Tác giả: Người Hànội.
Tôi đang mải mê suy nghĩ về đứa con trai của tôi, sau nhiều năm xa cách, mới gặp lại nhau, chưa được bao ngày, nay lại chia xa, thì xe Bus của Jet Airline chuyển bánh … .
- “ Còn một người nữa ! ”. Tiếng một bà hành khách trên xe nói vọng lên.
- “ Cô ấy đang mua Bánh Đa Kê ”.
“ Bánh Đa Kê ” .
Nghe ba chữ “Bánh Đa Kê ” thật đơn giản, thật dân dã đối với người dân xứ Bắc, nhưng đối với tôi, nó mang cả một khung trời kỷ niệm đầy nhung nhớ, luyến tiếc, của chuyến về Hànội ngày vào thu, trong buổi tiễn đưa khi phải chia tay con trai tôi.
Tiếng “ Bánh Đa Kê ” đã kéo tôi trở về với thực tại .
Xe chầm chậm lăn bánh, sau khi đón người khách cuối cùng. Trong lòng tôi thầm ước được nhìn thấy bóng dáng con tôi lặng lẽ bước trên những con đường mà xe Bus của Jet Airline sẽ đi qua, để đưa tới Phi trường Nội Bài.
Dù chỉ được nhìn lại một lần, dù chỉ được một lần vẩy tay nhau … một lần ngắn ngủi, mà cũng không còn.
Mai đây con tôi lưu lạc bốn phương trời biết bao giờ gặp lại!
Con đường từ Hànội đến Phi trường Nội Bài chỉ dài khoảng ba mươi cây số. Ba mươi cây số có đáng là bao, so với đoạn đường tôi đã lê bước trong bốn tuần lễ qua. Nhưng ba mươi cây số này sao lại dài lê thê và nặng nề đến thế, trái hẳn với đoạn đường mà con tôi ra đón tôi, cũng từ Phi trường Nội Bài về.
- “Con dậy trễ, nên vội nhảy lên Taxi, ra đón Bố.”
Chữ “vội” gói ghém trọn ân tình cha con, khiến tôi tìm thấy cả bầu trời hạnh phúc trong chuyến đi này. Một sự khởi đầu hoàn mỹ, hy vọng mọi chuyện đều tốt đẹp an lành.
Nhưng hạnh phúc đến quá nhanh và tràn đầy, như dự báo trước một nỗi buồn sẽ theo sau!
Xe Bus của Jet Airline đã đến Phi trường Nội Bài. Xuống xe lần bước đến phòng đợi trước cổng lên máy bay số 8, chờ đợi... . Tháo gỡ ba lô, hạ tay xách hành lý, nhưng tôi thấy chẳng vơi được nỗi buồn đè nặng trong lòng.
Chậm bước tới khung kính lớn nhìn ra phía ngoài, máy bay ngổn ngang năm ba chiếc; có chiếc từ từ lăn bánh ra phi đạo, chiếc đang lên hành lý, chiếc đang cập sát đường hành lang đưa khách lên tầu… Trong phòng chờ, kẻ đi người lại, mua thêm vài vật dụng cần thiết hoặc thêm quà cáp biếu người thân... Tiếng loa ồn ào mời khách đáp chuyến bay số x.. ra cổng số z.. để lên máy bay…
Tôi càng thấy cô đơn, trống trải và lạc lõng. Mong mỏi về sớm bao nhiêu, thì giờ đây lại mong thời gian chậm lại, có khi, mong chuyến bay này bị hủy bỏ hoặc trễ nải đôi ngày….Nhưng rồi…
“Mời quý khách đáp chuyến bay số 800, khởi hành lúc 16 giờ 40 từ Hànội đến TP HCM, của hãng Hàng Không Jet Airline, ra cửa số 8…”
Đeo ba lô nặng trĩu trên vai, tay xách gói quà lặng lẽ bước đi !
Đứng trong khoang máy bay, hàng ghế thứ 10, tôi tìm số ghế:
- “Bác ngồi ghế số mấy?”
- “10D.”
- “Thế là bác cháu lại được ngồi gần nhau.”
Đó là cậu thanh niên tên Hưng ngồi cạnh tôi trên xe Bus, tôi cám ơn và buông hành lý.
Vừa yên chỗ, thì có người đàn bà trung niên, hành lý đơn giản, một chiếc ví xách tay, đến đứng bên cạnh.
- “Chỗ của chị gần cửa sổ, phải không?”
