Tính từ đầu năm 2024 này, chỉ còn 10 tháng nữa là người dân Mỹ sẽ đi bỏ phiếu để chọn cho đất nước của mình một tổng thống mới, mà phần chắc tuy mới mà cũ - tổng thống 47 sẽ là hoặc ông 46 hoặc ông 45. Theo nhiều thăm dò dư luận, người ta tin chắc rằng bầu cử tổng thống năm 2024 sẽ là cuộc tái đấu giữa đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump. Có nghĩa là ông Biden vẫn là sự lựa chọn bắt buộc của đảng Dân Chủ, và đảng Cộng Hòa không làm sao có thể thoát được sự kìm kẹp của Trump. Thực ra, chẳng cần thăm dò dư luận. Người bình thường cũng có thể thấy được viễn cảnh (đen tối?) này. Điều oái oăm là người dân Mỹ nói chung, phần lớn, chẳng ưa gì một cuộc tái tranh cử đụng độ giữa Biden và Trump. Và câu hỏi ám ảnh đối với nhiều người vẫn là phải chăng Biden đích thực là sự lựa chọn của cử tri Dân Chủ, và Trump là sự lựa chọn của người Cộng Hòa? Và phải chăng nền dân chủ nước Mỹ thật sự bế tắc, không tìm được lối ra nào.
Có thể còn quá sớm để kết luận!!! Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024, có nhiều phát hiện bổ ích chúng ta có thể học hỏi được.
Bắt đầu bằng những câu hỏi thực tế khi ta nhìn vào thực tế.
Tại sao ông Biden là sự lựa chọn của đảng Dân Chủ? Câu trả lời đơn giản: tại vì ông không cho đảng của ông cơ hội có một sự lựa chọn nào khác. Và ông cũng có cái lý của ông.
Ông là tổng thống đương nhiệm, chỉ mới có một nhiệm kỳ. Bình thường, người đương nhiệm được nhường bước, có ưu tiên tái tranh cử, ví dụ như Tổng thống Jimmy Carter, Bill Clinton, Barack Obama … phía Dân Chủ; Dwight Eisenhower, Richard Nixon, Gerald Ford, Ronald Reagan, George W.H. Bush (cha), George W. Bush (con), Donald Trump… phía Cộng Hòa. Trường hợp của ông Trump là “đặc biệt” nhất: tái tranh cử 2020 thất bại, vẫn “kiên trì” ra tranh cử 2024 một lần thứ ba để “cứu lấy nước Mỹ” – như ông nói và MAGA tin. Tổng thống Harry Truman (45-52) sau gần tám năm tại Tòa Bạch Cung có thể tái tranh cử năm 1952 (khi ông “mới” 68 tuổi), vì trong nhiệm kỳ đầu ông chỉ kế vị Tổng thống Franklin Roosevelt, nhưng ông quyết định rút lui vì mức ủng hộ của cử tri dành cho ông thấp - người Mỹ thời đó chưa hiểu hết sự thách đố của Chiến tranh Lạnh mà ông đã cảnh báo vào năm 1948 chống lại bức tường Bá Linh của bạo chúa Nga Stalin đã cai trị cả 25 năm ở Điện Cẩm Linh. Tương tự, Johnson từng tính ra lại vào năm 1968 với chương trình Đại Xã Hội đang nở rộ, nhưng vì cuộc chiến Việt Nam mà ông xem như là “bridge over roubled water” (bài hát nổi tiếng của Simon & Garfunkel) làm ông thất vọng (biến cố Tết Mậu Thân 1968), dẫn đến quyết định tuyệt vọng là mở ra “hòa đàm” với địch bất kể Miền Nam có sẵn sàng hay không, tạo cơ hội giả tạo cho cả hai tên điếm Lê Đức Thọ và Henry Kissinger được giải “Nobel hòa bình” vào năm 1969. Ngay tình mà nói, Johnson rút lui một phần cũng vì nan y: ông chết vì bệnh tim năm 1973, năm ông 65 tuổi.
Trong trường hợp Tổng thống Biden, như chúng ta đã thấy trong ba năm qua, ông là người lãnh đạo thành công – ít ra cũng vượt qua được những thử thách quyết liệt của “một thời thách đố”: chính trị dân chủ hỗn loạn trong nước với sự đe dọa nghiêm trọng của MAGA (hay quần chúng chạy theo Trump với chiêu bài “Make America Great Again”), kinh tế lạm phát và bị đe dọa bởi nạn suy thoái và thất nghiệp, và toàn cầu đang bị áp lực “trật tự mới” của hai ông trùm tân đế quốc là Vladimir Putin của Nga và Tập Cận Bình của Bắc Kinh. Tuy nhiên, chẳng phải ai cũng mở mắt nhìn sân khấu thế sự. Ngay cả một số người theo đảng Dân Chủ cũng đang làm cho Biden phát điên khi trong thăm dò dư luận quần chúng, họ trả lời “No” khi được hỏi về sự tín nhiệm ông Biden.
