Showing posts with label Hoàng Ngọc Nguyên. Show all posts
Showing posts with label Hoàng Ngọc Nguyên. Show all posts

3/11/23

ĐI TÌM NGƯỜI ĐỨNG PHÓ

Hoàng Ngọc Nguyên
        (June 2024) - Chuyện tưởng như đùa, hay chuyện khoa học giả tưởng, lại “may mắn thay” cho nước Mỹ là chuyện có thật: cựu Tổng thống Donald Trump đã được cử tri đảng Cộng Hòa chọn làm ứng cử viên tổng thống trong kỳ bầu cử năm 2024. Đó là một chiến thắng cực kỳ khó khăn, phức tạp, nhưng do đó cũng rất dũng cảm và kiên trì. Ông đã phải đối đầu với không dưới 10 ứng cử viên cùng tham vọng như ông.

        Mọi thăm dò dư luận trong khối cử tri Cộng Hòa đều cho thấy người dân chưa sẵn sàng bỏ phiếu cho ông kỳ này sau hai kinh nghiệm năm 2016 và 2020. Đến 61% cử tri nói không đối với ông.

        Nói chung, cử tri Cộng Hòa đang muốn có một ứng cử viên trẻ hơn - nhất là sau khi họ nghe bà Nikki Haley nói rằng người già lẩm cẩm, nói trước quên sau, đi đứng lọng cọng, vấp váp, làm không được việc, và bà còn đề nghị những ứng cử viên luống tuổi cần được trắc nghiệm năng lực và trí tuệ. Bà là cựu thống đốc South Carolina và từng được Trump cử làm đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc. Nay bà cũng ra tranh cử để làm nở mày mặt người Mỹ gốc Ấn - thiểu số gốc Á nhỏ nhất nhưng quyền lực nhất, tham vọng nhất. Bà đương nhiên phải đối đầu với ông chủ cũ. Bà nói bà chỉ nhắm vào ông Biden nay đã 80. Nhưng Trump cũng chỉ thua Biden bốn tuổi – có là bao!

        Cử tri Cộng Hòa cũng muốn có một tổng thống có năng lực hơn và ít có tai tiếng hơn. Đương nhiên về hai mặt này, ông Trump “khiêm tốn” hơn nhiều người (Chưa ai hơn ông về mặt “chú Cuội”).

        Những nhà bình luận nghiêm khắc của đảng ta cũng viết trên giấy trắng mực đen là “thôi thì thôi, chỉ là phù vân”, ông chỉ có “bản lĩnh” (sự lì lợm) và kinh nghiệm (vì đã từng ngồi ở Tòa Bạch Cung bốn năm) nhưng không đủ phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo, cho nên ông không nên ra – vì đất nước, vì đảng ta và cả vì ông.

        Thế nhưng ông đã đe dọa nhiều lần: nếu không được đáng Cộng Hòa đề cử, ông sẽ phá chết bỏ, ông sẽ ra tranh cử như thường với chiêu bài của một đảng thứ ba.

        Ông tranh cử khi trong đảng Cộng Hòa cũng có đến 10 người cùng ra với ông, mặc dù ông đã từng đe dọa người này, bài bác người nọ. Ông đã nhiều lần nói: Nay tôi đã ra, biết điều thì tránh ra. Nhưng vào thời này, ông Trump cũng biết, người biết điều như ông thì chỉ có ông!

        Trong danh sách được liệt kê có Nikki Haley (dĩ nhiên), Thống đốc Florida Ron De Santis (cũng dĩ nhiên), Phó Tổng thống cho Trump (nay là kẻ thù số 1) Mike Pence, Ngoại trưởng cũng cho Trump Mike Pompeo (nay Pompeo nói nay nước Mỹ cần một tổng thống có đầu óc bình thường hơn), Vivek Ramaswamy, 37 tuổi (người gốc Ấn thứ hai trong danh sách này, một người “tiền không đợi tuổi”, giống như Thủ tướng gốc Ấn hiện nay của nước Anh), Perry Johnson (từng tranh cử thống đốc Michigan nhưng bị loại vì tội sử dụng chữ ký cử tri giả), bà Liz Cheney (người xem Trump là kẻ thù số 1 của nước Mỹ), Thống đốc Glenn Youngkin của tiểu bang Virginia, Thống đốc Greg Abbott của Texas; Thượng nghị sĩ Tim Scott của South Carolina (một người da đen hẳn phải có vấn đề tâm thần).

        Vì không có nhân vật nào nổi bật, cho nên ai cũng muốn thử thời vận. Và ông Trump chiến thắng là chuyện đương nhiên bởi vì các ứng cử viên của Cộng Hòa đông quá, cho nên họ dẫm lên nhau mà chết. Ai cũng nghĩ ông Trump chỉ có một khối cử tri MAGA khoảng chừng 20% là tối đa, có nghĩa là khoảng 80% cử tri Cộng Hòa còn lại sẽ nhất quyết không bỏ phiếu cho ông Trump vì ai cũng ngán tài ăn nói xem thường sự thật của ông Trump. Khi người ta hiểu ra thì đã quá muộn: 80% còn lại mà chia cho 10 người thì mọi người chỉ có một tí chút cháo!

        Thắng lợi của Trump cho người ta một bài học: trong một thời nhiễu nhương, loạn lạc chính trị, nắm chắc một thiểu số hung hãn (như câu chuyện của Hitler năm 1930) là điều cần thiết hơn đi tìm một đa số không có. Chỉ cần một đội ngũ MAGA có vũ trang hò hét, thực chất là khối quần chúng cực hữu, quá khích đi theo chủ nghĩa dân tộc bạch chủng Cơ đốc giáo (White Christian nationalism) suy tôn là Trump cũng có thể thắng được khối cử tri Cộng Hòa. Người ta từng tưởng rằng sau khi Trump thất bại năm 2020, cùng với hàng loạt chuyện tai tiếng và dối trá chưa từng có nơi một người ở Nhà Trắng, khối MAGA sẽ thất vọng mà đi tìm một “minh chủ” mới. Thế nhưng có lẽ tìm ra được một minh chủ như Trump khó quá, cho nên ông ta vẫn là đại lãnh tụ trong cuộc chiến của khối người da trắng Cơ Đốc đang muốn xây dựng lại nước Mỹ theo khuôn mẫu ông trời đã định (manifest destiny): một nước Mỹ của người da trắng làm chủ.

        Vấn đề hiện nay của Trump là đi tìm một người đứng phó cho mình. Dĩ nhiên người đó không phải là Mike Pence. Ông Pence không những đã làm cho Trump thất vọng trong ngày 6-1, khi ông không chịu phủ nhận kết quả bầu cử (Trump từng nói trong vụ bạo loạn: Pence có chết cũng đáng đời) mà còn làm nam giới ảnh hưởng lây. Ông Trump chẳng khoái người nam nào, mà cũng chẳng người nam nào khoái ông.

        Nay Trump đi tìm một nữ giới đứng chung liên danh với mình. Dù sao ông cũng yên tâm hơn, vì trong cuộc đời ông đã có kinh nghiệm dầy dạn hơn với phái yếu. Bằng chứng là có ai kiện được ông đâu. Ông vẫn từng nói một người như ông thì chẳng phụ nữ nào qua mặt được. Hơn nữa, ông có trong tay ít nhất cũng nửa tá phụ nữ.

        Gần gũi nhất là bà Kellyanne Conway và Sarah Huckabee Sanders. Tuy nhiên, bà Conway mới ly dị chồng vì ông này cứ suốt ngày chửi bới ông Trump. Còn bà Sanders mới đắc cử thống đốc Arkansas, là nơi Bill Clinton cũng từng đắc cử thống đốc. Bà là con của mục sư Mike Huckabee, cũng là thống đốc Arkansas trước đây (1997-2007). Chắc chắn bà Sanders sẽ làm thống đốc cho hết nhiệm kỳ tám năm mới tinh chuyên gì khác.

        Nikki Haley là nhân vật này được nói đến nhiều. Người ta nói sở dĩ bà Haley ra là vì bà ngầm tiếp tay cho Trump, bà xúi giục nhiều người khác ra theo. Và bà nhìn xa và nhắm tới chuyện đứng phó cho ông Trump. Bà Kamala Harris cũng gốc Ấn đấy thôi. Bà Harris và ông Biden đâu có gần gũi như Haley và Trump. Nhưng ông Trump cũng có ý sợ bà Haley sẽ chỉ nghĩ tới nguồn gốc của bà hơn là nghĩ tới ông ta. Nhất là vì bà ta tính sẽ ra tranh cử tổng thống nữa. Hơn nữa, bà này không thuộc thành phần MAGA (không phải Mỹ trắng).

        Một nhân vật thứ tư là Marjorie Taylor Greene. Bà này chắc chắn trung thành với Trump, lại là MAGA thứ thiệt, được nhóm MAGA tại Hạ Viện ủng hộ. Nhưng bà này chắc chắn không lấy thêm được phiếu nào. Và bà ồn ào, hàng tôm hàng cá quá, vừa át tiếng nói của Trump, vừa xua người ta đi xa.

        Một nhân vật thứ năm là Cori Lake, ứng cử viên thống đốc của Arizona, bị đánh bại từ tháng 11 năm ngoái, nhưng 4-5 tháng sau, cứ theo gương của Trump, election-denier, cho nên cứ cho là bầu cử gian lận và bà là “thống đốc chính danh”. Cho nên khi được tổ chức Hội nghị Hành động Chính trị bảo thủ (CPAC) đầu tháng ba này đề cử làm ứng cử viên phó tổng thống cho Trump, bà từ chối, nói rằng: Không thể vừa làm phó tổng thống vừa làm thống đốc được!!! Đến mức một người bị điên nặng như Trump cũng phải thốt lên: “cô này cũng bị điên như ta”.

