Hoàng Ngọc Nguyên
World Cup, hay Giải vô địch bóng đá thế giới, vừa được khai mạc ngày 12-6 vừa qua tại thủ đô Brasilia cua nước Ba Tây. Đậy là lần thứ 20 World Cup được tổ chức trong lịch sử 84 năm của nó (1930-2014), và giải vô địch này được hàng tỷ người trên thế giới chú ý đặc biệt vì nhiều lẽ.
Lẽ thứ nhất, bóng đá là môn thể thao thịnh hành nhất hành tinh, người ta chơi cũng nhiều mà say mê theo dõi đến như phát điên cũng lắm. Ngay cả ở Mỹ, để đổi món, nhiều người nay cũng thích đi xem đá banh vào cuối tuần.
Lẽ thứ hai, Ba Tây là đội mạnh nhất - một điều mà chúng ta đã biết ngay từ thời còn nhỏ ở trong nước – và nay họ lại chơi trên sân nhà, cho nên ai cũng muốn xem họ sẽ “nghiền nát” các đối thủ như thế nào. Trong 19 lần tồ chức trước dây, Ba Tây dã năm lần vô địch, sau đó là Ý bốn lần, Đức ba lần, Argentina và Uruguay mỗi đội hai lần, Anh, Pháp, Tây Ban Nha mỗi đội một lần. Cả thế giới nói chung đều quen thuộc với những hảo thủ Ba Tây hơn những danh thủ của các nước khác (trong đầu chúng ta hiện ngay những tên Pelé, Garrincha, Zico, Socrates, Romario, Rivaldo, Babeto, Ronaldo… mà không cần lục tìm trên google.com).
Lẽ thứ ba, Ba Tây là nước mà người dân vẫn có tiếng là “điên” vì bóng đá. Trẻ con đâu đâu cũng chơi bóng đá, cho nên kỹ thuật và nghệ thuật điều khiển trái banh đã có từ nhỏ. Người lớn di chuyển trên đường phố nhiều khi trông giống như cầu thủ đang dẫn banh. Người ta thường mất ăn mất ngủ, trốn nhà trốn việc mỗi khi đội Ba Tây ra sân. Khi nào đội nhà thua, có người đứng tim chết là chuyện chẳng đáng đăng báo vì quá thường! Thế nhưng chúng ta cũng biết, đó là chuyện vào thời đất nước còn nghèo, ngóc đầu không nổi, nhưng “thanh bình”. Từ khi kinh tế phát triển, người dân Ba Tây bỗng dưng nổi chứng với những khát vọng đổi đời của tầng lớp dưới. Ít nhất trong cả nửa năm qua, ở những thành phố lớn có đông dân thuộc thành phần lao động, người ta xuống đường chống World Cup! Họ phê phán chính phủ bỏ tiền vào World Cup nhiều quá, phí phạm và thâm lạm, tham nhũng, trong khi nhiều vấn đề thiết thực của đời sống dân nghèo bị bỏ luống. Bởi vậy, World Cup này sẽ khá căng thẳng ngay từ trước khi khai mạc, và có thể kéo dài trong suốt cả tháng tranh hùng trên các sân cỏ, chưa nói đến sau đó chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra trong những giả thiết khác nhau.
Bởi thế, đội tuyển Ba Tây thừa biết họ chỉ có một con đường để “sống sót”: họ phải thắng giải này. Nếu đứng thứ nhì, chưa nói đến không lọt được vào vòng bán kết, họ chỉ có một con đường chết - với người dân, với khán giả. Một trong những lý do khác mà họ phải thắng, đó là đây không phải là lần đầu tiên Ba Tây tổ chức World Cup. Lần đầu tiên này cách đây 64 năm, lần đó Ba Tây vào chung kết với Uruguay với khí thế dũng mãnh lại đá trên sân nhà Macarana có 173.000 khán giả ủng hộ. Ai cũng tưởng Ba Tây sẽ xơi tái Uruguay - một nước chỉ có khoảng 2 triệu dân, so với 90 triệu dân Ba Tây thời đó. Thế nhưng số trời đã định (giống như phim cổ điển Black Orpheus hay O’Cangaceiro của Ba Tây rất quen thuộc với người Việt Miền Nam chúng ta): Ba Tây dẫn trước ở phút 47 nhưng thua lại hai bàn ở phút 66 và 79 - tức một phút trước chấm dứt trận đấu (thời đó người ta chỉ đá 80 phút một trận)! Uruguay thắng lại với tỷ số 2-1.
