12/12/12

Hảy Yễm Trợ Công Tác Xây Dựng Tượng Đài Việt Mỹ Arlington Bằng Nhiệt Tình của Trái Tim.

Nguyễn Văn Lập

Không có gì cao cả hơn là hy sinh đời mình cho người khác được sống còn, người thường đến khi hấp hối vẫn còn thấy nuối tiếc điều gì về quá khứ, nhưng khi người lính đã nằm xuống thì không có điều gì tiếc nuối tại sao mình không được sống lâu như người khác.

Tổ Quốc- Danh Dự và Trách Nhiệm đã trút trên đầu người lính một bổn phận quá nặng nề, mà không một ai trên đời này có thể chịu đựng được như họ, và khi họ nằm xuống tại mặt trận cũng không hề nuối tiếc như thế. Họ chỉ ân hận có một điều là con đường Bảo Quốc An Dân của họ quá ngắn mà thôi. Cuộc đời người lính là tận hiến mà không đòi ai trả ơn. Nguy hiểm từng giờ từng phút nơi chiến trường và chưa kể những bất công mà thượng cấp đã giáng xuống cho họ như lời Thống Tướng Mac Athur đã nói về những người lính của ông, và tại sao họ vẫn thi hành bổn phận mà không một lời phản kháng như vậy? Vì họ là lính.

Một khi đã vào quân đội, người lính không có một lựa chọn nào khác ngoài sự hy sinh vì tổ quốc, vì quê hương, vì đồng bào họ. Kỷ luật quân đội là chiếc vòng kim cô xiết trên đầu người lính để họ thi hành nhiệm vụ gần như tự nguyện, vì họ là lính. Mổi lần đi hành quân giống như là mổi lần họ đeo chiếc tử bài trước ngực, và việc sống chết chỉ trong gang tấc, gần kề tử sinh. Sự khác biệt của đời lính và đời thường yên ổn tại hậu phương của người dân là ở chổ đó. Nhưng người lính có một điểm giống như chúng ta là họ cũng có một gia đình, có cha mẹ vợ con để mà thương tiếc khi họ nằm xuống trước sự vô tình của những người khác.

Bức tượng THƯƠNG TIẾC đặt trước Nghỉa Trang Quân Đội Biên Hòa đã bị giặc cộng kéo xuống, nhằm mục đích xóa bỏ hình ảnh người lính còn sống ngồi canh giữ giấc nghìn thu cho đồng đội đời đời an nghỉ, để lại bao thương tiếc cho đời sau. Những hình ảnh này và Lòng Thương Tiếc Vô Hạn vẫn còn tồn tại đến muôn đời trong lòng quân dân ta, và theo người Việt quốc gia lưu vong cùng trời cuối đất. Hể nơi nào có cộng đồng Việt Nam sinh sống, thì trước sau gì cũng có những bức tượng Thương Tiếc bằng hình thức này, hay hình thức khác được dựng nên, để tưởng nhớ đến sự hy sinh cao cả của người lính quân đội hai quốc gia Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ đã nằm xuống vì tự do cho miền nam Việt Nam.

Nhiều năm trước đây, chúng tôi đã được vinh hạnh tường trình quá trình xây dựng tượng đài Việt Mỹ năm 2003 tại thành phố Westminster, California. Tượng đài này do ông Frank Fry, Thị Trưởng Westminster khởi xướng với cựu Trung Tá Craig Mandeville làm cố vấn, và điêu khắc gia người Việt Nam, Nguyễn Tuấn đúc tượng. Còn tượng đài Việt Mỹ tại thành phố Arlington, Texas do Liên Hội Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa Dallas/Fort Worth chủ xướng, với bốn vị Tướng lãnh Việt- Mỹ , bốn vị dân biểu Việt- Mỹ, cùng một số người Mỹ nằm trong Ban cố vấn hỗ trợ, tổng cộng là 18 vị. Có điều rất ngoạn mục là một người trẻ thuộc thế hệ thứ hai, Bác sĩ Đàng Thiện Hưng,con của một người lính Việt Nam Cộng Hòa, đã lãnh nhận trách nhiệm làm Trưởng ban xây dựng tượng đài, và điêu khắc gia người Mỹ, ông Mark Austin Byrd, cũng là một cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Việt Nam phụ trách việc đúc tượng.

