Showing posts with label Phiếm luận-Mạn đàm. Show all posts
Showing posts with label Phiếm luận-Mạn đàm. Show all posts

4/30/23

Hoa nhị phu nhân - 花蕊夫人

 Cám ơn anh K. chia sẻ bài thơ về chuyện mất nước của Hoa Nhị Phu Nhân (花蕊夫人).

Quân vương thành thượng thụ hàng kỳ     君王城上豎降旗, 

Thiếp tại thâm cung na đắc tri                 妾在深宮那得知.

Thập tứ vạn nhân tề giải giáp                 十四萬人齊解甲,

Ninh vô nhất cá thị nam nhi                     寧無一個是男兒.


Dịch ý bài thơ

Vua chúa giơ cờ trắng trên nóc thành 

Thiếp ở chốn cung sâu đâu được hay.

Mười bốn vạn quân đều đầu hàng

Nào ai xứng đáng với đấng nam nhi。


Bài thơ nói lên tâm trạng đau xót khi đất nước lâm nạn và niềm nhớ nước thương nhà, ưu sầu khôn nguôi của Hoa nhị phu nhân, thương cho phận hồng nhan bạc nhược, đơn độc; thân gái yếu ớt dù yêu nước thiết tha cũng đành chịu cuốn trôi theo cơn lốc ai oán của vận mệnh đất nước.


Hoa nhị phu nhân cũng lấy làm kinh ngạc và hổ thẹn cho mười bốn vạn quân sĩ mang danh bảo vệ tổ quốc đã đồng loạt giải giáp, cởi chiến bào, hạ binh đao đầu hàng. Trong lúc đất nước lâm nạn, chẳng có ai xứng với bậc tu mi nam tử để ra tay buồm lái với cuồng phong.

Quốc thù gia hận nợ tang bồng, tránh sao được binh đao chiến loạn cõi trần thế? Những câu từ ai oán đoạn tràng của bài thơ "vong quốc" đã khiến người đọc cảm thán và khâm phục tài sắc vẹn toàn của Hoa nhị phu nhân.


Nhằm góp phần cho sự phong phú trong diễn đàn để cùng học hỏi, tôi xin chia sẻ một bậc văn học tài tử khác của thời Bắc Tống, Tô Đông Pha.


                                                           Tô Đông Pha

Tô Đông Pha, một bậc văn học kỳ tài, thiết nghĩ mọi người đều không xa lạ với ông, văn hào kiệt xuất đã góp phần làm rạng rỡ nền văn học lừng lẫy thời Bắc Tống.

Ở bất kỳ bộ môn nào, văn từ thi phú, sáng tác của ông đều tỏ ra vượt trội, phong phú cả về thể loại lẫn số lượng. Với hơn 1700 bài thơ, 300 bài từ, và rất nhiều bài tản văn nổi tiếng như Phóng Hạc đình ký, Tiền Xích Bích phú, Hậu Xích Bích phú, v.v...


Các bạn thích loạt bài nào của Tô Đông Pha? Trong số rất nhiều tác phẩm tâm đắc của ông, riêng ở đây tôi chỉ xin đề cập đến bài "Định Phong Ba" (定風波), Đó là cảnh giới hiểm có của thế hệ văn chương trong lịch sử văn hóa Trung Quốc.  Ngưỡng mộ thái độ nhân sinh khoát đạt, cởi mở tự nhiên khi đối diện với nghịch cảnh và trắc trở thể hiện trong từng câu chữ của bài thơ.


Trong cuộc sống đời thường, khi đối mặt với phong ba, vinh nhục, được mất của cuộc đời, tôi tự thấy hổ thẹn với lòng mình, cảm thấy mình không thể bình thản ứng xử với mọi hoàn cảnh giống như Tô Đông Pha. Đó cũng là nhân duyên khiến tôi tìm hiểu thêm cách đối nhân xử thế của bậc kỳ tài này, để những câu từ hàm chứa ý nghĩa thâm thúy luôn nhắn nhủ và soi sáng tôi mỗi khi sa vào nghịch cảnh trong cuộc đời.


Bài thơ “Định Phong Ba” viết vào mùa xuân năm 1082. có một vài lời mở đầu như sau:

Tam nguyệt thất nhật, Sa Hồ đạo trung ngộ vũ. Vũ cụ tiên khứ, đồng hành giai lang bái, dư độc bất giác, dĩ nhi toại tình, cố tác thử (三月七日,沙湖道中遇雨.雨具先去,同行皆狼狽,餘獨不覺,已而遂晴,故作此.) Dịch nghĩa: Ngày mồng 7 tháng 3, trên đường đến Sa Hồ thì gặp trời mưa. Người có dụng cụ đi mưa đã rời khỏi. Những người cùng đi đều cảm thấy bối rối, chỉ có tôi không cảm thấy như thế. Qua một lúc thì mưa tạnh, nên làm bài từ này.


                        Định Phong Ba" (定風波)

Mạc thính xuyên lâm đả diệp thanh         (莫聽穿林打葉聲),

Hà phương ngâm khiếu thả từ hành         (何妨吟嘯且徐行).

Trúc trượng mang hài khinh thắng mã     (竹杖芒鞋輕勝馬), 

Thùy phạ         (誰怕)? 

Nhất thoa yên vũ nhậm bình sinh             (一蓑煙雨任平生).

Liệu tiễu xuân phong xuy tửu tỉnh            ( 料峭春風吹酒醒),

Vi lãnh         (微冷),

Sơn đầu tà chiếu khước tương nghinh     (山頭斜照卻相迎).

Hồi thủ hướng lai tiêu sắt xứ                 (回首向來蕭瑟處),

Quy khứ     (歸去),

Dã vô phong vũ dã vô tình                 也無風雨也無晴).


 Dịch ý bài thơ

Đừng nghe rừng đang lay động luân chuyển và những chiếc lá lìa cành rơi lả tả.

