12/20/23
Thương về dĩ vãng - Đám cưới sinh viên
Đám Cưới Của Cẩm – Liên
Không tiền, chưa nghề, đôi mắt còn ngơ ngác
như mắt nai, tâm hồn còn gắn bó với đám bạn chỉ biết các trại công tác xã hội vậy
mà Cẩm dám lấy vợ. Đúng là điếc không sợ
súng. Thường thì một nam sinh viên tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm mới
nghĩ tới việc lập gia đình. Cẩm đang học năm thứ ba Chánh Trị Kinh Doanh. Lúc
đó, các bạn học ai cũng biết cả hai gia đình chống đối việc hôn nhân của hai
anh chị, nhưng không ai nghĩ tại sao Cẩm
lại lấy vợ sớm và vội vàng như vậy. Sau này, tôi mới biết lý do Cẩm và chị Liên
làm đám cưới : Lý do chị Liên có bầu. Đám cưới Cẩm Liên vào ngày mồng 6 tháng 4
năm 1967, con trai đầu lòng của anh chị Nguyễn Tường Linh sinh cùng năm
1967. Cẩm nói với tôi : “ Hai gia đình
chống đối kịch liệt. Nhưng khi tụi moi sinh con trai thì hai gia đình dành nhau
nuôi “.
Cẩm viết về đám cưới của Cẩm – Liên : “Đầu năm 1967, tôi trở về sống với gia đình
trong dịp tết nguyên đán. Cha mẹ tôi biết nàng là người miền Nam ( bởi thím dâu miền Nam gây xấu trong dòng họ bỏ
chú và các con, ngoại tình ) nên không đồng
ý, bắt tôi phải bỏ nàng để cưới vợ khác do cha mẹ chọn lựa. Tôi quyết liệt phản
đối vì sự kỳ thị Nam Bắc. Tôi là người có tinh thần hoạt động xã hội, cần phải
công bằng không phân biệt giầu hay nghèo hoặc kỳ thị địa phương hay tôn
giáo … Trước sự quyết liệt của tôi, gia đình lấy tuổi của tôi và nàng đi xem bói. Thầy
bói bảo hai tuổi này không tốt. Sống với nhau buổi đầu nghèo nàn và sẽ phải xa nhau một
thời gian khá lâu. Con cái có một đứa
không mù cũng tàn tật. Là dân đi
học và hoạt động đâu có thể tin thầy bói nhảm nhí được ! Gia đình càng nhất quyết
phản đối buộc tôi phải chấm dứt mối tình này. Tôi chán nản trở về Dalat sớm hơn
dự trù để cho người yêu biết những khó khăn. Chúng tôi tự đồng ý kết hôn. Tôi gặp
các bạn thân từng hoạt động chung như
Nguyễn Lập Chí, Mai Kim Đỉnh, Nguyễn Văn Sơn … để tổ chức đám cưới
đơn giản không tốn kém. Các bạn đồng ý giúp đỡ. Tôi vào Viện gặp Cha Lập trình
bầy nỗi khó khăn trong việc hôn nhân. Cha
Lập là người khoan dung, độ lượng nên hết lòng giúp đỡ tôi. Cho phép tổ
chức tổ chức đám cưới trong Viện Đại Học tại Giảng Đường Spellman không bắt buộc
phải theo nghi lễ Công Giáo. Cha hỏi tôi có cần tiền để lo đám cưới không
? Tôi trả lời có ít ngàn tạm đủ vì không
sắm sửa gì ngoài bánh trái tiệc trà. Nếu có thể
xin Cha cho con mượn chừng
3.000 đồng để
phòng hờ. Con sẽ hoàn trả Cha ngay sau đám cưới vì các bạn mừng giúp đỡ
con. Cha móc túi đếm 3.000 đồng đưa cho tôi không cần giấy tờ. Tôi về báo tin cho các bạn biết. Ai cũng hớn hở vui
mừng tiến hành đám cưới cho tôi. Tôi trao 3.000 đồng cho các bạn mà Cha Viện
Trưởng vừa cho mượn để trang trí và lập
ban thờ Phật Giáo trong giảng đường dự trù tiệc cưới. Tôi lo đi in thiệp và đặt
bánh cưới để chuẩn bị chỉ có một tuần. Sau
khi bàn luận tất cả đồng ý theo
nghi lễ cổ truyền. Tin tức đám cưới của tôi được loan ra, mọi người đều nhiệt
liệt hưởng ứng , tự kiếm bộ vía quốc phục, khăn đóng áo dài bằng mọi cách.
