Theo phân tích của tác giả Ted Galen Carpenter trên tạp chí National Interest, với trật tự thế giới hiện tại, không còn lý do gì đáng để Mỹ tiếp tục ở lại NATO nữa.
Trong cuối những năm 40 và đầu những năm 50 của thế kỉ trước, không hề có dấu hiệu gì của cái gọi là cân bằng quyền lực tại châu Âu, hay rộng hơn là trên toàn cầu.
Trung và Đông Âu bấy giờ phải núp dưới cái bóng quá lớn của Liên Xô. Trong khi đó, Tây Âu dù đã xây dựng được nền dân chủ trên diện rộng, song vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai, cũng như mối đe dọa Liên Xô từ phía đông.
Tuy nhiên, đó là chuyện của quá khứ. 70 năm sau, theo chuyên gia Carpenter, hệ thống an ninh châu Âu đã thay đổi hoàn toàn. Một nhóm các quốc gia tiều tụy, mỏng manh thời hậu chiến ngày nào, nay đã trở thành một khối liên minh (EU) có tầm ảnh hưởng lớn, với dân số và tổng GDP lớn hơn Mỹ.
NHÀ NGHIÊN CỨU CHÍNH TRỊ
TED GALEN CARPENTER
Nhà nghiên cứu chính trị-quốc phòng Ted Galen Carpenter có thể nói là một trong những cái tên được nể trọng nhất Viện nghiên cứu Cato (Mỹ) nói riêng cũng như cộng đồng nghiên cứu chính sách Mỹ nói chung. Ông từng đảm nhiệm chức trưởng khoa chính sách đối ngoại của Cato (1986-1995), và sau đó là phó viện trưởng (1995- 2011). Ông Carpenter cũng là tác giả của 10 đầu sách về chủ đề đối ngoại và quốc phòng.
Dù các vấn đề Trung Đông, mà mới đây nhất là cuộc khủng hoảng nhập cư, cũng như lúc này lúc khác vẫn phải nghe gấu Nga gầm gừ, song theo đánh giá của ông Carpenter, các nước châu Âu giờ đã đủ năng lực để giải quyết tất cả những khó khăn kẻ trên.
Phương Tây vẫn hay cảnh báo về mối đe dọa từ Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, nhưng rõ ràng không thể so sánh Nga thời nay với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Hơn nữa, nếu nhìn vào các con số, thì dân số EU cũng gấp 3 lần Nga, và kinh tế (theo GDP) thì vượt gấp 10.
Hiện nay, sở dĩ các quốc gia châu Âu vẫn chưa "tự lực cánh sinh" tự bảo vệ mình là do Mỹ vẫn muốn đóng vai trò "anh cả", và đang phải chi trả một lượng lớn chi phí quân sự trong khối NATO. Cụ thể, Mỹ dành tới gần 4% GDP để chi tiêu quân sự mỗi năm.
Trong khi đó, trung bình các nước thuộc khối NATO châu Âu chỉ bỏ ra vỏn vẹn 1,6% GDP cho việc cải thiện năng lực quốc phòng của mình. Và theo ông Carpenter, đây cũng chính là lý do chủ đạo tại sao Washington phải cân nhắc lại, rằng liệu cam kết đảm bảo an ninh cùng NATO có thực sự còn phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ nữa hay không.
Nguồn: Business Insider
Như đã nói ở trên, bức tranh an ninh châu Âu hiện nay đã thay đổi rõ rệt so với khi NATO được thiết lập. Trong những thập kỉ đầu tiên liên minh đi vào hoạt động, mục tiêu của Mỹ là đảm bảo an ninh cho các đối tác chiến lược như Tây Đức, Italia, Pháp, và Anh.
Tuy nhiên, kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, các nhà lãnh đạo Washington đã đẩy mạnh mở rộng NATO sang Trung và thậm chí Đông Âu, đồng ý cấp quyền thành viên cho các nước nhỏ với tâm thế mà chuyên gia Carpenter phải mỉa mai rằng, "chẳng khác gì kết bạn trên Facebook".
Nhưng khác với Facebook, liên minh quân sự không phải là cái có thể "làm cho vui". Cam kết trong Điều khoản 5 Hiến chương NATO có thể khiến Washington bị kéo vào một cuộc chiến tranh không hề có liên quan gì đến an ninh quốc gia Mỹ.
Theo ông Carpenter, sự vô lý của NATO trong thế kỉ 21 có lẽ đã đạt đến cực điểm hồi tháng 2 vừa qua, khi Mỹ hồ hởi ủng hộ liên minh kết nạp Montenegro làm thành viên.
Một thập kỉ sau Thế chiến II, khi Mỹ phá bỏ chính sách không can thiệp truyền thống, thì những người ủng hộ đường lối mới này phân tích rằng việc thành lập liên minh sẽ cải thiện an ninh Mỹ.
Lý do đó nghe cũng "xuôi". Nhưng không hiểu bắt tay liên minh với một tiểu quốc như Montenegro thì sẽ giúp ích gì cho Mỹ, khi mà khoảng cách về sức mạnh kinh tế cũng như tiềm lực quân sự giữa hai nước là quá lớn?
Không hiểu Montenegro vào NATO thì có ích gì cho Mỹ, hay cho cả liên minh? Ảnh: AP
Nhưng chí ít ra thì Montenegro cũng không thù địch với một thế lực lớn nào. Nhưng 3 thành viên khác của NATO tại Baltic thì khác. Estonia, Latvia và Lithuania được kết nạp vào NATO 10 năm trước, dù ai cũng hiểu quan hệ xung khắc giữa họ với Nga.
Gần đây, kết quả nghiên cứu dựa trên đánh trận giả của RAND Corp cho thấy Nga có thể đè bẹp một trong 3 nước Baltic chỉ trong vài ngày mà NATO không kịp ứng phó.
Như vậy, theo ông Carpenter, Mỹ đã tự đặt mình vào thế bắt buộc phải bảo vệ an nguy các tiểu quốc giáp Nga nếu không muốn đánh mất lòng tin nơi các đồng minh khác. Song những quốc gia này quá "vô thưởng vô phạt" đối với Mỹ, đó là chưa kể nếu giao tranh xảy ra, cái vế "vô phạt" chắc cũng cần phải xem xét lại.
Hệ quả là Mỹ phải tăng cường điều động quân đội và khí tài quân sự tới biên giới phía tây Nga để bảo vệ Baltic, qua đó ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ ngoại giao với Moscow, một mối quan hệ rõ ràng quan trọng hơn nhiều lần so với Estonia, Latvia, hay Lithuania.
Chuyên gia Carpenter nhận định, dường như những nghị sĩ Mỹ trung thành với NATO vẫn chưa hiểu, hoặc cố tình phớt lờ những thay đổi trong trật tự thế giới. Đối với họ, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ liên minh chứ không phải đảm bảo an ninh Mỹ.
TED GALEN CARPENTER
NHÀ NGHIÊN CỨU CHÍNH TRỊ
Không thể chấp nhận suy nghĩ cứng nhắc như vậy. 67 năm là quá dài để cứ bảo thủ với một chính sách. Cách Mỹ tiếp cận NATO giờ đây không thể vượt qua bất kì một bài test vào về độ thích đáng. Đã đến lúc Mỹ cân nhắc kĩ lưỡng và xét đến lựa chọn cuối cùng: rút khỏi liên minh.
Đức Huy | 31/03/2016
No comments:
Post a Comment