5/15/23

Small BIRDS 8K ULTRA HD with Names and Sounds


Sáng nay một buổi đẹp trời
Mới vừa thức dậy được mời xem "chim"
Người mời là Thạch lai KIM
Nhưng mạng trục trặc nên tìm không ra
Chim gì...lớn nhỏ vậy ta ?
Bạn nào có được ...phô ra cho nhìn
Để Hàn khỏi mất công tìm...   CÁM ƠN !!!

HS Phan

Họa bài Small birds khó ơi là khó!

Chợt nhớ chị bạn hàng xóm sáng nào cũng gọi mời những người có nuôi chim cùng tắm chim, xí Xô xí xào “tám” hàng giờ mỗi sáng .


“ TẮM CHIM “

Sáng sớm lười dậy quá Trời

Mà chị hàng xóm gọi mời: “Tắm chim”

Chị người Hoa, tên Lìn Kim

Chim chị nhỏ xíu cố tìm lối ra

Chim gì hót quá vậy ta?

Hót hay, lông đẹp…ai qua cũng nhìn

Chiều bạn mình xách chim mình

Ra sân cùng bạn thân tình “tắm chim”.

Quế Thi ơi! sao im lìm?

Mau mang chim đến, bạn hiền ngắm chơi! 


Thanh 🌹Tuyền


Xin gởi mấy câu... góp lời với Cụ CHỈ khen ngợi Nữ Sĩ Sydney về nghệ thuật “ TẮM CHIM

“ TẮM CHIM “

Nữ  sĩ  Syd-ney  thật  tài  ghê
Nghệ thuật “Tắm chim” trổ ngón nghề
Chim bé, chim to  vò  mải  miết
Lông dài, lông ngắn vuốt mân mê
Nước mát ngâm mình còn ngọ nguậy
Khăn dày phủ kín lại nằm phê
Sư Mẩu”XUÂN HƯƠNG” mà biết được
Phục lăn hậu duệ giỏi tay nghề.

HÀN SĨ

Vần thơ Hàn Sĩ thật hay ghê

Chỉ có “tắm chim” cũng gọi nghề

Xối nhẹ nước chứ cần chi mải miết

Chim khôn nào chẳng thích được mân mê

Chưa ngủ là còn hay ngọ nguậy

Tắm mát lim dim thẳng cẳng… phê 

Mai nầy xin nhận cho tui được

Học ghép vần thơ trau chuốt nghề.


Thanh 🌹Tuyền

Tui hay có tật sáng thức dậy chưa xuống ngay mà còn nán lại tìm xem có gì gợi hứng để làm luôn trên giường... bài họa qua cell phone.  
Chỉ là tập tành chọn chữ ghép vần cho vui và hy vọng làm chậm lú lẫn thôi. 
Sáng ngày 15/5 tui chộp được bài của bạn già họ Phan là chỗ thân tình nên cũng dễ "tương ý" và dễ mạnh miệng.
Ngặt một nỗi họa rồi xem lại thấy có phần "mặn" nên còn ngần ngại.

Sau khi xem bài họa của nữ sĩ Sydney thì ngộ ra độ "mặn" của mình chẳng là gì.
Xin góp vui và tặng bạn già họ Phan. 





NN Quế Chim khoe chimĐây là 2 con Budgies Yên phụng nuôi hơn 1 năm 🎧 rất thoải mái tự do ở trong nhà và chán “ ngoại cảnh “ thì bay vào “ nội thật của tụi nó.

********

CHIM “ KHỦNG “

Vừa nhìn thấy CHIM Quế ống loa
Giật mình xém ngã xuống sàn nhà :
Cứ tưởng hung thần trùm khủng bố,
Hay là sứ giả  Ma- phi- A ?
Ban ngày... ngó thấy còn rờn rợn,
Đêm đến … sờ nhằm…Ú Ớ la !
Chim nầy mà quậy thôi hết biết ?
Lông ắt văng tùm lum… tà la !!!

