11/17/23

Chữ & Nghĩa - Cầu cổ tầm luận (求古尋論)

"Cầu cổ tầm luận"(求古尋論), đọc sách Thánh Hiền và nghe lời dạy cổ nhân là một thành tựu của cuộc sống; "phân cam đồng vị" (分甘同味) chia sẻ cảm nghĩ và câu chuyện vui buồn trong sinh hoạt hằng ngày là một niềm vui của tuổi già. Hoặc nói nôm na, đem những câu chuyện đời trong trải nghiệm của cuộc sống để cùng tán cho vui.

Sách có câu "Văn dĩ tải đạo" (文以載道) là để chỉ việc sử dụng văn chương và ngôn từ để truyền tải đạo lý. Về lý thuyết là như vậy, nhưng trên thực tế chúng ta thường vấp phải vấn đề chỉ biết dùng văn tự mà không hề suy nghĩ về 'nghĩa thật' (the real meaning) hay xuất xứ của nó. Tại sao?: "cũng là sông lớn mà Hoàng Hà gọi là 'hà' (河) trong khi Dương Tử Giang, còn gọi là Trường Giang lại gọi là 'giang'?, xuyên (川) cũng là con sông dòng nước mà sao không gọi là hà hay giang"?

Được biết, Giang và Hà trong tiếng Trung Quốc đều có nghĩa là sông. Từ thời thượng cổ, người ta gọi tất cả các vùng có nước là "Xuyên" để thể hiện một con sông tương đối lớn, sau đó, tên gọi dần dần biến đổi thành là Giang và Hà. Nếu phân tích vấn đề này từ góc độ địa lý nhân văn, con người ở các vùng miền khác nhau thì có nền văn hóa và lối sống khác nhau nên cách nhìn nhận của họ về sự việc cũng khác nhau.

Đầu tiên, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra, thủy vực phía nam Trung Quốc được gọi là Giang, còn thủy vực ở phía bắc thì được gọi là Hà. Ví dụ điển hình chính là:

-Trường Giang, Chu Giang, Lệ Giang, Tiền Đường Giang, Kim Sa Giang, Cửu Long Giang ... đều nằm tại miền Nam.

-Hoàng Hà, Vị Hà, Hoài Hà, Kinh Hà, Ẩm Mã Hà, Thác lý Mộc Hà ... đều nằm ở miền Bắc.

Thứ hai, nếu quan sát kỹ hơn, đa phần các vùng nước nối với biển đều được gọi là Giang, ngược lại, sông hồ chảy sâu trong nội địa được gọi là Hà. Ví dụ điển hình chính là:

-Trường Giang chảy vào Biển Đông; Chu Giang chảy vào Biển Nam ...

-Hoàng Hà chảy vào Biển Bột Hải 渤海 (Tuy gọi là Biển nhưng dòng nước này nằm trong nội địa ở khoảng giữa bán đảo Sơn Đông và bán đảo Liêu Đông, Trung Quốc); Thác lý Mộc Hà chảy vào Hồ La Bố Bạc 罗布泊 (Hồ lớn tại nội địa tỉnh Tân Cương) ...

Cuối cùng, nói về đất đai, hệ sinh thái hai bên bờ sông Trường Giang quả thực rất phong phú, hơn nữa vì tiếng "Giang", hài âm với tiếng kêu của khổng tước (chim công), nên mọi người cho rằng Trường Giang là nơi đất lành chim đậu; ngược lại, âm đọc chữ Hà gần giống với tiếng hú của dã thú, bởi vì chúng ta đều biết rằng Hoàng Hà được mệnh danh là "con sông giận dữ" với dòng nước chảy mạnh cuồn cuộn. Hoàng Hà và các con sông có tên Hà khác hầu như đều xảy ra hạn hán và lũ lụt, không tốt cho mùa màng.

Thật ra, dù gọi Giang hay Hà đi chăng nữa thì đó cũng là kết quả của diễn biến văn hóa qua mấy nghìn năm lịch sử của Trung Quốc. Cũng như Định mệnh của dân tộc Việt Nam là định mệnh chia cắt. Một trăm năm Trịnh-Nguyễn phân tranh chẻ đôi đất nước với Đàng Trong và Đàng Ngoài. Rồi 87 năm dưới thời thực dân Pháp đất nước bị chia ba cho nên ba miền lại có nhiều điều không hiểu nhau. Rồi từ 1954-1975 đất nước lại bị chia đôi cho nên sự khác biệt về nhiều mặt lại gia tăng hơn nữa. Tuy nhiên, sự đa dạng của ngôn từ sẽ làm cho văn hóa Việt Nam phong phú hơn miễn là sự “đa dạng” đó người ta hiểu và chấp nhận, phổ biến rộng rãi.

Nói chung, phương ngữ là sản phẩm tất yếu của mọi cộng đồng ngôn ngữ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ví dụ:

Chớ sao nữa (miền Nam) chơ răng nựa (miền Trung) chứ sao nữa (miền Bắc).

Hoặc qua sư sưu tầm về âm và tự giữa Bắc và Nam, chúng ta thấy có sự khác biệt về văn tự giữa hai miền:

Bát và chén; cốc và y; béo và mập; bủn xỉn và kẹo; bố mẹ và ba má; dọc mùng và bạc hà; đánh chén và nhậu; được và đặng; kim cương và hột xoàn; lợn và heo; mình ơi và cưng ơi; nến và đèn cây; quả và trái; nũng nịu và nhõng nhẽo; thìa và muỗng; trứng vịt và hột vịt; vô duyên và lãng nhách; hỏng và hư ...

Đó là hiện tượng bình thường và là nhân tố tích cực của sự phát triển. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác (ngữ âm và nhiều từ riêng biệt) thì chúng vẫn được giữ gìn, bảo lưu từ đời này sang đời khác. Đó là tính bền vững, làm nên một nét riêng, nét đẹp của tiếng Việt Nam.

Kỳ thực, văn tự chỉ là phương tiện, chứ không phải cứu cánh.

