6/27/14

CẦU TRƯỜNG VANG TIẾNG GỌI

Hoàng Ngọc Nguyên

Viet Tribune

clip_image002

.

Đây khúc ca vang nơi cầu trường đầy hào hùng
Vai sánh vai ta so tài trong tình bóng đá

(Quân Trường Vang Tiếng Gọi - Trầm Tử Thiêng)

Tin nóng hổi ngày thứ năm 26-6, là ngày cuối cùng của vòng 1 của World Cup hiện nay để chúng ta có danh sách đầy đủ 16 đội lọt vào vòng trong:

Tiền đạo lừng danh Luis Suarez của đội tuyển Uruguay, hiện đang chơi cho câu lạc bộ Liverpool của Anh, đã bị một ủy ban kỷ luật của Liên đoàn Bóng tròn Quốc tế (FIFA) phạt cấm thi đấu chín trận quốc tế và bốn tháng không được ra sân vì tội lạm dụng hàm răng của mình. Năm 2010, Suarez được nghỉ sớm ở World Cup Nam Phi nhờ bàn tay, giúp cho Uruguay được vào vòng bán kết. Năm nay, nhờ hy sinh hàm răng mà Uruguay của anh vào được vòng 16, dù anh cũng được ngồi trên khán đài xem đội nhà thi đấu!

Trận cầu người Mỹ mong đợi nhiều nhất đã có kết quả: Mỹ đã vào được vòng hai, dù thua Đức trong trận cuối cùng (26-6) 0-1 nhưng vẫn đứng thứ nhì bảng G, bởi vì trong cùng nhóm, ở trận kia, Bồ Đào Nha tuy thắng Ghana 2-1, đồng 4 điểm với Mỹ, nhưng đội cua Ronaldo kém Mỹ bàn thắng bại (Mỹ:0, Bổ Đào Nha: -3). Đối thủ sắp đến của Mỹ chính là Bỉ.

Thời gian thấm thoát!

Đã hai tuần trôi qua từ ngày 32 đội tuyển quốc gia đến từ khắp năm châu bốn bể đông đủ ra sân trình diện trong khí thế hào hùng của ngày khai mạc World Cup tại Ba Tây. Thế nhưng cho đến hôm nay, chỉ 16 đội còn ở lại ấp ủ tiếp tục giấc mơ chiếc Cúp Vàng. Sau bốn trận cuối cùng của vòng một ngày thứ năm 26-6, 16 đội đã ra về, có người lên máy bay còn hưng phấn, như các cầu thủ của Úc, nhờ WC mà biết được đất nước vĩ đại của vũ điệu samba và bài ca bất hủ Lambada; có người ấm ức như Croatia, vì nghĩ rằng lẽ ra mình còn ở lại nếu không bị thời tiết nóng bức làm hại cùng trọng tài người Nhật mà có con tim Ba Tây chơi khăm; và có những người chắc chắn phải cúi mặt, như đám cầu thủ Tây Ban Nha Xavi, Ianesta, Alonso, Torres, David Silva… hay những “hảo thủ” Rooney, Gerrard, Sturridge … của đội Anh, lắc đầu như thể những gì đã xảy ra trên sân cỏ chỉ là chuyên vô thường trong bể khổ.

Trong mười đội Bắc, Trung, Nam Mỹ dự WC năm nay, đến tám đội (Brazil, Argentina, Uruguay, Chile, Costa Rica, Colombia, Mexico, Hoa Kỳ) đã lọt vào vòng 16 đội, bắt đầu thi đấu vào ngày thứ bảy 28-6 theo thể thức đấu loại trực tiếp để lấy tám đội vào tứ kết. Hai đội được về sớm là Honduras và Ecuador. Đó là một thắng lợi lớn cho lục địa này mà sự ủng hộ của mùa hè đỏ lửa cháy da người là một yếu tố đương nhiên đáng được nói đến (Có trận trọng tài có lúc đã cho ngưng trận đấu 2-3 phút để cầu thủ thay áo sủng mồ hôi và uống tí nước cầm hơi). Cũng đến hai đội châu Phi (Algeria, Nigeria) trong năm đội phó hội đã vào được vòng trong (hai đội rớt đài là Ghana, Ivory Coast và Cameroon). Dĩ nhiên, cầu thủ châu Phi đã quen với cái nóng hun da của sa mạc Sahara – nhiệt độ ở Ba Tây thì nhằm nhò gì. Ngoài châu Á có bốn đội tham dự và tất cả đều được “làm sớm nghỉ sớm” (Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Úc Đại Lợi và Iran), châu Âu có 13 đội có mặt nhưng có sáu đội đưọc vào vòng trong (Hòa Lan, Bỉ, Hy Lạp, Pháp, Đức, Thụy Sĩ).

