Trần Đình Tuấn
Nạn cuồng sát, giết người bừa bãi, hàng loạt, xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là Mỹ:
Ở thủ đô Oslo, Na Uy, ngày 22/7/2011, Anders Behring Breivik, 32 tuổi, cho nổ một quả bom tự tạo ở bên ngoài dinh Thủ tướng và hai giờ sau, đến đảo Utoya nổ sung vào đám đông thiếu niên đang tham dự trại hè do đảng Lao động tổ chức. Tổng cộng có 77 người chết và 242 người bị thương. Lý do Breivik ghi trong bản cương lĩnh dài 1,500 trang phổ biến trên internet trước vụ cuồng sát: Breivik chống chính sách nhập cư cấp tiến làm cho dân số theo đạo Hồi gia tăng khắp châu Âu. Breivik biến phiên toà xử anh ta thành một diễn đàn chính trị đầy kịch tính để phổ biến cương lĩnh chống Hồi giáo. Toà án Na Uy đã phạt anh ta 21 năm tù, tuy vậy có nhiều khả năng anh ta ở tù chung thân vì điều kiện để được ra tù là anh ta không còn bị coi là nguy hiểm cho xã hội.
Ở đại học Virginia Polytechnic Institute, ngày 16/4/2007, Seung-Hui Cho, 23 tuổi, người Mỹ gốc Hàn (nhập cư vào Mỹ với cha mẹ từ năm 8 tuổi) đã bắn chết hai người trong ký túc xá, sau đó vào trường, khoá ba cổng vào trước khi nổ súng giết chết năm giáo sư và 28 sinh viên kể cả anh ta.
Ở Killeen Texas, ngày 16/10/91, George Hennard, 35 tuổi, một thuyền viên thất nghiệp, đã lái xe pickup đâm thẳng vào cửa sổ quán an Luby, bắn chết 23 thực khách, làm bị thương 20 người trước khi tự sát.
Ở San Ysidro, California, ngày 18/7/84, James Oliver Huberty, 41 tuổi, nhân viên an ninh thất nghiệp, bước vào một tiệm McDonald gần biên giới Mễ, bắn chết 21 người kể cả một em bé 8 tháng và một cụ già 74 tuổi trước khi bị cảnh sát bắn chết.
Ở Port Arthur, trên đảo Tasmania, Úc châu, ngày 28/4/96, Martin Bryant, 29 tuổi, đến quán trọ Seascape bắn chết vợ chồng chủ quán là hai người đã mua tranh quán trọ này khiến cho ha của Bryant bị trầm cảm và tự tử chết. Bryant sau đó vào quán Broad Arrow Café ăn trước khi nổ súng bắn chết 20 người. Tiếp tục nổ súng bừa bãi vào xe tourbus, tiệm bán đồ kỷ niệm… tổng cộng Bryant giết chết 35 người. Toà Tasmannia tuyên án anh ta 35 lần chung thân cộng thêm 1,035 năm tù không được giảm án vì lý do hạnh kiểm (parole).
Ở trung học Columbine, bang Colorado, ngày 20/4/99, hai học sinh lớp 12 Eric Harris và Dylan Klebold tự sát sau khi bắn chết 12 học sinh, một thày giáo, và làm bị thương 21 người khác.
Sau mỗi lần cuồng sát diễn ra, người ta sôi nổi tìm kiếm nguyên nhân và thảo luận các biện pháp phòng ngừa. Thời gian trôi qua, cảm xúc nguội dần, rồi đâu lại vào đấy. Cuộc thảm sát ngày 14/12 vừa qua ở trường tiểu học Sandy Hook, Connecticut, cướp đi mạng sống của 20 trẻ em và 8 người lớn đang làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi cùng nội dung. Qua ảnh hưởng mạnh mẽ của Hội Bảo vệ Quyền vũ trang (NRA, National Rifles Association), người ta nói nhiều đến vấn đề chăm sóc và theo dõi người bệnh tâm thần (đây là một đòn hoả mù vì sự thực đại đa số bệnh nhân tâm thần không bạo động, họ thường là nạn nhân chứ không là kẻ bạo hành và khi bạo hành họ có khuynh hướng tự hại hơn là hại người khác), đến vai trò quảng bá bạo động của giới truyền thông cũng như của kỹ nghệ trò chơi game điện tử, đến nạn bắt nạt trong các trường học... Chính phủ Mỹ đang vận động tái lập luật cấm bán súng tự động (đã hết hiệu lực) và các loại băng đạn lớn. Hội NRA, tất nhiên, đề nghị giải pháp đổ thêm súng đạn vào xã hội bằng cách cử nhân viên an ninh đến tất cả các trường học trên đất Mỹ…