Đạo khả đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh (道可道,非常道,名可名,非常名). Đạo mà có thể nói rõ ra được 'Đạo' là gì, thì Đạo không còn là Đạo nữa; cũng như nếu ta nói được 'Không' là gì thì Không không là Không nữa. Nếu có thể gọi được tên và danh, thì cái ý ‎đối với mỗi người sẽ khác nhau, chẳng ai đúng chẳng ai sai. Cho nên, đừng lệ thuộc vào ngôn từ, phương thức để phán đoán và chia cách nhau. Nói thế không có nghĩa là chúng ta bỏ hết ngôn từ, chữ nghĩa. Ngôn từ, chữ nghĩa làm nên văn hóa và cuộc sống. Chỉ là, ta cần uyển chuyển dùng chúng với một con tim khiêm tốn và một tâm thức sáng láng. Chạy xe thì phải biết thắng, biết rồ ga. Nhưng khi nào thắng khi nào rồ ga, đó là nghệ thuật cũng là trí tuệ. Người lái giỏi, người lái dở, là ở đó.

Kinh Đại Phẩm Bát Nhã và kinh Niết Bàn đều có câu: “Bất khả thuyết” (不可說). Nghĩa là "không thể nói được." Thiền tông – nhấn mạnh rằng, các kinh nghiệm Giác ngộ (Kiến tánh) vượt qua mọi ngôn ngữ, văn tự. Người đã kiến tánh tương tự một "người câm nằm chiêm bao", không thể trình bày giấc mộng của mình cho người khác. Cũng vì lý do này nên các vị Thiền sư thường khuyên đệ tử không nên bám chặt vào văn tự trong kinh sách, cho rằng, kinh sách chỉ là "ngón tay chỉ Mặt Trăng, không phải là Mặt Trăng."

Đạo khả đạo phi thường Đạo của Lão Tử và Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền (不立文字,教外別傳) của Thiền Tông Phật giáo đã gặp nhau trong tư tưởng "Tâm pháp Không pháp" và "thật tướng vô tướng", khi Phật đưa tay cầm nhành sen vàng giơ lên trước đại chúng, mà tất cả đều ngơ ngác, duy chỉ có Ngài Ma-ha Ca-diếp đã nhìn Phật mỉm cười lãnh thọ Tâm pháp.

Pháp bổn pháp vô pháp, 法 本 法 無 法
Vô pháp pháp diệc pháp 無 法 法 亦 法
Kim phó vô pháp thời, 今 付 無 法 時
Pháp pháp hà tằng pháp. 法 法 何 曾 法。

Dịch :

Pháp, gốc pháp không pháp
Không pháp, pháp cũng pháp
Nay lúc truyền không pháp
Pháp, pháp chưa từng pháp.

Thân kính

Trường

10-28-2023

Trùng cửu (Trùng dương) - Song thập ?

 Tại sao ngày mùng 9 tháng 9 nông lịch gọi là tết Trùng cửu; ngày 10 tháng 10 dương lich là ngày Lễ Quốc khánh Trung Hoa Dân Quốc /Taiwan gọi là ngày Song thập?

* Theo  ChatGTP

Hỏi : 1. Ngày 9 tháng 9 gọi là Trùng Cửu. Vậy thì tại sao ngày 10 tháng 10 được gọi là Song Thập , không được gọi là Trùng Thập ? 2. Ngày 7 tháng 7 thì được gọi là Song Thất .

Trả lời: 

Ngày 9 tháng 9 được gọi là Trùng Cửu vì trong tiếng Trung, số "9" phát âm giống như từ "Cửu" nên có sự tương quan âm thanh. Tương tự, ngày 10 tháng 10 được gọi là "Song Thập" vì số "10" phát âm giống như từ "Thập". Trong truyền thống ngôn ngữ của nhiều người Á Đông, việc này thường được thực hiện để tạo ra sự tương quan âm thanh và ý nghĩa tích cực.

Tuy nhiên, không có quy tắc cứng nhắc về việc gọi ngày 10 tháng 10 là Song Thập thay vì Trùng Thập. Có thể có nhiều cách gọi khác nhau dựa trên văn hóa cụ thể và khu vực. Một số người cũng có thể gọi ngày này là Trùng Thập nếu họ thích.

Ngày 7 tháng 7 được gọi là Song Thất có thể xuất phát từ việc số "7" phát âm giống như từ "Thất" trong tiếng Trung. Tương tự như trường hợp của ngày 9 tháng 9 và ngày 10 tháng 10, việc đặt tên theo âm thanh của số là một phần của truyền thống văn hóa trong một số nền.

**1)-  Góp thêm  ý kiến :

Kính thưa quý anh chị!

Xin mạn phép góp chút ý kiến để mua vui trong ngày tết Trùng Cửu, đúng sai không quan trọng.

Gọi ngày 9/9 âm lịch là Trùng Cửu (重九) vì cả ngày 9 và tháng 9 đều là ngày dương; số 9 là một cơ số, cơ số là một số dương trong Tiên Thiên Bát Quái Hà Đồ, số 9 là số chiếm vị trí quẻ Ly ở phương Nam trong Cửu Cung Bát Quái (ma phương, gồm 9 ô cộng ngang dọc, chéo đều bằng 15). Quẻ Ly thuộc hành Hoả, là một quẻ dương. Tết Trùng Cửu còn gọi là tết Trung Dương (重陽) là vì thế.

Cái thể của quẻ Ly tuy 2 dương trên dưới kẹp 1 âm ở giữa nhưng lại là quẻ âm. Sở dĩ người ta nói hành hoả ở phương Nam thuộc dương là chú trọng về cái dụng của quẻ Ly, âm thì dùng cho dương cũng như cái dụng của Khôn là Kiền, cái dụng của Thuỷ là Hoả và ngược lại. Quẻ Ly có 2 hào dương cách nhau bởi 1 hào âm nên trùng dương cũng là vì lẽ đó.