        Cho nên Trump chỉ còn Stormy Daniels để chọn đứng phó cho mình. Thực ra, Stormy là người gần gũi Trump nhất trong số các phụ nữ kể trên. Gần gũi đến mức chung chăn, chung chiếu, cho dù có thể đồng sàng dị mộng. Khoản tiền Trump đã tốn không là bao ($130.000), nhưng là người tình nghĩa, Stormy mới đây đã bày tỏ sự cảm ơn Trump đã thẳng thắn nhìn nhận. Trump nói: “With respect to the 'Stormy' nonsense, it is VERY OLD & happened a long time ago…” (Về câu chuyện Stormy điên rồ, nó lâu lắm rồi & xảy ra cách đây khá lâu…”. Stormy trả lời: "Thanks for just admitting that I was telling the truth about EVERYTHING" (Cảm ơn đã nhìn nhận tôi nói sự thật về tất cả mọi chuyện).

        Mối quan hệ vào năm 2006 vẫn còn là một “bí mật lịch sử” vì $130.000 tiền trám miệng (hush money).

THIÊN TÀI CÒN KHỦNG KHIẾP HƠN THIÊN TAI

      


    Người ta vẫn so sánh oan uổng Chú Cuội thời xưa với cựu Tổng thống Donald Trump thời nay. Ông Trump của Stormy Daniels đã gần 80, dầy dạn kinh nghiệm. Chú Cuội của Hằng Nga trẻ người non dạ tuổi chỉ mới mười mấy. Trump nổi tiếng với hàng chục ngàn lời dối trá không biết ngượng miệng nói cho hàng chục triệu người nghe (Đừng trách ông ta, trách người nghe nhẹ dạ). 
    Còn những chuyện Chú Cuội mang tiếng nói dối thì chỉ do người ta đặt điều cho có, cho vui.

    Trump đã quen nói dối, cho nên những khi Trump nói thật, thốt lên những lời từ cửa lòng của mình, người ta phản ứng, nói ông ta không có con tim. Trong khi thế giới hầu như đồng thanh lên án Putin bất nhân, đã cho quân xâm lược Ukraine hơn một năm qua, tàn phá nhà cửa, giết hại người dân, xem sinh mạng người lính như cỏ rác, thì mới đây, vào thời điểm một năm cuộc chiến chưa có lối ra, Trump vẫn nói “Putin là một thiên tài”, và “nếu tôi còn là tổng thống, Nga sẽ không bao giờ đụng đến Ukraine”.

    Trước hết, có thể nhắc lại những bình luận dũng cảm (điếc không sợ súng) của Donald Trump khi Vladimir Putin phát động chiến tranh cướp nước năm ngoái. Trong khi mọi người lên tiếng nguyền rủa, Trump cứ nhất quyết Putin là người “smart”, “savvy”, “genius” (thông minh, khéo léo, thiên tài), và sự động binh của Putin chỉ là “một cách thương lượng khôn ngoan trên thế mạnh thời hòa bình”. Khi được yêu cầu, Trump đã từ chối lên án Putin, nhắc lại “I got along with Putin” – tôi giao hảo tốt đẹp với Putin. Trump cũng nói Putin đã tại vì được hơn 20 năm, chẳng phải ông ta là bậc kỳ tài, vĩ đại hay sao? Trump chỉ muốn tám năm mà cũng không xong. Và như thông lệ, Trump còn lợi dụng cơ hội nói thêm “chẳng phải đần độn như lãnh đạo nước Mỹ”.

    Khi Trump nói Putin là một thiên tài, ông ta chỉ nói được một phần. Thiên tài ở đâu là điều người ta chưa thấy, nhưng ông ta tệ hơn cả thiên tai là điều thấy rõ. Đất nước Ukraine đang tan hoang mà chưa một thiên tai nào trong lịch sử loài người có thể so sánh với thiên tài Putin. Thiên tai chỉ có thể diễn ra trong một thời gian ngắn ngủi, cuộc chiến của Putin nay đã qua năm thứ hai và chẳng biết đến bao giờ hòa bình mới trở lại và với giá nào người dân Ukraine, đất nước Ukraine phải trả. Và biết đến bao giờ Ukraine mới hát được bài “Mộng Lành”, mới có thể tìm lại được hình ảnh và tâm tình đất nước cũ, xã hội cũ. Khi trong mọi nhà đều có những câu chuyện tang tóc, trong mọi người đều chất chứa những kỷ niệm đau buồn của thời dân tộc mất mát, tan tác vì chống xâm lăng. Sự tàn ác của Putin cũng không thể tưởng được khi bàn tay của ông ta vấy máu của hàng trăm ngàn người lính Nga đồng bào của ông ta mà ông ta xua vào cõi chết – làm cho chúng ta phải chạnh lòng tưởng đến cuộc chiến tranh đánh vào Miền Nam trước đây mà Cộng Sản Miền Bắc đã phát động bất kể cả triệu người Việt - người lính người dân – đã phải nằm xuống trong uất hận, oan uổng vì tham vọng khát máu của Hà Nội.

    Trước hết, hãy bàn về câu chuyện mà Trump vẫn cứ nhắc lui nhắc tới, là nếu ông ta còn trong Tòa Bạch Ốc, thì Putin sẽ chẳng phát động cuộc chiến Ukraine. Điều này vừa nói lên “uy tín” của Trump đối với Putin vừa phụ họa luận điệu của Putin hiện nay: vì chính sách đe dọa, thách thức của Biden mà Putin phải động binh. Hay Putin không tin Biden. Ý của Trump vẫn cho thấy mối ám ảnh với kết quả bầu cử năm 2020 mà ông ta chắc chắn cho đến khi xuôi tay cũng không chịu nhắm mắt vì cứ cho rằng “bầu cử gian lận” nên ông mất một nhiệm kỳ 2. Ông vẫn không đủ sức để chịu hiểu rằng ông ngáp được nhiệm kỳ 1 là do bộ máy bầu cử của bà Clinton (2016) không có người điều khiển sáng giá. Và ý ông ta là vì “bầu cử gian lận” cho nên ông ta mất chỗ, và vì ông mất chỗ cho nên Putin mới động binh. Như vậy, suy cho cùng, chính Joe Biden là thủ phạm trong cuộc chiến Ukraine. Nếu Trump còn đó, ông ta hẳn sẽ có sách lược phù hợp hơn để giữ quan hệ với Putin, do đó chiến tranh Nga-Ukraine sẽ không xảy ra. Trong khi đó, phản ánh luận điểm của Putin, Trump cho rằng chính chính sách của Joe Biden đã dẫn đến quyết định của Putin xâm lăng Ukraine. Quan điểm của Trump vọng lên lời phát biểu của Ngoại trưởng Nga Lavrov ngày 3-6 tại Hội nghị G20 tại New Delhi: “Cuộc chiến tranh Ukraine nhắm vào nước Nga và chúng tôi phải tự vệ!”

    Đúng là nếu Trump còn đó thì Putin sẽ “bất chiến tự nhiên thành”, không cần phải đưa quân đi đánh xứ người như hiện nay. Những gì ông ta muốn, Trump đều có thể làm hết mà Putin không cần đụng đến móng tay. Điều rõ rệt nhất, Trump đã thật sự làm tê liệt hay tan rã khối NATO. Thậm chí có dư luận cho rằng Mỹ có thể tính chuyện rút ra khỏi NATO. Bà Thủ tướng Đức Angela Merkel đã công khai nói: Không còn có thể trông cậy gì ở Mỹ (vốn là nước lãnh đạo NATO từ 1948). Không thể lạc quan nghĩ rằng NATO dám can thiệp cho dù không có Mỹ khi Nga tấn công Ukraine. Trong khi đó, Trump cũng sẽ không cho Ukraine quyền mong đợi hão huyền có Mỹ là chỗ dựa chiến lược một khi Ukraine có xung đột với Nga. Nếu Trump có thêm được bốn năm 2021-2024, chắc chắn Nga sẽ khoanh tay nhìn Trump làm cho khối NATO tan rã và tình hình chính trị Ukraine thêm bất ổn. Đó chính là lý do mà Trump không nói ra.

    Những mưu định của Putin trong cuộc chiến Ukraine chẳng có gì là bí mật, và đúng là ông ta nghĩ mình là “thiên tài” cho nên có thể chiến thắng dễ dàng, chỉ trong 1-2 tuần có thể bắt được Tổng thống Zelinsky quỳ gối đầu hàng, cho dù những thất bại cho đến nay của Putin là quá rõ ràng. Ông cũng mê muội nghĩ rằng Mỹ và khối NATO (Minh ước Bắc Đại Tây Dương) sẽ khoanh tay để cho ông muốn làm gì thì làm ở Ukraine.

