11/24/10

Thụ Nhân Chi Kế Mạc Như Đại Hội - 樹 人 之 計 莫 如 大 會

Thụ Nhân Chi Kế Mạc Như Đại Hội
樹 人 之 計 莫 如 大 會

Lê Đình Thông

 Đại Hội Thụ Nhân Thế Giới được tổ chức tại Melbourne sáng 28 tháng 11 năm 2010. Trong lá thư ngỏ gửi đại gia đình Thụ Nhân trên khắp thế giới, trưởng ban tổ chức là tiến sĩ Phạm Văn Lưu đã nói về ý nghĩa của địa điểm tổ chức như sau :

‘‘Để anh chị có thể tìm lại chút hương vị của đời sinh viên với khung cảnh thật thơ mộng như Đại Học Dalat ngày xưa, lễ Khai mạc và đêm Gala sẽ đươc tổ chức trong khuôn viên Đại Học Melbourne cổ kính, kề cận Trung Tâm Thành phố Melbourne.’’

 Ngoài ý nghĩa không gian, Đại hội còn mang sử tính về sự kế thừa truyền thống Thụ Nhân mà Đức Ông Nguyễn Văn Lập có công khai sáng và không ngừng cổ võ. Ban tổ chức Đại Hội Thụ Nhân Thế Giới đã trích dẫn di ngôn sau đây của Đức Ông Nguyễn Văn Lập :

‘‘...Mong rằng sau này, trên những bước xuôi ngược của đường đời, trong khi bỡ ngỡ trước những bất trắc của cuộc sống, trong khi lo ngại trước những khó khăn của chức vụ, các bạn sẽ nhớ đến mái trường cũ, nhớ đến tình thầy nghĩa bạn và biết đâu những kỷ niệm của Viện Đại Học Dalạt khiêm tốn nhưng đầy thương yêu sẽ không đem lại cho các bạn một vài phấn khởi...’’

 Niềm mong ước của Đức Ông Nguyễn Văn Lập được thể hiện qua Đại Hội Thụ Nhân Thế Giới năm nay. Ngoài quý Thầy Cô và các anh chị đến tham dự còn phải kể đến các bạn không thể tham dự được. Ngày nay, mỗi người đều là một mảnh linh hồn của cây Thụ Nhân.

 Trong diễn văn ngày 28-4-1965, Đức Ông Viện trưởng Nguyễn Văn Lập tuyên bố:
“Ý thức trách nhiệm của mình trong phạm vi giáo dục và để khắc phục mọi khó khăn, chúng tôi thường tâm niệm lời giáo huấn của cổ nhân:
“Kế một năm không gì bằng trồng lúa,
Kế mười năm không gì bằng trồng cây,
Kế trăm năm không gì bằng trồng người.
Bách niên chi kế mạc như Thụ Nhân.’’
( 百 年 之 計 , 莫 如 樹 人 )
Từ đó, “Thụ Nhân” ( 樹 人 ) trở thành danh hiệu thân yêu đối với cả thầy lẫn trò xuất thân từ Viện Đại Học Dalat. Ngày nay các đơn vị Đại Học Dalat ở khắp nơi đều mang tên Thụ Nhân: Thụ Nhân trong nước, Thụ Nhân Nam Cali, Thụ Nhân Houston, Thụ Nhân Washington, Thụ Nhân Canada, Thụ Nhân Úc Châu (Victoria, Sydney…), Thụ Nhân Âu Châu v.v.