Cứ thong thả mà đi và vù hát ngâm nga.

Tay chống gậy trúc, đôi chân với thảo hài thoải mái hơn là đi ngựa,

Ai sợ?

Một áo tơi sờn cũ ôm ấp suốt đời.

Se lạnh gió xuân hiu hắt làm cho người tỉnh táo như chợt tỉnh sau cơn men rượu.

Hơi lạnh

Đầu non bóng xế tà đang đón chào niềm nở

Hồi đầu chợt thấy sự quạnh vắng của chặng đường đã qua

Trở về,

Đâu thấy gió mưa cảnh chiều tà.


Tôi có cảm giác khác nhau trong mỗi giai đoạn đọc “Định Phong Ba”. Khi trước tôi chỉ nghĩ rằng Tô Đông Pha khoáng đạt tự tại, bây giờ lại cảm thấy có nhiều ý nghĩa sâu xa hơn ẩn tàng trong những câu chữ của bài thơ.


Tô Đông Pha viết bài thơ này 2 năm sau khi bị lưu đày đến Hoàng Châu, một miền đất lúc ấy hãy còn sơ khai hoang dã. Sự giáng chức này mang ý nghĩa thế nào đối với Tô Đông Pha. Từ một tài tử bậc nhất trong lĩnh vực văn học đương thời, danh vọng lừng lẫy đến bị giam trong tù tra cứu cả trăm ngày, rồi bị bọn tiểu nhân gièm pha cho lưu đày đến chỗ tận cùng gốc khuất xa xôi hẻo lánh. Tô Đông Pha như người lạc vào một hành tinh khác, lạc lõng bơ vơ, không bổng lộc, không chức tước; mất cả ánh hào quang danh vọng, không bạn bè, mất cả lý tưởng phục vụ tổ quốc. Nhiều người cho rằng Tô Đông Pha cởi mở khoáng đạt, dù bị cách chức lưu đày vẫn an vui tự tại như thường. Bình tâm mà nói ai có thể thản nhiên trước một biến cố kinh động ngặt nghèo như vậy?


Nếu chúng ta đọc tiểu sử của Tô Đông Pha sẽ thấy, sau khi đến Hoàng Châu, ông bắt đầu cuộc sống mới, một cuộc sống cam go từ dưới đáy sâu cuộc đời. Tại chùa An Quốc ở Hoàng Châu, ông gác qua thế sự thị phi, tịnh tâm quán chiếu. Lúc ấy, chỉ có Phật và Đạo soi sáng và dẫn dắt Tô Đông Pha trở về con đường chánh đạo để khỏi đắm chìm trong cơn phong ba của bể khổ tuyệt vọng.


Rồi ông cũng trút bỏ xa hoa, khoác lên mình chiếc áo nhà nông, tự đào giếng tìm nguồn nước sinh hoạt, cày sâu cuốc bẫm, trồng trọt để có miếng ăn. Sau khi trải qua những ngày tháng thê lương, sống nhờ vào sức lao động của đôi bàn tay, dần dần đánh thức, khơi dậy cái cảm giác hạnh phúc và niềm vui đơn giản trong cuộc sống. Tô Đông Pha từ từ ý thức được việc quan trọng nhất trên đời chỉ gói trọn trong “ăn” và “ngủ.”


Vì vậy, mùa xuân năm 1082, hai năm sau khi bị cách chức lưu đày, Tô Đông pha lần nữa lấy lại niềm tin cuộc sống, thoát thai hoán cốt từ sự điêu đứng của hoạn đồ thăng trầm, và đã viết lên bài thơ “Định phong ba” này. Từ những lời thơ, chúng ta có thể thấy được cảnh giới của ông đã có một bước chuyển ngoặt, vượt qua gian nan, tiến về cảnh giới thênh thang và khoáng đạt hơn.


Đứng ở góc nhìn xa hơn, chúng ta hãy cùng khám phá một danh tác văn học bất hủ của đại văn hào Tô Đông Pha.

Các nhà văn thường dùng mưa gió để ẩn dụ gian nan trong cuộc sống. Tô Đông Pha cũng mượn câu chuyện gặp mưa tại Sa Hồ để ngầm chỉ cảnh ngộ bi đát trên hoạn đồ chìm nổi của mình. Nhưng Tô Đông Pha có thái độ gì khi đối mặt với biến cố cuộc đời?


Trong đoạn đầu của bài thơ,Tô Đông Pha dùng các từ: Đừng nghe, ai sợ, không có sao, mưa gió có gì đáng ngại. … nghe thoáng qua thì có vẻ khoáng đạt, nhưng thực ra là tự mình an ủi.


Bởi vì nếu thản nhiên trước mưa gió, thì tại sao lại đừng nghe đừng sợ. Như vậy, ngay lúc đầu Tô Đông Pha có thái độ kháng cự chứ không phải chấp nhận gian khổ. Đó là cảnh giới thứ nhất khi ông gặp nghịch cảnh. Người đời thường nói: "sau cơn mưa trời lại sáng, khó khăn nào rồi cũng qua, phải sống lạc quan và an nhiên trước mọi biến cố." Nhưng bao nhiêu người thực sự làm được như vậy. Chúng ta vẫn biết đau khổ và hạnh phúc, đều là tặng phẩm của đất trời. Tuy nhiên, gian nan làm mình khó chịu và đau khổ là sự thực. Tô Đông Pha không phải là siêu nhân, ông cũng có bản năng kháng cự với gian nan và những phản ứng lo sợ, quằn quại, đau khổ như mọi người khi gặp nghịch cảnh. Tuy nhiên ông không bị nhấn chìm bởi nghịch cảnh, nhờ sự quán chiếu và chuyển hóa, Tô Đông Pha mạnh dạn kinh qua mưa gió cuộc đời, đồng thời là ngọn đuốc soi sáng cho người đời sau.


