1/ Nước Anh và miền Bắc Mỹ. Các nhà thám hiểm vào thế kỷ 16 đã theo chân Christopher Columbus đi khám phá các miền đất xa lạ tại Tân Thế Giới. Họ bị thúc đẩy bởi ba lý do. Thứ nhất, họ tìm kiếm vàng bạc. Các vua chúa cử các nhà thám hiểm vượt đại dương đã đồng ý chỉ nhận một phần năm số vàng tìm được, phần còn lại thuộc về nhà thám hiểm. Lý do thứ hai là vinh quang mà nhà thám hiểm mang lại cho đất nước và nhà vua. Việc truyền đạo Thiên Chúa là lý do thứ ba.
Vào năm 1497, John Cabot là một thuyền trưởng người Ý, đã vì nước Anh đi thám hiểm phần đông bắc của lục địa Bắc Mỹ. Ngoài ra còn có John Verrazano và Jacques Cartier đi thuyền dọc theo phần bờ biển phía đông của Bắc Mỹ và giành phần đất cho nước Pháp. Một nhà thám hiểm khác người Tây Ban Nha tên là Juan Ponce de Leon vào năm 1513 đã lên bờ tại Florida rồi sau đó, chinh phục các hải đảo Puerto Rico. Francisco de Coronado là một nhà quý tộc Tây Ban Nha đã thám hiểm miền tây nam của xứ Hoa Kỳ ngày nay vào năm 1540 và 1541, và trong cuộc tìm kiếm vàng, Coronado đã tới Kansas và là người đầu tiên nhìn thấy Grand Canyon của miền Arizona.
Thám hiểm tại Canada có Henry Hudson, Robert Sieur de La Salle, trong khi miền Brazil có Pedro Cabral nhận phần đất cho nước Bồ Đào Nha. Người Tây Ban Nha đặc biệt chú ý đến việc khám phá hai miền Trung Mỹ và Nam Mỹ. Họ đã tìm thấy hai nền văn minh giàu có của các dân tộc Aztecs tại xứ Mexico và Incas tại xứ Peru. Vàng và bạc chiếm được của hai xứ sở này đã khiến cho Tây Ban Nha là quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới sau các năm 1500.
Trong việc tranh giành các miền đất mới tại Tân Thế Giới, nước Anh là quốc gia chậm chễ nhất. Vào giữa thế kỷ 16, trong khi Tây Ban Nha đã khai thác miền Trung Mỹ và Nam Mỹ thì nước Anh còn bận rộn với các xáo trộn chính trị và tôn giáo, nhưng dưới triều đại của Nữ Hoàng Elizabeth I từ năm 1558 tới năm 1603, các rắc rối kể trên đã dần dần được giải quyết. Trong các năm này, nền mậu dịch đã mang lại thịnh vượng cho nước Anh. Các thương gia người Anh đã giàu có lên nhờ việc buôn bán len với các quốc gia châu Âu.
Việc mậu dịch của nước Anh không chỉ giới hạn tại vùng biển English Channel mà còn đi xa hơn, khiến cho các chi phí và rủi ro quá lớn vào thời kỳ đó. Để vượt qua trở ngại, các thương gia Anh đã đi tới một giải pháp, đó là thành lập các công ty cổ phần (joint stock company) để chung vốn và chia đều các may rủi nếu có và cũng nhờ vậy, việc mậu dịch của họ đã lan tới tận các nước Nga và Ấn Độ.
Vào thời kỳ đó, nhu cầu về nguyên liệu len gia tăng đã khiến cho các chủ đất người Anh chuyển từ các nông trại trồng thực phẩm thành các khu đất nuôi cừu và đây là phong trào "cắm rào" (enclosure movement). Cũng do phong trào này, hàng ngàn nông dân người Anh bị đẩy ra khỏi ruộng đất mà họ thường thuê mướn để canh tác. Những người nghèo túng này đã phải đi lang thang khắp nơi, tìm cách kiếm sống.
Trong hai thế kỷ 16 và 17, đất canh tác tại nước Anh là nguồn tài sản và lợi tức chính yếu. Diện tích đất đai sở hữu là cây thước đo lường mức độ giàu sang, địa vị và tầm quan trọng trong xã hội Anh. Cũng vì thế, các thương gia giàu có đã bỏ tiền ra mua các vùng đất rộng lớn và trở nên giai cấp cao, có quyền hành. Nhưng đất đai của gia đình thường được người con trưởng thừa kế, khiến cho các người con thứ phải đi tìm các miền đất khác. Trong thời gian giữa các năm 1540 và 1640, dân số của nước Anh đã tăng gấp hai, khiến cho đất canh tác lại càng khan hiếm và đắt giá. Một cách giải quyết khó khăn này là di dân tới các miền thuộc địa tại Tân Thế Giới.
