Showing posts with label Mạn đàm-Phiếm luận. Show all posts
Showing posts with label Mạn đàm-Phiếm luận. Show all posts

12/16/23

Cảm Nhận Từ Một Bài Thơ

Ảnh trên Internet

Bài Thơ này trích từ cuốn sách được nhiều người cho là sách giác ngộ. Lúc trẻ đọc sách này, cảm giác là đi vào thế giới mầu nhiệm, thần tiên quỷ quái, đấu phép biến hóa, sau này đọc lại sách này khi đã kinh qua nhiều trải nghiệm đắng cay của cuộc đời, mới thấy trong sách hàm chứa nhiều triết lý thâm sâu, sự trưởng thành chuyển hóa của con người qua cuộc sống đầy cam go thử thách. Sách này chính là kỳ thư "Tây Du Ký". Thật vậy, trưởng thành là chuỗi dài của sự đau khổ, một kiếp người tuy ngắn ngủi nhưng thiết nghĩ mọi người đều có những trải nghiệm và quan điểm của mình về ý nghĩa trưởng thành của cuộc đời.

Trong chương đầu của Tây Du Ký, tác giả Ngô Thừa Ân dựng nên một nhân vật thần kỳ là Tôn Ngộ Không. Truyện kể về Tôn Ngộ Không có bài thơ, xin trích dẫn ra đây ...:

Hầu vương thuở xưa xưng bá tại Hoa Quả Sơn, một hôm nhìn trời nhìn mây bỗng nhiên nghiệm ra lẽ vô thưởng của kiếp nhân sinh, lập tức hạ quyết tâm từ bỏ ngôi vua ở động Thủy Liêm, lặn lội đơn thân tầm sư học đạo, mong tìm được thuật “trường sanh bất lão”. Hầu vương đóng một chiếc bè, giã từ đoàn khỉ rồi lên đường tìm thầy, tìm người giỏi để học đạo. Một hôm, Hầu vương chèo đến một vùng biển thật xa, thấy nhiều người đang bận rộn với việc làm, người thì chài lưới, người thì phơi cát làm muối, người thì bắt hến cào ngao ... Hầu vương lấy làm lạ nên lên bờ tìm hiểu thêm nếp sống của trần thế. Đây là lần đầu tiên chú khỉ trực diện tiếp xúc và nhìn thấy nếp sống bộn bề, vất vả của người đời. Bài thơ mà chúng ta muốn đề cập dưới đây là cảm giác của chú khỉ lúc bấy giờ. Bài thơ này không có tựa.

爭名奪利苦追求,早起遲眠度春秋,
騎著驢騾思駿馬,官居宰相思王侯,
只愁衣食營家計,不怕閻君來取勾,
繼子蔭孫圖富貴,更無一個肯回頭.

Âm Hán Việt:
Tranh danh đoạt lợi khổ truy cầu, tảo khởi trì miên độ xuân thu, 
kỵ trước lư loa tư tuấn mã, quan cư tể tướng tư vương hầu, 
chỉ sầu y thực doanh gia kế, bất phạ diêm quân lai thủ câu, 
kế tử âm tôn đồ phú quý, canh vô nhất cá khẩn hồi đầu.

Dịch thoát

Người đời tất bật mưu sinh vì sinh kế mà phải quay cuồng hối hả theo cuộc sống, hơn thế nữa, vì lòng tham vô đáy đã khiến con người dần mất phương hướng, thậm chí đánh mất cả bản chất vì mãi chạy theo những điều phù phiếm xa hoa bên ngoài. Thật vậy, nhiều người sa vào vòng xoáy của "gạo và tiền"; sợ nghèo không sợ chết, vẫn là tâm lý chung của người đời, rồi cứ thế mà tiếp diễn từ đời này sang đời khác. Có bao nhiêu người quán triệt câu "hồi đầu thị ngạn", biết dừng lại và quay đầu giác ngộ.



Dĩ nhiên, Hầu vương dè bỉu lối sống chỉ biết chạy theo danh lợi tiền tài của người đời. Nhưng liệu Hầu vương thấy được toàn bộ giá trị thực sự của người đời không? Chắc chắn là không. Bởi vì khi xưa Hầu vương làm vua tại Hoa Quả Sơn, nơi đây bốn mùa là xuân, sai quả trĩu cành, vươn tay lên là có quả ngon, cho nên cuộc sống của Hầu vương rất thanh thản thư thái, không biết gì cảnh cơ cực đói khổ. Tuy nhiên, trần thế lại khác hẳn, đâu phải ai ai cũng được cơm no áo ấm, nhiều người ăn bữa sáng phải lo đến bữa tối. Ngay cả những người chức trọng quyền cao, thậm chí vương hầu bá tước, một ngày nào đó cũng có thể sa vào cảnh cơ hàn, chỉ một biến cố trong phút chốc là làm đảo lộn tất cả. Nói cho cùng con người phải nhọc nhằn vất vả hầu duy trì một cuộc sống no ấm tối thiểu. Tuy nhiên với bản chất vô thường của cõi ta bà, nhu cầu tối thiểu của cuộc sống cũng thường bị đe dọa, thậm chí bị tàn phá hủy diệt do thiên tai nhân họa.

Hầu hương lần đầu tiên từ cõi “tiên cảnh nhân gian” đến nơi phàm trần thế tục, tất nhiên không hiểu rõ sự tình, không biết đời là bể khổ, hay nói đúng hơn, Hầu vương không biết hồng trần vốn được thiết lập dựa trên cơ chế ham muốn, con người vốn được cấu trúc với tham sân si, muốn thỏa mãn nhu cầu vô tận, nên phải chịu khổ.

Cho nên Hầu vương cảm thấy xúc động khi thấy người đời mãi chìm đắm trong khao khát dục vọng. Kỳ thực, trên đời quả nhiên có lắm kẻ tham lam và ích kỷ, nhưng đa phần không hẳn hoàn toàn chỉ vì tham, mà vì họ cảm thấy có nhiều nguy cơ đe dọa trong sinh hoạt hàng ngày.

Sau khi cảm khái cuộc sống vất vả của người đời, Hầu vương tiếp tục hành trình tầm sư học đạo. Truyện kể trên đường gió bụi, Hầu vương được một lão tiều phu chỉ đến “động Tà nguyệt Tam tinh” do Tổ sư Tu Bồ Đề làm động chủ. Ở đây sau bảy năm cặm cụi miệt mài với những công việc nặng nhọc: gánh nước, giã gạo, chẻ củi … mới được Tổ truyền pháp. Hầu vương là con khỉ hóa thân từ tảng đá tiên, có khiếu trời sinh, không bao lâu, đã tinh thông 72 phép thần thông biến hóa, cưỡi mây đạp gió, cân đẩu vân, phi thiên độn thổ. Sau khi Hầu vương tinh thông đạo pháp, bái tạ ơn sư, xuống núi, nhập thế hành đạo, tâm hồn phơi phới tựa như cậu học trò trẻ vừa mới ra trường bước vào ngưỡng cửa xã hội, tuổi trẻ bồng bột, xem thế giới là giang sơn của mình. Hầu vương từng đến “Long Cung Đông Hải” cướp lấy “Như Ý Kim Cô Bổng”; xuống âm phủ phá quấy và xóa tên mình trong “sổ sinh tử”; thậm chí lên trời “đại náo thiên cung”, đòi ngang hàng bằng Trời (Tề Thiên). Thiết nghĩ chúng ta cũng từng trải qua thời kỳ ngạo mạn của tuổi niên thiếu, phải chăng đó cũng là tâm lý chung của tuổi trẻ, không biết trời cao đất rộng, không biết quy tắc khuôn phép đối nhân xử thế, chung quy xã hội sẽ dạy ta bài học cuộc đời.

Sau khi Hầu vương gây nhiều tai họa động trời, cuối cùng bàn tay của Phật Tổ đã túm bắt con khỉ ngông cuồng này, mang ra ngoài cửa Tây Thiên, đè chặt nhốt dưới ngũ hành sơn, rồi dán trên đỉnh núi lá bùa trên có lục tự chân ngôn: “úm-ma-ni-bát-mê-hồng”(唵嘛呢叭咪吽) để Hầu vương tham thiền quán chiếu. Sau 500 năm dày công tu luyện, gạn đục lóng trong dưới ngũ hành sơn, Hầu vương dần ý thức được quy luật của trời đất và đạo lý làm người. Về sau khi được Đường Tăng giải cứu, Hầu vương hồi đầu thị ngạn, quyết tâm vứt bỏ tánh xấc xược tự đại, đeo lên đầu chiếc vòng kim cô rồi hộ giá sư phụ đi Tây phương thỉnh kinh.

Tôn Ngộ Không cùng sư phụ, hai sư đệ phải lặn lội thiên sơn vạn thủy, vượt qua ngàn dặm đường trần, hàn phục vô số yêu ma quỷ quái, mới đến Thánh địa Tây Phương và được Phật Tổ Như Lai tán thán công đức viên mãn tại “Đại Hùng Bảo Điện”, chùa Lôi Âm, Thiên Trúc.

Câu chuyện của Tôn Ngộ Không cho chúng ta thấy, con người, chỉ sau khi trải qua những gian nan thử thách trên đường đời, và những chướng ngại vô minh trong nội tâm, mới có thể thoát vòng tục lụy, giữ tâm thanh tịnh, tiếp tục vững bước trên con đường truy cầu chân thiện mỹ.

Nếu Tôn Ngộ Không sau khi đã chứng đắc, một lần nữa trở lại cõi ta bà nhân gian, nhìn thấy người đời vất vả mưu sinh, lao đao lận đận suốt đời vì nợ cơm áo, Tôn Ngộ Không chắc chắn sẽ không còn ánh mắt với nhiều nghi vấn như trước nữa, mà sẽ vô cùng từ bi thương xót cho số phận truân chiên ngặt nghèo của chúng sanh.