    Putin vẫn phàn nàn sự sụp đổ của đế chế Liên Xô năm 1990 khi chiến tranh lạnh chấm dứt đã làm cho nước Nga mất trắng chư hầu và vệ tinh - từ hơn chục tiểu quốc trong Liên bang Xô viết đến các nước Đông Âu trong khối Warsaw. Cho nên từ hơn hai thập niên qua, Putin chỉ có hai mục tiêu chính: thứ nhất là trở thành một Sa hoàng bạo chúa thời nay trong một cơ chế trá hình dân chủ (bởi thế ông trị vì Điện Cẩm Linh từ năm 2000 đến nay, lúc thì đóng vai tổng thống, lúc thì giả dạng thủ tướng); tìm cách nắm lại những nước từng thuộc Liên Xô (Grudia, Chechnya) hay khối Warsaw Đông Âu (Ba Lan, Hungari, Tiệp Khắc, Bulgaria, Rumania), từ đó xác lập vai trò chủ tể của Nga trong một trật tự thế giới mới “tam quốc chí” (Mỹ-Nga-Tàu). Lý do “chiến lược” của Putin đưa ra rất đơn giản để biện minh cho chiến lược bành trướng của mình: mở rộng phạm vi ảnh hưởng của nước Nga bằng những nước chư hầu mới chung quanh để bảo đảm an toàn, an ninh, hòa bình cho nước Nga. Đương nhiên, nhiều người Nga nghe như thế thì chịu quá, phù hợp với lịch sử của nước Nga. Nhưng không phải người Nga nào cũng mê muội, lạc hậu như thế. Và đương nhiên những nước mà Nga nhắm đến phải phản đối vì đã hưởng độc lập, tự do từ mấy chục năm qua. Và những nước này đã quay qua khối NATO để đi tìm sự bảo vệ tập thể. Mới nhất trong tháng hai là trường hợp Phần Lan, cũng như Thụy Điển, từng giữ vị thế trung lập hơn 60 năm.

    Ukraine là một mục tiêu chiến lược số một về mặt địa lý chinh trị cho Nga từ bao đời, là cửa ngõ phía đông của Tây Âu đi vào nước Nga. Nước này đối với Putin đúng là một thử thách đích thực cho thiên tài của Putin vì Kyiv sau khi được tách rời Liên Xô năm 1990 đã cương quyết nói “Không bao giờ trở lại”. Nga đã ăn cướp Crimea của Ukraine vào năm 2014 mà phương tây và Mỹ đã chỉ hành động chế tài chiếu lệ. Rồi Nga cũng gián tiếp nắm vùng phía đông của Ukraine vốn có đông người Nga qua định cư và phần nào đang trong tay các nhóm ly khai.

    Dưới thời Donald Trump, quả thật Putin chẳng làm gì Ukraine bởi vì Trump đã làm hết. Nay Trump đã xuống, cho nên nói như Putin, bạo chúa Nga không có sự chọn lựa nào khác, phải hành động càng nhanh càng sớm càng tốt. Putin rất tin tưởng sẽ lấy được Ukraine dễ dàng vì quân Ukraine yếu kém, chính trị Ukraine “loạn lạc” và phương tây có rối rắm riêng, chưa chắc sẵn sàng can thiệp hết lòng.

    Putin tấn công Ukraine chính thức vào ngày 24-2-2022, sau cả 2-3 tháng trời tập trung lực lượng Nga đến 200.000 quân sát biên giới mọi phía của Ukraine. Putin dựng lên chiêu bài “lật đổ chế độ quốc xã”, “giải giới chế độ Kyiv”, bảo vệ người Nga thiểu số đang bị “ngược đãi” ở Ukraine. Putin gọi đó là “một cuộc hành quân đặc biệt” để dựng lên một chế độ bù nhìn của Nga ở đó. Trong lệnh xuất quân, Putin nói lên quan điểm của một người “chủ đất”, Ukraine là của Nga, ông ta không hề có ý tưởng Ukraine là một nước độc lập, có chủ quyền riêng biệt. Nga cho không kích và đồng thời quân Nga tràn vào lãnh thổ Ukraine trên mặt trận phía bắc từ Belarus hướng về Kyiv, mặt trận đông bắc nhằm vào Kharkiv, mặt trận phía nam ở Crimea, mặt trận đông nam từ Donetsk và Lugansk. Có nghĩa là Nga nhằm chiếm lấy hết Ukraine. Đoàn quân chiến xa của Putin đi vào Kyiv dài đến 15 cây số để thị uy. Chẳng hiểu là trùm tinh báo, nhưng Putin lấy ở đâu tin rằng Ukraine sẽ nhanh chóng sụp đổ, đầu hàng. Thiên tài Putin đã bất tài hoàn toàn – như chúng ta đã thấy trong một năm qua. Trong kế hoạch xâm lăng Ukraine, Putin đã thất bại nghiêm trọng.

    Như chúng ta đã thấy trong cuộc chiến này, Putin đã không những trốn tránh trách nhiệm trong việc đưa người dân Nga vào cuộc phiêu lưu đẫm máu, ông ta còn điên rồ, ngu xuẩn, bất lương, khát máu trong việc dẫn dắt dư luận của người dân Nga đi vào một hướng hoang đường, bịa đặt, đổ lỗi tất cả cho những thế lực chủng tộc châu Âu đang âm mưu diệt chủng nước Nga, hủy diệt Chính thống giáo của Nga, làm phân tán người dân Nga. Từ mục tiêu xâm lược bất thành, Putin đổi giọng chuyển qua mục tiêu bảo vệ nước Nga, người dân Nga, tôn giáo của Nga… Ông ta chẳng những im lặng trước sự thiệt hại sinh mạng nặng nề của quân Nga, mà còn lên tiếng thúc giục thanh niên Nga phải sẵn sàng hy sinh nhiều hơn nữa và vô điều kiện…

    Mới đây nhất, trong dịp kỷ niệm một năm cuộc chiến “giải phóng Ukraine”, Putin ra mặt đe dọa: người dân Nga có thể không tồn tại được trong tình hình hiện nay bởi vì các nước phương Tây đang tìm cách “giải tán” nước Nga. Ông ta tố phương Tây muốn phân chia nước Nga để dễ kiểm soát nước sản xuất nguyên liệu (xăng dầu) lớn nhất thế giới này. Putin nói rằng nhiều giống dân ở Nga có thể bị tiêu vong, kể cả khối đa số chủng tộc Nga. Ông ta còn nói phương Tây đã viết ra giấy ý đồ này, nhưng lại không cho biết tài liệu này ở đâu ra. Ý đồ của ông ta là rõ: cuộc chiến còn kéo dài nhưng ông vô can; người dân Nga còn phải hy sinh như đã hy sinh bao nhiêu lần trong hai thế chiến, cho nên Nga có thể phải tổng động viên; và ông ta còn cần nhiều quyền hạn hơn để giải quyết “cuộc chiến xâm lăng” của phương Tây, kể cả quyền sử dụng vũ khí nguyên tử. Đây cũng là một lời cảnh cáo gián tiếp: Phương Tây coi chừng! Đừng làm ta phát điên!

    Bởi vây, khi cuộc chiến bước qua năm thứ hai, cho dù người ta có thể lạc quan vì phía Ukraine và đồng minh phương Tây ở trong thế chủ động trong khi Nga dường như đang bị dồn về phía chân tường - nhất là khi con số lính Nga tử trận có thể tương đương với số thanh niên Nga bỏ nước ra đi vì không muốn đi lính, thì giới quan sát & bình luận đang nhấn mạnh một điều: thế chủ động của Ukraine và đồng minh NATO có lắm điều phức tạp vì chưa hẳn cùng nhìn về một hướng, trong khi sự bế tắc của Nga có thể trở thành một yếu tố cực kỳ nguy hiểm. Putin có thể điên rồ tìm cách câu giờ, tìm cách lôi kéo Trung Cộng vào cuộc vì biết một chiến thắng lịch sử của phương Tây là điều cuối cùng một kẻ thù nghịch như Tập Cận Bình mong muốn. Nhưng càng câu giờ, có thể Putin càng tuyệt vọng hơn, và nguy hiểm và liều lĩnh hơn. Trong khi đó, Ukraine đã đưa ra 10 điểm trong đề nghị hòa bình, nhưng có thể mong chờ Putin sẽ bị xử lý cách này hay cách khác. Nếu người Nga cố tìm một lối ra dù Putin vẫn tự giam mình trong pháo đài Điện Cẩm Linh.

    Hãy chờ xem! Nếu không… .

Hoàng Ngọc Nguyên

12/4/22

NGỒI BUỒN, TIÊN ĐOÁN LUNG TUNG…

Hoàng Ngọc Nguyên



Chúng ta đang sống vào thời buổi đứng ngồi không yên (“permacrisis” là chữ mới học được của Collins Dictionary, được tự điển này chọn là từ thông dụng nhất trong năm, có nghĩa là sống mất ăn mất ngủ vì lo sợ chiến tranh, vì chính trị bất ổn, bạo lực, và vì kinh tế suy thoái, lạm phát…), nhưng nay có thể thỉnh thoảng phải ngồi yên vì World Cup 2022 tại Qatar. 

Sự thực thì chẳng phải ai cũng biết Qatar nằm ở đâu, cho đến khi giải vô địch túc cầu thế giới lần thứ 22 khởi diễn ở đó ngày 20-11 vừa qua. Khi thấy World Cup được tổ chức ở một nước Trung Đông Hồi giáo “vô danh tiểu tốt”, nhiều người lắc đầu. Khi biết thêm Qatar này là một nước sa mạc, diện tích chỉ vào khoảng 1/30 nước Việt Nam, và dân số tổng cộng là 2.9 triệu người, nhưng chỉ có 313.000 người là công dân Qatar chính hiệu, còn lại là những người “tha phương cầu thực”, “lưu vong”, thì chúng ta đương nhiên còn phải lắc đầu mà nói “điên”. Thủ đô Qatar là Doha, nơi cư ngụ của 80% người dân, còn lại chủ yếu là sa mạc bằng phẳng nằm dưới trũng. 