Christopher Columbus và con tàu Santa Maria |
Vào năm 1492, Christopher Columbus đã tìm thấy một miền đất mới mà chính ông ta không biết rõ. Tân Thế Giới hay châu Mỹ gồm hai lục địa rộng hơn 42 triệu cây số vuông, trải dài hơn 15,500 cây số theo hướng bắc nam, chỗ rộng nhất của lục địa Bắc Mỹ là 4,800 cây số, còn của Nam Mỹ là 5,150 cây số. Hai lục địa này đã chứa rất nhiều tài nguyên kể cả vàng và các quặng mỏ khác. Đây là nơi có trùng trùng điệp điệp các đồng bằng, thung lũng, núi non bao gồm bên trong các cánh đồng trồng trọt và đồng cỏ phì nhiêu. Định cư tại Tân Thế Giới là sắc dân da đỏ. Họ sinh sống nhờ săn bắn, đánh cá hay canh tác một số cây có giá trị như bắp, khoai tây, bí và dưa, đậu và vài loại ngũ cốc khác.
2/ Lý do thành lập xứ thuộc địa. Việc thành lập ra các xứ thuộc địa nằm ngoài nước Anh là mối quan tâm của một số nhân vật. Các vị thức giả này đã nhìn thấy rằng ngoài ba nhu cầu là vàng, sự vinh quang và việc truyền đạo, còn có các nguyên do phụ khác. Đầu tiên, nước Anh là một quốc gia theo đạo Tin Lành, có nhiều mối thù nghịch với nước Tây Ban Nha theo Cơ Đốc giáo (Catholic). Nền kinh tế, công việc làm ăn tại nước Anh và các tài nguyên khai thác được tại Tân Thế Giới là các nguyên do sau.
Cũng vì vậy, tu sĩ Richard Hakluyt đã viết các bài tham luận, nói rằng: "Thiết lập một xứ thuộc địa của nước Anh sẽ tránh cho việc nước Tây Ban Nha chiếm đoạt tất cả châu Mỹ. Từ châu Mỹ, nước Anh có thể lấy được thân cây dùng làm cột buồm và kiếm ra được các đồ tiếp liệu hàng hải như nhựa cây. Nước Anh với các nhà đóng tầu tài giỏi nhất trên thế giới, với nguồn cung cấp dồi dào các thanh niên gan dạ để dùng vào các con tầu biển mà hiện nay họ đang thất nghiệp, và như vậy thật là dễ dàng biết bao cho Hải Quân của chúng ta trong việc ngăn chặn Hải Quân Tây Ban Nha mỗi năm mang vàng bạc về xứ của họ. Thành lập môt xứ thuộc địa tại châu Mỹ cũng làm thăng tiến đạo Tin Lành. Việc này cũng cung cấp một nơi cư ngụ nhờ đó các người thất nghiệp của nước Anh có thể phát triển trong các điều kiện tốt hơn là hiện tại… ".
Một nhà văn khác cũng ủng hộ việc xây dựng các xứ thuộc địa tại Tân Thế Giới là Sir George Peckham.Từ năm 1583, Sir Peckham đã bỏ vốn vào một công ty lo thiết lập một xứ thuộc địa tại Newfoundland và đã lập luận rằng: "… nhiều nguời đều biết rằng các người da đỏ rất ưa thích mọi loại y phục dù cho loại đó có đơn giản tới đâu. Một thị trường dành cho quần áo của nước Anh sẽ phát triển từ đây và sẽ là một mối lợi lớn cho những ai tham dự vào việc may cắt và buôn bán quần áo. Hơn nữa, đất nước của chúng ta sẽ rất có lợi bởi vì một số lớn người thất nghiệp vốn là gánh nặng cho nước Anh, sẽ được gửi đi làm việc tại châu Mỹ. Cảnh trì trệ sẽ không còn trên đất nước, các thành phố được sống lại, nhiều người nghèo túng được giúp đỡ và các người da đỏ được dạy dỗ để biết về Chúa Jesus".
Trước tình trạng kinh tế trong nước và các thành quả khai thác Tân Thế Giới của các nước Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, Nữ Hoàng Elizabeth I cũng cố gắng tìm ra các giải pháp. Không giống như Vua Tây Ban Nha, Nữ Hoàng Anh không có khả năng tài chính để trợ giúp các xứ thuộc địa nên đã soạn ra các hợp đồng với các cá nhân và các công ty để thành lập ra vài xứ thuộc địa cho nước Anh.
