Âu Dương Thệ
“Ta nói chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng nó là cái gì mà bảo nó là nền tảng”, “Chủ nghĩa xã hội là gì? Có ai trả lời được không? Ta nói và ta biết là ta đang bịp người khác ! « GS Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng –gần 90 tuổi- đã thành thực trăn trở đặt câu hỏi đó với nhóm cầm đầu chế độ độc tài toàn trị, đặc biệt với tác giả của Cương lĩnh dự thảo Nguyễn Phú Trọng. Trong khi đó cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bà Dương Thu Hương đã nhận xét về ba Dự thảo văn kiện của Đại hội 11 sắp tới : » Hầu như không có nhận định nào trong Văn kiện là đúng sự thật thực tiễn ». Cũng chính vì thế ông Nguyễn Trung, nguyên cố vấn của TT Võ Văn Kiệt, đã dứt khoát đòi : « Nhận định về quốc tế, về các nước Xã hội chủ nghĩa và tình hình đất nước sai. Nên bỏ đi ». Trong khi đó GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế thế giới, nhận xét về tình trạng phá sản tinh thần và tư cách tồi tệ của những người đang giữ quyền lực và sự xuống dốc của xã hội : « Thị trường quan chức bóp chết tất cả thị trường khác ! » Bà Phạm Chi Lan, cựu thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, phê phán thái độ của nhóm đang có quyền lực : « Toàn là giả dối cả ! »
Trên đây là một số nhận xét tiêu biểu của nhiều cựu cán bộ cao cấp, chuyên viên hàng đầu ở trong nước đã được trình bày trong một cuộc « Hội thảo khoa học » của « Hội Khoa học kinh tế VN » và « Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia » vừa mới được tổ chức vào ngày 7.10 ở Hà nội đánh giá về ba Văn kiện dự thảo của Đại hội 11 của ĐCSVN sẽ diễn ra vào tháng 1.2011 và đặc biệt về năng lực cũng như tư cách của nhóm lãnh đạo hiện nay.
Sau khi cho phổ biến ba Dự thảo các Văn kiện của Đại hội 11 trên báo chí vào 15.9, để tỏ ra là biết cầu thị nhóm cầm đầu đảng không chỉ kêu gọi nhân dân đóng góp ý kiến mà còn yêu cầu các giới ở trong đảng cho biết ý kiến về ba văn kiện dự thảo là : « Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội », »Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 “ và « Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng ». (Dưới đây gọi chung là ba Văn kiện).
Trong ít ngày nữa Hội nghị Trung ương 14 sẽ được triệu tập để bàn thêm về ba Văn kiện này đồng thời thảo luận tiếp về đề án nhân sự ở các cấp cao nhất trong Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Vì thế cần biết các nhận định và đánh giá của các cựu cán bộ cao cấp và chuyên viên hàng đầu về các vấn đề quan trọng này, để từ đó có thể thẩm định về tương lai của chế độ độc tài toàn trị sẽ đi về đâu.
Thành phần tham dự
Trong cuộc « Hội thảo khoa học » ngày 7.10 của « Hội Khoa học Kinh tế » và « Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia » có sự tham dự của nhiều nhân vật trước đây từng giữ các chức vụ quan trọng đảng và chính phủ hoặc đã từng là cố vấn chính của một số Thủ tướng. Ngoài ra còn có góp ý của một số chuyên viên kinh tế hàng đầu của chế độ này. Trong số những người tham dự phải kể tới : Cựu Ủy viên Trung ương đảng và cựu Phó thủ trướng Trần Phương, ông đã từng phụ trách ngành nội thương 1982-85 ; Phó Thủ tướng Vũ Khoan, phụ trách lãnh vực ngoại giao và ngoại thương thời TT Phan Văn Khải ; nguyên ủy viên Trung ương đảng và Phó ban Tổ chức Trung ương và Trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương (khóa 6-7) Nguyễn Đình Hương; GS Phan Văn Tiệm, nguyên Thứ trưởng bộ Tài chánh ;Việt Phương , nguyên Thư kí và cố vấn của TT Phạm Văn Đồng ; Nguyễn Trung, cựu đại sứ và trợ lí TT Võ Văn Kiệt-Phan Văn Khải ; Dương Thu Hương, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước.
Các chuyên viên cao cấp tham dự : PGS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế ; GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế thế giới và thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng ; GS Đào Xuân Sâm, nguyên Trưởng bộ môn Quản lí kinh tế trường Nguyễn Ái quốc ; TS Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương; GS Lê Duy Phong, GS TS Khoa học ; bà Phạm Chi Lan từng là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng thời Võ Văn Kiệt-Phan Văn Khải; TS Lưu Bích Hồ, cựu Giám đốc Viện chiến lược phát triển bộ kế hoạch và đầu tư; GS Đào Công Tiến, nguyên là Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Sài gòn, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ thời Võ Văn Kiệt.; TS Nguyễn Mại, nguyên Hiệu trưởng trường Thương nghiệp và Phó trưởng ban đầu tư ngước ngoài (tiền thân của Bộ kế hoạch và đầu tư)…
Cuộc Hội thảo Khoa học do GS Trần Phương chủ trì, kéo dài từ 8.30 giờ sáng đến 17 giờ chiều ngày 7.10 và đã đưa ra một „Biên bản Hội thảo Khoa học“ khoảng 6 trang DINA4. Bản này vừa được phổ biến không chính thức ra bên ngoài vào đầu tháng 11.10 (xem nguyên văn ở phần cuối). Đây chỉ là biên bản tóm lược. Tất cả các tham dự viên đã nhận định và đánh giá khá thẳng thắn về nội dung ba Văn kiên dự thảo sẽ được đưa ra tại ĐH 11 sắp tới. Ngay phần mở đầu GS Trần Phương đã có lời yêu cầu với các tham dự viên là „nói ngắn, nói rõ, không cần giải thích, vì mọi người đều đã đọc“. Tuy biên bản tóm lược chỉ gồm 6 trang nhưng người ta có thể nhận rõ được các phát biểu đã xoáy vào các điểm chính đã được đưa ra trong ba Văn kiện dự thảo của Đại hội 11: Tư tưởng và ý thức hệ Marx-Lenin; mục tiêu, phương hướng, đường lối và các giải pháp giải quyết các vấn đề đất nước trong thời gian tới; năng lực, tầm nhìn và tư cách của nhóm cầm đầu hiện nay.
Điều rất đáng chú ý là, tuy đây là cuộc hội thảo của các cựu cán bộ cao cấp và chuyên viên hàng đầu góp ý về ba Văn kiện chính của Đại hội 11, đúng ra một số ủy viên Bộ chính trị, hay ít ra các tác giả chính của ba Văn kiện này, cần có mặt để lắng nghe và nếu cần thì giải thích cho các tham dự viên. Nhưng trong Biên bản Hội thảo đã ghi rõ chỉ có „một số thành viên Tổ biên tập Cương lĩnh“ có mặt mà thôi. Điều này tự giải thích tinh thần cầu thị thực sự có hay không của các ủy viên Bộ chính trị tác giả chính của ba Văn kiện này như thế nào!
Các nhà khoa học đã nhận định như thế nào về nền tảng tư tưởng của chế độ toàn trị trong Cương lĩnh dự thảo?