                                        HÀN SĨ

MỒ CÔI

Chỉ vài ba hàng chữ và một tấm hình...
Làm cho lòng người phải tê tái, xót xa, ngậm ngùi...



Ba mất.

Mẹ nó sợ tuổi xuân trôi qua uổng phí, đi bước nữa.
Nó về ở với Nội.

Nội già. Nó làm tất cả.


Nó giống người Châu Phi – đen trùi trũi!

Có người hỏi: "Mày có buồn không?".

Nó yên lặng nhìn xa xăm...



Một chiều, nó dẫn về một con bé, nhỏ hơn.

Nội nhìn nó ngạc nhiên...

Nó ngậm ngùi: Con còn có Nội - nó chẳng còn ai.....!

5/14/23

HÓA THÂN MẸ.



Hoá thân Mẹ vào Xuân,
Là hoa tươi cỏ biếc,
Nẻo đường con đi qua,
Ngập tràn hương phấn lạ.

Hoá thân Mẹ vào Hè,
Là nắng vàng rực rỡ,
Những phương trời rộng mở,
Xanh lòng con ước mơ.

Hoá thân Mẹ vào Thu,
Là mây ngàn phiêu lãng,
Theo gió hiền thoang thoảng,
Êm ái muôn lời ru.

Hoá thân Mẹ vào Đông,
Là một miền yên ấm,
Cho con về trông mong,
Vòng tay thơm giấc ngủ.

Hoá thân Mẹ vào đời,
Là yêu thương ấp ủ,
Buồng tim con bé nhỏ,
Vơi đi bao sầu lo.

Hoá thân vào thời gian,
Thiêng liêng từng khoảnh khắc,
Mẹ là hoa bất tử,
Lộng lẫy những trang thơ…

Nguyễn Đức Cường K7
Hướng về Mùa Lễ Mẹ 2023

5/11/23

Nắm Và Buông

Sách vở cổ kim đều khuyên chúng ta buông xả, cho rằng buông là tự do, là hạnh phúc, là siêu thoát v.v... Tôi cũng biết phải buông xả, nhưng nhiều khi rất muốn buông sao cứ buông không được. Gần đây tôi đọc “Trang Tử”, Trang Tử cũng khuyên chúng ta buông. Nhưng lần này tôi lại đọc được một vài ý nghĩa hơi khác với lúc trước.

Chương "Đạt Sinh" (達生) trong “Trang Tử ngoại biên)” đề cập đến cuộc đàm thoại giữa Khổng Tử và Nhan Hồi. Một lần, Nhan Hồi hỏi Khổng Tử: Thưa thầy, ngày nọ đệ tử qua đò trên đoạn sông sâu nước chảy xiết, đệ tử rất khâm phục sự khéo léo và thông thạo của người lái đò. Đệ tử có hỏi ông lái đò làm thế nào để biết được cách lái đò? ông lái đò nói nếu biết bơi lội rồi thì rất dễ cho việc học lái đò. Thưa thầy tại sao vậy? Khổng Tử trả lời, là vì họ không sợ nước. Những người biết bơi lội có bản năng thích ứng với nước, họ bơi trong nước tựa như đi bộ trên cạn. Cho nên họ rất thong dong tự tại với sông nước. Bất luận đối mặt với dòng sông cuồn cuộn, gió mạnh sóng to hay bất cứ tình huống nguy hiểm nào, cũng không làm rối loạn nội tâm của họ. Từ đó Khổng Tử dẫn bày ra một triết lý: Phàm nội trọng giả nội chuyết (凢外重者内拙). Có nghĩa là con người sẽ trở nên đần độn vụng về nếu nội tâm dính mắc với vật thể bên ngoài.