Riêng chúng tôi vào trường Nữ Trung Học Bùi Thị Xuân mượn bộ đồ cô dâu chú rể mà trường dùng để đóng kịch. Bạn gái của Nguyễn
Lập Chí dẫn tôi vào trường Võ Bị Dalat mượn “ Cập Lọng “ thường dùng trong các dịp lễ Hai Bà Trưng,
Vua Quang Trung …
Đám cưới của chúng tôi đã được tất cả các bạn sốt sắng tiếp tay; kể cả bà chủ nhà cũng đi lùng kiếm các bộ đồ quốc phục dùm cho đội ngũ phù dâu phù rể. Chị Nguyễn Ngọc Thương cũng vận động gần hai chục chị từ nữ Đại Học Xá đến Quán T2 để tiếp tay làm bánh cho tiệc cưới. Nhóm “ Tam Quái “ mượn được chiếc trống lớn của Ấp Đa Thiện. Một số khác tìm pháo đốt và trái khói mầu của Không Quân …Tất cả đều bận rộn để chuẩn bị tham gia ngày cưới. Vô tình tạo cho chúng tôi một dám cưới đông đảo, linh đình, trang trọng như một đám rước có lọng che cho cô dâu chú rể rất đặc biệt, mà từ trước tới nay chưa bao giờ thấy ở Dalat .”
Lisa Nguyễn Văn Sơn kể lại hôn lễ Cẩm – Liên : “ … Tôi quen Nguyễn Tường Cẩm ngay những
ngày đầu khai giảng Khóa I của Trường Quản Trị Kinh Doanh và Quản Lý Xí Nghiệp,
tiền thân của Trường Chánh Trị Kinh Doanh, Viện Đại Học Đà Lạt. Lý do thật đơn
giản là tôi mướn căn gác gỗ của ngôi nhà 75B Võ Tánh, còn Cẩm thuê căn phòng
góc dưới đất, ngay chân cầu thang gỗ bên ngoài của căn gác. Lên xuống gặp nhau
thì quen liền.
Ngôi nhà 75B toàn thân bằng gỗ xẻ,
hình chữ A, có đầu hồi nhìn ra đường, đối diện với Trường Nữ Trung Học Bùi Thị
Xuân, sáng chiều đứng ở cửa gác, tựa lan
can cầu thang ngắm các cô Bùi Thị Xuân, xúc cảm còn hơn xem phim cinemascope
eastmancolor, nên căn gác của tôi và Ngụy Văn Cứng, một công tử xứ Pleiku, ở
chung đã trở thành nơi có nhiều thi nhân mặc khách đến vãng cảnh và sáng tác.
Ngôi nhà cũ kỹ với mái ngói đã hầu như đen, vách bốn bề sơn xanh đã bong tróc.
Phần trệt có 5 phòng, 2 phòng ở phía phải từ đường nhìn vào, ngoài là phòng của
Cẩm, trong là phòng của Nguyễn Vân Cương, phòng ở phía trái, ngoài là phòng của
Nguyễn Khải, trong là của Trương Duy Hào, sau này còn có thêm Hồ Phán, Trần Đại.
Phòng ở giữa lớn nhất là nơi ở của chủ nhà và cô con gái, sau này cho Cẩm và
Nguyễn Lập Chí thuê làm quán T2, trở thành một “Câu Lạc Bộ” sinh viên Đà Lạt.
Sau tết 1965, tôi dọn về ở 42 Võ Tánh
nhường căn gác lại cho Nguyễn Lập Chí “ lót ổ “ cho tờ Tí Ti. Tôi vẫn thường
lui tới 75B để chơi với Chí và Cẩm và cùng Chí lo tờ Tí Ti. Có lẽ trong đám
thân thiết này, tôi là tên nông dân Nam bộ rặt ròng. Và vì thế, là người bạn được
Cẩm chiếu cố mời tư vấn tổ chức đám cưới Cẩm – Liên. Chí và tôi góp ý là đám cưới phải được cử
hành theo tập tục cổ truyền và Nam Bắc đề huề :
Nam của chị Liên và Bắc của Cẩm, không để thiếu sót bất cứ nghi lễ gì,
nhưng trong tinh thần tiết kiệm. Đám cưới phải có sự hiện diện của Cai Tổng, Xã
trưởng, chủ hôn, bà con hai họ, lối xóm chòm riềng đi rước dâu, có cờ lọng, trống
chầu, mâm quả, khay trầu rượu, có nông dân và trẻ con bu ven đường vỗ tay, reo
mừng.