Vào năm 1606, vị vua mới của nước Anh là James I đã ký một đạo luật công nhận việc lập ra một công ty cổ phần chủ trương do một nhóm thương nhân và quý tộc tại London, gọi tên là "Công Ty Virginia". Công ty này có quyền định cư, khai thác và quản trị các phần đất giới hạn tại Tân Thế Giới.
Công Ty Virginia này đã in ra các tờ quảng cáo phân phát tại nhiều thành phố của nước Anh với nội dung như sau: "Bản thông báo này được phổ biến để công bố về chuyến đi của mọi loại công nhân thuộc bất cứ ngành nghề nào: thợ rèn, thợ làm ống kim loại, thợ đóng tầu biển, thợ đồ gỗ và mọi người thuộc các công việc như kim loại, xây tường, kiến trúc, lò bánh mì, dệt vải, làm giầy, xẻ cây, dệt len, cả nam lẫn nữ thuộc bất cứ nghề nghiệp nào, những người muốn tham dự vào cuộc viễn du này để thuộc địa hóa một miền đất. Họ sẽ được liệt kê là các nhà đầu tư trong cuộc viễn du tới xứ Virginia, tại nơi đó họ sẽ được Công Ty cung cấp nhà để ở, các vườn rau và vườn trái cây, đồ ăn cùng quần áo. Ngoài ra họ sẽ nhận được phần chia các sản phẩm và lợi nhuận do sức lao động của họ, mỗi phần theo tỉ lệ và họ cũng nhận được một phần đất chia vĩnh viễn cho họ và các người thừa kế".
Vào ngày 20 tháng 12 năm 1606, ba con tầu biển tên là Godspeed, Discovery và Susan Constant do thuyền trưởng Christopher Newport chỉ huy, đã chở theo 120 người, rời nước Anh để tới châu Mỹ. Bốn tháng sau, đoàn tầu đi vào Vịnh Chesapeake và ngoài 16 người bị chết trên đường đi, 104 người định cư đã đổ bộ lên một bán đảo sình lầy cách giòng sông James 48 cây số. Từ đó, thị trấn Jamestown được thành lập và đây là xứ thuộc địa đầu tiên của nước Anh trên miền đất Tân Thế Giới.
3/ Xứ thuộc địa Jamestown. Xứ thuộc địa Anh đầu tiên được thành lập tại châu Mỹ vào ngày 14 tháng 5 năm 1607 trên một bán đảo gần giòng sông James, ngày nay thuộc tiểu bang Virginia. Đây là một thứ chính quyền dân chủ đầu tiên tại Bắc Mỹ và thị trấn Jamestown được đặt tên theo Vua James I của nước Anh. Người lãnh đạo xứ thuộc địa này được gọi là thống đốc (governor) nhưng thực ra, là một nhà quản trị nhận lệnh từ các nhà đầu tư tại London, lo việc thương mại và điều hành cách khai thác địa phương với mục đích chính là phải sinh lời.
Viên thống đốc đã chia các người định cư thành ba nhóm, mỗi nhóm 40 người. Nhóm đầu tiên làm công tác xây dựng nhà kho chứa thực phẩm và pháo đài để bảo vệ, tránh các trận tấn công của dân da đỏ. Nhóm thứ hai lãnh nhiệm vụ trồng trọt hoa màu và nhóm còn lại phụ trách việc làm ra lợi nhuận. Các người định cư được lệnh đi thám hiểm các giòng sông, tìm hiểu các miền đất lạ và mỗi khi gặp một nơi có quặng mỏ thì cố tìm cách đào ra vàng. Để làm công việc này, Công Ty Virginia đã gửi tới thị trấn Jamestown nhiều người thợ vàng, họ tới trong chuyến tầu kế tiếp vào dịp đầu năm 1608. Các người định cư cũng được chỉ dẫn nên buôn bán thực phẩm và lông thú với thổ dân da đỏ.
Các năm đầu tiên của nhóm người định cư trên thuộc địa Virginia không phải là tốt đẹp. Họ đã được chỉ dẫn trước kia tại London là phải chọn một địa điểm có lợi cho sức khỏe lại phòng thủ dễ dàng. Nhưng nơi cư trú của họ là một bãi đất thấp, sình lầy, không đúng tiêu chuẩn vệ sinh. Con tầu chở đồ tiếp tế tới Jamestown 8 tháng sau đã thấy rằng chỉ còn sống sót 38 người trong số 104 người khi trước. Các người định cư mới này đã gặp khó khăn vì thiếu thực phẩm, bị bọn da đỏ tấn công và gặp trở ngại trong việc cất giữ tài sản chung.
