12/23/19

Tây Du Ký

Theo sách khảo cứu Pháp văn, chẳng những là một nhà sư đạo đức, Huyền Trang còn tỏ ra là một học giả uyên thâm, một nhà du thám kỳ tài, một nhà sử học uyên bác, một nhà địa lý học chơn tài, một nhà ngôn ngữ học xuất chúng, nhứt là một nhà phiên dịch giỏi không ai bằng.
Mọi người Việt Nam chúng ta, ai ai cũng đã từng được nghe kể lại, hoặc đọc truyện Ông Đường Tam Tạng đi Tây phương thỉnh kinh trong truyện Tây Du Ký Diễn Nghĩa. Trong lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc, bộ Tây Du Ký Diễn Nghĩa có cái đặc điểm ngộ nghĩnh là trẻ nhỏ đọc thì mê theo trẻ nhỏ; người lớn đọc thì lại say sưa theo ngườì lớn. Trẻ nhỏ thì thích Tây du diễn nghĩa thần thông quảng đại, có bảy mươi hai phép biến hóa. Có Trư Bát giới chọc cười duyên dáng .... Còn người lớn thì say mê vì những ý nghĩa thâm trầm, trào lộng. (theo Vương Hồng Sển)

Huyền thoại Tây du ký

So vơí các bộ tiểu thuyết danh tiếng khác như Hồng Lâu Mộng, Thủy Hử v..v... phạm vi phổ biến của Tây Du diễn nghĩa còn rộng hơn nhiều. Căn cứ theo bộ truyện Tây du diễn nghĩa, thì thầy trò Tam tạng gồm bốn ngươì.

Ngoại sư phụ Đường Tam Tạng còn có 3 đệ tử, đều có xuất thân thần thánh: Một là Tôn Ngộ Không, vốn là một con khỉ đá rất thần thông, tự phong là Tề thiên đại thánh, hai là Trư Ngộ Năng, vốn là Thiên bồng nguyên soái của thiên đình và ba là Sa Ngộ Tịnh, vốn là Quyển liêm tướng quân. Ngoài ra, con ngựa mà Đường tăng cưỡi cũng vốn là thái tử của long vương bị đày do từng lập mưu ăn thịt Đường tăng.

Cả đòan đi qua Tây phương ròng rã 14 năm trời. Khi thỉnh được kinh trở về có tám vị Kim Cang đằng vân theo hộ tống đưa về Trường an, vừa khứ hồi trở lại Tây phương cõi Phật chỉ mất có tám ngày vãng phản. Truyện kể bốn thấy trò và một ngựa ngày đêm vượt rừng trèo núi, gặp yêu dẹp yêu, gặp phước làm phước, gian nan không sờn, tử sanh chẳng nệ, trải qua tám mươi mốt nạn lớn, nào là Bàn Ty động quyến rũ, nào là Hỏa diệm sơn đỏ hực, Tiểu lôi kinh khủng v..v... mới đến được Tây phương.

Trong truyện vì làm việc của Tam Tạng là khó, không ai làm được, nên muốn cho dân chúng dễ tin, phải thêm thắt và thi vị hóa cuộc hành trình bằng bao nhiêu yêu tinh đón đương, lớp đòi ăn thịt Đường Tăng, lớp cám dỗ (chuyện bảy con nhện cởi truồng tắm sông có Bát giới tắm hùa, còn khêu gợi gấp mấy chuyện ngày nay in hình khiêu dâm). Thực sự, Tây du diễn nghĩa là một bộ truyện thần thoại, hầu hết sự kiện, tình tiết đều là bịa đặt.