Tiếp theo là đoạn giữa của bài thơ, "nhất thoa yên vũ nhậm bình sinh, liệu tiễu xuân phong xuy tửu tỉnh"(一蓑煙雨任平生, 料峭春風吹酒醒), áo tơi tuy đơn sơ, miễn sao che mưa che gió là được. Sau khi mưa thuận gió hòa, những tia nắng chiều vàng vọt dịu dàng trên đầu non mang đến cho Tô Đông Pha sự bình yên thanh tịnh, khiến ông cảm giác như chợt tỉnh sau cơn say. Áo tơi trong bài thơ cũng ẩn ý cuộc sống thanh đạm, ông cất nhà tranh bên vách núi phía đông (đông pha), từ đó lấy hiệu là Đông Pha cư sĩ, cày ruộng trồng trỉa, sống y như một lão nông, thanh bần nhưng an ổn. Đó là cảnh giới thứ hai khi Tô Đông Pha gặp nghịch cảnh. Tâm bình thường là đạo. Người sống với tâm bình thường là người biết đủ, tâm an trú trong sự bình an, trong sáng. 


Thưởng thức một danh tác là tìm hiểu giá trị chân thiện mỹ của bài viết đối với người đời. Nhà văn và nghệ thuật gia phú cho tác phẩm sinh mạng lần thứ nhất, đọc giả diễn giải phú cho tác phẩm sinh mạng lần thứ hai, vì vậy diễn giải cũng là một bộ phận của nghệ thuật. Tiếp theo đây, chúng ta thử phân giải đoạn cuối, cũng là giá trị cốt tủy của bài thơ. 


Ở đời chuyện nghịch ý mười điều chiếm hết tám chín. Thiết nghĩ mọi người đều đã từng trải nghiệm ít nhiều những khốn khổ, bất như ý trong cuộc sống. Nhưng chúng ta vẫn phải sống cho dù sinh hoạt có muôn vàn khó khăn, thực vậy, con người có bao giờ lép vế với nghịch cảnh đâu.


Nghịch cảnh nào rồi cũng sẽ tận, gian nan nào rồi cũng sẽ qua. “Hồi thủ hướng lai tiêu sắt xứ” (回首向來蕭瑟處), quay đầu nhìn lại đoạn đường quá khứ, Tô Đông Pha cảm khái mà nói: "Dã vô phong vũ dã vô tình" (也無風雨也無晴). Sau nhiều lần suy ngẫm, tôi diễn giải là: suốt hai năm dày công tu tập, gạn đục lóng trong, Tô Đông Pha ngộ ra chân lý, tìm lại sự thanh tịnh và ý thức được điều then chốt để vượt qua bất cứ nghịch cảnh nào chính là ở tâm thái. "Trần cư bất nhiễm bụi trần thế," ngoài trời mây hay nắng, tâm thức lúc nào cũng như như bất động trước những biến thái ngoài đời.


Chúng ta có thể hiểu "VÔ" ở đây là không hề gì, không sao cả ,cũng có thể hiểu theo ý nghĩa của nhà Phật, "VÔ" không phải là không có, mà là hư vọng.

"Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng (凡所有相,皆是虚妄).” Bất cứ vật gì hễ có hình tướng đều là không thật. Đó là cảnh giới thứ ba khi Tô Đông Pha gặp nghịch cảnh. Mưa gió hay trời trong, đau khổ hay hạnh phúc, vinh hay nhục, được hay mất ... Mọi sự chung quy đều tan biến như khi tỉnh giấc sau cơn mê mộng. Nếu biết tất cả chỉ là mộng ảo, thì chúng ta còn chấp hay không? chắc chắn là không.


Tô Đông Pha dùng bài thơ để diễn đạt quá trình vượt qua gian nan của mình. Từ thái độ chống cự tiêu cực "đừng nghe đừng sợ" đến chấp nhận nghịch cảnh, sau cùng đạt đến cảnh giới thông suốt, khoáng đạt và siêu thoát. Tại sao bài thơ "Định Phong Ba" là danh tác bất hủ, ngàn năm không ai sánh kịp, là vì sự khoáng đạt của Tô Đông pha là sự kết tinh của tận cùng đau khổ, nảy mầm từ tận đáy sình lầy, như hoa sen vươn lên từ chốn bùn, rồi lan tỏa mùi hương thanh khiết.


Quá trình phần đấu với gian nan của Tô Đông Pha tựa như cuộc thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng trong Tây Du Ký. Đó cũng là con đường bắt buộc phải qua của bất cứ người nào muốn vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống đầy phong ba bão tố. Từ xưa đến nay, chúng ta đều đã và đang trên đường gập ghềnh, chịu đựng những khổ đau như Tô Đông Pha trên hành trình truy tầm chân lý. Mỗi thời đại của quá khứ, hiện tại và tương lai đều có Tô Đông Pha. Bởi thế,Tô Đông Pha là bạn đồng hành, cũng là người giơ cao ngọn đuốc soi sáng hành trình của chúng ta.


Trường

04-30-2023


4/23/23

Tạp ghi và Phiếm luận : HỎA là LỬA

        
Theo Phật giáo, cơ thể con người là do Tứ Đại : Phong Thủy Hỏa Thổ, tức là Đất Nước Gió Lửa kết hợp lại mà thành, nên bản thân con người đã có một phần tư là lửa ở trong đó rồi, ngọn lửa đó cứ âm ỉ mãi trong ngũ tạng lục phủ tạo nên sự ham muốn mãnh liệt mà ta gọi là Lửa Dục Vọng. Trong văn chương Phật giáo thì gọi nhẹ nhàng hơn : Lửa Lòng. Như cụ Nguyễn Du đã diễn tả tâm trạng của Thúy Kiều khi tu ở Quan Âm Các :

Cho hay giọt nước cành dương
LỬA LÒNG tưới tắt mọi đường trần duyên …

và như lời của Thúy Kiều đã phân bua với Vương Viên Ngoại khi ông muốn nàng từ giả sư Giác Duyên để theo mọi người về nhà đoàn tụ :

Sự đời đã tắt LỬA LÒNG,
Còn chen vào chốn bụi hồng mà chi ?!