 'Trùng' theo nghĩa chữ Hán có nhiều nghĩa tuỳ theo vai trò và từ loại của nó nằm trong văn phong (context) của câu. Ở đây, 'trùng' có thể được hiểu như một lượng từ (danh từ chỉ số lượng) có nghĩa là sự chồng chất lên, mang nghĩa lũy tích, trùng cửu vì thế là sự lặp lại của số 9 trong ngày 9/9. Trùng Dương là sự lặp lại của dương. Còn nếu coi 'trùng' ở đây là một động từ thì nó có nghĩa là thêm vào, nếu xem như là một trạng từ thì có có nghĩa là sự lập lại, tái diễn. Cho nên dù được hiểu theo loại từ nào thì 'trùng' ở đây đều có nghĩa là nhiều hơn 1 lần. Trùng Dương còn được gọi là Trùng Cửu vì lấy ngày 9/9 âm lịch làm ngày lễ tết này. Ngoài ra, cửu () có một chữ đồng âm khác nghĩa (homonym) là chữ , có nghĩa là lâu dài. Tết Trùng Dương người xưa bên Trung Hoa uống trà hoa cúc vì đó là mùa hoa Cúc (Xuân Lan Thu Cúc mặn mà cả hai - Kiều), đó là ngày kính lão (sống lâu, trường thọ trong nghĩa chữ , ngày tế tổ (như là linh hồn tổ tiên phục dương thế).

Ngày Song Thập là ngày quốc khánh của nước Trung Hoa Dân Quốc được thành lập từ sau ngày khởi nghĩa Vũ Xương (thuộc Vũ Hán, Hồ Bắc, TQ ngày nay) mở đầu cho sự thành công của cuộc cách mạng Tân Hợi (10/10/1911), nay vẫn còn tồn tại ở Đài Loan. Gọi là Song Thập vì ngày 10 tháng 10 có 2 số 10.

Ngày 7/7 âm lịch được gọi là ngày song thất cũng một phần vì ngày đó có 2 số 7. Ngày Song Thất là tên khác của tết Thất Tịch (七夕). Ít thấy chữ người ta nói đến ngày Song Thất. Ngày Thất Tịch được nói đến trong sách Thành Ngữ Khảo (成語考) như là ngày hai chòm sao Ngạn Tinh (彥星宿) tức Ngưu Lang và chòm sao Chức Cơ (織姬宿) tức Chức Nữ được hội ngộ mỗi năm 1 lần tại cầu Ô Thước (烏鵲) vào đêm 7/7 âm lịch. Nguyên văn trong Thành Ngữ Khảo:參商二星,其出沒不相見;牛女兩宿,惟七夕一相逢('Tham Thương nhị tinh, kỳ xuất một bất tương kiến; Ngưu Nữ nhị túc, duy thất tịch nhất tương phùng'; nghĩa là sao Hôm và sao Mai ra vào không bao giờ thấy nhau, chòm Ngư Lang và chòm Chức Nữ chỉ mỗi năm đêm 7/7 mới gặp 1 lần). Ngày 7/7 âm lịch sau này được nhiều người trong bàng dân thiên hạ xem như ngày lễ tình nhân.

Theo em thì gọi là 'trùng' hay 'song' thì tuỳ theo ý nghĩa đặc thù của từng ngày lễ. Tuy cả 2 đều là danh từ chỉ số lượng, trùng mang nghĩa tích luỹ, lăp lại trong khi song có nghĩa là hai về số lượng. Ngoài ra, lưỡng, nhị, đôi, cặp cũng có nghĩa tương tự như 'song' nhưng không có nghĩa 'trùng'.

Nhân ngày Trùng Cửu, em xin gửi tặng quý anh chị 2 bài thơ của Lý Bạch một bài cho ngày Trùng Dương và bài kia cho 1 ngày sau Trùng Dương. Đối với tửu thi nhân như Lý Bạch thì dù ngày 9 hay ngày 10 gì cũng là Trùng Dương vì ngày nào cũng 'bảo con con đem ngựa tốt, áo quý ra đổi lấy rượu cùng bạn uống tiêu cái sầu vạn cổ:

'五花馬,千金裘。

呼兒將出換美酒,與爾同銷萬古愁。將進酒 李白

(Ngũ hoa mã, thiên kim cầu.

Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu, dĩ nhữ đồng tiêu vạn cổ sầu) Tương tiến tửu - Lý Bạch. Sau đây là 2 bài thơ mà em thường gọi đùa là 'trùng cửu' và 'trùng trùng cửu'.

九日龍山飲

九日龍山飲,黃花笑逐臣。
醉看風落帽,舞愛月留人

Cửu nhật long sơn ẩm

Cửu nhật long sơn ẩm, 
hoàng hoa tiếu trục thần.
Tuý khán phong lạc mạo, 
vũ ái nguyệt lưu nhân.

Tạm dịch: Trùng cửu uống rượu trên núi Long Sơn.

Trùng Cửu say trên núi,
Cúc cười người bị đuổi.
Gió tung nón người say,
Cùng ánh trăng múa may.

九月十日即事


昨日登高罷,
今朝更舉觴。
菊花何太苦,
遭此兩重陽?

Cửu nguyệt thập nhật tức sự

Tạc nhật đăng cao bãi, 
kim triêu canh cử trường.
Cúc hoa hà thái khổ, 
tao thử lưỡng trùng dương?

Tạm dịch: 

Ngày sau Trùng Cửu 


Hôm qua say trên cao,
Sáng nay lại nâng chén.
Hoa Cúc sao mà khổ!
Trùng Trùng Dương là sao?

Lày A Mản



2)- Trùng và Song (重與雙)

Xin góp ý thêm về câu hỏi : "Khi nào gọi là Song , khi nào gọi là Trùng ?" với tình thần dĩ văn hội hữu (以文會友), để nhóm bạn bằng ngôn tự và lời văn.

Theo sự hiểu biết thiển cận của tôi, Trùng (重) và Song (雙) đôi khi có thể sử dụng lẫn nhau vì có nghĩa là trùng lắp, lặp lại:

Tết Trùng Thập (mùng 10 tháng 10 âm lịch) còn gọi là Tết Song Thập (Hán-Nôm: 雙十) là ngày của các vị thầy thuốc thời xưa. Vào tháng 10, những cây thuốc hấp thụ được khí âm dương của trời đất, kết tụ được sắc thái của tứ thời (Xuân, Hạ, Thu, Đông) mà trở nên có linh khí. Tháng 10 cũng là mùa màng thu hoạch tốt nhất trong năm, người ta thường làm nhiều món ăn thật phong phú để cúng bái và tạ ơn đất trời sau một mùa gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp.