Thực ra, con đường thỉnh kinh của Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký cũng giống như con đường trưởng thành của chúng ta trên cõi đời. Lúc còn nhỏ thì ngơ ngơ ngáo ngáo; khi lớn lên thì ngạo ngạo nghịch nghịch; đến tuổi trung niên khi va chạm với cuộc sống, trải qua bao cam go thử thách, mới hiểu được cuộc đời vốn dĩ chẳng dễ dàng, trưởng thành là một vết thương không bao giờ đóng miệng vì chúng ta phải luôn tiếp tục mang cả nước mắt, mồ hôi, sự đau khổ hòa cùng những vấp ngã trong sự trưởng thành của cuộc sống …

Bài thơ của Tôn Ngộ Không thực ra chỉ là một cảm nhận nhỏ trong giai đoạn trưởng thành và một thoáng nhìn dưới lăng kính khác của Hầu vương. Cái khéo léo và tinh tế của tác giả Ngô Thừa Ân là cho chúng ta thấy sự trưởng thành và chuyển hóa của Tôn Ngộ Không trong Tây Du, cũng như khi chúng ta đã từng trải về đời, một khi những đòn roi của đời bào mòn hết những gai góc trong lòng, mới biết thông cảm với lối sống bôn ba vì cơm áo và sự chịu đựng kiên trì trước những khó khăn mưu sinh của người đời.

Tôi nghĩ rằng Ngô Thừa Ân viết bài thơ trên với ẩn ý: việc gì cũng phải có chừng mực, sống trong danh lợi, theo đuổi nhưng không đắm đuối trong danh lợi; sống với dục vọng, kiềm chế nhưng không sa đà với dục vọng.

Văn dĩ tải đạo, Tây Du Ký mượn truyện thần kỳ để chuyển tải đạo lý; Tây Du là truyện ngụ ngôn trong cái hư hàm chứa cái thực. Cuộc thỉnh kinh của Tây Du mang ba chủ đề: phấn đấu, chuyển hóa và giác ngộ. Hành trình thỉnh kinh 108,000 dặm từ Đại Đường Đông Thổ đến Thiên Trúc Tây Phương có thiên ma vạn quỷ ngăn đường cản lối bước chân tìm chân lý của thầy trò Đường Tăng. Cuộc chiến đấu trừ ma diệt quái của Tôn hành giả tương tự con người phải chế ngự những mê muội của tham sân si, khắc phục những dằn vặt của thất tình lục dục, chuyển hóa nội tâm để giác ngộ và giải thoát. Cuối cùng thầy trò Đường Tăng đến Thánh địa Thiên Trúc, diện kiến Phật Tổ và được trao vô tự chân kinh (無字真經),là Kinh giấy trắng không chữ, là những câu Kinh gốc vô hình tướng bàn bạc và truyền tụng khắp nơi trong cuộc sống. "Kinh" trong Hán ngữ là kinh qua (經過), là ý chỉ những việc đã trải qua, những khó khăn trên đường đời, những chướng ngại trong nội tâm chính là chân kinh, vượt xa văn tự chữ nghĩa nơi thế gian con người. Một người, chỉ sau khi trải qua những gian truân thử thách của thế gian, mới có thể giữ được chân tâm, dù chưa đến Tay Thiên nhưng đã thành Phật trong lòng.

Hồi tưởng năm 1978, với ý nguyện được giải thoát sự ràng buộc của chế độ mới, tôi quyết định vượt biên tìm tự do, chiếc tàu cũ lênh đênh bao tháng ngày trên mặt biển, trải qua những giây phút cuồng phong bão tố, cửu tử nhất sinh, vượt quá nửa vòng trái đất từ Việt Nam miền Đông Á đến nước Mỹ Tây phương, tái lập cuộc sống mới tại xứ lạ quê người, suốt cuộc hành trình đầy phong ba thử thách, chúng ta phải phấn đấu, chuyển hóa rồi trưởng thành, cũng như cuộc thỉnh kinh của Tây Du Ký, mục đích không phải là then chốt, quan trọng là quá trình. Chúng ta phải có nghị lực và can đảm vượt qua từng bước một trên con đường nhân sinh gay go trắc trở. Nói như thế, giá trị của vượt biên, mong được cuộc sống của tự do, thực chất là chi? nghĩ rằng cũng không cần mà cũng không nhất thiết phải có câu trả lời.


Đọc Tây Du hóa ra không phải đọc Tây Du, mà là đọc lại chính ta; Ngô Thừa Ân hóa ra không phải Ngô Thừa Ân, mà là mật ngữ siêu thoát của Thánh Hiền. Ngô là họ Ngô, là chính ta (ngô bối 吾輩); Thừa là thừa hưởng, thọ nhận; Ân là ân sâu đức cả. Ai xưa kia đã thọ hưởng được cái học của Thánh Hiền mà giác ngộ, không nỡ đem giấu làm của báu riêng tư, nên lấy cuộc văn chương, mượn trò chữ nghĩa bày truyện Tây Du? Thọ ân ai mà Ngô Thừa Ân muốn đáp tạ ân ai?


"Kiếp tằm mang trả nợ dâu
Đem lời trầm tưởng diễn câu diệu huyền
Ngỡ rằng ma quái thần thiên
Nào hay rốt lại nhãn tiền chính ta
Sực tỉnh dừng bước giang hà
Mực đen giấy trắng gọi là nhân duyên”

Trường
12-15-2023


Xem Video :

12/6/23

Giai Thoại Văn Chương : HAI NHÂN CÁCH MỘT THI NHÂN


                                            Cày đồng đang buổi ban trưa,
                                           Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.

Theo "Vân Khê Hữu Nghị 云溪友議 và Cựu Đường Thư 舊唐書 ghi chép lại : Khoảng năm Trinh Nguyên đời vua Đường Đức Tông (799), chàng thư sinh LÝ THÂN 李紳 lai kinh ứng thí đã làm hai bài thơ MẪN NÔNG 憫農 (Thương xót cho nhà nông) dâng lên cho Tập Hiền Điện Hiệu Thư Lang LỮ ÔN 呂温 để cầu tiến thân, rất được Lữ xem trọng. Hai bài thơ đó như sau :
                 其一               Kỳ Nhất
             春種一粒粟,     Xuân chủng nhất lạp túc,
             秋收萬顆子。     Thu thâu vạn khỏa tử.
             四海無閒田,     Tứ hải vô nhàn điền,
             農夫猶餓死。     Nông phu do ngạ tử !
   Có nghĩa :
                  Mùa xuân một hạt gieo trồng,
                  Đến thu thu hoạch muôn lần nhiều hơn.
                  Khắp nơi chẳng có ruộng hoang,
                  Nông dân đói chết vẫn còn khắp nơi !


                其二                    Kỳ Nhị
             鋤禾日當午,     Sừ hòa nhật đang ngọ,
             汗滴禾下土。     Hạn trích hòa hạ thổ.
             誰知盤中餐,     Thùy tri bàn trung xan,
             粒粒皆辛苦。     Lạp lạp giai tân khổ !
    Có nghĩa :
                  Cuốc cày giữa ngọ ban trưa,
                  Mồ hôi đổ xuống như mưa lúa trồng.
                  Ai người biết  cơm trong mâm,
                  Từng hạt từng hạt muôn phần đắng cay !

      Có học giả cho rằng bài ca dao sau đây của ta là bản phỏng dịch tuyệt vời của bài thơ MẪN NÔNG Kỳ Nhị nêu trên :

                  Cày đồng đang buổi ban trưa,
             Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
                    Ai ơi, bưng bát cơm đầy,
             Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!

Qua hai bài thơ MẪN NÔNG nêu trên, ta thấy LÝ THÂN quả là một chàng trai có bầu nhiệt huyết, có hoài bão lo cho dân cho nước. Thấy được sự bất công của xã hội và cảm thông với đời sống khốn khó của nông dân, những người làm ra hạt lúa để nuôi sống nhân dân lại là những người bị chết đói nhiều nhất; Cho nên, phải biết trân trọng từng hạt thóc hạt gạo do nông dân cực khổ lắm, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới làm ra được, như hai câu ca dao đã nhắn nhủ :
                Ai ơi, bưng bát cơm đầy,
             Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!!!

*****
Vào đời với bầu nhiệt huyết là thế, có ai ngờ rằng đến năm Nguyên Hòa Nguyên niên (806) khi Lý Thân đã thi đỗ Tiến sĩ ra làm quan, thì lại đâm ra ăn chơi trác táng, chạy theo đời sống xa hoa hưởng thụ, làm uy làm quyền, vô tình vô nghĩa. Trong Vân Khê Hữu Nghị 云溪友議 có chép lại rằng :
       
      Lý Thân khi chưa phát tích thường đến chơi nhà của một người trong họ tộc là Lý Nguyên Tướng. Vì Tướng lớn tuổi hơn, nên Thân thường gọi Tướng là "Thúc Thúc". Đến khi Thân phát tích thi đậu làm quan thì Tướng vì muốn lấy lòng Thân nên tự hạ mình xuống gọi Thân là "Huynh trưởng", tự xưng là "Tiểu đệ", nhưng Thân vẫn không vui dạ, bắt Tướng phải gọi mình bằng "Gia gia" và tự xưng là "Tôn tử"(cháu) thì mới vừa lòng. Lại một lần...
      Có người bạn họ Thôi cùng khoa Tiến sĩ với Lý Thân, nhưng chỉ là một Tuần Quan nhỏ ở Tuyên Châu Dịch Quán. Nghe Lý được thăng đến chức Tư Không, bèn khăn gói đến thăm. Khi vừa đến khách sạn, chẳng may người nhà và một thị dân tranh chấp ẩu đả nhau gây náo loạn. Lý Thân bèn xử cực hình cả hai và hạ lệnh bắt Thôi Tuần Quan trói lại mắng rằng :"Trước kia chúng ta đã từng quen biết, sao nhà ngươi đến đây mà chẳng đến bái kiến ta, còn để cho người nhà gây náo loạn là cớ làm sao ?!" Bèn hạ lệnh đánh hai mươi trượng và đày đi xứ khác, mặc cho người bạn hết lời xin lỗi giải thích cũng chẳng thèm nghe.
     Mọi người đều kháo nhau chê trách Lý Thân rằng : Người đáng bậc cha chú trong họ tộc thì kêu bằng cháu; bè bạn cũ đến thăm thì bị đánh đòn và đi đày. Dưới sự bạo hành và hà khắc của Lý Thân, một số dân chúng đã vượt qua sông Trường Giang mà đi xứ khác ở. 

Lại một lần nữa...