Bởi thế, Ba Tây lần này tâm thần căng thẳng: vừa quyết thắng nhưng lại sợ thua vì cái huông! Có một điều đỡ lo là chưa bao giờ World Cup tổ chức ở một nước châu Mỹ mà một nước châu Âu đoạt giải. Năm 2002, WC được tổ chức ở Nhật và Nam Triều Tiên, thắng giải là Ba Tây. Năm 2010, Nam Phi là nước chủ nhà, và Tây ban Nha lần đầu tiên đội vương miện của Cúp vốn mang tên Jules Rimet! Cho nên, Ba Tây có thể chỉ lo Argentina hay Uruguay cướp đi chiếc cúp vàng. Nhưng nhỡ mối lo chẳng là Argentina hay Uruguay mà là một nước châu Âu thì sao?
Theo dõi số phận Ba Tây trong tháng này đúng là chuyện thời sự hấp dẫn đủ để cho người ta tạm quên những chuyện nội chiến Ukraine, tranh chấp Biển Đông, tàn sát Syria, cơn điên của Tea Party… Chuyện hấp dẫn chính là vì cũng giống như chính trị quốc tế, một trật tự mới đang chưa định hình được nhưng Hoa Kỳ chẳng còn là bá chủ toàn cầu, trong bóng đá, Ba Tây đang hiểu ngôi vị minh chủ của mình có thể đang rất lung lay (Ai giàu ba họ, ai khó ba đời!) bởi vì những thách đố mới. Dấu hiệu tràn ra đấy. Chẳng phải năm 2010, World Cup vào tay Tây Ban Nha – hiện vẫn còn rất mạnh; chẳng mạnh, Tây Ban Nha đã chẳng vô địch châu Âu hai kỳ liền 2008 và 2012. Năm 2006 Ý đoạt giải vô địch thế giới này. Người ta cũng đang bàn đến khả năng của những đội như Đức (đang phục hồi) hay Bỉ (the rising star). Ngoài ra, Ba Tây nào dám lơ là cảnh giác với những đội lân bang như Argentina hay Uruguay! Có xương nào dễ nuốt đâu!
Để hiểu được những thách đố Ba Tây sẽ gặp phải và sự hấp dẫn cùng cực trong những ngày tới, chúng ta hãy điểm mặt 32 đội hiện diện ở World Cup 2014. Châu Âu có 13 đội đại diện, châu Mỹ có 10, châu Phi có 5, châu Á và Úc có 4. Cụ thể như sau:
Châu Âu: Đức, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Anh, Bỉ, Hòa Lan, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Croatia, Thụy Sĩ, Bosnia-Herzegovina, Nga.
Châu Mỹ: Ba Tây, Argentina, Chile, Uruguay, Costa Rica, Colombia, Mexico, Ecuador, Honduras, Hoa Kỳ.
Châu Phi: Cameroon, Ivory Coast, Nigeria, Ghana, Algeria.
Châu Á-Úc: Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Iran, Úc Đại Lợi,
Đúng là càng điểm danh, chúng ta càng thấy rợn người. Chẳng có sự vắng mặt nào đáng tiếc, và cũng không có sự hiện diện nào là thừa thải! Chẳng những những đội đến từ châu Âu và châu Mỹ toàn là thứ dữ, mà chúng ta cũng chẳng thể xem thường các đội châu Phi hay châu Á. Một ngày đẹp trời, chuyện gì lại chẳng có thể xảy ra!