Vấn đề quan trọng hàng đầu được hầu hết tham dự viên quan tâm là mổ xẻ và đánh giá nền tảng tư tưởng chính trị mà nhóm cầm đầu chế độ toàn trị chủ trương thực hiện ở VN trong các thập kỉ tới xuyên qua Cương lĩnh dự thảo. Tác giả chính của bản dự thảo này không ai khác là ủy viên Bộ chính trị kiêm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Hiện ông còn giữ chức „Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XI“. Đối với nhiều giới ở trong nước Nguyễn Phú Trọng là một biểu tượng của phe cực kì bảo thủ, độc tài và thần phục Bắc kinh.
Mặc dầu Liên xô, cái nôi của Chủ nghĩa xã hội và các nước CS Đông Âu đã tan rã từ hai thập kỉ vì những sai lầm nghiêm trọng từ ý thức hệ Marx-Lenin tới mô hình tổ chức và vận hành của xã hội Xã hội chủ nghĩa, nhưng Cương lĩnh dự thảo có giá trị trong các thập niên tới vẫn cột chặt lấy tư tưởng Marx-Lenin làm kim chỉ nam cho việc xây dựng đất nước. Vì thế các nhà khoa học hàng đầu không chỉ phê bình nghiêm khắc tư duy bảo thủ và lạc hậu của những người soạn thảo các văn kiện này mà còn cảnh báo về các nguy hại tất yếu cho VN trong mọi lãnh vực đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân, nếu cứ phải tiếp tục chịu đựng dưới chế độ độc đảng toàn trị .
Trong cuộc Hội thảo khoa học nói trên, GS Võ Đại Lược đã phê phán thẳng thắn chủ trương cực kì bảo thủ và lạc hậu này: „Ta đang sống trong thời đại thế giới đại điều chỉnh, nhưng Văn kiện không ghi nhận được điều này“. Trong khi ấy GS Trần Phương đặt lại toàn bộ định đề của Cương lĩnh dự thảo „Ta nói chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng nó là cái gì mà bảo nó là nền tảng ?“ Ông nói tiếp „Mác mới là phác thảo, dự báo về xã hội tương lai, chứ có phải là nguyên lí, kinh thánh đâu!“, „Cái gọi Chủ nghĩa cộng sản đã là ảo tưởng rồi!“. Trong khi ấy ông Nguyễn Trung khẳng định rõ ràng là, trở ngại lớn nhất cho đất nước hiện nay nằm ở việc cứ ngoan cố duy trì thể chế chính trị độc tài đã sai lầm. Vì thế theo ông, „cải cách thể chế chính trị thành một vấn đề bức xúc, không giải quyết không phát triển được. Phải xây dựng hiến pháp mới!“. Còn GS Đào Xuân Sâm cảnh báo, nếu cứ đi tiếp con đường mòn thì tất yếu sẽ dẫn tới „Cương lĩnh thất bại, tuyên truyền thất bại. Lí luận chính trị chưa bao giờ suy đồi như bây giờ“. Bà Phạm Chi Lan nêu câu hỏi của người dân bình thường về khả năng và tư cách của nhóm lãnh đạo: „Bây giờ viết vậy, họ tin thế thật à?“ và bà lo lắng, trăn trở cho đất nước: „Nếu đưa cái Cương lĩnh chiến lược này ra mà thông qua thì sẽ ra sao đây!“ Cựu Phó TT Trần Phương kết luận qua đánh giá về nội dung Cương lĩnh và về tư cách, tâm địa của những người đã viết ra bản Cương lĩnh quái gở này: „Cương lĩnh đầy dẫy cái sai, cái mơ hồ. Nói Xã hội chủ nghĩa mà không biết nó là cái gì? Nhiều chuyện ta tự lừa dối mình và lừa dối người khác. Phải sửa!“* TS Lưu Bích Hồ quyết liệt hơn đòi, nếu không sửa kịp thì „không thông qua Cương lĩnh“.
Ngoài việc một số nhà khoa học đã chỉ ra thái độ cuồng tín của nhóm cầm đầu chế độ toàn trị vẫn không chịu nhìn nhận những sai lầm và nguy hại của chủ nghĩa Marx-Lenin. GS Lê Du Phong phê bình nghiêm khắc các tác giả của Cương lĩnh này là, họ còn phủ nhận sự thực của lịch sử, khi họ nhắm mắt viết trong Cương lĩnh „Chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc“. Cho nên GS Phong đã kết án những người này là „xem thường lịch sử. Nói Chủ nghĩa xã hội là điều kiện độc lập. Các triều đại trước có Chủ nghĩa xã hội đâu mà vẫn độc lập!“
Các chuyên viên hàng đầu và cựu cán bộ cao cấp đã nhận định như thế nào về các „định hướng lớn“ chính trị, kinh tế, giáo dục và quốc phòng- ngoại giao sẽ được thông qua tại ĐH 11 ?
Bước sang phần đánh giá về mô hình tổ chức bộ máy Đảng và Nhà nước và các giải pháp lớn để phát triển đất nước đã được nêu ra trong ba Văn kiện sẽ được đưa ra trong Đại hội 11, hầu hết các tham dự viên trong cuộc Hội thảo khoa học ngày 7.10 đã có những nhận định chung khá đồng nhất về hệ thống tổ chức và vận hành quyền lực hiện nay của chế độ độc đảng. Đó là, những người cầm đầu hiện nay tỏ ra cuồng tín, lạc hậu hơn trong tư duy và có thái độ ngang ngược hơn so với trước. GS Lê Duy Phong đánh giá những tác giả các Văn kiện này là: „Tư duy lí luận lạc hậu, mâu thuẫn, xa rời thực tiễn, thụt lùi so với Đại hội trước“. Trong khi ấy TS Lê Đăng Doanh tố cáo thái độ ngang ngược của nhóm cầm quyền là đã không thực hiện các nghị quyết của Đại hội trước về một số việc rất quan trọng để dân chủ hóa đất nước, như „Luật về Hội, Luật về quyền tiếp cận thông tin, Luật Hiến pháp“. Mặt khác, vẫn theo nhiều tham dự viên, những người cầm đầu hiện nay rất ngạo mạn và tham quyền, như trong Cương lĩnh dự thảo đã ngang ngược đề cao tiêu chí „ĐCSVN là đảng cầm quyền“ coi như một việc tất yếu và vĩnh hằng !
Các tham dự viên còn chỉ ra những nguy hại cho đất nước trong các lãnh vực, nếu mô hình tổ chức và vận hành quyền lực bảo thủ, lạc hậu và phản động này cứ được tiếp tục như đã ghi trong các Văn kiện dự thảo của Đại hội 11. Trong khi những người soạn thảo các văn kiện vẫn ngạo mạn tự đắc bảo rằng, „dân chủ trong Đảng được mở rộng“, bà Dương Thu Hương đã dũng cảm tố ngược: „Dự thảo Văn kiện đánh giá:“Dân chủ trong Đảng được mở rộng“. Tôi nghĩ trong Đảng là mất dân chủ nhất.“ Trong khi ấy ông Vũ Tuấn nêu ra những tệ hại của chế độ độc đảng, như thái độ vô trách nhiệm của những người cầm đầu và vì thế họ đã đánh mất danh nghĩa: „…Lãnh đạo là ai? Ai cho anh quyền lãnh đạo? Chính quyền thì ỷ vào đảng, cái gì cũng đợi để thường vụ bàn!“ Đồng quan điểm này, cụ Trần Phương phê phán: “Đảng quyết mọi thứ mà lại không chịu trách nhiệm gì. Thế mới chết chứ!“. Vì thế TS Nguyễn Mại đã đưa ra đòi hỏi, „đã đến lúc phải đổi mới hệ thống chính trị, phải phân định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, chức năng của nhà nước. Quốc hội hiện chưa phải là cơ quan lập pháp.“ Từ đó TS Lê Đăng Doanh rút ra kết luận dứt khoát :“Thể chế là vấn đề sống còn. Đảng phải đổi mới, phải được giám sát“.