 Thi hào LƯU VŨ TÍCH 劉禹錫(772—842)khi bị biếm làm Thứ Sử đất Tô Châu (833), Lý Thân nghe tiếng và cũng mến mộ tài văn thơ của ông, bèn mời ông đến và thiết tiệc khoản đãi. Buổi tiệc thật xa hoa với đầy đủ các sơn hào hải vị, mỹ tửu quỳnh tương, dưa ngon trái ngọt. Các cô ca kỹ ăn mặc như các cung nữ và ca múa những điệu nhạc trong cung đình. Lưu Vũ Tích bàng hoàng ngỡ ngàng trước buổi tiệc qúa cao sang xa hoa nầy của tác giả hai bài thơ Mẫn Nông năm xưa. Trong khi dân chúng Tô Châu đang lâm vào cảnh lũ lụt đói kém khắp nơi, nên Ông đã xót xa mà viết bài thơ tứ tuyêt "Tặng Lý Tư Không Kỹ 贈李司空妓" (Tặng cô kỹ nữ của ông Tư Không họ Lý) với những lời lẽ chua chát mĩa mai như sau :
           
             高髻雲鬟宮樣妝,    Cao kế vân hoàn cung dạng trang,
                春風一曲杜韋娘。    Xuân phong nhất khúc Đỗ Vi Nương.
                司空見慣渾閒事,    Tư Không kiến quán hồn nhàn sự,
                斷盡蘇州刺史腸。    Đoạn tận Tô Châu Thứ Sử trường !
     Có nghĩa :
                   Tóc kết cung đình mây lướt trôi,
                  "Đỗ Vi Nương" khúc hát chơi vơi.
                   Tư Không quen mắt không cho lạ,
                   Thứ Sử Tô Châu ruột đứt rồi !

Ông đã ăn chơi quen thói, nên cho cảnh ăn chơi trác táng xa xỉ trước mắt là chuyện bình thường, là chuyện nhàn rỗi  (hồn nhàn sự), nhưng đối với tôi, đang lúc phải cầu xin triều đình mở kho lương thực để cứu tế dân tình đang trong cơn thiên tai lũ lụt, đói kém khắp nơi, thì cảnh ăn chơi sa đọa trước mắt qủa thật làm cho con người ta phải đau lòng đứt ruột ! Sao bây giờ ông lại vô tâm thế, ông đã quên mất khi xưa mình đã từng làm hai bài thơ MẪN NÔNG  rất hay, rất có tình người, rất có tính nhân bản hay sao ?!

TƯ KHÔNG KIẾN QUÁN hồn nhàn sự,  Đoạn tận Tô Châu Thứ Sử trường ! 

        Bài thơ trên của Thi Hào Lưu Vũ Tích còn hình thành một thành ngữ vẫn thông dụng cho đến hiện nay. Đó là bốn chữ "TƯ KHÔNG KIẾN QUÁN 司空見慣", nghĩa đen là : Quan Tư Không nhìn đã quen rồi; nghĩa bóng thường dùng để chỉ : Chuyện gì đó rất bình thường, không có gì là lạ cả; không làm cho ai đó phải trầm trồ hay ngạc nhiên gì cả ! Chuyện gì đó dù có lạ, có hiếm cở nào đi nữa, nhưng khi đã nhìn thấy nhiều lần rồi thì đều là "Tư Không Kiến Quán", là "Chuyện thường ngày ở huyện !".

      Lại một lần khi Lý Thân đang làm Tiết Độ Sứ ở đất Hoài Nam, lúc đó Tam nguyên Trương Hựu Tân 張又新 (một đối thủ chính trị từng hại cho Lý Thân suýt chút nữa thì bị chém đầu) bị bãi quan về quê, khi đi ngang qua địa phận của Lý Thân lại bị đắm thuyền, chết mất hai đứa con, lại sợ bị Lý Thân trả thù. Đau khổ, rối rắm và lo lắng vô cùng bèn hạ mình xuống nước viết một bức thư trần tình thật dài tạ lỗi với Lý Thân. Lý tỏ ra rất đồng tình và cảm thông cho nỗi bất hạnh của Trương, chẳng những bỏ qua những hiềm khích cũ, mà còn mời Trương đến nhà để thiết tiệc khoản đãi. Hai người cùng thù tạc như là bạn tâm giao lâu ngày vừa găp lại, nên uống đến say mèm... Chợt... 
      Trương Hựu Tân như tỉnh hẵn rượu ra vì trông thấy một ca kỹ mà Lý Thân vừa cho ra hát để giúp vui trong bữa tiệc... Thì ra đó là người yêu cũ hai mươi năm trước của Trương Hựu Tân khi ông đang làm quan ở đất Quảng Lăng, hai người yêu nhau nhưng chẳng thành quyến thuộc. Nay lại gặp mặt nhau trong hoàn cảnh trớ trêu nầy, bốn mắt nhìn nhau mà nói chẳng nên lời. Thừa lúc Lý Thân vào trong rửa mặt thay áo, Trương Hựu Tân bèn dùng ngón tay chấm vào rượu tức cảnh một bài tứ tuyệt viết lên mặt bàn như sau :

              雲雨分飛二十年,   Vân vũ phân phi nhị thập niên, 
              當時求夢不曾眠。   Đương thời cầu mộng bất tằng miên.
              今來頭白重相見,   Kim lai đầu bạch trùng tương kiến,
              還上襄王玳瑁筵。   Hoàn thướng Tương Vương đại mạo diên !
   Có nghĩa :
                   Mây mưa cách biệt hai mươi năm,
                   Chưa mộng hằng mơ thổn thức lòng.
                   Đầu bạc hôm nay còn gặp lại,
                   Tương Vương tiệc rượu hết còn mong !

      Lý Thân thay áo xong ra uống tiếp, thấy Trương Hựu Tân lộ vẻ âu sầu, bèn lệnh cho ca kỹ hát để giúp vui. Nàng ca kỹ bèn cất tiếng ngâm và hát bài thơ TẶNG QUẢNG LĂNG KỸ 贈廣陵妓 nói trên khiến cho Trương Hựu Tân và nàng cả hai cùng rơi lệ. Lý Thân hỏi biết chuyện, nên sau tiệc rượu, bèn cho người khiêng kiệu đưa nàng ca kỹ theo Trương Hựu Tân về để cùng nhau đoàn tụ.
Qủa là một nghĩa cử cao đẹp của một thi nhân. Chẳng những không trả thù, mà còn giúp cho kẻ thù cũ được tròn mộng uyên ương. Lý Thân là như thế đó !

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ LÝ THÂN :

     LÝ THÂN 李紳(772-846)tự là Công Thùy 公垂, người đất Hào Châu (An Huy), sau dời về Nhuận Châu, Vô Tích (Giang Tô). Con của Ô Trình Lệnh Lý Ngộ, là thi nhân, làm quan cao đến chức Tể Tướng.

Lý Thân đậu tiến sĩ năm Nguyên Hòa nguyên niên đời Đường (806), được bổ về làm Chưởng Thư Ký cho Triết Tây Quan Sát Sứ Lý Ky. Năm sau Lý Ky mưu phản, ông can gián, nhưng không nghe, lại nhốt ông vào ngục. Lý Ky mưu phản thất bại, ông được thả và được triệu về kinh thăng chức Hiệu Thư Lang rồi Quốc Tử Trợ Giáo. Đời Đường Mục Tông lại được thăng Hàn Lâm Học Sĩ, cùng với Lý Đức Dũ và Nguyên Chẩn xưng là TAM TUẤN 三俊 (Ba người Tuấn Kiệt). Khi Đường Kính Tông tức vị, ông bị Lý Phùng Kiết, Trương Hựu Tân hãm hại, bị biếm làm Đoan Châu Tư Mã. Đầu những năm Đại Hòa đời Văn Tông (827), ông chuyển nhậm Từ Châu rồi Thọ Châu Thứ Sử. Sau thăng lên các chức vụ quan trọng như Triết Đông Quan Sát Sứ, rồi Hà Nam Doãn và Tuyên Võ Tiết Độ Sứ. Đường Võ Tông năm Hội Xương thứ 2 (842), về triều nhậm chức Trung Thư Thị Lang, đồng Trung Thư Môn Hạ Bình Chương Sự, Tể Tướng. Hai năm sau lại bị chuyển về làm Hoài Nam Tiết Độ Sứ, không lâu thời mất, hưởng thọ 75 tuổi.

Lý Thân cùng với Nguyên Chẩn, Bạch Cư Dị giao du xướng họa rất thân mật, họ đều là thành viên của việc vận động và đề xướng ra lối thơ Tân Nhạc Phủ. Ông sáng tác 20 bài Nhạc Phủ Tân Đề (đã thất truyền). Tác phẩm nổi tiếng để đời của ông là 《Mẫn Nông nhị thủ 憫農二首》nói về đời sống cơ cực vất vả của nông dân, rất được mọi người tán thưởng và thuộc lòng. Trứ tác thì có《Truy Tích Du Thi 追昔遊詩》trong Toàn Đường Thi thu tập lại được bốn quyển.

Đỗ Chiêu Đức

11/30/23

Tự Tha Cho Mình Là Trí Tuệ Lớn Nhất Trong Cuộc Sống

Trong đời sống, thỉnh thoảng tôi cảm thấy trống vắng, hay khi thấy có nỗi buồn vô cớ, tôi đều tìm đến những mẫu chuyện hay những bài viết của Trang tử, Lão Tử, Tông Đông pha ... Mong tìm được một tia sáng soi rọi cho bước đi của mình trong cuộc sống đầy cam go, thăng trầm.

Gần đây, đọc được bài tản văn của Tông Đông pha "Ký Du Tùng Phong Đình" (記遊松風亭). Bài viết vỏn vẹn chưa tới 100 chữ, nhưng hàm chứa triết lý thâm sâu, rất thiết thực cho đời sống. Nguyên văn như sau:


Dư thường ngụ cư Huệ Châu Gia Hữu tự, tung bộ Tùng phong Đình hạ, túc lực bì phạp, tư dục tựu lâm chỉ tức. Vọng đình vũ thượng tại mộc mạc, ý vị thị như hà đắc đáo? lương cửu hốt viết: "Thử gian hữu thâm ma hiết bất đắc xứ," do thị như quải câu chi ngư, hốt đắc giải thoát. Nhược nhân ngộ thử, tuy binh trận tương tiếp, cổ thanh như lôi đình, tiến tắc tử địch, thoái tắc tử pháp, đương thâm ma thời dã bất phương thục hiết.

