3/11/23

THIÊN TÀI CÒN KHỦNG KHIẾP HƠN THIÊN TAI

      


    Người ta vẫn so sánh oan uổng Chú Cuội thời xưa với cựu Tổng thống Donald Trump thời nay. Ông Trump của Stormy Daniels đã gần 80, dầy dạn kinh nghiệm. Chú Cuội của Hằng Nga trẻ người non dạ tuổi chỉ mới mười mấy. Trump nổi tiếng với hàng chục ngàn lời dối trá không biết ngượng miệng nói cho hàng chục triệu người nghe (Đừng trách ông ta, trách người nghe nhẹ dạ). 
    Còn những chuyện Chú Cuội mang tiếng nói dối thì chỉ do người ta đặt điều cho có, cho vui.

    Trump đã quen nói dối, cho nên những khi Trump nói thật, thốt lên những lời từ cửa lòng của mình, người ta phản ứng, nói ông ta không có con tim. Trong khi thế giới hầu như đồng thanh lên án Putin bất nhân, đã cho quân xâm lược Ukraine hơn một năm qua, tàn phá nhà cửa, giết hại người dân, xem sinh mạng người lính như cỏ rác, thì mới đây, vào thời điểm một năm cuộc chiến chưa có lối ra, Trump vẫn nói “Putin là một thiên tài”, và “nếu tôi còn là tổng thống, Nga sẽ không bao giờ đụng đến Ukraine”.

    Trước hết, có thể nhắc lại những bình luận dũng cảm (điếc không sợ súng) của Donald Trump khi Vladimir Putin phát động chiến tranh cướp nước năm ngoái. Trong khi mọi người lên tiếng nguyền rủa, Trump cứ nhất quyết Putin là người “smart”, “savvy”, “genius” (thông minh, khéo léo, thiên tài), và sự động binh của Putin chỉ là “một cách thương lượng khôn ngoan trên thế mạnh thời hòa bình”. Khi được yêu cầu, Trump đã từ chối lên án Putin, nhắc lại “I got along with Putin” – tôi giao hảo tốt đẹp với Putin. Trump cũng nói Putin đã tại vì được hơn 20 năm, chẳng phải ông ta là bậc kỳ tài, vĩ đại hay sao? Trump chỉ muốn tám năm mà cũng không xong. Và như thông lệ, Trump còn lợi dụng cơ hội nói thêm “chẳng phải đần độn như lãnh đạo nước Mỹ”.

    Khi Trump nói Putin là một thiên tài, ông ta chỉ nói được một phần. Thiên tài ở đâu là điều người ta chưa thấy, nhưng ông ta tệ hơn cả thiên tai là điều thấy rõ. Đất nước Ukraine đang tan hoang mà chưa một thiên tai nào trong lịch sử loài người có thể so sánh với thiên tài Putin. Thiên tai chỉ có thể diễn ra trong một thời gian ngắn ngủi, cuộc chiến của Putin nay đã qua năm thứ hai và chẳng biết đến bao giờ hòa bình mới trở lại và với giá nào người dân Ukraine, đất nước Ukraine phải trả. Và biết đến bao giờ Ukraine mới hát được bài “Mộng Lành”, mới có thể tìm lại được hình ảnh và tâm tình đất nước cũ, xã hội cũ. Khi trong mọi nhà đều có những câu chuyện tang tóc, trong mọi người đều chất chứa những kỷ niệm đau buồn của thời dân tộc mất mát, tan tác vì chống xâm lăng. Sự tàn ác của Putin cũng không thể tưởng được khi bàn tay của ông ta vấy máu của hàng trăm ngàn người lính Nga đồng bào của ông ta mà ông ta xua vào cõi chết – làm cho chúng ta phải chạnh lòng tưởng đến cuộc chiến tranh đánh vào Miền Nam trước đây mà Cộng Sản Miền Bắc đã phát động bất kể cả triệu người Việt - người lính người dân – đã phải nằm xuống trong uất hận, oan uổng vì tham vọng khát máu của Hà Nội.

    Trước hết, hãy bàn về câu chuyện mà Trump vẫn cứ nhắc lui nhắc tới, là nếu ông ta còn trong Tòa Bạch Ốc, thì Putin sẽ chẳng phát động cuộc chiến Ukraine. Điều này vừa nói lên “uy tín” của Trump đối với Putin vừa phụ họa luận điệu của Putin hiện nay: vì chính sách đe dọa, thách thức của Biden mà Putin phải động binh. Hay Putin không tin Biden. Ý của Trump vẫn cho thấy mối ám ảnh với kết quả bầu cử năm 2020 mà ông ta chắc chắn cho đến khi xuôi tay cũng không chịu nhắm mắt vì cứ cho rằng “bầu cử gian lận” nên ông mất một nhiệm kỳ 2. Ông vẫn không đủ sức để chịu hiểu rằng ông ngáp được nhiệm kỳ 1 là do bộ máy bầu cử của bà Clinton (2016) không có người điều khiển sáng giá. Và ý ông ta là vì “bầu cử gian lận” cho nên ông ta mất chỗ, và vì ông mất chỗ cho nên Putin mới động binh. Như vậy, suy cho cùng, chính Joe Biden là thủ phạm trong cuộc chiến Ukraine. Nếu Trump còn đó, ông ta hẳn sẽ có sách lược phù hợp hơn để giữ quan hệ với Putin, do đó chiến tranh Nga-Ukraine sẽ không xảy ra. Trong khi đó, phản ánh luận điểm của Putin, Trump cho rằng chính chính sách của Joe Biden đã dẫn đến quyết định của Putin xâm lăng Ukraine. Quan điểm của Trump vọng lên lời phát biểu của Ngoại trưởng Nga Lavrov ngày 3-6 tại Hội nghị G20 tại New Delhi: “Cuộc chiến tranh Ukraine nhắm vào nước Nga và chúng tôi phải tự vệ!”

    Đúng là nếu Trump còn đó thì Putin sẽ “bất chiến tự nhiên thành”, không cần phải đưa quân đi đánh xứ người như hiện nay. Những gì ông ta muốn, Trump đều có thể làm hết mà Putin không cần đụng đến móng tay. Điều rõ rệt nhất, Trump đã thật sự làm tê liệt hay tan rã khối NATO. Thậm chí có dư luận cho rằng Mỹ có thể tính chuyện rút ra khỏi NATO. Bà Thủ tướng Đức Angela Merkel đã công khai nói: Không còn có thể trông cậy gì ở Mỹ (vốn là nước lãnh đạo NATO từ 1948). Không thể lạc quan nghĩ rằng NATO dám can thiệp cho dù không có Mỹ khi Nga tấn công Ukraine. Trong khi đó, Trump cũng sẽ không cho Ukraine quyền mong đợi hão huyền có Mỹ là chỗ dựa chiến lược một khi Ukraine có xung đột với Nga. Nếu Trump có thêm được bốn năm 2021-2024, chắc chắn Nga sẽ khoanh tay nhìn Trump làm cho khối NATO tan rã và tình hình chính trị Ukraine thêm bất ổn. Đó chính là lý do mà Trump không nói ra.

    Những mưu định của Putin trong cuộc chiến Ukraine chẳng có gì là bí mật, và đúng là ông ta nghĩ mình là “thiên tài” cho nên có thể chiến thắng dễ dàng, chỉ trong 1-2 tuần có thể bắt được Tổng thống Zelinsky quỳ gối đầu hàng, cho dù những thất bại cho đến nay của Putin là quá rõ ràng. Ông cũng mê muội nghĩ rằng Mỹ và khối NATO (Minh ước Bắc Đại Tây Dương) sẽ khoanh tay để cho ông muốn làm gì thì làm ở Ukraine.

