12/8/12

Person of the month

HOÀNG NGỌC NGUYÊN

Thông thường người ta không mất công xác định “Nhân vật trong Tháng” trừ phi một người nào đó đã nổi lên quá hiển nhiên với một câu chuyện không thể không làm cho dư luận xôn xao, bàn tán sôi nổi. Người “anh hùng” của tháng 11 phải chăng là Tổng thống đương nhiệm Barack Obama vừa oanh liệt tái đắc cử? Không! Ông Obama có thể là “Person of the Year”, nhưng cuộc bầu cử vừa qua chẳng có gì ly kỳ khiến ông đáng được lĩnh tước hiệu “Nhân vật trong tháng”.

Hay là Hillary Clinton, bà ngoại trưởng không mỏi mệt của chúng ta, tuy sắp từ nhiệm sau một nhiệm kỳ gay go, nhưng tuần qua đã phải bay đến Tel Aviv để thu xếp cho thỏa hiệp “lắng dịu” (người ta không muốn dùng chữ hưu chiến) giữa Israel và Hamas tại Dãi Gaza? Cũng không! Bà Clinton nay đã quá quen thuộc với chúng ta! Có bao giờ bà chẳng tất bật hiện diện trong đời sống của nước Mỹ, đến mức người ta đang nghĩ tới bốn năm nữa, nước Mỹ lần này sẽ có một nữ tổng thống đầu tiên cho bằng thiên hạ. Hay là ông Tập Cận Bình, người vừa lên ngôi tại Bắc Kinh, vừa là tổng bí thư vừa là chủ tịch Quân Ủy Hội? Không, mặc dù chuyện tranh chấp quyền lực tại Trung Nam Hải đã rất quyết liệt trong năm qua với sự sụp đổ tan tác của ông Bo Xilai, ai lại chẳng thấy con đường đã mở sẵn ra cho ông Tập.