余嘗寓居惠州嘉祐寺, 縱步松風亭下, 足力疲乏,思欲就林止息. 望亭宇尚在木末, 意謂是如何得到? 良久忽曰:"此間有甚麼歇不得處, "由是如掛鉤之魚,忽得解脫.若人悟此, 雖兵陣相接, 鼓聲如雷霆, 進則死敵, 退則死法, 當甚麼時也不妨熟歇.

Dịch sát văn:

Tôi từng trọ tại chùa Gia Hữu ở Huệ Châu, một lần dạo chơi để đến Tùng phong Đình. Đi một hồi chân tự thấy mỏi, mong đến rừng núi nghỉ ngơi. Nhìn ra xa thấy mái đình vẫn còn xa tít ở trên cao, thầm nghĩ phải làm cách nào mới có thể đến được nơi dừng chân. Suy nghĩ khá lâu, bỗng bừng tỉnh: "Tại sao không nghỉ lại tại nơi đây?" Ý nghĩ vừa thoáng qua thì cảm thấy như cá cắn câu được gỡ móc. Nếu chúng ta hiểu được lý này, thì dù trong lúc giao tranh khốc liệt, trống chiêng vang trời, tiến tới thì sẽ chết vì chiến đấu với địch; lùi lại thì sẽ chết vì phạm quân luật. Ngay trong tình huống nguy ngập, cũng chẳng sao, vẫn có thể thong thả mà nghỉ ngơi.

Dịch thoát ý

Tôi từng trọ tại chùa Gia Hữu ở Huệ Châu, nơi đây cảnh chùa trang nghiêm, sơn thủy hữu tình. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường hay du sơn ngoạn thủy. Phía sau chùa là một rừng núi có những đường mòn chạy xuyên xuất nhiều nơi, một trong những điểm tôi thường đến viếng là Tùng Phong Đình. Mái đình cong cong nằm chót vót trên cao, ngự tọa trên lối đi, ý chừng như đang chờ đón khách bộ hành và mời gọi khách dừng chân trên bước đường đăng trình. Một hôm như mọi lần, tôi thả bộ rong chơi, vô tình đi vào lối đi cũ, là đường để dẫn đến Tùng Phong Đình. Đi chưa được bao lâu, chận tự thấy mỏi, ngước nhìn lên cao, Tùng Phong Đình như đang đứng đợi và vẫy chào tôi. Tôi cố gắng bước nhanh lên, thầm mong sớm tới được Tùng Phong Đình, là điểm để dừng chân. Tôi cố gắng leo mãi leo mãi, chân tôi như hết lực, ngước nhìn lên thì Tùng Phong Đình vẫn còn xa tít ở trên cao.

Thầm nghĩ bao giờ mới đến chỗ để nghỉ ngơi cho được. Phân vân bối rối khá lâu, bỗng bừng tỉnh, chân đã mỏi, tại sao mình không nghỉ lại tại nơi đây? Ý nghĩ vừa thoáng qua như một dòng nước tịnh thủy giải thoát cho ý nghĩ cưỡng cầu là muốn đến cho được Tùng Phong Đình. Đây cũng là tâm thái tích cực của Tô Đông Pha, cách giải quyết của ông khi đương đầu với khó khăn trở ngại trong cuộc sống.

"Tự tha cho mình là trí tuệ lớn nhất của đời người," đó là cảm ngộ của tôi qua bài Tùng Phong Đình của Tô Đông Pha.

Thật vậy, con người thường hay đấu sức với chính mình. Nói đúng hơn là chống chọi với tâm thức của mình, suy nghĩ lo toan quá nhiều, tự tạo nhiều áp lực và buồn phiền cho cuộc sống.

Hồi còn đi làm tại High Tech, tôi có một người bạn rất giỏi, rất chăm chỉ trong công việc. Chẳng bao lâu, ông được cất nhắc lên làm giám đốc với số tuổi chưa đầy 40, dưới tay còn có hơn 20 nhân viên. Ngoài việc sắp đặt việc làm, quản lý nhân sự, ông còn phải hội họp nội bộ và giao lưu với khách hàng. Mỗi ngày làm việc hơn 10 tiếng, nhiều khi làm cả thứ Bảy, thậm chí Chủ Nhật. Chúng tôi thỉnh thoảng mới gặp nhau trong giờ ăn trưa, gặp nhau chỉ vỏn vẹn vài ba câu ngắn ngủi. Thấy người bạn lúc nào cũng trong trạng thái bộn bề, căng thẳng trong công việc, tôi thường nói với ông bạn câu: "cấp hành vô thiện bộ (急行無善步), có nghĩa là vội vã thì dễ vấp ngã.

Tôi là người tương đối nhàn hạ thong thả, mỗi lần gặp ông bạn tôi đều cảm thấy không khí hơi ngột ngạt, và cảm giác dường như ông bạn lúc nào cũng đang trong trạng thái khởi động, sẵn sàng tuyên chiến với thế giới.

Một hôm, tôi muốn tìm vui khuây khỏa nơi sân banh của hãng, khi vào sân chơi, lạ thay hôm đó vắng tanh. Tại một góc sân xa đằng kia, như có một người đang trầm ngâm, tôi đến gần, hóa ra là người bạn mà tôi đề cập ở bên trên; tay cầm điếu thuốc và hình như chẳng hề để ý, đếm xỉa gì đến sự hiện diện của tôi.

Tôi mở lời chào anh, nhìn lên, anh vụng về đáp trả lời chào của tôi, tôi đoán là anh đang có sự cố gì đây.

Trao đổi qua lại với anh, tôi mới biết là anh đang bị khủng hoảng bởi việc làm của hãng: gần đây anh bị khách hàng khiếu nại liên tục, cấp trên biết được nên khiển trách anh, và đáng nói hơn là anh có một thuộc cấp đắc lực nhất xin thôi việc. Anh đang hứng chịu một áp lực quá nặng nề.

Tôi rất đồng cảm và thông hiểu với anh bạn, vỗ vai, tôi nói với anh: "sinh hoạt của anh quá căng thẳng, anh nên buông xả bớt cho nhẹ gánh." Thương quá, tôi ôm choàng lấy anh, siết nhẹ. Người của anh bỗng rung lên, anh lắc nhẹ, thổn thức. Tôi quay đầu nhìn lại, ôi chao! nước mắt anh giàn giụa, hai dòng lệ tuôn trào, vô tình lời an ủi của tôi trở thành giọt nước làm tràn ly đầy. Quen nhau 10 năm, lần đầu tiên tôi thấy ông bạn của tôi xúc động đến như vậy.

Mỗi khi chúng ta tiếp trận với thế giới bên ngoài, thế giới bên ngoài tựa như chiến trường của mình, bất luận thắng hay bại, chúng ta cũng phải trả giá rất đắt. Thật vậy, xưa nay, không cuộc chiến nào có kẻ thắng.

Tương tự Tô Đông Pha khư khư cứ muốn lên đến tận Tùng Phong Đình rồi mới chịu nghỉ chân, thế thì Tùng Phong Đình sẽ trở thành một mục tiêu, một đích đến thách thức mà ông muốn chinh phục cho bằng được, ông tất nhiên phải cố gắng leo lên để đạt đến cái đích đó trong khi ông đã kiệt sức. "Tại sao mình không dừng bước, nghỉ chân tại điểm đứng này?" Sự chuyển hóa ý niệm này như ngọn đuốc sáng xua tan bóng tối phiền não. Vì biết thay đổi góc nhìn, Tô Đông Pha đã hòa giải với thế giới, với sự chấp trước của mình. Thực ra, hòa giải với thế giới tức là hòa giải với chính mình, nói cách khác, mình là thế giới; thế giới cũng là chính mình. Khi ta đã đồng hóa với thế giới thì đâu còn có đối tượng đối nghịch.

Cố gắng phấn đấu để cuộc sống được hạnh phúc mỹ mãn đương nhiên quan trọng, nhưng không nên vì thế mà đánh mất sự an lạc nhàn nhã. Buông xả không phải là mất đi; dừng lại không phải là trốn tránh lùi bước.

Đời người như cuộc chạy bộ đường dài, nhiều người ngã gục giữa đường vì không biết điều tiết, lúc nào nên chạy nhanh, lúc nào phải chạy chậm, lúc nào phải tạm dừng để uống nước nạp thêm năng lượng; cũng như khi cầm lái một chiếc xe, phải biết tùy thuộc vào địa hình địa thế mà gia giảm tốc độ.

Nho gia có câu: “Quân tử phùng thời nhi tiến, bất thời nhi thoái” (君子逢時而進,不時而退). Quân tử gặp thời cơ thuận lợi thì cố gắng tiến tới mục tiêu, nếu chưa hội đủ nhân duyên thì phải biết đặt mình trong tư thế chờ đợi, nuôi dưỡng động lực, chuẩn bị hành trang cho cơ duyên khác.

Nhà Phật nói:"Tùy duyên bất biến" (隨緣不變).

Tùy Duyên là tùy hoàn cảnh, phương tiện mà thay đổi các chi tiết cho thích hợp với cuộc sống.

Bất biến là luôn giữ tâm thanh tịnh, như bất động trước mọi biến động thuận nghịch, thăng trầm vốn dĩ của cuộc đời.

Lão tử nói: "Thượng thiện nhược thủy"(上善若水).

Thiện là tốt, đặc tính tốt nhất của nước là âm thuần chi nhuận vạn vật nhưng không tranh giành so đo; đặc tính quan trọng khác của nước là tùy duyên và lình động, nước tuôn chảy và tồn tại khắp nơi, trên cao là mây, rơi xuống là mưa, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, chỗ nào cũng tự tại thoải mái.

Thích Đạo Nho tam giáo tuy ba là một, đã gặp nhau trong tư tưởng: Tùy ngộ nhi an, tùy duyên tự tại. (随遇而安, 随缘自在)

Phải chăng đó cũng là ẩn ý của Tô Đông Pha trong bài Tùng phong Đình:

"Tha cho mình (không chấp trước) là trí tuệ lớn nhất trong cuộc sống."