Ngoài việc chống lại chủ trương rất ngang ngược „Đảng cầm quyền“ như đã ghi trong các Văn kiện dự thảo, nhiều người tham dự còn chống lại các „định hướng lớn“ đã được ghi rõ trong các Văn kiện này: Nền kinh tế gọi là „Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa“, trong đó đất đai thuộc quyền công hữu, tức là độc quyền của nhà nước, và „vai trò chủ đạo của doanh nghiệp Nhà nước“. Ông Võ Đại Lược cảnh báo: „Công hữu là chủ đạo? Thật là vô lí, có hại cho đổi mới! Doanh nghiệp Nhà nước là chủ đạo, nền tảng của kinh tế nhà nước, chỗ này là phi Xã hội chủ nghĩa nhất, nguy hiểm quá“. GS Lê Duy Phong đồng ý và chỉ ra những bức xúc trong kinh tế và xã hội: „ Vấn đề công hữu, kinh tế Nhà nước là chủ đạo, bình đẳng mọi thành phần là những vấn đề nổi cộm“. PGS Trần Đình Thiên phủ nhận những hô hoán vơ vào của những người cầm đầu bảo rằng, những thành quả kinh tế trong hơn hai thập niên qua là do thực hiện định hướng Xã hội chủ nghĩa: „25 năm qua điều ta đạt được là nhờ chuyển sang thị trường chứ không phải là do định hướng Xã hội chủ nghĩa“. Ông Lê Đăng Doanh nêu ra ba cái móc ngoặc tạo ra tham nhũng bất trị của chế độ hiện nay khiến cho „pháp chế Xã hội chủ nghĩa“ chỉ là hình thức, đó là: „Thể chế, lợi ích nhóm, vận hành quyền lực tùy tiện“. Ông đòi hỏi phải chấm dứt ngay các tệ trạng này chứ không được phép để nó tiếp tục như trong các Văn kiện: „Đổi mới thể chế phải là then chốt! Phải ngăn chặn lợi ích nhóm, kiểm soát sự lãnh đạo của Đảng. Cần có luật về sự lãnh đạo của Đảng.“ GS Phan Văn Tiệm nói thẳng nguyên nhân của tham nhũng và đòi dứt khooát: „Từ nay từ bỏ chủ đạo. Không nên lập ra các tập đoàn kinh tế, vì đó là sân sau của quan chức“. Ông Võ Đại Lược cũng cho rằng, một trong các nguyên nhân của tình hình xã hội vô kỉ luật là do „cơ chế tuyển dụng, tuyển chọn cấp cao“ „không công khai minh bạch“. Tán đồng với quan điểm này bà Phạm Chi Lan và TS Nguyễn Mại nêu thí dụ điển hình về tệ trạng các quan tham nhũng và vô trách nhiệm như trong các vụ Vinashin, PMU 18…
Nhiều tham dự viên cảnh báo, nếu cứ ngang ngược duy trì các chủ trương sai lầm và bảo thủ như qui định trong các Văn kiện thì VN sẽ tiếp tục tụt hậu so với nhiều nước trên thế giới. Họ báo động thêm, ngay cả với nhiều nước trong khu vực nguy cơ tụt hậu của VN là rất lớn. GS Trần Phương còn vạch cho mọi người biết thói lừa bịp của những người cầm đầu. Trong „Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020“ họ bảo rằng, tới 2020 VN sẽ tiến lên một nước công nghiệp với lợi tức đầu người là 3.000 USD/năm. Cho nên cụ Trần Phương vạch thói bịp dân của nhóm này: „Viết rằng 2020 thành nước công nghiệp mà có 3000 USD/người là bịp dân. Nước công nghiệp mà có 3000 USD/người thôi à!”
Một vấn đề đang rất bức xúc và hệ trọng khác cũng được nhiều cựu cán bộ cao cấp và chuyên viên hàng đầu lên tiếng cảnh báo trong cuộc Hội thảo này là lãnh vực quốc phòng-ngoại giao. Theo họ, nếu đất nước tiếp tục chìm sâu trong nạn độc tài, tham nhũng, tụt hậu và nhập siêu khủng khiếp như trong các năm vừa qua thì nguy cơ lệ thuộc kinh tế, thương mại và dẫn tới mất chủ quyền trước áp lực và chủ trương bành trướng của Bắc kinh là một sự thực hiển nhiên trước mắt. Cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan -người từng phụ trách lãnh vực ngoại giao và ngoại thương -, cựu Phó Thống Ngân hàng nhà nước Dương Thu Hương và cựu đại sứ Nguyễn Trung,…. đã cảnh báo rõ ràng trong các phát biểu tại cuộc Hội thảo Khoa học ngày 7.10. Ông Nguyễn Trung lưu ý :“Vấn đề phụ thuộc vào Trung quốc rất nguy hiểm. Toàn bộ xuất siêu của ta đập vào nhập siêu của Trung quốc mà không đủ. Nếu Trung quốc chỉ dùng Nhân dân tệ để buôn bán khu vực thì ta nguy.“. Bà Dương Thu Hương nhấn mạnh thêm: „An ninh quốc phòng, tôi đang rất lo sợ. Bauxite Tây nguyên, cho thuê rừng, lao động nước ngoài…không được giải quyết dứt điểm. Trong các báo cáo đề cập rất mờ nhạt.!“
* * *
Bình tâm xét thì những gì nêu ra trong „Biên bản Hội thảo khoa học“ ngày 7.10.2010 thực ra không có gì mới so với nhiều người ở trong và ngoài Đảng cộng sản đã nói trong thời gian gần đây. Nhưng ở đây có một số điều đáng lưu ý cần phải thấy rõ là 1. Có thể đây là lần đầu tiên nhiều cựu cán bộ cao cấp và chuyên viên hàng đầu của chế độ đã dám đứng ra tự tổ chức một cuộc „Hội thảo khoa học“ ở ngay thủ đô Hà nội để phân tích và đánh giá về ba Văn kiện chính của Đại hội 11 sắp tới. Việc này cho thấy tinh thần không phục, không sợ nhóm cầm đầu đang vươn tới cả tầng lớp từng được coi là giường cột của chế độ. 2. Các cơ sở tư tưởng triết lí được coi là tiền đề, là nền tảng lí luận và khuôn mẫu tổ chức xã hội toàn trị đã bị các tham dự viên –những người đã từng một thời tin theo- phê phán rất nghiêm khắc, cho đó là nguyên nhân xuống cấp và tạo bất ổn của xã hội, đồng thời là nguy cơ đưa đất nước tới tụt hậu và mất chủ quyền ! 3. Tâm trạng chung lúc này của các cựu cán bộ cao cấp và chuyên viên hàng đầu là rất thất vọng không còn tin tưởng vào năng lực và ý chí của nhóm cầm đầu chế độ toàn trị. Không những thế, các tham dự viên còn nghi ngờ tư cách đạo đức của những người này. Các câu „toàn là giả dối cả“, hoặc „dân không tin vào Đảng nữa“ đã được nhiều tham dự viên nói thẳng nhiều lần trong cuộc Hội thảo ngày 7.10 !