Lúc đầu tôi đọc thoáng qua câu chuyện này, nghĩ rằng Thánh Hiền cổ kim đều nhân từ, Khổng Tử cũng mượn câu chuyện lái đò để dạy Nhan Hồi và khuyên người đời nên buông xả, đừng dính mắc với ngoại vật. Lúc sau tôi đọc tường tận rồi suy ngẫm, người biết bơi lội đương nhiên không sợ nước, nhưng người khác chắc chắn không cách nào thản nhiên vô sự trước sông nước. Cho nên tư duy của tôi bắt đầu đặt nặng ở "người bơi lội đã quen thuộc và thích ứng với môi trường nước" chứ không phải là con người phải tránh sự dính mắc với ngoại vật. Nói cách khác, điều kiện để buông xả nỗi lo sợ với sông nước là không chấp với nước hoặc nói xa hơn nữa là không tiếp cận với môi trường nước. Cũng như chúng ta sợ gai bông hồng thì đừng sờ hoặc đến gần cây hoa hồng. Không gần gũi hoặc tiếp xúc với sông nước và cây hoa hồng sẽ đâu có bị ám ảnh bởi những vật thể đó. Chưa từng bao giờ muốn nắm giữ một cái gì thì có cái gì để mà "buông bỏ"?


Trên đời vẫn có những người bẩm sinh đã có căn giác ngộ, họ lúc nào cũng ý thức được buông xả là cội nguồn của hạnh phúc và luôn giữ tâm thanh tịnh, không chấp chước, sống an nhiên với mọi hoàn cảnh trong cuộc đời. Tuy nhiên, đa phần người đời đều sống khổ đau trong sự đối lập và giằng co giữa nắm và buông. Bởi vì con người vốn có lòng tham, vì dục vọng tư hữu mà muốn nắm, đồng thời cũng biết tự mình khuyên nhủ là phải buông, rồi thường bị vướng víu trong sự vấn vương day dứt của hai ý niệm "nắm" là mê, "buông" là giác; "nắm" là khổ, "buông" là hạnh phúc, tổn hao quá nhiều năng lượng trong tâm tư của mình.


Vẫn biết buông xả là con đường dẫn đến tự do và hạnh phúc, tuy nhiên con đường gạn đục lóng trong để trở về chánh đạo “buông xả” đương nhiên rất khó, vì bắt buộc phải đi ngược dòng thế tục đời thường, chính vì thế nhiều hành giả cổ kim phải ngậm ngùi than thở: “Nẻo về bến ấy chông chênh lắm!"


Phải chăng đó cũng là tâm lý thế gian, làm Phật Tiên thời phần đông ai cũng muốn cũng ham, nhưng mà nhìn lại cõi trần, tuy bản chất là khổ, nhưng những cảnh tượng cớ sao mà muôn màu muôn vẻ, đầy sức quyến rũ và cuốn hút, chèng ơi, vui quá! cho nên bỏ đi cũng chẳng đành. Đạo thì cũng muốn tu thành Phật, theo Đạo mà lại còn tiếc đời.


Vì vậy, sống là một hành trình phấn đấu không ngừng giữa mê và giác; giữa nắm và buông. Có đi ắt có đến, có chí thì nên. Tô Đông Pha phải trải qua bao nhiêu nghịch cảnh và trắc trở, mới hiểu rằng phải buông bỏ thế sự thị phi, giữ tâm thanh tịnh để sống đời đạm bạc, rồi từ đó thoát thai hoán cốt từ sự điêu đứng của hoạn đồ thăng trầm để đạt đến cảnh giới: "Dã vô phong vũ dã vô tình" (也無風雨也無晴). Trời mưa hay trời trong, đau khổ hay hạnh phúc, vinh hay nhục, được hay mất ... Mọi sự chung quy đều tan biến như khi tỉnh giấc sau cơn mê mộng.