Trường
11-29-2023

11/20/23

TRI KỶ, TRI ÂM

TRI 知 là Biết, Kỷ 己 là Mình; nên TRI KỶ 知己 là người hiểu biết về mình, không phải chỉ hiểu biết hời hợt bên ngoài, mà hiểu biết một cách sâu sắc tận tâm can và suy nghĩ của mình, thì mới gọi là TRI KỶ được. Như khi nghe Thúy Kiều nói lên cái ý định xưng bá đồ vương của mình, thì Từ Hải tỏ ra rất hài lòng :

                          Nghe lời vừa ý gật đầu,
               Cười rằng: TRI KỶ trước sau mấy người!
                         Khen cho con mắt tinh đời,
                   Anh hùng đoán giữa trần ai mới già! 

Đôi bạn TRI KỶ đầu tiên hiểu rõ nhau nhất là Quản Trọng 管仲 và Bào Thúc Nha 鮑叔牙 thời Chiến Quốc, theo Sử Ký ghi lại như sau :

Quản Trọng - Bảo Thúc Nha

Quản Trọng 管仲(725—645 Trước Công Nguyên)tên là Di Ngô 夷吾, hiệu là Kính Trọng 敬仲, người thôn Quản Cốc huyện Dĩnh Thượng. Ông là Tể Tướng nổi tiếng của nước Tề, phò tá và giúp Tề Hoàn Công trở thành một trong Ngũ Bá thời Chiến Quốc. Bào Thúc Nha 鮑叔牙 cũng là một Đại Phu của nước Tề, là bạn TRI KỶ của Quản Trọng. 

Truyện kể...
Thuở nhỏ, Bào Thúc Nha và Quản Trọng là hai người bạn thân. Bào Thúc Nha rất hiểu về tài hoa của bạn mình. Quản Trọng nhà nghèo nhưng luôn luôn lấn lướt Bào Thúc Nha về mọi mặt, nhưng Bào lại luôn luôn đối xử tốt với bạn mà không một tiếng oán than trách móc.

Lớn lên, hai người cùng làm quan cho nước Tề. Quản Trọng theo phò Công Tử Củ, còn Bào Thúc Nha theo phò người em là Công Tử Tiểu bạch.

Năm 686 trước Công Nguyên, Tề Tương Công mất, cháu là Công Tôn Vô Tri soán ngôi. Mùa xuân năm 685 trước CN, Đại Phu nước Tề là Ung Lẫm giết Công Tôn Vô Tri. Lúc đó Công Tử Củ đang ở nước Lỗ, còn Công Tử Tiểu Bạch đang ở nước Lữ. Triều thần quyết định đón hai Công Tử về nước, ai về trước sẽ được nối ngôi.

Nước Lỗ phái người đưa Công Tử Củ về nước; còn nước Lữ thì phái người đưa Công Tử Tiểu Bạch về nước. Quản Trọng sợ Công Tử Tiểu Bạch về trước, nên phi ngựa rượt theo bắn một mũi tên, Công Tử Tiểu Bạch giả vờ trúng tên té xuống xe ngựa. Sau đó cùng Bào Thúc Nha rẽ đường tắt về nước trước, lên ngôi nước Tề, chính là Tề Hoàn Công đó.

Lỗ Trang Công nghe Công Tử Tiểu Bạch đã lên ngôi nước Tề, vô cùng tức giận, cử binh sang đánh nước Tề. Tề đã có chuẩn bị sẵn nên binh Lỗ đại bại mà về. Dưới áp lực của nước Tề, Lỗ bắt buộc phải giết Công Tử Củ và bắt Quản Trọng trả về cho nước Tề xử tội.

Tề Hoàn Công sau khi lên ngôi, bèn triệu Bào Thúc Nha đến để phong làm Tể Tướng. Nhưng Bào lại từ chối mà còn tiến cử cho người đang ở trong tù là Quản Trọng làm Tể Tướng vì cho rằng Quản Trọng giỏi hơn mình rất nhiều. Trước đây bắn Tề Hoàn Công là vì đang theo phò Công Tử Củ, chỉ là ai vì chúa nấy mà thôi. Tề Hoàn Công nghe theo lời Bào Thúc Nha phong Quản Trọng là Tể Tướng. Nên sau nầy nhờ các sách lược của Quản Trọng mà Tề Hoàn Công mới xưng bá chư hầu.

Về phần Quản Trọng, ông luôn nói với người khác rằng :" Lúc nhỏ nhà nghèo, thường đi buôn với Bào Thúc Nha, tôi ra vốn ít, nhưng chia lời nhiều. Thúc Nha không cho là tôi tham, vì biết tôi nghèo. Tôi bày cách làm ăn cho Thúc Nha bị thất bại. Thúc Nha không cho là tôi ngu xuẩn, mà biết là làm ăn phải có lúc vầy lúc khác. Tôi ra làm quan ba lần đều bị đuổi về ba lần, Thúc Nha không cho là tôi bất tài, mà biết là tôi chưa gặp được thời cơ. Tôi đi đánh trận ba lần, ba lần đều thua chạy trước, Thúc Nha không cho là tôi nhát gan, vì biết tôi còn phải phụng dưỡng mẹ già. Công Tử Củ thất bại bị giết, tôi bị bắt mà không dám hi sinh vì chủ, Thúc Nha không cho tôi là kẻ vô sỉ, vì biết rằng tôi còn đợi dịp để thi thố tài năng. Ôi, Sanh ra tôi là cha mẹ tôi, nhưng hiểu được tôi thì chỉ có Bào Thúc Nha mà thôi !". Đây là câu nói nổi tiếng và để đời của Quản Trọng đó : "Sanh ra ta là cha mẹ, nhưng hiểu được ta thì chỉ có Bào Thúc Nha thôi !".

Khi Quản Trọng sắp chết. Tề Hoàn Công hỏi : Bào Thúc Nha có thể thay thế làm Tể Tướng không ? Quản Trọng đáp : Không được ! Bào Thúc Nha là người thiện ác phân minh, không thể bao dung cho kẻ xấu được. Nếu giao cho quyền bính trong tay, chẳng những có hại cho chúa công mà còn có hại cho chính bản thân Thúc Nha nữa ! Bào Thúc Nha nghe biết chuyện nầy, chẳng những không trách Quản Trọng không tiến cử mình, mà còn rất cảm kích vì biết bạn rất hiểu mình nên không muốn hại mình phải mang họa vào thân.

Quả là hai người bạn TRI KỶ với nhau : Người nầy hiểu rõ người kia và người kia cũng rất hiểu rõ người nầy. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã ca ngợi tài của Quản Tử (Quản Trọng) như sau :


Lượng gã Bạch sinh nào có mấy,
Tài người Quản Tử có đâu nhiều !


Tăng Quảng Hiền Văn có câu :


Tương thức mãn thiên hạ, 相識滿天下,
TRI KỶ năng kỷ nhân ? 知己能幾人?
Có nghĩa :
Quen biết hết cả người trong thiên hạ, nhưng...
TRI KỶ (là người hiểu ta nhất) có được mấy người đâu ?!

Đó là đôi bạn TRI KỶ, còn TRI ÂM thì...

Theo sách Chiến Quốc  Liệt Ngự Khấu 战国列御寇著 ghi về chuyện Bá Nha Tử Kỳ như sau :

Du Bá Nha 俞伯牙 phụng mệnh vua Tấn đi sứ sang nước Sở. Đêm rằm tháng tám, thuyền vừa vào đến Hán Dương, gặp lúc mưa to gió lớn, nên ghé vào một mé núi nhỏ để tránh gió. Đêm xuống, gió lặng mây tan, vầng trăng rằm sáng vành vạnh trên sông nước, cảnh sắc thật hữu tình. Bá Nha bèn lấy cây dao cầm ra nắn nót phím dây và đàn một khúc. Đang lúc thả hồn vào cung đàn phím nhạc, mơ hồ như thấy có bóng người trên bến nên phân tâm, tay bấm mạnh vào phím đàn đánh "chát" một tiếng, đàn đứt mất một dây và tiếng đàn im bặt. Bỗng nghe tiếng người trên bờ nói vọng xuống rằng :" Xin tiên sinh chớ ngại, tôi là người đốn củi về muộn, đi đến đây nghe được tiếng đàn tuyệt diệu của tiên sinh, nên nán lại chưa nỡ rời đi ".

Nương theo bóng trăng, Bá Nha nhìn kỹ người trên bến, quả nhiên là một tiều phu với gánh củi còn để một bên, thầm nghĩ : Chỉ là một người đốn củi, làm sao nghe hiểu được tiếng đàn của ta chứ ?. Bèn cất tiếng hỏi rằng :" Các hạ nghe hiểu tiếng đàn của ta, thì có thể nói thử xem khi nãy ta đang đàn khúc gì ?". Người tiều phu bèn đáp rằng :" Thưa tiên sinh, lúc nãy ông đang đàn khúc Khổng Tử tán thán đệ tử Nhan Hồi. Rất tiếc là tiên sinh mới đàn đến câu thứ tư thì dây đàn bị đứt ".

Du Bá Nha - Chung Tử Kỳ

Nghe người tiều phu đối đáp trôi chảy, Bá Nha rất ngạc nhiên và cũng vô cùng mừng rỡ. Bèn mời tiều phu lên thuyền để đàm đạo , người tiều phu vừa trông thấy cây đàn của Bá Nha, bèn khen rằng :" Đây là cây dao cầm, tương truyền là của vua Phục Hi chế tạo ra ". Bèn kể lại lai lịch, quá trình chế tạo và xuất xứ của cây đàn. Bá Nha nghe xong càng khâm phục cho kiến thức của người tiều phu hơn. Đoạn mời người tiều phu nghe thêm vài khúc đàn nữa. Khi Bá Nha cất cao tiếng đàn lên thật hùng tráng, thì người tiều phu khen :" Vòi vọi thay núi cao hùng vĩ, chí tại cao sơn ". Khi Bá Nha hạ tiếng đàn xuống cho thanh thoát trôi chảy, thì tiều phu lại cất tiếng khen rằng :" cuồn cuộn thay như nước trường giang, ý tại lưu thủy ".