" Tắt Lửa Lòng " còn là một tiểu thuyết tình cảm lãng mạn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Công Hoan, được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1933. Tác phẩm này nhanh chóng trở nên phổ biến, và được rất nhiều người chuyển thể thành các vở kịch nói, phổ nhạc... trong số đó phải kể đến Soạn giả Trần Hữu Trang đã biên kịch lại và chuyển thể thành vở cải lương năm 1936 với tên của 2 nhân vật đi vào huyền thoại kịch nghệ Việt Nam là "Lan và Điệp". Chuyện tình "Lan và Điệp" của Việt Nam ta có thể sánh ngang với chuyện tình " Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài " của Trung Hoa xưa, và còn có phần vượt trội hơn về mặt bình dân, được phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp quần chúng nhân dân. Nhớ khi xưa, yêu một cô bạn cùng trường, tôi cũng lấy chuyện tình Lan và Điệp để làm ví dụ :

Anh với em như Điệp với Lan,
Thanh mai trúc mã đẹp muôn vàn.
Vỏ vẻ thơ Đường anh đọc thấy,
Chuyện mình sao giống khúc Trường Can...

Chả trách mối tình đầu học sinh tan vỡ theo khói mây như bao mối tình đầu khác


Trong Cung Oán Ngâm Khúc Nguyễn Gia Thiều cũng đã gọi ngọn lửa âm ỉ đốt trong lòng người cung nữ là Tâm Hỏa với các câu :

Ngọn TÂM HỎA đốt dàu nét liễu,
Giọt hồng băng thấm ráo làn son.
Lại buồn đến cảnh con con,
Trà chuyên nước nhất, hương đùn khói đôi !

Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du cũng mượn chữ Tâm Hỏa nói thành "Lửa Tâm" để tả ngọn lửa ghen tuông trong lòng của Hoạn Thư là:

LỬA TÂM càng dập càng nồng,
Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa.
Ví bằng thú thật cùng ta,
Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên !

Hỏa là Lửa,  là chữ Tượng Hình của một trong 214 bộ của "Chữ Nho... Dễ Học", theo diễn tiến của chữ viết như sau :
 
               

                  
Ta thấy :
Giáp Cốt Văn là hình tượng của một ngọn lửa được vẽ cách điệu để tượng trưng cho lửa, qua Đại Triện, Tiểu Triện dần dần diễn tiến thành chữ viết, cho đến Chữ Lệ thì đã định hình giống như chữ viết hiện nay HỎA 火 là LỬA. Có tất cả 407 chữ được ghép bởi bộ Hỏa nầy để chỉ những gì có liên quan tới Lửa như đèn đóm đuốc nến, nóng nực sáng sủa, nấu nướng chiên xào ... đều thuộc bộ Hỏa cả, Cho thấy là Lửa quan trọng biết bao trong đời sống của chúng ta.

Lửa cháy đỏ rực, hừng hực với ngọn lửa đỏ bốc cao là Dương Hỏa, còn lửa cháy âm ỉ với ngọn lửa xanh dịu dàng chập choạng là Âm Hỏa. Nhưng dù âm dù dương thì lửa vẫn cho ánh sáng và sức nóng có thể thiêu đốt hoặc làm thay đổi hình dạng của những vật chất khác, kể cả Vàng cũng bị chảy thành chất lỏng, mặc dù ông bà ta nói "Vàng thật không sợ lửa", cũng là để chỉ màu sắc của vàng không hề bị suy suyển mà thôi.

Theo Tử Vi đẩu số thì có 6 hình thức lửa, đó là : Thiên Thượng Hỏa 天上火 là Lửa trên trời là Lửa của Mặt Trời, Tích Lịch Hỏa 霹靂火 là Lửa Sấm sét là Lửa của điện chớp, Sơn Đầu Hỏa 山頭火 là Lửa đầu núi là Núi lửa, Sơn Hạ Hỏa 山下火 là Lửa dưới núi là Lửa cháy rừng, Lô Trung Hỏa 爐中火 là Lửa trong lò là Lửa nấu ăn và Phúc Đăng Hỏa 覆燈火 là Lửa của cây đèn dầu là Lửa dùng để thắp sáng. Nên được chia làm hai nhóm :
* Thiên Thượng Hỏa 天上火, Tích Lịch Hỏa 霹靂火, Sơn Đầu Hỏa 山頭火 thì không kỵ thủy, không sợ nước, có nước lại càng nổ lớn cháy lớn hơn.
* Sơn Hạ Hỏa 山下火, Lô Trung Hỏa 爐中火, Phúc Đăng Hỏa 覆燈火 thì gặp nước, gặp mưa đổ xuống là tắt queo ngay !

Theo thần thọai xưa thì Lửa có 2 nguồn gốc như sau :

* Toại Nhân 燧人, hay Toại Nhân thị 燧人氏, là người sáng tạo ra lửa trong Thần thoại Trung Hoa cổ đại, có thuyết xưng ông là một trong Tam Hoàng Ngũ Đế. Theo Cao Đài từ điển, Toại là khoan gỗ lấy lửa, còn Nhân là người.
Theo Sách Hàn Phi tử - Ngũ Đố chép rằng: " Thời thượng cổ, dân ăn quả, củ, thịt sống nên bị đau bụng, bệnh tật rất nhiều. Có thánh nhân bổ củi để lấy lửa nấu chín thức ăn, dân ca ngợi tôn làm vua trong thiên hạ, hiệu là Toại Nhân Thị ". Nhờ có Toại Nhân, loài người có lửa, không còn đứng ngang hàng với cầm thú như trước nữa.