Lý Thúc Đồng cũng có nhiều trải nghiệm cực kỳ cam go về sự khổ lạc tụ tan trong cuộc sống, và những giao động khắc cốt ghi tâm trong tình yêu, tình bạn và tình đời … dần dần ý thức được phải buông bỏ mọi vấn vương của thế tục hồng trần, rồi chuyển hóa nội tâm, từ cảnh giới ngộ ra vô thường như trong bài nhạc "Tống Biệt" cho đến nhất tâm bất loạn trong sự tu hành tinh tấn, Lý Thúc Đồng mới thoát phàm nhập thánh, trở nên bậc Tổ Hoằng Nhất Đại Sư trong Luật Tông.


Quá trình phấn đấu của Lý Thúc Đồng, Tô Đông Pha cho ta thấy, sự thành công và giác ngộ của các bậc anh hùng hào kiệt xưa nay là từ có đến không, từ nắm tới buông, từ mê đến giác. Cho nên, muốn nắm thì cứ nắm, muốn lấy thì cứ lấy. Nếu giờ đây bạn nói, tôi cần tiền, tôi muốn kiếm rất nhiều tiền, vậy thì cứ tha hồ mà kiếm tiền; nếu giờ đây bạn nói, tôi thích người đó, tôi muốn người đó thuộc về mình, vậy thì cứ tha hồ mà theo đuổi. Rồi một ngày nào đó, chúng ta tích lũy khá nhiều tài sản trong tay, đột nhiên ý thức được tiền tài chẳng qua là vật ngoài thân, nó không thể đem đến cho ta niềm vui và hạnh phúc chân thực; hoặc một ngày nào đó, chúng ta chợt thức tỉnh trong cơn mê mộng của tình yêu, phát hiện tất cả đều chỉ là ảo tượng, Tôi chỉ yêu thích một cái tôi khác từ sự thương mến người đó mà thôi. Tất cả hình dáng hữu hình hay cảm giác vô hình chung quy sẽ tan biến theo luật vô thường của thế gian. Ắt chúng ta sẽ tự nhiên mà buông ngay, và chính cái buông đó, mới thực sự là buông.


“Cõi ta bà như mặt biển lênh đênh  

Vui buồn lặng ngụp bồng bềnh khơi xa

Nào danh lợi nào phù phiếm xa hoa

Mê trong được mất khiến ta khổ sầu


Cõi hồng trần hạnh phúc có bao lâu

Ân ân oán oán trong câu tình đời

Hãy nhủ lòng buông bỏ thế gian ơi

Cho tâm nhẹ gánh thảnh thơi an nhàn.”


Trường

05-11-2023

5/8/23

Bản Tin Thụ Nhân Âu Châu số 46 (số tháng 09-2024)

MỘT CHIỀU QUA CỬU LONG

 

Tôi thức giấc vì một tiếng động nhỏ nhẹ. Trong đêm tối. Trước mặt tôi là Cửu Long. Tiếng động dâng lên từ phía ấy. Thêm một tiếng động nữa. Rồi những âm thanh khởi đầu lẻ tẻ trở nên một sự xao động rì rào.

Buổi chợ đêm đã bắt đầu dâng lên. Phải rồi, đang dâng lên. Xanh biếc phảng phất. Chợ đi dần thành những bước thuỷ triều. Tôi chống tay ngồi dậy đón nhận những tiếng sóng đi và những tiếng thuyền đi. Một lát, rồi những âm thanh rõ rệt ấy cũng không thể phân định được nữa. Chỉ còn là Cửu Long đang bát ngát dâng lên, Long Xuyên đổ về, Châu Đốc đổ về. Miền xa về họp chợ đi toàn bằng những bước đi của Cửu Long. Khúc này là ngã ba sông Sao. Mỹ Tho ở phía tay trái cho tôi một hình ảnh nữa của phương hướng rộng thẳng. Đêm về sáng thoáng mát. Tôi tiếp nhận thêm một cảm xúc thoải mái xuôi dòng giữa sự dồn đổ trùng điệp rộng lớn. Trên bờ, cái bến Vàm Cống bé nhỏ cũng đã thức dậy như tôi.

