12/13/12

Trung Quốc và bài học Myanmar (Kỳ 1)

11:12 | 07/12/2012

(Petrotimes) - Nhìn lại trường hợp Myanmar để có thêm một minh chứng về cái giá phải trả không chỉ bởi sự ngạo mạn mà còn là sự thất thố trong chính sách đối ngoại của một nước tự xưng là “đại cường”…

Kỳ 1: Mỹ đã "đi đêm" với Myanmar từ lúc nào?

Ai đã mở cửa để đưa Tổng thống Mỹ Barack Obama vào Myanmar trong chuyến công du lịch sử ngày 19/11/2012? Tổng thống Thein Sein hay nhà hoạt động chính trị Aung San Suu Kyi? Không phải! Người đã đánh rơi quân cờ chiến lược Myanmar trong tay chính là Bắc Kinh! Một bài học nóng hổi về sự thất bại xây dựng đồng minh còn đó sờ sờ, lại còn khiến khu vực thêm bất bình với cái hộ chiếu in hình đường lưỡi bò! Nhìn lại trường hợp Myanmar để có thêm một minh chứng về cái giá phải trả không chỉ bởi sự ngạo mạn mà còn là sự thất thố trong chính sách đối ngoại của một nước tự xưng là “đại cường”…

Một bất ngờ

Bức ảnh Ngoại trưởng Hillary Clinton bắt tay nhà hoạt động chính trị Aung San Suu Kyi trong chuyến thăm Myanmar lần đầu tiên sau hơn 50 năm của một ngoại trưởng Hoa Kỳ vào tháng 12/2011 đã được treo đầy trong các tiệm cà phê và nhiều nhà riêng của người dân Myanmar. Chuyến viếng thăm của Tổng thống Barack Obama ngày 19/11/2012 cũng được náo nức đón chào tương tự. Dư vị của chuyến công du này, lần đầu tiên đối với một tổng thống Mỹ đương chức, nay vẫn còn thấy rõ ở những hình ảnh ông Obama trên tranh tường khắp đường phố thủ đô Naypyidaw...

Khoan hỏi vì sao người dân Myanmar lại nhiệt tình với Mỹ đến vậy. Hãy hỏi rằng, tại sao Trung Quốc đánh mất Myanmar, nơi từng được Bắc Kinh quan hệ hữu hảo hàng chục năm. Thấy được điều này có thể hiểu được rằng, sự thay đổi đường lối đối ngoại của Myanmar không hẳn là một điều bất ngờ đối với Bắc Kinh mà nó phải đến từ sự cân nhắc thận trọng trong một thời gian dài. Nó cho thấy, tiền chẳng phải bao giờ cũng mua được bất cứ thứ gì, đặc biệt là chủ quyền dân tộc! Nó cho thấy rằng, cái gì cũng nên vừa phải, đừng nên ép quá hoặc đẩy người ta đến chỗ phải phản kháng quyết liệt.

Sự tái lập bang giao Myanmar - Mỹ được thể hiện với chuyến công du của Hillary Clinton vào tháng 12/2011

Một phản ứng đối kháng trước đó đã bắt đầu âm ỉ. Nó chờ một chất xúc tác là sự kiện John Yettaw. Tháng 5/2008, công dân Mỹ John Yettaw (cựu binh chiến tranh Việt Nam) cùng con trai thực hiện chuyến du lịch châu Á. Vốn quan tâm đến Aung San Suu Kyi, Yettaw tìm cách đột nhập qua biên giới Thái Lan vào Myanmar để đến tận nhà Suu Kyi nhằm đánh động dư luận thế giới về trường hợp nhân vật bất đồng chính kiến này. Ngày 27/10, Yettaw xin được visa Myanmar. Ngày 7/11, đương sự bay đến Yangon. Ngày 30/11, Yettaw bơi qua hồ Inya rồi đến sát ngôi nhà nơi Suu Kyi bị quản thúc với lực lượng an ninh dày đặc giám sát 24/24. Bị ngăn không được nói chuyện trực tiếp với Suu Kyi, Yettaw gián tiếp tặng bà một số quyển sách…

Tháng 4/2009, Yettaw lại đến Bangkok, với quyết tâm tiếp cận bằng được Suu Kyi. Chiều tối ngày 3/5/2009, Yettaw lại bơi vượt hồ Inya. Một số cảnh sát Myanmar phát hiện đã ném đá nhưng Yettaw vẫn liều mạng áp sát và cuối cùng lọt được vào nhà Suu Kyi lúc 5 giờ sáng ngày 4/5. Mệt lả, đói khát, Yettaw xin được ở lại vài ngày nhưng bị từ chối. Khoảng 11 giờ 45 phút tối cùng ngày, Yettaw rời ngôi nhà, bơi ngược lại quãng đường cũ.