Bidenomics - Vượt qua những thử thách của đại dịch COVID 19 (từ Tàu lan sang Mỹ từ đầu năm 2020 nhưng người đương nhiệm Donald Trump không dám hành động vì sợ “rút dây động rừng”, ảnh hưởng đến kinh tế của ông ta) Joe Biden đã thúc đẩy kinh tế, từ suy thoái chuyển qua tăng trưởng thấy rõ (tỷ lệ tăng trưởng trong quí ba là 5.2%, mức cao nhất kể từ quí tư năm 2021), số việc làm tăng mức kỷ lục (lao động phi nông nghiệp là 167.8 triệu người vào tháng 11/2023), nạn thất nghiệp đang xuống mức thấp nhất (3.7% vào tháng 12) và lạm phát cuối cùng đã nhượng bộ (hiện ở mức 3.4%, tức giá sinh hoạt tháng 12 năm 2023 cao hơn giá tháng 12 năm 2022 là 3.4%). Trong cảm hứng, Biden gọi đường lối kinh tế của mình là “Bidenomics” - nhấn mạnh ở chỗ những chính sách, biện pháp phục hồi kinh tế nhằm vào tầng lớp trung lưu và lao động - nhất là những thành phần khó khăn nhiều nhất trong thời đại dịch: người già, người bệnh, người neo đơn và lớp trẻ. Thực ra, căn bản của Bidenomics là lý thuyết của kinh tế gia tân cổ điển John Maynard Keynes của nước Anh cách đây gần một trăm năm mà đảng Dân Chủ, từ Tổng thống Franklin Roosevelt đến Johnson sau này, vẫn xem là nền tảng của kinh tế học của đảng: chính phủ chi tiêu để tạo công ăn việc làm và đồng thời nâng đỡ một số thành phần trong xã hội chi tiêu để tạo cảm hứng tăng trưởng mới.
Dân chủ & MAGA - Biden bước vào Nhà Trắng với ý thức đầy đủ về hiểm họa MAGA mà Donald Trump đã gieo rắc hàng ngày nhằm mục đích phá hoại cơ chế dân chủ lâu đời của nước Mỹ. Khai thác triệt để “chủ nghĩa dân tộc bạch chủng Cơ Đốc giáo” (white Christian nationalism) để tạo sự ủng hộ trong khối cử tri da trắng “bình dân” (nông dân & công nhân) không tin vào những giống dân thiểu số “ngoại đạo”, Trump đã bài bác và khuyến khích sự “phân biệt đối xử” (kỳ thị) đối với người da đen, dân Latino, và với di dân, đồng thời không ngừng “tố cáo” Biden đã âm mưu bầu cử gian lận trong năm 2020 nhờ những cử tri “dân tộc thiểu số” này khiến cho Trump phải rời khỏi Tòa Bạch Ốc và không còn “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” được nữa. Nắm được ý đồ trắng trợn của Trump là thúc giục người da trắng “mộ đạo” tập họp trấn áp các nhóm thiểu số muốn hành xử các quyền dân chủ của mình, nhất là trong các mùa bầu cử Hạ Viện, Thượng viên hay cả tổng thống - cho dù phải vận dụng bạo lực súng đạn. Joe Biden đã phải hành động với sự yểm trợ, tiếp sức của cựu Tổng thống Obama trong cuộc bầu cử năm 2022, tố cáo và lên án chủ nghĩa MAGA đang tấn công vào nền dân chủ Mỹ, làm cho người dân Mỹ mất tin tưởng vào hệ thống chính trị của đất nước mình. Sự lên tiếng đấu tranh của Biden đã phần nào thành công khi đảng Dân Chủ vẫn còn giữ được thế đa số mong manh tại Thượng Viện và chỉ thua đảng Cộng Hòa cũng chỉ vài ghế mong manh trong bầu cử Hạ Viện năm 2022. Cuộc bầu cử năm 2024 tất nhiên sẽ gay go hơn nhiều vì có cả bầu cử tổng thống và Quốc Hội lưỡng viện. Bởi vậy, năm nay chúng ta sẽ thấy chẳng những một mùa tranh cử quyết liệt mà còn có thể thấy được, hiểu được cử tri Mỹ (người da trắng, da đen, Latino, người châu Á, lớp trẻ, lớp già…) sẽ thực sự hành động như thế nào trong tình thế có vẻ như hoảng loạn hiện nay.