 Viện Đại Học Dalat còn là người mẹ hiền (alma mater), các môn sinh là con một nhà. Ý niệm này được Đức Ông Nguyễn Văn Lập nói đến trong nhiều diễn từ. Bài Cây Thụ Nhân bên cổng Thiên đường trong tập sách Tưởng niệm Đức Ông Nguyễn Văn Lập (1911-2001) do Thụ Nhân Paris ấn hành năm 2002 có đoạn viết :‘Thụ Nhân là trồng người theo chiều dọc. Alma mater là xã hội hóa việc trồng người theo chiều ngang nhân sinh.’’ . Các Đại hội Thụ Nhân thế giới lần lượt tổ chức tại Hoa Kỳ, Canada và Úc Châu chứng tỏ cây Thụ Nhân luôn xanh tươi, trái tim (trường) mẹ vẫn nồng thắm. Trước các Đại hội Thụ Nhân Thế giới vừa kể, Thụ Nhân Paris dự định tổ chức Đại hội Thụ Nhân Thế giới tại Paris vào tháng 7-1997 và kính mời Đức Ông Nguyễn Văn Lập sang Paris để có dịp gặp gỡ con cái bốn phương. Khi đó việc sử dụng internet chưa phổ biến (thư mời được gửi bằng đường bưu điện đến các ban đại diện Thụ Nhân để nhờ phổ biến, cũng chưa có các diễn đàn Thụ Nhân trên internet, các anh chị đều còn đi làm (tuổi trung bình khoảng 45 tuổi) nên đự định này bất thành.

 Đại Hội Thụ Nhân Thế Giới kết hợp hai đặc tính : ý niệm Thụ Nhân của Đại Học Dalat trước đây và biểu tượng văn hóa của nước chủ nhà. Sự kết hợp này khiến cho mỗi đại hội lại mang sắc thái riêng. Nhờ vậy, chân trời Dalat ngày xưa, nay được mở rộng đến góc biển Thái Bình của Cali ; Đại Tây Dương của Canada và Washington ; nam Thái Bình Dương với nước Úc. Mỗi đại hội là một khẳng định về ý nghĩa đích thực của truyền thống Thụ Nhân. Ngày nay, mỗi cựu sinh viên Đại học Dalat là hiện thân của cây Thụ Nhân. Mỗi đại hội Thụ Nhân không chỉ là ‘‘ba cây chụm lại nên hòn nùi cao’’, mà là sự tập hợp của 3 x 100 cây Thụ Nhân, hình thành cả một rừng thông tri thức. Tiếng thông reo của mỗi kỳ đại hội đều mang ý nghĩa gọi đàn.

 Theo thứ tự thời gian, các Đại Hội Thụ Nhân lần lượt diễn ra tại Nam Cali (2000), Bắc Cali (2002), Houston (2004), Washington (2008) trên nước Mỹ. Nước Mỹ (美) còn được gọi là Hoa Kỳ (花 旗). Người Tầu mệnh danh lá cờ sao sọc là Hoa Kỳ. Hoa (花) + Mỹ (美) là hoa mỹ, nghĩa là đẹp, để chỉ định nước Mỹ (Mỹ Quốc : 美 國).

 Cách đây 234 năm, vào ngày 6-7-1776, lá cờ sao sọc tung bay tại New York lúc đại tướng George Washington đọc Tuyên ngôn Độc lập.

 5 tháng sau, vào ngày 3-12-1776, lá cờ sao sọc do thiếu úy John Paul Jones thượng kỳ trên chiến hạm La Providence (Thiên định) trên sông Delaware.

 13 ngôi sao tương trưng cho 13 tiểu bang lập quốc ;
 13 sọc ngang tượng trưng cho 13 thuộc địa ly khai của Anh.
Sau này, người ta lần lượt thêm 37 ngôi sao vào lá cờ sao sọc vào ngày Quốc khánh Mỹ 4 tháng 7.



Cờ sao sọc trở thành quốc kỳ nước Mỹ do nghị quyết của Ủy ban Hải quân trong khuôn khổ Đại hội Lục địa lần thứ hai họp ở Philadelphia ngày 14 tháng 6 năm 1777 :

‘‘Nay quyết định quốc kỳ nước Mỹ gồm 13 sọc, đỏ rồi trắng ; 13 ngôi sao trắng trên nền xanh phân chia lãnh thổ (canton), biểu tưọng của chòm sao mới.’’