Bá Nha nghe xong rất lấy làm vui dạ, trước đây chưa từng có người hiểu được tâm sự của ông gởi gấm qua tiếng đàn, mà trước mắt, người tiều phu nầy lại làm được việc đó. Không ngờ ở chốn thâm sơn cùng cốc nầy lại có được một TRI ÂM ( người hiểu được tiếng lòng của người khác qua âm nhạc ) mà bấy lâu nay ông cố tìm vẫn không gặp được. Bèn đứng dậy thi lễ, rót chén rượu mời và cùng xưng tên họ với nhau. Thì ra người tiều phu tên là Chung Tử Kỳ 鍾子期, làm nghề đốn củi độ nhựt. Hai người càng đàm đạo càng hợp ý hơn. 

Cuối cùng dưới vầng trăng thu sáng vằng vặc họ đã cùng nhau kết nghĩa đệ huynh. Bá Nha lớn hơn nên làm anh, hỏi Tử Kỳ rằng :" Với tài năng và học thức của hiền đệ sao không ra kiếm chút công danh mà lại cam nghề đốn củi ?" Tử Kỳ cho biết là vì mình còn phải phụng dưỡng cha già, nên mới ẩn nhẫn đợi thời. Vì công vụ chưa xong, nên Bá Nha không có thời gian lên bái kiến cha của Tử Kỳ. Trước khi chia tay, hai người bạn cùng hẹn nhau rằm Trung Thu sang năm lại gặp nhau trên bến sông nầy.

*****
Trung Thu năm sau, Bá Nha y hẹn, ghé thuyền lại bến Hán Dương chờ bạn. Nhưng chờ hoài chờ mãi vẫn không thấy tăm hơi, bèn đem đàn ra mà đàn một bản, ý muốn kêu gọi bạn tri âm, nhưng tri âm vẫn bằng bặt bóng hình. Sáng hôm sau, Bá Nha lên bờ, lần mò vào thôn để hỏi thăm về tin tức của Tử Kỳ.. Một ông già nghe hỏi, bèn khóc òa lên, cho biết mình chính là cha của Tử Kỳ đây. Sau Trung Thu năm rồi, Tử Kỳ đã nhuốm bệnh và qua đời, trước phút lâm chung, còn trối lại là hãy chôn mình ở bờ sông để Trung Thu năm tới còn nghe được tiếng đàn của Bá Nha như đã ước hẹn.

Nghe lời nói của Chung Lão, Bá Nha đau buồn vô hạn, tìm đến bên mộ của Tử Kỳ, trịnh trọng đặt cây dao cầm trước mộ, rồi ngồi xếp bằng mà đàn lại khúc " Cao sơn lưu thủy " năm xưa. Đàn xong bèn gạt đứt hết dây đàn, đứng dậy nâng cây dao cầm lên cao đập mạnh xuống tảng đá xanh trước mộ. Cây đàn " bùng " lên một tiếng bể tan tành ! Ba Nha bèn khóc mà ngâm rằng :

               摔碎瑶琴鳳尾寒,  Suất toái dao cầm phụng vĩ hàn,
              子期不在向誰彈?  Tử Kỳ bất tại hướng thùy đàn ?
              春風满面皆朋友,  Xuân phong mãn diện giai bằng hữu,
              欲覓知音難上難。  Dục mịch TRI ÂM nan thượng nan !
  Có nghĩa :
                Dao cầm đập nát đau lòng phượng,
                Đàn vắng Tử Kỳ đàn với ai ?
                Mát mặt gió xuân đều bạn hữu,
                TRI ÂM đâu dễ gặp lần hai !

      Quả là " Dục mịch tri âm nan thượng nan ": Muốn tìm được một người tri âm là "khó trên khó". Có nghĩa là "Khó vô cùng !" Hiểu nhau đã khó, hiểu cả tiếng đàn của nhau càng khó hơn nữa. Nên sau nầy dùng rộng ra, TRI ÂM chỉ những người bạn rất thân thiết, hiểu rõ cả ruột gan lòng dạ của nhau. Nguyễn Du còn dùng để chỉ những cặp đôi yêu nhau nữa, như lời của Thúy Kiều nói với Kim Trọng :

Nàng rằng : Gió bắt mưa cầm,
Đã cam tệ với TRI ÂM bấy chầy !

Trong truyện Nôm TRINH THỬ cũng có câu :

Bá Nha đã gặp Tử Kỳ,
Bảo sơn ai nở trở về tay không ?!

Trong Tăng Quảng Hiền Văn cũng có câu :


        知音說與知音聽, Tri âm thuyết dữ tri âm thính,
不是知音莫與彈. Bất thị tri âm mạc dữ đàn.
Có nghĩa :
Là TRI ÂM với nhau mới nói cho nhau nghe,
Không phải là TRI ÂM với nhau thì đừng có đàn (cho nhau nghe, vì có biết nghe đâu mà đàn chi cho uổng công !).

Qua hai câu truyện kể trên, ta ngộ ra được rằng :

* TRI KỶ là người hiểu ta một cách chân tình, hiểu thấu tận tâm can gan ruột, không bãi buôi khách sáo, không chìu lòng nịnh nọt, không tính toán lợi hại, mà hết lòng thông cảm giúp đỡ, không vụ lợi, không mè nheo. Người với ta như tâm ý tương thông, tuy hai mà một, ngoài mặt lợt lạt nhưng trong dạ lại ngọt ngào. Nói một cách khác, người TRI KỶ là một TA THỨ HAI rất khó tìm khó gặp khó cách xa. Còn...

* TRI ÂM là người có cùng tiếng nói, cùng sở thích, cùng chí hướng, cùng lý tưởng và cùng hướng về một chân trời Chân Thiện Mỹ. Ở bất cứ nơi đâu lúc nào người đó cũng làm cho ta cảm thấy ấm lòng, vui vẻ và hạnh phúc mà không còn cảm thấy trống trải cô đơn.

Nói chung...
TRI ÂM TRI KỶ là người bạn thân thiết với ta nhất, thấu hiểu ta nhất. Nhưng TRI ÂM nhiều lúc chỉ là đơn phương. Ta xem người đó là TRI ÂM, nhưng chưa chắc người đó cũng xem ta là Tri Âm. Bá Nha xem Tử Kỳ là Tri Âm vì nghe hiểu được tiếng đàn của mình, nhưng Tử Kỳ xem Bá Nha như là người đồng điệu có cùng chung thị hiếu với mình mà thôi. 

Nói Tóm lại...

TRI KỶ là người rất thấu hiểu ta và ta cũng rất thấu hiểu người đó, còn TRI ÂM là người có cùng thị hiếu sở thích và cùng chung quan niệm về nghệ thuật mà thôi.

TRI KỶ, TRI ÂM ngày xưa là như thế đó, còn ngày nay thì sao ?!


Đỗ Chiêu Đức 杜

11/17/23

Chữ & Nghĩa - Cầu cổ tầm luận (求古尋論)

"Cầu cổ tầm luận"(求古尋論), đọc sách Thánh Hiền và nghe lời dạy cổ nhân là một thành tựu của cuộc sống; "phân cam đồng vị" (分甘同味) chia sẻ cảm nghĩ và câu chuyện vui buồn trong sinh hoạt hằng ngày là một niềm vui của tuổi già. Hoặc nói nôm na, đem những câu chuyện đời trong trải nghiệm của cuộc sống để cùng tán cho vui.

Sách có câu "Văn dĩ tải đạo" (文以載道) là để chỉ việc sử dụng văn chương và ngôn từ để truyền tải đạo lý. Về lý thuyết là như vậy, nhưng trên thực tế chúng ta thường vấp phải vấn đề chỉ biết dùng văn tự mà không hề suy nghĩ về 'nghĩa thật' (the real meaning) hay xuất xứ của nó. Tại sao?: "cũng là sông lớn mà Hoàng Hà gọi là 'hà' (河) trong khi Dương Tử Giang, còn gọi là Trường Giang lại gọi là 'giang'?, xuyên (川) cũng là con sông dòng nước mà sao không gọi là hà hay giang"?

Được biết, Giang và Hà trong tiếng Trung Quốc đều có nghĩa là sông. Từ thời thượng cổ, người ta gọi tất cả các vùng có nước là "Xuyên" để thể hiện một con sông tương đối lớn, sau đó, tên gọi dần dần biến đổi thành là Giang và Hà. Nếu phân tích vấn đề này từ góc độ địa lý nhân văn, con người ở các vùng miền khác nhau thì có nền văn hóa và lối sống khác nhau nên cách nhìn nhận của họ về sự việc cũng khác nhau.

Đầu tiên, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra, thủy vực phía nam Trung Quốc được gọi là Giang, còn thủy vực ở phía bắc thì được gọi là Hà. Ví dụ điển hình chính là:

-Trường Giang, Chu Giang, Lệ Giang, Tiền Đường Giang, Kim Sa Giang, Cửu Long Giang ... đều nằm tại miền Nam.

-Hoàng Hà, Vị Hà, Hoài Hà, Kinh Hà, Ẩm Mã Hà, Thác lý Mộc Hà ... đều nằm ở miền Bắc.

Thứ hai, nếu quan sát kỹ hơn, đa phần các vùng nước nối với biển đều được gọi là Giang, ngược lại, sông hồ chảy sâu trong nội địa được gọi là Hà. Ví dụ điển hình chính là:

-Trường Giang chảy vào Biển Đông; Chu Giang chảy vào Biển Nam ...

-Hoàng Hà chảy vào Biển Bột Hải 渤海 (Tuy gọi là Biển nhưng dòng nước này nằm trong nội địa ở khoảng giữa bán đảo Sơn Đông và bán đảo Liêu Đông, Trung Quốc); Thác lý Mộc Hà chảy vào Hồ La Bố Bạc 罗布泊 (Hồ lớn tại nội địa tỉnh Tân Cương) ...

Cuối cùng, nói về đất đai, hệ sinh thái hai bên bờ sông Trường Giang quả thực rất phong phú, hơn nữa vì tiếng "Giang", hài âm với tiếng kêu của khổng tước (chim công), nên mọi người cho rằng Trường Giang là nơi đất lành chim đậu; ngược lại, âm đọc chữ Hà gần giống với tiếng hú của dã thú, bởi vì chúng ta đều biết rằng Hoàng Hà được mệnh danh là "con sông giận dữ" với dòng nước chảy mạnh cuồn cuộn. Hoàng Hà và các con sông có tên Hà khác hầu như đều xảy ra hạn hán và lũ lụt, không tốt cho mùa màng.