Tái lập trật tự thế giới – Putin và Tập Cận Bình đều cùng chung ước muốn xóa bỏ trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo, Mỹ kiểm soát dưới thời Chiến tranh Lạnh, và Trump trong những năm còn làm tổng thống đã tích cực và công khai giúp cả hai nhà độc tài số 1 này thực hiện một phần ý đồ đó. Trump vẫn ao ước nước Mỹ có một cơ chế thế nào đó để cho ông ta có thể làm tổng thống trọn đời như những người “đối tác” ở Moscow và Bắc Kinh. Trong nhiệm kỳ, Trump đã không ngớt “đòi nợ” thương mãi và chi tiêu quốc phòng với Đức, Anh, Pháp… Ông còn thẳng Mỹ sẽ không bao giờ giúp châu Âu nữa nếu châu Âu bị tấn công, bởi vì Mỹ sẵn sàng rời bỏ khối NATO… Có điều chắc Trump cũng trấn an Putin như thế, cho nên ông ta mới có kế hoạch mở rộng đế quốc sau này. Bởi thế, trong thời gian Tổng thống Trump còn tại chức, châu Âu và khối NATO hầu như không còn nhìn mặt Trump và nước Mỹ là đồng minh lãnh đạo thời trước đây. Nhưng Biden khi lên thay thế Trump đã bắt lại nhịp cầu với những nước đồng minh truyền thống ở châu Âu. Để cho “gương vỡ lại lành”, Mỹ đã nhanh chóng phản ứng khi Putin của Nga “tưởng bở” mở ra một cuộc “hành quân đặc biệt” nhằm xâm lăng nước Ukraine lâu dài. Nhờ thế mà cuộc “hành quân ngắn ngày” này sau gần hai năm đang làm cho Nga, thay vì Ukraine, bế tắc một cách nguy hiểm. Có thể nói nhờ Mỹ mà Ukraine còn chiến đấu quyết liệt, và nhờ Ukraine mà khối châu Âu tìm lại được sự đoàn kết và tin tưởng, cho dù thử thách vẫn đang còn ở phía trước trong thời buổi trật tự thế giới đúng là đang được xác định lại.
Tuy nhiên, Joe Biden cũng mang “tai tiếng” vì những câu chuyện sau đây:
Afghanistan - Tổng thống Mỹ đã không thận trọng trong quyết định rút quân khỏi nước Hồi giáo này. Ý định rút quân bắt nguồn từ thời Donald Trump, Biden có thể hủy bỏ quyết định đó, hay tiến hành chuyện triệt thoái một cách có trách nhiệm hơn, không “đem con bỏ chợ”. Nhưng Biden đã đột ngột và vội vàng ra lệnh triệt thoái, bất kể chính phủ ở Kabul đã sẵn sàng chưa và người dân Afghanistan có thể hoảng loạn đến mức nào. Lực lượng phản loạn Taliban đã nhanh chóng tràn ngập nước này, tàn sát quân dân chế độ cũ (nhất là vì các “lãnh tụ” ở Kabul đều đã bỏ chạy), và thiết lập một chế độ Hồi giáo bạo tàn khiến cho người dân trước đây từng có ảo tưởng sẽ được sống dưới một chế độ tự do, dân chủ nay mang mối hận nghìn thu… với “đế quốc Mỹ” bỏ chạy. Chúng ta có thể liên tưởng tâm sự người Miền Nam chúng ta trước đây với người dân Afghanistan bơ vơ ngày nay. Trong cả hai trường hợp Biden đều chủ trương triệt thoái bất kể sự tồn tại của chế độ đương thời và sự an toàn và nguyện vọng người dân bản xứ.
Biên giới - Đối với “đất nước của di dân”, biên giới Mỹ-Mễ đương nhiên là chuyện dài muôn thuở. Ngay cả từ trước Đệ nhất Thế chiến, Tổng thống Mỹ thời nào cũng cần cảnh giác cao độ trước nhu cầu và khả năng của nước Mỹ đối với sự du nhập của di dân đến từ những nước Latino Trung và Nam Mỹ qua đường biên giới Mexico, cùng với hiện tình của phong trào di dân có áp lực như thế nào. Tổng thống Mỹ thời nào cũng phải sẵn sàng những biện pháp thích nghi đối phó với tình hình – thay vì ở vào tình thế trở tay không kịp. Thế nhưng xem chừng sau ba năm ở Tòa Bạch Cung, Tổng thống Biden không có chính sách biện pháp nào rõ rệt để “kiểm soát” hay nắm vững được tình hình di dân đang tràn vào Mỹ vì những chế độ ở Trung Mỹ và Nam Mỹ đang bế tắc, lúng túng hơn trên cả hai mặt kinh tế và chính trị, và Tổng thống Joe Biden không rõ ràng trong việc đóng cửa hay mở cửa, ngăn chận hay cho di dân tràn đến. Bởi thế mà chưa bao giờ như bây giờ di dân tràn ngập miền biên giới đến mức bế tắc như hiện nay.
