11/28/10

Truyện ngắn: Bánh Đa Kê (phần 2)

Tôi thấy một nỗi buồn mênh mông khi nghĩ đến bản thân và hoàn cảnh của mình! Hơn hai mươi năm trời mới gặp lại đứa con trai đầu lòng. Ngót năm mươi sáu năm trời mới về nơi chôn nhau cắt rốn. Gần sáu mươi năm năm trời mới trở về quê xưa, làng cũ. Ngoài bẩy mươi tuổi đầu mới xách ba lô về tìm thăm lại mồ mả cha ông; tìm gặp bà con họ hàng; tìm nhà từ đường, tìm ngôi đình xưa, lũy tre xanh bao bọc thôn xóm; tìm lại con đê kéo dài từ tỉnh Hà Nam .
Với câu nói thuộc lòng từ thời còn để chỏm, mặc quần hở đũng, chạy lon ton trên đường đất của làng quê: Làng Lý Nhân, Tổng Đồng Thủy, Huyện Nam Sang, Tỉnh Hà Nam…cùng số Mobi phone làm hành trang trong ba lô trở về quê cũ, tìm lại người thân!
Thuở ấy, khi tại Hànội mở phong trào kháng chiến, tôi lon ton theo mẹ xuống tàu thủy, chạy bằng hơi nước về Nam Định rồi bốn mẹ con lặn lội về quê cũ. Cha tôi ở lại Hà thành và người anh lớn theo Vệ Quốc Quân .
Do đó lần này tôi không dám về Nam Định, sợ lạc đường, mà xuống xe tại Phủ Lý thuộc tỉnh Hà Nam .
- “Cháu ơi, cậu đang đứng vườn hoa trong công viên thị xã Phủ Lý, muốn về làng, phải theo con đường nào?”
- “Cậu cứ hỏi bến xe nội thành, đi xe bus đến Như Trác, rồi gọi điện, chồng cháu sẽ ra đón ”.
clip_image002
Trước ngã ba đường
Xuống bến cuối cùng là Như Trác, cách Phủ Lý hai mươi sáu cây số, nhiều lần phone, mà tôi không liên lạc được với các cháu, nằm trên đống rơm chờ đợi, rồi đứng trước ngã ba đường không biết về đâu? Quê xưa chỉ cách chân mình có năm cây số…
clip_image004
Bến đò xưa Như Trác nay chỉ còn là bui tre xanh bên dòng sông.
Hỏi đường, rồi nhắm hướng quê nhà, bước lần theo tiếng gọi tự đáy lòng… , cũng may, có người cho tôi đi nhờ xe Honda về Chợ Cống gần làng, trước điếm canh đê thứ 51.
Thật bơ vơ lúc về gần đến chốn cũ, khi đứng trên con đê nhìn thôn xóm, mà không biết là đâu.
Ghé quán nước chè, hỏi thăm đường về.
- „Bao nhiêu năm rồi, bây giờ đổi thay hết ông ạ, làng xưa bây giờ đã thành huyện, chỉ còn lại cái cổng đình thờ của ba thôn xưa, bên trong là Ủy Ban Nhân Dân xã Phú Phúc mới xây! Còn đây là chợ Cống. Chợ chỉ họp từ sáng sớm đến gần mười giờ là tan.
Mà người nhà ông ở Nhân Phúc hay Phú Phúc? Thế ông xa quê đã lâu chưa?”
Tôi đáp :
- “ Đã ngoài sáu chục năm rồi, tôi chỉ còn nhớ tên quê tôi gọi là làng Lý Nhân!”
- “Lâu quá rồi, số năm đó còn hơn cả tưổi tôi nữa! Ông còn nhớ tên ai trong làng không?”
Ông nội tôi là Tiên Chỉ đã chết từ lâu, bác là Lý Trưởng cùng hai người chú đã chết trong trại giam Lý Bá Sơ, một vài bà cô, ông chú đã vào Nam, có lẽ những người cao tuổi không còn ai, vì anh em chúng tôi đã trở thành lão làng cả rồi!
- “Tôi còn hai người chị tên là Khuyên và Cóng, có con trai là Tuấn và Thuần…”,
- „Ông phải nói tên người chồng thì mới biết được”.
- “Hình như là Nhung và Hùng,...”.
- “À, đúng ông Hùng có đứa con la Tuấn rồi. Tôi nhớ năm trước, gia đình di tản có ở nhờ nhà ông ta ít tháng. Ông Hùng đã mất rồi, con cái làm ăn cũng khá giả…Ông ngồi chờ để tôi điện cho thằng Tuấn ra đón ông”.
