11/8/23

Mạng cáp quang dưới lòng Bắc Băng Dương : Nga mời Trung Quốc nhập cuộc

Nghe phầm âm thanh: 


Thế giới rồi đây sẽ sử dụng Internet của Trung Quốc ? Trong cuộc chiến về công nghệ với Hoa Kỳ, Trung Quốc được Nga hậu thuẫn để xây dựng hệ thống cáp quang dưới lòng Bắc Băng Dương, thực hiện tham vọng Con Đường Tơ Lụa Mới Digital. Trong thời đại công nghệ số và các hoạt động gián điệp phổ biến, để mở rộng ảnh hưởng và thay thế Mỹ làm chủ mạng internet toàn cầu trong thế kỷ 21, Bắc Kinh muốn kiểm soát « xa lộ thông tin » từ Bắc Cực.

Ảnh minh họa: Nhờ dịch vụ của công ty Pháp, các tài của Công ty Vận tải Bắc cực được kết nối dọc theo Đường Biển Bắc. © AFP/Orange Business Services

Vì sao Bắc Cực trở thành một mặt trận trong cuộc chiến công nghệ digital Mỹ -Trung ? Bắc Kinh tính toán những gì và đã được Nga hậu thuẫn như thế nào ? RFI tiếng Việt mời chuyên gia về hệ thống cáp quang dưới lòng biển, Michael Delaunay, giảng dậy tại đại học Versailles - Saint Quentin en Yvelines trả lời các câu hỏi trên. Các công trình nghiên cứu của giáo sư Delaunay tập trung vào Bắc Cực và ông là tác giả bài tham luận mang tựa đề : Con Đường Tơ Lụa Kỹ Thuật Số, công cụ để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng, kể cả tại Bắc Cực. Bài viết đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Quốc Tế - Tập 51, số 1/2020.
..........

Đọc bài viết trên RFI tiếng Việt:

11/7/23

Mỹ lẳng lặng chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho Đài-loan

Bản tiếng Anh:  https://www.bbc.com/news/world-asia-67282107

November 05, 2023

By Rupert Wingfield-Hayes

BBC News, Taiwan

Dịch và bổ sung cước chú: Phạm Văn Bân, Fàn Wénbīn范文彬, November 06, 2023


Đài Loan dưới thời Tổng thống Thái Anh Văn đã lên tiếng nhiều hơn về liên minh với Mỹ

Gần đây, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký khoản tài trợ $80 triệu đô-la cho Đài-loan để mua thiết bị quân sự của Mỹ thì Trung quốc nói họ “lấy làm tiếc và phản đối” những gì Washington đã làm.

 

Đối với người quan sát ngẫu nhiên, khoản tài trợ này không có vẻ là một khoản tiền quá lớn. Nó tốn ít hơn giá của một chiếc máy bay chiến đấu tân tiến. Đài-loan đã đặt mua thiết bị quân sự của Mỹ trị giá hơn 14 tỷ USD. Liệu $80 triệu đô-la khốn khổ này có quan trọng hơn không?

 

Trong khi sự giận dữ là phản ứng đương nhiên của Bắc-kinh đối với bất cứ hỗ trợ quân sự nào dành cho Đài-loan, nhưng lần này có điều gì đó khác biệt.

 

$80 triệu đô-la không phải là một khoản cho vay. Nó là tiền của những người nộp thuế ở Mỹ. Đây là lần đầu tiên sau hơn 40 năm, Mỹ dùng tiền riêng để gửi vũ khí đến một nước mà Mỹ không chính thức công nhận. Chuyện này đang xảy ra theo một chương trình gọi là tài trợ quân sự ngoại quốc (foreign military finance/FMF).

 

Kể từ khi Nga xâm lăng Ukraine vào năm ngoái, FMF đã được dùng để gửi khoảng 4 tỷ USDviện trợ quân sự cho Kyiv. FMF đã được dùng để gửi thêm hàng tỷ USD đô-la cho Afghanistan, Iraq, Israel và Egypt, v.v. Nhưng cho đến nay FMF chỉ được trao cho các nước hoặc tổ chức được Mỹ công nhận. Đài-loan thì Mỹ không công nhận.