* Chúc Dung 祝融, vốn tên là Trọng Lê 重黎, sáng tạo ra cách nấu qua vật cách nhiệt như : nồi đất, ấm đất, niêu đất; khiến món ăn có mùi vị và thơm ngon hơn, ông lại nghiên cứu ra các chất để khi cần là có lửa ngay mà khỏi phải dùi cây hay mài đá nữa. Ví dụ như ông ép dầu lạc (dầu phọng) tích trữ làm chất cháy, hoặc chế ra ngọn đuốc để có thể giữ lửa và di chuyển được trong bóng tối. Ông giữ chức Hỏa Chính cai quản về việc chế tạo và sản xuất lửa trong thiên hạ với danh hiệu là Chúc Dung 祝融, được dân gian truyền tụng như là một ông Thần Lửa sau Toại Nhân.

Từ sau khi La Quán Trung viết quyển Tam Quốc Chí có nhân vật Chúc Dung Phu Nhân là vợ của Man Vương Mạnh Hoạch, thì lại có thuyết cho thần lửa Chúc Dung là phái nữ, và có lẽ vì thế mà ta có từ "Bà Hỏa" để chỉ người chuyên chăm lo về lửa củi hỏa hoạn chăng ?! Sau PHONG DI là "Dì Gió", ta còn có CHÚC DUNG là "Bà Hỏa" nữa, cho thấy từ ngàn xưa Phái Nữ đã không phải là phái yếu đuối tầm thường !

Theo Dịch Lý Bát Quái về âm dương ngũ hành thì NAM PHƯƠNG BÍNH ĐINH HỎA. Bính là Dương hỏa, Đinh là Âm hỏa và đều thuộc Phương Nam, ăn với mùa hè là mùa nóng nực nhất trong năm, mùa của "Lựu phun lửa hạ..." thích hợp với các loài hoa màu đỏ rực như Hoa Phượng, Hoa Đỗ quyên, hoa Thạch lựu... và như cụ Nguyễn Du đã chuyển mùa trong Truyện Kiều khi ông cho cô Kiều đi tắm :

Dưới trăng quyên đã gọi hè,
Đầu tường LỬA LỰU LẶP LÒE đâm bông.
Buồng the phải buổi thong dong,
Thang lan rủ bức trướng hồng tắm hoa.

Hỏa là lửa, lửa chẳng những mang lại sự ấm áp, mang lại ánh sáng cho con người, mà còn đưa con người ra khỏi cảnh sống hoang sơ ăn lông ở lổ lúc ban đầu nữa. Lửa còn mang lại những niềm vui, hạnh phúc cho con người khi trời đông gía rét mà được quây quần bên bếp lửa hồng ấm cúng của gia đình như lời ca trong bài "Về Dưới Mái Nhà" của Y Vân và Xuân Tiên :

“...Người ơi, mau về đây,
về bên bếp hồng tay cầm tay...
Cười lên chan chứa tươi làn môi ...
nhớ phút vui đêm nay !
và...
...Nhà ai trong chiều nay
Lửa đêm đốt hồng vai kề vai
Và nghe câu hát yêu đời ai
Hát mãi sao không nguôi...”

... và cái " bếp hồng " ấm áp hạnh phúc kia theo mãi trong tâm thức của những con người tha phương cầu thực như chúng ta mãi mãi cho đến trọn đời :

Ơi,... nỗi lòng chan chứa,
Hỡi người ơi ... biết sao cho vừa... tình thương... của bếp hồng soi !
và bâng khuâng ray rức thiết tha hơn với ...

...Chiều nay mưa còn rơi
Chiều nay bếp hồng đang còn say
Chiều nay vui sống trong tình yêu.
Nhớ phút vui không nguôi.

Nào ai xa ngàn nơi.
Kìa bao mái nhà đang chờ ai
Kìa bao bếp hồng đang còn tươi
Thương nhớ lên đầy vơi...”

Ôi, qủa là những lời ca ray rức, não nuột làm xúc động lòng người xa xứ !... Bài hát " Về Dưới Mái Nhà " đã ăn sâu vào tâm thức của tôi khi tôi vừa mới lớn, khoảng cuối thập niên năm mươi của Thế Kỷ trước, lúc Tổng Thống Ngô Đình Diệm mới về nước chấp chánh, nên... đến bây giờ định cư trên đất Mỹ nầy, lời của bài hát càng âm ỉ râm rang hơn làm ray rức mãi lòng người viễn xứ như tôi, nhất là vào những ngày cận Tết với trời đông giá lạnh.....

Trong thi ca cổ cũng vẽ nên một bức tranh ấm áp của những người bạn xa quê tìm đến với nhau trong những đêm xuân cận Tết với các nét chấm phá thật nên thơ như trong bài Hàn Dạ 寒夜 (đêm lạnh) của Đỗ Tiểu Sơn 杜小山 đời Tống :

寒夜客來茶當酒, Hàn dạ khách lai trà đương tửu,
竹爐湯沸火初紅。 Trúc lô thang phất hỏa sơ hồng.
尋常一樣窗前月, Tầm thường nhất dạng song tiền nguyệt,
才有梅花便不同。 Tài hữu mai hoa tiện bất đồng.
Có nghĩa :
Đêm đông bạn đến rượu thay trà,
Quanh bếp than hồng nước mới pha.
Bên cửa thường ngày trăng vẫn chiếu,
Thêm cành mai nữa, nhớ quê xa !...


Hỏa là Lửa, ngoài nghĩa Bếp Lửa ra, Hoả còn có nghĩa là Đèn Đóm, đèn đuốc thắp lên ban đêm để vui chơi trong cung như nàng cung nữ thất sủng nhìn về nơi có ánh đèn lửa tiệc tùng mà tủi thân tủi phận :

火照西宮知夜飲, Hỏa chiếu Tây cung tri dạ ẩm
分明復道奉恩時。 Phân minh phúc đạo phụng ân thì.
( Tây Cung Thu Oán )
Có nghĩa :
Lửa chiếu Tây cung đang dạ tiệc,
Rõ ràng nơi đó hưởng ơn vua !