Chợ họp rồi. Đèn lửa thấp thoáng. Ghe thuyền lũ lượt xuôi về. Từ bên kia vượt sang. Từ phía dưới đổ lên. Từ trên trườn xuống.

Một người đi sát qua tôi, xuống bến. Tôi ngồi dậy.

Anh bảo tôi.

“Chợ họp rồi đấy. Chẳng ngủ được nữa đâu. Anh xuống bến đón thuyền về cho vui”.

Tôi gập chăn đệm – Cửu Long lạnh – gấp lại ghế bố, đi theo anh xuống sát mặt nước. Chỗ này, người ta đã đốt lửa thật sáng đón thuyền về.

Những chiếc đầu đoàn đã ghé bến. Có tiếng hỏi:

“Nhiều không?”

Dưới nước đáp lên:

“Nhiều”.

“Gì thế?”

“Toàn trê thôi”.

Tôi sán lại, nhìn xuống một lòng ghe nhỏ thấp thoáng dưới ánh đuốc cháy. Cả lòng khoang đầy nước. Mặt nước sóng sánh ánh lửa. Nhiều sóng quá. Nhiều sóng quá. Những ngọn sóng của ngã ba, của giữa dòng về tới lòng thuyền rồi mà vẫn chảy lênh láng. Hình như nước vẫn còn sóng. Và những con sóng vẫn còn chảy. Mỗi khoang vẫn còn là một đời Cửu Long.

Một người đứng cầm gầu đang tát nước ra khỏi ghe. Tiếng nước đổ trả lại sông lớn, oà vỡ giữa hai bờ ghe đậu sát liền rồi tan đi. Nước lại trả về cho Cửu Long rồi. Tôi có cảm tưởng như chúng vừa được trả về tự do.

Khối nước vợi đi, những con cá bắt đầu hiện ra. Chúng nhiều vô kể và còn tươi nguyên. Tôi nghĩ rằng ở những đáy nước ngoài sông lớn, chúng cũng chỉ tươi khoẻ được đến như thế. Tôi cúi xuống vớt lấy một con trê nhỏ. Con cá nằm gọn trong lòng tay tôi, rồi tuột đi. Một tiếng quẫy mạnh. Tôi buông tay, nhìn xuống khoang ghe lắc lư nhè nhẹ theo triều sóng đập bờ. Nước vời vợi ánh sáng và bóng tối. Tôi nhìn xuống bầy cá. Chúng là một sự kiện đông đặc đang trườn lên, đang lách đi, đang chìm chìm nổi nổi.

Bây giờ thì cả đoàn thuyền đã trở về.

Lửa bến cháy thành hàng nghi ngút. Chợ đêm không rõ người mà chỉ đầy đặc những hình bóng. Tôi sống một cảm giác lẫn lộn. Sự lẫn lộn của một buổi chợ, của đám đông, của đất liền kề sát nước biếc. Bước chân tôi nhoà lẫn tiếng sóng đập. Cửu Long về trong tôi.

Tôi nhìn lên những vì sao. Chúng đổ xuống lòng nước thành những mảnh lân tinh nhỏ. Một vì sao đổ, những con thuyền tròng trành, tiếng sóng tiếng nước, những bầy cá tươi sống, tất cả âm thanh mầu sắc của buổi chợ đêm từ ngoài sông lớn dâng lên, vây lấy tôi.

Tôi đang sống đời sống của Cửu Long.

Bây giờ thì tất cả đoàn thuyền đang nhất loạt đổ cá lên bờ. Chợ vui lên đất thành hội. Từ lòng thuyền, cá đổ lên những thùng lớn. Nhiều vô kể. Trê, rô, bống, lươn, chan hoà trên khắp bến nhỏ. Dưới thuyền, trong thùng, trên những bàn tay, dưới đất, đâu đâu cũng chỉ là cá. Lớn, nhỏ, dài, ngắn đủ thứ. Nhiều con bị bỏ quên. Nhiều con bị giẫm lên.

Tôi lại gần một người đàn bà. Chị đang dọn cá.