 

Sau khi Mỹ chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài-loan sang Trung quốc vào năm 1979, Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho hòn đảo này theo các điều khoản của Taiwan Relations Act/Đạo luật Quan hệ Đài-loan. [1] Điểm then chốt là bán vừa đủ vũ khí để Đài-loan có thể tự vệ trước cuộc tấn công có thể xảy ra của Trung quốc, nhưng không quá nhiều đến nỗi tạo ra bất ổn cho mối quan hệ giữa Washington và Bắc-kinh. Trong nhiều thập niên, Mỹ đã dựa vào điều gọi là sự mơ hồ về chiến lược này/strategic ambiguity để giao dịch buôn bán với Trung quốc, đồng thời vẫn là đồng minh trung thành nhất của Đài-loan.


Nhưng trong thập niên qua, cán cân quân sự dọc Eo biển Đài-loan đã nghiêng hẳn về phía có lợi cho Trung quốc. Công thức cũ không còn hiệu quả nữa. Washington khẳng định mạnh mẽ rằng chính sách của họ không thay đổi, nhưng theo những cách quan trọng thì có. Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhanh chóng bác bỏ ý nghĩ cho rằng FMF có ngụ ý công nhận Đài-loan. Nhưng tại Đài-bắc, rõ ràng là Mỹ đang tái xác định mối quan hệ với hòn đảo này, đặc biệt là do Washington đang thúc đẩy Đài-loan tái vũ trang một cách khẩn cấp.

 

Và Đài-loan, quốc gia không thể so nổi với Trung quốc, cần sự giúp đỡ.

 

Vương Định-vũ/Wang Ting-yu,[2] một nhà lập pháp của đảng cầm quyền có quan hệ mật thiết với Tổng thống Đài-loan Thái Anh-văn, và với các lãnh đạo Quốc hội Mỹ, nói: “Mỹ đang nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết cần phải cải tiến năng lực quân sự của chúng tôi. Họ đang gửi một thông điệp rõ ràng về chiến lược đến Bắc-kinh rằng chúng tôi sát cánh cùng với nhau.”

 

Ông nói rằng $80 triệu đô-la chỉ là phần nổi của một tảng băng rất lớn, và lưu ý rằng vào tháng Bảy (July), Tổng thống Biden đã dùng quyền tùy nghi để phê duyệt việc bán các dịch vụ và thiết bị quân sự trị giá 500 triệu đô-la cho Đài-loan. Ông Vương nói Đài-loan đang chuẩn bị gửi hai tiểu đoàn bộ binh tới Mỹ để được huấn luyện, lần đầu tiên điều này xảy ra kể từ thập niên 1970s.

 

Nhưng điều then chốt là tiền, theo ông thì khởi đầu có thể lên tới 10 tỷ triệu đô-la trong 5 năm tới.

 

Lại Di-trung/I-Chung Lai,[3] chủ tịch Hội Viễn-cảnh Cơ-kim [4], một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Đài-bắc, nói rằng các thỏa thuận liên quan đến thiết bị quân sự có thể mất tới 10 năm. “Nhưng với FMF, Mỹ đang gửi vũ khí trực tiếp từ kho của Mỹ và đó là tiền của Mỹ - vì vậy chúng tôi không cần phải trải qua toàn bộ diễn trình phê chuẩn.”

 

Điều này rất quan trọng căn cứ vào một Quốc hội bị chia rẽ đã trì hoãn hàng tỷ đô-la viện trợ cho Ukraine, mặc dù Đài-loan rõ ràng nhận được nhiều ủng hộ của lưỡng đảng hơn. Nhưng cuộc chiến tại Gaza chắc chắn sẽ hạn chế nguồn cung cấp vũ khí của Mỹ cho Đài-bắc, cũng như cuộc chiến ở Ukraine. Tổng thống Biden đang tìm kiếm viện trợ chiến tranh cho Ukraine và Israel, trong đó bao gồm cả nhiều tiền hơn cho Đài-loan.

 

Hỏi Bộ Quốc phòng tại Đài-bắc tiền Mỹ sẽ được dùng vào mục đích gì, và câu trả lời là một nụ cười hiểu-biết và đôi môi mím thật chặt.

 

Nhưng Dr. Lại nói rằng có thể đưa ra những phỏng đoán có căn cứ: Hỏa tiễn phòng không Javelin và Stinger - hai vũ khí hiệu quả rất cao mà các lực lượng có thể học cách dùng một cách nhanh chóng.