    Putin vẫn phàn nàn sự sụp đổ của đế chế Liên Xô năm 1990 khi chiến tranh lạnh chấm dứt đã làm cho nước Nga mất trắng chư hầu và vệ tinh - từ hơn chục tiểu quốc trong Liên bang Xô viết đến các nước Đông Âu trong khối Warsaw. Cho nên từ hơn hai thập niên qua, Putin chỉ có hai mục tiêu chính: thứ nhất là trở thành một Sa hoàng bạo chúa thời nay trong một cơ chế trá hình dân chủ (bởi thế ông trị vì Điện Cẩm Linh từ năm 2000 đến nay, lúc thì đóng vai tổng thống, lúc thì giả dạng thủ tướng); tìm cách nắm lại những nước từng thuộc Liên Xô (Grudia, Chechnya) hay khối Warsaw Đông Âu (Ba Lan, Hungari, Tiệp Khắc, Bulgaria, Rumania), từ đó xác lập vai trò chủ tể của Nga trong một trật tự thế giới mới “tam quốc chí” (Mỹ-Nga-Tàu). Lý do “chiến lược” của Putin đưa ra rất đơn giản để biện minh cho chiến lược bành trướng của mình: mở rộng phạm vi ảnh hưởng của nước Nga bằng những nước chư hầu mới chung quanh để bảo đảm an toàn, an ninh, hòa bình cho nước Nga. Đương nhiên, nhiều người Nga nghe như thế thì chịu quá, phù hợp với lịch sử của nước Nga. Nhưng không phải người Nga nào cũng mê muội, lạc hậu như thế. Và đương nhiên những nước mà Nga nhắm đến phải phản đối vì đã hưởng độc lập, tự do từ mấy chục năm qua. Và những nước này đã quay qua khối NATO để đi tìm sự bảo vệ tập thể. Mới nhất trong tháng hai là trường hợp Phần Lan, cũng như Thụy Điển, từng giữ vị thế trung lập hơn 60 năm.

    Ukraine là một mục tiêu chiến lược số một về mặt địa lý chinh trị cho Nga từ bao đời, là cửa ngõ phía đông của Tây Âu đi vào nước Nga. Nước này đối với Putin đúng là một thử thách đích thực cho thiên tài của Putin vì Kyiv sau khi được tách rời Liên Xô năm 1990 đã cương quyết nói “Không bao giờ trở lại”. Nga đã ăn cướp Crimea của Ukraine vào năm 2014 mà phương tây và Mỹ đã chỉ hành động chế tài chiếu lệ. Rồi Nga cũng gián tiếp nắm vùng phía đông của Ukraine vốn có đông người Nga qua định cư và phần nào đang trong tay các nhóm ly khai.

    Dưới thời Donald Trump, quả thật Putin chẳng làm gì Ukraine bởi vì Trump đã làm hết. Nay Trump đã xuống, cho nên nói như Putin, bạo chúa Nga không có sự chọn lựa nào khác, phải hành động càng nhanh càng sớm càng tốt. Putin rất tin tưởng sẽ lấy được Ukraine dễ dàng vì quân Ukraine yếu kém, chính trị Ukraine “loạn lạc” và phương tây có rối rắm riêng, chưa chắc sẵn sàng can thiệp hết lòng.

    Putin tấn công Ukraine chính thức vào ngày 24-2-2022, sau cả 2-3 tháng trời tập trung lực lượng Nga đến 200.000 quân sát biên giới mọi phía của Ukraine. Putin dựng lên chiêu bài “lật đổ chế độ quốc xã”, “giải giới chế độ Kyiv”, bảo vệ người Nga thiểu số đang bị “ngược đãi” ở Ukraine. Putin gọi đó là “một cuộc hành quân đặc biệt” để dựng lên một chế độ bù nhìn của Nga ở đó. Trong lệnh xuất quân, Putin nói lên quan điểm của một người “chủ đất”, Ukraine là của Nga, ông ta không hề có ý tưởng Ukraine là một nước độc lập, có chủ quyền riêng biệt. Nga cho không kích và đồng thời quân Nga tràn vào lãnh thổ Ukraine trên mặt trận phía bắc từ Belarus hướng về Kyiv, mặt trận đông bắc nhằm vào Kharkiv, mặt trận phía nam ở Crimea, mặt trận đông nam từ Donetsk và Lugansk. Có nghĩa là Nga nhằm chiếm lấy hết Ukraine. Đoàn quân chiến xa của Putin đi vào Kyiv dài đến 15 cây số để thị uy. Chẳng hiểu là trùm tinh báo, nhưng Putin lấy ở đâu tin rằng Ukraine sẽ nhanh chóng sụp đổ, đầu hàng. Thiên tài Putin đã bất tài hoàn toàn – như chúng ta đã thấy trong một năm qua. Trong kế hoạch xâm lăng Ukraine, Putin đã thất bại nghiêm trọng.

    Như chúng ta đã thấy trong cuộc chiến này, Putin đã không những trốn tránh trách nhiệm trong việc đưa người dân Nga vào cuộc phiêu lưu đẫm máu, ông ta còn điên rồ, ngu xuẩn, bất lương, khát máu trong việc dẫn dắt dư luận của người dân Nga đi vào một hướng hoang đường, bịa đặt, đổ lỗi tất cả cho những thế lực chủng tộc châu Âu đang âm mưu diệt chủng nước Nga, hủy diệt Chính thống giáo của Nga, làm phân tán người dân Nga. Từ mục tiêu xâm lược bất thành, Putin đổi giọng chuyển qua mục tiêu bảo vệ nước Nga, người dân Nga, tôn giáo của Nga… Ông ta chẳng những im lặng trước sự thiệt hại sinh mạng nặng nề của quân Nga, mà còn lên tiếng thúc giục thanh niên Nga phải sẵn sàng hy sinh nhiều hơn nữa và vô điều kiện…

    Mới đây nhất, trong dịp kỷ niệm một năm cuộc chiến “giải phóng Ukraine”, Putin ra mặt đe dọa: người dân Nga có thể không tồn tại được trong tình hình hiện nay bởi vì các nước phương Tây đang tìm cách “giải tán” nước Nga. Ông ta tố phương Tây muốn phân chia nước Nga để dễ kiểm soát nước sản xuất nguyên liệu (xăng dầu) lớn nhất thế giới này. Putin nói rằng nhiều giống dân ở Nga có thể bị tiêu vong, kể cả khối đa số chủng tộc Nga. Ông ta còn nói phương Tây đã viết ra giấy ý đồ này, nhưng lại không cho biết tài liệu này ở đâu ra. Ý đồ của ông ta là rõ: cuộc chiến còn kéo dài nhưng ông vô can; người dân Nga còn phải hy sinh như đã hy sinh bao nhiêu lần trong hai thế chiến, cho nên Nga có thể phải tổng động viên; và ông ta còn cần nhiều quyền hạn hơn để giải quyết “cuộc chiến xâm lăng” của phương Tây, kể cả quyền sử dụng vũ khí nguyên tử. Đây cũng là một lời cảnh cáo gián tiếp: Phương Tây coi chừng! Đừng làm ta phát điên!

    Bởi vây, khi cuộc chiến bước qua năm thứ hai, cho dù người ta có thể lạc quan vì phía Ukraine và đồng minh phương Tây ở trong thế chủ động trong khi Nga dường như đang bị dồn về phía chân tường - nhất là khi con số lính Nga tử trận có thể tương đương với số thanh niên Nga bỏ nước ra đi vì không muốn đi lính, thì giới quan sát & bình luận đang nhấn mạnh một điều: thế chủ động của Ukraine và đồng minh NATO có lắm điều phức tạp vì chưa hẳn cùng nhìn về một hướng, trong khi sự bế tắc của Nga có thể trở thành một yếu tố cực kỳ nguy hiểm. Putin có thể điên rồ tìm cách câu giờ, tìm cách lôi kéo Trung Cộng vào cuộc vì biết một chiến thắng lịch sử của phương Tây là điều cuối cùng một kẻ thù nghịch như Tập Cận Bình mong muốn. Nhưng càng câu giờ, có thể Putin càng tuyệt vọng hơn, và nguy hiểm và liều lĩnh hơn. Trong khi đó, Ukraine đã đưa ra 10 điểm trong đề nghị hòa bình, nhưng có thể mong chờ Putin sẽ bị xử lý cách này hay cách khác. Nếu người Nga cố tìm một lối ra dù Putin vẫn tự giam mình trong pháo đài Điện Cẩm Linh.