Nhưng tìm hiểu lý do vì sao Qatar được chọn là nước tổ chức World Cup 22, có thể chúng ta nghĩ đến 3 lý do chính: (i) Trong 21 World Cup trước đó, chưa có nước Hồi giáo Trung Đông nào đứng ra tổ chức WC; (ii) Qatar là nước Hồi giáo “trung lập” nhất, nước duy nhất cố gắng hòa giải giữa hai môn phái “đánh nhau chết bỏ” Sunni (Saudi Arabia) và Shiite (Iran), và; (iii) Nước đặc biệt giàu có ở Trung Đông (tính theo chỉ số Tổng Sản lượng Nội địa (GDP) trên đầu người, Qatar đứng hàng thứ tư trên thế giới – khoảng $61,000, GDP của Qatar vào khoảng 180 tỷ đô la, so với Việt Nam 360 tỷ với xấp xỉ 98 triệu dân). Chúng ta cũng có thể dễ đoán  Qatar có một nền kinh tế dầu khí trữ lượng vô kể - chỉ sợ sau này xe hơi chạy điện, không chạy xăng nữa. Dự trữ dầu và khí thiên nhiên của Qatar đứng hàng thứ ba trên thế giới. Trong thế kỷ 21, Qatar nổi lên là một cường quốc bậc trung trong thế giới A-Rập chính là nhờ nguồn dự trữ tài nguyên năng lượng này.

Sự lựa chọn Qatar là nước tổ chức World Cup 22 cũng là một quyết định “gây tranh cãi”. Qatar vẫn là một nước chính trị lạc hậu từ bao đời, theo thể chế quân chủ độc tôn. Qatar bị nhiều tai tiếng trong thành tích trấn áp nhân quyền – nhất là đối với công nhân nước ngoài nhập cư. Chuyện tai tiếng mà người ta đang đồn đãi là bao nhiêu người công nhân xây dựng đã chết vì tai nạn xây cất cho tám sân bóng đá “hại điện” của World Cup này. 400-500 hay 5.000-6.000? (Trong đó có bao nhiêu người được Hà Nội cho đến Doha “lao động quốc tế”?). Người ta cũng nói một nước quá nhỏ và thành tích bóng đá chẳng hề có mà lại giao cho tổ chức World Cup thì đúng là chuyện không thể tưởng được, chỉ nói lên sức mạnh của đồng tiền trao dưới bàn… Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi, vì chế độ độc tài ở Doha cũng chẳng thấm gì so với những chế độ tại Nga và Trung Cộng, thậm chí tại Iran. Còn Qatar là nước Trung Đông duy nhất sẵn sàng bỏ ra chục tỷ để tổ chức World Cup, trước mua vui, sau lấy tiếng…

Thế nhưng mọi chuyện phải tạm lắng dịu hay để cho qua đi, vì dù sao World Cup cũng đã được khai mạc trọng thể và hoan hỉ ngày 20-11. Có đông đủ 32 nước đã qua vòng loại và tham dự vòng chung kết ở đây, và trên tám sân vận động khổng lồ của Qatar bao giờ cũng có hàng chục ngàn người đại diện các nước tham dự, xem đầy những khán đài, reo hò, cổ vũ thân thiện. Đây là World Cup (viết tắt là WC)  đầu tiên được tổ chức vào hai tháng 11 và 12, vì nếu tổ chức vào thời điểm thông thường bấy lâu nay tháng 6 và 7 thì cái nóng Trung Đông ở đây chịu không nổi. Trong không khí mát dịu của Qatar, hàng trăm ngàn du khách từ các nước tham dự WC đã đổ về dây, trước coi đá banh, sau du lịch. Cho nên thành công của WC Qatar không thể phủ nhận.

Trong 32 đội tham dự WC 22, châu Âu có đông nhất, 13 đội: Anh, Wales, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Đức, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Hòa Lan,  Thụy Sĩ, Ba Lan, Serbia, Croatia; châu Mỹ 8 đội: USA, Ecuador, Canada, Mexico, Brazil, Argentina, Uruguay, Costa Rica; Trung Đông và châu Phi 8 đội: Qatar (nước chủ nhà), Senegal, Ghana, Cameroon, Morocco, Saudi Arabia, Iran, Tunisia; và Á/Úc 3 đội: Nhật Bản, Nam Hàn, Úc. Ngoại trừ Ý, nước đã bốn lần vô địch WC (hai lần trước Đệ nhị Thế chiến) không có mặt trong WC22 vì số phận đã định đoạt từ vòng ngoài, bảy nước cựu vô địch đều có mặt: Brazil (5 lần), Đức (4), Pháp (2) Argentina (2), Uruguay (2), Tây Ban Nha và Anh. Dĩ nhiên những nước này đều được xem là những đội mạnh có nhiều khả năng giành được chức vô địch. Ngoài ra, trước giải, người ta đương nhiên phải đề cập đến Bỉ là một nước sáng giá trên cầu trường quốc tế trong 10 năm trở lại đây. Hay Hòa Lan là đội đã ba lần vào chung kết WC. Hay Croatia là nước có một số cầu thủ thượng thặng. Không một nước Á hay Phi nào được xem là có thể vượt qua vòng 1 của WC năm nay. 

Và sự vắng mặt của hai nước đông dân nhất thế giới Trung Quốc (1.4 tỷ) và Ấn Độ (1.3 tỷ), cùng một nước đại cường hủ lậu là Liên bang Nga (145 triệu) là đáng để ý. Ba nước này  làm nên 3/8 (37%) dân số thế giới. Dân Trung Cộng đang xuống đường, nhất quyết không chịu đeo mạng để xem truyền hình WC. Ở Nga, thanh niên đang lo trốn qua những nước láng giềng để khỏi bị Putin giết…

Lịch thi đấu bắt đầu với vòng loại: 32 đội được chia làm tám bảng, mỗi bảng bốn đội, thi đấu luân lưu để chọn hai đội đứng đầu mỗi bảng đi vào vòng trong. Ở vòng 16 đội còn lại, được ghép thành tám cặp, thi đấu loại bỏ, còn tám đội vào tứ kết. Sau tứ kết đương nhiên là bán kết và chung kết… Group A: Netherlands, Senegal, Ecuador, Qatar; Group B: England, USA, Iran, Wales; Group C: Argentina, Poland, Mexico, Saudi Arabia; Group D: France, Australia, Denmark, Tunisia; Group E: Japan, Spain, Germany, Costa Rica; Group F: Morocco, Croatia, Belgium, Canada; Group G: Brazil, Switzerland, Cameroon, Serbia; Group H: Uruguay, Portugal, South Korea, Ghana. 

Kết quả vòng 1 như chúng ta đã biết có nhiều bất ngờ - lớn và nhỏ. Bất ngờ lớn là Đức, Bỉ và Đan Mạch bị loại. Đức bị loại vì đã để thua Nhật Bản 1-2 ngay trận đầu tiên và để cho Tây Ban Nha cầm chân 1-1 ở trận thứ nhì. Bỉ bị loại vì để cho Morocco hạ 2-0 và không thắng được Croatia ở trận quyết định (0-0). Đan Mạch thua cả Úc và Pháp, chỉ có đường khăn gói ra về sớm. 

Bất ngờ cũng lớn và đặc biệt thú vị là Nhật Bản và Đại Hàn vào vòng trong nhờ những chiến thắng lịch sử. Ai mà ngờ được, Nhật thắng cả Đức và Tây Ban Nha, cho dù để thua Costa Rica trước đó. Đại Hàn thắng Bồ Đào Nha (làm quê Ronaldo) ở trận cuối cùng, phút cuối cùng cho nên được vào vòng trong cho dù cùng điểm với đội cùng bảng là Uruguay (của Suarez) nhưng hơn số bàn ghi được (4-4 so với 2-2). Hai đội Nhật và Đại Hàn làm sáng mặt người châu Á chúng ta.

 Một điều cần ghi nhận là không một đội đứng đầu bảng nào thắng được cả ba trận để được 9 điểm. Thậm chí không đội nào được 8 điểm (làm sao có được)! Brazil, Argentina, Pháp, Bồ Đào Nha, Nhật đều có một trận thua (Brazil thua Nhật, Pháp thua Tunisia, Argentina thua Saudi Arabia,  Nhật thua Costa Rica, Bồ Đào Nha thua Nam Hàn). Đứng đầu bảng với 2 thắng 1 hòa là Hòa Lan, Anh và Morocco. Vòng 2 có tám trận như sau: 

1. Hòa Lan-Mỹ; 

2. Argentina-Úc; 

3. Pháp-Ba Lan; 

4. Anh-Senegal; 

5. Nhật-Croatia; 

6. Brazil-Nam Hàn; 

7. Morocco-Tây Ban Nha; 

8. Bồ Đào Nha- Thụy Sĩ. 

Sau đó là vòng tứ kết, đội thắng trận 1 gặp đội thắng trận 2, thắng 3 gặp 4, thắng 5 gặp 6, và thắng 7 gặp 8… Trong vòng tám trận này, hai trận khó tiên đoán là Anh-Senegal, Nhật-Croatia và Bồ Đào Nha-Thụy Sĩ. Có nghĩa là 5 đội “cầm chắc” vé vào tứ kết là Hòa Lan, Argentina, Pháp, Brazil, Tây Ban Nha. Tiên đoán cho hào hứng cuộc chơi, Anh có thể thắng Senegal 2-1 hay 2-0 (quần chúng Anh mắc bệnh sống trong hoang tưởng, ảo mộng – thực tế Anh không có hàng tiền vệ), Nhật và Croatia thi đấu thêm giờ và Nhật có thể thắng nhờ đá phạt đền. Bồ Đào Nha cũng có thể thắng Thụy Sĩ nhờ đá phạt đền – không phải nhờ Cristian Ronald.