 

Ông nói: “Chúng tôi không có đủ hỏa tiễn và chúng tôi cần rất nhiều. Tại Ukraine, Stingers đã dùng cạn rất nhanh và cách Ukraine dùng chúng cho thấy chúng tôi cần gấp 10 lần số lượng mà chúng tôi hiện có.

Đài-loan, một đảo tự trị, đối diện nguy cơ bị Trung quốc sáp nhập

Đánh giá của các người quan sát lâu năm rất thẳng thắn: hòn đảo này thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với một cuộc tấn công của Trung quốc.

 

Danh sách của các vấn đề rất dài. Quân đội Đài-loan có hàng trăm xe tăng chiến đấu cũ kỹ, nhưng lại có quá ít hệ thống hỏa tiễn hạng nhẹ tân tiến. Cơ cấu chỉ huy, chiến thuật và học thuyết quân đội của nước này đã không được cập nhật trong nửa thế kỷ qua. Nhiều đơn vị tiền tuyến chỉ có 60% nhân lực lẽ ra phải có. Các hoạt động phản gián của Đài-loan ở Trung quốc được cho là không tồn tại và hệ thống trưng binh của nước này bị hỏng bét.

 

Năm 2013, Đài-loan đã giảm nghĩa vụ quân sự từ một năm xuống chỉ còn 4 tháng, trước khi khôi phục lại thành 12 tháng, một động thái sẽ có hiệu lực vào năm tới. Nhưng có các thách thức lớn hơn. Những thanh niên đã trải qua gọi đùa là “trại nghỉ hè.”

 

Một người mới tốt nghiệp nói: “Không có huấn luyện thường xuyên. Chúng tôi đến trường bắn khoảng hai tuần một lần và dùng những khẩu súng cũ từ thập niên 1970s. Chúng tôi quả đã bắn vào các mục tiêu. Nhưng không có hướng dẫn thích đáng về cách nhắm bắn như thế nào, vì vậy mọi người cứ bắn trượt. Chúng tôi không tập luyện gì cả. Cuối cùng có bài thi về thể lực, nhưng chúng tôi không chuẩn bị gì cho cuộc thi này.”

 

Anh mô tả một hệ thống trong đó các chỉ huy quân đội cấp cao nhìn những thanh niên này với thái độ hoàn toàn thờ ơ và không hề quan tâm đến việc huấn luyện họ, một phần vì họ sẽ chỉ ở đó trong một thời gian ngắn.

 

Tại Washington có cảm giác mạnh mẽ rằng Đài-loan đang sắp hết thời gian để cải tổ và xây dựng lại quân đội. Vì vậy, Mỹ cũng đang bắt đầu tái huấn luyện quân đội Đài-loan.

 

Trong nhiều thập niên, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của hòn đảo này tin tưởng rất nhiều rằng việc xâm chiếm hòn đảo này là cực kỳ khó khăn và nguy hiểm đối với Trung quốc. Giống như Anh, Đài-loan ưu tiên phát triển lực lượng hải quân và không quân - thay vì cho bộ binh.

 

Dr. Lại nói: “Quan điểm là giao chiến với chúng ở Eo biển Đài-loan và tiêu diệt chúng trên bãi biển. Vì vậy, chúng tôi đầu tư rất nhiều nguồn lực vào việc phòng thủ trên không và trên biển”.

Ưu điểm lớn nhất của Đài-loan là hòn đảo có địa hình đồi núi

Nhưng hiện nay Trung quốc có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và lực lượng không quân vượt trội hơn rất nhiều. Một cuộc thao diễn trò-chơi-chiến-tranh do một tổ chức nghiên cứu tiến hành năm ngoái tìm thấy rằng trong một cuộc xung đột với Trung quốc, lực lượng hải quân và không quân của Đài-loan sẽ bị xóa sổ trong vòng 96 giờ đầu tiên của trận chiến.

 

Dưới áp lực mạnh mẽ từ Washington, Đài-bắc đang chuyển sang chiến lược “fortress Taiwan/pháo đài Đài-loan” để sẽ khiến cho hòn đảo này trở nên vô cùng khó khăn để Trung quốc chinh phục.