5 giờ sáng ngày 5/5, Yettaw đụng độ cảnh sát gần Trung tâm Thương mại quốc tế và trụ sở tòa Đại sứ Mỹ ở bờ Tây hồ Inya. Đương sự bị bắt và được dẫn đến nhà tù Insein. Phần mình, Suu Kyi cũng bị đưa đến nhà tù trên. Phiên xử bắt đầu ngày 18/5. Ngày 11/8, Yettaw bị kết án ba tội danh với tổng cộng 7 năm tù trong đó có 4 năm khổ sai; Suu Kyi bị xử 18 tháng quản thúc. Ngày 14/8, Thượng nghị sĩ Mỹ James Webb đến Myanmar để giải cứu Yettaw. Ngày 19/8, Yettaw lên chuyến bay từ Bangkok về Mỹ…

Phải nói là sự kiện John Yettaw đã gián tiếp tháo gỡ được nhiều nút thắt trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Myanmar, như được kể chi tiết trong một phóng sự của Reuters (22/12/2011). Yettaw đã ngẫu nhiên trở thành con cờ chủ chốt trong một ván bài ngoại giao. Với Mỹ, chiến lược “cắm cọc” ở châu Á đã hình thành từ những ngày đầu Obama bước chân vào Nhà Trắng năm 2009. Washington hiểu rằng, chính sách cấm vận Myanmar chẳng giải quyết được gì còn khiến gây chia rẽ quan hệ Mỹ với ASEAN. Đó là một cách ứng xử không hiệu quả và phi thực tế nếu muốn lôi kéo châu Á theo Mỹ chống Tàu.

Và 6 tháng sau, Derek Mitchell được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Myanmar lần đầu tiên trong 22 năm

Với Myanmar, sự hoài nghi phương Tây thâm căn cố đế bắt đầu giảm dần sau sự kiện thiên tai tháng 5/2008 (một trận bão kinh hoàng quét qua châu thổ Irrawaddy và ập vào Yangon làm thiệt mạng gần 140.000 người; khiến Myanmar phải dời thủ đô lên Naypyidaw). Lần đầu tiên, máy bay quân sự Mỹ được phép đến Myanmar mang theo hàng cứu hộ trị giá hơn 40 triệu USD. Cuộc khủng hoảng hậu thảm họa cũng giúp giới chức Myanmar có cơ hội tiếp cận được nhân viên từ thiện quốc tế, đến để cứu trợ với nhiệt tình và tinh thần thiện nguyện bất vụ lợi. Điều đó đã khiến giới lãnh đạo Myanmar nghĩ lại về phương Tây - như nhận định của sử gia Thant Myint-U (cháu của U Thant, cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc). Sự nhận thức và tái đánh giá mang tính lột xác này của Myanmar đã có cơ hội được thể hiện rõ hơn trong vụ John Yettaw.

Khi đến Myanmar để thương lượng việc thả Yettaw, Thượng nghị sĩ James Webb bất ngờ được thống chế Than Shwe mời gặp. Trước đó, chưa viên chức Mỹ nào được diện kiến trực tiếp nhân vật này. Đây hẳn là một cách để nói chuyện với Mỹ, hay nói đúng hơn là thăm dò vấn đề cải thiện quan hệ với Mỹ? Chính xác như vậy! Ngày 14/8/2009, cuộc gặp giữa Webb và Than Shwe được tổ chức. Nếu nói Myanmar chủ động đánh tiếng trước khả năng tái lập quan hệ với Mỹ thì cũng có thể nói Washington đã rất nhanh trong việc chộp lấy cơ hội ngàn vàng này. Trong cuộc gặp, Webb nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của Myanmar đối với Hoa Kỳ. Theo bức điện rò rỉ Wikileaks từ tòa đại sứ Mỹ, Than Shwe đã lật ngửa bài khi nói rằng, Myanmar muốn tái lập liên lạc trực tiếp với Washington.

Khi quyền lợi dân tộc chiến thắng!

Trong cuộc gặp, Than Shwe đưa ra một bất ngờ, khi cho biết ông vừa chỉ định Bộ trưởng Kỹ thuật - Khoa học U Thaung, vốn là cựu đại sứ tại Mỹ, làm công sứ đặc biệt tại Mỹ. Thế rồi loạt diễn biến xảy ra sau đó nhanh đến chóng mặt. Chưa đầy một tháng sau cuộc gặp lịch sử giữa James Webb và Than Shwe, ngày 19/9/2009, tân công sứ U Thaung đến New York gặp Kurt Campbell (Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương). Vài ngày sau, Ngoại trưởng Myanmar Nyan Win được phép đến tòa đại sứ nước mình ở Washington DC (luật cấm vận Mỹ hạn chế sự đi lại của các thành viên hội đồng quân lực Myanmar và đây là lần đầu tiên trong 9 năm mà Nyan Win được phép ra khỏi phạm vi “thủ đô ngoại giao đoàn” New York).

