9/5/20

Người Da Đen trên đất Mỹ...



Đoản Kiếm 30-8-2020

Người Việt chỉ định cư ở Mỹ chủ yếu từ 1975 đến nay, khi mà nước Mỹ đã định hình là một quốc gia phát triển và có luật pháp rõ ràng. Chúng ta, những người đến sau, thừa hưởng tất cả những gì mà những người Mỹ các thế hệ trước đã đấu tranh, xây dựng và phát triển!

Đa số người Việt ở Mỹ thế hệ lớn tuổi không biết nhiều về lịch sử Mỹ thường có thiên kiến kỳ thị những dân tộc thiểu số mặc dù chính họ cũng chỉ là một cộng đồng thiểu số! Lớp trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ thường có cái nhìn khác hơn vì chúng nó bị “đầu độc” từ sách vở, lịch sử, và nhân văn nên chúng nó không có suy nghĩ như cha ông chúng nó!


Trước khi nói chuyện về người da đen mà đa số dân Việt Nam lớn tuổi gọi là “mọi”, chúng ta hãy lướt qua lịch sử nước Mỹ một chút. Hãy cùng nhau quay về hơn 500 năm trước… Trước khi Columbus đến Mỹ, nước Mỹ chỉ có một giống người! Họ khá giống với người châu Á, đó là Native Americans hay còn gọi là thổ dân da đỏ! Ước tính có khoảng 10 triệu thổ dân da đỏ sinh sống trên vùng đất của nước Mỹ ngày nay.

Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, sau khi Columbus “khám phá” ra châu Mỹ, dân số thổ dân bị ảnh hưởng nặng vì bệnh tật do người châu Âu mang sang. Những căn bệnh như sởi và đậu mùa đã giết chết phần đông người da đỏ. Dân số của thổ dân từ 10 triệu xuống chỉ còn 600,000 vào năm 1800! và tiếp tục rớt xuống chỉ còn vỏn vẹn 250,000 những năm 1890s.

Điều tréo ngoe là mặc dù tổ tiên họ hàng bao nhiêu đời đều sinh ra trên nước Mỹ, họ không được coi là American citizens … Nước Mỹ là của người da trắng! Mãi cho đến năm 1924 mới có luật công nhận thổ dân da đỏ là người Mỹ do Tổng Thống Coolidge ký!


Những người học lịch sử Mỹ hay ít ra đọc qua lịch sử nước Mỹ dễ dàng thấy được sự đối xử của người da trắng thượng đẳng với những người thổ dân Mỹ như thế nào. Cao điểm là 1830, với luật Indian Removal Act, người da đỏ bị lùa đi khỏi nơi đang cư ngụ vào những khu đất cằn cỗi nhất mà người da trắng dành riêng cho họ! Những “Con đường nước mắt” (Trail of Tears) đưa hàng chục ngàn người da đỏ rời khỏi nơi sinh sống, đi về những miền đất chết! Hàng ngàn người da đỏ đã chết trên đường trước khi tới được những khu định cư khô cằn sỏi đá đó!

Có lẽ chúng ta không bao giờ biết được cái khổ đau tột cùng mà người da đỏ phải gánh chịu để có nước Mỹ hôm nay. Ở trong những khu vực khô cằn này, người da đỏ chỉ sống bằng săn bắn, hái lượm và trồng trọt thô sơ… Cho nên trong khi bên ngoài những khu reservations dành cho họ, người Mỹ da trắng có thể phát triển những đồn điền màu mỡ, trù phú, xây dựng đường sắt, nhà máy… nhưng người da đỏ vẫn bị bỏ rơi bên trong những khu “reservations” của họ.

Đến năm 1924 người da đỏ mới được công nhận là người Mỹ, và mãi cho đến thời Tổng Thống Johnson 1968, mới có chính sách giúp đỡ họ! Phải mất mấy trăm năm máu và nước mắt, người da đỏ mới có được vị trí và tiếng nói trong cộng đồng nước Mỹ!


Giống người thứ hai hay bị kỳ thị ở Mỹ là dân da đen. Họ đã đến Mỹ như thế nào?

Năm 1619, 20 người da đen Châu Phi đầu tiên tự nguyện đến Mỹ để làm mướn cho những người da trắng ở Virginia. Họ không phải là nô lệ. Nhưng 42 năm sau, năm 1661, vì nhu cầu lao động, người Mỹ bắt đầu mua nô lệ từ châu Phi sang. Hàng trăm ngàn người da đen bị bắt từ châu Phi đem bán cho những chủ trang trại ở Mỹ. Họ bị coi là những món hàng, những con thú, bị tách khỏi gia đình, bị đánh đập, bạc đãi, tra tấn… hoàn toàn như những con vật!