Chung cuộc, ai sẽ vô địch WC năm nay? Có lẽ Pháp (hay Argentina) và Brazil (hay Tây Ban Nha) sẽ đá chết bỏ trong trận chung kết. Pháp có những bàn chân vàng như Mbappe, Giroud, Dembele. Brazil có Richarlison, Casemiro, và Neymar (dzởm). Argentina có Messi là đại cầu thủ thứ thiệt. Tây Ban Nha có Gavi, Morata… 

Và Pháp có thể lại vô địch lần nữa chăng (sau chiến thắng 2018)? Hay Argentina – cho dù không có bàn tay Thượng Đế (God’s hand) của Maradona? 


11/14/22

NHIỄU ĐIỀU PHỦ LẤY GIÁ GƯƠNG

Hoàng Ngọc Nguyên

Đêm thứ ba 8-11, hẳn rất nhiều người mất ăn mất ngủ, đứng ngồi không yên vì cuộc bầu cử giữa kỳ. Bình thường người ta chỉ tập trung vào bầu cử tổng thống bốn năm một lần bởi vì đó là một cuộc bầu cử mà người dân muốn lên tiếng thể hiện quyền dân chủ và sự lựa chọn của mình bằng lá phiếu. Còn bầu cử giữa mùa cho 1/3 ghế tại Thượng Viện và toàn phần Hạ Viện? Đó là “chuyện vặt vãnh”, chỉ dành cho đảng “đối lập”.

Thế nhưng bầu cử giữa kỳ năm nay lại là một biệt lệ.

Nó là một biệt lệ bởi vì chúng ta đang sống một thời mạt pháp dân chủ suy đồi. Một thời tao loạn. Một thời đầy trăn trở. Một thời quốc tế có Putin, quốc nội có Donald Trump. Trật tự quốc tế từ lâu đã không có cho nên bao giờ chúng ta cũng có cảm tưởng đang sống trên bờ vực của một đại chiến cực kỳ nguy hiểm với mối đe dọa của nguyên tử. Trong nước, quan hệ giữa người và người bỗng chốc tràn đầy oán ghét, đố kỵ, phân biệt và cách ly bởi vì sự hình thành của những nhóm được thủ lĩnh MAGA bảo trợ như Oath Keepers, Quanon, Proud Boys, Patriots… và sự dung túng của luật pháp với quyền có súng, mang súng. Để biết thời mạt pháp là thế nào, cứ xem một ông (cựu) tổng thống lại chính là kẻ chủ mưu của vụ bạo loạn ngày 6-1-2021 bởi vì ông ta muốn làm hoàng đế  trọn đời – như những người bạn tại Điện Kremlin hay Trung Nam Hải. Hãy xem tư cách biểu lộ trình độ văn hóa của “lãnh tụ” MAGA khi ông ta gọi bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện, là “she’s an animal, to tell the truth” trong một lần tập họp cử tri tại Ohio ngay trước ngày bầu cử 8-11. May mà bà Pelosi đang bận tâm với thương tích của chồng khi ông Paul Pelosi bị một thằng MAGA điên rồ giống lãnh tụ đột nhập vào nhà và đánh vào đầu của ông ta. Vả lại bà đã quen với cách ăn nói “bộc trực” (thay cho chữ ngu xuẩn) của ông, cho nên không nói lại “Câm miệng, quỷ dâm dục”. 

Hai ba tuần trước bầu cử, giới quan sát, bình luận chính trị, dựa trên những kết quả thăm dò về tỷ lệ người dân (còn) ủng hộ Tổng thống Joe Biden, đều có ý kiến cho thấy đảng Dân Chủ sẽ bị cuốn trôi trong “làn sóng đỏ” (the red wave) tràn đến trong cả hai bầu cử Hạ Viện (435 ghế) và Thượng Viện (35 ghế). Chính ông Trump cũng lớn tiếng đe dọa ông Biden và đảng Dân Chủ mà ông ta vẫn gọi là “xã hội chủ nghĩa”. Con ông ta đã nói đảng Cộng Hòa nay là đảng của Trump, đảng Trump, toàn là người ông ta đề bạt, sẽ hát bài “ngày vui đại thắng 8-11”. Đúng là trong hai năm cuối của nhiệm kỳ hiện nay của Tổng thống Biden tại Nhà Trắng, nếu đảng Dân Chủ mất quyền kiểm soát ngành lập pháp, chính quyền Biden chắc chắn “chỉ có chết”. Ông sẽ bó tay, và những chương trình hành động (agenda) của ông về năng lượng, phúc lợi, hủy nợ cho sinh viên… sẽ hoàn toàn tê liệt (đi đời nhà ma). Cử tri sẽ càng thêm thất vọng về ông, đổ tất cả cho tuổi già của ông, và ông chỉ có con đường rút lui, để bà Kamala Harris tấn thoái lưỡng nan.

Lý do đảng Dân Chủ có thể thua trận trong bầu cử giữa mùa này rất dễ thấy cho dù chẳng dễ gì tránh vì đó là chuyện “truyền thống chính trị” của Mỹ, “chuyện thường tình ở huyện” của Mỹ. Chính trị dân chủ của Mỹ thường được tán tụng với mô hình “checks and balances” (kiềm chế để đối trọng), nguyên tắc điều hợp chính phủ phổ thông, nhiều ngành khác nhau có quyền lực để ngăn chặn hành động của ngành khác để thúc đẩy sự chia sẻ quyền lực và thỏa hiệp.  Một hình thức “chia để trị” kiểu Mỹ - đảng này nắm ghế tổng thống thì người dân sẽ bỏ phiếu cho đảng kia nắm Quốc Hội để có thể làm bó tay đối thủ. Chế độ này rất khác với dân chủ đại nghị của nước Anh, khi đảng thắng cử nắm cả lập pháp, hành pháp để dễ làm việc – cho đến khi người dân bỏ phiếu đòi thay đổi vì thấy đảng cầm quyền làm không được việc. 

Tuy nhiên, lý do chính là sự dao động của người dân Mỹ trong một thời loạn lạc. Người ta đang mất ăn mất ngủ vì nạn lạm phát và phong trào MAGA nổi lên khắp nước Mỹ cùng với cuộc chiến Ukraine đang dẫn tới sự thách đố gián tiếp mà kể như trực tiếp của Mỹ chống đế quốc Nga. Người dân Mỹ luôn luôn lo sợ Mỹ phải dính líu không rút ra được một cuộc chiến nước ngoài kéo quá dài. Đương nhiên, cử tri Dân Chủ đặt nặng những vấn đề quyền phá thai, kiểm soát súng đạn, không phân biệt giới tính (LGBGT), chủng tộc, mở rộng phúc lợi cho người già, người nghèo, sinh viên… Tuy nhiên, vấn đề chính yếu đè nặng tâm tư người dân hiện nay là công ăn việc làm, lạm phát, suy thoái…

Đương nhiên người dân bình thường có thể khó hiểu được tình hình kinh tế tồi tệ đã có từ thời tổng thống tiền nhiệm, nay vẫn còn dai dẳng là vì đại dịch, vì chiến tranh Ukraine, và một phần nào chính sách lạm chi  của ông Biden, nhưng dù sao bức tranh đại thể cũng đang sáng sủa dần: tỷ lệ thất nghiệp đang xuống mức thấp kỷ lục (3.7%), tổng số người không có việc làm chỉ có 6.1 triệu người, lạm phát đã được chặn lại từ tháng sáu đến nay (9.1% tháng sáu, 7.7% trong tháng 10). Cũng cần hiểu rằng nạn lạm phát đang lan rộng toàn cu, và dù sao đồng đô-la vẫn mạnh và lạm phát ở Mỹ vẫn còn thấp hơn ở Anh, ở Pháp, ở Đức… Hãy chịu khó nhìn sự khốn đốn của kinh tế Trung Quốc hiện nay trong thời đại dịch. Và dù sao, người ta phải thấy rằng Mỹ phải sẵn sàng trả giá để ngăn chặn sự bành trướng nguy hiểm của đế chế Nga đang muốn xây dựng một trật tự quốc tế mới với Nga là bá chủ. 

Riêng cử tri Cộng Hòa đương nhiên chỉ muốn nhìn gần và nhìn ngắn hạn. Dưới sự tuyên truyền của MAGA, họ chỉ thấy lạm phát tăng vô kể, việc làm kiếm không ra (cho dù nhiều nơi vẫn kiếm không ra người xin việc!), trong khi chính phủ “nhắm mắt chi tiêu” cho người dân “rảnh việc”, mở cửa biên giới cho di dân bất hợp pháp, và ném tiền qua cửa sổ với những gói phúc lợi, nay lại không ngừng tung ra hàng chục tỷ cho Ukraine… Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn nữa là cử tri Cộng Hòa đã và đang bị đầu độc bởi thuyết “bầu cử bị đánh cắp”. Những ứng cử viên MAGA các cấp trong vận động tranh cử đã sách động người dân về bầu cử gian lận đến độ quần chúng MAGA cũng chia sẻ những suy nghĩ để quyết đó: nếu ta không thắng, đó là vì bầu cử gian lận. Thể hiện cụ thể nhất chính là bà Kari Lake, ứng cử viên thống đốc của Arizona, một Cộng Hòa MAGA thứ thiệt. Tuy bà bị dẫn trong 3-4 ngày đầu tiên kiểm phiếu trước đối thủ Dân Chủ là bà Katie Hobbs, bà vẫn không ngại nói đến chuyện “bị đánh cắp bầu cử” nhưng đồng thời lại tổ chức một ủy ban tiếp nhận bàn giao quyền hành, như thể bà đã thắng cử! Đến ngày cuối tuần 13-11, người ta có thể an toàn kết luận về tương lai của bà.  