Tết Song Thất (ngày 7 tháng 7 âm lịch) còn được gọi là Trùng Thất tức là Thất Tịch (Hán-Nôm: 七夕). Lịch sử ngày này gắn bó với câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ hoặc vợ chồng Ngâu với nhiều dị bản. Theo truyền thuyết, sau một năm xa cách, hằng năm cứ đến ngày này , Ngưu Lang và Chức Nữ được hội ngộ bên cầu Ô Thước.

Tết Trùng Ngũ (ngày 5 tháng 5 âm lịch) còn được gọi là Tết Song Ngũ tức là Tết Đoan Ngọ (Hán-Nôm: 瑞午節) là ngày người dân tưởng nhớ vị trung thần yêu nước tên là Khuất Nguyên. Vì bị gian thần gièm pha hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ngày mùng 5 tháng 5. Dân làng vô cùng thương xót, họ đã chèo thuyền đến giữa dòng sông để cố gắng cứu vớt nhưng không thành. Sau để tưởng nhớ và tỏ lòng thương tiếc một vị thần trung nghĩa. Vào ngày này hàng năm, dân chúng làm bánh Ú, bên ngoài quấn chỉ ngũ sắc (ý làm cho cá hoảng sợ, không lại gần phá hoại thi thể của ông), rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh xuống để tế bái Khuất Nguyên.

Mặt khác, vì đặc trưng và thói quen của nền văn hóa, có những từ ngữ bắt buộc phải dùng "Trùng":

重重叠叠的山巒 (ngọn núi chồng chất lên nhau) Trùng trùng điệp điệp đích sơn loan, ngọn núi trùng trùng điệp điệp, không nói ngọn núi song song điệp điệp.

福不重來 (phước không đến 2 lần), phước bất trùng lai, không nói phước bất song lai.


Hoặc có những từ ngữ bắt buộc phải dùng "Song"

福慧雙修 (Tu phước tu tuệ) phước tuệ song tu, không nói phước tuệ trùng tu.

雙飛燕 (hai con chim én bay kề vai sánh cánh) song phi yến, không nói trùng phi yến.

Tiện đây, xin mạn phép lược thuật một chút cảm nghĩ về "chữ và nghĩa". Con người vốn lệ thuộc chữ nghĩa quá nhiều, tưởng chừng như ngoài chữ nghĩa là không còn gì nữa! Thực ra, ngôn tự (言字) tức lời nói và chữ viết chỉ là thông tin quy ước dùng làm phương tiện diễn đạt ý. Các trí giả xưa không bám chặt vào ngôn tự và phương pháp, bởi vì mục đích chính không nằm trong đó, chúng chỉ là những phương tiện nhất thời nhằm hướng dẫn đến hình và sắc của sự vật bên ngoài mà thôi. Hơn nữa, trong hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới, khá phổ biến hiện tượng đồng tự khác nghĩa, thậm chí có nghĩa tương phản. chẳng hạn:

“Quân”(君) nghĩa là vua và “quân”(軍)nghĩa là lính. Vua và lính rõ ràng là hai vị thế xã hội, hai cấp bậc tương phản một trời một vực. Vua thì ở ngôi cao nhất còn lính là vị trí có thể nói gần như dưới cùng.

"Phụ” (父) chỉ đàn ông và “Phụ”(婦) chỉ đàn bà.

Chữ “phụ” với nghĩa chỉ đàn ông được sử dụng điển hình qua trường hợp chỉ người cha như: thân phụ, dưỡng phụ; chữ “phụ” với nghĩa chỉ đàn bà xuất hiện điển hình qua các từ như: phụ nữ, thiếu phụ, chinh phụ...Sự khác biệt tương phản giữa “phụ” (chỉ đàn ông) và “phụ” (chỉ đàn bà) là sự khác biệt về giới tính, ngoại hình, tính cách cùng nhiều thiên chức trong cuộc sống.

“Minh”(冥) nghĩa là tối “u u minh minh” với nghĩa là sâu kín tối tăm. “minh”(明) nghĩa là sáng như: bình minh, minh bạch, minh chứng, minh xét…

“Liệt” (烈) có nghĩa gốc là ngọn lửa nóng, từ đó biểu tượng cho những phẩm chất tốt đẹp, ngay thẳng của con người như trong các từ: liệt nữ, liệt sĩ, lẫm liệt... “Liệt”(劣) có nghĩa là “kém, xấu” như trong những từ: bại liệt, tê liệt, liệt giường...

Trong cuộc sống hằng ngày xuất hiện không ít những vấn đề khiến chúng ta đặt dấu chấm hỏi lớn. Có những vấn đề sinh ra một cách rất mâu thuẫn nhưng chúng ta không biết phải giải thích như thế nào? Trong đời sống hàng ngày, Chữ nghĩa và Từ ngữ được dùng để chuyên chở ý tưởng, nhưng có bao giờ chúng ta bất chợt nghĩ đến “nghĩa thật” hoặc xuất xứ của những từ ngữ thường dùng trên đầu môi chót lưỡi không ? Đôi khi, chính từ những ý thắc mắc bâng quơ đó mà ta sẽ ngạc nhiên khi tìm thấy thật nhiều suy nghĩ về cuộc đời, về con người, về thế thái nhân tình, về duyên nợ hồng trần và đôi khi những bài học kỳ thú về lịch sử nữa …

Xin mượn những câu triết lý uyên thâm của Trang Tử để kết thúc cho bài viết hôm nay:


"Thuyên giả sở dĩ tại ngư, 
đắc ngư nhi vong thuyên (筌者所以在魚,得魚而忘筌)

Ðề giả sở dĩ tại thố, 
đắc thố nhi vong đề (蹄者所以在兔,得兔而忘蹄)

Ngôn giả sở dĩ tại ý, đắc ý nhi vong ngôn 
(言者所以在意,得意而忘言)"

Nghĩa:

Có nơm là vì cá, 
được cá hãy quên nơm.
Có dò là vì thỏ, 
được thỏ hãy quên dò.
Có lời là vì ý, 
được ý hãy quên lời.