Tôi đứng lên để dành lối cho chị bước vào, chị vội nói :
- “Cám ơn anh, tôi còn chờ đi toilet.”
- “Hay chị đổi chỗ cho tôi.”
- “Vâng, cám ơn anh.”
- “Tôi phải cám ơn chị mới phải.”
- “Chắc anh thích ngồi bên cửa sổ để ngắm lại quê hương.”
Tôi gật đầu không nói.
Tiếng nói đặc sệt người Hànội xưa, khiến tôi bâng khuâng và dành nhiều tình cảm cho chị, như cố lấp đầy nỗi cô đơn trống trải trong tôi, của ngày trở về Saigon, khi tôi, một lần nữa, đang đối mặt với việc phải xa đứa con trai mới gặp lại, sau hơn nhiều năm xa cách.
Cũng như, khi gặp người khách đồng hành có giọng nói ngọt ngào, dịu dàng, đẩm ấm của Hànội xưa, tôi muốn được làm quen, muốn giữ lại bóng hình, dù biết rằng chỉ để mang thêm nỗi nhớ.
Khi mọi người yên chỗ và máy bay đã cất cánh, tôi không muốn nhìn lại quê hương phía dưới mà nhủ thầm lòng: “Còn thiếu sót, mới mong còn có ngày trở lại …”
Tôi quay sang trái hỏi:
- “ Chị có phải là người Hànội xưa ? ”
Chị gật đầu, vui vẻ tiếp chuyện. Tôi được biết thêm chị sống tại miền Nam và đôi ba tháng lại bay ra Hànội công tác. Khi chị tỏ ý bất mãn :
- “Với dân Hànội ngày nay, toàn là người đâu đâu, họ sống không có hậu. Như sáng nay, vừa mới uống được một ngụm nước dừa. hỏi giá , họ “hét” ngay : bẩy chục nghìn!”
Chị bực tức nói: “Mày mà vào Nam, tao cho mày mười trái.”
Nỗi bực tức chứng tỏ chị đúng là người Hànội xưa, chị đã theo gia đình vào trong Nam từ lâu, trước cả thời năm tư nữa, nhưng phong cách và giọng nói vẫn giữ nề nếp cũ.
Còn tôi, sau nhiều năm tha phương, nay mới trở về nơi sinh trưởng, mới về quê nội, ngoại, mới tìm lại họ hàng. Và sau hơn hai mươi năm mới gặp lại đứa con trai đầu lòng! Và rồi lại phải chia xa, mai đây biết có còn gặp lại hay không ?
Để bớt đi nỗi buồn lắng đọng và trống trải, tôi nói về tôi.
- “Chuyến về thăm Hànội lần này, tôi được cũng nhiều mà mất mát không phải là nhỏ! Ngoài việc gặp những người thân, được đi nhiều nơi, được thăm làng Vòng, nơi làm cốm, được ăn cốm “nhót” với chuối tiêu…”
Chị ngắt lời: “Sao gọi là cốm ‘nhót’ ?”
- “Cốm ‘nhót’ là loại cốm cùng làm từ lúa nếp non, nhưng hạt nó nhỏ hơn, nên cốm dẻo hơn và ngon hơn cốm thường.”
Tôi nói với Hưng đổi chỗ, để tôi và chị ngồi gần nhau, cùng nói chuyện về Hànội.
Tôi tiếp câu chuyện dở dang :
- “Tôi còn được ăn nhiều món dân dã xa xưa như thời còn sống với mẹ ở Hà Thành… Nào là quả Trám Muối, màu đen tím, ăn vào cảm thấy hương vị vừa béo lại vừa bùi; nào là xôi “Lúa”, nay gọi là xôi ngô (xôi bắp), xôi xéo, bánh trôi, bánh chay ăn với xôi vò, chè bà cốt …
Riêng tiếng “xôi lúa” của thời xa xưa đã tàn theo năm tháng, cũng như hương vị, chất lượng và hình thức của nhiều món ăn khác cũng biến đổi theo sự biến thể của con người Hànội thời nay.
Lần này khi về Hànội, gặp được người Hànội xưa, cũng như gặp chị cùng trong chuyến về, âu cũng là một kỷ niệm khó quên.”
Chị mỉm cười nhẹ nhàng, có lẽ chị cũng cảm thấy vui, vui theo sự hãnh diện dâng trong lòng.