Không có ngôn ngữ nào có thể kể hết hay diễn đạt được những mất mát đau thương mà người da đen nô lệ đã trải qua. Bạn và tôi đã từng bị bạc đãi bởi Việt Cộng. Chúng ta hay kể lể về kinh tế mới, về tù cải tạo, về đánh tư sản… Nhưng những thứ mà chúng ta đã trải qua dưới chế độ cộng sản Việt Nam đó, xin lỗi, chẳng là gì so với những gì người nô lệ đã trải qua đâu!

Khi tầng lớp tinh hoa quý tộc da trắng Mỹ đánh bại thực dân Anh, lập ra nước Mỹ và viết ra Tuyên ngôn độc lập năm 1776 cùng với Hiến Pháp Mỹ sau đó. Họ đã viết những dòng chữ đầy nhân văn, tiến bộ, và hoàn toàn đúng đắn: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hoá ban cho họ một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Nhưng trong suy nghĩ của họ, điều đó chỉ áp dụng cho người da trắng! Người da đen là nô lệ và các sắc tộc khác đều không phải là người! Những sắc tộc “colored” không được bình đẳng và không có các quyền tự do được ghi trên hiến pháp.


May mắn là một bộ phận khá lớn người da trắng ở miền Bắc đã dần dần nhận ra được điều đó. Họ đánh giá cao giá trị con người ở người da đen và họ ủng hộ người da đen được quyền tự do, ủng hộ xoá bỏ nô lệ… Chế độ nô lệ được chính thức xoá sổ năm 1866, sau nội chiến Nam Bắc.

Tuy nhiên, sau nội chiến, mặc dù không còn là nô lệ, nhưng người da đen vẫn chưa phải là người! Họ vẫn nghèo tay trắng, đi làm công cho các chủ đồn điền và… bị bóc lột. Họ không có quyền bầu cử. Họ không được dùng chung trường học, cầu tiêu công cộng hay xe bus với người da trắng. Nói chung, họ vẫn bị đối xử như những công dân loại hai. Phần đông sống trong đói nghèo và bị kỳ thị. Những nhóm “thượng đẳng da trắng” như KKK coi họ như những con vật và thực hiện những vụ giết chóc đẫm máu… Người da đen đã phải đứng lên đấu tranh để chống lại sự kỳ thị.

Không lâu trước khi người Việt Nam đặt chân lên nước Mỹ, người da đen vẫn chưa có quyền bầu cử! Mãi đến năm 1965, luật Voting Act mới cho người da đen được quyền bầu cử! Chỉ 7 năm trước khi người Việt đến Mỹ, người da đen vẫn còn phải biểu tình đòi quyền bình đẳng và những lãnh tụ của họ vẫn bị giết. Năm 1965, một nhà lãnh đạo của dân da đen Malcom X. bị bắn chết. Năm 1968, Dr. Martin Luther King Jr., nhà lãnh đạo của phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người da đen, nhà hùng biện số một của nước Mỹ, đã bị đám “thượng đẳng da trắng” bắn chết… Hiện nay, người da đen vẫn còn tiếp tục đấu tranh chống tệ nạn kỳ thị chủng tộc.

Tôi đã từng làm việc với nhiều người, nhiều màu da khác nhau, cả da đen và da đỏ. Không có sự khác biệt giữa năng lực của con người khác màu da! Sở dĩ cộng đồng da đen vẫn thua sút hơn những cộng đồng khác vì sự khởi đầu của họ trên nước Mỹ không giống ai, ngay cả so với những người Việt đến sau… Họ đến nước Mỹ trên những thuyền buôn nô lệ, như những con vật. Họ bị mua bán như những món hàng.

Những thế hệ sau mặc dù được gọi là tự do nhưng vẫn sống trong đói nghèo, không được đi học, không có việc làm… Họ lẩn quẩn trong những khu ghettos (khu ổ chuột) đầy băng đảng và tội phạm. Một số ít trong cộng đồng da đen đã dần dần buớc ra khỏi cái vòng lẩn quẩn đói nghèo, tội phạm… nhưng số đông vẫn còn tiếp tục trong cái vòng tròn nghèo khốn đó. Không đi học, không công việc, không thu nhập… con cái lại tiếp tục bỏ học, lại không thu nhập, lại tham gia tội phạm…

Trước khi mở miệng chửi những người da đen là mọi, bạn hãy nhìn lại một cách công bằng nguyên nhân vì sao như vậy? Nếu có sự khởi đầu tốt, người da đen không thua kém gì các sắc tộc khác cả. Nhiều người trong số họ vẫn là những trí thức đầu ngành! Từ y khoa, kinh tế hay thậm chí là Toán học! Chưa kể người da đen rất có năng khiếu trong âm nhạc và thể thao!

