12/24/23

Fuggerei - Khu nhà từ thiện lâu đời nhất thế giới tại TP Augsburg Đức.

Fuggerei là khu phức hợp nhà ở xã hội lâu đời nhất trên thế giới vẫn được sử dụng. Đó là một vùng đất có tường bao quanh trong thành phố Augsburg, Bayern, Đức. Nó lấy tên từ gia đình Fugger và được thành lập năm 1516 bởi Jakob Fugger (được gọi là "Jakob Fugger giàu có"), là một nơi mà người dân nghèo của Augsburg có thể tới ở. Khoảng năm 1523, 52 ngôi nhà đã được xây dựng, và trong những năm sau đó khu vực mở rộng với những đường phố khác nhau, những sân nhỏ và một nhà thờ. Những cánh cổng được khóa vào ban đêm, vì vậy Fuggerei rất giống với một thị trấn nhỏ thời trung cổ độc lập. Nó vẫn còn là nơi cư trú ngày nay, và như vậy là dự án nhà ở xã hội lâu đời nhất trên thế giới.

1)- Giá thuê nhà căn bản đã và vẫn là 1 Rheinischer Gulden / mỗi năm (tương đương 0,88 euro),
2)- cũng như ba lời cầu nguyện hàng ngày cho các chủ sở hữu hiện tại của Fuggerei - Kinh Lạy Cha, Kính Mừng, và Kinh tin kính Nicea.

Các điều kiện sống ở đó vẫn còn giống như 500 năm trước: Phải sống ít nhất hai năm tại Augsburg, có đức tin Công giáo và nghèo khổ nhưng không mắc nợ. Năm cổng vào vẫn bị khóa mỗi ngày vào lúc 22:00.

Một căn hộ kiểu mẫu
Đơn vị nhà ở trong khu vực gồm có 45-65 mét vuông (500-700 bộ vuông) mỗi căn hộ, nhưng vì mỗi đơn vị có lối vào riêng của mình từ ngoài đường, nó giống như sống trong một ngôi nhà. Không có chỗ ở nào phải chia sẻ; mỗi gia đình có căn hộ riêng của mình, trong đó bao gồm một nhà bếp, một phòng khách, một phòng ngủ và một phòng phụ nhỏ, tổng cộng khoảng 60 mét vuông. Tất cả căn hộ tầng trệt đều có một khu vườn nhỏ và nhà vườn, trong khi căn hộ tầng trên có một gác mái. Tất cả các căn hộ có tiện nghi hiện đại như truyền hình và nước dùng. Một căn hộ tầng trệt không có người ở, được dùng như là một bảo tàng mở cửa cho công chúng. Các chuông cửa nhà có hình dạng phức tạp, duy nhất, có trước khi đèn đường được thiết kế, để người dân có thể xác định cửa của họ bằng cách cảm nhận tay cầm trong bóng tối.

Lịch sử

Gia đình Fugger trở nên giàu có nhờ nghề dệt và buôn bán. Jakob Fugger "giàu có" mở rộng lợi ích kinh doanh của họ bằng cách khai thác mỏ bạc và kinh doanh với Venice. Ngoài ra ông là một nhà tài chính và xem Vatican là một khách hàng đáng chú ý. Gia đình ông trở thành những người hỗ trợ tài chính cho nhà Habsburg và ông đã tài trợ cho cuộc bầu cử thành công của Karl V làm Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần thánh trong 1519.

Fuggerei được xây dựng lần đầu tiên giữa năm 1514 và 1523 dưới sự giám sát của kiến trúc sư Thomas Krebs, và vào năm 1582 Hans Holl thêm vào Nhà thờ St. Mark cho khu nhà ở này. Được mở rộng hơn nữa trong năm 1880 và 1938, Fuggerei ngày nay bao gồm 67 ngôi nhà với 147 căn hộ, một cái giếng, và một tòa nhà hành chính. Fuggerei bị hư hỏng nặng do các vụ đánh bom Augsburg trong Thế chiến II, nhưng đã được xây dựng lại theo kiểu ban đầu.