Vũng lầy Israel - Nhiều tổng thống Mỹ trong quá khứ đã bị mắc kẹt vì chính sách bảo hộ Israel kể từ khi nước này được hình thành từ năm 1948 – cho dù vẫn bị Tel Aviv lạm dụng. Với cuộc chiến hiện nay của Israel nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas, Mỹ đang bị sa lầy, theo nghĩa không gỡ ra được. Cuộc chiến Gaza bắt đầu từ ngày 7-10, đến nay đã hơn ba tháng, bắt đầu từ sự nổi dậy có tính khủng bố của loạn quân Hamas, nhưng cuộc chiến kéo dài do sự hiếu chiến của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang chủ tâm tàn sát người Palestine ở khu Gaza và kéo Mỹ vào cuộc chiến. Thay vì cẩn trọng và cưỡng lại sức ép trong chính giới Mỹ gốc Do Thái, Biden đã để cho Netanyahu giật giây, cho nên hiện nay Hoa Kỳ đang dính líu đến cuộc hải chiến trên Biển Đỏ với lực lượng Houthi được Iran yểm trợ, có Nga sau lưng. Trong khi đó, kỷ niệm 100 ngày cuộc chiến, Netanyahu tuyên bố Israel sẵn sàng đánh tới cùng để tiêu diệt Hamas và ông còn nói rõ: “Không ai có thể bảo Israel ngừng lại”. Ông ta không hề đề cập đến chủ trương hòa giải “một đất nước, hai nhà nước” và nhìn nhận những quyền lãnh thổ và chính quyền của người dân Palestine.
Biden đang điên đầu, đứng ngồi không yên vì Cộng Hòa đối lập đang buộc ông phải đóng băng các ngân sách về biên giới, Ukraine, Israel, Đài Loan… Nhưng không chỉ vì thế. Tuổi già của ông đang làm cho cử tri Dân Chủ mất phần khởi. Sự thực tại sao Biden lại muốn ra thêm một nhiệm kỳ nữa khi ông đã 82 thì chỉ có trời mới biết, nhưng sự thực cũng là ở tuổi của ông, người ta nhìn tương lai thấy bế tắc, hạn hẹp hơn là rộng mở. Thăm dò trong giới trẻ cho thấy họ không còn hứng thú trong chuyện ủng hộ Biden, cũng như cử tri da đen, Latino… bất mãn chính sách biên giới và sự ưu đãi người Do Thái của Biden. Nên hiểu rằng hiện ở Mỹ có ít nhất 3.5 triệu di dân Hồi giáo. Thánh Allah đang thúc giục họ xuống đường không ngừng… Ngoài ra, nếu Biden không nhức đầu về những chuyện tai tiếng của cậu quí tử Hunter Biden thì đúng là chuyện lạ. Cho nên mới có tin rằng nếu Trump có “mệnh hệ” nào trong các phiên tòa hiện nay thì Biden sẵn sàng nhường chỗ cho một ứng cử viên Dân Chủ khác. Người ta vẫn nghĩ rằng các ứng cử viên Cộng Hòa như Nikki Haley, Ron DeSantis… quá yếu nên chăng có cơ hội nào – ngoại trừ công lý nước Mỹ lên tiếng.