...và buồn như nàng cung nữ trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu :

Hóa công sao khéo trêu ngươi,
Bóng đèn tà nguyệt tẻ mùi ký sinh.

... cũng là đèn lửa nhưng buồn vui có khác, và không chỉ có buồn vui, có những ánh đèn còn rất nên thơ, như đèn của lửa chài trong Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế :


江楓漁火對愁眠 Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

mà cụ Tản Đà đã diễn Nôm rất nên thơ là :

Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ...

... hay như hai ba đóm lửa lặp lòe của một bến đò xa xa trong đêm tối trong bài Đề Kim Lăng Độ của Trương Hỗ 張祜 đời Đường :

金陵津渡小山樓, Kim Lăng tân độ tiểu sơn lâu,
一宿行人自可愁。 Nhất túc hành nhân tự khả sầu.
潮落夜江斜月裡, Triều lạc dạ giang tà nguyệt lý
兩三星火是瓜州。 Lưỡng tam tinh hỏa thị Qua Châu
Có nghĩa :
Kim Lăng bến nước cạnh đồi cao,
Lữ khách qua đêm tự cảm sầu.
Triều xuống trăng mờ chênh chếch chiếu,
Lặp lòe đóm lửa ấy Qua Châu !

Trong cảnh đêm khi nước thủy triều đang xuống dưới ánh trăng nghiêng nghiêng mờ chiếu, thấp thoáng hai ba đóm lửa đèn nhà ai như những vì sao lạc kia, chính là bến đò Qua Châu đối diện đó vậy ! Qủa là một bức tranh chấm phá với cảnh đèn đóm trong đêm vô cùng nên thơ và thi vị !


     Lửa dịu dàng là thế, ấm áp là thế, nên thơ là thế... nhưng khi nổi "tam bành" thì "Bà Hỏa" hoạn đến không buông tha cho ai cả, không buông tha cho vật chất nào cả, mà thiêu rụi sạch sành sanh. Bão tố giật xập nhà cửa, nước lụt cuốn trôi nhà cửa, nhấn chìm ghe xuồng... nhưng cũng còn vớt vát lại được chút đồ đạc còn trôi nổi trên sông, chớ sau một cơn hỏa hoạn thì tất cả còn lại chỉ là đống tro tàn của dĩ vãng mà thôi !

           Lửa còn đi liền với chiến tranh với các từ Binh Lửa, Khói Lửa, Tên lửa, Đạn lửa hay Lửa Đạn là vùng lửa cháy đạn bay, là nơi tuyến đầu, nơi mà người ta bắn giết lẫn nhau, là các vùng Hỏa Tuyến 火線, nơi mà ban đêm luôn có " Những đóm mắt Hỏa Châu 火珠 " soi sáng chiến trường .  Tội nghiệp cho tuổi trẻ Miền Nam, tội nghiệp cho các anh lính trẻ Việt Nam Cộng Hòa như tôi  "xếp bút nghiên theo việc binh đao" để đêm đêm phải tâm sự cùng "Những ánh mắt Hỏa Châu" như trong bài hát của Nhạc sĩ Hàn Châu :
                     Có những đêm dài ... anh ngồi ....nhìn hỏa châu rơi ...
                     Nghe vùng tâm tư ... cháy đỏ ...xoay ngang lưng trời ...
                     Những đóm mắt hỏa châu, bừng lên trong màn tối ,
                     Như mắt em sáng ngời, theo anh đi ngàn lối ...
                     Những đêm không ngủ... anh ngồi tâm sự ...cùng hỏa ...châu rơi.....

                

         Qủa là tội nghiệp cho tuổi trẻ của Miền Nam khoảng thập niên 60-70 thế kỷ trước , tuổi trẻ của Việt Nam nói chung đã bị cuốn vào vòng chiến tranh ý thức hệ một cách oan uổng...

         Ngày xưa, gọi chiến tranh là Phong Hỏa 烽火, là những lửa khói bốc lên do chiến loạn, mà cũng là những lửa khói được đốt lên để báo hiệu chiến tranh đang diễn tiến đến nơi nào, là những Phong Hỏa Đài 烽火台 dùng để cảnh báo cho dân chúng hậu phương biết trước mà tránh xa và nhất là để cho quan binh hu phương biết đường mà ứng phó. Nên Phong Hỏa là chiến tranh như Đỗ Phủ đã viết về chiến loạn do An Lộc Sơn gây ra :

                  Phong Hỏa liên tam nguyệt    烽火連三月

là Chiến tranh kéo dài suốt ba tháng liền... đã gây ra rt nhiều chết chóc khổ đau tang thương khắp chốn, huống chi cuộc chiến Nam Bắc Việt Nam kéo dài những ba mươi năm, nhân dân cả nước phải hứng chịu biết bao nhiêu là đau thương đồ thán do bom đạn gây ra !  

           Hỏa là Lửa, là Đèn đuốc là Đăng Hỏa 燈火. Hỏa là Tinh Hỏa 星火 là những vì sao lắp lánh trên trời, là Hỏa Tinh 火星 một trong 4 hành tinh của Thái Dương Hệ, có tên la-tinh là Mars. Theo khoa học giả tưởng trên Hỏa tinh có Người Hỏa Tinh và có sự sống như trên Trái đất. Hoả Tiển 火箭 là Tên Lửa, vừa là vũ khí sát thương, vừa là phương tiện chuyên chở trong và ngoài không gian.. Hỏa Thạch 火石 là Đá lửa, đá dùng để đánh lửa. Hỏa Sơn 火山 là núi lửa, là Hỏa Diệm Sơn 火焰山. Hỏa Khanh 火坑 là Cái Hầm Lửa, từ dùng để chỉ các cô gái điếm sống cuộc sống đày đọa đồi trụy ngột ngạt như bị nhốt trong hầm lửa vậy, nên cụ Nguyễn Du đã gọi là "Lửa Nồng" khi cho cô Kiều phân tách để Thúc Sinh hiểu được là sống cảnh lẻ mọn bị vợ lớn ghen tuông hành hạ (giấm chua) còn tội nghiệp hơn là sống đời kỹ nữ nữa :

                          Cúi đầu luồn xuống mái nhà
                     Giấm Chua lại tội bằng ba LỬA NỒNG !
 