Các người định cư gặp nạn đói vì xứ thuộc địa Jamestown này đã thất bại trong việc trồng trọt thực phẩm. Một lý do là vì nhiều người đã mải lo tìm vàng, bỏ qua việc canh tác. Lý do khác là do một số người không quen làm việc bằng chân tay tại nước Anh, nay qua Tân Thế Giới cũng không muốn lao động vất vả. Lý do thứ ba do cách sở hữu đất đai. Theo tờ thông báo, các người định cư sẽ được phân phối một phần đất dành vĩnh viễn cho họ và cho con cháu họ. Nhưng tại xứ thuộc địa Virginia, điều đó đã không xẩy ra. Đất đai được canh tác tại Tân Thế Giới thuộc quyền Công Ty và mọi người được cung cấp thực phẩm từ nhà kho chung, không kể tới người đó làm việc nhiều hay ít, vì thế đã sinh ra thái độ "phó mặc cho người khác làm".
Đại Úy John Smith |
Vào năm 1608, Đại Úy John Smith trở nên người lãnh đạo nhóm dân định cư. Ông Smith thấy rằng xứ thuộc địa này không thể trông cậy vào các nhà đầu tư tại London và người dân định cư không nên nhắm mắt đi tìm vàng mà phải chặt cây, phá rừng, trồng hoa màu. Đại Úy Smith đã ra lệnh: "ai không làm việc, sẽ không có ăn" và điều này áp dụng cho tất cả mọi người. Nhưng vào năm sau, 1609, Đại Úy Smith trở về nước Anh. Một trận hỏa hoạn đã xẩy ra và mùa đông tới càng làm cho đám di dân này khốn khổ. Thực phẩm thiếu, rất nhiều người ngả bệnh. Tới mùa xuân năm 1610, trong số 600 người tới xứ Virginia, chỉ còn sống 60 người. Các người sống sót đang chuẩn bị đầu hàng và bỏ về nước Anh thì một đoàn tầu tiếp tế với các di dân khác đến, cùng vị thống đốc mới là Lord De la Warr (sau này viết là Delaware).
Trong các năm tiếp theo, đã có hai cải cách quan trọng, làm thay đổi tương lai của xứ Virginia. Cải cách thứ nhất thuộc về đất đai. Từ đầu năm 1614, Công Ty Virginia đã phân phối miễn phí 3 sào (acres) đất (rộng 1.2 hecta) cho những người định cư nào sống tại xứ thuộc địa được 7 năm. Những người này chỉ phải đóng một số lượng ngô (bắp) nhỏ cho kho thực phẩm chung, còn các loại hoa màu khác thuộc quyền sở hữu của họ, nhờ vậy tới năm 1616, phần lớn các người thuộc địa đã sống tự túc được trên mảnh đất phân chia.
Về sau, Đại Úy Smith đã ghi lại như sau: "Trước kia khi các người của chúng tôi được một cửa hàng chung nuôi ăn và cùng lao động tập thể, kẻ nào trốn việc thì vui mừng, còn công sức của một người lương thiện nhất trong một tuần lễ cũng chỉ bằng thứ họ làm ra hiện nay trong một ngày".
Việc cải cách thứ hai liên quan đến nền kinh tế của xứ Virginia. Ý định của các nhà đầu tư tại London là miền Virginia này sẽ sản xuất ra được một món hàng nào đó để bán đi, mang lại lợi nhuận. Trong các năm đầu, Công Ty Virginia đã gửi qua Tân Thế Giới nào thợ bạc, thợ thủy tinh, thợ làm rượu chát, thợ dệt lụa… nhưng sau một số năm tháng, vàng, lụa, rượu chát, thủy tinh… đã không cứu vãn được nền kinh tế của xứ Virginia mà lại là một thứ cây tầm thường: cây thuốc lá. Sắc dân da đỏ tại địa phương này trong nhiều thế hệ đã trồng và hút thuốc lá. Năm 1612, ông John Rolfe là một trong các nhà thuộc địa, đã mang hạt giống thuốc lá trồng thử tại các đảo miền Tây Ấn. Khi được trồng tại xứ Virginia, cây thuốc lá đã phát triển rất tốt đẹp nhờ khí hậu và đất đai thích hợp.