Cùng lúc, tại Myanmar, Than Shwe bắt đầu chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử dân chủ. Tháng 2/2011, Thủ tướng Thein Sein đắc cử tổng thống. Và 6 tháng sau khi chính thức ngồi ghế tổng thống, Thein Sein đã bắn một phát súng hiệu ngoạn mục như một tia điện xẹt, khi tuyên bố đình chỉ dự án xây con đập khổng lồ Myitsone trên dòng Irrawaddy mà Trung Quốc đầu tư với số vốn đến 3,6 tỉ USD, một dự án mà trước đó đã làm mất nơi ăn chốn ở của hàng ngàn cư dân do mất 766km2, (lớn hơn diện tích nước Singapore) cho thủy điện!

Phải nên có một câu hỏi được đặt ra là tại sao người dân Myanmar lại hăm hở đón Barack Obama đến như vậy!

Cần để ý một chi tiết cột mốc thời gian: Ngày 29/9/2009, khi Ngoại trưởng Wunna Maung Lwin (kế nhiệm Nyan Win) gặp Derek Mitchell (Chánh điều phối Hoa Kỳ về Myanmar), Thứ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell và viên chức nhân quyền Michael Posner tại New York thì ngay hôm sau, Tổng thống Thein Sein công bố quyết định hoãn xây đập Myitsone. Đó hẳn không phải là một sự ngẫu nhiên!

Điều gì đã khiến Myanmar thay đổi tư duy đối ngoại khi can đảm quyết định tách khỏi quỹ đạo tưởng chừng bất di bất dịch với Trung Quốc để ngả theo trục phương Tây? Chính là sự tái nhận thức sáng suốt về quyền lợi và chủ quyền quốc gia. Hơn nửa thế kỷ được sự giúp đỡ của Bắc Kinh, Myanmar đã chịu nhiều thiệt thòi. Trung Quốc ngày càng gây sức ép thao túng kinh tế và tài nguyên Myanmar, từ dầu khí, đồng, gỗ teak, đá quý đến sản vật nông nghiệp... Họ mua rất nhiều đất đai để làm nông trại nhưng thuê mướn nhân công từ Trung Quốc.

Nói cách khác, đất Myanmar đang được “chuyển quyền sở hữu” sang người Trung Quốc. Dân Trung Quốc tràn xuống cố đô Mandalay (thành phố lớn thứ hai Myanmar) nhiều đến mức cư dân địa phương có câu nói đùa rằng: “Chỉ cần dân Tàu nhổ nước bọt cũng đủ ngập để cho người Mandalay bơi rồi!”. Theo tờ Montreal Gazette (23/11/2012), khoảng 1/3 dân số Mandalay hiện là người Hoa mà hầu hết đều là dân mới định cư trong 3-4 năm qua! Nói cách khác, Myanmar chỉ là một địa điểm để Trung Quốc làm giàu cho chính họ. Cảnh công nhân mỏ Myanmar bị chủ Tàu đánh đập diễn ra hàng ngày.

Trung Quốc đổ rất nhiều tiền với vô số dự án đầu tư vào Myanmar. Tháng 9/2010, Bắc Kinh tuyên bố cho vay 4,2 tỉ USD với lãi suất zero trong 30 năm để “giúp” Myanmar xây đập, đường sá, xe lửa và phát triển công nghệ thông tin. Tuy nhiên, “chơi” với Bắc Kinh, Naypyidaw chỉ nhìn thấy thiệt. Họ thấy rõ thủ đoạn “thả con tép bắt con tôm” của Trung Quốc. Tờ Nhân Dân nhật báo (Trung Quốc) cho biết mậu dịch song phương hai nước đạt 2,9 tỉ USD vào năm 2009, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước và từ số không vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, cái gọi là “song phương” hầu như chỉ là một chiều: năm 2009, xuất khẩu Trung Quốc sang Myanmar đạt 2,3 tỉ USD nhưng xuất khẩu ở chiều ngược lại chỉ vỏn vẹn 646 triệu USD (Asia Times 19/10/2011)...

Có thể tóm gọn lý do khiến Myanmar từ bỏ Trung Quốc để quan hệ với phương Tây - nếu nhìn ở góc độ thường được xem là “an toàn chính trị” đối với một chế độ - qua một nhận định của Nay Zin Latt, cố vấn chính trị của Tổng thống Thein Sein: “Trước đây, muốn hay không, chúng tôi phải chấp nhận tất cả những gì mà Trung Quốc đề nghị. (Bây giờ), khi lệnh cấm vận được (phương Tây) tháo dỡ, điều đó sẽ tốt hơn cho mọi người ở Myanmar”. Nói cách khác, Myanmar hiểu rằng, chỉ với thiện chí thật sự cải tổ theo đường hướng có lợi dân tộc, họ không chỉ có thể tự cởi trói và thoát được “án” cấm vận mà nhờ đó còn hạn chế lệ thuộc Trung Quốc, về lâu dài. Do đó, mới có điều bất ngờ của Thein Sein khi tuyên bố tạm ngưng dự án đập Myitsone - một cú sốc mà những người tỉnh táo hơn nên nhìn lại ý nghĩa thật sự của nó!

Nguyễn Cao Trí

(Kỳ sau: Mất Myanmar, Trung Quốc mất những gì?)

No comments:

Post a Comment