Tuy nhiên, những quan sát viên bi quan vẫn nghĩ rằng trong 10 tháng tới, Donald Trump sẽ vẫn “bình chân như vại”. Dễ dãi thì ta nói đúng là “cái số của chàng”. Không nói đến thời gian trước khi ông ta làm tổng thống, trong bốn năm tại Nhà Trắng, ông ta đạt kỷ lục với hai lần Quốc Hội “luận tội” (impeachment), thế nhưng ông ta đều thoát cả. Hiện nay ông ta lại lập kỷ lục mới với năm vụ án: (i) “lạm dụng nam quyền” với nhà báo Jean Carroll; (ii) Trump Organization làm ăn gian xảo, trốn thuế, lừa bịp ngân hàng cho vay; (iii) lạm quyền tổng thống dù đã ra đi để thao túng hồ sơ công; (iv) âm mưu tổ chức bầu cử gian lận tại quận Fulton, Georgia, và; (v) tổ chức bạo loạn ngày 6-1 tại Tòa Quốc Hội Capitol Hill để đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống. Thế nhưng xem chừng hệ thống pháp lý của Mỹ quá coi trọng quyền bào chữa của bị cáo cho nên bị lạm dụng mà không dễ gì thoát ra được. Trump không ngại đổ tiền của (có phải của ông ta đâu, toàn là tiền của bá tánh, quyên góp của “tín đồ” MAGA) để thuê mướn luật sư để chạy tội. Mà luật sư nói gì chẳng được, ví dụ như khẳng định “quyền tổng thống cho ông ta được đặc miễn trong bất cứ vụ án nào – ngay cả chuyện cho người đi thủ tiêu những đối thủ của mình!!!”
Trừ phi tòa án kết tội ông ta từ nay đến ngày bầu cử, đó là chuyện hầu như không thể xảy ra với thủ tục “câu giờ”, kiện cáo, kháng cáo kéo dài lên tới Tối cao Pháp viện – nơi có 9 thẩm phán thì Trump có đến 3 người do ông ta cấy vào, ngoài 3 người gốc gác từ các tổng thống Cộng Hòa trước đây. Hầu như chắc chắn, ông sẽ vẫn là ứng cử viên của Cộng Hòa trong bầu cử năm nay. Trump nay có vẻ rất lý thú được ra tòa, vì ông ta xem đó như là những cơ hội vận động tranh cử miễn phí, và tác động mạnh mẽ với cử tri của mình. Ông càng có dịp lên tiếng hùng hồn, hung hãn kết án Biden “phá hoại dân chủ”, thóa mạ đảng Dân Chủ đi theo con đường “cộng sản, xã hội chủ nghĩa”, ve vuốt cử tri Cộng Hòa MAGA đang ra sức “làm cách mạng”, và đưa ra những lời hứa phản dân chủ như trả thù, đóng cửa biên giới, bỏ tù người đối kháng, làm cho nước Mỹ vĩ đại như cũ bằng cách nước Mỹ không chơi với ai hết… Ông ta rất cần tranh cử và thắng cử để cho khi đã trở lại Nhà Trắng, ông sẽ cho đóng lại các vụ án này bằng cách này hay cách khác, trong đó quyền tự ân xá cho mình… Ông ta tin tưởng khối cử tri MAGA sẽ ngày càng tin ông và ngày càng lớn mạnh - qua kinh nghiệm của những lãnh tụ phát xít trước đây như Hitler, Mussolini, và cả phát xít thời nay như Putin. Khi Biden nói, cử tri của ông không mấy bận tâm; khi Trump nói, khối cử tri MAGA ngày càng tin tưởng, vững mạnh. Vấn đề chính là ở chỗ: khối cử tri MAGA vẫn xem Trump là lối thoát độc nhất cho nước Mỹ của người da trắng Cơ Đốc giáo đang muốn “giành lại” đất nước cho mình – như những năm thế kỷ 19-20.
Cuộc bầu cử sắp đến sẽ cho chúng ta cơ hội để hiểu thực sự khối cử tri MAGA vững mạnh, đông đảo đến thế nào, khả năng của MAGA kiểm soát đảng Cộng Hòa đến chừng nào, và cuối cùng thì khối Cộng Hòa dân cử tại lưỡng viện Quốc Hội sẽ MAGA đến mức nào.
Mặt khác, chúng ta cũng sẽ thấy những thăm dò dư luận quần chúng hiện nay đáng tin ở mức độ nào. Cử tri Dân Chủ và độc lập sẽ mạnh đến mức nào. Liệu họ có ý thức họ không có sự lựa chọn và phải tích cực đi bỏ phiếu như lời Biden cảnh báo “Mỗi lá phiếu là một viên gạch xây dựng nền dân chủ”. Liệu họ có thấy được sự đe dọa của MAGA để “rủ nhau đi bầu”, thể hiện ý thức tranh đấu của mình. Hay chán nản, tiêu cực ở nhà, và nhường sân chơi cho phía bên kia mà không thấy được tai họa khủng khiếp trước mắt cho đất nước.
Bởi vậy, kết quả và những tường trình về động thái của cử tri trong bầu cử vào tháng 10 này sẽ cho chúng ta thấy chính trị Mỹ trong những năm sắp đến sẽ ảm đạm hay tươi sáng thế nào!
Donald Trump như Goliath! Joe Biden như David! Liệu David lần này có thắng được Goliath chăng?
Hoàng Ngọc Nguyên