Đa đen, da đỏ, hay người Mỹ La tinh mà dân Việt Nam hay gọi là Xì đều là người. Họ không thua kém gì dân Việt Nam cả! Đừng kỳ thị họ như những người da trắng đã làm vì chính chúng ta, những người da vàng mũi tẹt cũng là một cộng đồng thiểu số. Chúng ta đang hưởng lợi từ những phong trào đấu tranh đòi quyền lợi của người da đen đấy! Mà thậm chí so với những sắc dân châu Á khác ở Mỹ thì dân Việt Nam vẫn còn trong nhóm lẹt đẹt… đi sau. Nếu cứ căn cứ vào thu nhập hay trình độ để kỳ thị thì dân gốc Việt cũng đáng bị kỳ thị vậy!!! Số người da trắng tự cho họ là “thượng đẳng” không phải là đa số nhưng cũng khá đông. Với đám người này thì da đen, da đỏ hay da vàng, da nâu gì cũng là đồ hạng hai!

Nếu như nước Mỹ vẫn như thời 1968 về trước, khi xe bus chỉ dành riêng ghế cho người da trắng, tôi và bạn và những người da đen chỉ được đứng phía sau… Nếu không có những luật chế tài để bắt buộc các công ty phải thuê người thiểu số, thì chúng ta, những người da vàng định cư sẽ đang làm việc gì? Hái lượm hay chăn bò?

Người da đen không có ngu đâu! Họ cũng không muốn sống trong đói nghèo đâu! Họ [bị] như vậy là do một quá trình lâu dài họ bị phân biệt đối xử. Hãy thông cảm và thương yêu họ hơn. Đừng mạt sát họ. Chuyện police có ác cảm với người da đen là chuyện có thật! Tất nhiên không phải nhân viên công lực nào cũng có óc phân biệt chủng tộc, nhưng có khá nhiều những cá thể trong số họ vẫn mang nặng tính phân biệt chủng tộc.

Hãy cứ nhắm mắt lại và tưởng tượng là da bạn đen như họ, bạn sẽ như thế nào?

9/4/20

Đấu trường giữa voi và hổ dưới triều Nguyễn

Thằng Mất Gốc



Thằng Mất Gốc

Võ Phú

Ông Toán sững sờ đứng lặng người khi nghe thằng Tony, con trai ông, nói như thét:
– Mấy người lúc nào cũng nói muốn cám ơn nước Mỹ mà cứ lợi dụng kẽ hở để moi tiền nước Mỹ. Ơn gì mà ơn… Ơn tiền thì có.
Nói xong, Tony mở cửa đi thẳng ra sau vườn. Cậu đóng rầm cánh cửa…

Cơn gió nhẹ thổi qua. Hơi mát của những ngày cuối xuân vẫn còn quanh quẩn đâu đây, nhưng nỗi bực dọc trong người Tony vẫn chưa nguôi. Câu nói của đứa em gái còn văng vẳng bên tai về việc đi làm rồi mà vẫn còn xin thêm tiền trợ cấp thất nghiệp.

Ở trong nhà, ông Toán mặt ông phừng phừng cơn giận. Ông muốn chạy ra ngoài vườn đá cho cái thằng con mất gốc này một cái. Nếu ông còn ở Việt Nam, dám có thể ông cầm rựa chém nó một phát vì cái tội hỗn hào, không coi ông ra gì.

Định tỉnh thần hôn - 定省晨昏

Cher T,

Tôi rất cảm kích bạn đã có nhã ý mời tôi uống café, ăn cơm Tây, uống rượu Pháp nếu tôi có mặt hoặc sẽ có mặt một ngày nào đó ở Paris. Thật là ấm lòng trước tâm tình tri kỷ quý hiếm của một người bạn từ phương trời Âu xa thẳm..

Hồi đầu thế kỷ XX, trước “một trà một rượu một đàn bà”, Tú Xương đã thẳng thừng chừa trà và rượu. Còn phần tôi, nếu được lựa chọn một cà, một ăn, một nhậu, chắc là tôi sẽ không từ khước món nào cả, nhất là ẩm thực Pháp xưa nay luôn là hàng đầu của thế giới. Trong số các dieux gréco-romains, hai thần tượng của tôi là... Ambrosia và Bacchus! Hì hì!