Trường
Tết Trùng Cửu
10-23-2023

PHÁI NỮ VÀ CÔNG VIỆC

 

PHÁI NỮ VÀ CÔNG VIỆC

(Điều 23 Nam nữ mỗi phái có đặc tính khác nhau nên vai trò thích hợp khác nhau. Nhận thức đúng sự khác nhau này và giúp đỡ nhau hoàn thành vai trò giúp chúng ta sống hạnh phúc và xã hội phồn vinh.) (1)

 

MATSUSHITA Kônosuke (*)

Dịch: Nguyễn Sơn Hùng

***

 

Nam nữ mỗi phái có đặc tính và vai trò khác nhau. Nhận thức đúng sự khác biệt này và hoàn thành vai trò vốn nên đảm nhận của mỗi phái mới là bình đẳng chân chính.(2)

 

Gần đây xã hội thường đề cập đến vấn đề bình đẳng của nam nữ, và so với ngày xưa, số người nữ có nghề nghiệp ngoài xã hội đã tăng nhiều lên. Tôi nghĩ tình trạng này có ý nghĩa rất lớn và là việc rất tốt.

Tuy nhiên, không chỉ hạn định trong vấn đề bình đẳng của nam nữ mà ngay cả trong các vấn đề khác, cái gọi là bình đẳng không có nghĩa là đối với ai, đối với việc gì cũng giống như nhau. Đối với con người chúng ta, từng mỗi người một, ai cũng được trời ban phú cho thiên phận, đặc tính của riêng mình, không giống với người khác. Cái gọi là bình đẳng là bình đẳng ở việc đối với ai, trời cũng đều ban phú cho đặc tính riêng biệt, và chắc chắn không có việc đặc tính cá nhân riêng biệt đều giống như nhau. Do đó, dù nói là bình đẳng giữa nam nữ nhưng không phải là đối với việc gì nam nữ cũng phải suy nghĩ, hành động giống nhau. Tôi nghĩ rằng mỗi phái cần phải phát huy đầy đủ các đặc tính và vai trò của mỗi phái.

Trong thực tế, đặc tính và vai trò của người nam, người nữ có thể xem khác nhau. Chúng ta thử làm rõ sự khác biệt này từ các hình ảnh trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Con người dù nam hay nữ, nếu hỏi rằng việc sống độc thân một mình suốt cả đời vốn có phải là hình ảnh nên có hay không, tôi nghĩ rằng không phải như vậy! Do ý tưởng gì đó, cũng có người sống độc thân một mình nhưng tôi nghĩ đó chỉ là ngoại lệ. Thông thường một đôi nam nữ sống chung nhau với hình thức vợ chồng, phải chăng đó là hình ảnh vốn nên có của con người?

Như vậy, trong đôi vợ chồng, vai trò sinh con và nuôi con lớn là đặc tính trời ban phú cho phái nữ; đối với phái nam không có đặc tính này nên vai trò phải khác với phái nữ. Điều này có nghĩa, phái nam ra ngoài xã hội làm việc và phái nữ giữ gìn, quản trị (3) gia đình là vai trò chủ yếu của mỗi phái. Phân phối vai trò như thế thì vợ chồng trở nên một thể và cùng nhau xây dựng gia đình lành mạnh, tôi nghĩ phải chăng đó vốn là hình ảnh nên có của con người chúng ta để tạo ra sự phát triển của toàn thể xã hội.

Tuy nhiên, trong quá khứ của Nhật Bản đã tồn tại cách suy nghĩ nam trọng nữ khinh, và từ cách suy nghĩ này việc ra ngoài xã hội làm việc được xem trọng, việc gìn giữ và quản trị gia đình bị xem thường đã trở thành phong trào cả nước Nhật Bản. Tôi nghĩ đây là một điều sai lầm. Đối với sự làm việc ngoài xã hội hoặc sự gìn giữ và quản trị gia đình, không nên có việc xem trọng công việc này xem nhẹ công việc khác; cả hai cần phải được xem trọng.

       Đối với việc phân phối vai trò của nam nữ, cách suy nghĩ cả hai phải cùng nhau đảm nhiệm mỗi vai trò và cùng nhau làm công việc như nhau cũng có thể thực hiện. Tuy nhiên, trong thực tế, phái nam không có khả năng sinh con hay cho con bú sữa. Ngoài việc sinh con và nuôi con lớn, nếu thêm vai trò của phái nam vào phái nữ, nghĩa là thêm việc ra ngoài xã hội làm việc, thì gánh nặng của phái nữ trở nên quá to lớn.

Do đó, tôi nghĩ phải chăng nam nữ nên phụ trách các vai trò vốn khác nhau của mỗi phái, và cách suy nghĩ vai trò nào cũng cao quý đáng kính là tự nhiên và trung thực. Ngoài ra, cũng căn cứ vào cách suy nghĩ này, mỗi người sống với vai trò của mỗi người phải chăng là cách sống mang lại hạnh phúc chân thật?

Tuy nhiên, điều tôi trình bày ở trên không có nghĩa là phái nữ không nên ra ngoài xã hội làm việc. Như tôi đã trình bày ở đầu bài viết, việc số người nữ có nghề nghiệp đang tăng lên là điều rất có ý nghĩa. Gần đây, theo sự tiến bộ và đa dạng hóa của xã hội, các nghề nghiệp thích hợp với phái nữ, và loại nghề nghiệp chỉ có phái nữ mới có thể đảm nhiệm trở nên có nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng việc dành cho phái nữ đảm nhiệm các công việc, nghề nghiệp phát huy được các đặc tính của phái nữ cũng quan trọng đối với xã hội. Ngoài ra, từ ý nghĩa để cho phái nữ biết cụ thể nội dung thực tế của xã hội, có lẽ việc phái nữ làm việc ngoài xã hội trước khi kết hôn là một việc có ý nghĩa và nên có.

Do đó, tôi nghĩ rằng từ đây việc phái nữ ra ngoài xã hội làm việc cũng là điều tốt. Mỗi người cần phải biết đúng vai trò vốn nên đảm nhận của phái nữ và đánh giá thích đáng vai trò này.