_64109160_petraeus624x581

“Nhân vật trong Tháng” trong ý nghĩ của nhiều người chính là cựu Đại tướng David Petraeus, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), vừa từ chức ngày 9-11 vừa qua sau khi ngưởi ta phát giác ông dính với một nữ sĩ quan trong quân đội đã có gia đình và bà đã từng viết hồi ký có tựa “All In” về cuộc đời binh nghiệp của ông. Đương nhiên, câu chuyện ông có quan hệ với một phụ nữ từng là thuộc cấp của ông là “chuyện chẳng có gì ầm ĩ”, cho dù ông ở vị thế quyền cao, chức trọng tột bậc. Trong xã hội nói chung, và nói riêng trong xã hội thượng lưu, thiếu gì chuyện như thế đã xảy ra, một phần là vì quyền lực dễ làm cho người ta lạm dụng. Đến tổng thống còn mắc phải, mà có phải chỉ một hai ông đâu. Từ ông Dwight Eisenhower đến John Kennedy, Lyndon Johnson và gần đây nhất là Bill Clinton… những chuyên lăng nhăng như thế, đời nào chẳng có, cấp nào lại tránh được. Dù là gì đi nữa, những vị này cũng chỉ là con người mà thôi. Ông Petraeus, năm nay 60, cũng chỉ là con người, cho dù ông là đại tướng bốn sao nhiều công trận, huy chương đeo đầy ngực, từng chỉ huy hai mặt trận quyết liệt số 1 là Iraq và Afghanistan, hay là người đứng đầu một cơ quan CIA dễ làm người ta điên đầu. Vả lại, phải chăng tại anh tại ả, tại cả đôi đường. Đừng nên đổ cho một người, dù đó là người có quyền hành, quyền lực sấm sét ai cũng phải phục tùng. Trong lịch sử nhân loại, biết bao đấng trượng phu đã gục ngã trước gái thuyền quyên? Sở dĩ đại tướng Petraeus được chọn là “Nhân vật trong Tháng” một phần là vì người ta cảm thấy một sự mất mát to lớn mà nhiều người vẫn nghĩ rằng còn lâu mới tìm lại được trước sự ra đi của ông. Một phần khác, “vụ án” này làm cho người ta có cơ hội vén màn nhìn vào một phần cái gọi là “xã hội thượng lưu”, và có người đã phải bịt mũi đóng màn lại vì cái rác rưởi người ta ngửi thấy. Có người đâm lo cho những thế hệ trẻ sau này, nếu chúng bắt chước những người lớn như “trong truyện”. Trong cái thời chúng ta đang sống, dường như không dễ gì kiếm ra được một bậc đại anh hùng cho quần chúng ngưỡng mộ lâu dài. Hoặc có thể là người ta ngày càng khó tính hơn, đa nghi hơn. Hoặc có thể là trong cái thời này, con người anh hùng khó lộ. Trong chính trị cũng như ngoài đời, gian hùng nhiều hơn anh hùng. Cơ hội chủ nghĩa nhiều hơn lòng yêu nước, yêu dân, yêu xã hội. Trong quân đội là môi trường cho những người cầm súng chiến đấu gặp những lúc thử thách đã nêu cao nhiều tấm gương quả cảm, hy sinh vì đồng đội, vì người dân thường vô tội. Nhưng đó là những “con người của khoảnh khắc”. Thế nhưng những người anh hùng gắn bó với sự nghiệp lớn, có những đóng góp tích cực cho đất nước, cho xã hội, xoay chuyển được tình thế… còn có chăng trên đời này? Một người có thể ở trong trí tưởng của chúng ta là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, vào năm 2006 đang là Chủ tịch Đại học A&M Texas được Tổng thống George W. Bush triệu hồi đề cứu khổn phò nguy, và ông đã vực dậy trở lại ngành quốc phòng của Mỹ, góp phần ổn định lại hai chiến trường đẫm máu và tồi tệ ở Iraq và Afghanistan. Tồng thống Obama sau đó vẫn phải mời ông ngồi nán lại cho đến tháng Bảy năm 2011 mới để ông rút lui và trở lại trường đại học. Ông là một nhân vật thượng thặng trong ngành quốc phòng và tình báo, lại nổi bật với tính nhũn nhặn, khiêm tốn! Đúng là hình ảnh của một kẻ sĩ giàu lòng với nước, với dân! Một nhân vật có thể được nhìn đến một cách tương tự chính là Đại tướng David Petraeus! Thậm chí còn có thể vĩ đại hơn nữa vì ông là một người lăn lộn ở chốn trận tiền, từng giờ từng phút đối diện với những đe dọa chết người, vừa phải theo dõi cũng từng giờ từng phút diễn tiến của chiến trận một cách toàn diện và lo an nguy cho hàng trăm ngàn binh sĩ thuộc quyền. Chúng ta chỉ cần nhớ đến sự tuyệt vọng của Tổng thống George W. Bush vào năm 2006 và sự mất tin tưởng của Quốc Hội trước tình hình tăm tối ở Iraq (khi người ta những tưởng cuộc nội chiến đẫm máu giữa hai giáo phái Sunni và Shiite là