Điêu khắc gia Mark Austin Byrd, cựu Trung Úy phi công trực thăng Hải Quân Hoa Kỳ thuộc phi đội cấp cứu, ngoài các phi vụ tại miền trung, ông cũng đã từng 10 lần bay qua Lào cứu được nhiều toán trinh sát Mỹ. Sau khi về nước, giải ngũ rồi học ngành điêu khắc và ra trường, ông đã từng đắp nhiều tượng về danh nhân quân đội Hoa Kỳ. Cựu Trung Tướng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, Richard Carey đã giới thiệu vị điêu khắc gia này, và ông đã lập tức nhận lời đúc tượng như một mệnh lệnh của trái tim.

Nhân dịp cùng Ban xây dựng tượng đài và báo chí tại Dallas/For Worth đến văn phòng cũng là nhà riêng của ông Byrd và phu nhân Jenelle Amstrong Byrd cũng là một điêu khắc gia tại Dallas, để xem lần cuối mô hình bức tượng, khi tiếp xúc với ông, chúng tôi nói “Cộng đồng người Việt tỵ nạn luôn biết ơn quân đội Hoa Kỳ đã hy sinh vì tự do cho dân tộc Việt Nam, việc đúc bức tượng này cũng mang một ý nghỉa như thế”, thì ông đã vội vàng cản lại không cho nói tiếp, rồi tiếp lời “Tôi là một người lính tình nguyện qua chiến đấu tại Việt Nam, để giúp các bạn bảo vệ quốc gia, đây cũng là nhiệm vụ của chúng tôi, việc đúc tượng đài này thật ra cũng là một bổn phận”. Việc trả lời đơn giản này gợi nhớ lại hình ảnh hai quân đội đã một thời đứng cùng một chiến tuyến tự do ngăn làn sóng đỏ, nay sẽ sống lại bằng hình ảnh tượng đài Việt Mỹ này.

Bức tượng sẽ đúc bằng đồng, cao khoảng 8 feet, tức cao gấp rưởi người thường đứng trên một cái đế cao. Người lính Việt Nam ngồi hai tay nâng lá quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, đôi mắt buồn bả và thảng thốt nhìn vào biểu tượng thiêng liêng này, như không thể tin mình có thể bị bức tử, để rồi đem theo biểu tượng thiêng liêng này lưu vong ra hải ngoại. Còn người lính Hoa Kỳ thì đứng, tay phải vịn vào vai phải người lính Việt Nam như an ủi, và đẩy về phía trước trong tư thế đoàn kết, đứng lên để tiếp tục chiến đấu. Thực tế, người lính Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn chiến đấu vì họ chưa giải ngũ, tuy không còn cầm súng, họ vẫn tiếp tục chiến đấu trên một bình diện khác, để tranh đấu đòi tự do dân chủ cho quê hương.

Mẩu tượng hiện đắp bằng đất sét, cao cở bốn tấc, nhưng nét mặt đau khổ của người lính Việt Nam rất thần, nhìn qua thật là sống động đến rợn người. Cái hay của nghệ thuật điêu khắc này là thế. Ở vào vị trí một điêu khắc gia khác thì khó có thể xuất thần được như vậy. Nhưng người điêu khắc gia này là một cựu quân nhân Hoa Kỳ đã từng chiến đấu tại Việt Nam, đã từng vực xác đồng đội của ông lên phi cơ, chắc hẳn nổi đau này không khác nổi đau của những người Việt lưu vong đang đứng trước mô hình này, mà rớt từng giọt nước mắt trong lòng. Một quân đội anh hùng bên kia bờ đại dương đã anh dũng chống trả cả một khối cộng sản quốc tế khát máu, và định mệnh oan nghiệp không cho họ đi hết đoạn đường khổ nạn của dân tộc, để rồi cuối cùng bị bức tử, và lưu lại một thiên anh hùng ca bất tử cho các thế hệ nối tiếp. Kính mong hồn thiêng anh hùng tử sĩ quân đội hai quốc gia sống khôn thác thiên, hảy về trên bức tượng thương tiếc này, và độ trì cho công cuộc xây dựng tượng đài thành công tốt đẹp.

