12/16/12

Canh Tân Đảng Cổ Đại

HOÀNG NGỌC NGUYÊN

Một tháng sau cuộc bầu cử tổng thống, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng Hòa (RNC) thông báo mở cuộc “điều tra” để tìm hiểu những sai lầm đã phạm phải trong tranh cử và “xác định xem đảng Cộng Hòa phải làm gì để đáp ứng những thay đổi trong thành phần dân chúng trong quốc gia và có những chiến lược chính trị hiệu quả hơn”.

Theo tin từ tờ Washington Post, chủ tịch của đảng Reince Priebus đã yêu cầu một nhóm năm người lãnh đạo trong đảng, được gọi là Nhóm Đề án Phát triền và Cơ hội (Growth and Opportunity project), nghiên cứu để xem làm thế nào đảng Cộng Hòa có thể “đối thoại với cử tri, thu hút được sự đóng góp cho quỹ vận động từ quần chúng và học hỏi những chiến thuật của đảng Dân Chủ”. Cảm nhận rõ ràng của người Cộng Hòa sau cuộc bầu cử này là Đảng Cổ Đại (Grand Old Party – GOP) đã không đến được với nhiều thành phần cử tri cho nên thua là phải. Những thành phần bị “bỏ sót” là những người gốc Hispanic, người da đen, người gốc châu Á, cử tri phụ nữ, cử tri dưới 45 tuổi, cử tri sống ở khu vưc đô thị lớn và trung bình…

Trong hai tuần đầu tiên sau khi có kết quả bầu cử, một số người có lý do chính đáng để qui trách cho ứng cử viên Mitt Romney về sự thất bại của chính ông trong việc không giành được Nhà Trắng cho đảng Cộng Hòa. Dù sao, trước hết, đây là sự thất bại của ông Romney, trước khi nói đến sự thất bại của đảng Cộng Hòa. Nhưng sự thất bại của một cá nhân không quan trọng bằng sự thất bại của cả một tập thể hùng mạnh như đảng Cổ Đại. Và nếu người ta có thể tránh né câu hỏi tại sao đảng cộng Hòa lại đề cử ông Romney trong khi ông chẳng phải là một nhân vật mạnh nhất trong đảng, thì những chủ trương chính trị, kinh tế, xã hội của ông đã được đưa lên bàn mổ bởi vì ít nhiều đó cũng là những chủ trương được xem là của đảng. Kết luận của nhiều người Cộng Hòa là một số chủ trương của đảng này đã làm ngơ trước lợi ích của quần chúng - đặc biệt là những thành phần có lợi tức thấp cũng như những thành phần “thiểu số” hay đặc thù trong xã hội. Chính sự nhìn nhận này giải thích những nỗ lực “đổi mới”, “chuyển hướng” của đảng Cộng Hòa trong cuộc “chiến tranh bờ vực” hiện nay.

Từ giữa tháng 11, các thống đốc của Cộng Hòa đã có hội nghị thường niên để nhận định thời cuộc và xác định đường hướng lãnh đạo. Trong trách nhiệm cụ thế phải lo đời sống của người dân, một số người nói lên sự không đồng tình với ông Romney (khi ông quay lưng với 47% số cử tri thuộc tầng lớp dưới mà ông cho rằng dứt khoát không bỏ phiếu cho ông) và cả với một số đường lối của đảng. Thống đốc của tiểu bang Louisiana, ông Bobby Jindal, được bầu làm chủ tịch trong hai năm. Ông đã có một phát biểu được truyền tụng rộng rãi. Những điều ông nói đặc biệt thú vị, vì thường người ta chỉ nghe được thốt ra từ những người bên ngoài chỉ trích đảng: đừng bỏ quên lá phiếu của bất cứ thành phần nào – 47% hay 53%; đừng theo đuổi chủ nghĩa lý lịch; đừng cho người dân ý nghĩ đảng Cộng Hòa ngu xuẩn, điên rồ (stop being the stupid party); đừng miệt thị tri thức của cử tri; đừng nhắm vào chính phủ, hãy nhắm vào người dân…
Chưa có một ứng cử viên nào thất bại trong bầu cử sớm trở thành quá khứ như ông Mitt Romney. Và cũng chưa có cuộc bầu cử thất bại nào khiến cho đảng Cộng Hòa rắp tâm tìm kiếm sự thay đổi như lần này. Các nhân vật nổi tiếng nhất trong đảng Cộng Hoà đã lên tiếng. Thống đốc Chris Christie của New Jersey gần đây đã công khai bày tỏ sự cảm kích với những nỗ lực của Tổng thống Obama trong việc cứu trợ nạn nhân trận bão Sandy. Thượng nghị sĩ Marco Rubio của Florida cùng dân biểu Paul Ryan (chính là ứng cử viên phó tổng thống của ông Romney) đã lên tiếng tại một hội nghị, nhấn mạnh đảng Cộng Hòa cần đổi mới đế thay đổi nhãn hiệu (rebranding) đối với quần chúng.