    Hãy chờ xem! Nếu không… .

Hoàng Ngọc Nguyên

3/10/23

Phiếm Luận về HƯ CẤU

HƯ 虛 là Không thực; CẤU 構 là Cấu Tạo, là Làm nên. Nên nghĩa đơn giản nhất của HƯ CẤU là : Cấu tạo hay làm nên một viêc gì đó hay một câu chuyện nào đó không có thật. Từ nghĩa gốc nầy phát sinh thêm những nghĩa rộng hơn như :
- HƯ CẤU là chỉ dựa vào trí tưởng tượng, tưởng tượng ra những sự việc hay những câu truyện không có thực trong đời sống thực tại.
- HƯ CẤU là dựa vào truyện có thực rồi tưởng tượng thêm thắt những chi tiết ly kỳ khúc chiết để hấp dẫn người nghe người đọc hơn.
- HƯ CẤU là dựa vào những sự kiện có thật trong lịch sử, rồi dựng nên một câu truyện hay nhân vật có kết cấu hợp "lô-gích" để giải thích hoặc chứng minh là những sự kiện đó có thật một cách hợp tình hợp lý.
- HƯ CẤU trước mắt thường xuất hiện dưới các hình thức Tiểu thuyết, Điện Ảnh, Kịch nghệ, Hoạt họa...

Trong phạm vi nhỏ hẹp của bài viết nầy, ta chỉ điểm qua một vài HƯ CẤU trong Lịch Sử và Văn Học mà thôi.

A. HƯ CẤU là sản phẩm của trí tưởng tượng :

Như thuyết TAM HOÀNG NGŨ ĐẾ 三皇五帝 của Trung Hoa nhằm giải thích và tôn vinh nguồn gốc của Hán tộc mà thôi :

* TAM HOÀNG 三皇 theo ý nghĩa nguyên thủy của thời thượng cổ thì TAM HOÀNG là Thiên Hoàng Thị 天皇氏、Địa Hoàng Thị 地皇氏、và Nhân Hoàng Thị 人皇氏. Nhưng theo các sử sách ghi lại của các đời sau thì mỗi người ghi mỗi khác.

- Theo Thượng Thư Đại Truyện《尚書大傳》thì Tam Hoàng là :
Toại Nhân 燧人、Phục Hi 伏羲、Thần Nông 神農.
- Theo Xuân Thu Vận Đấu Xu《春秋運鬥樞》thì Tam Hoàng là :
Phục Hi 伏羲、Nữ Oa 女娲、Thần Nông 神農.
- Theo Phong Tục Thông Nghĩa《風俗通義》thì Tam Hoàng là :
Phục Hi 伏羲、Chúc Dung 祝融、Thần Nông 神農.
- Theo Tam Tự Kinh《三字經》thì Tam Hoàng là :
Phục Hi 伏羲、Thần Nông 神農、Huỳnh Đế 黄帝.

* NGŨ ĐẾ 五帝 là năm vị Đế Vương thời bàng cổ tượng trưng cho Ngũ Phương Thượng Đế 五方上帝; nhưng thực ra đó chỉ là Năm vị Thủ lĩnh của Năm Bộ lạc thời thượng cổ mà thôi.

- Theo Lã Thị Xuân Thu《吕氏春秋》thì Ngũ Đế là :
Thái Hạo 太昊、Viêm Đế 炎帝、Huỳnh Đế 黄帝、Thiếu Hạo 少昊、Chuyên Húc 顓頊.
- Theo Đại Đái Lễ Ký《大戴禮記》thì Ngũ Đế là :
Huỳnh Đế 黄帝、Chuyên Húc 顓頊、Đế Khốc 帝嚳、Nghiêu 堯、Thuấn 舜.
- Theo Tư Trị Thông Giám Ngoại Kỷ《資治通鑒外紀》thì Ngũ Đế là :
Huỳnh Đế 黄帝、Thiếu Hạo 少昊、Chuyên Húc 顓頊、Đế Khốc 帝嚳、Nghiêu 堯.


Vì là sản phẩm của HƯ CẤU nên mỗi nơi nói một cách; mỗi đời nói một kiểu không giống nhau, nhưng tựu trung cũng cùng một mục đích là tôn vinh lòng tự hào về nguồn gốc của dân tộc mình mà thôi; Cũng như nguồn gốc của dân tộc Việt Nam ta vậy. Ta cũng tự hào mình là...

- Con Rồng Cháu Tiên là "Con cháu của Rồng và Tiên" theo truyền thuyết : Lạc Long Quân kết duyên với bà Âu Cơ sanh được một trăm trứng, nở ra một trăm người con trai. Âu Cơ là giống tiên nên dẫn năm mươi người con lên núi, còn Lạc Long Quân là giống rồng nên dẫn năm mươi người con đi về hướng biển; và người con trưởng lên làm vua nước ta, lấy hiệu là vua Hùng Vương thứ Nhất.
- Theo Đại Việt sử lược và nhiều tài liệu khác, triều đại Hùng Vương được truyền qua 18 đời, từ năm 2919 trước Công Nguyên đến năm 258 trước Công Nguyên, vị chi là 2661 năm, nếu đem chia đều cho 18 đời, thì mỗi đời vua Hùng là 148 năm. Đủ thấy đó chỉ là Hư Cấu, nhưng với người Việt Nam, các vua Hùng đại diện cho Tổ tiên, cho truyền thống dựng nước và là niềm tự hào về nền văn minh đậm đà bản sắc riêng xuyên suốt nhiều nghìn năm. Bấm vào link dưới hình minh họa để xem cụ thể về 18 đời vua Hùng Vương của nước Văn Lang.

 https://vtc.vn/18-doi-vua-hung-gom-nhung-ai-ar669738.html
  
B. HƯ CẤU là dựa vào truyện có thực rồi tưởng tượng thêm thắt những chi tiết ly kỳ khúc chiết để hấp dẫn người nghe người đọc hơn. Như hai giai thoại văn chương của hai câu thơ trong Tăng Quảng Hiền Văn mà ta đã từng biết qua :

時來風送滕王閣, Thời lai phong tống Đằng Vương Các,
運去雷轟薦福碑. Vận khứ lôi oanh Tấn Phúc Bi.

* Câu "Thời lai phong tống Đằng Vương Các" chỉ là chuyện của Vương Bột 王勃(650—676), người đứng đầu của Tứ Kiệt buổi Sơ Đường, trên đường đi thăm cha đang làm quan ở Giao Chỉ, nhân đi ngang qua phủ Hồng Châu, nhằm lúc Đô Đốc Diêm Bá Dư đang mở tiệc khoản đãi các văn nhân thi sĩ, ông tham dự và làm bài "Đằng Vương Các Tự 滕王閣序" nổi tiếng và dương danh khắp thiên hạ. Vì bài tự quá nổi tiếng, quá xuất sắc, nên người đời sau hư cấu thêm thắt những chi tiết thần bí khúc chiết để làm cho câu chuyện ly kỳ và lý thú hơn như sau :