Bảo trì

Fuggerei được hỗ trợ bởi một tổ chức từ thiện được thành lập vào năm 1520 mà Jakob Fugger tài trợ với một khoản tiền gửi ban đầu là 10.000 gulden. Theo tờ Wall Street Journal, tổ chức từ thiện này được quản lý cẩn thận với nguồn thu lớn nhất đến từ những tài sản lâm nghiệp của gia đình Fugger kể từ thế kỷ thứ 17. Số tiền nhận được hàng năm của tổ chức thay đổi sau khi khấu trừ một tỷ lệ sau lạm phát là 0,5% đến 2%.

Đứng đầu gia đình Fugger hiện nay là nữ bá tước Maria-Elisabeth von Thun und Hohenstein, nhũ danh bá tước Fugger von Kirchberg, sống tại lâu đài Kirchberg. Hiện nay tổ chức từ thiện này được quản lý bởi Wolf-Dietrich Graf von Hundt. 

Hiện nay, lệ phí cho một tour du lịch vào Fuggerei là 16,00 € / người, hơn nhiều lần tiền thuê nhà hàng năm. /-

Tham khảo: 

12/23/23

Cửa sau

 Nguyễn Ngọc Tư

quê mình nhà nào cũng có cửa sau. Mỗi khi đi xa, nhớ ba nhớ má, nhớ nhà, nhớ luôn cái ngạch cửa trước, nhớ cái chái cửa sau. Rồi chợt hiểu vì mắc mớ gì mà người con gái xưa thầm lén “chiều chiều ra đứng cửa sau” để “trông về quê mẹ” để “ruột đau chín chiều”.

Ở nhà mình cũng có cái cửa sau. Cửa nhìn ra vườn cây xanh mịt, trắng loáng loáng ngoài kia là chòm mả ông bà tổ tiên. Những chiều xa nhà, ngồi dưới đò đi dọc theo các triền sông nhìn cửa sau của những ngôi nhà trầm lắng trong nắng héo. Không hiểu sao mình cảm thấy tội nghiệp mình ghê lắm. Người ta có nhà còn nghề nghiệp mình thì giang hồ mãi tận đâu đâu. Mình nhớ cửa sau nhà mình. Không phải chỉ là nơi để đi ra đi vào, cửa trở thành một khung tranh. Chị mình vẽ cảnh ngồi giặt áo trong cái nền sẫm đỏ của hoàng hôn. Ba mình vẽ vào khung một thân mình chắc nịch, đỏ au vì nắng gió trên đồng, những làn nước trong văng trong vắt từ cái lu nước nhỏ bên cửa bắn tung tóe mỗi lần ba tắm. Bà nội mình ngồi trên cái đôn cưa bằng gỗ mù u, vẽ vào cửa sau một cái nhìn khắc khoải, ngoài vườn chiều kia, dưới trăng chiều kia có mộ Ông, có mộ các chú nằm xuống khi tuổi còn rất trẻ. Nên mắt bà đã mờ mà như ướt lem nhem ? Hay tại khói cay bay cao bay sà từ chiếc lò cà ràng, ùng ục nồi cám heo sôi trên bếp ? Trên khung tranh còn má mình chiều nào cũng ngồi dưới chái đâm từ cửa sau, trước mặt má là thúng rau, sịa ngò đang lặt dỡ, bó dỡ… Tay má nhăn, tái xanh vì ngâm nước lâu, trán má nhăn vì lo toan, vất vả, chỉ có cái cười của má thì vui, vui lắm, vui không kể xiết. Nhất là khi má nhìn đứa cháu nhỏ xíu, ngong ngỏng ở truồng nhảy lạch chạch trong cái thau nước đặt trên sàn lãn (giống mình hồi nhỏ quá đi thôi). Cạnh đó, có phải mình không vậy ta, có phải mình đang ngồi chồm hổm trước nồi cơm đầy lọ, trong bức tranh chiều, dường như có tiếng cạo cơm cháy sồn sột và tiếng trẻ nít cười rân.

Đêm đầy sao, mở cửa sau chợt hương bông cau, bông bưởi ùa vào đầy ứ mũi. Muốn thở chỉ sợ hương tan. Nghe con chim heo kêu nghe sợ mơ hồ, chạy cuống chạy cuồng qua cửa rồi mà hương vẫn còn theo.