Chậm trả lời cho Thông vì suốt hai tuần qua “Cách Mạng Tháng Tám” (!?) vẫn còn đè nặng tâm can! 
Mặt khác, tôi cũng như toàn thể các bạn Thụ Nhân đang quan tâm theo dõi tình trạng sức khỏe của Giáo sư Vũ Quốc Thúc do Thông chuyển đạt. Cảm động biết bao khi thấy bạn cúc cung tận tụy dành cho người Thầy khả kính của Trường Chánh Trị Kinh Doanh. Chắc chắn các anh chị em TN ai ai cũng đều khâm phục trước sự hết lòng hết dạ của người học trò ưu tú. Viết đến đây, tôi không thể nào quên hai câu thơ trong Minh Kinh mà tôi rất thích :

“Định tỉnh thần hôn, thượng khủng hữu di hữu khuyết,
Thừa thị trú dạ, tu tri nhất hỷ nhất ưu”
(Thăm viếng sớm chiều, sợ có chỗ còn thiếu còn sót,
Châu hầu ngày tối, nên biết khi đáng mừng đáng lo).
Cảm ơn bạn đã thăm viếng Thầy để cho anh chị em TN biết khi đáng mừng đáng lo...


Được Thông đãi café thơm, cơm Tây ngon, rượu Pháp quý thì còn gì sung sướng bằng! Tôi mường tượng là mình đang ngồi ở Terrasses des Champs-Élysées, khu Bistrots Pigalle (Ah, le bistrot Paul Bert!), hay Phố ẩm thực Quartier Latin, .... là đủ thú vị rồi!

Cảm ơn bạn đã nhiều lần mời 3C Cận Cường Chỉ nguyên chai rượu Bordeaux. 
Quân tại Âu Châu đầu,
Ngã tại Úc Châu vĩ,
Tương tư bất tương kiến.
Đồng ẩm Bordeaux tửu!

Hoài Thanh & Hoài Chân có viết : “Nếu phương Bắc có Lý Bạch thì trời Nam ta có Tản Đà”. Bạn đã nhắc tới Tản Đà trong bài “Thơ Rượu”, tôi xin mạn phép nhại vài dòng thơ “Tương Tiến Tửu” của Thi Tiên Lý Bạch để chuyển lên bàn rượu :
通 夫 子
近 強 生
進 酒 君 幕 停
Thông phu-tử,
Cận Cường sinh,
Tiến tửu quân mạc đình!
Santé Thông, Santé Cận, Santé Cường,
Tương tiến tửu! Dzô!
SeeCiTy Sydney..

9/3/20

Tôi Viếng Tang Tôi


Dạo:

Nhìn quan tài dạ nao nao,
Hồn đây xác đấy cái nào là tôi?
Cóc cuối tuần:

Tôi Viếng Tang Tôi

(Cuối tuần vừa qua chúng tôi có dịp đi dự mấy
đám tang. Nhìn quan tài của người quá cố, lòng
lẩn thẩn tự hỏi rằng nếu chính mình đang nằm
trong mấy tấm ván đó thì mình sẽ có cảm nghĩ
gì. Xin được ghi lại vài ý tưởng vớ vẩn lúc ấy)

Tôi ghé nhà quàn viếng xác tôi,
Nhìn quan tài mở, dạ bồi hồi,
Cánh bèo theo sóng đời xuôi ngược,
Đã đến cuối dòng nước nổi trôi.

9/2/20

Belarus và Bielorussia: Vì sao hai quốc hiệu cho một quốc gia ?

Quan hệ Nga - phương Tây căng thẳng với khủng hoảng chính trị bùng lên tại một nước Cộng hòa Liên Xô cũ, tháng 8/2020. Belarus hay Bielorussia, quốc gia bé nhỏ 9 triệu dân, đang trở thành tâm điểm thời sự. Khủng hoảng sẽ đi về đâu? Trả lời câu hỏi vì sao quốc gia này cùng lúc mang hai quốc hiệu, mỗi quốc hiệu có ý nghĩa gì, có thể giúp soi tỏ phần nào bí ẩn bao trùm cuộc phản kháng xã hội vốn được coi là không ngả theo phương Tây, cũng không chống Nga.

Cảnh giác với quốc hiệu « Bielorussia »

Nghe phần âm Thanh:


Trọng Thành (RFI)