          Hỏa còn dùng để chỉ vũ khí của quân đội như từ Hỏa Thương 火槍 là Súng Ống, Hỏa Dược 火藥 là Thuốc súng, Hỏa Lực 火力 là sức mạnh của vũ khí quân đội, Hỏa Tốc 火速 là Nhanh Chóng, Hỏa Công 火攻 là Tấn công bằng lửa, dùng lửa để Hỏa Thiêu 火燒 đốt cháy quân địch, như trận Hỏa Thiêu Xích Bích 火燒赤壁 của Khổng Minh Gia Cát Lượng đã đốt tiêu 81 vạn quân của Tào Tháo trên dòng sông Xích Bích vậy. Cuối cùng để nuôi sống quân đội hàng ngày còn có anh Hỏa Đầu Quân 火頭軍 mà sau nầy trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa gọi là Lính Nhà Bàn, còn Bộ đội Bắc Việt thì gọi là Anh Nuôi. 
           Ngoài trận hỏa công để đời nổi tiếng trong lịch sử thời Tam Quốc ra , còn một trận hỏa công rất đặc sắc nữa ở thời Xuân Thu Chiến Quốc, đó chính là Hỏa Ngưu Trận 火牛陣. Theo Sử Ký Điền Đan Liệt Truyện...

          Đời Yên Chiêu Vương, tướng Yên là Nhạc Nghị đem binh đánh Tề. Tướng Tề là Điền Đan cố giữ thành Tức Mặc. Năm 279 trước Công Nguyên, Yên Huệ Vương nối ngôi, Điền Đan dung kế ly gián để Yên vương dùng tướng Kỵ Kiếp thay cho Nhạc Nghị, đoạn lại dùng kế trá hàng để Kỵ Kiếp không phòng bị, rồi đang đêm gom hết cả ngàn trâu bò trong thành, buộc gươm đao nhọn vào sừng trâu, đuôi trâu buộc cỏ rơm có tẩm dầu, rồi đốt lửa lên, trâu bị nóng cắm đầu cắm cổ phóng về phiá quân Yên, lại cho 5000 lính cảm tử xung phong giết tới. Quân Yên đại bại, Kỵ Kiếp chết trận, Điền Đan thừa thế xua quân đánh chiếm lại hơn 70 thành đã bị mất.

         Vì tích Hỏa Ngưu Trận ở trên mà trong văn học Việt Nam có một bài thơ vịnh Con Trâu Già rất hay như sau :

                         Một nắm xương khô, một nắm da
                         Bao nhiêu cái ách đã từng qua
                         Đuôi cùn biếng vẫy Điền Đan hỏa
                         Tai nặng buồn nghe Nịnh Thích ca
                         Sớm thả đồng đào ăn đủng đỉnh
                         Tối về chuồng quế thở nghi nga
                         Có người toan giết tô chuông mới
                         Ơn đức vua Tề, lại được tha.

        Bài thơ trên có người cho là của cụ Huỳnh Mẫn Đạt, có người cho là của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Nhưng dù của ai thì đây vẫn là một bài thơ hay.

Hỏa là Lửa, nhưng Hỏa Kê 火雞 không phải là Con Gà Lửa mà là con Gà Tây, bình dân gọi là con Gà Lôi, ở Mỹ gọi là Turkey. Lễ Gà Lôi là Lễ Tạ Ơn của Mỹ (ngày Thứ Năm của tuần thứ 3 trong tháng 11), hằng năm dân Mỹ phải "hỏa thiêu" đến mấy triệu con Hỏa Kê nầy để ăn mừng. Hỏa Trùng còn gọi là Huỳnh Hỏa Trùng 螢火蟲, không phải là con sâu lửa mà là con Đom Đóm với ánh đèn lân tinh chớp sáng phía sau đuôi trên các ngọn cây bần ở quê tôi. Cũng như Hỏa Hầu 火候 không phải là con Khỉ Lửa, mà là chỉ cái tiêu chuẩn mức độ đạt đến cở nào. Như hấp bánh còn thiếu hỏa hầu nên bánh chưa thật chín thật ngon, Công phu luyện chưa tới hỏa hầu nên chặt cục gạch còn chưa bể hai... Hỏa Hầu cũng không phải là Tề Thiên Đại Thánh 齊天大聖, vì Tôn Ngộ Không 孫悟空 là con Thạch Hầu 石猴, con khỉ từ trong đá nứt ra, chứ không phải là con khỉ lửa; chỉ sau khi bị Thái Thượng Lão Quân đốt trong lò Bát quái bảy bảy bốn mươi chín ngày ra, thì Tôn Ngộ Không mới có được Hỏa nhãn Kim tinh 火眼金睛, có nghĩa : Con mắt rực như lửa và tròng mắt sáng như vàng có thể nhìn thấu mọi sự vật do yêu quái biến hình. Nhưng Hỏa Xa là Xe Lửa, Hỏa Long 火龍 thì lại là con rồng lửa chính hiệu có màu đỏ rực như lửa. Gần đây, người Hoa lại dùng từ Hỏa Oa 火鍋 là Cái Nồi Lửa để chỉ Cái Lẩu (cái Cù Lao) mà ta thường ăn khi có tiệc. 
   