Thật ra, dù gọi Giang hay Hà đi chăng nữa thì đó cũng là kết quả của diễn biến văn hóa qua mấy nghìn năm lịch sử của Trung Quốc. Cũng như Định mệnh của dân tộc Việt Nam là định mệnh chia cắt. Một trăm năm Trịnh-Nguyễn phân tranh chẻ đôi đất nước với Đàng Trong và Đàng Ngoài. Rồi 87 năm dưới thời thực dân Pháp đất nước bị chia ba cho nên ba miền lại có nhiều điều không hiểu nhau. Rồi từ 1954-1975 đất nước lại bị chia đôi cho nên sự khác biệt về nhiều mặt lại gia tăng hơn nữa. Tuy nhiên, sự đa dạng của ngôn từ sẽ làm cho văn hóa Việt Nam phong phú hơn miễn là sự “đa dạng” đó người ta hiểu và chấp nhận, phổ biến rộng rãi.

Nói chung, phương ngữ là sản phẩm tất yếu của mọi cộng đồng ngôn ngữ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ví dụ:

Chớ sao nữa (miền Nam) chơ răng nựa (miền Trung) chứ sao nữa (miền Bắc).

Hoặc qua sư sưu tầm về âm và tự giữa Bắc và Nam, chúng ta thấy có sự khác biệt về văn tự giữa hai miền:

Bát và chén; cốc và y; béo và mập; bủn xỉn và kẹo; bố mẹ và ba má; dọc mùng và bạc hà; đánh chén và nhậu; được và đặng; kim cương và hột xoàn; lợn và heo; mình ơi và cưng ơi; nến và đèn cây; quả và trái; nũng nịu và nhõng nhẽo; thìa và muỗng; trứng vịt và hột vịt; vô duyên và lãng nhách; hỏng và hư ...

Đó là hiện tượng bình thường và là nhân tố tích cực của sự phát triển. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác (ngữ âm và nhiều từ riêng biệt) thì chúng vẫn được giữ gìn, bảo lưu từ đời này sang đời khác. Đó là tính bền vững, làm nên một nét riêng, nét đẹp của tiếng Việt Nam.

Kỳ thực, văn tự chỉ là phương tiện, chứ không phải cứu cánh.

Đạo khả đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh (道可道,非常道,名可名,非常名). Đạo mà có thể nói rõ ra được 'Đạo' là gì, thì Đạo không còn là Đạo nữa; cũng như nếu ta nói được 'Không' là gì thì Không không là Không nữa. Nếu có thể gọi được tên và danh, thì cái ý ‎đối với mỗi người sẽ khác nhau, chẳng ai đúng chẳng ai sai. Cho nên, đừng lệ thuộc vào ngôn từ, phương thức để phán đoán và chia cách nhau. Nói thế không có nghĩa là chúng ta bỏ hết ngôn từ, chữ nghĩa. Ngôn từ, chữ nghĩa làm nên văn hóa và cuộc sống. Chỉ là, ta cần uyển chuyển dùng chúng với một con tim khiêm tốn và một tâm thức sáng láng. Chạy xe thì phải biết thắng, biết rồ ga. Nhưng khi nào thắng khi nào rồ ga, đó là nghệ thuật cũng là trí tuệ. Người lái giỏi, người lái dở, là ở đó.

Kinh Đại Phẩm Bát Nhã và kinh Niết Bàn đều có câu: “Bất khả thuyết” (不可說). Nghĩa là "không thể nói được." Thiền tông – nhấn mạnh rằng, các kinh nghiệm Giác ngộ (Kiến tánh) vượt qua mọi ngôn ngữ, văn tự. Người đã kiến tánh tương tự một "người câm nằm chiêm bao", không thể trình bày giấc mộng của mình cho người khác. Cũng vì lý do này nên các vị Thiền sư thường khuyên đệ tử không nên bám chặt vào văn tự trong kinh sách, cho rằng, kinh sách chỉ là "ngón tay chỉ Mặt Trăng, không phải là Mặt Trăng."

Đạo khả đạo phi thường Đạo của Lão Tử và Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền (不立文字,教外別傳) của Thiền Tông Phật giáo đã gặp nhau trong tư tưởng "Tâm pháp Không pháp" và "thật tướng vô tướng", khi Phật đưa tay cầm nhành sen vàng giơ lên trước đại chúng, mà tất cả đều ngơ ngác, duy chỉ có Ngài Ma-ha Ca-diếp đã nhìn Phật mỉm cười lãnh thọ Tâm pháp.

Pháp bổn pháp vô pháp, 法 本 法 無 法
Vô pháp pháp diệc pháp 無 法 法 亦 法
Kim phó vô pháp thời, 今 付 無 法 時
Pháp pháp hà tằng pháp. 法 法 何 曾 法。

Dịch :

Pháp, gốc pháp không pháp
Không pháp, pháp cũng pháp
Nay lúc truyền không pháp
Pháp, pháp chưa từng pháp.

Thân kính

Trường

10-28-2023

Trùng cửu (Trùng dương) - Song thập ?

 Tại sao ngày mùng 9 tháng 9 nông lịch gọi là tết Trùng cửu; ngày 10 tháng 10 dương lich là ngày Lễ Quốc khánh Trung Hoa Dân Quốc /Taiwan gọi là ngày Song thập?

* Theo  ChatGTP

Hỏi : 1. Ngày 9 tháng 9 gọi là Trùng Cửu. Vậy thì tại sao ngày 10 tháng 10 được gọi là Song Thập , không được gọi là Trùng Thập ? 2. Ngày 7 tháng 7 thì được gọi là Song Thất .

Trả lời: 

Ngày 9 tháng 9 được gọi là Trùng Cửu vì trong tiếng Trung, số "9" phát âm giống như từ "Cửu" nên có sự tương quan âm thanh. Tương tự, ngày 10 tháng 10 được gọi là "Song Thập" vì số "10" phát âm giống như từ "Thập". Trong truyền thống ngôn ngữ của nhiều người Á Đông, việc này thường được thực hiện để tạo ra sự tương quan âm thanh và ý nghĩa tích cực.

Tuy nhiên, không có quy tắc cứng nhắc về việc gọi ngày 10 tháng 10 là Song Thập thay vì Trùng Thập. Có thể có nhiều cách gọi khác nhau dựa trên văn hóa cụ thể và khu vực. Một số người cũng có thể gọi ngày này là Trùng Thập nếu họ thích.

Ngày 7 tháng 7 được gọi là Song Thất có thể xuất phát từ việc số "7" phát âm giống như từ "Thất" trong tiếng Trung. Tương tự như trường hợp của ngày 9 tháng 9 và ngày 10 tháng 10, việc đặt tên theo âm thanh của số là một phần của truyền thống văn hóa trong một số nền.

**1)-  Góp thêm  ý kiến :

Kính thưa quý anh chị!

Xin mạn phép góp chút ý kiến để mua vui trong ngày tết Trùng Cửu, đúng sai không quan trọng.

Gọi ngày 9/9 âm lịch là Trùng Cửu (重九) vì cả ngày 9 và tháng 9 đều là ngày dương; số 9 là một cơ số, cơ số là một số dương trong Tiên Thiên Bát Quái Hà Đồ, số 9 là số chiếm vị trí quẻ Ly ở phương Nam trong Cửu Cung Bát Quái (ma phương, gồm 9 ô cộng ngang dọc, chéo đều bằng 15). Quẻ Ly thuộc hành Hoả, là một quẻ dương. Tết Trùng Cửu còn gọi là tết Trung Dương (重陽) là vì thế.

Cái thể của quẻ Ly tuy 2 dương trên dưới kẹp 1 âm ở giữa nhưng lại là quẻ âm. Sở dĩ người ta nói hành hoả ở phương Nam thuộc dương là chú trọng về cái dụng của quẻ Ly, âm thì dùng cho dương cũng như cái dụng của Khôn là Kiền, cái dụng của Thuỷ là Hoả và ngược lại. Quẻ Ly có 2 hào dương cách nhau bởi 1 hào âm nên trùng dương cũng là vì lẽ đó.

 'Trùng' theo nghĩa chữ Hán có nhiều nghĩa tuỳ theo vai trò và từ loại của nó nằm trong văn phong (context) của câu. Ở đây, 'trùng' có thể được hiểu như một lượng từ (danh từ chỉ số lượng) có nghĩa là sự chồng chất lên, mang nghĩa lũy tích, trùng cửu vì thế là sự lặp lại của số 9 trong ngày 9/9. Trùng Dương là sự lặp lại của dương. Còn nếu coi 'trùng' ở đây là một động từ thì nó có nghĩa là thêm vào, nếu xem như là một trạng từ thì có có nghĩa là sự lập lại, tái diễn. Cho nên dù được hiểu theo loại từ nào thì 'trùng' ở đây đều có nghĩa là nhiều hơn 1 lần. Trùng Dương còn được gọi là Trùng Cửu vì lấy ngày 9/9 âm lịch làm ngày lễ tết này. Ngoài ra, cửu () có một chữ đồng âm khác nghĩa (homonym) là chữ , có nghĩa là lâu dài. Tết Trùng Dương người xưa bên Trung Hoa uống trà hoa cúc vì đó là mùa hoa Cúc (Xuân Lan Thu Cúc mặn mà cả hai - Kiều), đó là ngày kính lão (sống lâu, trường thọ trong nghĩa chữ , ngày tế tổ (như là linh hồn tổ tiên phục dương thế).

Ngày Song Thập là ngày quốc khánh của nước Trung Hoa Dân Quốc được thành lập từ sau ngày khởi nghĩa Vũ Xương (thuộc Vũ Hán, Hồ Bắc, TQ ngày nay) mở đầu cho sự thành công của cuộc cách mạng Tân Hợi (10/10/1911), nay vẫn còn tồn tại ở Đài Loan. Gọi là Song Thập vì ngày 10 tháng 10 có 2 số 10.