Sự nguy him của Cộng Hòa MAGA chúng ta đã thấy qua cuộc bạo loạn ngày 6-1. Và nay khi nói chuyện bầu cử gian lận, họ tự nguyện mang súng đạn đến “canh chừng”, kiểm soát các phòng phiếu. Donald Trump đã cho thấy xứng đáng với sự đánh giá của người cháu ruột Mary Trump, gọi ông chú của mình là “người nguy hiểm nhất thế giới”. Ông ta nguy hiểm tột cùng trong âm mưu 8-11. Ông ta ủng hộ đến 18 ứng cử viên thống đốc Cộng Hòa (trong tổng số 36), 23 ứng cử viên Thượng Viện (trong tổng số 35), và 142 ứng cử viên Hạ Viện (trong tổng số 435) - tất cả đương nhiên đều là thành viên MAGA. Tham vọng của ông ta là đảng Cộng Hòa sẽ nắm ưu thế tại Thượng Viện và Hạ Viện, và Cộng Hòa MAGA sẽ nắm chóp đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện và Hạ Viện, có nghĩa là Cộng Hòa MAGA sẽ nắm ngành lập pháp, và mở đường cho ông ta tranh cử năm 2024 và bỏ tất cả những cuộc điều tra nhằm vào ông ta. Lúc đó trong thực tế sẽ không còn đảng Cộng Hòa nữa mà là đảng Trump. Bởi vậy trong 2-3 tuần trước ngày bầu cử, ông ta đi khắp nơi vận động cho gà MAGA của mình. Điều nguy hiểm là ở chỗ nhiều nhà chính trị dễ dãi và thực dụng đứng vào hàng ngũ MAGA nói chuyện không cần chứng cớ  như bầu cử gian lận vì họ tin rằng phần lớn cử tri Cộng Hòa đã đổi máu MAGA. 

Người quan sát bầu cử cũng tính rằng sự xung đột giữa các chủng tộc thiểu số có thể nổi lên trong bầu cử giữa kỳ này. Người da vàng – nhất là Nam Hàn, Nhật Bản, Hoa, Ấn (trừ người gốc Việt) - dường như đa số bỏ phiếu cho Dân Chủ, bởi vì ai cũng rõ chủ trương của MAGA là nhằm vào người da đen và da vàng. Nhưng người Latino vẫn xem người da đen là một thế lực lịch sử lấn át người Latino nên họ có thể bỏ phiếu cho người Cộng Hòa da trắng (dù sao dân Latino cũng có đông người da trắng) – như ta đã thấy ở Florida trong mấy mùa qua.

Dĩ nhiên đảng Dân Chủ phải lo sợ - nhất là Tổng thống Joe Biden. Cho nên ông Biden phải chạy đôn chạy đáo vận động cho một số ứng cử viên Dân Chủ, và còn phải huy động thêm hai cựu Tổng thống (Obama, Clinton) và bà Hillary Clinton. Bên phía Cộng Hòa, George W. Bush là cựu tổng thống duy nhất còn lại, nhưng ông giữ im lặng! Các quan sát viên đều đồng ý là sự tham gia của ông Obama đã có ý nghĩa tích cực đặc biệt. Ông vân động cho bà Thống đốc New York Kathy Hochul, cho ứng cử viên Thượng Viện Pennsylvania John Fetterman sau khi ông Fetterman bị stroke, và cho Thượng nghị sĩ Catherine Cortez Masto thuộc tiểu bang Nevada, được xem là “bấp bênh” nhất trong bầu cử năm nay. 

Nói chung thì giới quan sát cho rằng sẽ có một “làn sóng đỏ” (red wave) tràn tới và cuốn đi tất cả những người Dân Chủ. Nhiều người tiên đoán đảng Cộng Hòa có thể thắng thêm ít nhất ba ghế tại Thượng Viện, lập thế đa số tại viện trên đến 53/47. Tại Hạ Viện, theo ước tính của hãng FiveThirtyEight, người ta cũng cho rằng từ 212 ghế hiện nay, Cộng Hòa có thể có thêm ít nhất 18 ghế để đạt một đa số 230-205 - thậm chí có một cơ hội đến 80% có thể đạt được 246 ghế (Dân Chủ trong trường hợp này chỉ có 189 ghế). Người ta cũng cho rằng đảng Cộng Hòa MAGA sẽ nhờ cuộc bầu cử này để phô trương sức mạnh nếu người của Trump thắng lớn. 

Thế nhưng, thế nhưng, thế nhưng…

Những kết quả ghi nhận được ngay trong sáng sớm đầu tiên sau ngày bầu cử đã làm cho một nhà bình luận cảm khái: “Bao giờ chúng ta cũng phải nhớ là không bao giờ cho rằng mình có thể biết chính xác những gì sẽ xảy ra trong một cuộc bầu cử - và phải mở rộng đầu óc để đón nhận những chuyện bất ngờ có thể xảy ra” (This is why it's always important to remember never to assume you know exactly what's going to happen in an election – and to keep an open mind for potential surprises). Bởi vì kết quả bầu cử đúng là bất ngờ. Bất ngờ đến mức ngay ngày hôm sau, thứ tư 9-11, Tổng thống Biden đã lên đài phát biểu: Đúng là một ngày đẹp trời cho dân chủ và cho đất nước. Bởi vì làn sóng đỏ đã không đổ tới. Và ông Biden hứa sẽ tăng cường đối thoại với đảng Cộng Hòa để đạt được sự đồng thuận giữa hai đảng. 

Ngay từ ngày đầu tiên chúng ta đã thấy, và đến ba ngày sau bầu cử chúng ta cũng thấy rõ hơn, không có “làn sóng đỏ” MAGA đổ tới. Tỷ lệ bầu cử ở Thượng Viện nay (11-11) là 49-48 nghiêng về phía Cộng Hòa, nhưng ngay ở Arizona, ứng cử viên Dân Chủ Mark Kelly (phi hành gia, chồng của cựu Dân biểu Arizona Gabrielle Giffords, nạn nhân của một tên khủng bố năm 2012) rõ rệt sẽ thắng Blake Masters (một nhân vật MAGA). Tại Nevada, chưa chắc bà Thượng nghị sĩ Mastez Corto thua ứng cử viên Cộng Hòa Laxalt. Tại Georgia, tranh chấp giữa mục sư Warnock (Dân Chủ) và cựu cầu thủ bóng chày Walker phải chớ đến “run-off” ngày 6-12, nhưng trong hai lần trước, Warnock đều có ưu thế. Bởi thế, người ta nói đảng Dân Chủ có trong tầm tay lợi thế để giữ thế đa số tại Thượng Viện (chỉ cần 50 vì có Phó Tổng thống Kamala Harris là lá phiếu thứ 51). Ngày 12-11, chuyện thực sự bất ngờ đã xảy ra: đã có kết quả bà Mastez Corto thắng ở Nevada, cho nên đảng Dân Chủ đã dẫn trước 50-49, giữ được quyền kiểm soát Thượng Viện! 

Tại bầu cử Hạ Viện, đảng Dân Chủ mất thế đa số, nhưng tính đến trưa chủ nhật 13-11, Cộng Hòa được 211, Dân Chủ 204, tức Cộng Hòa chỉ hơn 7 ghế. Và 20 ghế chưa có kết quả. Để đạt được đa số, Cộng Hòa cần 8 ghế nữa. 

Có một số nơi được xem là tiểu bang “lưng chừng” (swing states) tranh chấp quyết liệt. Chẳng hạn như Arizona. Nhưng ứng cử viên MAGA Lake xem chừng đã thua bà Hobbs, và ứng cử viên MAGA Masters thua Kelly. Nevada cũng là một tiểu bang lưng chừng. Tại Pennsylvania, ông John Fetterman đã giành được ghế Thượng Viện trước ứng cử viên MAGA Oz. Tại New Hampshire, Thưng nghị sĩ Maggie Hassan đã giữ ghế của mình trước ứng cử viên MAGA Tim Bolduc. Nhưng tại Ohio, Tim Ryan đã thua J.D. Vance của Cộng Hòa mặc dù Ryan vẫn được đảng Dân Chủ xem là rất sáng giá...