      Theo phép tạo chữ Nho ngày xưa, một chữ Hỏa 火 là Lửa; 2 chữ Hỏa chồng lên nhau là Viêm 炎 là Nóng, ta có từ kép Viêm Nhiệt 炎熱 là Nóng nực; 3 chữ Hỏa ghép lại thành chữ Diễm 焱 là Lửa cháy rực rỡ, đọc là Diệm thì đồng âm với từ Hỏa Diệm Sơn 火焰山 là Núi Lửa, HỎA DIỆM SƠN còn là từ dùng để chỉ các bà các cô có thân hình với 3 vòng th"nóng", thật gợi cảm, thật bốc lửa ! 


           Những thành ngữ có chữ Hỏa 火 mà Hoa Việt đều thông dụng là :

 * Hỏa thượng gia dầu 火上加油 : Ta nói là "Lửa cháy thêm dầu" hay là "Đổ thêm dầu vào lửa", ý nói đã không chửa cháy mà còn làm cho nó cháy lớn thêm hơn ! 

 * Hỏa hải đao sơn 火海刀山 : Ta nói là "Núi đao biển lửa" để chỉ những nơi vô cùng nguy hiểm, những chỗ mất mạng như chơi !

 * Can sài liệt hỏa 乾柴烈火 : là Củi khô lửa mạnh, ta nói là "Lửa gần rơm" lâu ngày cũng bén.

 * Sấn hỏa đả kiếp 趁火打劫 : Thừa lúc lửa cháy để cướp đồ của người khác, ta nói là " Thừa nước đục thả câu".

 * Phong hỏa liên niên 烽火連年 : Chiến tranh năm nầy liền năm khác, ta nói là " Chiến tranh dai dẳng" như cuộc nội chiến của Việt Nam ta ngày xưa làm cho quân dân đều chán ngán.

         Trong Tăng Quảng Hiền Văn cũng có những câu ngạn ngữ rất thực tế như :

                   Viễn thủy nan cứu cận hỏa,     遠水難救近火,
                   Viễn thân bất như cận lân.      遠親不如近鄰。
Có nghĩa :
                 Nước xa không thể cứu được lửa gần ,
                 Bà con xa không bằng láng giềng gần.


 
Hay như câu :
                    Thành môn thất hỏa,      城門失火,
                    Ương cập trì ngư.           殃及池魚。
Có nghĩa :
               Cửa thành bị lửa cháy, bị hỏa hoạn, thì làm cho lũ cá ở trong ao cũng bị tai ương, bị vạ lây, vì... người ta sẽ vét hết nước ở trong ao để chửa lửa, nên cá sẽ không còn nước để sống nữa ! Giới bình dân gọi là : "bị văng miểng", bị họa lan can !

         Hỏa là Lửa cũng như Mộc là Cây là 2 nhân tố không thể thiếu trong đời sống con người. Hỏa là Đăng Hỏa 燈火 là Đèn đóm để thắp sáng; là Hỏa Lô 火爐 là cái Lò lửa để nấu ăn. Trong thời đại văn minh hiện nay ta còn có Điện Lô 電爐 là Lò điện, Mai Lô 煤爐 là Lò Gas... Lửa còn dùng để sưởi ấm, nấu nướng chiên xào, chế biến thức ăn, xúc tác phản ứng hóa học trong phòng thí nghiệm, để luyện kim... kể cả những hoạt động vui chơi như Bắn pháo bông, Đốt lửa trại.... đều không thể xa rời được lửa. Thử nghĩ nếu một ngày không có lửa thì cuộc sống sẽ ra sao và thế giới nầy sẽ ra sao ?!

        Những đêm nguyện cầu, những đêm thắp nến, đều nhờ vào ngọn lửa của ánh nến để thắt chặt thêm tình đoàn kết, để ung đúc thêm ý chí đấu tranh, để càng hạ quyết tâm phấn đấu hơn để đạt mục đích cuối cùng. Ta hãy nghe lại lời của bài hát Nhạc Rừng Khuya mà nhạc sĩ Lam Phương đã sáng tác khi ông còn chưa đầy 20 tuổi :

             ... Bập bùng bấp bung ....đêm khuya thêm não nùng...
                 Lửa càng bừng cháy, siết tay nhau... chúng ta cùng múa 
                 quanh lửa hồng... cháy trong rừng khuya
và...
             ... Lửa cháy, hăng lửa giục lòng dân ...đoàn kết
                 Lửa reo, vang lửa gào lòng ta ...nguồn sống
                 Lửa Tự Do ...muôn năm vẫn reo ...rừng ơi !

Nhạc sĩ Lam Phương khi sáng tác bản Nhạc Rừng Khuya

         Trở lại với đề tài lúc ban đầu, theo quan niệm của Phật Giáo, cơ thể con người là do TỨ ĐẠI : Đất Nước Gió Lửa khi đã đủ cơ duyên thì kết hợp lại mà thành, nên khi chết đi thì thân Tứ Đại sẽ trả về cho Tứ Đại. Nhớ năm 1963 khi Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu xong thì còn lại ... trái tim vẫn không chịu cháy trong  lò thiêu lên đến 4000 độ C tại Đài hỏa táng An dưỡng địa ở Phú Lâm (Sài Gòn). Thì ra, vẫn có những cái mà lửa không thể thiêu rụi được, đó là Trái Tim của đấu tranh, tức là Ý Chí Đấu Tranh thì không có ngọn lửa nào thiêu rụi được cả ! Xin được mượn 2 câu thơ sau đây trong bài thơ ca ngợi Hòa thượng Thích Quảng Đức để kết thúc cho bài phiếm luận nầy :

                          Thân Tứ Đại trả về Tứ Đại,
                          Tim của ngài tồn tại thế gian !

       Lửa là Hỏa và Hỏa là Lửa. Lửa thiêu rụi tất cả, nhưng không thể thiêu rụi được Tinh thần đoàn kết và ý chí đấu tranh !

 Đỗ Chiêu Đức - 杜紹德