Ống ta rít một hơi thuốc lào thật dài bằng điếu cày tre, rồi đứng dậy vào trong điếm canh nhấc điện thoại…
Thật mừng!
Thế là tôi sẽ không còn phải gặm bánh mì trong balô, và quay về Hànội bằng con đường đã đi qua.
Trong thời gian chờ đợi, tôi lững thững ngắm nhìn cổng đình của ba thôn, mà tôi chỉ biết hai thôn là Thôn Nội và Thôn Ngoại… Cổng đình Ba Thôn nằm trơ vơ bên vệ đường, trước cổng treo biểu ngữ mừng ngày hội lớn “Ngàn Năm Thăng Long…”. Bên trong căn nhà gạch ngói đỏ mới toanh của Ủy Ban Nhân Dân xã Phú Phúc
Chợ Cống giờ này đã vắng tanh không còn ai, chỉ có một dãy nhà mái tôn fribociment cũ rích, một hàng chòi giữa chợ kéo dài, sàn ciment đã cũ còn đầy rác rưởi, lá rau, trái thối…
Tôi chạnh mủi lòng, nhớ tới hồi còn nhỏ, mẹ tôi tay xách nách mang, ngược xuôi, buôn tần bán tảo nơi chợ này để nuôi ba đứa con thơ từ sáu tới mười tuổi.
Mẹ tôi đã bỏ làng quê theo chồng lên tỉnh để sinh sống từ lâu. Mặc dầu, khi làm vợ của Thày Đội ( Sergent trong ngành Gendarmerie), cũng súng sính áo dài nâu, quần lĩnh tía, đầu quấn khăn nhung đen nhánh, lên xe xuống ngựa, nhưng khi thất thế về quê, mẹ tôi cũng chân lấm tay bùn, làm ruộng cấy lúa, mò cua bắt ốc, tần tảo nuôi con. Miễn sao có cái mà ăn, dù cháo, hay cơm khoai độn, rau lang lưộc, rau muống chẻ chấm tương hay nước mắm cua muối, nhưng có mẹ, có con là niềm vui lớn rồi!
Vào lúc này thì đứa cháu chạy xe gắn máy tới đón tôi.
Cám ơn ông chủ quán xong, chúng tôi quay về làng cách đó chừng vài trăm thước.
Cây đa xưa đầu làng là nơi hai chị em tôi thường ra đón mẹ sau buổi tan chợ về. Khúc mía, tấm bánh đa, mấy quả ổi, gói lạc luộc cũng là niềm vui, chúng tôi mừng nắm tay mẹ, nhảy bước chân chim về căn nhà nhỏ bé, có cây vối bên bờ ao xinh sắn.
Thật đầm ấm và an vui trong cảnh bần hàn.
Cây đa xưa còn là dấu vết cũ để tìm về làng, mỗi khi lần bước trên con đê dài xa tắp; nay đã đốn bỏ, thay thế bằng hai đoạn ngã rẽ ngắn từ đê đầu làng tụ lại thành một con đường tráng ciment kéo dài vào trong thôn xóm… Những căn nhà tranh vách đất đã được xây tường gạch, mái ngói đỏ… nhưng mọc lên nhiều hơn và san sát như đám con cháu xa lạ mới được sinh ra …
Trên đường về, cháu tôi cứ phân trần mãi:
- „Biết tin cậu ở trong Nam ra thăm, mà không biết rõ là ai, chỉ biết là con ông Đạt, vợ chồng thằng Thuần điện cho cậu xong và chỉ báo cho gia đình mà quên ghi số điện của cậu, khiến Cậu phải chờ đợi đến giờ…”.
clip_image006
Tôi nằm trên đống rơm chờ đợi
Cũng nhờ vậy mà tôi có thời gian nằm dài trên đống rơm dể hưởng hương vị thơm lành của mùi lúa mới sau vụ gặt; tôi tìm thấy nỗi trống trải cô đơn mong về cố quận của kẻ tha hương, nỗi băn khoăn của kẻ chờ đợi khi đứng trước ngã ba đường.
Sự thay đổi nhanh chóng theo, đà phát triển kinh tế của quê xưa không làm tôi quan tâm, mà tôi chỉ mong được thấy lại mồ mả tổ tiên, nhà từ đường, họ hàng thân yêu, đình làng, lũy tre xanh và cây đa đầu thôn , sau nhiều năm xa cách.