Như thế, người ta lại trở lại câu hỏi ban đầu: Đội nào đây sẽ đoạt giải này? Ba Tây với sức mạnh sẵn có và lợi thế sân nhà? Hay một đội châu Mỹ, có thể nào là Argentina, lại làm cho Ba Tây bẻ mặt một lần thứ hai? Hay một đội châu Âu nào đó, Tây Ban Nha chẳng hạn, quá quen thuộc với lối chơi của Ba Tây, sẽ làm nên lịch sử khi đoat giải trên một đại lục khơng phải là châu cua mình?
Để hiểu lịch sử 64 năm trước có thể tái diễn hay chăng, chúng ta thử lướt qua tám bảng thi đấu của 32 đội, được sắp xếp như sau:
Nhóm A: Brazil, Croatia, Mexico, Cameroon.
Nhóm B: Tây Ban Nha, Hòa Lan, Chile, Úc.
Nhóm C: Colombia, Hy Lạp, Ivory Coast, Nhật Bản.
Nhóm D: Uruguay, Costa Rica, Anh, Ý.
Nhóm E: Thụy Sĩ, Ecuador, Pháp, Honduras.
Nhóm F: Argentina, Bosnia-Herzegovina, Nigeria, Iran.
Nhóm G: Đức, Bồ Đào Nha, Mỹ, Ghana.
Nhóm H: Bỉ, Algeria, Nga, Đại Hàn.
Hai đội đứng đầu mỗi nhóm sẽ vào vòng hai 16 đội, gồm những trận đấu chéo theo cách đứng đầu nhóm A gặp đội về nhì nhóm B, đội về nhì nhóm A gặp đội đứng đầu nhóm B… để lấy tám đội vào tứ kết. Nhiều cựu danh thủ bóng đá cũng như những nhà bình luận thể thao đã đưa ra những tiên đoán của mình. Không đọc những dự tri đó để giữ sự “độc lập”, “khách quan” cần thiết, cây viết thể thao “nhiều kinh nghiệm” này cho rằng 16 đội còn lại sẽ là Ba Tây, Mexico (cũng có thể là Croatia), Tây Ban Nha, Hòa Lan, Colombia, Nhật Bản (cũng có thể là Ivory Coast), Uruguay, Ý, Pháp, Thụy Sĩ, Argentina, Nigeria (cũng có thể là Bosnia-Herzegovina) Đức, Bổ Đào Nha, Bỉ và Đại Hàn (hay Nga). Vào tứ kết có thể Brazil sẽ gặp Ý hay Uruguay, Tây Ban Nha cũng có thể gặp Ý hay Uruguay – tùy theo thứ tự trong kết quả của Nhóm D. Trong bốn nhóm dưới, Pháp có thể gặp Đức hay Bồ Đào Nha, và Argentina cũng có thể gặp Đức hay Bồ Đào Nha hay Bỉ - tùy thứ hạng cụ thể của các nhóm dưới này. Phần lớn những nhà tiên tri cho rằng trận chung kết sẽ là giữa Ba Tây và Tây Ban Nha. Chẳng ai đề cập đến đội Ý, cho dù nếu thắng giải này, Ý sẽ được năm chiếc cúp vàng - đồng hạng với ba tây! Cũng có thể Argentina len lỏi vào được trận cuối cùng. Nhưng chưa có một đội nào khác được nằm trong tầm mắt của những người có viễn kiến này. Những tiên đoán này có thể được thực tế chứng minh trong những ngày sắp đến sẽ đúng dến mức nào: 100%, 75%, 50% hay… 0%!
Cho nên, câu hỏi cuối cùng vẫn là : Ai đây sẽ vô địch.
World Cup không phải không có những bất ngờ. Đội thắng giải đương nhiên phải là một đội mạnh, nhưng có khi không phải là đội mạnh nhất. Đó là qui luật của muôn đời. Anh vô địch thế giới năm 1966 trên sân Anh trong khi người ta chỉ nghĩ đến Tây Đức của Beckenbauer hay Ba Tây của Pelé hay Bồ Đào Nha của Eusebio trong năm đó. Uruguay mà hai lần vô địch thế giới, nhưng đó vẫn là sự thật! Thậm chí Hy Lạp vô địch châu Âu năm 2004, Đan Mạch vô địch châu Âu năm 1996!
