sống trên đất Mỹ.

Cây tre gắn bó với dân ta là thế từ bao đời nay, nhưng có lẽ nó quen thuộc quá đến độ hóa nhàm nên chẳng ai buồn quan tâm làm chi, trong khi Mỹ lại có một hiệp hội có tầm vóc quốc gia, qui tụ những người yêu tre muốn hiểu biết về tre; đó là American Bamboo Society, Hội Tre Hoa Kỳ.


No comments:

Post a Comment