Vòng hai 16 đội sẽ diễn tiến như thế nào?

Có tám trận sau đây chúng ta có thể ghi nhớ.

Ngày 28-6: (1) Ba Tây-Chile; (2) Colombia-Uruguay.

Ngày 29-6: (3) Hòa Lan-Mexico; (4) Costa Rica-Hy Lạp.

Ngày 30-6: (5) Pháp-Nigeria; (6) Đức-Algeria.

Ngày 1-7: (7) Argentina-Thụy Sĩ; (8) Bỉ-Hoa Kỳ.

Sau đó, ở vòng tứ kết, trong hai ngày 4-7 và 5-7,

(i) đội thắng trận thứ 5 gặp đội thắng trận 6,

(ii) đội thắng trận 1 gặp đội thắng trận 2,

(iii) đội thắng trận 7 gặp đội thắng trận 8,

(iv) đội thắng trận thứ 3 gặp đội thắng trận thứ 4.

Bởi vậy, nay chính là lúc người ta ngoái nhìn lại một tí đoạn đường chiến binh đã qua, cùng nhìn tới hai tuần tới nữa – chắc chắn chỉ có sôi nổi hơn, hào hứng hơn mà thôi. Dựa trên những gì chúng ta đã biết hay đoán biết mà bình luận chuyện đời chính là chuyện hấp dẫn muôn thuở của World Cup từ cả 80 năm nay. Nếu chẳng thế, người ta đã chẳng gọi Giải vô địch bóng tròn thế giới là ngày “Hội của Hành tinh”. Mọi người bỏ hết chuyện đời - kể cả cuộc “chiến tranh giải phóng” của lực lượng ISIS ở Iraq hiện nay hay những xáo trộn trong lãnh đạo và đường lối của Cộng Hòa sau khi ông dân biểu chủ tịch phe đa số tại Hạ Viện Eric Cantor bất ngờ bị rớt đài ở vòng sơ bộ trong tay một ông Trà Đảng - để đi tìm nguồn vui sôi nổi, hào hứng với WC.

Trước hết hãy nói qua những bất ngờ trên sân cỏ.

Bất ngờ số 1 trong giải này là độị đương kim vô địch thế giới Tây Ban Nha, cũng là đương kim vô địch cả châu Âu, bị loại sau khi thua hai trận liên tiếp. Dĩ nhiên là “đáng đời”. Đá như thế. Cầu thủ như thế. Một đội không có trung phong, chẳng có tiền đạo! Thế mà không ít người nghĩ rằng Tây Ban Nha có thể vô địch thế giới thêm bốn năm nữa. Bởi vì người ta thông thường suy nghĩ theo thời! Tây Ban Nha nay lập một loạt kỷ lục: đội đương kim vô địch đầu tiên bị thua ngay trong trận khai mạc World Cup, đội đương kim vô địch đầu tiên bị loại sau chỉ hai trận đấu (và đương nhiên bị loại ngay vòng đầu). Một trật tự túc cầu thế giới mới đã lảng đảng – còn sớm hơn trật tự thế giới mới về địa lý chính trị của toàn cầu.

Từ thất bại của Tây Ban Nha, chúng ta cũng phải đề cao đội Chile - một nước từng có Pinochet ai cũng chê, và nay có bà Tổng thống Michelle Bachelet không ít người đội lên vai - hình ảnh được ấp ủ trong tim! Với chiến thắng rành rẽ 2-0, chính Chile là đội đã hạ bệ Tây Ban Nha và đã có vé vào vòng hai chỉ sau hai trận.

Bất ngờ thứ hai là Anh quốc cũng bị loại ngay sau hai trận. Anh bị loại có thể chẳng là chuyện bất ngờ, nhưng ngay trong vòng đầu! Và ngay sau hai trận! Năm 1950, cũng tại Ba Tây, Anh bị loại trong vòng đầu, sau khi thắng Chile nhưng thua cả Mỹ và Tây Ban Nha sau đó. Lần này, người Anh lại học lần nữa nghĩa của chữ “quê”. Và từ cái “quê” của đội Anh chúng ta thấy rõ mặt của người làm cho Anh “quê”. Chính là Luis Suarez, tiền đạo của đội Liverpool ghi nhiều bàn thắng nhất trong Giải vô địch Anh năm nay (31 bàn!), với một cú đánh đầu tuyệt hảo ở hiệp một cùng một cú sút chuẩn xác vào hiệp hai làm cho Anh phải phơi áo. Một cựu trung vệ đội tuyền Anh, Rio Ferdinand, cho rằng Anh cứ thua mãi là vì chơi hiền quá, ngay thẳng quá! Ít người chịu nhìn thấy sự phá sản của bóng đá Anh, do sự cực thịnh của chủ nghĩa tư bản, cho nên cầu thủ Anh vừa dở vừa không có kinh nghiệm quốc tế, vừa “treo giá ngọc” cho nên chỉ chơi luẩn quần trong nước ở những câu lạc bộ trung bình.