30 năm về trước tại nước Anh có rất nhiều người ưa thích hút thuốc lá và người ta đã mua thuốc lá với giá cao, vì vậy chỉ trong vòng vài năm, mọi người sống trong xứ thuộc địa Virginia đều trồng cây thuốc lá tại khắp nơi, ngay cả trên đường phố của thị trấn Jamestown. Năm 1619, nước Anh đã mua hơn 18,000 kilô thuốc lá từ xứ Virginia, tức là cao hơn sản lượng của bất cứ nơi nào trên thế giới. Tới 10 năm sau, xứ Virginia đã bán cho nước Anh số lượng 30 lần hơn. Thuốc lá là thứ hoa màu mang lại nền thịnh vượng cho miền đất thuộc địa Virginia.
Sự phát triển ngành trồng thuốc lá đã khiến cho thiếu đi sức lao động tại xứ thuộc địa Bắc Mỹ này. Vì vậy Công Ty Virginia phải dùng nhiều cách để dụ người di cư sang châu Mỹ. Họ đã gửi qua Tân Thế Giới cả trẻ mồ côi và quảng cáo rằng các phụ nữ nào muốn kiếm chồng có thể tới xứ Virginia. Nhưng có một nguyên do đã lôi cuốn nhiều người qua châu Mỹ, đó là cơ hội để sở hữu đất đai.
Năm 1618, Công Ty Virginia công bố rằng họ tặng không các mảnh đất rộng từ 50 tới 100 sào, tức là từ 20 tới 40 hecta đất trống cho bất cứ người Anh muốn di chuyển qua Virginia, Bắc Mỹ. Người di dân như vậy không cần phải làm việc cho Công Ty Virginia trong 7 năm mà từ nay, có thể trở nên chủ đất ngay lập tức. Người di dân còn được tặng thêm 50 sào đất nữa (20 hecta) nếu trả lệ phí tầu biển cho một công dân làm mướn và nếu ai chịu nhận đi xa làm mướn tại Bắc Mỹ trong một số năm, cũng lãnh 50 sào đất khi thời hạn phục vụ chấm dứt.
50 sào đất hay 20 hecta đất! Đây là giấc mộng mà đa số người dân Anh hằng mơ tưởng trong cả đời người! Chính sách đất đai của Công Ty Virginia đã làm gia tăng rất nhanh số di dân qua châu Mỹ và vì thế, trong các năm từ 1619 tới 1624, có 4,500 người đã tới định cư tại xứ Virginia và làm cho miền thuộc địa này được ổn định. Cũng vào năm 1619, một con tầu biển Hòa Lan đã chở theo 20 nô lệ châu Phi tới thị trấn Jamestown, mở đầu cho công việc buôn người.
Các người định cư tại xứ thuộc địa Virginia đã gặp các cơ hội mới, họ đã có cuộc sống mới tốt đẹp hơn đời sống cũ tại nước Anh và vì vậy, Đại Úy Smith đã ghi lại như sau: "Ở đây, chúng tôi được cho không thiên nhiên và tự do, là những gì phải trả giá cao tại nước Anh. Không gì vui thú hơn việc trồng trọt tới mệt sức các cây nho, cây trái hay làm việc tại các hầm mỏ của chính mình, trên cánh đồng, vườn rau, vườn trái cây hay xây nhà, đóng tầu hoặc các công việc khác".
Trong khi các người định cư của xứ Virginia trở nên thịnh vượng thì Công Ty Virginia lại không thành công. Các lợi tức do trồng thuốc lá đã về tay các người thuộc địa. Công Ty Virginia chỉ thu được lời khi bán nông sản của nước Anh cho các di dân. Cuối cùng, Vua James thu hồi quyền hành của Công Ty Virginia vào năm 1624 và vai trò của công ty này bị chấm dứt.
4/ Dân Pilgrim và con tầu Mayflower.Đối với một số người dân nước Anh, Tân Thế Giới là một miền đất của "cơ hội" vì tại nơi này, mọi người hưởng thụ Tự Do để bắt đầu mọi chương trình, mọi kế hoạch. Người dân xứ thuộc địa ngoài cơ hội làm giàu, còn được tự do tín ngưỡng.
Trong công cuộc Cải Cách đạo Tin Lành vào thế kỷ 16, Vua Henry VIII của nước Anh đã tuyệt giao với Nhà Thờ Cơ Đốc La Mã để lập nên Nhà Thờ Anh Cát Lợi mà đứng đầu là nhà vua. Hành động này của Vua Henry VIII đã khiến cho dân chúng Anh bị chia rẽ làm hai với đa số dân chấp nhận Nhà Thờ của nước Anh, số còn lại vẫn trung thành với truyền thống Thiên Chúa Giáo La Mã cũ và chống lại niềm tin mới. Về phía dân theo đạo Tin Lành, họ muốn rằng Nhà Thờ Anh Cát Lợi phải cách biệt xa hơn nữa khỏi Giáo Hội Cơ Đốc La Mã. Trước các đòi hỏi của cả hai phía, Vua nước Anh đã dùng chính sách đàn áp cả hai phe tôn giáo cực đoan.