Hình trên Internet







Đại Đường Tây Vực Ký

Nhưng chuyện thầy Trần Huyền Trang (Tam Tạng) đi từ Đông Độ qua thỉnh Kinh Tây Phương lại là chuyện lịch sử có thật. Trần Huyền Trang là một nhân vật có thật trong lịch sử nhà Đường. Ông tên thật là Trần Vỹ, sanh vào năm thứ 16 đời Tùy Văn Đế Dương Kiên (596 sau TL) tại huyện Câu Thi (hiện là Huyện Yêm Sư) Tỉnh Hà Nam. Và chuyện thỉnh kinh Tây Phương cũng là chuyện có thật, đã được chính Huyền Trang thuật lại rất cặn kẽ trong bộ "Đại Đường Tây Vực Ký". Thầy chính là một nhân vật sống đã vào lịch sử một cách vinh quang. Thầy từng làm tôi cho vua Đương Thái Tôn (Lý Thế Dân) là bậc minh quân đem lại hiển vinh cho lịch sử Trung Quốc.

Sự thực thầy Huyền Trang chỉ đi một mình, cỡi một con ngựa già làm chân. Ông đi và ở suốt 17 năm bên Tây phương, gồm 2 năm đi, 2 năm về và 13 năm ở lại du học tại Ấn Độ. Đi từ năm 629 mãi đến năm 645 (sau TL) mới về đến thành Trường an (Trung quốc). Tính ra Huyền Trang đã rời Đại Đường đến 17 năm, đi trên năm vạn dặm đường, qua 128 quốc gia lớn nhỏ.
Trên thực tế, đường đi không có gặp yêu tinh cản trở (có chăng là bọn mọi dữ thích ăn thịt người) nhưng những khó khăn trở ngại cản trở lẫn vật chất và tinh thần lại hết sức nhiều và lơn, nếu là người khác ắt vô phương vượt khỏi. Có lúc Thầy Huyền Trang nhịn đói nhịn khát suốt bảy tám ngày ròng rã giữa một trảng sa mạc trời nắng chang chang, không một bóng cây, cũng không một bóng người qua lại. Nhưng ý chí của Thầy thật là sắt đá. Có lần đói khát khổ quá, bụng tính quay trở về phía đông để tìm chỗ xin nước uống đem theo rồi sẽ đi nữa, nhưng vừa quày ngựa trở về hương đông đi đặng một đỗi đường thầy lại tự nhủ: "Trước kia, đã thề nếu qua không đến Ấn Độ, quyết không trở về Đông một bước. Nay thà đi về hướng Tây mà chết, chớ lẽ nào đi về Đông để sống hèn".
(theo Vương Hồng Sển – Trang Thư Viện Hoa Sen)

Cuộc hành trình về hướng Tây tiếp tục, kéo dài suốt hai năm, vượt qua Tân Cương, Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanista, cuối cùng Huyền Trang cũng đến được biên giới của Ấn Độ. Năm 30 tuổi, Huyền Trang đến chùa Na Lan Đà của Ấn Độ cầu học, được Giới Hiền đại sư nhận làm đệ tử. Na Lan Đà khi đó là nơi đào tạo tăng sư lớn nhất của Ấn Độ còn Giới Hiền đại sư là vị cao tăng đức cao vọng trọng nhất trong chùa lúc bấy giờ.

Huyền Trang ở lại chùa Na Lan Đà theo học Giới Hiền 6 năm, chuyên tập nghiên cứu pháp tướng và học chữ Phạn. Sau sáu năm, Huyền Trang được coi là một trong 10 đệ tử xuất sắc nhất của Giới Hiền. Sau khi đã kết thúc khóa học ở chùa Na Lan Đà, Huyền Trang xin Giới Hiền cho mình đi chu du Ấn Độ. Ông đã dành rất nhiều thời gian, thăm thú khắp nơi đặc biệt là các di tích đạo Phật trên khắp Ân Độ.

Sau khi trở lại chùa Na Lan Đà, Huyền Trang được Giới Hiền cho giảng kinh trong chùa cho các sư tăng. Danh tiếng Huyền Trang nhờ vậy được cả giới Phật môn Ấn Độ biết tới. Giới Nhật vương khi đó là chủ liên minh các quốc gia Ấn Độ nghe tiếng Huyền Trang còn cho mời đến gặp mặt.

