Tôi thức giấc vì một tiếng động nhỏ nhẹ. Trong đêm tối. Trước mặt tôi là Cửu Long. Tiếng động dâng lên từ phía ấy. Thêm một tiếng động nữa. Rồi những âm thanh khởi đầu lẻ tẻ trở nên một sự xao động rì rào.
Buổi chợ đêm đã bắt đầu dâng lên. Phải rồi, đang dâng lên. Xanh biếc phảng phất. Chợ đi dần thành những bước thuỷ triều. Tôi chống tay ngồi dậy đón nhận những tiếng sóng đi và những tiếng thuyền đi. Một lát, rồi những âm thanh rõ rệt ấy cũng không thể phân định được nữa. Chỉ còn là Cửu Long đang bát ngát dâng lên, Long Xuyên đổ về, Châu Đốc đổ về. Miền xa về họp chợ đi toàn bằng những bước đi của Cửu Long. Khúc này là ngã ba sông Sao. Mỹ Tho ở phía tay trái cho tôi một hình ảnh nữa của phương hướng rộng thẳng. Đêm về sáng thoáng mát. Tôi tiếp nhận thêm một cảm xúc thoải mái xuôi dòng giữa sự dồn đổ trùng điệp rộng lớn. Trên bờ, cái bến Vàm Cống bé nhỏ cũng đã thức dậy như tôi.
Chợ họp rồi. Đèn lửa thấp thoáng. Ghe thuyền lũ lượt xuôi về. Từ bên kia vượt sang. Từ phía dưới đổ lên. Từ trên trườn xuống.
Một người đi sát qua tôi, xuống bến. Tôi ngồi dậy.
Anh bảo tôi.
“Chợ họp rồi đấy. Chẳng ngủ được nữa đâu. Anh xuống bến đón thuyền về cho vui”.
Tôi gập chăn đệm – Cửu Long lạnh – gấp lại ghế bố, đi theo anh xuống sát mặt nước. Chỗ này, người ta đã đốt lửa thật sáng đón thuyền về.
Những chiếc đầu đoàn đã ghé bến. Có tiếng hỏi:
“Nhiều không?”
Dưới nước đáp lên:
“Nhiều”.
“Gì thế?”
“Toàn trê thôi”.
Tôi sán lại, nhìn xuống một lòng ghe nhỏ thấp thoáng dưới ánh đuốc cháy. Cả lòng khoang đầy nước. Mặt nước sóng sánh ánh lửa. Nhiều sóng quá. Nhiều sóng quá. Những ngọn sóng của ngã ba, của giữa dòng về tới lòng thuyền rồi mà vẫn chảy lênh láng. Hình như nước vẫn còn sóng. Và những con sóng vẫn còn chảy. Mỗi khoang vẫn còn là một đời Cửu Long.
Một người đứng cầm gầu đang tát nước ra khỏi ghe. Tiếng nước đổ trả lại sông lớn, oà vỡ giữa hai bờ ghe đậu sát liền rồi tan đi. Nước lại trả về cho Cửu Long rồi. Tôi có cảm tưởng như chúng vừa được trả về tự do.
Khối nước vợi đi, những con cá bắt đầu hiện ra. Chúng nhiều vô kể và còn tươi nguyên. Tôi nghĩ rằng ở những đáy nước ngoài sông lớn, chúng cũng chỉ tươi khoẻ được đến như thế. Tôi cúi xuống vớt lấy một con trê nhỏ. Con cá nằm gọn trong lòng tay tôi, rồi tuột đi. Một tiếng quẫy mạnh. Tôi buông tay, nhìn xuống khoang ghe lắc lư nhè nhẹ theo triều sóng đập bờ. Nước vời vợi ánh sáng và bóng tối. Tôi nhìn xuống bầy cá. Chúng là một sự kiện đông đặc đang trườn lên, đang lách đi, đang chìm chìm nổi nổi.
Bây giờ thì cả đoàn thuyền đã trở về.
Lửa bến cháy thành hàng nghi ngút. Chợ đêm không rõ người mà chỉ đầy đặc những hình bóng. Tôi sống một cảm giác lẫn lộn. Sự lẫn lộn của một buổi chợ, của đám đông, của đất liền kề sát nước biếc. Bước chân tôi nhoà lẫn tiếng sóng đập. Cửu Long về trong tôi.
Tôi nhìn lên những vì sao. Chúng đổ xuống lòng nước thành những mảnh lân tinh nhỏ. Một vì sao đổ, những con thuyền tròng trành, tiếng sóng tiếng nước, những bầy cá tươi sống, tất cả âm thanh mầu sắc của buổi chợ đêm từ ngoài sông lớn dâng lên, vây lấy tôi.
