3/21/21

Quảng Châu vì sao được gọi là "Dương Thành"


Quảng Châu 廣州 vốn được xưng là “thành phố hoa viên quốc tế”, nằm gần đường Hồi quy (1), nhiệt độ trung bình hàng năm sai lệch rất ít. Quảng Châu khí hậu bốn mùa khí mát mẻ, trăm hoa đua nở, nhân đó mà có mĩ xưng là “Hoa Thành” 花成, nhưng Quảng Châu còn được mọi người gọi là “Dương Thành” 羊 城, tên gọi này khiến nhiều người bỏ công tìm hiểu, Quảng Châu với kinh tế mậu dịch lẽ nào còn có chăn nuôi dê?



Quảng Châu được gọi là “Dương Thành” đã có hơn 2000 năm lịch sử. Tương truyền vào thế kỉ thứ 9 trước công nguyên, Quảng Châu chỉ là một thành ấp nhỏ của Tây Chu, tên gọi là “Sở Đình” 楚庭. Cuối thời Tây Chu, vùng Quảng Châu liên tiếp bị tai hại, đất đai hoang phế, nông dân không có lấy một hạt gạo. Trời cao nghe thấy tiếng oán than của bách tính đầy đường, liền phái 5 vị tiên nhân cưỡi 5 con dê tiên ngũ sắc, đạp 5 đám mây lành xuống cứu. Tiên nhân làm phép, rảy nước cam lộ xuống nhân gian, mỗi con dê ngậm một bông lúa. Sau khi tiên nhân làm mưa đã đem 5 bông lúa ấy tặng cho nhân gian để mọi người vĩnh viễn không còn đói khát. Sau đó, 5 vị tiên nhân cưỡi mây mà đi, 5 con dê hoá thành đá lưu lại bên sườn núi ở Quảng Châu. Từ đó, Quảng Châu mưa thuận gió hoà, nhân dân cơm no áo ấm, trở thành nơi phì nhiêu sung túc của vùng Lĩnh Nam 岭南. Người dân có cuộc sống an lành, không quên ơn huệ của tiên nhân, họ đã xây dựng “Ngũ Tiên Quán” 五仙观 phụng thờ 5 vị tiên nhân, Quảng Châu cũng từ đó có những tên gọi khác là “Dương Thành” 羊城, “Ngũ Dương Thành” 五羊城, “Tuệ Thành” 穗城. (Thành phố con Dê, TP 5 con Dê, TP Bông lúa)

Kì thực, đằng sau câu chuyện thần thoại này có một lịch sử: vào thời viễn cổ, khoảng 5000 năm trước, vùng Quảng Châu đã có người sinh sống, họ đánh cá làm ruộng. Theo sử sách ghi chép, cuối thời Tây Chu, thiên tai liên miên, chư hầu không ngớt chinh phạt lẫn nhau, dân chúng vô cùng khổ sở. Nhân đó, bách tính của vùng trung nguyên bắt đầu dời đến phía nam, đó là cuộc thiên di lần đầu tiên với quy mô tương đối lớn trong lịch sử Trung Quốc. Vùng đất Quảng Châu lúc bấy giờ nằm ở khu vực tam giác Châu Giang 珠江, phía nam giáp biển, thêm vào đó lượng mưa dồi dào, khí hậu ôn hoà, đương nhiên là sự lựa chọn hàng đầu của bách tính khi dời xuống phía nam. Nhờ vào nguồn lợi gần biển, lại thêm đất đai phì nhiêu, người dân đến đây đã có một cuộc sống no cơm ấm áo. Thời Tần Hán, kinh tế Quảng Châu phồn vinh, theo đó mậu dịch đối ngoại hưng khởi, nó trở thành điểm khởi đầu của con đường tơ lụa trên biển.
Về dê mà tiên nhân đã cưỡi, trong Thuyết Văn Giải Tự 说文解字 nói rằng:
Dương, tường dã
羊, 祥也.
(Dương là tường)
Đến nay vùng Quảng Châu vẫn còn nói câu:
Chủng khương dưỡng dương, bản thiểu lợi trường
種姜養羊, 本少利長
(Trồng gừng nuôi dê, vốn ít lời nhiều)
Những tư liệu liên quan cho thấy, dê là động vật phương bắc, theo người dân dời xuống phương nam, đến phương nam họ bắt đầu nuôi nhốt. Truyền thuyết thần thoại “Ngũ dương hàm tuệ giáng ân trạch” 五羊銜穗降恩澤 (5 con dê ngậm bông lúa ban xuống ơn huệ) tuy mang sắc thái thần thoại, nhưng từ giác độ khác nó thể hiện được nguyện vọng có một cuộc sống tốt đẹp của mọi người, phản chiếu được tình huống lịch sử lúc bấy giờ.