Một cảm nhận chung rất xuyên suốt khi đọc „Biên bản Hội thảo khoa học“ là, trong thâm tâm đại đa số các tham dự viên ước mong sớm có sự chấm dứt chế độ độc tài toàn trị và đất nước chuyển sang một chế độ dân chủ đa nguyên. Mặc dầu cụm từ này chưa được công khai nhắc tới trong cuộc Hội thảo và chúng ta hiểu được lí do tại sao họ vẫn phải tránh công khai dùng nó. Các tham dự viên còn để lộ cho thấy, họ không còn đặt hi vọng vào những người cầm chịch chính trị hiện nay có ý muốn và ý chí tự sửa đổi. Nhiều người đã phê phán trong cuộc Hội thảo này là, các Văn kiện dự thảo của Đại hội 11 tỏ ra lạc hậu so với ngay một số Văn kiện của các Đại hội trước và ban lãnh đạo hiện nay đã tráo trở không thực hiện cả nhiều Nghị quyết quan trọng của Đại hội 10 trước đây! Câu hỏi rất quan trọng được nêu ra ở đây, một khi ngay cả cựu cán bộ cao cấp và các chuyên hàng đầu không còn phục và hi vọng vào nhóm cầm đầu nữa thì còn có ai tin chế độ nữa không ?
Nhưng điều làm xúc động nhất và cũng gây kinh hoàng nhất là phần kết luận của „Biên bản Hội thảo khoa học“. Các tham dự viên biết rằng, tuy họ là những đứa con tinh thần của chế độ, đã từng sinh ra, trưởng thành và bao nhiêu năm phục vụ chế độ, nhưng nhóm cầm đầu hiện nay của chế độ đang phủ nhận và khinh thường những người con tinh thần này. Họ tâm sự: Mặc dù những điều họ nói ra trong cuộc Hội thảo rất „trung thực, thẳng thắn“ với „trách nhiệm của nhà nghiên cứu“ và chỉ mong „Đảng mạnh lên, đất nước mạnh lên“. Nhưng tiếng nói từ đáy lòng của họ vẫn không lọt vào tai nhóm cầm đầu hiện nay. Chính vì thế, các cựu cán bộ cao cấp và chuyên viên hàng đầu đã phải nghẹn ngào gửi gấm tâm trạng rất ngậm ngùi của mình trong câu kết của Biên bản Hội thảo:
„Dù không được chấp nhận, nhưng ít ra cũng lưu vào văn bản, lưu lại hậu thế rằng, năm 2010 có một số nhà kinh tế đã nói như vậy, để hậu thế biết rằng, hóa ra đất nước cũng còn những trí thức không đến nỗi dốt nát ./.“
Có thể nào! ? Có thể nào như thế được! ? Các trí thức chỉ nói theo mệnh lệnh của lương tâm và sự hiểu biết của trí tuệ mà bọn cầm quyền vẫn ngang ngược chẳng thèm nghe ! Thời Trung cổ man dã đang hiện thực ở VN vào đầu Thế kỉ 21!
Không chỉ những lời nói từ lương tâm và trí tuệ của các đồng chí không được những kẻ có quyền lực lắng nghe mà chính họ còn ra lệnh cấm đăng tải và phổ biến những gì nghịch lỗ tai họ. Vì ngày 10.9.2010, vài ngày trước khi cho công bố ba Văn kiện dự thảo của Đại hội 10 và kêu gọi mọi người „góp ý kiến“, ủy viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương và Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Tô Huy Rứa đã ra bản Hướng dẫn số 112 HD/BTGTW rất độc tài, tha hóa và phản động:
“…Không đăng và phát trên các phương tiện thông tin đại chúng những ý kiến phản bác chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về học thuyết Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, về vai trò lãnh đạo của Đảng; những vấn đề cần giữ bí mật về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; những ý kiến đả kích cá nhân hoặc tổ chức đảng, cơ quan nhà nước.”
Tiếng nói thành thực xuất phát từ lương tâm và trí tuệ của nhiều cựu cán bộ cấp cao và chuyên viên hàng đầu đã bị liệt vào những loại cấm kị của bản Hướng dẫn trên. Điều này chứng minh rõ ràng là, thái độ hống hách quan liêu của những phần tử độc tài đang nắm quyền-tiền cộng với bệnh „kiêu ngạo Cộng sản“ đã đạt tới mức cực điểm và vì thế họ đã đánh mất lòng lương thiện và tính tự trọng tối thiểu!
Nội dung bản Hướng dẫn số 112 này đã tự bộc lộ tâm địa đen tối của nhóm có quyền lực hiện nay. Đại đa số nhân dân và ngày càng có nhiều đảng viên đã thấy rằng, chỉ vì tham vọng ích kỉ muốn leo cao hơn, ngồi lâu hơn nên một số người có quyền lực trong Bộ chính trị đã chọn hai thái độ hoàn toàn mâu thuẫn nhau trong việc bảo vệ cái ghế của họ: Một đằng họ đang đạp lên đầu nhân dân, bóp cổ những người dân chủ và bịt miệng, treo bút các cán bộ và chuyên viên còn biết quí lòng tự trọng. Nhưng giữa lúc ấy chính những người này lại hèn hạ cúi đầu tụng niệm các câu thần chú „16 chữ vàng“ và „bốn tốt“ của bọn bành trướng Bắc kinh. Trong khi cả thế giới đều biết Bắc kinh đang công khai ra oai diễn võ ở biển Đông, bắt giữ và hành hạ dã man hàng trăm ngư dân VN đánh cá ở quần đảo Hoàng sa, để cổ súy cho chủ thuyết đế quốc mới „ cái lưỡi bò“, thì một số người có quyền lực của Cộng sản VN lại ngăn cản Quốc hội lên tiếng với lí do „không có gì mới“ (ủy viên Bộ chính trị và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng) . Thậm chí họ còn bênh vực Bắc kinh và chụp mũ những người VN dân chủ yêu nước: "Không để các lực lượng xấu sử dụng vấn đề Biển Đông để kích động, chia rẽ quan hệ Việt Nam-Trung quốc, chia rẽ quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân chúng ta." (ủy viên Bộ chính trị và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh).