Hình ảnh người lính Hoa Kỳ, điêu khắc gia Mark Austin Byrd trịnh trọng nâng lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ cho chúng tôi chụp tấm ảnh lưu niệm bên mô hình tượng đài là cả một niềm ray rức. Một người lính viễn chinh xa lạ mà còn tưởng nhớ đến Việt Nam Cộng Hòa như thế, hỏi tại hải ngoại này có bao nhiêu người Việt tỵ nạn đã quên đi tổ quốc, bao nhiêu người nhờ sự hy sinh cao cả của người lính ngoài mặt trận trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, được đi du học ra hải ngoại, thành tài rồi quên đi sự cống hiến xương máu của người lính đã giúp cho họ có điều kiện nở mày nở mặt như ngày hôm nay. Người lính Việt- Mỹ hy sinh vì tự do cho đồng bào ta, họ không đòi chúng ta trả ơn, nhưng món nợ xương máu này làm sao mà báo đáp đây, việc xây dựng tương đài làm nơi thờ phượng để anh hồn tử sĩ có nơi nương tựa là bổn phận của người Việt quốc gia, nói lên truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc ta.

Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng tượng đài sẽ được tổ chức vào ngày 07 tháng 7 năm 2012 tại công viên Veterans Park, trên đường Arkansas, thành phố Arlington, Texas. Sau khi hoàn thành, địa điểm này sẽ là nơi thờ phượng, hành hương, và tổ chức các ngày lễ lớn hàng năm của cộng đồng Việt Nam trong vùng bắc Texas. Công cuộc xây dựng tượng đài cần sự đóng góp từ nhiều giới trong cộng đồng Việt-Mỹ, rất mong quý đồng hương và các cơ sở thương mại, siêu thị, địa ốc, văn phòng bác sĩ, luật sư… giúp một bàn tay cho công tác xây dựng tượng đài sớm được hoàn thành. Sự kiện nhiều vị Tướng lãnh, dân biểu, và nhân sĩ Hoa Kỳ tích cực tham gia vào ban cố vấn xây dựng tượng đài, và thành phố Arlington đã vote xây dựng tượng đài này trong một công viên cựu chiến binh rất đẹp đẽ và bề thế này, sẽ biến nơi đây thành một quần thể kiến trúc biểu tượng lịch sử trong tinh thần đoàn kết của hai quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa, cũng như biểu tượng cho lòng biết ơn của những thế hệ người Việt tỵ nạn đối với sự hy sinh cao cả của hai quân đội Việt- Mỹ. Người Mỹ rất quan tâm công tác xây dựng tượng đài này, và một thành phố lân cận cũng đã từng mong muốn được xây dựng tượng đài này, nhưng ban tổ chức đã chọn Arlington làm địa điểm xây dựng. Xin cộng đồng Việt Nam trên toàn thế giới hảy tiếp tay đóng góp chút ít ngân quỹ cho công cuộc xây dựng sớm hoàn tất, và xin vui lòng phổ biến tin tức này đi khắp nơi. Xin đa tạ.

Check đóng góp yễm trợ xin ghi pay for : The Hereos of South Vietnam Memorial Foundation và gửi về địa chỉ: 3020 Matlock Road #200. Arlington, TX 76015.

Muốn biết thêm chi tiết và đóng góp bằng thẻ tín dụng xin vào trang nhà Tượng đài Arlington: www.hsvnmf.org

Quần thể kiến trúc của Veterans Park Arlington, Texas

Mô hình tượng đài Việt- Mỹ mặc dù mới đắp bằng đất sét nhưng nhìn rất có thần


Bác sĩ Đàng Thiện Hưng, Trưởng ban xây dựng tượng đài đang tường trình công tác, và Chủ tịch Liên Hội Chiến Sĩ VNCH Dallas/Fort Worth,
Mũ Đỏ Bùi Quang Thống đứng bên phải

No comments:

Post a Comment