 Trong hai trận Chiến tranh Thế giới lần I và II, cờ sao sọc có 48 ngôi sao. Từ ngày 4/7/1960, lá cờ hoa có 50 ngôi sao. Số vì sao, một ông sao sáng, hai ông sáng sao, còn có thể còn tăng thêm, với sự gia nhập của Guam, Porto Rico, District of Columbia.

 Đại Hội Thụ Nhân Thế Giới lần V họp tại Washington vào năm 2008 là một sự trùng hợp có ý nghĩa, nhắc lại trang mở đầu của lịch sử lập quốc Hoa Kỳ : George Washington đọc Tuyên ngôn Đập lập trước lá cờ sao sọc. Đại hội Thụ Nhân Thế Giới lần I và II họp tại California (2000, 2002) và lần III tại Houston (2004) nói lên cuộc tây tiến và nam tiến trong lịch sử nước Mỹ trước đây, ngày nay hình thành hai cứ điểm có nhiều ‘‘con người Thụ Nhân’’ (Homo Thunhannus) tại hải ngoại. Cả ba Đại Hội Thụ Nhân Thế Giới tại ba phương : đông, tây và nam của nước Mỹ ‘‘tượng trưng cho chòm sao mới’’ của Thụ Nhân trên khắp thế giới vậy.

 Đại Hội Thụ Nhân Thế Giới lần IV (2006) họp tại Vancouver (Canada) cho đủ tứ phương : sau đông, tây, nam ; nay có thêm bắc phương. Quốc kỳ Canada được mệnh danh là Maple Leaf Flag (le drapeau à la feuille d'érable : cờ lá phong) được chính thức sử dụng vào năm 1965.



Lá cờ nền đỏ, ở giữa là hình vuông trắng có lá phong gồm 11 mũi nhọn. Vào năm 1834, hội Saint-Jean-Baptiste sử dụng lá phong như huy hiệu chính thức với lời ngợi ca như sau :

 ‘‘Cây phong lúc mới mọc dễ bị mưa gió đốn ngã, phải héo tàn, mất hết sinh lực. Chỉ ít lâu sau, cây đã đâm chồi nẩy lộc, mọc lên vững vàng, bất chấp phong ba bão tố. Cây phong đứng đầu trong thảo mộc chí, là biểu tượng của dân tộc Canada.’’
 Quốc huy Canada do nhà thám hiểm người Pháp Jacques Cartier đặt ra. Ông là người đầu tiên đặt chân lên Canada, sau các nhà thám hiểm Bắc Âu (Vikings). Theo người Amérindiens, Canada có nghĩa là ngôi làng lều tranh. Jacques Cartier là người đầu tiên đặt tên Canada cho vùng đất ngày nay là thành phố Québec.
 Lá phong quốc huy của Canada là cây phong đường (érable à sucre). Hiệp hội Saint-Jean-Baptiste đã coi cây phong, chúa tể rừng xanh, là biểu tượng của dân tộc Canada (l'érable est le roi de nos forêts; il symbolise le peuple canadien). Trong ca khúc ‘‘Mon beau sapin’’, cây Thụ Nhân cũng được coi là vua rừng (Mon beau sapin, roi des forêts. Que j'aime ta verdure). Cây phong lúc còn xanh là biểu tượng của mỗi con người Thụ Nhận vào tuổi thanh xuân. Ngày nay, các cây Thụ Nhân như cây phong, lập nghiệp khắp nơi, bất chấp mọi thử thách, vững vàng thăng tiến. Đại hội Thụ Nhân Thế giới họp năm 2006 ở Vancouver minh họa cho chặng đường 30 năm của kiếp người Thụ Nhân kể từ 1975, nay là cây phong già giặn, vững vàng trước trường đời :


 Trong Đại hội Thụ Nhân Thế giới, chúng ta mừng mừng tủi tủi gặp lại nhau sau năm tháng chia lìa, tan tác. Rừng phong trong cuộc hội ngộ ở Vancouver đã nói giùm ta mối sầu ly biệt và niềm vui tái ngộ :

Thương nhau xin nhớ lời nhau,
Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy.
Chén đưa nhớ bữa hôm nay,
Chén mừng xin đợi ngày này năm sau.
Người lên ngựa kẻ chia bào,
Rừng phong thu đã nhuốm mầu quan san.
Dặm hồng bụi cuốn chinh an,
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.
Người về chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Vừng trăng ai xẻ làm đôi ?
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường !

Nguyễn Du

 Phải chờ đến tháng 11/2010, dặm trường của Nguyễn Du nối vòng tay lớn sang nước Úc. Cảnh trí cũng đã đổi thay. Rừng phong của thực vật chí được thay bằng đại thử của động vật chí. Đại thử (袋 鼠) : Đại ( 袋) có nghĩa là cái túi. Đại thử là loài chuột có túi.

 Theo tương truyền, kangourou do chữ gangurru có nghĩa là Tôi không biết anh nói gì. Năm 1770, Sir Joseph Yimitghirr đã dịch âm là kanguru (kangooroo). Đại thử mẹ sinh đại thử con trong túi chứa đầy nước vối (liquide amniotique). Khi túi vỡ ra, đại thử con bám chặt lông mẹ để leo vào cái túi ấp (poche incubatrice). Đại thử đo được 2-3 cm nặng 1 gram nằm trong túi mẹ khoảng 235-250 ngày. Đại thử mẹ, mang thai trong 35 ngày, sinh con thứ hai, ở chung túi với con đầu.

 Đại Hội Thụ Nhân Thế Giới lần thứ VI được tổ chức tại Melbourne (Úc) ngày 28/11/2010 là kiện toàn ý nghĩa của năm Đại Hội Thụ Nhân trước mang ý nghĩa con người Thụ Nhân khởi đi từ những cay đắng lúc đầu, ngày nay bước giai đoạn mật ngọt với cây phong đường. Hình ảnh con đại thử nước Úc minh họa di ngôn của Đức Ông Nguyễn Văn Lập, khởi đi từ thông điệp Thụ Nhân ngày 28 tháng 4 năm 1965, và kết thúc bằng lời dặn dò alma mater thường được nói đến trong nhiều diễn văn cuối đời ở Bình Triệu. Các túi ấp ủ đại thử là biểu tượng trọn vẹn nhất về ân tình trường mẹ.

 Như vậy, Đại Hội Thụ Nhân Thế Giới tại Melbourne đã thực hiện tiến trình trồng người : Thụ Nhân Chi Kế Mạc Như Đại Hội (樹 人 之 計 莫 如 大 會) : kế vun trồng con người Thụ Nhân (Homo Thunhanus) không gì bằng đến bên nhau trong đại hội trường mẹ.

 Ngoài ý nghĩa con chuột có túi nuôi con, đại thử (đồng âm trong chữ Hán Việt : 大 暑) còn là một trong 24 tiết trong âm lịch. Thời gian chúng tôi viết bài này theo yêu cầu của anh tiến sĩ Phạm Văn Lưu và chị Đặng Kim Ngọc, trùng hợp với tiết Đại thử.

 Cùng các thầy cô và các bạn Thụ Nhân có mặt ở Melbourne vào cuối năm 2010, gần ngày giỗ Đức Ông Nguyễn Văn Lập (19/12/2001 – 19/12/2010) và những người vì hoàn cảnh không thể tham dự, chúng tôi có bài thơ đề tặng như sau :

Đại hội thu đông bóng với hình :
Trường xưa bạn cũ cuộc hành trình.
Văn khoa, Học thuật cùng Sư phạm,
Chánh trị Kinh doanh suốt học trình.
Chữ nghĩa năm xưa còn sót lại,
Tình sâu nghĩa nặng ý trung trinh.
Chúc cho Đại hội vun trồng mãi :
Thụ Nhân chi kế nhất ân tình.
( 樹 人 之 計 一 恩 情 )

Paris, tiết Đại thử năm Canh Dần (2010)
Lê Đình Thông

No comments:

Post a Comment