Việc phái nữ vốn ở trong gia đình và gìn giữ gia đình là việc quan trọng; ý nghĩa của và trình độ quan trọng của công việc này cần phải được nhận thức thích đáng hơn trong toàn thể xã hội, và cần được đánh giá cao là việc cần thiết. Trên tiền đề này, tôi nghĩ việc phái nữ ra làm việc ngoài xã hội cần nên được khuyến khích.

Tôi nghĩ rằng nội dung tôi trình bày ở trên phải chăng cũng nhất trí với việc bình đẳng thực sự của nam nữ.

 

Nguyễn Sơn Hùng

4/5/2023

 

(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.

 

Nhận xét của người dịch

1. Bình đẳng của nam nữ là một vấn đề lớn và quan trọng. Tuy nhiên trong bài viết tác giả chỉ đề cập đến khía cạnh của công việc, nghề nghiệp. Về vai trò của phái nữ, người dịch nghĩ rằng ý kiến của tác giả đáng để chúng ta tham khảo để suy nghĩ xem xét thêm. Ý tưởng của tác giả Matsushita Kônosuke (1894~1989) trong bài viết tương tự như ý tưởng của Fukuzawa Yukichi 福沢諭吉 (1835~1901) trong tác phẩm Phúc Ông Trăm Truyện (4) được viết trước đó khoảng 60 năm. Do đó, chúng ta có thể suy đoán việc cải thiện vấn đề bình đẳng giữa nam nữ ở Nhật Bản tiến triển chậm. Đây có thể nói là một đặc điểm học.

Fukuzawa Yukichi nhận thức vai trò phụ nữ rất quan trọng nên ông cũng bỏ nhiều công sức để thúc đẩy việc sớm xây dựng các trường đại học dành riêng cho nữ phái.

Đối với vai trò của nam nữ, người dịch nghĩ rằng thông thường (5) tầm quan trọng của phái nữ cao hơn phái nam. Tại sao vậy? Bởi vì đối với thành đạt, hạnh phúc sau khi trưởng thành của con cái và sức khỏe của gia đình, ảnh hưởng của phái nữ (người mẹ hoặc người vợ) trong gia đình có thể nói là to lớn nhất . Ảnh hưởng của việc thành đạt của con cái thông qua giáo dục từ khi trẻ chào đời, không những chỉ xảy ra trong một đời của cái mà còn có ảnh hưởng đến nhiều đời sau, con cháu của con cái. Con cái chúng ta được giáo dục tốt, chúng sẽ biết nên giáo dục con cái chúng như thế nào. Theo ông Ifuka Masaru井深 大(1908~1997), cùng với ông Morita Akio 盛田 昭夫 (1920~1999) là người  sáng lập Sony, cho rằng giáo dục trẻ em từ trong bụng mẹ đến trước khi vào mẫu giáo rất quan trọng (6).

Sự an toàn và dinh dưỡng của thức ăn hàng ngày có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của gia đình và các thói quen ăn uống của trẻ em từ nhỏ có ảnh hưởng cả cuộc đời của chúng là điều quá rõ ràng thiết tưởng không cần phải nói thêm ở đây.

Sau khi xem xét các phương pháp giáo dục trẻ thành công trên thế giới, người dịch đưa đến kết luận rằng muốn xây dựng một quốc gia giàu mạnh không gì nhanh chóng và chắc chắn bằng kiến lập một nền giáo dục tốt dành cho phái nữ dạy và huấn luyện cho đầy đủ kiến thức về ăn uống, vệ sinh, sức khỏe, quản lý sinh kế gia đình, giáo dục con cái, cách tạo dựng gia đình ấm cúng hạnh phúc, hạnh phúc chân thật là gì ....

Phần lớn người nam Nhật Bản suốt ngày phải “đầu tắt mặt tối” với công việc (nhờ vậy kinh thế Nhật Bản mới khá) không có thời giờ trông nom việc học hành của con cái, tất cả đều do người mẹ (nhờ vậy mà Nhật Bản có nhiều nhân tài). Người mẹ nào biết trông nom con tốt thì con học giỏi, học trường tốt. Có những người mẹ muốn con học được tốt phải dời nhà đi. Vợ người dịch được may mắn làm quen được những người này và được họ hướng dẫn tận tình. Bản thân người dịch cũng giống như những người nam của Nhật Bản.

Kế tiếp, sự an toàn và dinh dưỡng của thức ăn hàng ngày có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của gia đình và các thói quen ăn uống của trẻ em từ nhỏ có ảnh hưởng cả cuộc đời của chúng là điều quá rõ ràng thiết tưởng không cần phải nói thêm. Không ít bệnh tật có nguyên nhân từ đồ ăn uống và thói quen ăn uống. 

Nói như trên không có nghĩa ảnh hưởng của người cha không có đối với con cái. Trong tác phẩm “Điều Quan Trọng của Bậc làm Cha Mẹ là gì?” “ (2010), Matsushita Kônosuke viết “Để dạy dỗ tốt cho con cái, bậc cha mẹ trước hết cần phải xác lập rõ ràng nhân sinh quan của mình.” Đầu bài viết “Thế Nào là Người Cha?” trong tác phẩm “Nhân Sinh Đàm Nghĩa” (1990) ông viết đại ý như sau “Về vấn đề trẻ em phạm pháp hoặc ăn hiếp người khác thường do không có mặt của người cha trong gia đình. Vai trò của người cha trong việc giáo dục con cái quả thật lớn!”

Bản thân của người dịch, trừ những cuối tuần và ngày lễ ít khi dự buổi cơm chiều với con cái trong thời kỳ làm việc!

 

   2. Trong tình trạng giới trẻ hiện nay có khuynh hướng thích sống độc thân suốt cả đời hoặc không thích có con, bài viết có giá trị tham khảo ở chỗ gợi ý cho chúng ta trở về căn bản của vấn đề: thế nào là bình đẳng thật sự. Trở lại cơ sở từ đầu của vấn đề thường giúp chúng ta thấy rõ đâu là vấn đề và từ đó dễ tìm ra phương pháp thích hợp để giải quyết.