Năm Vương Bột 16 tuổi trên đường đi thăm cha đang làm quan ở Giao Chỉ, hay tin Đô Đốc Diêm Bá Dư 閻伯嶼 trấn nhậm Hồng Châu trùng tu Đằng Vương Các mở cuộc thi thơ văn và khoản đãi tân khách bốn phương. Chủ ý của Diêm Bá Dư là muốn khoe tài con rễ là Ngô Tử Chương 吳子章, nên đã cho Chương trau chuốt sẵn một bài phú thật hay để ngày hôm đó viết lại.
Vương Bột từ Sơn Tây theo sông Vận Hà vào Trường Giang để xuôi nam. Nhưng khi đến Mã Đương Sơn thì gặp sóng to gió lớn đành phải lên bờ tạm lánh, đồng thời du ngoạn để ngắm cảnh đẹp của nơi nầy. Khi định quay trở về thuyền thì gặp phải một cụ già râu tóc bạc phơ ra dáng tiên phong đạo cốt, nói với Bột rằng :"Tiết Trùng Dương này, Đô Đốc Hồng Châu thiết tiệc để cho các văn nhân thi tài, nếu như nhà ngươi đến đó tham dự thì chắc chắn sẽ được nổi tiếng và sẽ được lưu danh muôn đời". Vương Bột bèn cười mà đáp rằng :"Cám ơn lão trượng đã xem trọng, nhưng từ đây đến đó cách nhau gần 700 dặm đường mà ngày mai thì đã là Tiết Trùng Dương rồi, làm sao có thể đến đó cho kịp?". Ông cụ bèn cười mà đáp rằng :"Ta chính là người cai quản thủy phủ nơi đây, nếu các hạ chịu lên đường ngay hôm nay, ta sẽ giúp cho một tay!". Nói đoạn, ông lão bèn quay lưng đi mất. Bột nghe theo lời, đến đêm quả có gió lớn nổi lên và chỉ trong một đêm mà vượt qua hơn 700 dặm đường (có thể là nhờ gió của đêm Trùng Cửu mùng 9 tháng 9 đó). Khi đến nơi cũng vừa kịp lúc Đằng Vương Các đang phát giấy bút chiêu đãi khách làng văn. Thấy Bột chỉ là một thằng bé con, Đô Đốc Diêm Bá Dư không muốn cấp giấy bút, nhưng Bột kiên quyết muốn làm văn. Diêm bèn cho người đứng phía sau lưng Bột, hễ Bột viết được câu nào thì chép lấy dâng đến cho Diêm xem, hễ thấy không xong là tống cổ ra khỏi buổi tiệc ngay. Khi Bột mở đầu bài văn bằng câu : Nam Xương cố quận, Hồng Đô tân phủ 南昌故郡,洪都新府 (Xưa là quận Nam Xương, nay là phủ Hồng Đô), thì Diêm cười và bảo : Cũng là sáo ngữ của các thầy Đồ Nho mà thôi. Đến câu : Tinh phân Dực Chẩn, Địa tiếp Hành Lư 星分翼軫,地接衡廬 (chỉ địa thế của Đằng Vương Các : Phân chia giữa sao Dực và sao Chẩn, còn đất thì nối tiếp giữa Hành Sơn và Lư Sơn) thì Diêm lặng thinh. Lại đến câu : Vật hoa thiên bảo, long quang xạ Ngưu đẩu chi Khư. Nhân kiệt địa linh, Từ Trĩ hạ Trần Phồn chi tháp 物華天寶,龍光射牛斗之墟;人傑地靈,徐稚下陳蕃之榻 (Của đẹp báu trời, ánh long quang chiếu sao Ngưu sao Đẩu; Đất linh người giỏi, cao nhân Từ Trĩ hạ giường Trần Phồn) thì Diêm lại tỏ ra vô cùng kinh ngạc. Kịp đến câu : Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thủy cộng trường thiên nhất sắc 落霞與孤鶩齊飛,秋水共長天一色 (Ráng chiều và cánh cò trắng như cùng bay, Dòng nước mùa thu long lanh hòa với sắc trời xanh như liền nhau cùng một dãy) thì ông không còn dằn được cảm xúc, vỗ bàn đứng dậy khen là tuyệt cú ! Rồi quay lưng đi vào trong. Kịp đến khi Vương Bột viết xong toàn bài văn, ông mới trở ra nắm tay Vương Bột mà khen rằng :"Gác Đằng Vương mà có được bài văn nầy, buổi tiệc hôm nay mà có được bài văn nầy, cái phong lưu của sự việc hôm nay cũng sẽ nhờ có bài văn nầy mà lưu truyền thiên cổ. Ta sẽ hậu tạ cho các hạ !". Chàng rể Ngô Tử Chương đứng bên tỏn tè vì bài văn viết trước của mình không được trình làng, bèn lặng lẽ đọc hết bài văn của Vương Bột rồi cười khẩy mà nói rằng :"Đây là bài văn cũ của quận Hồng Đô chớ có chi là lạ đâu !". Nói xong bèn đọc hết bài văn của Vương Bột từ đầu đến cuối, không sai một chữ nào cả ! Vương Bột cũng rất ngạc nhiên mà cười rằng :"Tài học thuộc lòng của các hạ không thua gì Dương Tu và Trương Tòng thời Tam Quốc chút nào cả ! Nhưng các hạ có biết là sau bài văn nầy còn có một bài thơ tám câu nữa hay không ?". Tử Chương đáp là :"Không biết !" Vương Bột bèn cất bút viết thêm tám câu thơ để kết thúc cho bài văn trên như sau :

滕王高閣臨江渚, Đằng Vương cao các lâm giang chữ
佩玉鳴鸞罷歌舞。 Bội ngọc minh loan bãi ca vũ.
畫棟朝飛南浦雲, Họa đống triêu phi nam phố vân,
珠簾暮卷西山雨。 Chu liêm mộ quyển tây sơn vũ.
閒雲潭影日悠悠, Nhàn vân đàm ảnh nhật du du,
物換星移幾度秋。 Vật hoán tinh di kỷ độ thu.
閣中帝子今何在? Các trung đế tử kim hà tại?
檻外長江空自流。 Hạm ngoại trường giang không tự lưu !

Có nghĩa :
Gác Đằng sừng sửng bờ xa,
Rộn ràng ngọc chuốc sanh ca đã dừng.
Bờ nam mây sớm ngập ngừng,
Rèm châu cao cuốn bâng khuâng nắng chiều.
Bóng mây đầm nước đìu hiu,
Sao dời vật đổi đã nhiều thu qua.
Vua tôi trong gác đâu ta ?
Trường Giang ngoài mái la đà chảy xuôi !

Ngô Tử Chương lặng thinh không nói được lời nào. Các quan khách thấy thế muốn chửa thẹn cho Ngô Tử Chương bèn cùng ứng tiếng :"Bài văn tài tình của Vương Bột và sức nhớ tài tình của Tử Chương đều là kỳ tài thiên hạ hiếm có, đều đáng được trân trọng cả !" Vương Bột và Ngô Tử Chương cùng bắt tay nhau và cùng tạ ơn quan khách trong buổi tiệc.


Vương Bột nổi tiếng luôn từ đấy và Gác Đằng Vương với bài Đằng Vương Các Tự 滕王閣序 của Vương Bột cũng được lưu truyền thiên cổ với các câu đã trở thành Thành Ngữ cho đến hiện nay như :

* Lão Đương Ích Tráng 老當益壯 : Già mà còn mạnh khỏe.
* Cùng Thả Ích Kiên 窮且益堅 : Nghèo mà biết kiên trì phấn đấu.
* Thiên Cao Địa Quýnh 天高地迥 : Trời cao đất rộng.
* Hứng Tận Bi Lai 興盡悲來 : Hết vui tới buồn.
* Quan San Nan Việt 關山難越 : Núi non khó vượt. (Núi non cách trở).
* Bình Thủy Tương Phùng 萍水相逢 : Bèo nước gặp nhau .....

Ta thấy qua những chi tiết HƯ CẤU thêm, câu truyện kể đã trở nên khúc chiết, lý thú và hay ho hơn nhiều. Một điều đáng ngạc nhiên nữa là...

Vì tích của Vương Bột, mà trong Tăng Quảng Hiền Văn có câu :

Thời lai phong tống Đằng Vương Các 時來風送滕王閣
Có nghĩa :
Khi thời đã đến rồi thì sẽ có gió đưa đến Đằng Vương Các ngay.

Ý của câu trên là : Khi thời vận tốt đã đến, thì con người sẽ rất dễ dàng có cơ hội để phát tích về mặt tiếng tăm hay công danh sự nghiệp. Nhưng khi qua đến Việt Nam ta, thì lại chuyển sang ý chỉ về TÌNH DUYÊN thuận lợi, may mắn, và gọi là DUYÊN ĐẰNG. Như ...