 

Trọng tâm sẽ chuyển sang lực lượng trên đất liền, bộ binh và pháo binh - đẩy lùi cuộc xâm lăng trên các bãi biển, và, nếu cần thiết, giao chiến với Quân đội Giải phóng Nhân dân (People's Liberation Army/PLA) tại các thị trấn và thành phố, và từ các căn cứ nằm sâu trong vùng núi phủ đầy rừng rậm của hòn đảo. Nhưng điều này đặt lại trách nhiệm bảo vệ Đài-loan cho một quân đội đã lỗi thời của nước này.

 

Dr. Lại nói: “Sau khi Mỹ cắt đứt quan hệ vào năm 1979, quân đội của chúng tôi gần như bị cô lập hoàn toàn. Vì vậy, họ bị mắc kẹt trong học thuyết quân sự của Mỹ vào thời Chiến tranh Việt Nam.”

 

Điều này không làm cho Đài-bắc hay Washington lo lắng mãi cho đến gần đây. Qua hai thập niên 1990s và 2000s, các công ty Đài-loan và Mỹ đã xây dựng nhà máy trên khắp Trung quốc. Bắc-kinh vận động hành lang để gia nhập World Trade Organization/Tổ chức Thương mại Thế giới - và đã làm được. Thế giới đón nhận kinh tế Trung quốc, và Mỹ nghĩ rằng thương mại và đầu tư sẽ bảo đảm hòa bình ở Eo biển Đài-loan.

 

Nhưng sự nổi lên của Tập Cận-bình, và chủ trương chủ nghĩa dân tộc của ông, và việc Nga xâm lăng Ukraine đã phá hủy hoàn toàn  những giả sử thoải mái đó.

 

Đối với Đài-loan, những bài học từ cuộc xâm lăng tại Ukraine đã gây sốc. Pháo binh đã khống chế trận địa - pháo binh có tốc độ bắn rất cao và độ chính xác khủng khiếp. Các nhóm lính người Ukraine biết rằng họ phải dời đi sau khi bắn một loạt đạn pháo - nếu không trong vòng vài phút, “hỏa lực phản công” của Nga sẽ trút xuống vị trí của họ như mưa.

 

Nhưng nhiều binh sĩ pháo binh của Đài-loan được trang bị với các loại súng thời Chiến tranh Việt Nam hoặc ngay cả thời Thế chiến II. Súng được nạp đạn theo cách thủ công, di chuyển khó khăn và chậm. Chúng sẽ dễ bị tấn công. 


Điểm dễ bị tổn thương của Đài-loan là đang buộc Washington phải hành động. Đó là lý do tại sao lực lượng trên-mặt-đất của Đài-loan được phái đến Mỹ để được huấn luyện và các huấn luyện viên của Mỹ cũng đến Đài-bắc để phối hợp với thủy quân lục chiến và lực lượng đặc biệt của Đài-loan.


Quân đội Đài-loan phần lớn không thể so nổi với Trung quốc

Nhưng William Chung, một nghiên cứu gia tại Institute for National Defence and Security Research/Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia tại Đài-bắc, nói rằng Đài-loan vẫn không thể hy vọng tự mình ngăn chặn được Trung quốc. Đây là bài học khác từ cuộc chiến ở Ukraine.

 

Ông nói: “Cộng đồng quốc tế phải quyết định liệu Đài-loan có quan trọng hay không. Nếu G7 hoặc NATO nghĩ rằng Đài-loan quan trọng cho ích lợi của họ thì chúng ta phải quốc tế hóa tình hình Đài-loan - bởi vì đó là điều sẽ khiến Trung quốc phải suy nghĩ kỹ về cái giá phải trả.”

 

Dr. Chung nói rằng động thái của Trung quốc đã vô tình giúp Đài-loan làm được điều đó. Ông nói: “Trung quốc đang cho thấy họ theo chủ nghĩa bành trướng tại South China Sea và East China Sea. Và chúng ta có thể thấy kết quả tại Nhật, nơi ngân sách quân sự hiện đang tăng gấp đôi.”

Ông nói kết quả là việc định hình lại các liên minh trong khu vực - cho dù đó là hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Mỹ, Nhật và Nam Hàn, tầm quan trọng ngày càng tăng của các liên minh quân sự như Quad (Nhật, Mỹ, Úc và Ấn-độ) và Aukus (Anh, Mỹ và Úc) đang chạy đua chế tạo tàu ngầm thế hệ tiếp theo chạy-bằng-năng-lượng-hạch-nhân, hay mối tương quan chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Philippines.