Bất ngờ thứ ba là Costa Rica, một nước Trung Mỹ chỉ có 4.5 triệu dân, cũng được chiếc vé vào vòng hai sau khi mới thi đấu hai trận, thắng Uruguay 3-1 và thắng Ý, một đội bốn lần vô địch thế giới, 1-0. Nghe nói cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi, nổi tiếng là người ái quốc, đã tức khí cho nên không chịu về nhà, gần 80 tuổi mà cứ quanh quẩn suốt đêm trong một hộp đêm với các vũ nữ di dân Bắc Phi chuyên ngành múa cột thoát y.

Và đương nhiên, chẳng thể bàn đến những chuyện tai tiếng nghiêm trọng.

Nếu trọng tài người Nhật không giàu trí tưởng tượng mà cho Ba Tây hưởng một quả phạt đền ở phút 71 trong trận Ba Tây gặp Croatia ngày 12-6, kết quả cuối cùng ở nhóm A (Ba Tây, Mexico, Croatia, Cameroon) sẽ như thế nào? Chuyện gì cũng có thể xảy ra, kể cả chuyện Ba Tây bị loại! (Ba Tây, Mexico và Croatia đều có thể hòa nhau).

Nhiều trọng tài cho thấy không có mắt có đầu khi họ không ý thức được đang thồi cho World Cup, có nghĩa là những quyết định phạt đền hay thẻ đỏ phải suy nghĩ cho kỹ - không nên cứ đổ thừa không có thì giờ nên không có cái đầu. Một quả phạt như thế có thể xác định được kết quả một trận đấu, cho nên người cầm còi phải thực sự tính là phạt có đáng tội không (Phải giống như trong luật pháp: giả thiết bị can là vô tội cho đến khi chứng minh được là có tội!). Nếu không chắc mà lại tạo một tình thế bất hợp lý, ông ta cần tham khảo với hai trọng tài biên. Nhiều đội đang có ưu thế mà bị phát oan uổng, cho nên chuốc lấy thất bại. Đó chính là trường hợp Ivory Coast thua Hy Lạp ngày 24-6 ở phút 92’ đấu thêm vì một trái phạt đền xuất phát từ một cú ngã đầy kịch tính của tiền đạo Samaras. Ai giỏi đóng kịch hơn các cầu thủ tiền đạo? Kết quả: Hy Lạp lại được vào vòng 16 mặc dù đã mua vé máy bay về sớm, trong khi Ivory Coast cười đau khóc hận check out khỏi hotel sớm hơn dự định một tuần.

Trong trận Ý-Uruguay ngày 24-6, một thẻ đỏ của trọng tài người Mễ Marco Rodriguez vào phút 59 nhằm vào tiền vệ Ý Marchisio đúng là quá nghiêm khắc, khiến cho trận đấu đang cân bằng trở nên một chiều cho Uruguay. Đến phút 81, Rodriguez còn phạm một lỗi nặng hơn khi không đưa thẻ đỏ cho Luiz Suarez khi hậu vệ Ý Chiallini tố cáo anh bị cầu thủ quen dùng răng này cắn vào bả vai – và chìa vai ra cho trọng tài thấy. Nếu Suarez bị đuổi, hai đội lại cân bằng, và chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Và đội nào đây sẽ vào vòng hai?