Tôi nói tiếp :
- “Khi về gia đình người bạn, họ cũng là người Hànội xưa, nên lúc gặp người cũ, họ quyến luyến và quý tôi như người trong gia đình. Họ nói với tôi: Nghe tiếng “dạ vâng” của anh, Anh đúng là người Hànội, nhiều năm rồi mà vẩn giữ được giọng nói cũ, nề nếp xưa, gia đình chúng tôi quý lắm .
Do đó tôi được thưởng thức thêm nhiều món: Kẹo vừng, kẹo bột, kẹo chè lam, được cầm que kem cốm Tràng Tiền, hay ở bờ hồ vừa đi vừa cắn mút như thuở còn đi học tại trường Dũng Lạc cạnh nhà Thờ Lớn Hànội; các loại bánh như: Bánh tẻ (bánh làm bằng bột gạo và khoai môn, nhân đậu), bánh gio chấm mật, bánh đúc chấm tương bần Hưng Yên…hoặc mắm tôm chanh.
Nói đến mắm tôm, tôi lại nhận thấy có một món ăn, tuy không lạ, nhưng nó xuất hiện khắp mọi nơi, từ nội thành, ngoại thành, trong hang cùng ngõ hẻm như những quán cóc bán trà tươi, trà xanh cùng bánh kẹo, chuối và… điếu cày hút thuốc lào. Đó là món: “ Đậu rán, bún chấm mắm tôm và giả cày”
Chị cắt ngang, hỏi: “Món giả cày là gì hả anh”.
- “ Đó là món chân giò lợn ( giò heo) nấu vói mẻ, giả làm thịt chó( giả cày)”. Tôi dùng cả tiếng nam lẫn bắc để chị dễ hiểu.
Tôi tiếp lời:
- “Trong bốn tuần lễ sống tại Hànội, có một thứ mà tôi tìm mãi, đó là “Bánh Đa Kê”. Cũng may vào giờ phút chót….
Chị một lần nữa lại cắt ngang :
- “ Thế món Bánh Đa Kê có những thứ gì ?”
Đây là lần thứ ba chị ngắt lời tôi, tôi không buồn giận, mà còn thấy dễ thương, thương vì sự hồn nhiên của cá tính người miền Nam thể hiện trong tâm hồn của cô gái Bắc, gốc Hànội. Gia đình chị vào Nam từ năm ba mươi. Điều trang trọng đáng quý là trong tâm hồn, cử chỉ và lời nói của chị vẫn giữ cá tính, dáng dấp và nề nếp của người Hànội xưa.
Nên tôi vui vẻ trả lời và nói luôn cả cách làm:
- “ Bánh Đa Kê có bốn thứ :
* Bánh đa có vừng (mè) đen, phải là loại ngon nghĩa là loại bánh trắng hơn bánh đa thường ,
* Hạt kê được nấu chín sền sệt để người bán hàng dùng đầu đũa cả (đũa xới cơm) xêu kê và trét trên hai miếng bánh đa,
* Đường rắc lên kê, tùy theo khẩu vị,
* Đậu xanh nấu chín, đánh tơi và nắm thành nắm, người bán hàng dùng dao thái từng lát mỏng trên kê, sau đó ụp (úp) hai miếng bánh đa kê lại với nhau ”.
Cũng nhờ chị hỏi mà tôi nhớ tới miếng “Bánh Đa Kê” còn trong ba lô.
- “Tôi có miếng “Bánh Đa Kê”, con tôi mua cho tôi khi xe Bus chuyển bánh. Cậu Hưng cũng biết”.
Tôi lúi húi mở ba lô, lấy miếng “Bánh Đa Kê” đưa cho chị. Miếng “Bánh Đa Kê” hơi mềm vì bị ngấm độ ẩm của kê ngào và đường tan. Nó còn mang cả một khối ân tình ngọt ngào của con tôi gói ghém trong đó.
Mọi món ăn dân dã mà tôi còn nhớ trong quá khứ, tôi đều được thưởng thức,… trừ món “Bánh Đa Kê”. Do đó khi chia tay, tôi lên xe Bus, tôi thấy con tôi dừng lại bên hiên, trước mặt là một bà già nhà quê đang bán hàng, chốc chốc nó lại quay lại nhìn xe Bus. Tôi chăm chú nhìn. Khi xong, nó vội chạy lên xe trao tôi gói “Bánh Đa Kê”, tôi vui nhận và nói:
- “Thế là Bố được hưởng trọn món ăn dân dã của tuổi thơ, món cuối cùng là “Bánh Đa Kê”, cũng vào giờ phút chót con đã dành cho Bố.”