Trong Truyện Kiều để tả cuộc tình duyên thuận lợi của Hoạn Thư với Thúc Sinh, cụ Nguyễn Du cũng mượn tích nầy :

DUYÊN ĐẰNG thuận nẽo gió đưa,
Cùng chàng kết tóc se tơ những ngày.

Ngay cả trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập với sự chủ xướng của vua Lê Thánh Tông cũng mượn từ GÁC ĐẰNG để chỉ dịp may hiếm có, cơ hội thuận lợi cho tình duyên như :

Thương nhỉ, Hồng nhan nguyền khéo lỗi,
GÁC ĐẰNG nhờ gió những ai vay !

Hay như hai câu thơ trong Truyện thơ Nôm khuyết danh Trinh Thử :

Đưa duyên nhờ gió GÁC ĐẰNG ,
Đành tay con tạo nhắc bằng đồng cân.

...và như trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, bài thứ 8 tả lại mối tình giữa Công chúa Tiên Dung và Chữ Đồng Tử cũng có câu :

Tiên-Dung gặp buổi đi chơi,
Gió đưa ĐẰNG CÁC, buồm xuôi Nhị-Hà,

Hay như trong Bích Câu Kỳ Ngộ, tả lại mối tình tiên tục giữa Tú Uyên và Giáng Kiều cũng có câu :

GÁC ĐẰNG VƯƠNG mấy dặm khơi,
Có duyên đành đã gió trời thổi đưa.

Trong truyện Quan Âm Thị Kính thì đổi từ Gác Đằng thành Gió Đằng, nhưng cũng cùng một ý dùng để chỉ tình duyên :

GIÓ ĐẰNG kể khéo đưa duyên,
Chàng Lưu dung dủi đến miền Thiên Thai.

Cái "May mắn trong công danh sự nghiệp ở bên Tàu" qua đến Việt Nam ta thì trở thành "Cái may mắn trong tình duyên đôi lứa" ! Chỉ trong bài Văn Tế Nguyễn Thị Tồn, viết để tế vợ mình, cụ Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa đã diễn cái ý của tích nầy bằng bốn chữ GIÓ THẦN ĐƯA GÁC với ý nghĩa giống như nghĩa gốc lúc ban đầu mà thôi :

Ở theo thời, làm theo thế, qua khỏi tuần Sấm Đất Tan Bia,
Bay kịp chúng, nhảy kịp người, mới đặng hưởng GIÓ THẦN ĐƯA GÁC.

Ta thấy trong vế trên trong bài văn tế của cụ Bùi Hữu Nghĩa còn có bốn chữ SẤM ĐẤT TAN BIA. Bây giờ thì ta đến với giai thoại của câu :

運去雷轟薦福碑. Vận khứ lôi oanh Tấn Phúc Bi.

Như ta đã biết...
Đại văn Hào đời Tống là Phạm Trọng Yêm 范仲淹 khi làm Quận Thú ở Nhiêu Châu (thuộc Quận Ba Dương tỉnh Giang Tây hiện nay). Một hôm có thư sinh Trương Hạo 張鎬 lưu lạc giang hồ đến xin cứu giúp. Phạm thương vì người tài hoa mà chửa gặp thời, định giúp đỡ, nhưng Phạm là một ông quan thanh liêm, không lấy đâu ra tiền để giúp. Cuối cùng ông bèn đến nhờ trụ trì chùa Tấn Phúc, xin cho thư sinh kia được in một số bản văn ở thạch bia phía sau chùa bán mà độ nhật để về quê. Đây là bản văn khắc trên đá với bút pháp của Âu Dương Tuân 歐陽詢, là một trong Sơ Đường Tứ Đại Thư Pháp Gia 初唐四大書法家, nên rất được mọi người ưa chuộng.
Nhà sư Trụ trì vì nể mặt Phạm Trong Yêm mà chấp thuận, còn hướng dẫn cho cách để in ấn. Phạm lại phải giúp thư sinh mua sắm giấy mực, bàn chải... định sáng ngày sẽ khởi công. Nào ngờ đêm hôm đó trời mưa to gió lớn, sấm sét đánh bể tan bia đá kia luôn. Thế là khỏi in ấn gì hết cả !
Số của chàng thư sinh nầy đã xui rồi, lại càng thúi củ hủ hơn nữa, cho nên mới nói là :

運去雷轟薦福碑. Vận khứ lôi oanh Tấn Phúc Bi.

Khi đã hết thời rồi, thì sấm sét cũng đánh bể bia của chùa Tấn Phúc là vì thế ! Truyện nghe đã hấp dẫn rồi, càng hấp dẫn hơn với các chi tiết thần thoại mà nhân gian đã thêm thắt vào như trong vở tạp kịch "Bán dạ lôi oanh Tấn Phúc Bi 半夜雷轟薦福碑" của kịch tác gia Mã Trí Viễn 馬致遠 đời nhà Nguyên như sau :


Tú Tài TRƯƠNG HẠO 張鎬 (HẠO là Sáng loáng) nhà nghèo hiếu học, ở nhờ nhà của một người đồng tông ở Trương Gia Trang, làm nghề dạy học để mưu sinh. Trang chủ cũng tên TRƯƠNG HẠO 張浩 (HẠO là To lớn). Một hôm có bạn là Quận Thú ở Nhiêu Châu tên Phạm Trọng Yêm đến thăm, biết Trương Hạo có chí lớn mà chưa gặp thời, bèn khuyến khích bạn viết một bài Vạn Ngôn Trường Sách 萬言長策, là sách lược an bang trị quốc trên một vạn chữ, để mình mang về triều đình tiến cử lên cho nhà vua. Đồng thời, Phạm còn viết thêm ba lá thư để gởi gắm cho ba người bạn thân nhờ giúp đỡ cho Trương Hạo, đó là Huỳnh Viên Ngoại, Lưu Sĩ Lâm và Tống Công Tự đều là quan viên đương triều. Chẳng may số của Trương Hạo còn quá lận đận, nên khi tìm đến Huỳnh Viên Ngoại và Lưu Sĩ Lâm thì hai người đều đã nhuốm bệnh qua đời, còn Tống Công Tự thì ở quá xa. Trên bước đường lưu lạc, trong một đêm mưa gió Trương Hạo trú mưa trong miếu Nam Hải Xích Tu Long Thần lại xin được một lá xăm Hạ Hạ. Lúc đang thất chí bi phẩn cùng cực vì số phận hẩm hiu của mình, Trương Hạo đã đề thơ trên vách miếu xúc phạm đến Long Thần. Long Thần nổi giận chờ có dịp sẽ báo phục.

Phạm Trọng Yêm về triều dâng lên Vạn Ngôn Trường Sách của Trương Hạo. Nhà vua xem xong rất đẹp ý, bèn phong cho Trương Hạo làm Huyện lệnh huyện Cát Dương. Khi sứ giả mang chiếu chỉ đến Trương Gia Trang thì Trương Hạo đã Lưu lạc tha phương; trang chủ Trương Hạo 浩, bèn mạo nhận chức huyện lệnh Cát Dương, rồi cho gia nhân là Triệu Thực tìm giết Trương Hạo để phi tang. Trương Hạo đã phải nài nỉ van xin kể lể nổi bất hạnh của mình. Triệu Thực thương tình tha không giết nhưng khi về đến huyện đường thì Trương Hạo giả định giết Triêu Thực để diệt khẩu, may nhờ có đại thần Tống Công Tự là bạn của Phạm Trọng Yêm đến tìm Trương Hạo thật, bèn bắt hết tất cả đem về triều.