không thể nào ngăn chận đuợc nữa), và ở Afghanistan (khi lực lượng Mỹ ngày càng cô thế và Taliban tưởng như đã nuốt chửng chính quyền ở Kabul). Petraeus cùng với Gates đã cứu ông Bush, cứu lực lượng viễn chinh của Mỹ, và cứu nước Mỹ tránh được thảm họa. Tướng Petraeus là ngưòi có sách lược chống nổi dậy của các nhóm khủng bố Hồi giáo bằng cách tăng cường hoạt động tình báo và “lấy phá hoại chống phá hoại”, nổi bật là những cuộc oanh kích của những máy bay không người lái. Uy thế của ông đã tăng nhanh vượt bậc. Ông là chỉ huy trưởng Lực lượng Liên quân ở Iraq năm 2006. Từ tháng 11-2008 đến tháng 6-2010, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung ương (coi cả hai chiến trường Iraq và Afghanistan). Từ tháng 7-2010 đến tháng 6-2011, Tư lệnh Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế. Từ tháng 9-2011, giám đốc CIA. Ông cũng đề bạt tướng John Allen của Thủy quân Lục Chiến làm tư lệnh mặt trận Afghanistan vào năm 2008. Năm 2008, ứng cử viên tổng thống John McCain đã tính chuyện mời ông đứng phó cho mình, nhưng vì thấy “kỳ’ (ông McCain chỉ là trung tá), cho nên thôi. Năm 2012, Mitt Romney cũng nghĩ tới Petraeus, nhưng cứ sợ không nắm được người trong quân đội, nên cũng … thôi. Vị đại tướng bách chiến bách thắng này lâm nạn và sụp đổ cả sự nghiệp chỉ vì cái “vô duyên” của người tình Hoạn Thư của mình. Bà Paula Broadwell, 40 tuổi, vợ ông Joseph Broadwell, một chuyên viên quang tuyến ở Charlotte, North Carolina (cặp vợ chồng này đã có hai con), nghi một phụ nữ khác, bà Jill Kelley, 37 tuổi, đang ve vãn “đại tướng” của mình, cho nên đã liên tục gởi hàng loạt điện thư nặc danh, mạt sát, đe dọa, chế diễu bà Kelley. Bà Broadwell chẳng biết đụng vào bà Kelley, bà hết thời! Jill Kelley, sống ở Tampa, Florida, chồng là Scott Kelley, bác sĩ giải phẫu làm việc xa nhà, sống bằng nghề giao tiếp xã hội, lợi dụng chức năng giao tế quần chúng cho Căn cứ Không quân của Mỹ tại tiểu bang này (một việc làm “tự nguyện”, không lương), để mở ra quan hệ với hàng loạt viên chức cao cấp trong quân đội và cả trong ngành FBI, bằng cách mượn tiền ngân hàng (nợ đến cả mấy triệu) tổ chức những cuộc tiếp tân, tiệc tùng có mục đích “từ thiện” và mời các ông lớn đến. Trong số những người nằm trong danh sách email thường xuyên và thân mật của bà có tướng Petraeus, và đặc biệt, có cả tướng Allen. Trong mấy năm qua, người điều tra nói bà đã trao đổi hàng chục ngàn email với tướng Allen. Và bà không phải là phụ nữ duy nhất mà tướng Allen từ chốn rừng núi Afghanistan xa xăm nhớ đến. Nhưng đó là chuyện của Allen. Trở lại bà Kelley, bà còn có một mối quan hệ đặc biệt với Frederick Humphries, một viên chức FBI. Quan hệ đến mức ông này bắt chước cựu dân biểu Anthony Weisner ở New York, gửi cho bà một bức ảnh không có đầu, chỉ có thân mình lực lưỡng của mình để cho “thảng hoặc có nhớ đến anh, em hãy mở ra xem”. Bà Kelley nhớ ngay đến ông, và nhờ ông điều tra. FBI vào cuộc, không những biết được người gởi là bà Broadwell, mà còn tìm được “hòm thư liên lạc” riêng tư giữa bà với đại tướng. Câu chuyện đương nhiên chưa kết thúc ở đây. Người ta đương nhiên có nhiều chuyện bàn tán. Dư luận phàn nàn chuyện FBI thọc vào đời sống riêng tư của người dân. Người ta nói chính trị nước Mỹ quá khắt khe, đến mức đạo đức giả, so với các nước châu Âu. Người ta nghĩ đến chuyện âm mưu tranh giành quyền lực giữa CIA và Bộ Quốc Phòng. Người ta còn nói đến hồn ma của Osama Bin Laden … phục hận. Và người ta lo đến sự an nguy của nước Mỹ một khi không có David Petraeus và sách lược của ông. Nhiều bậc cha mẹ thì thực tế hơn. Họ cứ sợ con cái của mình thời nay đang còn đi học tiểu học hay trung học, chẳng biết gì, cứ bắt chước người lớn gởi những bức ảnh chỉ chụp thân mình cho nhau để làm kỷ niệm, thay vì những bức ảnh có khuôn mặt tươi tắn, rạng rỡ, học sinh của mình. Rốt cuộc trong “lưu bút ngày xanh” của chúng, bạn trai, bạn gái, chẳng thể biết được ai là ai, cứ nhìn thân mình mà đoán….[HNN]

No comments:

Post a Comment