Sau bao nhiêu năm chiêm nghiệm về lòng dạ và năng lực của nhóm có quyền hành, gần đây ngay cả nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Sài gòn Lê Hiếu Đằng, nhân dịp kỉ niệm 80 năm “Mặt trận Dân tộc Thống nhất” của chế độ độc tài toàn trị và trước đêm tối của Đại hội 11, đã đưa ra môt nhận định rất đúng ”không có người cai trị nào tự nguyện từ bỏ quyền lực, ghế ngồi của mình. Dân chủ chỉ có được qua đấu tranh !” Ông đã chọn thái độ dấn thân dứt khoát và kêu gọi các đồng chí cùng hành động. Theo ông, đã đến lúc mọi người không thể cứ phải “ăn cái bánh vẽ dân chủ” và chịu làm “cây kiểng tự do” cho nhóm độc tài che mắt nhân dân và thế giới! Ông Đằng tâm sự với các đồng chí:
“Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ, chúng ta không có gì phải sợ, tôi muốn nhắc lại điều tâm niệm này cho chính mình mà cũng là điều muốn nhắn gửi các đồng chí, đồng đội, bạn hữu của mình và tất cả những ai còn trăn trở với những vấn đề của đất nước, của dân tộc. ”
Vì đã thấy rõ, hiện nay hơn lúc nào hết, “Dân chủ là giải pháp cho các vấn đề của đất nước” là chính nghĩa và rất khẩn thiết, cho nên Lê Hiếu Đằng đã hô lên: “Tại sao chúng ta phải sợ ? Và Ông đã đưa ra kết luận rất chí lí:
“ Những người phải sợ là những người đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân. Chắc chắn họ sẽ bị nhân dân chối bỏ, bị lịch sử phủ nhận !”
Từ “Biên bản Hội thảo Khoa học” tới lời kêu gọi thiết tha “Dân chủ là giải pháp cho các vấn đề của đất nước” trước đêm tối của Đại hội 11 đã cho thấy, chúng ta đang là chứng nhân về sự dấn thân vì dân chủ tự do, vì hạnh phúc của nhân dân và chủ quyền dân tộc đang sục sôi trong tầng lớp chuyên viên và trí thức, kể cả những đảng viên Cộng sản còn biết quí lòng tự trọng ! Ngày càng nhiều trí thức Việt Nam thời đại của Thế kỉ 21 đang tự tin và nhập cuộc hành trình cùng mọi thành phần dân tộc !
Một khi tầng lớp trí thức nhận rõ được sứ mệnh của mình và dám kề vai gánh trách nhiệm lịch sử thì đây là những tín hiệu rất tốt cần được trân trọng và triển khai hơn nữa. Như vậy cuộc đấu tranh vì dân chủ đa nguyên, phát triển đất nước và danh dự tổ quốc của các thành phần dân tộc đang được tăng sức và lực, vững bước tiến lên vào thập kỉ thứ hai của Thế kỉ 21 với niềm tin tất thắng! ♣
Ghi chú
* Có lẽ ở đây cụ Trần Phương muốn ám chỉ tới quan điểm được coi như rất ngây ngô của ông Nguyễn Phú Trọng trong bài „“Sự phát triển nhận thức của Ðảng ta từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay”. Trên Nhân dân 5.5.2010 để giới thiệu trong nội bộ Đảng về Cương lĩnh dự thảo, ông Trọng đã viết:
„Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Ðảng ta luôn khẳng định, chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Ðảng và nhân dân ta; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam…
Tuy nhiên, chủ nghĩa xã hội là gì và đi lên chủ nghĩa xã hội bằng cách nào? Ðó là điều mà Ðảng ta luôn luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn để làm sao vừa theo đúng quy luật chung vừa phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của nước ta.“
Về vấn đề này xin xem thêm bài phân tích: Âu Dương Thệ, „Đại hội 11 đi về đâu và phục vụ ai? Nhân dịp trước Hội nghị Trung ương 13 đặt thẳng vấn đề với ông Nguyễn Phú Trọng: Cương lĩnh Chính trị 2011 sẽ như thế ?
___________________________
CÁC NHÀ LÝ LUẬN CỘNG SẢN KỲ CỰU
GÓP Ý VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẢNG
GS Trần Phương – nguyên phó Thủ tướng Chinh phủ ; Vũ Khoan – nguyên phó Thủ tướng Chính phủ ; PGS Trần đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế ; GS Phan văn Tiệm – nguyên thứ trưởng Bộ Tài chính ; Việt Phương – nguyên Thư ký cố vấn của cố Thủ tướng Phạm văn Đồng ; Dương Thu Hương – nguyên phó Thống đốc Ngân hàng ; GS Đào xuân Sâm – nguyên Trưởng bộ môn Quản lý kinh tế trường Nguyễn Ái Quốc; PGS Võ Đại Lược - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới …
%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%
BIÊN BẢN HỘI THẢO KHOA HỌC
HỘI KHOA HỌC KINH TẾ VN và TRUNG TÂM TT và DBKT – XHQG
( Chưa được chỉnh lý )
Chủ trì : GS Trần Phương , Chủ tịch Hội KHKTVN
Khai mạc : 8 h 30
Thành phần : - Hội KHKT – XH QG
Một số thành viên Tổ Biên tập Cương lĩnh
Một số cán bộ nghiên cứu (được mời )
Nội dung : Góp ý cho các Dự thảo Văn kiện Đại hội XI của Đảng .
- GS Trần Phương : Đề nghị nói ngắn, nói rõ: muốn sửa điều này, bổ sung điều kia thôi , không cần giải thích vì mọi người đều đã đọc , đã biết cả . Nói ngắn để nhiều người được nói , và nghe đươc ý kiến của nhiều người .
- GS Đào Công Tiến :Không nên giữ “kim chỉ nam” như cũ . Phải coi cái đúng ở mọi thuyết đều là nền tảng tư tưởng .
Cần nhận thức lại CNXH, CNXH như cách hiểu chính thống , ngòai khẩu hiệu “Dân giàu nước mạnh .” như mục tiêu thì được ; nhưng 3 đặc trưng ở mô hình trong đó Đảng CS toàn trị, đấu tranh giai cấp, …thì cần thay bằng một mô hình văn minh hơn . Ở đó , dân quyền , pháp quyền phải là tối cao . Hiện nay cần tăng cường tư tưởng khoan sức dân (như Di chúc của Bác Hồ).
Các giải pháp đột phá : phải nhằm vào cải cách chính trị ( chứ không chỉ kinh tế) .
- Ông Việt Phương : Nay người ta không quan tâm góp ý vào văn kiện , vì cho rằng ĐH nào cũng chủ yếu là vấn đề nhân sự thôi . Về văn kiện, có 5 ý sau :
Qúa dài , rất trùng lắp
Đã có một số chủ trương đúng , mới đã được ghi nhận trước đây .Không được tước bỏ đi . Phải đưa trở lại + nhiều cái mới nữa . Những cũ kỹ , lạc hậu , sai lầm quay lại nhiều quá .
Rất nhiều điều chỉ có thể là dự báo KH lại coi là chủ trương, Ví dụ: Đến giữa TK XXI VN thành thế này , thế kia .
- Giữa các văn kiện không có tư tưởng thống nhất
- Văn kiện bị tụt lùi xa so với ĐH 9,10 .
Nếu có thể sửa chữa ti nào thì tốt . Hoặc nên có một Nghị quyết mới , khác . Chỉ nên 10-15 trang , chủ trương tinh túy thôi .
4 – Ông Nguyễn Trung :
Văn kiện chưa rõ vấn đề giải phóng con người , mà còn chưa thống nhất được dân tộc về ý chí , về con đường đi .
Nhận định về quốc tế , về các nước XHCN và tình hình đất nước sai. Nên bỏ đi !
Nên có một Nghị quyết khác với các vấn đề chính là :
- PTBN: nên ghi rõ thành 1 chủ trương + chương trình hành động cụ thể . Thủ tướng đã có một bài viết về v/đ này rồi .