Vào thời đó, người theo đạo Tin Lành cực đoan muốn "thanh lọc" hết các ảnh hưởng Cơ Đốc giáo La Mã nên họ có tên là tín đồ Thanh Giáo (Puritans). Những người này đòi hỏi hủy bỏ mọi nghi thức tế lễ cũ, các bài hát lễ, các tượng thờ, các loại áo lễ của tu sĩ, các cửa kính nhà thờ có màu sắc… Họ không muốn có giám mục, họ đòi quản trị lấy giáo phận. Những người này muốn tổ chức giáo hội theo ý của riêng họ, cũng như hành lễ theo cách riêng. Những người Thanh Giáo này không phải là các nhà cách mạng nguy hiểm mà chỉ là các người dân thường của nước Anh: nông dân, thương nhân, trí thức, đặc biệt còn có một số học giả thuộc Đại Học Cambridge chẳng hạn như ông John Milton, đại thi hào, đã để lại một di sản văn chương vô giá.
Vua nước Anh thời bấy giờ là James I, lên ngôi năm 1603. Nhà vua không những là vị đứng đầu Nhà Thờ Anh Cát Lợi mà còn là nhà cai trị nước Anh. Thách đố đối với quyền lực của Nhà Thờ Anh Cát Lợi có nghĩa là chống đối lại nhà vua. Vì vậy, Vua James I đã tuyên bố: "Ta sẽ làm cho họ phải tuân phục hoặc ta sẽ đẩy họ ra khỏi xứ".
Vua nước Anh muốn rằng mọi người dân Anh phải thuộc về Nhà Thờ Anh Cát Lợi, như vậy người dân không được hưởng tự do tín ngưỡng. Một nhóm người muốn ly khai khỏi Anh Cát Giáo bị gọi là những "kẻ chia rẽ" (the separatists) hay "nhóm dân Pilgrim". Họ thường tụ họp bí mật để làm lễ tại căn nhà của ông William Brewster, tọa lạc trong làng Scrooby thuộc Nottinghamshire. Bị theo dõi, bị giam cầm và hành hạ, các dân Pilgrim đã bỏ chạy qua xứ Hòa lan vào năm 1608. Tại Leiden (Leyden) của Hòa Lan, nhóm nông dân này đã dựng nên một ngôi nhà thờ và lập ra một cộng đồng.
Mặc dù được tự do tôn giáo nhưng sinh sống tại thành phố kỹ nghệ và thương mại của xứ người, các dân Pilgrim đã không cảm thấy thoải mái như tại cố hương khi trước. Họ lo ngại rằng con cháu của họ sẽ học tập lối sống Hòa Lan mới và quên đi các truyền thống cũ của nước Anh. Vì vậy sau 10 năm, nhóm dân Pilgrim lại muốn rời Hòa Lan, qua Tân Thế Giới là nơi họ có thể duy trì được tiếng mẹ đẻ, bảo tồn được các tập quán cũ và xây dựng một xã hội mới.
Đời sống tại nước Anh vào thế kỷ 17 không phải là dễ chịu, với nửa dân số sống dưới mức nghèo đói, với các bệnh truyền nhiễm lay lan dễ dàng trong dân chúng. Tại nông thôn, người dân có đủ ăn vào vụ thu hoạch nhưng trong các tháng ngày còn lại, đời sống của người dân thường vẫn thiếu thốn và người phụ nữ phải làm việc vất vả như nam giới. Nền giáo dục và các phương tiện giải trí chỉ có ở mức độ rất thấp.
Tại các thành phố nước Anh, mức sống có cao hơn nhờ nền mậu dịch về quần áo nhưng kỹ nghệ may mặc chưa chấp nhận phụ nữ, ngoại trừ nghề se sợi. Ngoài xã hội, luật pháp và trật tự không được tôn trọng. Nạn du đãng rất phổ biến. Trước hoàn cảnh xã hội và kinh tế này, các người Thanh Giáo hay dân Pilgrim đã muốn xây dựng nên một xã hội tốt đẹp hơn tại một miền đất mới, mặc dù với một kế hoạch mơ hồ.
Sau ba năm xếp đặt, nhóm dân Pilgrim tại Hòa Lan đã nhận được sự chấp thuận của các nhà tài chính London, nhận trợ giúp để họ được định cư tại xứ thuộc địa Virginia và ngược lại để trả nợ, họ sẽ làm việc cho Công Ty Virginia trong 7 năm và chia phần thu hoạch với các nhà đầu tư Anh.