Vấn đề là Luiz Suarez, người hùng của trận Uruguay-Anh quốc ngày 19-6 và trở thành kẻ vô lại trong trận Uruguay-Ý. Cầu thủ này vẫn quen cắn – có lẽ như con nít khi mọc răng, cấn cái, cũng muốn cắn. Lẽ ra những ai gần Suarez, khi thấy hàm răng hô của anh ta, luôn luôn nhô ra, phải đề cao cảnh giác, tích cực đề phòng, đừng để chuyện đáng tiếc xảy ra. Và lẽ ra anh ta phải được tôn sùng bậc nhất nếu bỏ tật ưa cắn. Thế nhưng khi đá cho đội Ajax Amsterdam vào tháng 11 năm 2010, anh ta cắn vào vai hậu vệ của PSV Eindhoven, bị phạt bảy trận. Tháng tư năm 2013, đang đá cho đội Liverpool, Suarez lại bị phạt cấm thi đấu mười trận cũng vì tội cắn, lần này lãnh đủ là cánh tay của hậu vệ Ivanovich của Chelsea. Vấn đề là Suarez có vấn đề về cái miệng. Tháng 12 năm 2011, cũng chơi cho Liverpool, Suarez bị cấm thi đấu tám trận vì dùng lời lẽ lăng mạ chủng tộc đối với hậu vệ người Pháp có màu da đen Evra của Manchester United. Nhưng Suarez đã nổi tiếng từ tháng bảy năm 2010 tại World Cup Nam Phi, khi anh ta dùng tay cứu cho Uruguay một bàn thua trông thấy trong trận Uruguay-Ghana. Vợ cùa Suarez thì nói: Anh ở nhà cũng thế, bảo mãi mà vẫn không bỏ được - và cô mắc cở chỉ cho nhà báo của Viet Tribune này những vết trên vai, sau lưng và cánh tay của cô. Còn Suarez nói như Thúy Kiều. “Rằng quen mất nết đi rồi, 'Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao!” Trên sân cỏ, hết biết, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Tôi chẳng nhớ tôi làm gì nữa! Có một lời khuyên từ huấn luyện viên Roberto Martinez của đội Everton: “Đừng phạt anh tội nghiệp! Có lẽ nên cho anh đi điều trị tâm thần – hay chỉnh răng!”

Con đường đã rút ngắn nhiều nhưng chúng ta vẫn thấy còn dài vì một lẽ người ta nay đang có cảm tưởng “hết biết”, không dám tin ở những gì mình đã biết bởi vì chuyện bất ngờ cứ đến dồn dập. Ít nhất, hiện nay, ai ai cũng phải điều chỉnh những tiên đoán ban đầu của mình và thay đổi một số nhận định “nông nổi” đưa ra từ trước. Bởi vì một số tiên đoán chủ yếu đã chẳng thành sự thực. Và cũng chẳng nên trách họ không có khả năng nhìn tương lai. Bởi vì tiên trách kỷ hậu trách bỉ. Trách mình rồi hãy trách người. Chính chúng ta đây cũng sai lầm – nếu xem đó là sai lầm. Hay đúng hơn, chẳng nên trách mình mà trách “thời cuộc”. Chính “thế sự đảo điên” – ngay cả trên sân cỏ - làm cho chúng ta sai lầm khi nhìn vào thực tại và vì thế đương nhiên chẳng đúng đắn gì khi ngó mông lung phía trước.

Ở vòng hai 16 đội này, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Ngay cả trên tứng trận, và chung cuộc. Chúng ta đã nhận diện được một số đội mạnh, thế nhưng nếu phải kể tên một đội mạnh tuyệt đối có khả năng bá chủ thế giới như nước Nga của Putin hiện nay, có lẽ ngưòi ta phải chịu thua. Brazil, Argentina, Hòa Lan, Đức, Pháp, Bỉ.. đều có những giới hạn của nó, thua thì khó, nhưng thắng một cách thuyết phục càng khó hơn. Nổi bật nhất là Argentina, với tiền đạo Messi chẳng ai có thể so sánh được (bốn bàn thắng trong ba trận – bàn thắng nào cũng đẳng cấp quốc tế), còn có Aguero, Mascherano, Higuan, Zabaleta.. chung quanh. Xem trận đấu Argentina-Nigeria ngày 25-6, đội châu Phi chơi như Boko Haram, nhưng đội Nam Mỹ vẫn binh tĩnh, kiểm soát trận đấu và chiến thắng để chứng tỏ đẳng cấp của mình, chúng ta có cảm tưởng Argentina sẽ được chiếc cúp vô địch thế giới lần thứ ba đến nơi. Còn Ba Tây, Đức, Pháp, Bỉ… Tất cả đều phải chờ xem thi thố được gì ở vòng hai. Và cũng đừng xem nhẹ khả năng đi tới của Chile hay Colombia, Mexico - trừ Uruguay! Phải chăng đó là “qui luật của muôn đời”. Người ta ai cũng phải vươn lên - mặc cho những giới hạn trời cho của mình. Tất cả những dự đoán trên đây hoàn toàn chỉ có nghĩa dự đoán, và thực ra trong tình thế bấp bênh hiện nay, chúng ta có thể tạm ngưng ở vòng 16 để xem thực tế như thế nào đã trước khi tiên đoán tiếp. Bởi vì, lạy Chúa (con là người ngoại đạo, chẳng tin …), giải này không thiếu gì bất ngờ ngay trong loạt thi đấu đầu tiên. Lạy Trời lạy Phật, ở đời hên xui may rủi cũng nhiều (nên đừng nói chuyện nhân quả), nhiều tỷ số 1-0 hay 2-1 … chỉ có ý nghĩa rất tương đối, nhiều đội thua trong cười đau khóc hận dĩ nhiên phải rất ấm ức, còn nhiều đội thắng chắc chắn khi trở về đại bản doanh cũng thắp hương cảm tạ Thượng Đế (đã thấu cho).