Gần như cả tháng 3, bạn bè cùng chung
tay chuẩn bị cho đám cưới, nhất là anh em ở nhà 75B. Thế là đám cưới diễn ra
vào ngày mồng 6 tháng 4 năm 1967.
Hôm đó, trời mưa tầm tã từ trưa đến xế.
Theo điềm Trời, có mưa thì có nước, có nước thì có “tiền”, mà tiền này thì là
tiền duyên kiếp trước và sung túc hạnh phúc kiếp này, Sơn Râu “đoán quẻ” như vậy. Khoảng 3 giờ chiều thì ngớt mưa, anh em bắt đầu
tụ tập trước cửa trường Bùi Thị Xuân. Đi
đầu là Cai Tổng Mai Kim Đỉnh áo dài trắng, nón cối trắng, giày hàm ếch. Sau
lưng là 4 chàng đồng phục áo dài thắt đai lưng, quần lững đội mâm quả do Trương
Duy Hào dẫn đầu. Tiếp theo là chiếc trống chầu do Tam Quái phụ trách, Hùng và Độ
quẩy đòn khiêng, Nhan Kim Hòa cầm dùi trống. Kế đó là cô dâu chú rể khăn đóng
áo dài gấm, khép nép dưới 2 cây lọng do Dương Tấn Hải và Trịnh Hoàng Giang,
khăn đóng áo the quần lĩnh, đảm trách.
Chú rể mặc áo thụng xanh, khăn đóng, phù rể áo dài khăn đóng. Cô dâu mặc
áo thụng và mấn vàng cùng các cô phù dâu mặc theo lối thôn nữ miền Bắc. Theo
sau là Xã trưởng Nguyễn Văn Thuận, áo bành tô trắng, miệng ngậm ống vố. Hàng
trăm anh chị em, trăm hồng ngàn tía đủ kiểu quần là áo lụa, từ chiếc áo dài tứ
thân đến chiếc áo bà ba của các chị, từ bộ quần áo thường nhật của sinh viên đến
bộ đồ đen nông dân đầu quấn khăn rằn là những người tham dự đám cưới. Hai bên
đường dân chúng và trẻ em đổ ra xem, chỉ trỏ, cười nói. Tưng bừng như lễ hội.
Tôi và cậu của cô dâu đi theo sau đoàn
đám cưới. Cậu của cô dâu là thân nhân duy nhất lên Đà Lạt từ Mỹ Tho âm thầm dự
đám cưới. Gần đến cổng Viện thì trời vừa sụp tối. Một hàng pháo hoa nổ liên hồi
với dòng chữ CHÚC MỪNG LỄ THÀNH HÔN CẨM – LIÊN, quà tặng của 3 anh Lương, Khang
và Long từ phi trường Liên Khương gửi lên. Cha Viện Trưởng, vợ chồng thày Ngô Đình
Long đón đám cưới về Giảng đường Spellman.
Sơn Râu làm xướng ngôn viên diễn giải
Lễ Tơ Hồng, được cử hành trước bàn thờ tổ tiên. Đại diện đôi bên trai gái,
không phải thân quyến của hai đàng, mà chỉ là một số sinh viên có tuổi đứng ra
đại diện hộ. Sau đó là những lời chúc tụng và quà bao thư đỏ của cha Viện Trưởng,
các giáo sư và các bạn.
Cuộc lễ trở nên linh hoạt và khiến người
ta có cảm tưởng thời gian lùi lại 20 năm về trước, khi phái đoàn gồm ông Chánh Tổng, chống ba tong, ngậm ống vố,
mặc complet xạc kin trắng, và các thuộc hạ mặc ống cao ống thấp đội quả đến biếu
và chúc tụng bằng ngôn ngữ của thời 1945 ở Lục Tỉnh.