Trong ghế thống đốc, chiến thắng của Ron deSantis tại Florida là vang dội nhất (hơn đối thủ Dân Chủ đến 19.4%) – theo ông Trump phần lớn nhờ bà DeSantis là người Latino (mặc dù tên bà là Jill Casey Black) và Florida có một số di dân Latino khá lớn. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh là bà DeSantis là một nhà hoạt động xã hội theo hướng chủng tộc rất tích cực. Chiến thắng của hai bà Hochul (New York) và Gretchen Whitmer (Michigan) cũng được đề cao. Và không thể quên đề cập tùy viên báo chí đầu tiên của ông Trump, bà Sarah Huckabee Sanders, cũng thắng dễ dàng tại tiểu bang nhà Arkansas… 

Người ta nói đêm 8-11 là một đêm tệ hại nhất cho Donald Trump. Không chỉ vì phần lớn người MAGA bị thất bại tại những tiểu bang chiến địa khiến cho đảng Cộng Hòa vỡ giấc mộng vàng dấy lên làn sóng đỏ, và ông Trump cũng vỡ mộng dựng lên đảng Trump tại lưỡng viện, mà còn vì chiến thắng của một số người – đặc biệt của Ron DeSantis cùng bang Florida. Trump cay cú vì biết rằng đảng của ông đang nhìn đến DeSantis như một ứng cử viên tổng thống tương lai, và ngày càng có nhiều người Cộng Hòa nói thẳng: Trump hết thời, đừng mơ mộng hão huyền. Trump nói: Tôi nào có xa lạ gì DeSantis. Năm 2017, ông ta đến gặp tôi như con mèo ướt, xin tôi ủng hộ để ra tranh cử. Tôi phải gởi FBI đến giúp DeSantis trong bầu cử năm 2018 để cho ông ta khỏi bị thua. Ông ta là một thống đốc có điểm trung  bình… 

Tại sao đảng Dân Chủ có thành tích “bất ngờ” như thế trong bầu cử ngày 8-11? Bất ngờ vì người ta không tính những cử tri độc lập và cả cử tri Dân Chủ chia sẻ một mối lo về sự bùng nổ của thế lực MAGA. Và ngay cả một số người Cộng Hòa truyền thống và ôn hòa cũng không đủ thiện cảm với MAGA để bầu chọn những ứng cử viên MAGA. Cũng phải nói đến cử tri trẻ tuổi nay cũng cảm thấy không thể ngồi yên mà phải lên tiếng trong bầu cử giữa kỳ này – trước khi quá muộn. và thậm chí chẳng phải cử tri Latino nào cũng chạy theo Cộng Hòa mà không biết phải bỏ “tình riêng” qua một bên vì “nghĩa chung”, vì lợi ích sống còn của đất nước…

Trong mọi chuyện, chúng ta chỉ muốn có một “happy ending”. Có thể nói tự cuộc bầu cử này đã có một happy ending tái dựng cho chúng ta niềm tin vào người Mỹ, dân chủ Mỹ. Và câu chuyện có thể chấm dứt bằng một phát biểu chân tình của một người thua cuộc nói lên “văn minh chính trị” (civility) là điều quan trọng đến thế nào đối với văn hóa chính trị. 

“Chúng ta đã oán ghét quá nhiều. Chúng ta đã phẫn nộ quá nhiều. Chúng ta đã lo sợ quá đáng. Chúng ta đã phân hóa quá đáng. Nhưng chúng ta cần biết thương yêu nhau hơn. Chúng ta cần có tình cảm hơn. Chúng ta cần quan tâm đến nhau nhiều hơn. Đó mới là những điều quan trọng. Chúng ta cần biết tha thứ. Chúng ta cần có tấm lòng. Chúng ta cần biết giải hòa. Chúng ta phải để lại sau lưng một thời ngu xuẩn. Cho nên ngay giờ đây tôi có diễm phúc… nhìn nhận sự thất bại của mình trong cuộc tranh cử này… bởi vì cách cư xử của đất nước này là khi tôi thua tôi phải biết nói tôi thua, chúng ta nhìn nhận thua cuộc và tôn trọng quyết định của người dân. 

Trong khi đó, một người thắng cuộc đã nói “Nay chúng ta cần tập trung vào những gì đoàn kết chúng ta lại, thay vì nhắm vào những gì khác biệt, chia rẽ chúng ta. Nên nhớ chúng ta cùng chung một tình thương với đất nước, với đồng bào”.

Người thua cuộc là ứng cử viên đảng Dân Chủ Tim Ryan ở Ohio. Người thắng cuộc là bà Thượng nghị sĩ Maggie Hassan thuộc đảng Dân Chủ tiểu bang New Hampshire. Hai người có cùng chung một thông điệp:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người chung một nước phải thương nhau cùng…


10/30/22

Trời ơi, Trời - CỘNG HÒA MAGA SẴN SÀNG NỘI CHIẾN

Hoàng Ngọc Nguyên



Người Việt ta vẫn nói: “Cha nào, con nấy”. Người Mỹ cũng bắt chước nói: “Like father, like son”. Người Việt ta cũng nói: “Con hơn cha, nhà có phúc”. Có lẽ người Mỹ không tin ở chuyện phúc đức, và cũng nghĩ rằng hơn thua tùy chuyện, cho nên (có lẽ) chẳng có câu nào tương tự. Tuy nhiên, tánh người Mỹ háo thắng, lại tin ở “Manifest Destiny” - số trời đã định cho người da trắng ở trên đầu trên cổ người ta – cho nên luôn luôn tìm cách chứng tỏ mình hơn người – ít nhất là con cũng hơn cha. Một thời, Tổng thống George Bush con (2001-08) đã vô cớ mà mở cuộc tấn công đánh vào Iraq để cho cha mình, Tổng thống George Bush cha (1989-92), không coi thường con. Ngày nay thì có chuyện cậu Eric, tức Trump con, tán tụng Trump cha. 

10/15/22

THÙ TRONG, GIẶC NGOÀI

Hoàng Ngọc Nguyên


Trong những ngày giữa tháng mười này, chúng ta thật đứng ngồi không yên khi nhìn gần như nước Mỹ rồi lại nghĩ xa đến toàn cầu, 2-3 năm trước mắt rồi 5-10 năm xa hơn. Đúng là thời mạt pháp như người ta vẫn nói!

God Bless You, USA 

Cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ chỉ còn ba tuần nữa là khai diễn. Kết quả của nó có thể là những hậu quả nghiêm trọng của hiện tình chính trị, kinh tế và xã hội ngày nay.

10/5/22

"Dân Túy" nổi lên nơi nơi

Hoàng Ngọc Nguyên
The former White House strategist Steve Bannon with Leader of Fratelli  d'Italia party Giorgia Meloni..., Stock Photo, Picture And Rights Managed  Image. Pic. TIE-MF240918-52 | agefotostock
Giorgia Meloni và Steve Bannon (người của Trump)

Romano Prodi | Trump & Berlusconi have much in common … except for  acknowledging gracefully when they've been voted out
Bố già Berlusconi và Donald Trump

Kết quả của cuộc bầu cử ngày 25-9 vừa qua tại Ý, đưa đảng chính trị Huynh Đệ Ý của bà Giorgia Meloni lên cầm quyền, là những nét chấm phá cuối cùng để hoàn chỉnh bức tranh Thời Mạt Pháp. Bà là phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ thủ tướng nước Ý - đặc biệt là lãnh đạo một chính đảng theo đường lối cực hữu quá khích.

Chuyển biến này chẳng phải là lạ lùng với giới quan sát. Cử tri ở nhiều nước châu Âu đã trở nên “hữu khuynh” - chuyển sang phía tận cùng bên phải. 

Tại Ý, đảng Huynh Đệ vẫn được xem là chính đảng cực hữu nhất kể từ thời phát xít của Mussolini. Chẳng thế mà Silvio Berlusconi, bố già của đảng này, người từng là thủ tướng Ý lâu đời nhất, trong 9 năm không liên tục (từ 1994 đến 2011), trước ngày bầu cử ở Ý đã dám phát biểu không khác gì Donald Trump: “Putin bị đẩy vào cuộc chiến Ukraine. Ông bị áp lực từ người dân Nga, chính khách Nga, các chính đảng và ngay nội các của ông. Ông chỉ định đưa quân vào Ukraine thay thế chính phù Zelinskii bằng những nhân vật có uy tín và rồi rút quân ngay”. Berlusconi, nay đã 85, lại đắc cử vào Thượng Viện trong kỳ bầu cử này.

Đàng Huynh Đệ Ý chỉ mới được thành lập từ năm 2012, và bà Meloni là người đứng đầu. Năm 2014, đảng chỉ được 3.4% số phiếu. Năm 2018: 4.5%. Năm nay, khoảng 20% - tức 1/5. Tuy nhiên, chính trị đa đảng của Ý không bắt buộc đảng thắng cuộc phải giành được 50% số phiếu, mà chỉ cần thiết lập một liên minh với các đảng khác để nâng tỷ lệ bách phân lên hơn một nửa. Sau lưng đảng này dĩ nhiên phải có Berlusconi, vì đảng trước đây của ông bị giải tán do những tai tiếng về trốn sưu lậu thuế. Ông Berlusconi có nhiều điểm giống cựu tổng thống Mỹ. Ví dụ ông đặc biệt có tình thân với Putin.

Vào ngày 1-8-2013, Berlusconi bị Tòa án giám đốc thẩm tối cao kết tội gian lận thuế. Bản án bốn năm tù của ông được xác nhận, và ông bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong hai năm. Ở tuổi 76, ông được miễn hình phạt tù trực tiếp, và thay vào đó ông chấp hành án bằng cách làm công tác phục vụ cộng đồng không được trả lương. Ở Ý, ba năm được tự động ân xá; ông đã bị kết án tù nặng hơn hai năm, và luật chống tham nhũng Severino, cấm ông sáu năm, đã trục xuất ông khỏi Thượng Viện. Berlusconi cam kết sẽ lãnh đạo đảng Forza Italia trong suốt thời gian bị án tù và cấm thi hành công vụ. Sau khi lệnh cấm kết thúc, Berlusconi được phép tranh cử và thắng cử vào Nghị viện Châu Âu năm 2019. Ông trở lại Thượng Viện sau khi giành được một ghế trong cuộc tổng tuyển cử ở Ý năm 2022. Câu chuyện Berlusconi cho thấy chẳng dễ gì hiểu được cử tri thời nay!