- Quan hệ đối ngoại , nhất là đối với TQ : phải rõ quan điểm .
- Cải cách thể chế chính trị thành một vấn đề bức xúc , không giải quyết không phát triển được . Phải xây dựng Hiến pháp mới .
5 – PGS Võ Đại Lược :
Đồng tình với các ý kiến trước . Lẽ ra Hôi thảo phải có người lãnh đạo nghe .
Ta đang sống trong thời đại Thế giới đại điều chỉnh , nhưng Văn kiện không ghi nhận được điều này .
Đánh giá sai nhiều lắm . Ví dụ : Sụp đổ của XHCN là tổn thất , vậy không phải là thời cơ à?
Định nghĩa về CNXH; Công hữu là chủ đạo ? thật là vô lý , có hại cho đổi mới ! Doanh nghiệp Nhà nước là chủ đạo, nền tảng của kinh tế nhà nước, chỗ này là phi XHCN nhất, nguy hiểm quá .
Ngoài chủ trương công hữu và Đảng CS lãnh đạo chả khác gì phương Tây .
Vấn đề hoàn thiện thể chế ghi trong Văn kiện lại không có định hướng , trở nên vô nghĩa .
Phải có thí nghiệm thể chế, nên xây dựng đặc khu kinh tế .
Tóm lại : Các Văn kiện hiện quá lạc hậu so với thời đại .
6 – TS Nguyễn Mại :
- Có 3 chỉ tiêu cần thay đổi ; thu NS 26% (quá cao) , 5 năm qua thu 28% ; điều chỉnh Tổng đầu tư XH/GDP : 42% (quá cao). chỉ nên 35% thôi ; thu thuế qua hải quan là hơn 30% . Rất phi lý ! Phải tăng thu trong nước , giảm thu hải quan. Các nước thu trong nước tới 90% .
Phải khoan sức dân. Cần cải cách thuế một cách cơ bản , triệt để .
Đề nghị phải làm rõ PMU 18 , Vinashin,
Đột phá 3 lĩnh vực nêu trong Văn kiện thì không phải là đột phá . Phải đột phá Tư duy!
Đã đến lúc phải đổi mới hệ thống chính trị , phải phân định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, chức năng của nhà nước . Quốc hội hiện chưa phải là cơ quan lập pháp !
Tôi nghĩ vấn đề Đảng có thật sự muốn nghe hay không ?
7-Ông Vũ Khoan :
Tiêu chí thực hiện CNH như thế nào ? Nhưng trong điều kiện phải HĐH , chứ không chỉ CNH .
- Xử lý những bất ổn trong kinh tế vĩ mô ; thâm hụt NS , nhập siêu quá cao ;
- Hoàn thành đầy đủ cái nền tảng hay là xây dựng mới ?
- Tình hình Quốc tế khó khăn hơn trước ; sau khủng hoảng người ta thay đổi cả , ta không rõ;
- Nhân tố TQ ; chưa tính hết và chưa đúng .VD ; dùng ND tệ làm phương thức thanh toán .
Về mô hình phát triển: Văn kiện trình bày chưa rõ . ( chưa hình thành được mô hình PT cho 10 năm tới ) .
Vấn đề đột phá : ( bây giờ thành mốt rồi) , nên đưa nguồn nhân lực lên đầu tiên . Trong nhân lực quan trọng nhất là vấn đề người lãnh đạo. Gíáo dục chưa biết là đi theo hướng nào ?
Thể chế : Phải đặt vấn đề về thể chế quản trị quốc gia .
Góp ý chỉ ta là với nhau chăng ? Dân có biết gì đâu ? Đại hội Đảng bộ các cấp cũng có đóng góp gì đâu Văn kiện thiếu vấn đề giải pháp , không biết làm thế nào để thực hiện những ước muốn kia ?
8- Ông Vũ Tuấn .
Văn kiện không phản ánh được cuộc sống . Phải đưa cuộc sống vào Nghị quyết . Đổi mới chính trị chưa theo kịp đòi hỏi , đang cản trở .
Xác định cho rõ vai trò lãnh đạo của Đảng : Lãnh đạo là ai? Ai cho anh quyền lãnh dạo? Chính quyền thì ỷ lại Đảng , cái gì cũng đợi để Thường vụ bàn !
9 -PGS Trần Đình Thiên
25 năm qua ,điều ta đạt được là nhờ chuyển sang thị trường chứ không phải là do định hướng XHCN . Gắn CNXH với thị trường như thế nào không rõ . Bây giờ thế nào là chủ đạo ?
10-TS Lê Đăng Doanh ;
Cần kiểm điểm lại các nhiệm vụ ghi trong ĐH 9, 10
Có một số việc không làm .ví dụ: Luật về Hội ,Luật về quyền tiếp cận thông tin , Luật Hiến pháp , vv…Tại sao Đảng lại không thực hiện NQ ĐH Đảng ?
Vậy sắp tới có quy chế gì không ?
Đổi mới thể chế phải là then chốt ! Phải ngăn chặn lợi ích nhóm , kiểm soát sự lãnh đạo của Đảng . Cần có luật về sự lãnh đạo của Đảng.
Thể chế là vấn đề sống còn .Đảng phải đổi mới , phải được giám sát .
Tình hình KT vĩ mô và KTTG không giống như trong Văn kiện .
Phải nhìn thẳng vào sự thật . Lừa được người ta mà không lừa được thực tiễn đâu .
Các nước xung quanh cải cách rất nhanh .Ở ta có 3 vấn đề bức thiết: Thể chế , lợi ích nhóm , vận hành quyền lực tùy tiện không thể không giải quyết.
11. GS Nguyễn Đình Hương
Tôi vẫn hy vọng đóng góp của ta đến được TW .
Các văn kiện còn mâu thuẫn . Ví dụ như nội dung nói về cơ cấu còn khác nhau . Vậy cần có sự thống nhất về thuật ngữ giữa các văn bản .
12 . GS Lê Du Phong
Tôi có 4 nhận xét :
Tư duy lý luận lạc hậu , mâu thuẫn , xa rời thực tiễn ; thụt lùi so với ĐH trước ; Vấn đề công hữu , KTNN là chủ đạo , bình đẳng mọi thành phần là những vấn đề nổi cộm.
Lòng tin của dân đối với Đảng , với chế độ giảm .
Xem thường lịch sử; Nói CNXH là điều kiện để độc lập . Các triều đại trước có CNXH đâu mà vẫn độc lập .
Không gắn với thời đại , xem thường thiên hạ .
Nếu cứ thế này , đến năm 2020 chắc chắn sẽ tụt xa so với các nước .
Hungari : 2001 : 5000 USD/ người , năm 2998 ; 15000 USD/người , họ nhanh hơn ta nhiều .
Đột phá : Đầu tiên là đổi mới hệ thống chính trị vì đang là vật cản .
13 – GS Trần Phương .
Hiện nay ta thích nói một cách , làm một cách khác . Ta nói CN Mác-LêNin , nhưng nó là cái gì mà bảo nó là nền tảng ? Ta có làm theo các nguyên tắc của CN Mác không ? Đổi mới của ta thực chất là “ thụt lùi.” ; thừa nhận cả KT tư nhân … Mác đã sai khi dự kiến về đặc trưng của CNXH .Ta giả vờ theo Mác , vì nói vậy nhưng đã làm khác đi rồi .