Tác giả đúng khi nói “sống hợp với đặc tính con người của bản thân mới hạnh phúc”. Tuy nhiên, điều mà người dịch mong mỏi giới trẻ nên lưu ý là một khi chúng ta sống trong xã hội, đồng thời với việc chúng ta có quyền chọn lựa cách sống chúng ta thích nhưng chúng ta cũng cần nghĩ tới bổn phận, trách nhiệm của chúng ta đối với xã hội. Bởi vì nhờ hiệp lực của các thành viên trong xã hội chúng ta mới có thể sống theo cách sống chúng ta thích. Nghĩa là nên nghĩ đến cả quyền lợi và bổn phận, nếu không chúng ta sẽ trở thành con người rất ích kỷ.

Có những điều ban đầu chúng ta không thích, có lý do làm cho chúng ta không thích. Nhưng chúng ta thử ra sức tập luyện, tu dưỡng thử một thời gian, và xem xét nguyên nhân không thích, không tiến bộ ở đâu và thử cải thiện. Sự cố gắng, kiên trì thường giúp chúng ta nâng cao được sức mạnh tinh thần mà các sách xưa thường gọi là khí , trừu tượng khó hiểu.

 

Nguyễn Sơn Hùng

Viết xong 5/5/2023

 

Ghi chú

(1) Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.

(2) Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.

(3) Trong nguyên tác, tác giả dùng từ trị nên ở đây dịch là quản trị thay vì quản lý.

(4) Fukuzawa Yukichi (1897): “Nam Trọng Nữ Khinh ở Nhật Bản Chỉ là Hình Thức Bên Ngoài”, truyện số 36 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện”.

https://www.erct.com/2-ThoVan/N-Son-Hung/36-Nam-trong-Nu-khinh.htm

Truyện số 24: “Vợ Chồng Nên Kính Trọng Lẫn Nhau”

https://www.erct.com/2-ThoVan/N-Son-Hung/24-Vo-chong.htm

Truyện số 7TT: “Một Gia Đình Văn Minh Phải là Một Tập Hợp của Những Người Bạn Thân”

https://www.erct.com/2-ThoVan/N-Son-Hung/07-Mot-gia-dinh-van-minh.htm

(5) Ngoài “thông thường” là những người nam có thành quả to lớn giúp ích nhiều cho xã hội.

(6) Ifuka Masaru (1971): “Chờ Đến Mẫu Giáo là Quá Trễ”.

11/16/23

Thanksgiving 2023 in the USA: on Thursday November 23rd.

Ngày lễ tạ ơn năm 2023 rơi vào ngày 23 tháng 11. Đây là ngày lễ quốc gia được tổ chức trên khắp Hoa Kỳ và đánh dấu sự bắt đầu của kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới.

.

11/12/23

Nhìn Lại Tài Tử Kim Vui - Điện ảnh miền Nam trước 1975

 


Khi nhắc về những mỹ nhân tuyệt sắc của nền điện ảnh miền Nam trước 1975, nhiều người không thể quên được tài tử Kim Vui, người được mệnh danh là một “Elizabeth Taylor của Việt Nam.”

Nếu nói về vẻ đẹp “bốc lửa” nhất của các minh tinh điện ảnh Sài Gòn thì người được cho là nóng bỏng nhất chính là tải tử điện ảnh Kim Vui, cũng là người phụ nữ Miền Nam Việt Nam đầu tiên mặc “bikini” xuất hiện trên màn ảnh lớn. Kim Vui đóng phim không nhiều. Cả sự nghiệp điện ảnh của cô chỉ xuất hiện trong một vài cuốn phim nên chưa có thể sánh với những minh tinh danh tiếng như Kiều Chinh, Thẩm Thuý Hằng, Thanh Nga hay Kim Cương. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Lâm, thì chỉ cần một vai nữ ca sĩ nhạc “Jazz” luỵ tình trong phim “Chân Trời Tím” xuất hiện bên cạnh Hùng Cường, tên tuổi của Kim Vui đã toả sáng rực rỡ.

Kim Vui đã đoạt giải nữ diễn viên 
xuất sắc nhất của giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 1970 của phủ Tổng thống tổ chức, và đích thân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã trao tặng Kim Vui tượng vàng trong đêm liên hoan trao giải tại dinh Độc Lập.

Kim Vui có một nhan sắc và thân hình quyến rũ và cũng được so sánh với cô đào khả ái người Ý là Sophia Loren. Giới ký giả Sài Gòn cũng gọi Kim Vui là “Người phụ nữ hấp dẫn nhất của Sài Gòn thập niên 60-70.”

Theo tác giả Lê Hồng Lâm ghi lại trong cuốn sách biên khảo 
mang tựa đề “Người Tình Không Chân Dung,” thì nghệ sĩ Kim Vui có tên khai sinh là Nguyệt Chiếu (tức mặt trăng toả sáng) – một cái tên rất hay và ý nghĩa. Vì cha mẹ cô sống với nhau không hạnh phúc nên gia đình lâm vào khó khăn và Kim Vui phải đi làm và bước chân vào lĩnh vực giải trí rất sớm. Từ khi cón nhỏ, Kim Vui bắt đầu theo học với cố nghệ sĩ Ngọc Đức, và Kim Vui cũng được học môn vũ “Ballet.” Sau đó Kim Vui được danh ca Minh Trang khuyến khích đi hát. Minh Trang cũng là người đặt cho cô nghệ danh là Kim Vui, với mong muốn là cuộc đời sẽ luôn gặp suôn sẻ, nhiều niềm vui. Tuy vậy, Kim Vui lại thừa nhận:

“Cuộc đời của tôi lại buồn nhiều hơn vui.” 

Vì học vũ “Ballet” từ nhỏ, rồi sau đó chuyển sang “Belly Dance” nên thời trẻ Kim Vui đã có được một vóc dáng gợi cảm và quyến rũ. Năm 17 tuổi, cô tham gia cuộc thi hát ở đài Pháp Á và sau đó được giám đốc là ông Hoàng Cao Tăng mời hợp tác với đài. Cô chính thức trở thành ca sĩ và nhanh chóng nổi tiếng.