Cửa sau, với mình, ít nhiều mang cảm giác thiêng liêng của sự đầm ấm, sum vầy. Cho nên nhớ hoài, nhớ mãi, nhớ không thôi. Cái số mình, thầy bói nói, là số giang hồ, giang hồ vặt.
Ra giữa đời, về phố chợ, đất chật, người đông, sau nhà không có cửa nữa. Bởi phía sau không trăng, không hương, không người vẽ lên đó những bức tranh đầm ấm. Mà, ở đây cửa sau mang ý nghĩa khác mất rồi.Người ta đưa hai tiếng cửa sau vào ngoặc kép, “cửa sau” làm nhà nước thất thoát hằng tỉ tỉ đồng, mồ hôi nhân dân đổ xuống nhiều hơn, nước mắt vì nỗi nhọc nhằn cạn đi (còn đâu nữa mà rơi). “Cửa sau” làm người ta không trọng nhau, không thương nhau, không tin nhau.

Cửa sau có muốn đâu, cửa muốn vẽ những bức tranh dung dị, bình thường về những con người bình thường, những cảnh vật bình thường.

Nhưng bây giờ người ta hay vẽ, một đám người chen nhau đứng đằng sau cánh cửa, quà trên tay chất vượt mặt, gõ cửa bằng chân. Cuộc sống có thế người ta mới vẽ thế. Buồn thiệt ha ?

Không, cửa sau mình nhớ dứt khoát không phải vậy. Thiệt đó, tin mình đi.

12/22/23

Xin Ngôi Sao Lạ

 

Theo ngôi sao lạ phương đông

Ba Vua gặp Chúa Hài Đồng giáng sinh

Niềm tin mặc khải, sấp mình

Tiến dâng lễ vật, tôn vinh Ngôi-Lời

 

“Sáng danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (1)

Thiên cung nhạc nhã vang âm

Hang Bê-Lem ngát hương trầm thơm tho.


Đất trời mầu nhiệm giao thoa

Nguồn Ơn-Cứu-Độ tuôn oà chứa chan

Nằm trong máng cỏ cơ hàn

Người là ánh sáng thế gian muôn đời

 

Người là sự sống bởi trời

Là chân thiện mỹ ngời ngời tâm linh

Ba Vua theo ánh cứu tinh

Lại về mỗi dịp Chúa sinh ra đời.


Con qùy lạy Chúa… Chúa ôi!

Cho ngôi sao lạ chiếu trời Việt Nam!

Xua tan “quốc nạn sao vàng”

Quê hương con được bình an muôn đời

 

Muôn ngàn lạy Chúa… Chúa ôi!

Xin ngôi sao lạ chiếu trời Việt Nam!

 

             

Trần Quốc Bảo


HỘI NGỘ 54 NĂM K6 CTKD - NGÀY 01/12 ĐOÀN VIÊN


Video (có thể mở lớn): dài 4:22'
Trên nền tảng: Youtube
Thực hiện: VinhDo K6



Xem video liên quan:

Những bức thư mùa Noël

Nguyễn thị Cỏ May
Thư gởi Ông Già Noël và thư gởi nàng Juliette của Roméo ở Ý

Noel đã bao lần qua nhưng những bức thư của trẻ con viết và gởi cho Ông Già Noel mỗi năm từ tháng 11 và tất cả đều lần lược được hồi âm cho tới đầu thàng giêng năm sau, trong số đó có không ít những bức thư vẫn thật sự làm rung động lòng người. Vì những ý nghĩ ngây thơ, trong sáng của tuổi trẻ. Cho tới gần đây, riêng ở Pháp, số thư trẻ con mỗi năm viết tay gởi cho Ông Già Noel vẫn còn chiếm con số rất lớn. Dĩ nhiên có nhìều cô cậu được cha mẹ hướng dẫn viết bằng computer. Thời đại tin học mà!
Riêng bức thư của cô bé Virginia O’Hanlon, 8 tuổi, ở Manhattan-NY, viết năm 1897 gởi cho báo The New York Sun hỏi “Ông Già Noël có thật không?” bất ngờ trở thành nổi tiếng và vượt thời gian nhờ bức thư trả lời của báo.

Giai thoại này từ hơn 100 năm qua được kể lại mỗi mùa Noël.