Chủ hôn Sơn Râu đọc bài diễn văn Dạy
Con Gái trước khi về nhà chồng, Mai Kim Đỉnh đọc bài Khuyên Rể rút từ luân lý
Khổng Mạnh được sửa đổi đôi chút
Sau đó là tiệc vui. Trong buổi tiệc có
nhạc Rock, Bebop và có khiêu vũ … “
Đọc bài viết của Nguyễn Văn Sơn, anh Trần Văn
Chang email : “ Trong đám cưới đó, tôi
đóng vai bố, Chị Bùi Thị Trường đóng vai mẹ. Hồi trẻ, gầy nhom nên tôi phải độn
một cái gối vào bụng. Đúng là tuổi trẻ coi Trời bằng vung “
Và Email của chị Bùi Thị Trường : “….. Có lẽ tuổi trẻ đẹp vì " coi trời bằng
vung ". Trong đám cưới đó anh Chang Trần đóng vai bố vợ còn tôi là mẹ chồng,
cũng đầy đủ nghi lễ rước dâu .. . Một đám cưới có một không hai. Đúng không anh
xui ? Rất vui được tin anh sui “.
Bùi Thị Trường, Ngô Kim Liên, Nguyễn Tường Cẩm, Trần Văn Chang |
Trích: Tuyển tập truyện ngắn "Sinh viên xa nhà" của Nguyễn Đức Quang (GC)
Xem ảnh đám cưới.
12/19/23
Thương về dĩ Vãng - Duyên nợ
"Trang sử mới này được viết phần mở đầu bằng một cuộc du ngoạn chèo thuyền không có kế hoạch từ trước. Nghĩa là bất thình lình gặp nhau, rủ nhau, rồi cùng đi.
Tạ Duy Phong, Kim Thoa, Kim Liên, Nguyễn Tường Cẩm, Trần Ngọc Phong |
Đó là một sáng Chủ Nhật của năm Khái Luận. Khi tôi vừa leo lên chiếc xe Jeep mượn của tòa Tỉnh từ mấy hôm trước, thì gặp Trần Thiện Tường. Bèn rủ hắn ra phố uống cà phê.
Cà phê xong. Tường đề nghị quay về Đại Học Xá kiếm mấy Trự nào còn Xu rủ đi chơi cho hết ngày chủ nhật. Vào tới nơi thấy vắng teo. Nhưng lúc ra, hắn cũng ngoắc được hai cô và một cậu bên Sư Phạm Công Giáo mà hắn quen. Lúc vừa qua khỏi trường Bùi Thị Xuân thì gặp Nguyễn Tường Cẩm và chị Kim Thoa, ái nữ của nhà văn Nhất Linh. Thế là cả bọn bẩy người cùng phóng ra khu Hòa Bình, trước đó đã đón thêm một người Bạn Gái của chị Thoa. Trên xe, Cẩm đề nghị đi suối Đam Mê chèo thuyền chơi. Và hắn lại có dịp trổ tài Thiện Chí bằng cách quyên góp tiền bạc mua bánh mì Pinic, trái cây, nước ngọt ( nhưng hắn quên không thâu tiền của tôi ). Lúc ra tới phố, lại gặp thêm Trần Ngọc Phong và bốn người nữa. Được cái chiếc xe này thuộc loại long body, nên tổng cộng 13 người vẫn … ấm áp.
Cuộc đi chơi hôm đó thật là thoải mái vui vẻ. Và tôi lại có dịp thán phục cái tài “chèo thuyền“ rất nhà nghề của Cẩm Thiện Chí. Hèn chi báo Thế Giới Tự Do đăng khen ngợi tài ba của hắn ! Không biết hắn học được từ lúc nào mà … chèo giỏi quá ! Các Mợ ngồi trên đó đều phục lăn. Và tất nhiên có cả người bạn gái của chị Thoa. Tôi thấy hai người dọi đèn vào nhau lia lịa. Bèn nhủ thầm :” Phen này chắc là mày … hết đường sống như tụi tao rồi Nguyễn Tường Cẩm ơi ! “.
*****
Mấy tuần lễ sau, tôi có dịp lại thăm chị Thoa. Và tình cờ tôi “ đọc lén “ được một đoạn trong cuốn “ Nhật Ký Đời Tôi : Ngô Thị Kim Liên “. Nguyên văn như sau :
12/18/23
Sống tiết kiệm, gắn bó cộng đồng…: Giải pháp thoát đại khủng hoảng sinh thái
Ảnh: Một sinh hoạt của cộng đồng Mạng lưới đô thị sinh thái (Transition Network), xuất phát từ thị trấn Totnes, Anh quốc, do Rob Hopkins sáng lập, hiện có mặt ở khoảng 500 đô thị trên thế giới. |