Người ta cứ nghĩ bà Thủ tướng Đức Angela Merkel là điên khi việc nước việc nhà bỏ hết để bay từ Berlin qua Brasilia xem trận Đức thắng Bồ Đào Nha 4-0, bà cũng la hét như điên khi tiền đạo Thomas Mueller ghi ba bàn; và sau trận đấu, không ngại phận gái chữ tòng, bà vào tuốt phòng thay áo quần của các cầu thủ để chụp hình chung! Không! Nếu nói bà điên, thì chúng ta cũng điên hết. Cái điên của những người bỗng dưng cảm thấy mình đúng là thuộc về thế gian này, thế giới này. Và hài lòng với điều đó!

Bóng tròn cho người ta nhiều bài học về nhân thế êm ái – không chua xót như bài hát Thói Đời của Trúc Phương. Bởi vậy, người ta có thể nói chuyện World Cup mệt nghỉ, chẳng ai trách ta và ta chẳng trách ai – xem đó như là một phần thú vị của cuộc sống.

Postscript: Lời quê góp nhặt dông dài, Mua vui cũng được một vài trống canh…

Năm 1960, khi là học sinh đệ ngũ trường Chu Văn An từ Trần Lục Tân Định chuyển qua, chẳng hiểu ma xui quỉ khiến thế nào, tôi gởi cho tuần báo thề thao Đưốc Thiêng của ông Thiệu Võ, nằm ở số 24 đường Nguyễn An Ninh bên hông chợ Saigon, một truyện ngắn có tựa “Tình Yêu Sân Cỏ”. Câu chuyện nói lên sự đau đớn của một cầu thủ khi cảm thấy mình hết thời, nhưng lại vẫn quen sống với sân cỏ, cầu trường và khán giả như raison d’être của mình. Truyện ngắn được cảm hứng từ tiến nội Đỗ Quang Thách của đội AJS, bị tiền nội Tống Văn Mành của Tổng Tham Mưu làm bị thương đến mức hầu như anh phải giã từ sân cỏ. Sau đó 2-3 tuần, giữa trưa nắng chang chang một ngày thứ hai, vào giờ báo phát hành, tôi đạp xe đến tận “hiện trường” phát báo để mua báo như thường lệ hàng tuần, và mắt mờ đi, tim đập mạnh, khi thấy cái truyện ngắn đó nằm gần cuối tuần báo đó. Hơn nửa thế kỷ sau, tôi vẫn chưa khám phá ra được vì sao ông Thiệu Võ chọn đăng truyện ngắn đó – nhưng chắc chắn không phải là do “đút lót”. Dĩ nhiên, tôi “tình nguyện” không lĩnh nhuận bút, và sau đó tuy ôơi thình thoảng lại có truyện ngắn để thử óctưởng tượng của tuổi trẻ của mình vá những bài bình luận đá banh các trận Tông Tham Mưu găp Djurgarden Thụy Điên, Sportivo Lima của Peru… bắt chước lý luận như các bậc đàn anh như Huyển Vũ, Hoa Lê, Phan Như Mỹ… nhưng cũng chưa có một đồng nhuận bút dính túi, chưa được tặng cho một tờ báo, và cũng chưa hề gặp mặt hay ngồi uớng cà phê vỉa hè dù môt lần với ông Thiệu Võ – chắc phải chờ kiếp sau. Bài báo này được viết khi tôi khám phá trong mọi thứ tình cảm của con người, tình yêu sân cỏ vẫn theo người ta cho đến khi nhắm mắt xuôi tay –cho dù phần lớn những người này, chẳng phải vì mối đam mê mà người ta có thể bước ra sân cỏ. Và cũng nhớ đúng những ngày này tháng này, 45 năm trước, tôi đang ở quân trường Quang Trung!

No comments:

Post a Comment