Từ Leiden thuộc xứ Hòa Lan, nhóm dân Pilgrim xuống tầu Speedwell để qua nước Anh rồi cùng với con tầu biển thứ hai là Mayflower, chở các người "chia rẽ" và một nhóm người lạ khác, rời hải cảng Southampton của nước Anh. Hai con tầu cùng ra khơi nhưng tầu Speewell bị ngấm nước, phải quay trở lại và một số người Pilgrim đã dồn lên tầu Mayflower. Ngày 16 tháng 9 năm 1620, tầu Mayflower rời hải cảng Portsmouth. Thuyền trưởng là ông Christopher Jones.
Ngày nay không còn các tài liệu chính thức ghi chép về kích thước và họa đồ của con tầu Mayflower nhưng các lời kể lại cho biết rằng con tầu này dài khoảng 30 mét (100 feet), chỗ rộng nhất là 8 mét (26 feet), sức chở khoảng 180 tấn và khi chất nặng, mũi tầu nhô lên khỏi mặt nước 8 mét. Thủy thủ đoàn của con tầu gồm 30 người.
Mayflower là một con tầu đi biển loại nhỏ nhưng đã chở theo 102 người. Các sử gia ngày nay thắc mắc không rõ những người trên tầu làm sao kiếm ra đủ chỗ nằm, có lẽ một số hành khách đã ngủ trên các võng hay các kệ. Các phương tiện vệ sinh trên tầu không có. Mọi người chỉ được cung cấp thực phẩm nguội như bánh mì khô, phó mát và các loại cá hay thịt bò ướp muối, vì thế trong chuyến hải hành dài 66 ngày, nhiều người trên tầu đã mắc bệnh hoại huyết và sưng phổi do không được cung cấp đồ ăn tươi sống. Ngoài ra, gió lạnh, sóng biển và bão táp đã làm cho cuộc vượt biển thêm cơ cực. Trong chuyến hải hành này, hai người đã chết và một em bé đã chào đời.
Mục tiêu của con tầu Mayflower là đi tới xứ thuộc địa Virginia nhưng giòng nước và gió bão đã đẩy con tầu này trôi xa hơn về phía bắc và vào ngày Thứ Bẩy, 21-11-1620, các người Pilgrim đã lên bờ tại địa điểm mà ngày nay là Princeton, thuộc tiểu bang Massachusetts. Địa điểm này ở bên ngoài quyền hạn của Công Ty Virginia và trong khi đó, có một số người trên tầu đòi hỏi "một số tự do", vì vậy vài nhà lãnh đạo dân chúng trên tầu Mayflower đã thảo ra "Bản Điều Lệ Mayflower" (the Mayflower Compact), một loại nội quy của nhà thờ dùng vào mục đích dân sự. Mọi người nam trưởng thành đều ký tên vào bản điều lệ này theo đó họ thề trung thành với vị Thống Đốc được bầu cử lên và thề tôn trọng các luật lệ mà họ đồng ý chấp nhận. Thực ra, quyền kiểm soát ở trong tay nhóm người Leiden.
Bản điều lệ kể trên đã loại trừ được các ý tưởng chia rẽ, sự đoàn kết được coi là cần thiết. Đây là một trong các kế hoạch tự quản trị sớm nhất của các người thuộc địa tại Tân Thế Giới. Mùa đông sắp đến, cảnh vật duyên hải của miền Tân Anh Cát Lợi trông rất hoang vắng, các người mạo hiểm này đã phải mất hơn một tháng để tìm kiếm một nơi định cư thích hợp và cuối cùng, vào ngày 21-12-1620, họ đã lên bờ tại một địa điểm được họ đặt tên là Plymouth, để tưởng nhớ lại hải cảng mà họ đã ra đi. Con tầu Mayflower đã ở lại với các người định cư qua mùa đông rồi vào ngày 5-4-1621, con tầu này quay về và tới nước Anh một tháng sau. Ngày nay, không còn tài liệu nào ghi chép lịch sử về sau của con tầu đặc biệt này. Năm 1957, con tầu Mayflower II được đóng theo mẫu của tầu Mayflower I khi trước và cũng đã ra khơi từ hải cảng Plymouth của nước Anh, để đi theo con đường biển lịch sử. Chuyến hải hành này đã mất 53 ngày.