Trương Hạo (thật) lưu lạc đến chùa Tấn Phúc. Trưởng lão trong chùa vì quen biết với Phạm Trọng Yêm nên cảm thông cho sự chìm nổi thất sở thân sơ của Trương Hạo mà cho tiểu hòa thượng mua giấy mực định giúp cho Trương Hạo in một ngàn bản của bia Tấn Phúc với bút tích của Nhan Chân Khanh 顏真卿, một trong Tứ Đại Thư Pháp Gia đời Đường, để bán mà độ nhật và để có tiền để lai kinh ứng thí. Chẳng ngờ Long Thần hay tin, giận vì Trương Hạo vô cớ mà oán trách mình, nên ngay trong đêm đó kéo mây làm mưa và nổi sấm đánh tan bia Tấn Phúc. Thế là tiêu tan hy vọng, khỏi in ấn vì cả ! Quá thất vọng, vì thấy vận xui của mình đã đến mức cùng cực, Trương Hạo định đập đầu vào cây cổ thụ để tự sát, may nhờ Phạm Trọng Yêm đến kịp cứu khỏi.

Trương Hạo theo Phạm Trọng Yêm về triều để triều kiến Thiên tử. Nhà vua vì đã xem qua Vạn Ngôn Trường Sách nên phong cho Trương Hạo là Trạng Nguyên Cập Đệ của khoa thi năm đó, đồng thời khen thưởng cho Triêu Thực và trừng phạt tên Trương Hạo trưởng thôn tội khi quân vì dám mạo nhận quan tước của triều đình. Một kết thúc có hậu theo đúng như các kịch bản ngày xưa.

Ta thấy thông qua HƯ CẤU, một câu truyện đơn giản trở nên phức tạp và khúc chiết rất nhiều vì các chi tiết được thêm thắt vào cho ly kỳ gây cấn hơn, nhất là khi đưa vào Tạp kịch 雜劇 là một bộ môn của sân khấu xưa.

Hẹn bài viết tới :

HƯ CẤU trong các tác phẩm võ hiệp của KIM DUNG.

Đỗ Chiêu Đức - 杜紹德

3/9/23

CHÚC MỪNG ĐẠI LÃO THI SĨ TRẦN CÔNG – LÃO MÃ SƠN

 

Ngày March 10, 2023 là Sinh Nhựt 101 tuổi thọ của

ĐẠI LÃO THI SĨ TRẦN CÔNG – LÃO MÃ SƠN

(nguyên Trung Tá Lực Lượng CảnhSát VNCH)

Ông là một Nhà Thơ VN cao tuổi nhất tại Hải ngoại

Xin có thơ chúc mừng:




CHÚC MỪNG ĐẠI LÃO THI SĨ
TRẦN CÔNG – LÃO MÃ SƠN
Sinh Nhật, Đại Thọ 101 Tuổi

Sinh nhật Huynh, trăm lẻ một niên!
Chúc mừng đại phúc, tự Cao Thiên.
Bút nghiên tô điểm nền văn hóa,
Cung kiếm oai phong nghiệp võ biền!
Cuộc thế thăng trầm, luôn tự tại,
Sự đời thành bại vẫn an nhiên.
Thân như cổ thụ, Tâm như Phật!
Thơ vẫn tuyệt vời hạ bút tiên.

Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia



Bài Họa thơ của Nữ Sĩ Cao Mỵ Nhân

Kính Chúc Đại Thọ
TRẦN CÔNG LÃO TRƯỢNG
101 Mùa XUÂN Rực Rỡ

Tháng ba, hoa nở đẹp toàn niên
Lão Trượng Trần Công hưởng phước Thiên
Thắng cảnh, từng qua bao phố thị
Sa trường, đã trải khắp bưng biền
Đông tây hoan hỉ tình xa xứ
Nam bắc phiêu bồng lẽ tự nhiên
Kính chúc xuân vàng trăm lẻ một
Đại Huynh rực rỡ tuổi đào tiên ...

Cao Mỵ Nhân
Los Angeles, California 7-3-2023

3/8/23

Hành Trình Nhập Thế : từ Hà Thành đến Trảng Bom


Quang Già Cơ - Nguyễn Đức Quang


Thứ sáu tuần qua, bạn Quang Già Cơ ở Seattle gửi cho tôi hai tuyển tập truyện ngắn : 
- Hà Nội Quê Hương Trong Trí Nhớ;
- Tôi Đi Trại Hướng Đạo.

Nhận được sách, tôi chợt nhớ câu thơ ‘‘Tha hương ngộ cố tri’’ của nhà thơ Uông Thù thời Bắc Tống, nguyên tác như sau :


久旱逢甘雨        Cửu hạn phùng cam vũ
久旱逢甘雨,    Cửu hạn phùng cam vũ,
他鄉遇故知。    Tha hương ngộ cố tri.
洞房花燭夜,    Động phòng hoa chúc dạ,
金榜題名時。    Kim bảng đề danh thì.


Thời gian của bài thơ có thể đọc ngược :

- Đại đăng khoa : Kim bảng đề danh thì
- Tiểu đăng khoa : Động phòng hoa chúc dạ

Hai câu thơ 1 - 2 gom lại mang ý nghĩa không gian :
- Tiểu vũ trụ : Tha hương ngộ cố tri
- Đại vũ trụ : Cửu hạn phùng cam vũ

Bài thơ của Uông Thù có Tha phương ngộ cố tri là hợp tình hợp cảnh. Tôi mạo muội thay đổi mấy câu cho thích hợp :

仝 學 树 人 挍    Đồng học Thụ Nhân hiệu
远 方 智 相 憐    Viễn phương trí tương lân
河 城 時 年 少    Hà Thành thì niên thiếu
春 光 讀 書 文    Xuân Quang độc thư văn

Xin tạm dịch :

Xa xôi xe kết tình thân
Mấy năm học tập Thụ Nhân một trường
Nắng xuân đọc sách tỏ tường
Tuổi còn thơ ấu sống chung Hà Thành.


Trước khi đi vào hai tuyển tập, thiết tưởng cũng nên nói qua về bút hiệu ‘‘Già Cơ’’. Trong Đặc San Kỷ Niệm 30 Năm Khóa I CTKD Viện Đại Học Đà Lạt do bạn Nguyễn Tường Cẩm chủ biên, Quang Già Cơ viết : ‘‘Tôi tên là Nguyễn Đức Quang. Bạn bè thường gọi tôi là Quang Hà Nội để phân biệt với anh bạn trùng tên họ sinh ở Sơn Tây. Trong Đại Học Xá gọi tôi là Quang Già Cơ, còn anh bạn kia được gọi là Quang Du Ca.’’

Sau đó, bạn QGC cho biết về thời gian ở Đà Lạt : năm đầu ở Lữ Quán Thanh Niên, năm thứ II ở lầu Đại Học Xá, năm III : lầu 3, năm IV ở lầu 2 (tr. 482). Từ đó, anh nhường hẳn tên họ cho NĐQ, chỉ giữ lại QGC ; Sự lựa chọn này nói lên lòng quý mến bạn bè và sự khiêm tốn của tác giả. Theo ý nghĩa bộ bài tây, Già Cơ nói lên sự chín chắn và nhân từ (le roi de cœur présente un personnage d’âge mûr au regard bienveillant). Cả hai đức tính này thể hiện qua các bài bút ký trong hai tuyển tập truyện ngắn, với văn phong mạch lạc, sáng sủa.

Già Cơ (Roi de cœur) 


Hai khổ sách đều là 14 x 21 cm. Bìa tập 1 in hồ Hoàn Kiếm, tập 2 đen trắng in toán Thụ Nhân, tráng đoàn Hùng Vương, đạo Lâm Viên. Cả hai ghi lại hành trình nhập thế của tác giả QGC, sau này còn được tiếp nối với thời gian học ở Đà Lạt và các sinh hoạt khác ở Saigon và Seattle.

Theo niêu hiệu, tôi giới thiệu cuốn Hà Nội Quê Hương Trong Trí Nhớ trước cuốn Tôi Đi Trại Hướng Đạo, tuy rằng cuốn sách Hướng Đạo được in trước cuốn sách viết về Hà Nội.

Nội dung cuốn Hà Nội Quê Hương Trong Trí Nhớ như sau :

Sở dĩ QGC gửi cho tôi hai cuốn viết về Hà Thành và Hướng Đạo, vì chúng tôi đều sinh quán ở Hà Nội và đều có sinh hoạt hướng đạo. Thuở nhỏ, gia đình tôi ở số 10 phố Kỳ Đồng Hà Nội. Trong thời gian này, tôi là sói con trong bầy Sóc Sơn. Bầy trưởng là anh Tạ Quốc Tuấn. Trong bầy sói có Phan Huy Kiểm là con BS Phan Huy Quát.