Tôi đang sống đời sống của Cửu Long.
Bây giờ thì tất cả đoàn thuyền đang nhất loạt đổ cá lên bờ. Chợ vui lên đất thành hội. Từ lòng thuyền, cá đổ lên những thùng lớn. Nhiều vô kể. Trê, rô, bống, lươn, chan hoà trên khắp bến nhỏ. Dưới thuyền, trong thùng, trên những bàn tay, dưới đất, đâu đâu cũng chỉ là cá. Lớn, nhỏ, dài, ngắn đủ thứ. Nhiều con bị bỏ quên. Nhiều con bị giẫm lên.
Tôi lại gần một người đàn bà. Chị đang dọn cá.
Tôi bắt chuyện:
“Nhiều cá quá chị nhỉ?”
Chị nhìn tôi cười nói:
“Chuyện, đang mùa mà! Thế này là ít đấy chứ. So với mọi năm, đã thấm tháp gì đâu anh. Tháng sau, số cá về còn gấp đôi gấp ba nữa”.
Tôi ngẩn người. Mùa. Những bầy cá. Mùa. Tôi nghĩ đến những bông lúa. Ở đâu, mùa cũng dâng lên, những con cá bông lúa đầy ắp nườm nượp. Tôi nhìn ra dòng Cửu Long đen thẳm mênh mông. Trong tôi, dòng sông hiến dâng kia biến thành một vệt sáng chói, trong suốt. Lòng tôi lắng đọng dần trong một ý niệm về mùa. Thì ra con sông đàn anh này không chỉ là một vệt nước chảy, không chỉ là một khoảng biếc, không chỉ là một dòng sông. Đời Cửu Long còn là đời đất liền nữa. Hàng năm, chợ họp đêm trong ánh đuốc lửa và những con cá vớt khỏi lòng sông lớn đã là những nhánh lúa Cửu Long của một mùa Nam Việt phong phú như chưa từng thấy. Con sông là mùa cho những bến bờ là chợ. Cho những buổi chợ là hội.
Tôi đón nhận thêm một cảm giác tin tưởng nữa.
Người đàn bà còn đứng ở chỗ cũ. Tôi đến hỏi chuyện. Chị cho tôi biết thêm là năm nào mùa cá cũng khởi đầu từ tháng sau, tháng Bảy. Mãi đến tháng Tư, tháng Năm mới hết. Tháng Giêng tháng Hai là giữa mùa.
Chị cười:
“Giữa mùa thì chả có sức mà đánh lưới anh ạ? Đánh một phần cá nở ra gấp hai gấp ba. Hôm trước về nửa thuyền thì hôm sau về đầy thuyền. Cứ là mệt đưa đi các nơi”.
Tôi chỉ tay bảo chị:
“Chợ đêm đông ghê”.
Chị trề môi:
“Đông ma gì. Mới đầu mùa mà! Cá chưa đủ tháng. Chúng tôi đánh lưới cầm chừng thôi. Đợi cho cá đủ tháng, vừa được nhiều, cá lại khoẻ mới đưa đi xa được.
Tôi bỏ chị, đi xuống bờ sông. Chợ thưa vắng dần. Đoàn ghe nằm im lìm. Từ mặt Cửu Long hắt tới những tiếng sàn sàn nhẹ nhẹ. Tôi nhìn xa xa. Cửu Long chảy trước mặt tôi. Bên kia là Long Xuyên. Phía dưới là Châu Đốc. Tôi nhìn về mạn Mỹ Tho. Tôi đứng giữa nhiều ngả đường đất nước. Dòng sông lớn đen đặc bát ngát. Những vì sao lác đác đổ xuống. Bóng sao, bóng nước thấp thoáng. Tôi nghe thấy những tiếng động thầm. Những tiếng động nhỏ của những đời sống mãnh liệt. Tôi đang sống với xuôi băng với thao thao. Có những dòng suối. Có những đời đại dương nữa. Có những buổi chợ đất nước.
Đêm hôm đó, chợ tàn rồi, tôi còn thao thức đến sáng. Dòng Cửu Long hiện lên trước mắt tôi như một ngả đường. Tôi nghĩ đến một ngả đường cũ. . Tôi nhớ đến Hồng Hà. Tôi nhìn Cửu Long... Từ Cửu Long, chúng tôi sẽ về lại Hồng Hà. Để những buổi chợ đất nước lại được mở thành hội ở hai bờ sông.
Đêm Cửu Long tôi đã có được niềm tin của Hồng Hà.
Tôi nhìn lên. Trời sáng rồi. Chợ Cửu Long tàn dần trong bình minh.
No comments:
Post a Comment