Ngay cả những phần tử bảo thủ trong đảng cũng nghĩ rằng phải có thay đổi – ít nhất cũng ở cách ăn nói, hình thức bên ngoài để có thể đến gần hơn với cử tri. Một tổ chức của người bảo thủ có tên là Hội đồng Chính sách Quốc gia (Council of National Policy) được nhóm chỉ một tuần sau ngày bầu cử tại Washington để thảo luận về kết quả cuộc bầu cử và hoạch định tương lai cho những nhóm khuynh hữu. Hội nghị này đặc biệt xét sự thất bại của đảng Cộng Hòa đối với cử tri Hispanic. Người ta đi đến kết luận phải có những khảo hướng mới đối với những vấn đề thuế, di dân, gia đình, giáo dục… “để cho thấy từ tâm của đảng Cộng Hòa”, cho dù những nguyên tắc bảo thủ hay chính thống không thể thay đổi. Trong số báo ngày 8-12, tạp chí The Economist có một bài nhận định với tựa “Republicans learn to love the poor” - Những người Cộng Hòa đang học để biết thương người nghèo. Có phải thế chăng?

Câu chuyện hai ông Tổng thống Obama và Chủ tịch Hạ Viện John Boehner “hợp tác” tìm kiếm giải pháp cho “bờ vực ngân sách” hiện nay vừa là một thí dụ vừa là một thử thách cho nỗ lực đổi mới “con tim” của đảng Cộng Hòa. Trong những năm trước đây (2010, 2011), hai bên mặc cả sòng phẳng, thế mạnh đương nhiên ở phía những người Cộng Hòa chiếm đa số tại Hạ Viện: nếu ông Obama muốn Hạ Viện thông qua những đề nghị của ông về giảm thuế tiền lương, tiếp tục trợ cấp cho người thất nghiệp dài hạn thì ông phải chịu gia hạn những biện pháp giảm thuế suất phiêu lưu một cách độc đáo mà Tổng thống George W. Bush đã ban hành vào hai năm 2001 và 2003. Phía Cộng Hòa vẫn có chủ trương không tăng thuế, nhất là không tăng thuế đánh vào nhà giàu, và đã giảm thuế thì rán chịu, không được tăng trở lại! Ai cũng vướng vào lời thề với nhà chính trị hoạt đầu Grover Norquist, chủ tịch tổ chức Người Mỹ Ủng hộ Cải cách Thuế khóa (Americans for Tax Reform), buộc mọi ứng cử viên hay nhà dân cử Cộng Hòa muốn được tổ chức này ủng hộ thì họ phải ký trên giấy trắng mực đen một cam kết sẽ không biểu quyết ủng hộ tăng thuế. Ông Obama vẫn có chủ trương phải tăng thuế cho người giàu, giữ nguyên mức thuế cho người có lợi tức thấp vì đó vừa là một biện pháp giảm bất bình đẳng trong xã hội, vừa cần thiết để giảm thiếu hụt ngân sách. Nhưng bao nhiêu lần trước đây, ông chẳng làm gì được trong tình thế bất lợi.