Đổi mới là so với cái đã sai trong 20 năm trước !
Mác nói : triệt tiêu chế độ tư hữu , thế là sai ! Vì mất động lực .( Giống nhận xét của Victo Hugo về Mác ).
Vậy: CNXH là gì? Có ai trả lời được không?
Ta nói và ta biết là ta đang bịp người khác ! Nhưng “ Người ta chỉ có thể lừa bịp được vài người trong mọi lúc , lừa được mọi người trong vài lúc ; nhưng không thể lừa được mọi người trong mọi lúc !” ( Abraham Lilcon ) .
Vậy , viết thế nào thì viết , nhưng đừng đao to búa lớn quá .
Mác mới là phác thảo , dự báo về XH tương lai chứ có phải nguyên lý , kinh thánh đâu ? Liên Xô cũng từ chối XHCN đấy chứ !
Không thể nói KTNN là chủ đạo được , nhiều nhất chỉ là nòng cốt thôi . Nói thế là sai với thực tế . Có sử dụng quả đấm thép nào đâu ?
Phải xác định rõ CNXH là gì? Định hướng nó là gì ?
CN Mác-Lê nin có điều đúng , có điều sai rồi ! Vậy thì phải xem trong đó có cái gì là nền tảng chứ . Bây giờ có đến 6,5 tỷ người , đến nước sạch cũng bị thiếu rồi , đánh nhau vì nước uống . Cái gọi là CNCS đã là ảo tưởng rồi .
Tôi nói với ông Đỗ Mười , ông Phạm văn Đồng là đến cuối thế kỷ XXI này , con cháu chúng ta mới bắt đầu nghĩ đến CNXH .
Tóm lại , cương lĩnh viết không rõ ràng .Chiến lược cũng nhiều điều không rõ ràng .
Nông dân còn chiếm đa số . Đầu tư cho nông nghiệp quá thấp , suốt cả 30 năm nay . Đê đập không tốt , hệ thủy nông , hồ chứa nước …
Sắp tới ta 100 triệu dân , nuôi số này như thế nào ? Đảng này , Chính phủ này muốn ổn định phải lo đến nông dân . Phải sửa chỗ đầu tư bất cập vào nông nghiệp .
Phân cấp quản lý 10 năm qua là sai . Vì biến thành rất nhiều “ vương quốc.” !
Tỉnh nào cũng có xi măng , sân bay , nhà máy thép , cảng biển …đầu tư nham nhở . 15 khu KT ,làm gì có tiền mà làm 15 khu KT .
Tổ chức quản lý các DNNN sai! Nhật chỉ có MITI , nhưng dưới nó là các tập đoàn tư nhân lớn . Ta thì Bộ không làm quản lý , sửa chữa , đi quản DN , làm sao quản nổi ?
Tài sản toàn dân ai quản ? Phải xử lý vấn đề này như thế nào ? Như vậy, cơ chế quản lý không rõ ràng , phải sửa !
Thể chế : Loài người đi đến chỗ Dân chủ . Nhưng thế nào là Dân chủ ?
Nhất định phải đến chỗ Dân chủ + Pháp quyền .
Đảng quyết mọi thứ mà lại không chịu trách nhiệm gì . Thế mới chết chứ .
Không phải chỉ là vấn đề kỹ thuật , mà cả quan điểm tư tưởng đấy .
Viết rằng 2020 thành nước công nghiệp mà có 3000 USD/người là bịp dân . Nước CN mà có 3000 USD/người thôi à ! Vậy mục tiêu không rõ ràng và không đúng .
Cương lĩnh cũng không chỉ cho biết cần làm gì . 3 cái đột phá không phải là đột phá . Không đột phá vẫn phải làm 3 cái đó .
Cương lĩnh và văn kiện đều theo tinh thần chúng ta quyết làm tất cả . Thành ra chúng ta không làm gì cả . La liệt , đủ thứ ; không thể góp ý gì được , không biết làm gì để tiến lên .
14 - Ông Nguyễn Trung ( lần 2)
Nên lưu ý kiến của TS Lê Đăng Doanh .Đừng say mê về chuyện tăng trưởng con số , vì có thể vì nó mà sụp đổ .
Kiến nghị : KTNN chủ đạo là thế nào ! Cần định nghĩa rõ . Có phải làm những cái tư nhân không được làm không ? Đề nghị bỏ hẳn cái phần làm trái nghề đi . Bỏ hẳn phần bao cấp quyền , bao cấp vốn , mà chỉ còn dịch vụ công .
Vấn đề phụ thuộc vào Trung Quốc , rất nguy hiểm . Toàn bộ xuất siêu của ta đập vào nhập siêu của Trung Quốc mà không đủ .Nếu Trung Quốc chỉ dùng Nhân Dân tệ để buôn bán khu vực thì ta nguy .
Nhân sự : Tổng Bí thư phải gương mẫu thực hiện công khai minh bạch ; nên có chương trình hành động , có cam kết ; có một tổ chức giam sát việc thực hiện cam kết .
15 – GS Đào Xuân Sâm :
Tại sao Văn kiện lại ngổn ngang thế .
Trong hành trang của Đảng đừng nên nói CN Mác-Lênin vì ta không có nguyên bản , chỉ có du nhập . Hành trang đó bây gìờ vẫn mang vào ĐH XI .Nên xem lại trong tư tưởng Hồ Chí Minh .
Cương lĩnh thất bại , tuyên truyền thất bại . Lý luận chính trị chưa bao giờ suy đồi như bây giờ . Học viên bây giờ phải học cưỡng bức 3 chứng chỉ .
Trong khu vực DNNN không tìm thấy động lực nối tiếp . Ngổn ngang quá .Gỉa dối quá . Thật là bi kịch .
Cảnh ngộ của Đảng ta từ sau Đại hội XI bắt đầu bước vào suy đồi . Không loại trừ khả năng Dân tộc phải chịu đựng nhiều năm .
Sửa gì? Nên tập trung vào Đảng , Nhà nước , khu vực công
16- GS Phan Văn Tiệm ;
Tôi chia sẻ với tất cả các ý kiến đã nói , rất tâm đắc . Văn kiện ít tinh thần ,tư tưởng Hồ Chí Minh . Nên viết lại Cương lĩnh . Cụ Hồ rất ít nói về CNXH .
Phong trào CS quốc tế rất tả khuynh , biểu hiện rõ nhất là căm thù tư hữu . Sức sống của chế độ tư hữu lớn lắm .
Từ nay từ bỏ chủ đạo . Không nên lập ra các Tập đoàn KT , vì đó là sân sau của quan chức .
17- Bà Phạm Chi Lan ;
Cảm nhận chung của các địa phương giống như các anh vừa nói . Mọi người ngạc nhiên hỏi rằng : “ Bây giờ viết vậy , họ tin thế thật à?.” Dân còn tin Đảng như tôi nói đây ? Toàn là giả dối cả. Cộng đồng quốc tế người ta cũng có tâm trạng như vậy .
Người ta bình luận , Triều Tiên dại quá ! Lại đưa ông Kim con 27 tuổi lên đại tướng . Khôn ra thì luân chuyển một chút rồi hãy lên !