Berlusconi là người đầu tiên đảm nhận chức thủ tướng mà không nắm giữ bất kỳ cơ quan hành chính hoặc chính phủ nào trước đó. Ông nổi tiếng với phong cách chính trị dân túy và ăn nói “bộc trực”. Trong nhiệm kỳ dài của mình, ông thường bị cáo buộc là một nhà lãnh đạo độc đoán. Berlusconi vẫn là một nhân vật gây tranh cãi, gây chia rẽ dư luận và các nhà phân tích chính trị. Những người ủng hộ nhấn mạnh kỹ năng lãnh đạo và quyền lực lôi cuốn của ông, chính sách ngân sách của ông dựa trên việc giảm thuế, và khả năng duy trì quan hệ đối ngoại chặt chẽ và bền chặt với cả Hoa Kỳ và Nga. Nói chung, các nhà phê bình nhằm đến hiệu suất cũng như đạo đức chính trị và kinh doanh của ông, bao gồm cáo buộc quản lý ngân sách nhà nước sai và làm tăng nợ của chính phủ Ý. Người ta cũng chỉ trích ông đã theo đuổi mạnh mẽ các lợi ích cá nhân của mình khi còn đương chức, bao gồm cả việc hưởng lợi từ sự phát triển của công ty do các chính sách ông thúc đẩy, có xung đột lợi ích lớn do quyền sở hữu một đế chế truyền thông, mà ông đã hạn chế quyền tự do. thông tin, và bị tống tiền với tư cách là lãnh đạo trong Rubygate và vì cuộc sống riêng tư đầy sóng gió. 

Khi Giorgia Meloni nổi lên trên sân khấu chính trị vào năm 2006, phó chủ tịch trẻ nhất của đảng Liên minh Dân tộc (Nationalist Alliance), bà đã lựa chọn con đường chính trị cực hữu. Đảng này, trước đây là Phong trào Xã hội Ý (Italian Social Movement), đã chẳng ngượng ngùng xác nhận công khai là “tân phát xít” do những người đi theo Mussolini lập nên. Khi còn nhỏ, Meloni đã có tư tưởng sùng bái nhà độc tài phát xít này. Ngọn lửa ba màu của Mussolini đã nổi lên trên phù hiệu của đảng Huynh Đệ Ý mà bà đồng sáng lập năm 2012. Trong thời gian bốn năm qua, bà đã “bốc” nhanh chóng nhờ thường xuyên xuất hiện trên mạng truyền thông xã hội, và giữ vững lập trường cực hữu của đảng, đối với những vấn đề chủ chốt là chủ nghĩa dân tộc Cơ Đốc giáo (Christian nationalism), quyền của giới LGBT, quyền phá thai và chính sách di dân.

Tại sao người ta lại nói bà Meloni đang thiết lập một chế độ “Tân Quốc Xã” đầu tiên - kể từ thời Mussolini trở thành quá khứ, đi vào lịch sử. Chủ trương chính trị của bà được xem là “dân túy” (populism) - tức dựa trên tâm tình của đại đa số người dân - chủ yếu nhằm vào mục tiêu ngăn chặn sự du nhập, tràn ngập của di dân vào nước Ý. Giống như Trump đề nghị làm một bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico, bà Meloni đã nhiều lần nói đến một “cuộc phong tỏa hải quân” ​​để ngăn dòng người vào châu Âu từ Địa Trung Hải. Một chủ điểm khác của bà Meloni là không chấp nhận sự phổ biến của phong trào “đa giới tính” LGBTQ và quyền phá thai. Bà nêu lên mối ám ảnh phổ quát nơi nhiều người Thiên Chúa giáo trong một nước có Tòa Thánh La Mã là ý tưởng rằng các giá trị và cách sống truyền thống đang bị tấn công vì sức ép toàn cầu hóa do các làn sóng di dân người Hồi giáo cùng sự phố biến của hôn nhân đồng tính”. 

Khi xét về bà Meloni hay chủ trương “tân phát xít” của bà, chúng ta cần nhìn lại người dân đứng sau lưng bà. Ít nhất có đến ¼ quần chúng “dân túy” ủng hộ bà thúc đẩy chủ trương “dân túy” của họ. Thất vọng với nếp dân chủ tự do mà nhiều người cho rằng gây sự hỗn loạn và mất định hướng, người ta nay thích nền dân chủ kiểu dân túy hoặc độc tài hơn. Giống như một thành phần người da trắng hiện nay ở Mỹ, người dân Ý thường nhấn mạnh đến Cơ đốc giáo và tầm quan trọng của chủ nghĩa dân tộc Cơ đốc và vai trò của gia đình. Họ công khai vận động chống lại LGBTQ.

Thực ra, một phần người dân Ý đã có thái độ chống di dân từ lâu, nhất là trong giới lao động nghèo và ít học.. Nước Ý có xấp xỉ 60 triệu dân, thu nhập trên đầu người vào khoảng 40.000 đô-la,  đứng hạng 31 trên thế giới, và Thiên Chúa giáo là tôn giáo chính. Họ chống di dân vừa để bảo vệ những cơ hội kinh tế ngày càng khó khăn, vừa là vì lý do tôn giáo (phần lớn di dân là người Hồi giáo), và văn hóa (ra đường che mặt…). Bắt đầu từ thập niên cuối của thế kỷ 20, nhưng cao điểm chính là “Mùa xuân Á-rập” vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21, người Hồi giáo lũ lượt tìm cách đổ bộ vào các nước châu Âu, hoặc qua đường biển Địa Trung Hải đến với nước Ý, hoặc qua đường bộ đến với các nước Tây Âu giáp với Đông Âu như Hungary, Ba Lan, Romania, Thụy Điển… để từ đó tìm đường đến với các nước Tây Âu “quen thuộc hơn” như Anh, Pháp, Đức, . Bởi vậy Anh nay đã ra khỏi Liên Âu…

Cho nên, Ý cũng không phải là nước đầu tiên chống di dân Hồi giáo. Ở Thụy Điển, một đảng được mô tả là có “nguồn gốc tân Quốc xã” đã đánh vào tâm lý chống người nhập cư và giành được hơn 20% phiếu bầu trong cuộc bầu cử đầu tháng này, đủ để mang lại cho đảng này một số ảnh hưởng đối với chính phủ mới được thành lập. 

Quốc hội Liên Âu gần đây đã tuyên bố Hungary không còn là một “nền dân chủ đầy đủ”. Hungary được dẫn dắt bởi Viktor Orban, con cưng của những người bảo thủ Mỹ. Ông đã được mời phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ở Texas vào mùa hè này. Orban đã ăn nói như Trump “(Hungary là Nhà nước Cô đơn của châu Âu) và ông chỉ trích những người theo chủ nghĩa tự do, các phương tiện truyền thông tin tức và Đảng Dân chủ. Trump đã mời Orban đến chơi tại câu lạc bộ golf Bedminster, New Jersey. 

Tổng thống của Ba Lan là Andrzej Duda, người đã suýt tái đắc cử vào năm 2020 với trọng tâm là chủ nghĩa chống LGBTQ. Duda là một tín đồ khác của Trump’s. 

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy các chính trị gia cực hữu đã đạt được lợi thế ở châu Âu trong những năm gần đây. Ứng cử viên cực hữu ở Pháp, Marine Le Pen, đã thua trong cuộc đua với Tổng thống Emmanuel Macron vào đầu năm nay, nhưng bà ta đã giành được hơn 41% số phiếu, hơn nhiều so với năm 2017,  cho thấy thông điệp chống di cư đang gia tăng ở Pháp.

Năm 2017 cũng là năm đảng Con đường Mới của Đức, AfD, chủ trương chống nhập cư, lần đầu tiên giành được ghế trong Quốc hội Bundestag. AfD kể từ đó bị giám sát chính thức vì người ta nghi ngờ đảng này cố gắng phá hoại hiến pháp dân chủ của Đức. AfD đã mất một số ghế trong Quốc hội Đức vào năm ngoái, nhưng vẫn duy trì được chỗ đứng.

Theo một nhà chính trị “tân Phát-xít” của Đức, “Chúng tôi đang có các điều kiện hoàn hảo cho một sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu”. Chữ “chủ nghĩa dân túy” nghe dễ hiểu hơn “tân Phát-xít” bởi vì tân Phát-xít đã là chuyện quá khứ. Và “tân Phát-xít’ là một chế độ căn bản là độc tài trong một thể chế quân phiệt không có hiện nay ở châu Âu. Dù sao đi nữa, cho dù đâu đâu ở châu Âu người ta cũng lo sợ chủ nghĩa cực hữu mới, nhưng nói cho cùng thì mức tối đa những đảng dân túy này kiểm soát cũng chỉ là 30% số phiếu cử tri. Có nghĩa là họ cũng cần liên kết với những đảng khác nếu có cơ hội cầm quyền. 

Hơn nữa, những đảng trung dung, ôn hòa hay “tự do” (liberal) tại những nước châu Âu, dưới sự hỗ trợ của lãnh đạo khối Liên Âu, vẫn còn dư sức tạo ảnh hưởng để cho chủ nghĩa dân túy kiểu “tân Phát-xít” không thể khuynh loát được chính trị. 

Xem chừng “tân Phát-xít” hay “cực hữu quá khích” đáng là mối lo lớn hơn cho sự an bình của nước Mỹ.