QGC có nhiều công sưu tập nhiều tài liệu quý hiếm. Trong cuốn Hồi Ký, Phạm Duy cho biết ông sinh ra ở phố Takou, sau đổi tên thành Hàng Cót, cũng là nơi chào đời của QGC. Tác giả trích dẫn nhiều đoạn trong hồi ký của cụ thân sinh, chứng tỏ anh thừa hưởng truyền thống văn học của gia đình.

Quê hương trong trí nhớ của QGC là trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, Bờ Hồ Hoàn Kiếm, Nhà Hát Lớn Hà Nội, Sân Vận Động Cột Cờ, Chợ Đồng Xuân, Đê Yên Phụ. Tác giả được thưởng thức Món Ngon Hà Nội và nhớ mãi những ca khúc về Hà Nội : Hà Nội Ngày Tháng Cũ (Song Ngọc), Thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn), Giấc Mơ Hồi Hương (Vũ Thành), Thăng Long Hành Khúc (Văn Cao).

Trong phần kế tiếp, tác giả tản mạn : Trả Lại Tên Đường Cổ Ngư, Dẹp Bỏ Tượng Lê Nin, Đưa ông HCM về an nghĩ tại Nghệ An, sau cùng là đề nghị dời thủ đô về Pleiku hoặc Đà Lạt. Đây cũng là chủ đề luận văn tốt nghiệp cử nhân CTKD của QGC.

Vì là sói con, cứ mỗi chủ nhật, tôi lại có dịp họp bầy tại Văn Miếu, Voi Phục, Vườn Bách Thảo, Gò Đống Đa, Hồ Tây, Láng, làng Bưởi, trường Quang Trung v.v. Mùa hè cùng bầy sói đi Bãi Cháy cùng với bầy của chị Thẩm Thị Xiêm. Có lần họp ở Văn Miếu, ông thủ hiến Phạm Văn Bính đến bắt tay từng sói con một, và lần tôi quay bánh xe xổ số ở Nhà Hát Lớn,
hoặc vào mùa đông, đẩy xe bò đi quyên quần áo cũ.

Tôi xin kết thúc bài viết này bằng bài Đường thi, viết tặng bạn Quang Già Cơ :


Bút hiệu Già Cơ nhớ những ngày
Chia nhau bài bạc lúc mê say
‘‘Từ tâm’’ ý tứ không phai nhạt
‘‘Chữ nghĩa văn chương’’ nợ trả vay
Mười sáu sách đèn không mỏi mệt
Hà Thành, Hướng Đạo viết mê say
Hành vân lữ thứ nam sang bắc
Viết lách lâu rồi được mấy ai.

Paris, ngày 06/03/2023
Lê Đình Thông

3/7/23

Giai thoại về nhạc phẩm LÀNG TÔi

 Mar 21, 2017

Phan Văn Thanh


Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
Có sông sâu lờ lững vờn quanh êm xuôi về Nam …
Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau
Bóng tre ru bên mấy hàng cau đồng quê mơ màng!

Ảnh trên trang Blog nhacxua.vn
Năm ấy, đoàn hát Kim Chung lần đầu tiên có kế hoạch thực hiện bộ phim nhựa có tiếng nói (âm thanh). Để cho bộ phim thêm phần hấp dẫn, trang trọng và gây ấn tượng với công chúng trong buổi chiếu ra mắt, toàn bộ êkíp điều hành, bầu sô, đạo diễn … đồng ý việc tổ chức một cuộc thi sáng tác bài hát làm nền cho phim với giải thưởng lớn cho tác phẩm được chọn. Đây cũng là bộ phim nhựa có âm thanh đầu tiên của ngành điện ảnh Việt Nam vào thời ấy. (1952)

Cuộc thi được tổ chức rộng rãi trong công chúng, không phân biệt tuổi tác, chuyên nghiệp hay nghiệp dư…đã có nhiều nhạc sĩ tên tuổi cùng một số những người mới thành danh trong làng ca nhạc giải trí thời đó tham gia. Đề tài sáng tác là quê hương và con người Việt Nam.

Sau nhiều lần chọn lựa rất công bằng và vô tư, ban giám khảo đã mất khá nhiều thời gian bàn bạc, nhận xét rồi cân nhắc để đưa ra một sự chọn lựa chính xác, dù biết đó là một quyết định rất khó khăn. Cuối cùng, Ban tổ chức đã công bố, tác phẩm được chọn để trao giải là bài hát “Làng Tôi” của một tác giả vô danh tiểu tốt, cái tên nghe chừng như rất xa lạ trong làng ca nhạc Việt thời ấy đó chính là nhạc sĩ Chung Quân.

Bản nhạc Làng Tôi được chọn vì nó mang hơi thở của một vùng quê yên bình, lời lẽ cũng mộc mạc, dung dị thấm đẫm tình cảm của người dân Việt Nam, cho dù năm đó tác giả bài Làng Quê mới chỉ vừa 16 tuổi. Nhạc phẩm Làng Quê và cái tên Chung Quân ra đời từ dạo ấy. Nhờ giai điệu du dương, thắm thiết tình người tình quê của Làng Tôi cứ mãi bay xa mà cái tên nhạc sĩ Chung Quân trở nên nổi tiếng và đi vào lòng người.

Nhiều nhạc sĩ tên tuổi và giới văn nghệ thời đó có hơi ngỡ ngàng, nhưng mọi người đều công nhận bản nhạc “Làng Tôi” xứng đáng được nhận giải thưởng vinh dự đó.

Quê tôi chìm chân trời mờ sương
Quê tôi là bao nguồn yêu thương
Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn
Là bao vấn vương tâm hồn … người bốn phương.

Bản Làng tôi đã giành được giải của công ty điện ảnh, đoàn cải lương Kim Chung ở Hà Nội để làm bản nhạc nền cho phim Kiếp Hoa.

Hành trình về phương Nam

Thế rồi, thế sự đổi thay theo mệnh nước nổi trôi. Năm 1954, Chung Quân cùng gia đình di cư vào Nam, định cư ở vùng Khánh Hội. Nhờ đã từng học sư phạm chuyên ngành về nhạc và danh tiếng của Làng Tôi, Chung Quân được Bộ Quốc gia Giáo dục của Đệ Nhất Cộng Hòa ưu đãi, cho dạy môn nhạc tại hai trường trung học Chu Văn An, và Nguyễn Trãi. Thời gian giảng dạy ở trường Nguyễn Trãi, Chung Quân là thầy dạy nhạc của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng sau này như Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Đức Huy, Nam Lộc… Cũng khoảng thời gian 1955 – 1956, ông có soạn bản hợp xướng Sông Bến Hải, theo một vài ý kiến thì đó là một trường ca có giá trị nghệ thuật, viết về cuộc di cư năm 1954, nhưng về sau không thấy phổ biến rộng rãi.

Trường Nguyễn Trãi năm ấy có cậu học trò nghèo nên buổi trưa thường không về nhà mà nghỉ lại ở trường cùng bữa ăn trưa là gói xôi mà mẹ cậu đã mua cho cậu đem theo từ sáng sớm. Thay vì nghỉ trưa, cậu học trò lại tha thẩn trong trường để rồi lắng nghe được câu chuyện tranh cãi giữa hai người thầy.

Trong một căn phòng, tiếng của vị giáo sư Hà Đạo Hạnh (cử nhân toán) đang ầm ĩ nói với nhạc sĩ Chung Quân

– Trình độ học vấn của anh chỉ đáng là học trò của tôi thôi. Việc anh được dạy chung với những giáo sư như chúng tôi là một vinh dự cho anh, anh có biết điều đó không?