Nếu đưa cái Cương lĩnh Chiến lược này ra mà thông qua thì sẽ ra sao đây ?
Qủa đấm thép không đấm vào đối thủ mà lại đấm ngay vào chính ta .
Còn 2 “Vinashin.” Nữa tình trạng không khác gì Vinashin , rất nguy hiểm .
Nợ công trầm trọng quá .
Cải cách hệ thống chính là nút thắt phải gỡ .
18- Bà Dương Thu Hương
Văn kiện thì không có gì mới về nhận thức lý luận , không sát thực tiễn , cái cũ không sửa được , vậy thì sẽ đi đến đâu ?
Định hướng XHCN của KTTT , của CNH là gì mà cứ phải có cái đuôi ấy ?
Dân Chủ thì ở đâu cũng giống nhau ; dân được nói mới là Dân Chủ .
Đảng vẫn đặt Dân tộc sau giai cấp , Cương lĩnh như thế không tập hợp được lực lượng .
GDP 2005 khác 2010 về giá nên không rõ có thật phát triển không?
Dự thảo Văn kiện đánh giá : “ Dân chủ trong Đảng được mở rộng ” . Tôi nghĩ trong Đảng là mất Dân chủ nhất .Đại biểu Quốc hội là đảng viên thì phải hy sinh quyền lợi của cử tri, chỉ vì vị trí của đảng viên .
Hầu như không có nhận định nào trong Văn kiện là đúng sự thật thực tiễn .
An ninh quốc phòng ; tôi đang rất lo sợ . Bau xit Tây Nguyên , cho thuê rừng , lao động nước ngoài …không được giải quyết dứt điểm . Trong các báo cáo đề cập rất mờ nhạt .
Niềm tin của dân với Đảng giảm sút thì trách nhiệm của Đảng đến đâu ? Liên Xô đổ vì dân không còn tin Đảng .
Phần viết về nguyên nhân : đánh giá rất sơ sài và đổ cho khách quan .
Tất cả yếu kém trên mà chỉ nói BCH TW xin tự phê bình ,…; nói thế quá nhẹ nhàng ; mà không nhận khuyết điểm , nhận trách nhiệm .
Phương hướng Phát triển đất nước thì thiếu giải pháp .
19 – TS Lưu Bích Hồ
Tôi đánh giá rất cao Hội thảo này , vì rất thẳng thắn , cởi mở . Tôi rất chia sẻ các ý kiến các anh các chị hôm nay .
Nhưng nói mãi mà vẫn không vào được Văn kiện .
Có lẽ cần có ngọn cờ của đổi mới thì mới vào Văn kiện được .
Tôi nghĩ đất nước ta chưa bao giờ dân trí cao như bây giờ . Nhưng trình độ lãnh đạo thì khó xác định. .Họ hiểu biết mà không nói ra . Dẫu sao, nói chung trình độ trí tuệ thì chưa bằng bên ngoài . Đây là nguyên nhân làm cho cuộc sống không vào được Văn kiện .
Vậy có thể thay đổi được không ? Tôi còn một chút hy vọng .
Đề nghị anh Trần Phương giảng lại cho các đ/c TW hiểu thế nào là công hữu , vì trước anh đã giảng cho họ làm như hiện nay . Nay anh cần giảng giảng lại cho họ .
Đề ngị bỏ DNNN là chủ đạo ; thừa nhận Xã hội Dân sự và phát triển Xã hội Dân sự .
Bây giờ tình thế và ngọn cờ không giống như hồi ĐH 6 .
Nền tảng của xã hội ta là gì? Tôi xin hỏi ý kiến các anh ? Đảng có dựa vào công nhân không? Có dựa vào nông dân không? Tôi nghĩ không ? Vậy dựa vào cơ sở nào ? Có dựa vào trí thức không ? Cũng không nốt !
Vậy có phải doanh nhân ? Mà doanh nhân lại chỉ là các DNNN ư ? Phải viết lại , đánh giá lại chỗ này trong văn kiện .
Thế giới bao giờ cũng phải dựa vào trí tuệ , nên phải dựa vào trí thức và doanh nhân . Nhưng lại mâu thuẫn với điều lệ Đảng !
Nếu không kịp sửa , đề nghị không thông qua Cương lĩnh ! Để lại sau .
20 – PGS Võ Đại Lược (lần 2)
Còn một vấn đề chưa nói đến là công tác cán bộ . Tình trạng mua quan bán chức lộ liễu , công khai , hết sức nguy hiểm . Thị trường quan chức bóp chết tất các thị trường khác .
Cơ chế tuyển dụng , tuyển chọn cấp cao như thế nào ? Không công khai minh bạch .
Người lãnh đạo ở các cấp không có chịu trách nhiệm gì cả với quyết định của mình .Bộ giao thông , Bộ xây dựng … cầu đổ , nhà đổ , không thấy nói gì về trách nhiệm cả . Một đất nước như vậy thì không mong đợi gì !
21 – GS Vũ Huy Từ
Tôi rất nhất trí với tất cả các ý kiến từ sáng đến giờ . Chưa bao giờ vấn đề nghiêm trọng như bây giờ . Dân không còn tin Đảng như trước nữa . Không ai quan tâm nữa .
Xin lưu ý : trong Dự thảo có câu ; Nhà nước tập trung XD đường bộ + đường sắt cao tốc Bắc – Nam . Có nên đưa vào không ?
22 – GS Trần Phương ; (lần 2)
Tư tưởng trong Đảng không rõ ràng .Có nguyên nhân của nó đấy . Trước đây có Nghị quyết của ĐCS và CN quốc tế (1957 và 1960) , xem đó là những quy luật và dựa vào đó , người ta khai trừ Nam Tư ra khỏi các Đảng CS .
Cương lĩnh 1991 vẫn y như quan điểm chung của hệ tư tưởng cũ . Chưa có đổi mới gì cả . Vì chưa kiểm điểm lại hệ tư tưởng cũ .
Hội đồng Lý luận TW có bao giờ ngồi lại nghĩ xem Mác có cái nào đúng , cái nào sai không ? Lê nin cũng vậy ! Ví dụ : tư tưởng CM không ngừng .
Cương lĩnh đầy dẫy cái sai , cái mơ hồ . Nói XHCN mà không biết nó là cái gì? Nhiều chuyện ta tự lừa dối mình và lừa dối người khác . Phải sửa !
Nhưng ai sửa ?
Kết luận :
Các nhà Kinh tế học thảo luận về Dự thảo Văn kiện , nhưng thực tình không nhằm vào sửa Văn kiện . Ta chỉ chuyển cho Ban Văn Kiện , họ có sửa hay không là việc của họ . Trách nhiệm của nhà ngiên cứu là nói trung thực , thẳng thắn , với tinh thần xây dựng , mong muốn Đảng mạnh lên , đất nước mạnh lên .
Dù không được chấp nhận , nhưng ít ra cũng lưu vào văn bản , lưu lại hậu thế rằng năm 2010 có một số nhà kinh tế đã nói như vậy , để hậu thế biết rằng , hóa ra đất nước cũng còn những trí thức không đến nỗi dốt nát ./.
Kết thúc Hội thảo lúc 17 giờ.
Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:
www.dcpt.org hay www.dcvapt.net
Hiệp Hội Dân Chủ và Phát Triển Việt Nam Trở về Mục Lục
No comments:
Post a Comment