Nay thì ông nói rõ: điều kiện tiên quyết của ông là hủy bỏ chuyện giảm thuế cho 2% người giàu của ông Bush! Nhưng tiếp tục gia hạn chuyện giảm thuế cho 98% lớp dưới! Trước khi nói chuyện cắt giảm chi tiêu nơi các chương trình y tế, xã hội… Và nay thì phía Cộng Hòa đang lúng túng! Họ lúng túng vì ưu thế đang ở phía Tổng thống Obama vừa tái đắc cử, xác nhận sự ủng hộ của người dân với quan điểm “Người giàu cũng phải khóc”. Các thăm dò gần đây đều cho thấy người dân muốn có thỏa hiệp, trên căn bản người giàu phải đóng góp thêm nữa!

Có ba khuynh hướng nổi bật:

-Ý kiến của đa số người Cộng Hòa là tăng thu, tức chỉ tìm cách loại bỏ, giảm thiểu những khoản đặc miễn thuế (tax breaks) mà giới có lợi tức cao vẫn quen khai thác từ lâu nay (để trốn thuế), nhưng không tăng thuế suất hiện nay, hay nói đúng hơn, không trở lại mức thuế cũ (39.6%) từ thời ông Bill Clinton từ mức hiện nay (35%) của ông bush. Đề nghị này nhằm xoa dịu cả hai phía: ông Obama (tăng thu) và những người Cộng Hòa bị ám ảnh bởi lời thề “no tax increase” (không tăng thuế).

-Một số nhà dân cử “tiến bộ” của Cộng Hòa đã thẳng thừng bác bỏ lời thề “không tăng thuế” và nói họ sẵn sàng tăng thuế suất để cho ông Obama phải cho biết về phần ông, ông sẽ làm gì trước yêu cầu cắt hằng trăm tỷ chi tiêu cho Medicare, An sinh Xã hội, các chương trình y tế khác… trong mười năm tới. Thượng nghị sĩ Saxby Chambliss nói: “Tôi quan tâm đến đất nước nhiều hơn là một lời hứa đã 20 năm rồi. Nếu chúng ta làm theo cách của ông Norquist, chúng ta sẽ tiếp tục mang nợ”. Thượng nghị sĩ Tom Coburn nói rõ: “Tăng thuế suất cho người giàu là cách hay nhất để đi tới!”

-Thượng nghị sĩ Jim DeMint là nhân vật tiêu biểu nhất vừa cho những người vướng vào lời thề vừa cho Tea Party. Sau khi ông Boehner đưa ra đề nghị tăng thu 800 tỷ trong 10 năm, DeMint (tương đương với bà Michele Bachmann ở Hạ Viện) nói ngay: Tăng thuế là giết chết công ăn viêc làm. Phát biểu này chẳng được mấy ai hưởng ứng. Quyết định đột ngột của ông DeMint tuần qua rút khỏi Thượng Viện để nhận chức chủ tịch của Heritage Foundation, một định chế nghiên cứu chiến lược của những người Cộng Hòa bảo thủ, là một điều bất ngờ và chẳng mấy ai tin ở lý do ông đưa ra: tăng cường công tác xây dựng ý thức hệ cho cánh bảo thủ và Tea Party trong đảng Cộng Hòa.

Đổi mới là nhu cầu thường trực để tồn tại và phát triển cho con người, cho tổ chức, cho xã hội, cho đất nước… Đổi mới một đảng chính trị đúng là chuyện thử thách bậc nhất, vì một đảng chính trị thông thường là sự tập hợp của những người chung chí hướng và tương đồng về mặt chủng tộc, kinh tế, xã hội, trong khi chính trị đòi hỏi sự chấp nhận khác biệt.
Bởi thế, thời gian hai ba tuần tới có thể sẽ cho chúng ta thấy đảng Cộng Hòa vất vả như thế nào trước sự thách đố của canh tân.[HNN]

No comments:

Post a Comment