Chú của người dịch
1- Đường Hồi quy: tức Hồi quy tuyến 回歸線. Theo Từ điển Trung Việt của nhà xuất bản Khoa học xã hội, đường Hồi quy cách đường xích đạo của trái đất ở 23 độ 27 phút về phía bắc và 23 độ 27 phút về phía nam.

Người dịch: Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 11/11/2016


Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知識大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
******


Xin bổ túc thêm, khi người ta đề cập Quảng Châu - Dương Thành, thì phải nhắc đến Dương Thành bát cảnh (羊城八景), 8 thắng danh đẹp nhất Quảng Đông.

1.- Núi Bạch Vân (白雲山) Cảnh đẹp nhất của Dương Thành. Bạch Vân Sơn có 30 ngọn núi nhỏ trùng trùng điệp điệp trải dài từ Bắc tới Nam. Bạch Vân Sơn bao gồm các đồi núi, thung lũng. Điểm đặc biệt của núi Bạch Vân là rừng cây bao la, suối chảy róc rách, cây lá xum xuê, non xanh nước biếc, núi đẹp như tranh, mặt hồ lấp lánh. Vào mùa thu, ngọn núi trông như những đám mây trắng tạo nên hình ảnh đẹp như tiên cảnh nên được người dân đặt tên Bạch Vân Sơn.

2.- Dòng Châu Giang (珠江水) Mặc cho sự phát triển hiện đại của thành phố dòng Châu Giang vẫn mang trong mình nét hoài cổ riêng của nó. Châu Giang có lẽ đẹp nhất về đêm, khi màn đêm buông xuống ánh đèn từ những tòa nhà hai bên sông đổ xuống cả dòng sông như ngân hà tỏa sáng, khiến cho ta cảm thấy mình đang sống tại nơi thần tiên vô tri lự.

3.- Liên Hoa Sơn (蓮花山) Là nơi hòa trộn giữa vẻ đẹp thiên nhiên của trời đất và nhân tạo của con người. Liên Hoa Sơn nổi tiếng với những tảng đá đẹp như bông sen (蓮花石) trải dài trên núi.

4.- Công viên Việt Tú (越秀公園) Là nơi yên tĩnh trong cảnh phồn thịnh. Núi Việt Tú đứng sừng sững suốt 2000 năm chứng kiến bao nhiêu sự thay đổi thăng trầm của thành phố Quảng Châu, bởi vậy, công viên gồm có những đài tưởng niệm, công trình thời xưa như lầu Trấn Hải, tượng Ngũ Dương (5 con dê), tường thành nhà Minh, đài tưởng niệm Trung Sơn, khu tưởng niệm Quang Phục.....

5.- Thác nước Thiên Hà (天河瀑布) Trong thành phố Quảng Châu có một thác nước nhân tạo khổng lồ. Thương xá Trung Tín là nơi của du khách mua sắm các kiểu áo thời trang cao cấp. “Thiên Hà Phiêu Quyên”(天河飄絹) – Vải lụa bay giữa đất trời Quảng Châu – chính là cái tên người dân đặt cho cảnh đẹp này.

6.- Từ đường Trần Gia (陳家祠堂) Từ đường Trần Gia là thư viện và nơi tụ tập của các tầng lớp thượng lưu. Tại đây, bạn sẽ đọc được những câu chuyện dân gian, cổ tích thần tiên làm nên tinh hoa văn hóa của Quảng châu Dương Thành.

7.- Công viên Hoàng Hoa Cương (黄花崗公園) Đây là nơi chôn cất thi hài của 72 chiến sĩ cách mạng đã hi sinh trong cuộc nổi dậy tại Quảng Châu do Tôn Trung Sơn lãnh đạo. Khi đến đây bạn sẽ có một cảm giác bồi hồi xúc động trước bia mộ của những người lính dũng cảm dám đứng lên chống lại chế độ thối nát của thời đại Mãn Thanh.

8.- Trung tâm Olympic Quảng Đông (廣東奥林匹克体育中心)  Đây là nơi tổ chức Á vận hội và Thế vận hội Olympic, bao gồm: Trung tâm thể thao Thiên Hà, Trung tâm thể thao Olympic Quảng Đông, Sân vận động Đại Học thành phố và một số địa điểm khác. Ngoài thể thao còn tổ chức đại hội văn hóa du lịch quốc tế, đại hội ẩm thực quốc tế, đại hội hoa mùa xuân…..

Trường

Tham chiếu thuật chuyện của Huỳnh Chương Hưng trong quyển "THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN."

No comments:

Post a Comment