Con tôi rất vui, cũng như tôi, trong những nụ cười đã chứa chấp nỗi buồn chia cách. Đôi mắt của cả hai đều đỏ hoe và cùng cố che dấu những giọt lệ!
Tôi nhìn theo, những bước đi, tuy chậm rãi nhưng nặng nề, mất hút, khi nó rẽ phải ở góc phố.
Hưng, người ngồi bên hỏi:
- “Người nhà của bác?”
- “Phải, con tôi, mai mốt nó lại bay về Pháp”.
Cầm miếng “Bánh Đa Kê”, một kỷ niệm đẹp trong đời, tôi phân vân, không dám ăn ngay do sợ kỷ niệm này tan biến, vì miếng ăn quá khẩu thành tàn. Hơn nữa tôi không rời mắt tìm kiếm hình bóng con tôi trên đường về. Tôi bỏ miếng bánh vào bao nylon và cất trong ba lô.
Trong khi chị nhẹ gỡ miếng giấy gói dính trên bánh tráng, còn tôi lúi húi cất ba lô, mà trong lòng cũng mừng vì tìm dược hướng giải quyết cho tôi về miếng “Bánh Đa Kê” này.
Không gì hơn là trao những thứ mình quý mến cho người khác, ít nhất nó cũng tồn tại và may ra họ còn nhớ đến mình…
Nếu không, thì kỷ niệm vẫn chỉ còn là kỷ niệm trong ký ức.
Tôi chia chị một nửa, tôi giữ lại một phần nhỏ để ăn; ít ra nó cũng là món ăn dân dã mà tôi cần tìm lại hương vị xưa; nó cũng mang trọn ân tình của con tôi dành cho tôi! Phần còn lại tôi trao cho Hưng, người đồng hành và chứng kiến chuyện của tôi trên xe Bus.
Hai người đều cám ơn tôi, nhưng thực ra tôi phải trân trọng cám ơn hai người, vì hai người đã giúp tôi giữ gìn kỷ niệm. Nó còn mãi trong tôi, mỗi khi tôi nghĩ đến miếng “Bánh Đa Kê” vào ngày chia tay với con tôi, sau ngày lễ ngàn năm Thăng Long.
Đó cũng là lý do tôi muốn lưu giữ hình bóng của chị.
- “ Biết đâu trong chuyến công tác tới, tôi có duyên được gặp chị cùng chuyến bay, chúng ta lại có dịp nói chuyện về Hànội, hay dạo chơi lang thang trên đất Hà Thành, nơi mà tôi sinh trưởng và mang tên địa danh của nó.”
- “Lần nào về công tác cũng quá bận và ngắn hạn, chắc không có thời gian thư giãn đâu.”
Chuyện vãn đã nhiều, chị bấm nút ngả thành ghế, tôi làm theo. Mọi người muốn im lặng để thư giãn ít phút.
Nhờ vậy mà tôi mới có khoảng thời gian nhìn chị.
Ngắm nhìn khuôn mặt chân chất không trang điểm phấn son, nhưng khuôn mặt trái soan, mũi dọc dừa, vẫn dịu dàng như khuôn mặt của Trà Giang, pha trộn với gương mặt lanh lợi của Dương Tử Quỳnh. Dáng người thanh tao, cao vừa tầm. Vừa gọn gàng, vừa mộc mạc trong chiếc áo soie mềm mại, chấm phá bằng nhiều màu nâu bordeau, xám, ít đen và trắng, bỏ ra ngoải chiếc quần tây màu xám nhạt. Dù chị đứng tuổi, vào cái tuổi mà các bà hay trưng diện với đồ trang sức đắt tiền, hoặc quần áo lòe loẹt đầy “ sắc hoa màu nhớ ”, cùng má hồng, môi nâu, quầng mắt xám…, mà chị thì gọn gàng đơn sơ, không điểm trang, không trưng diện, như giọt sương sớm đọng trên mạng nhện óng ánh bảy màu phản chiếu bởi ánh sáng mặt trời; khiến tôi muốn lưu giữ hình ảnh chị cũng như muốn làm quen thân cùng chị…
Tôi quay nhìn ra khung cửa tròn và nhỏ hẹp của máy bay. Trời đã về chiều muộn, nên bóng hoàng hôn đã lan tỏa khắp bầu trời. . Mặt trời tròn đã ngả màu cam xậm nằm sát cuối chân trời chờ lặn…
Xem tiếp phần 2
No comments:
Post a Comment