 

Ông nói: “Trung quốc đang cố gắng thay đổi hiện trạng trên toàn khu vực. [Và điều đó] có nghĩa là an ninh Đài-loan được kết nối với  Biển Đông và Biển Hoa Đông. Điều đó có nghĩa là chúng tôi không còn bị cô lập nữa.”

 

Hiện đang có cuộc tranh luận gay gắt ở Washington về việc Mỹ nên hỗ trợ Đài-loan đến mức nào. Nhiều quan sát gia Trung quốc lâu-năm nói rằng bất cứ cam kết công khai nào từ phía Mỹ đều sẽ khiêu khích Bắc-kinh hơn là răn đe. Nhưng Washington cũng biết rằng Đài-loan không thể hy vọng tự vệ một mình.

 

Như một quan sát gia Trung quốc lâu-năm nói: “Chúng ta cần giữ im lặng trước toàn bộ vấn đề của sự mơ hồ về chiến lược, trong khi chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho Đài-loan”.



Chú thích:

[1] Đạo luật Quan hệ Đài Loan/Taiwan Relations Act/TRA, ban hành ngày April 10, 1979, là một đạo luật của Quốc hội Mỹ. Kể từ khi chính thức công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, TRA xác định mối quan hệ chính thức về mặt thực chất nhưng phi-ngoại-giao giữa Mỹ và Đài-loan.
TRA yêu cầu Mỹ phải có chính sách “cung cấp cho Đài-loan vũ khí có tính chất phòng thủ,” và “duy trì khả năng của Mỹ để chống lại bất cứ biện pháp sử dụng vũ lực hoặc các hình thức ép buộc nào khác có thể gây nguy hiểm cho an ninh, hoặc hệ thống kinh tế hoặc xã hội của dân Đài-loan.”

[2] Vương Định-vũ/Wang Ting-yu 王定宇 Chính trị gia Đài Loan. một nhà lập pháp của đảng cầm quyền có quan hệ mật thiết với Tổng thống Đài-loan Thái Anh-văn, và với các lãnh đạo Quốc hội Mỹ,

[3] Lại Di-trung/I-Chung Lai.賴怡忠 . Chủ tịch Viễn-cảnh Cơ-kim Hội, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Đài-bắc.

[4] Viễn-cảnh Cơ-kim Hội:[Yuǎnjǐng jījīn huì] 遠景基金會.

11/3/23

Đừng Cười Tôi Nghe Nhạc "Sến"

 Dạo:

    Theo dòng nhạc "sến" ngân nga,

Ngậm ngùi nhớ đến quê nhà năm nao.

 

Cóc cuối tuần:

 

  Đừng Cười Tôi

                   Nghe Nhạc "Sến"

                          (Cho người, cho ta, cho người ta)

 

Này người hỡi, đừng mỉm cười châm biếm,

Khi nhìn tôi nghe nhạc "sến" say sưa,

Gửi hồn về những ngày tháng xa xưa,

Lúc đất nước ta chưa thành địa ngục.

 

Tôi xui xẻo, Trời không ban cho phúc

Được học hành, thành "trí thức" như ai,

Nên xin người đừng dè bỉu chê bai,

Hãy cho phép tôi dông dài giây lát.

                      x

                 x        x       

Có gì "sến" trong trăm ngàn khúc hát,

Mà từng lời bát ngát đượm tình quê,

Và từng câu luôn nhắc nhở tôi về

Một nơi chốn đà muôn bề xa cách?

 

Có gì "sến" với mối tình trong sạch

Của chàng trai đang cắp sách đến trường.

Thoáng nhìn ai mà lòng dạ vấn vương,

Giờ tan học trên đường về lẽo đẽo?

 

Có gì "sến" khi hè vừa bén nẻo,

Đám học trò buồn héo hắt chia tay,

Đứa thị thành, đứa trôi giạt chân mây,

Năm tới biết ai còn quay trở lại?

 

Có gì "sến" chuyện những người con gái,

Kẻ đưa đò, kẻ náu tại rừng sâu,

Trót yêu nên phải mang nặng khối sầu,

Chết hay sống vẫn buồn đau duyên số?