Cuộc sống trong các năm đầu tiên của nhóm dân Pilgrim rất khổ cực vì bệnh tật, thiếu thốn từ lương thực tới các phương tiện căn bản khác. Vào mùa xuân năm 1621, một nửa số dân định cư đã chết, trong đó có cả ông thống đốc John Carver. Các người Pilgrim đã chôn những người chết vào ban đêm và san bằng mặt đất vì lo ngại, không muốn cho dân da đỏ biết số người của họ đã bị giảm bớt đi bao nhiêu. Thực ra, ở gần Plymouth không có bộ lạc da đỏ nào cư ngụ. Giống dân da đỏ Patuxet sống trong vùng quanh đó đã bị chết gần hết vì bệnh đậu mùa, để lại các cánh rừng đã khai quang.
Trên mảnh đất định cư, cộng đồng của dân Pilgrim đã tồn tại được nhờ lòng tận tụy của vị thống đốc kế tiếp là ông William Bradford. Trong vài năm đầu, cách tự quản trị đã được áp dụng với tính công bằng về luật pháp và chính trị. Xứ thuộc địa Plymouth còn được sự giúp đỡ của vài bộ lạc da đỏ địa phương, họ đã tỏ ra có thiện cảm với những người mới đến. Hai người bạn da đỏ là Samoset và Squanto đã học tiếng Anh và trở nên những người thông ngôn đầu tiên. Samoset đã xếp đặt để các người định cư gặp tù trưởng của bộ lạc Wampanoag tên là Massasoit. Họ đã ký với nhau một thỏa ước hòa bình và thỏa ước này đã được tôn trọng cho tới khi nào còn sống người ký tên cuối cùng. Massasoit đã tỏ ra là một người bạn trung thành. Ông ta đã báo cho dân định cư biết trước khi các bộ lạc da đỏ khác tấn công.
Các người da đỏ có thiện cảm đã dạy cho nhiều người định cư cách trồng bắp và đánh cá. Vụ thu hoạch gần cuối năm 1621 thật là phong phú, vì thế nhóm dân Pilgrim đã tổ chức một buổi lễ và Tiệc Tạ Ơn (Thanksgiving). Họ đã mời dự tù trưởng Massasoit cùng với 90 người da đỏ khác và các khách mời này đã góp cỗ bằng 5 con hươu. Bữa tiệc gồm thịt gà lôi, vịt, ngỗng, hươu, bánh mì làm bằng bắp, trái dâu rừng…
Do hợp đồng với các nhà đầu tư tại London khi trước, các người định cư này phải lo trả tiền cho chuyến đi qua Tân Thế Giới, cho nên tài sản của họ kiếm được do xẻ cây, buôn lông thú… đều phải cất vào kho chung, rồi từ kho thực phẩm chung, các đồ ăn và các vật dụng khác được cung cấp cho mọi người. Mặt khác, các nhà đầu tư tại London nhiều khi gửi thêm một số người qua châu Mỹ mà không cung cấp thêm lương thực cho xứ thuộc địa, khiến cho nhóm dân này bị đói ăn trong nhiều năm. Thống đốc Bradford và vài vị lãnh đạo khác đã thương thảo với các thương gia người Anh để thanh toán hết nợ và được phép lập ra các điểm trao đổi hàng hóa với thổ dân da đỏ.
Các năm từ 1630 tới 1640 là thời kỳ thịnh vượng nhất của nhóm dân Pilgrim với thị trường phát triển về bắp, gia súc và các thứ thực phẩm khác nhưng vào cuối thời kỳ này, xứ thuộc địa "Vịnh Massachusetts" đã vượt trội, thu hút khoảng 16,000 dân định cư, khiến cho xứ Plymouth bị suy tàn về cỡ lớn và ảnh hưởng.
Trong hai thế kỷ 17 và 18, các nhóm dân của châu Âu đã tìm thấy tại Tân Thế Giới những cơ hội để phát triển về nhiều loại tôn giáo: người Cơ Đốc (Catholics) định cư tại Maryland, người Thanh Giáo (Puritans) và các kẻ "chia rẽ" trú đóng tại miền Tân Anh Cát Lợi, người theo đạo Quakers phát triển tại miền Pennsylvania còn vùng Nova Scotia thuộc về người Hugenots. Tân Thế Giới còn là miền đất của các giáo phái khác như Presbyterians, Baptists, Rogerenes, Methodists, Quakers và Shakers, Dunkers và Amid, Anglicans và Hugenots.
Tân Thế Giới là một miền đất đa dạng về chủng tộc: Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Ái Nhĩ Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Do Thái, Da Đen từ châu Phi…
Tân Thế Giới là miền đất mà Người Dân đã dùng Nhân Quyền để chống lại Bạo Quyền, dùng nền Dân Chủ chống lại chế độ Quân Chủ, nhờ đó Tài Sản và Tự Do của Người Dân được bảo vệ.
Phạm Văn Tuấn
No comments:
Post a Comment