Cũng như những lần tranh luận trước trong quá khứ, cuộc tranh luận lần này đang diễn ra trên đất Mỹ có lẽ cũng sẽ không mang lại một giải pháp đủ lớn và mạnh để thực sự góp phần ngăn chặn những bi kịch loại này trong tương lai, lý do vì không ai có đủ quyền lực và uy tín để động chạm vào hai lực áp đảo là nền tảng của vấn nạn này:
11) Kỹ nghệ vũ khí Mỹ: kỹ nghệ này, xuất khẩu vũ khí nhiều nhất trên thế giới, là một trong những thế lực mạnh nhất chi phối chính trị Mỹ. Mục tiêu lớn nhất của kỹ nghệ là bán được càng nhiều súng đạn càng tốt, và muốn bán được nhiều súng đạn thì phải bảo vệ tu chính án số 2 của Hiến pháp. Tu chính án này được chấp thuận vào ngày 15/12/1791, công nhận quyền tự do vũ trang của công dân Mỹ vào thời dân cư Mỹ còn thưa thớt, chính quyền Mỹ còn phôi thai, trộm cướp, thú dữ còn lan tràn, và chiến tranh với các bộ lạc da đỏ còn tiếp diễn. Trong hơn hai trăm năm qua, mặc dù chính quyền đã được củng cố mạnh mẽ, trộm cướp và thú dữ không còn tràn lan, và người da đỏ đã bị tiêu diệt gần hết, chỉ còn sống ngoi ngóp lệ thuộc vào trợ cấp của chính quyền trong các khu tự trị hẻo lánh, người Mỹ đã bị kỹ nghệ vũ khí tẩy não để gắn liền quyền tự do vũ trang vào những quyền tự do cơ bản và chính đáng của chế độ dân chủ.
22) Văn hoá cá nhân chủ nghĩa: đây là ưu điểm giúp cho văn minh phương Tây phát triển mạnh mẽ trong mấy trăm năm qua. Con người sống trọn vẹn cho bản thân, suy nghĩ, học tập, phấn đấu, làm việc, giải trí… trước hết vì bản thân và cho bản thân. Các mối quan hệ khác, thí dụ với gia đình, với xã hội… khác đều là phụ thuộc. Trong nền văn hoá này cuộc sống ngắn ngủi và con người phải được tôn trọng, phải trẻ trung, mạnh khoẻ, thành công, yêu đời, hạnh phúc… Nếu vì lý do nào đó cá nhân không có được những điều kiện trên, nó dễ trở nên căm thù xã hội, căm thù cuộc sống đã không cung cấp cho nó điều nó cho là đương nhiên nó phải được hưởng. Văn hoá phương đông ít rủi ro này hơn. Trong văn hoá Khổng Mạnh, và văn hoá làng xã của Việt Nam, cá nhân là một thành phần nhỏ bé của gia đình, đại gia đình, và cộng đồng, xã hội. Những định chế này có thứ tự trên dưới và cá nhân đi từ cấp thấp nhất (khi mới ra đời) lên cấp cao hơn khi về già, tức là được rèn luyện từ nhỏ để sống hài hoà trong những khuôn khổ kỷ cương. Trong khuôn khổ đó cá nhân, nhất là những cá nhân khi còn trẻ, còn nhiều năng lực, không có nhiều quyền lực, tự do của cá nhân bị hạn chế chặt chẽ bởi những nghĩa vụ liên quan đến gia đình, cộng đồng, xã hội. Tôn giáo phương đông cũng góp phần tạo ra sự bình an trong xã hội, bảo vệ tôn ti trật tự hiện hành bằng cách tạo ra niềm tin vào nghiệp lực, vào kiếp sau. Đây cũng đồng thời là nhược điểm của văn hoá phương đông, giúp kéo dài các chế độ chính trị hủ nát, đồng thời cũng là một trong những khác biệt giữa tôn giáo phương đông và phương tây. Thiên chúa giáo và Hồi giáo, cùng bắt nguồn từ Do thái giáo, không khuyến khích điều lành một cách thụ động mà khuyến khích mắt đổi mắt, răng đổi răng. Thiên chúa nhân từ thương yêu tất cả nhân loại, nhưng Ngài sẵn sàng phun lửa trời giết sạch người lẫn vật hai thành Sodom và Gomorrah vì lối sống sa đọa của họ, và dâng nước đại hồng thuỷ nhận chìm cả nhân loại (trừ ông gia đình ông Noah và một cặp loài vật mỗi giống để sinh sôi nảy nở ra muôn loài hiện nay).
Tóm lại, bởi vì không có cách nào nước Mỹ động chạm được đến hai lực kể trên: cá nhân chủ nghĩa và tự do vũ trang, các biện pháp hạn chế vũ khí trong quá khứ cũng như tương lai đã và sẽ chỉ là những giải pháp đằng ngọn, không thể nào ngăn chặn một cách đáng kể những vụ cuồng sát sẽ diễn ra.
Trần Đình Tuấn
Mekong Community Center
No comments:
Post a Comment