Mùa Noel năm nay, câu chuyện lại được nhắc lại trên mạng thông tin. Và bức thư trả lời của ký giả Francis Pharcellus lại thêm một lần nữa đánh động lòng người:

"… Virginia, ông già Noel có thật. Ông có thật cũng như tình yêu và lòng quảng đại luôn hiện diện quanh ta, nhờ đó mà cuộc sống của chúng ta được vui tươi và hạnh phúc. Nếu không có ông già Noel thì thế giới của chúng ta ảm đạm biết bao. Nếu không có những em bé như cháu thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào? Khi đó cuộc sống sẽ chẳng có những tâm hồn trẻ thơ, chẳng có thi ca, chẳng có lãng mạn. Con người chỉ là những cỗ máy khô khan. Ánh sáng niềm tin và hy vọng của trẻ em trên khắp thế giới cũng sẽ tiêu tan.
...Ông Già Noel vẫn sống và sẽ sống mãi. Hàng nghìn năm sau Virginia à, mà không phải, hàng trăm nghìn năm sau, ông vẫn sẽ tiếp tục mang đến niềm vui và hạnh phúc cho những tâm hồn trẻ thơ trên khắp hành tinh này. Chúc cháu Giáng sinh hạnh phúc".

Bức thư của biên tập viên Francis Pharcellus Church là hành trang theo suốt cuộc đời Virginia. Trọn đời bà đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục và trẻ em tật nguyền.
Bà mất năm 1971, ở tuổi 81 và đã mang lá thư phúc đáp của ông Church suốt cuộc đời mình.


Cỏ May nhắc lại chuyện Ông Già Noël nhơn mùa Noël vì nó đã làm cho Cỏ May xúc động không ít hôm tối 24 vừa qua. Trẻ con vui chơi vì mới 10 giờ tối. Người lớn sửa soạn bửa ăn tối. Năm nay, ở Paris, trời không lạnh. Tây có câu “Hể Noël đứng được ở bao-lơn thì Phục-sinh phải ngồi trước lò sưởi”« Si Noël est au balcon, Pâques sera au tison » . Tuy không lạnh nhưng cửa sổ vẫn đóng. Thằng bé 7 tuổi tên Lenny, học lớp 1, cứ đòi mở ít nhứt một cửa sổ "để cho Ông Già Noel tới". Trước khi nghỉ học cuối năm, ở trường, cô giáo nói chuyện cho học sinh trong lớp nghe về Ông Già Noel. Và bảo học trò hãy viết thư cho Ông Già Noel xin quà. Học trò viết như một bài tập. Cậu bé Lenny chăm chỉ viết và gởi cả niềm tin vào trang giấy. Các bạn của nó phần đông không có đứa nào tin. Riêng nó tin có Ông Già Noel.

Tối hôm ấy, bất ngờ, cha của nó làm ngã cây thông. Nó òa lên khóc vừa đau khổ “Ông Già Noel không tới…”. Nó hiểu như một điềm không lành. Nó bỏ chạy vào phòng khóc tức tưởi. Và ngủ thiếp đi. Sau đó, mẹ của nó lấy quà ra bày lên những đôi giày của trẻ con để sáng ra, chúng nó nhận quà. Ngủ dậy, Lenny thấy có nhiều quà, reo lên mừng rỡ. Quên những chuyện buồn của tối hôm trước.
Đúng là cái đẹp vẫn ở niềm tin. Và niềm tin của trẻ con là đẹp hơn cả!
Viết thư gởi Ông Già Noël
Trẻ con Pháp viết thư gởi Ông Già Noel hoàn toàn miễn phí. Ban thư ký của ông là Bưu điện và địa chỉ gởi thư là:
Ông Già Noel
14, đường sao xẹt trên Trời
33500 Libourne – France (Miền Tây-Nam Pháp – Gần Bordeaux)

Theo tin mới nhứt, cập nhựt ngày 28 tháng 12 năm 2014, Ban Thư ký của Ông Gìà Noel đã mở cửa làm việc trở lại. Đó là tin mừng cho tất cả trẻ con ngoan, học giỏi, vì có thể viết thư gởi miễn phí cho Ông Già Noel, xin ông quà. Ông sẽ mang tới đặt dưới chân cây thông vào ngày Noel năm tới.