– Nhưng thưa giáo sư, nếu hỏi công chúng có biết nhạc sĩ Chung Quân là ai không? Thì chắc chắn nhiều người biết đó là tác giả của bản nhạc Làng Tôi. Còn như hỏi họ, có biết giáo sư Hà Đạo Hạnh là ai không? Tôi tin người ta không mấy người biết.

Câu chuyện đang đến hồi hấp dẫn, và cậu học trò cố áp sát tai để chờ nghe tiếp xem Giáo sư Hà Đạo hạnh trả lời ra sao, bỗng từ phía sau, một bàn tay lạnh lùng của thầy giám thị véo vào tai cậu học trò kéo đi chỗ khác! Và vì thế mà câu chuyện đành dở dang ở đây.

Rồi thời gian trôi qua, tưởng mọi chuyện đã rơi vào quên lãng. Nhưng không, nhạc sĩ Chung Quân đã không chịu bỏ qua dễ dàng như vậy, ông nhất định phải đòi lại món nợ danh dự này. Không công danh thà nát vói cỏ cây.

Nhạc sĩ Chung Quân sau đó đã quyết chí tiếp tục con đường kinh sử, ông ghi danh theo học và hoàn thành tú tài toàn phần, sau đó, ông lại tiếp tục việc học để đạt cho kỳ được mảnh bằng Đại học. Cuối cùng, ông đã tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Anh quốc.

Đã mang tiếng đứng trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông

Nhớ lại câu chuyện ngày xưa, nhạc sĩ Chung Quân sao chép tất cả văn bằng mà mình có được gửi về cho giáo sư Hà Đạo Hạnh kèm theo lời nhắc nhở rất nhẹ nhàng lịch sự.

Thưa giáo sư Hà Đạo Hạnh, tất cả những gì mà giáo sư làm được thì Chung Quân tôi cũng đã làm được. Còn những gì Chung Quân tôi làm được thì giáo sư đã không làm được.

Viết tới đây tôi bỗng nhớ tới bài thơ của cụ Nguyễn Công Trứ có đoạn như sau:

Đã hẳn rằng ai nhục ai vinh
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm lên tiếng phi thường đâu đấy tỏ …

Nhạc sĩ Chung Quân đã đòi lại món nợ danh dự năm xưa một cách sòng phẳng bằng ý chí và lòng kiến nhẫn của chính ông. Rất lịch sự, tế nhị mà cũng rất quân tử. Không ồn ào, không gióng trống khua chiêng làm người khác phải ngượng ngùng, mất thể diện. Quả thật, chẳng ai biết trước được chuyện gì xảy ra trong cuộc đời.

Cậu học trò nghe lén câu chuyện ngày xưa sau này cũng theo cái nghề “gõ đầu trẻ”. Ông dạy Trung học đệ nhị cấp (cấp 3) ở miệt dưới tận tỉnh Bạc Liêu. Ngoài công việc dạy học, ông còn làm thêm nghề tay trái là viết báo, viết văn với bút hiệu Thái Phương. Sau biến cố 1975, ông nghỉ dạy và chuyển hẳn sang viết báo. Hiện nay, độc giả biết nhiều đến ông với bút danh nhà văn Đoàn Dự.

Đã có lần, nhà văn Đoàn Dự gặp lại thầy cũ là giáo sư Hà Đạo Hạnh và ông có hỏi vị giáo sư:

– Thưa Thầy, sao ngày đó thầy lại nặng lời với Nhạc sĩ Chung Quân thế ạ!

– Hồi ấy tôi có hơi nóng nảy nên đã quá lời.

Mọi chuyện rồi cũng qua đi, người xưa giờ cũng đã trở về cùng cát bụi, nhưng câu chuyện thì sẽ còn mãi như một bài học, một tấm gương về cách đối nhân xử thế của người xưa vậy.

3/6/23

TRÁNH CHIẾC ÁO TỪ BI

Chuyện xưa kể ɾằng, có một hiệρ khách bôn tẩu giang hồ. Người này rất giỏi võ công, lại có tâm tɾừ gian diệt bạo, bênh vực kẻ yếu thế. Ngày nọ hiệρ khách đi ngang qua ngôi làng, gặρ lúc bọn cướρ đang cướρ bóc của dân lành liền ra tay trừ bạo.

Với thanh kiếm quý tɾên tay, anh ta chiến ᵭấu và lần lượt hạ gục nhiều tên cướρ. Sau cùng tên đầu sỏ bỏ chạy vào một ngôi chùa ở cuối làng. Hiệρ khách đuổi theo, đến chùa anh tra kiếm vào vỏ ɾồi thận tɾọng đi vào chùa. Tới chánh điện, anh đảnh lễ Phật và sau đó đi tìm tên cướρ.

Nhưng thật lạ hắn biến đâu mất. Hiệρ khách đi vào hậu liêu, đến tɾai đường thì thấy một người mặc áo nhà sư đang ngồi quay mặt vào tɾong. Anh bước vào, định hỏi thăm, thì bất ngờ người này rút thanh kiếm giấu dưới gầm bàn, quay ρhắt lại phạt ngang một đường, tiếng kiếm ɾít tɾong gió nghe ɾợn người. Nhưng thật may, với võ công tuyệt đỉnh, hiệρ khách ngả người ɾa sau, tɾánh được nhát kiếm chí mạпg ấy.

Ngay tức thì, hiệρ khách nhảy ra ngoài sân chùa rút kiếm giao ᵭấu với tên cướρ. Và lát sau dân làng cũng kéo đến rất đông để chứng kiến tɾận so tài. Họ thấy một điều ɾất lạ là người hiệρ khách chỉ tɾánh những đường kiếm hiểm ác của tên cướρ. Còn khi tấп côпg, anh ta chỉ cố đưα mũi kiếm của mình vào những vị tɾí nút thắt của chiếc áo cà sa mà tên cướρ đang mặc… Với tuyệt kỹ của mình, người hiệρ khách cũng lần lượt ρhạt đứt những chiếc khuy vải của áo cà sa. Và đường kiếm sau cùng thay vì kết liễu tên cướρ, hiệρ khách dùng mũi kiếm hất tung chiếc áo cà sa ra khỏi người tên cướρ.

Chiếc áo bay lên, sáng ngời không gian và khi ɾơi xuống lại ρhủ đúng lên thân thanh kiếm và người ta chỉ còn thấy chiếc mũi kiếm đang gí ngay yết hầu của tên cướρ. Tên cướp buông kiếm đầu hàng và dân làng liền ùa vào tɾói gô hắn lại…

Một bô lão tɾong làng, chắρ tay cảm tạ người hiệρ khách và hỏi: Tɾáng sĩ võ công cao cường như vậy sao không hạ hắn sớm mà cứ vờn hắn làm dân làng lo quá?

Chiếc áo từ bi của nhà Phật…

Người hiệρ khách nói ɾằng: Dù hắn là tên cướρ, nhưng tôi cố tɾánh chiếc áo từ bi nhà Phật mà hắn đang khoác tɾên người, mặc dù tɾước đó hắn đã dùng chiếc áo để bẫy tôi…

Chuyện của ngày xưa nhưng vẫn còn nguyên giá tɾị với hôm nay. Hiện tại, ɾất có thể có ai đó lợi dụng chiếc áo để bẫy người khác, dù đó là cá biệt.

Chiếc áo nhà Phật và kẻ xấu là hai chuyện rất, rất khác nhau, không thể ᵭánh đồng với nhau được.

Phật pháρ muôn đời bất ly thế gian pháρ. Thế gian đầy sân si mộng ảo, không việc chi mà không có tộι. Vì vậy nên như hiệρ khách kia cần hết sức cẩn thận với những hành động cũng như ρhát ngôn củα mình, nhất là với chiếc áo từ bi củα nhà Phật. Nếu bên tɾong chiếc áo tu là một kẻ bất thiện, thì tɾước tiên hãy ᵭánh bật chiếc áo ra khỏi người kẻ xấu, tránh làm tổn hại đến biểu tượng tốt đẹρ của những bậc chân tu nói chung…

Tác giả: Hoàng Dũng Hùng / Theo: ncctv