Vị đại sư thông ngôn nổi tiếng nhất lịch sử

Năm Huyền Trang 41 tuổi, tức vào năm 643, sau 12 năm lưu học Ấn Độ, ông có ý trở về. Giới Nhật vương biết chuyện đã tổ chức một buỗi tiễn đưa long trọng có mặt của 18 vị quốc vương các quốc gia Ấn Độ. Sau đó, Giới Nhật vương vẫn không muốn Huyền Trang ra đi, liên tục mở tiệc khoản đãi, còn có ý định mời ông làm quốc sư. Tuy nhiên, Huyền Trang nhất định từ chối đòi trở về.

Ngày 25 tháng giêng năm Trinh Quán thứ 19 nhà Đường, Huyền Trang về đến Trường An. Sử chép rằng, những tín đồ đạo Phật biết Huyền Trang từ Thiên Trúc trở về kéo ra đón tiếp chật đường. Đường Thái Tông Lý Thế Dân biết chuyện, cho mời Huyền Trang đến gặp, khuyên ông nên hoàn tục, dùng tri thức mình học được ở Thiên Trúc làm quan giúp sức cho triều đình.

Huyền Trang đã mỉm cười từ chối, nói mình xuất gia từ nhỏ, một lòng cầu Phật, không có ý định làm quan. Không chấp nhận lời đề nghị làm quan của vua Đường nhưng cuộc gặp gỡ ấy đã giúp Huyền Trang thực hiện được hoài bão của mình từ 15 năm trước. Lý Thế Dân đã đồng ý cung cấp tiền để Huyền Trang tổ chức dịch lại toàn bộ kinh điển Phật giáo mà ông mang về từ Ấn Độ nhằm thống nhất cách hiểu kinh điển Phật giáo ở Trung Quốc lúc bấy giờ.

Được chu cấp của triều đình, Huyền Trang sau đó đã sống tại chùa Hoằng Phúc ở Trường An để tổ chức dịch kinh Phật. Tháng 5 năm đó, ông và các cao tăng từ khắp nơi trong cả nước bắt đầu dịch bộ “Đại bồ tát tạng kinh” gồm 20 cuốn. Chín tháng sau đó, ông đã hoàn thành.

Hình trên Internet
Suốt mười chín năm ròng rã sau đó, (từ 645-664) Huyền Trang đã dịch được tất cả bảy mươi lăm bộ kinh, gần một ngàn ba trăm ba mươi lăm quyển từ tiếng Phạn dịch qua tiếng Hán. Ông còn dịch một bộ “Ðạo đức Kinh” và "Ðại Thừa khởi tín luận" từ chữ Hán ra chữ Phạn. Ngoài ra, Huyền Trang cũng viết một bộ “Đại Đường Tây Vực ký” gồm 12 quyển ghi lại đầy đủ những điều ông đã thấy, đã biết trong cuộc hành trình kéo dài 17 năm ông “du học” Ấn Độ.

Trưa ngày mồng 5 tháng 2 năm 664, Huyền Trang viên tịch tại chùa Ngọc Hoa, vì bệnh nặng. Thọ 69 tuổi. Ngày 14 tháng 4 cùng năm, thi hài Huyền Trang được an táng tại Bạch Lộc Nguyên. Sử chép, ngày cử hành tang lễ có đến một triệu người ở Trường An và các vùng lân cận theo về để đưa tiễn. Ðám táng xong, có đến ba vạn người cất lều cư tang gần mộ phần Huyền Trang. Có lẽ từ xưa đến nay đến đế vương cũng chưa có vị nào được ngưỡng mộ sùng bái bằng vị thánh tăng có một không hai này.
(Sưu tầm trên Mạng: TLK)

No comments:

Post a Comment