Hằng năm, vào tháng 11, Bưu điện mở Văn phòng truyền thống tọa lạc ở Thành phốbourne thuộc Tỉnh Gironde. Năm 2012, Văn phòng nhận được 1,7 triêu bức thư và ăn mừng năm thứ 52. Năm rồi, Văn phòng nhận được 1,2 triêu bức thư viết tay và cả 200000 e-mails của trẻ con trong đó có những hình vẻ và sự mong ước nhận được những món quà và đồ chơi. Những bức thư này gởi tới từ 126 quốc gia trên thế giới. Năm 1962, Văn phòng mới thành lập chỉ nhận được có 5000 thư. Ngày nay, Văn phòng có 60 nhơn viên trả lời thư.

Ngày hằng năm, trẻ con bắt đầu viết thư gởi Ông Già Noel, là ngày 6 tháng 11. Với danh sách kèm theo liệt kê những món quà mong đợi. Tất cả thư nhận được đều được Ban Thư ký đọc  kỹ và trả lời liền. Điều đặc biệt là thư không đề địa chỉ đầy đủ, như chỉ ghi «Ông Già Noel», dán lại, bỏ vào thùng thư cũng tới tận Văn phòng của Ông Già Noel và được hồi âm kịp lúc.
Chánh Văn phòng của Ông Già Noel là Bà Teulières. Bà rất xúc động khi đọc qua những bức thư của tác giả từ 3 tới 9 tuổi vì đó là những dòng chữ, những hình vẻ ngoằn ngoèo bộc lộ đầy sự ngây ngô trong sáng, vô cùng dễ thương, gởi cho người sẽ đem tới những niềm vui vào ngày cuối năm.

Qua hơn năm mươi năm hoạt động, Ban Thư ký của Ông Già Noel đã có tên tuổi khắp thế giới.

Những bức thư tình
Chuyện tình ngang trái của Juliette và Roméo đã đi vào lịch sử tình yêu được nhà văn Anh Shakespeare đưa vào kịch nghệ nay trở thành bất hủ.
Juliette vẫn trả lời hằng năm 4000 bức thư gởi tới nhà ở Vérona - Ý, nay trở thành bảo tàng viện lịch sử.
Juliette và Roméo là hai người yêu nhau nhưng cả hai trở thành nạn nhơn của sự xung đột của hai gia đình. Gia đình Capulet của Juliette và Montaigu của Roméo cùng ở thị trấn Vérona, miền Đông Bắc Ý, vào thời Phục Hưng. Những bức thư tình từ trên khắp thế giới gởi tới để tâm sự với Juliette vì cũng đồng cảnh ngộ.
Phần nhiều người viết thư cho Juliette không biết rõ địa chỉ, chỉ ghi ngoài bao thư «Juliette, Vérona (Vérone), Italie». Nhưng Bưu điện Ý vẫn đưa thư tới vì biết thư gởi cho Juliette là những lời tâm sự.
Tại ngôi nhà xưa của Juliette nay là bảo tàng viện, có 10 phụ nữ làm việc tự nguyện để trả lời thư từ. Một bà cho biết những thư tâm sự đó phần lớn gởi từ Pháp, Đức và Huê kỳ. 
Tác giả những bức thư này là phụ nữ. Có cả những cô gái vị thành niên. Họ viết thư để bày tỏ tâm sự trong tình yêu và hỏi Juliette cho những lời khuyên bảo để ứng xử. Nhiều người không biết làm thế nào để tỏ tình, để bảo vệ tình yêu, kẻ khác tỏ bày niềm hạnh phúc, sự đau khổ,… Đôi khi thư kèm theo một bức tranh, tấm hình của hai người yêu nhau, hoặc một bài thơ tình.

Văn phòng của Juliette trả lời tất cả thư nhận được. Bằng tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Anh, tiếng Nhựt, tiếng Nga. Những thứ tiếng mà mười phụ nữ tự nguyện ở đây có khả năng. Những bức thư trả lời được viết tay, sát theo từng trường hợp của người gởi. Không hề có thứ trả lời chung, một cách kiểu mẫu. Người trả lời viết theo cảm hứng của mình, theo nhịp tim của mình sau khi đọc thư.