Tôi bắt chuyện:

“Nhiều cá quá chị nhỉ?”

Chị nhìn tôi cười nói:

“Chuyện, đang mùa mà! Thế này là ít đấy chứ. So với mọi năm, đã thấm tháp gì đâu anh. Tháng sau, số cá về còn gấp đôi gấp ba nữa”.

Tôi ngẩn người. Mùa. Những bầy cá. Mùa. Tôi nghĩ đến những bông lúa. Ở đâu, mùa cũng dâng lên, những con cá bông lúa đầy ắp nườm nượp. Tôi nhìn ra dòng Cửu Long đen thẳm mênh mông. Trong tôi, dòng sông hiến dâng kia biến thành một vệt sáng chói, trong suốt. Lòng tôi lắng đọng dần trong một ý niệm về mùa. Thì ra con sông đàn anh này không chỉ là một vệt nước chảy, không chỉ là một khoảng biếc, không chỉ là một dòng sông. Đời Cửu Long còn là đời đất liền nữa. Hàng năm, chợ họp đêm trong ánh đuốc lửa và những con cá vớt khỏi lòng sông lớn đã là những nhánh lúa Cửu Long của một mùa Nam Việt phong phú như chưa từng thấy. Con sông là mùa cho những bến bờ là chợ. Cho những buổi chợ là hội.

Tôi đón nhận thêm một cảm giác tin tưởng nữa.

Người đàn bà còn đứng ở chỗ cũ. Tôi đến hỏi chuyện. Chị cho tôi biết thêm là năm nào mùa cá cũng khởi đầu từ tháng sau, tháng Bảy. Mãi đến tháng Tư, tháng Năm mới hết. Tháng Giêng tháng Hai là giữa mùa.

Chị cười:

“Giữa mùa thì chả có sức mà đánh lưới anh ạ? Đánh một phần cá nở ra gấp hai gấp ba. Hôm trước về nửa thuyền thì hôm sau về đầy thuyền. Cứ là mệt đưa đi các nơi”.

Tôi chỉ tay bảo chị:

“Chợ đêm đông ghê”.

Chị trề môi:

“Đông ma gì. Mới đầu mùa mà! Cá chưa đủ tháng. Chúng tôi đánh lưới cầm chừng thôi. Đợi cho cá đủ tháng, vừa được nhiều, cá lại khoẻ mới đưa đi xa được.

Tôi bỏ chị, đi xuống bờ sông. Chợ thưa vắng dần. Đoàn ghe nằm im lìm. Từ mặt Cửu Long hắt tới những tiếng sàn sàn nhẹ nhẹ. Tôi nhìn xa xa. Cửu Long chảy trước mặt tôi. Bên kia là Long Xuyên. Phía dưới là Châu Đốc. Tôi nhìn về mạn Mỹ Tho. Tôi đứng giữa nhiều ngả đường đất nước. Dòng sông lớn đen đặc bát ngát. Những vì sao lác đác đổ xuống. Bóng sao, bóng nước thấp thoáng. Tôi nghe thấy những tiếng động thầm. Những tiếng động nhỏ của những đời sống mãnh liệt. Tôi đang sống với xuôi băng với thao thao. Có những dòng suối. Có những đời đại dương nữa. Có những buổi chợ đất nước.

Đêm hôm đó, chợ tàn rồi, tôi còn thao thức đến sáng. Dòng Cửu Long hiện lên trước mắt tôi như một ngả đường. Tôi nghĩ đến một ngả đường cũ. . Tôi nhớ đến Hồng Hà. Tôi nhìn Cửu Long... Từ Cửu Long, chúng tôi sẽ về lại Hồng Hà. Để những buổi chợ đất nước lại được mở thành hội ở hai bờ sông.

Đêm Cửu Long tôi đã có được niềm tin của Hồng Hà.

Tôi nhìn lên. Trời sáng rồi. Chợ Cửu Long tàn dần trong bình minh.