Ngày 7/7 âm lịch được gọi là ngày song thất cũng một phần vì ngày đó có 2 số 7. Ngày Song Thất là tên khác của tết Thất Tịch (七夕). Ít thấy chữ người ta nói đến ngày Song Thất. Ngày Thất Tịch được nói đến trong sách Thành Ngữ Khảo (成語考) như là ngày hai chòm sao Ngạn Tinh (彥星宿) tức Ngưu Lang và chòm sao Chức Cơ (織姬宿) tức Chức Nữ được hội ngộ mỗi năm 1 lần tại cầu Ô Thước (烏鵲) vào đêm 7/7 âm lịch. Nguyên văn trong Thành Ngữ Khảo:參商二星,其出沒不相見;牛女兩宿,惟七夕一相逢('Tham Thương nhị tinh, kỳ xuất một bất tương kiến; Ngưu Nữ nhị túc, duy thất tịch nhất tương phùng'; nghĩa là sao Hôm và sao Mai ra vào không bao giờ thấy nhau, chòm Ngư Lang và chòm Chức Nữ chỉ mỗi năm đêm 7/7 mới gặp 1 lần). Ngày 7/7 âm lịch sau này được nhiều người trong bàng dân thiên hạ xem như ngày lễ tình nhân.

Theo em thì gọi là 'trùng' hay 'song' thì tuỳ theo ý nghĩa đặc thù của từng ngày lễ. Tuy cả 2 đều là danh từ chỉ số lượng, trùng mang nghĩa tích luỹ, lăp lại trong khi song có nghĩa là hai về số lượng. Ngoài ra, lưỡng, nhị, đôi, cặp cũng có nghĩa tương tự như 'song' nhưng không có nghĩa 'trùng'.

Nhân ngày Trùng Cửu, em xin gửi tặng quý anh chị 2 bài thơ của Lý Bạch một bài cho ngày Trùng Dương và bài kia cho 1 ngày sau Trùng Dương. Đối với tửu thi nhân như Lý Bạch thì dù ngày 9 hay ngày 10 gì cũng là Trùng Dương vì ngày nào cũng 'bảo con con đem ngựa tốt, áo quý ra đổi lấy rượu cùng bạn uống tiêu cái sầu vạn cổ:

'五花馬,千金裘。

呼兒將出換美酒,與爾同銷萬古愁。將進酒 李白

(Ngũ hoa mã, thiên kim cầu.

Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu, dĩ nhữ đồng tiêu vạn cổ sầu) Tương tiến tửu - Lý Bạch. Sau đây là 2 bài thơ mà em thường gọi đùa là 'trùng cửu' và 'trùng trùng cửu'.

九日龍山飲

九日龍山飲,黃花笑逐臣。
醉看風落帽,舞愛月留人

Cửu nhật long sơn ẩm

Cửu nhật long sơn ẩm, 
hoàng hoa tiếu trục thần.
Tuý khán phong lạc mạo, 
vũ ái nguyệt lưu nhân.

Tạm dịch: Trùng cửu uống rượu trên núi Long Sơn.

Trùng Cửu say trên núi,
Cúc cười người bị đuổi.
Gió tung nón người say,
Cùng ánh trăng múa may.

九月十日即事


昨日登高罷,
今朝更舉觴。
菊花何太苦,
遭此兩重陽?

Cửu nguyệt thập nhật tức sự

Tạc nhật đăng cao bãi, 
kim triêu canh cử trường.
Cúc hoa hà thái khổ, 
tao thử lưỡng trùng dương?

Tạm dịch: 

Ngày sau Trùng Cửu 


Hôm qua say trên cao,
Sáng nay lại nâng chén.
Hoa Cúc sao mà khổ!
Trùng Trùng Dương là sao?

Lày A Mản



2)- Trùng và Song (重與雙)

Xin góp ý thêm về câu hỏi : "Khi nào gọi là Song , khi nào gọi là Trùng ?" với tình thần dĩ văn hội hữu (以文會友), để nhóm bạn bằng ngôn tự và lời văn.

Theo sự hiểu biết thiển cận của tôi, Trùng (重) và Song (雙) đôi khi có thể sử dụng lẫn nhau vì có nghĩa là trùng lắp, lặp lại:

Tết Trùng Thập (mùng 10 tháng 10 âm lịch) còn gọi là Tết Song Thập (Hán-Nôm: 雙十) là ngày của các vị thầy thuốc thời xưa. Vào tháng 10, những cây thuốc hấp thụ được khí âm dương của trời đất, kết tụ được sắc thái của tứ thời (Xuân, Hạ, Thu, Đông) mà trở nên có linh khí. Tháng 10 cũng là mùa màng thu hoạch tốt nhất trong năm, người ta thường làm nhiều món ăn thật phong phú để cúng bái và tạ ơn đất trời sau một mùa gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp.

Tết Song Thất (ngày 7 tháng 7 âm lịch) còn được gọi là Trùng Thất tức là Thất Tịch (Hán-Nôm: 七夕). Lịch sử ngày này gắn bó với câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ hoặc vợ chồng Ngâu với nhiều dị bản. Theo truyền thuyết, sau một năm xa cách, hằng năm cứ đến ngày này , Ngưu Lang và Chức Nữ được hội ngộ bên cầu Ô Thước.

Tết Trùng Ngũ (ngày 5 tháng 5 âm lịch) còn được gọi là Tết Song Ngũ tức là Tết Đoan Ngọ (Hán-Nôm: 瑞午節) là ngày người dân tưởng nhớ vị trung thần yêu nước tên là Khuất Nguyên. Vì bị gian thần gièm pha hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ngày mùng 5 tháng 5. Dân làng vô cùng thương xót, họ đã chèo thuyền đến giữa dòng sông để cố gắng cứu vớt nhưng không thành. Sau để tưởng nhớ và tỏ lòng thương tiếc một vị thần trung nghĩa. Vào ngày này hàng năm, dân chúng làm bánh Ú, bên ngoài quấn chỉ ngũ sắc (ý làm cho cá hoảng sợ, không lại gần phá hoại thi thể của ông), rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh xuống để tế bái Khuất Nguyên.

Mặt khác, vì đặc trưng và thói quen của nền văn hóa, có những từ ngữ bắt buộc phải dùng "Trùng":

重重叠叠的山巒 (ngọn núi chồng chất lên nhau) Trùng trùng điệp điệp đích sơn loan, ngọn núi trùng trùng điệp điệp, không nói ngọn núi song song điệp điệp.

福不重來 (phước không đến 2 lần), phước bất trùng lai, không nói phước bất song lai.


Hoặc có những từ ngữ bắt buộc phải dùng "Song"

福慧雙修 (Tu phước tu tuệ) phước tuệ song tu, không nói phước tuệ trùng tu.

雙飛燕 (hai con chim én bay kề vai sánh cánh) song phi yến, không nói trùng phi yến.

Tiện đây, xin mạn phép lược thuật một chút cảm nghĩ về "chữ và nghĩa". Con người vốn lệ thuộc chữ nghĩa quá nhiều, tưởng chừng như ngoài chữ nghĩa là không còn gì nữa! Thực ra, ngôn tự (言字) tức lời nói và chữ viết chỉ là thông tin quy ước dùng làm phương tiện diễn đạt ý. Các trí giả xưa không bám chặt vào ngôn tự và phương pháp, bởi vì mục đích chính không nằm trong đó, chúng chỉ là những phương tiện nhất thời nhằm hướng dẫn đến hình và sắc của sự vật bên ngoài mà thôi. Hơn nữa, trong hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới, khá phổ biến hiện tượng đồng tự khác nghĩa, thậm chí có nghĩa tương phản. chẳng hạn:

“Quân”(君) nghĩa là vua và “quân”(軍)nghĩa là lính. Vua và lính rõ ràng là hai vị thế xã hội, hai cấp bậc tương phản một trời một vực. Vua thì ở ngôi cao nhất còn lính là vị trí có thể nói gần như dưới cùng.

"Phụ” (父) chỉ đàn ông và “Phụ”(婦) chỉ đàn bà.

Chữ “phụ” với nghĩa chỉ đàn ông được sử dụng điển hình qua trường hợp chỉ người cha như: thân phụ, dưỡng phụ; chữ “phụ” với nghĩa chỉ đàn bà xuất hiện điển hình qua các từ như: phụ nữ, thiếu phụ, chinh phụ...Sự khác biệt tương phản giữa “phụ” (chỉ đàn ông) và “phụ” (chỉ đàn bà) là sự khác biệt về giới tính, ngoại hình, tính cách cùng nhiều thiên chức trong cuộc sống.

“Minh”(冥) nghĩa là tối “u u minh minh” với nghĩa là sâu kín tối tăm. “minh”(明) nghĩa là sáng như: bình minh, minh bạch, minh chứng, minh xét…

“Liệt” (烈) có nghĩa gốc là ngọn lửa nóng, từ đó biểu tượng cho những phẩm chất tốt đẹp, ngay thẳng của con người như trong các từ: liệt nữ, liệt sĩ, lẫm liệt... “Liệt”(劣) có nghĩa là “kém, xấu” như trong những từ: bại liệt, tê liệt, liệt giường...

Trong cuộc sống hằng ngày xuất hiện không ít những vấn đề khiến chúng ta đặt dấu chấm hỏi lớn. Có những vấn đề sinh ra một cách rất mâu thuẫn nhưng chúng ta không biết phải giải thích như thế nào? Trong đời sống hàng ngày, Chữ nghĩa và Từ ngữ được dùng để chuyên chở ý tưởng, nhưng có bao giờ chúng ta bất chợt nghĩ đến “nghĩa thật” hoặc xuất xứ của những từ ngữ thường dùng trên đầu môi chót lưỡi không ? Đôi khi, chính từ những ý thắc mắc bâng quơ đó mà ta sẽ ngạc nhiên khi tìm thấy thật nhiều suy nghĩ về cuộc đời, về con người, về thế thái nhân tình, về duyên nợ hồng trần và đôi khi những bài học kỳ thú về lịch sử nữa …

Xin mượn những câu triết lý uyên thâm của Trang Tử để kết thúc cho bài viết hôm nay:


"Thuyên giả sở dĩ tại ngư, 
đắc ngư nhi vong thuyên (筌者所以在魚,得魚而忘筌)

Ðề giả sở dĩ tại thố, 
đắc thố nhi vong đề (蹄者所以在兔,得兔而忘蹄)

Ngôn giả sở dĩ tại ý, đắc ý nhi vong ngôn 
(言者所以在意,得意而忘言)"

Nghĩa:

Có nơm là vì cá, 
được cá hãy quên nơm.
Có dò là vì thỏ, 
được thỏ hãy quên dò.
Có lời là vì ý, 
được ý hãy quên lời.

Trường
Tết Trùng Cửu
10-23-2023