Trong năm, có hai mùa, Văn phòng Juliette nhận nhiều thư hơn hết: mùa Lễ Tình Yêu và Noel. Cỏ May ghi ra đây địa chỉ Văn phòng Juliette để bạn đọc (các Bà trong các Hội Cao niên) có thể viết thư không lo thư bị thất lạc:

Via Galilée
37133 Verona - Italia

St: BN

12/21/23

Bầu cử Đài Loan 2024 và những nước cờ tính toán của Bắc Kinh

Nghe:


Vào ngày 13 tháng Giêng năm 2024, cử tri Đài Loan được mời gọi bầu chọn tổng thống và cơ quan lập pháp mới. Việc Bắc Kinh tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan trong suốt năm nay làm dấy lên lời đồn thổi khả năng Trung Quốc chiếm đánh Đài Loan từ đây đến năm 2027. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng, về mặt tâm lý, cuộc chiến « xâm chiếm » Đài Loan của Trung Quốc đang diễn ra tốt đẹp.

Ảnh minh họa: Gần đến ngày bầu cử, Trung Quốc gia tăng sức ép lên đảo Đài Loan. REUTERS - DADO RUVIC


Ba điều thay đổi cốt lõi

Chuyên gia về chính sách đối ngoại Christian Le Miere1 trước hết nhận định : Cuộc bầu cử 2024 là cột mốc quan trọng cho 75 năm quan hệ Trung – Đài và đây sẽ là tiền đề cho bốn năm sắp tới.

Thứ nhất, kỳ bầu cử này sẽ chứng kiến sự kết thúc thời kỳ điều hành của chính phủ tổng thống Thái An Văn, nữ tổng thống đầu tiên của hòn đảo, người đã gần như chấm dứt chính sách gắn kết, nối lại quan hệ xuyên eo biển của người tiền nhiệm Mã Anh Cửu.

Thứ hai, trong suốt 8 năm cầm quyền của đảng Dân Tiến, đảng của bà Thái Anh Văn, người ta ghi nhận có một sự thay đổi lớn trong văn hóa và cảm nhận của người dân Đài Loan đối với Trung Quốc. Các cuộc khảo sát thường xuyên về bản sắc và ưu tiên chính trị của người dân Đài Loan cho thấy có một xu hướng ủng hộ độc lập và tự nhận là người Đài Loan nhiều hơn là người Trung Quốc2, tăng từ 55% (2018) lên đến 65% trong năm 2023, và sự ủng hộ đối với việc duy trì nguyên trạng nhưng hướng tới độc lập – trong số sáu lựa chọn – tăng từ 13% lên hơn 25%.

Nhiều các đánh giá, điều này một phần là do chính sách của chính quyền Bắc Kinh. Các cuộc biểu tình lớn chống luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông đã khẳng định rằng khẩu hiệu « một quốc gia, hai chế độ » đã mất ý nghĩa trong mắt cử tri Đài Loan, khi tỏ ra lo ngại rằng các cuộc biểu tình đó là một lời kêu gọi chính đáng cho quyền bầu cử và đại diện của dân.

Thứ ba là có một sự thay đổi rõ nét về những căng thẳng quân sự trong khu vực. Từ thời chính quyền Donald Trump, Hoa Kỳ đã áp dụng chính sách kết hợp mang tính đối đầu hơn với Trung Quốc bao gồm cả việc can dự và hỗ trợ nhiều hơn cho Đài Loan cũng như là đã phá vỡ nhiều quy tắc bất thành văn như có các cuộc thăm viếng thường xuyên hơn của các chính trị gia cao cấp, sĩ quan quân đội và tầu hải quân Mỹ đến eo biển Đài Loan… Chính sách này còn được chính quyền Biden đẩy xa hơn khi lần đầu tiên đồng ý cho sử dụng nguồn quỹ Tài trợ Quân sự Nước ngoài (Foreign Military Financing – FMF) vào tháng 11/2023 để trang bị vũ khí cho Đài Loan.

Ngoài ra, Hoa Kỳ nỗ lực tái bố trí lực lượng sang Thái Bình Dương, xây dựng các mối quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn với các đồng minh và đối tác trong khu vực như liên minh tầu ngầm AUKUS và Bộ Tứ - QUAD, cải thiện tư thế răn đe cũng như lực lượng sẵn sàng phản ứng nhanh trước khả năng xảy ra bất kỳ điều gì với Trung Quốc....

Đọc toàn bài viết trên RFI tiếng Việt