 

Có gì "sến" trong muôn vàn cảnh khổ,

Lớp nhớ về một thành phố mưa bay,

Lớp đêm dài cùng chim sắt rẽ mây,

Lớp men lối biệt ly đầy cay đắng?

 

Có gì "sến" trên sân ga quạnh vắng,

Những chiều buồn gội nắng đợi người xưa,

Nhưng qua rồi chẳng biết mấy mùa mưa,

Mà bóng dáng ai kia chưa về được?

 

Có gì "sến" khi vì lòng yêu nước

Vạn chàng trai phải cất bước lên đường,

Bỏ phố phường, gác lại chuyện yêu đương,

Sẵn sàng đổ máu xương nơi tiền tuyến?

 

Có gì "sến" khi những người lính chiến,

Phải đương đầu nguy hiểm chốn rừng sâu,

Mắt đăm đăm nhìn ánh lửa hỏa châu,

Miệng lẩm bẩm không ngừng câu đoàn tụ?

 

Có gì "sến" với người theo đội ngũ

Lội bùn dơ, lam lũ khắp chiến trường,

Nhưng đêm ngày vẫn nghĩ tới người thương

Quay quắt nhớ màu sương nơi quê cũ?

 

Có gì "sến" với cảnh người chinh phụ,

Năm canh khuya mất ngủ nhớ thương chồng,

Miệt mài ngồi đan áo ở bên song,

Cho chồng được ấm lòng khi giữ nước?

                      x

                 x        x       

Người ơi chẳng bao giờ tìm lại được,

Thời vàng son của ngày trước Bảy Lăm,

Với hàng ngàn ca khúc của Miền Nam

Mà nhựa sống còn miên man tuôn chảy.

 

Người có thấy những bài ca ngày ấy,

Lời nhiều khi không bóng bảy văn chương,

Nhưng chính là hình ảnh của quê hương,

Thuở chưa chịu cảnh đoạn trường khốn khó?

 

Quê hương đó, là nỗi buồn phượng đỏ,

Là nhịp đàn khúc tân cổ giao duyên,

Là bước chân ngoài phố lúc nửa đêm,

Là nhức nhối triền miên nơi gác trọ,

 

Là ánh mắt mãi trông chờ đầu ngõ,

Là tiếng chuông, tiếng gió, tiếng nguyện cầu,

Là cành sim tim tím chốn rừng sâu,

Là chiếc bóng cây cầu đà gãy đổ,

 

Là day dứt nhìn cơn mưa tỉnh nhỏ,

Là nỗi vui vườn Tao Ngộ cuối tuần,

Là poncho, là mưa nắng hành quân

Là hạnh phúc của những lần đi phép...

 

Dù số mệnh Miền Nam giờ đã khép,

Những bài ca, hình ảnh đẹp tuyệt vời,

Những cung sầu, những xúc cảm đầy vơi,

Những tình tự... sẽ muôn đời tồn tại.

                      x

                 x        x       

Người nếu nghĩ mình thượng lưu quý phái,

Hãy ngủ yên thoải mái giữa tháp ngà,

Mặc sức dùng kiến thức nhạc bao la

Để tán tụng những bài ca "sang cả".

 

Và nếu muốn, cứ âm thầm hể hả

Mỉa mai tôi dốt đặc chả biết gì,

Nhưng xin người hãy tạm ngoảnh mặt đi,

Hé mở chút tâm từ bi hỷ xả,

 

Cho tôi được, trong nắng chiều tơi tả,

Mắt mơ màng mà tấc dạ tái tê,

Tạm quên đi bước lữ thứ ê chề,

Nghe nhạc "sến" để nhớ về quê cũ.

                Trần Văn Lương

                  Cali, 11/2023

10/31/23

Khí đốt phục vụ tham vọng ngoại giao của Qatar

Nghe phần âm thanh:


Là một quốc gia có diện tích chỉ gấp 2 lần Singapore, nhưng lại là nguồn dự trữ khí đốt lớn thứ ba trên thế giới - sau Nga và Iran, Qatar, trong chưa đầy 50 năm, trở thành một trong bốn nước có thu nhập đầu người cao nhất thế giới và Doha đã liên tục sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên này để khẳng định vị trí trong khu vực và trên trường quốc tế.




