Ai là đội mạnh nhất năm nay cũng khó nói.
Ba Tây thời nay khác thời xưa. Chơi còn chậm hơn, buồn ngủ hơn. Quá ỷ lại vào khả năng giữ banh và kiểm soát trận đấu. Chỉ chờ cho địch sơ hở. Vào thời xưa, những cầu thủ số 1 của thế giới phải là người Ba Tây. Ngày nay người ta nói nhiều hơn đến Christian Ronaldo người Bồ Đào Nha, Lionel Messi người Argentina, Luis Suarez người Uruguay, Ianesta người Tây Ban Nha… Neymar là cầu thủ nổi nhất, nhưng có vực dậy nổi đội Barcelona của mình đâu (thua Atletico Madrid trong trận bán kết câu lạc bộ vô địch châu Âu champion League đầu tháng năm vừa qua)! Fred hay Jo chưa phải là những chân xút thiện xạ. Trong khi hàng hậu vệ, thủ môn Julio Cesar đã luống tuổi, hậu vệ như David Luiz thì huấn luyện viên David Mourinho của Chelsea (Anh quốc) còn chê! Tuy nhiên, nhìn chung, đó vẫn là một đội mạnh tầm cỡ hàng đầu với: Jukio Cesar, Dani alves, Thiago Silva, David Luiz, Dante, Ramires, Oscar, Paulinho, Fernandinho, Willian, Neymar...
Tây Ban Nha là đội có nhiều hảo thủ. Hàng tiền vệ toàn là những tên tuổi làm lịch sử, như Xavi, Ianesta, Fabregas, Alonso, David Silva. Hàng tiền đạo là những chân xút hảo hạng như Villa, Diego Costa, Torres… Họ chơi giống như Ba Tây, nhưng tiến công mạnh hơn, nhanh hơn, đột phá hơn. Đội bóng này “già” hơn Ba Tây, nhưng kinh nghiệm đồng đội nhiều hơn. chỉ có sân lạ và thời tiết nóng bức mới cản phá tham vọng chính đáng của họ.
Argentina là đội đặc biệt có thế công mạnh, thể lực, kỹ thuật cao. Ngoài Messi chúng ta đã biết còn có Aguero (cựu con rể của Maradona) và Higuan. Hàng tiền vệ có Mascherano, Alvarez, Rodriguez, Di Maria… đều là những tên tuổi lớn. Nếu thủ kỹ (Thủ môn romario, các hậu vệ Zabaleta, Demichelis, Fernandez…) , khả năng đến chung kết của Argentina là sáng sủa.
Ngoài ra, ít nhất có bốn đội mạnh chúng ta phải tính đến: Đức, Hòa Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha. Đức vẫn là một đội tuyển nổi tiếng về kỹ thuật, kỷ luật “phát xít” đồng đội và tấn công không nghỉ. Hòa Lan không bao giờ thiếu cao thủ, như Robben, Van Persie. Bỉ thì toàn là những ngôi sao mới nổi trên bầu trời châu Âu. Bồ Đào Nha với sự dẫn dắt của Ronaldo, chơi vừa giống như Ba Tây vừa giống Argentina. Chẳng thể loại trừ những chuyện lạ từ bốn đội này.
Còn đội Anh, nước vẫn tự xem mình là thủy tổ của loài người vế bóng đá, vẫn có khả năng “mua vui cũng được một vài trống canh”? Họ vẫn quen thói tự mãn ngẩng cao đầu khi vào sân, nhất là vì năm nay có một loạt cầu thủ trẻ được đưa ra thử nghiệm như Sterling, Sturridge, Welbeck, Llana, Barkley, Chamberlain, Wilshere.. Và rồi cúi đầu khi rời đấu trường. Chẳng biết năm nay có gì thay đổi với đất nước có tiếng bảo thủ hơn cả Tea Party của đảng Cộng Hòa ở Mỹ hay chăng.
Nói nhiều quá mất hay.
Như vậy, sau khi đã đọc đến dòng này, xin hãy mở máy truyền hình ra để xem người ta có thể ba hoa đến chừng nào..,.
No comments:
Post a Comment