Ngoài hát nhạc Việt. Kim Vui còn hát nhạc Anh, Pháp, Ý. Mỗi tối đi diễn ở 10-12 phòng trà khác nhau, tên tuổi Kim Vui nổi lên như một hiện tượng đợt sóng mới của tân nhạc.

Về giọng hát của Kim Vui, nhà văn Hồ Trường An nhận xét:
“Kim Vui có giọng tốt, làn hơi mượt mà, kỹ thuật già dặn, cách ngân nga tuyệt vời. Đó là một giọng hát trong trẻo, thanh tao.”Có lẽ trong hàng ngũ các nữ ca sĩ, các nữ kịch sĩ, các nữ minh tinh màn bạc, Kim Vui đẹp bốc lửa nhất và đa tài đa diện nhất.”

Nhà văn Hồ Trường An cũng nói về ngoại hình của cô như sau:
“Kim Vui mặc áo dài thì áo dài phải mang ơn chị, vì nhờ chị mà áo mới đạt được cái đẹp trong công việc nâng ngực bó eo người mặc, với lồng lộng những nét tròn mê hoặc. Kim Vui mặc áo đầm hở vai mầu đỏ, và mang găng đen dài quá khửu tay, trông chị bốc lửa như Rita Hayworth trong phim Gilda.”

Từ sau lĩnh vực ca hát, Kim Vui bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực sân khấu và điện ảnh, tuy có hơi muộn. Ban đầu cô đóng một vài vai phụ trong những vở thoại kịch của đoàn kịch Kim Cương, nhưng không để lại nhiều ấn tượng. Đến cuối thập niên 1960, Kim Vui mới thử sức với lĩnh vực điện ảnh trong các bộ phim

“Thương Hận,” “Phản Bội,” “Cúi Mặt”… nhưng vẫn không để lại nhiều tiếng tăm. Một cơ may đến với Kim Vui khi cô được đạo diễn Lê Hoàng Hoa mời đóng vai chính trong phim “Chân Trời Tím” cùng với Hùng Cường. Có người nói rằng ban đầu đạo diễn đã mời Thẩm Thuý Hằng, nhưng người đẹp này từ chối vì không muốn đóng chung với một kép cải lương là Hùng Cường, nên Kim Vui được chọn để thay thế. Cũng từ bộ phim này, Hùng Cường và Kim Vui đều trở thành một hiện tượng mới rất rầm rộ trong làng điện ảnh Miền Nam đầu thập niên 1970.

Trong phim “Chân Trời Tím,” dù thời lượng của Kim Vui xuất hiện trong phim không nhiều bằng Hùng Cường, nhưng cô lại nhận được nhiều lời khen ngợi hơn do lối diễn xuất tự nhiên và chân thật. Một điều thú vị là Kim Vui và Hùng Cường từng là bạn học trường đạo từ thuở còn nhỏ. Phim “Chân Trời Tím” khởi chiếu năm 1970 và gây nên một cơn sốt với số vé vào cửa bán được rất hiếm có tại Miền Nam.

Tuy nhiên sau thành công với phim này, Kim Vui lại giã từ điện ảnh vì bận việc kinh doanh. Lúc đó cô phải lo lắng cho những người con đang tuổi ăn học nên không có thời gian quan tâm đến sự nghiệp riêng. Không như phần lớn ca sĩ hay minh tinh tài tử khác trong làng nghệ thuật, thu nhập chủ yếu từ ca hát và diễn xuất, thì Kim Vui rất giỏi trong việc kinh doanh. Vừa là mẹ đơn thân lo cho con, lại phải lo kinh doanh cho hãng thu thanh riêng mang tên Kim Vui và cả công việc ở nhà in. Cô đành từ chối các lời mời đóng phim. Ngoài ra, trong cùng năm 1971, Kim Vui lên xe hoa lần thứ 2 cùng với một người Mỹ tên là Robert E. Henry. Năm 1972, Kim Vui theo chồng sang sinh sống và kinh doanh ở đảo Guam; Ở đây thỉnh thoảng cô cũng đi hát ở một vài “Night Club” cho đỡ nhớ nghề, nhưng cũng chỉ là công việc văn nghệ cho vui.

Sau tháng 4 năm 1975, Kim Vui chuyển sang sinh sống tại Mỹ, rồi sang châu Phi kinh doanh, làm chủ một hãng xuất nhập cảng gỗ. Cô nói rằng phải bận rộn công việc kinh doanh như vậy vì muốn lo cho con cái thành đạt:
“Tôi kiếm được rất nhiều tiền nhưng cũng rất gian khổ. Đàn bà có lẽ không ai muốn làm như vậy cả, nhưng vì con cái thì khổ mấy tôi cũng không từ nan…”

(Kim Vui – Trích trong cuốn “Người Tình Không Chân Dung” – tác giả Lê Hồng Lâm)

11/10/23

Tiết Trọng Thu - Cúc Hoa

 




Cúc Hoa
Huyền Quang

菊 花

忘 身 忘 世 已 都 忘
坐 久 茫 然 一 塌 涼
歲 晚 山 中 無 歷 日
菊 花 開 處 即 重 陽

玄光禪師

Cúc Hoa

Vong thân vong thế dĩ đô vong
Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương
Tuế vãn sơn trung vô tích nhật
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương

Huyền Quang Thiền Sư (1)



Bản dịch của Trần Quốc Bảo

Cúc Hoa

Không thân không thế ấy không lường
Ngồi lạnh trầm tư giữa một giường
Trong núi năm cùng ngày chẳng biết
Cúc hoa nở, báo tiết Trùng dương (2)

Trần Quốc Bảo


(1) Huyền Quang là một Vị Cao Tăng (Thiền Sư). Sinh thời vào đời Nhà Trần (1225-1400) - Sư người làng Vạn-tải, đất Vũ-Ninh (nay là Gia-bình, Bắc-Ninh), lên 9 tuổi đã biết làm thơ văn. 19 tuổi đi tu. Sư Huyền Quang là Tổ thứ 3 của Phái Trúc-lâm ở nước ta.
(2) Trùng dương là ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch (còn gọi là Trùng cửu).
Năm nay, ngày Trùng dương, 9/9 ; nhằm (dương lịch) ngày 23 October 2023 mới vừa qua.