Đối với đại đa số, Qatar, được biết đến nhờ hãng hàng không Qatar Airways. Trong giới truyền thông, quốc gia nhỏ tí trong vùng Vịnh này nổi tiếng nhờ hai kênh truyền hình có uy tín và có nhiều khán giả theo dõi Al Jazeera và beIn Sport.
........

Đọc toàn bài viết:

Mạn Đàm Phiếm luận - Tháng MA



Tháng 7 âm lịch vừa qua và tháng 10 dương lịch là "tháng ma" được lưu truyền xưa nay tại các nước Á Đông và Phương Tây.

Ngày trước, mỗi lần đến tháng 7 âm lịch, ba má tôi không cho tôi đi chơi vào ban đêm, lý do là: " đi đêm có ngày sẽ gặp ma." Vì âm phủ mở cửa thả hồn ma lên dương gian, nên rất dễ đụng đầu. Dù không gặp phải, tháng 7 âm phủ mở cửa toác hoác, cũng rất dễ đụng chạm.

Nhưng tại Hoa Kỳ, mỗi năm đến tháng 10 dương lịch, người ta nói nhiều chuyện về ma. Quảng cáo khắp nơi về ma quỷ yêu quái, thương xá trưng bày đủ kiểu quần áo mặt nạ của ma, dân chúng giăng kết màng nhện, treo sô kết tơ trước nhà, cố ý tạo một môi trường rùng rợn ma quái, thậm chí coi nhà mình như nhà ma để đón lễ.

Đêm cuối cùng của tháng 10, cha mẹ trang điểm con mình thành ma thành quỷ, rồi dẫn đi xin kẹo từng nhà. Có người còn nói: " Đêm tháng 10 phải thường xuyên ra ngoài, nếu may mắn sẽ có thể gặp được ma!"

Chuyện đời thay đổi nhanh chóng, ý niệm sợ ma không còn như xưa nữa. Trước đây nói đến ma, người ta sợ bỏ chạy; ngày nay nói đến ma, người ta lại tò mò thích nghe, thích tìm hiểu. Vì vậy, chuyện ma, sách ma, phim ma trở thành sản phẩm tiêu khiển thời thượng của con người.

Thực sự, ma quỷ có ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn hóa của dân tộc và sự an ninh của xã hội. Dân tộc tin có quỷ thần sẽ có một nền văn hóa phong phú, nhiều ý tưởng và sắc thái dồi dào; xã hội tin có ma quỷ thì tin có nhân quả, luân hồi và quả báo."Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo", làm tốt gặp tốt, làm xấu gặp xấu. Tin như vậy thì thiên hạ ít dám làm việc bất lương, xã hội tự nhiên tương đối an lành.

Dưới quan niệm cổ truyền, người ta xem những hồn ma như là "huynh đệ" của mình. Vì vậy, theo tập tục truyền thống của dân tộc Á Đông, rằm tháng 7 âm lịch là ngày Địa Ngục mở cửa thả hồn ma, mà chúng ta gọi là "huynh đệ" (好兄弟). Vì hồn ma bị hành hình đói khát quanh năm, nên ở dương gian vào ngày này, người ta thường bày biện nhiều thức ăn, mời anh em ăn một bữa hả hê. Nghi thức này gọi là "cúng cô hồn" (祭祀亡魂). Rồi đốt tiền giấy cứu tế, đồng thời mời sư sãi tụng kinh siêu độ, mong anh em bất hạnh đọa vào "ác đạo" sớm được siêu thoát, gọi là "phổ độ" (中元普度).

Theo quan điểm của Phật giáo, rằm tháng 7 âm lịch là lễ "Vu Lan" (盂蘭盆), Vu Lan là Phạn ngữ dịch âm, nghĩa là "giải đảo huyền" (解倒懸). Đảo huyền là chỉ thú vật bị treo ngược để chuẩn bị đem bán hoặc dùng làm vật cúng tế. Giải đảo huyền tức là giải cứu các loại súc vật. Ngày hôm đó, chúng ta chân thành lễ Phật, cúng dường tăng ni, dùng công đức này để cứu ác đạo chúng sinh được thoát khổ. Theo Kinh Vu Lan, rằm tháng 7 âm lịch cũng là ngày Bồ Tát Mục Kiền Liên xuống Địa Ngục cứu mẹ.

Tổng hợp những điểm nói trên, chúng ta thấy rằng rằm tháng 7 đúng là một ngày "hiếu đạo". Cúng dường tam bảo (Phật Pháp Tăng), hiếu kính cha mẹ, phổ độ quỷ thần, cứu giúp thú vật cũng đều xuất phát từ một chữ "hiếu".

Nói về Halloween tại các nước Tây Phương, theo truyền thuyết thì trong ngày này tất cả linh hồn đều trở lên thế gian. Người ta ăn mặc trang phục giống như ma để đồng hóa với các “anh em” của mình. Xưa kia còn có người để trái cây và thức ăn tại trước cửa hay sân sau để chiêu đãi hồn ma, không biết từ bao giờ diễn biến thành cách thức cho kẹo. Đốt đèn bí rợ trước cửa trong đêm tối là soi sáng đường về cho hồn ma, chúc “anh em” thượng lộ bình an.

Tất cả nghi thức trong ngày Halloween - mặc áo ma, cho bánh kẹo, đốt đèn bí rợ đều hàm chứa ý nghĩa "từ bi". Ngày cuối cùng của tháng 10 thực sự là một ngày "tình thương". Cúng tế hay cầu nguyện cho linh hồn đều biểu lộ tình thương trân quý của con người.

Theo Phật giáo, ma quỷ cũng là chúng sinh, họ cần tình thương và lòng từ bi, chứ không phải sợ sệt và xa lánh. Sau khi chết, con người đi vào luân hồi, không nhất thiết trở thành ma. Theo Kinh Lăng Nghiêm (楞嚴經):

Người có 7 phần tình dục, 3 phần trí tuệ, sau khi chết, trở thành thú vật.
Người có 9 phần tình dục, 1 phần trí tuệ, sau khi chết, trở thành ma quỷ.
Người hoàn toàn sống trong tình dục, sau khi chết sẽ đọa vào Địa Ngục.

Tham sân si là cội nguồn của tam ác đạo.

Vì vậy, ma quỷ là một tấm gương để chúng ta soi xét. Bởi người đời chìm đắm trong danh lợi quyền thế, say mê trong hồng trần tình dục, rằm tháng 7 và cuối tháng 10 là lúc để chúng ta tạm dừng lại và quay đầu nhìn lại tấm gương này, soi sáng khuôn mặt và nội tâm của mình. Nếu vẫn còn mang nặng tình dục, sân si giận hờn, thì đã cận kề ác đạo ma quỷ.

Trong Kinh Phật có kể nhiều chuyện về ma hầu đánh thức và cảnh giác lòng người.

"Kinh Luật Dị Tướng" (經律異相) có kể: Một người chết rồi, linh hồn trở về dùng roi đánh xác của mình, người bên cạnh thấy vậy liền hỏi: "Người này đã chết rồi, tại sao còn đánh đập xác của nó?"

Ma trả lời: "Nó là thân xác của tôi lúc trước, khi còn sống thì làm nhiều việc ác _ lường gạt trộm cắp, xúc phạm đàn bà, bất hiếu cha mẹ, không có từ bi, không trọng nhân nghĩa, keo kiệt không chịu bố thí. Sau khi chết, khiến tôi đọa vào âm giới làm ma quỷ, đau khổ vô cùng. Cái xác này quá tội lỗi và thối tha, cho nên đánh nó để bớt giận."

Vì vậy, tháng 7 âm lịch trở thành tháng ma, không phải là ma quỷ khiến cho người ta sợ hãi, mà là chúng ta phải biết sống với thái độ nghiêm cẩn và giữ giới điều. Nếu chúng ta có lòng sợ sệt và bất an là đi ngược lại ý nghĩa của Phật giáo, không đúng với tinh thần từ bi của nhà Phật.

Thực sự, tháng 7 cũng như tháng 10 là tháng rất tốt để chúng ta hồi tâm tỉnh thức. Chuyện ma quỷ đã ngầm chứa những chân lý của cuộc sống. Nhân ngày này, chúng ta tìm lại sự thanh tịnh và trí tuệ.

Tâm sáng tất Thiên Đàng, tăm tối tất Địa Ngục.

Mở rộng lòng từ bi, buông bỏ tham sân si là ngọn đuốc soi sáng và dìu dắt chúng ta đến con đường tu hành quang minh và tươi sáng.

Lý Trinh Trường tại tư thất
08-31-2023