Ông già ngoài bẩy mươi tuổi về làng xưa thì còn tìm thấy ai, bởi chính bản thân mình cũng thành bô lão rồi!
Chỉ còn một người anh bên ngoại, hai người chị và một người em bên nội ! Tất cả xấp xỉ tuổi nhau, chỉ biết nhìn nhau mà cười ra nước mắt :
- “ Em may mắn tìm được về làng xưa, gặp anh em và các chị là phúc lắm rồi, mai đây không biết còn đủ sức khỏe mà trở về được lần nữa hay không ?”
Thế rồi niềm vui trở lại, những lời thăm hỏi về sức khỏe, về gia cảnh, về họ hàng và những người còn lại trong Nam… Chị này có mấy đứa con, chị kia có bao nhiêu cháu, ai còn, ai mất, kẻ nơi này, người phiêu bạt lập nghiệp nơi kia… cả nhà ríu rít cười cười, nói nói, ông cháu quây quần trong bữa cơm gia đình.
Cơm xong, cháu Tuấn dẫn tôi đi thăm mọi nơi theo ý nguyện. Riêng khi tìm đến khu mộ gia tộc, nhìn thấy tám ngôi mộ đã lát ciment, nằm trong khu đất có hàng rào xây bao bọc; nhưng nhìn lên bia mộ có chỉ bẩy dù có sẵn tên gia đình cha tôi, tôi chợt thấy nỗi buồn lắng đọng trong lòng khi nghĩ đến hài cốt của cha mẹ tôi.
Cha mẹ tôi tha phương trọn cả kiếp người mà bây giờ vẫn đôi ngã đôi nơi. Thân xác cha tôi vẫn nằm yên trong lòng đất, cốt mẹ thì đã gửi vô chùa !
Thân phận tôi cũng chẳng hơn gì, gần hết kiếp người mà vẫn lang thang như dân Do Thái, chưa biết mai hậu sẽ yên nghỉ ở đâu? Hay khoang bia và mộ trống thứ tám dành cho tôi?
Tôi ước mong muốn một ngày nào đó, khi nghĩa trang nơi cha tôi đang yên nghỉ bị giải tỏa, tôi sẽ mang cốt song thân về đây, hy vọng vong linh hai người sẽ thấy ấm cúng hơn, toại nguyện hơn, khi được về nằm yên nơi làng xưa, gần ông cha và họ hàng.
Tôi lại mang nặng thêm lời hứa và ước nguyện: Tôi sẽ trở về .
Hôm sau, chị tôi và cô con dâu đầu, cùng tôi ra Nam Đinh để đón xe đi Hải Phòng. Lại được chào hỏi, đón đưa, thăm viếng, được cười vui trong nước mắt, được dùng bữa cơm gia đình đoàn tụ, và được cả chia xa nữa. …
Tôi lại phải chia tay ngay vì có phone bạn bè gọi về Hànội, theo đoàn để đi Lạng Sơn :
„Chắc chắn em sẽ ra đây lần nữa, vì em chưa được nhúng chân trong nước biển tại Đồ Sơn”.
Thăm anh em xong, đúng sáu giờ, người anh bên Ngoại đón xe đò cho tôi về Hànội.
Hànội đang vào mùa lễ hội, xe cộ kẹt cứng mọi ngã đường. Tôi phải xuống xe ngay trên đê Yên Phụ, khúc đê gần nhà Bát Cổ, đeo ba lô lững thững theo giòng người đổ về Hồ Gươm, rồi hướng Chợ Hôm về nhà.
Nhờ gia đình người bạn mà tôi được đi tham quan nhiều nơi, Nào đến Ninh Bình đi thăm Bích Động và Tam Cốc; hôm sau quay lại để đi Tràng An (đi đò qua chín hang động) và thăm chùa Bái Đính; đi Sóc Sơn thăm chùa Non Nước và tượng Thánh Gióng; đi Sơn Tây để đến Tản Viên, Ba Vì thăm đền Thượng, lên trên ngàn bực thang đá để đến Núi Vua chót vót giữa bầu trời đầy sương mù, nên không nhìn thấy ba tỉnh dưới chân núi; đi Lạng Sơn để đến Đồng Đăng thăm chợ Kỳ Lừa, khi về ghé Ải Chi Lăng…Ngoài ra, tôi còn có thời gian lái xe gắn máy, qua bốn cây cầu: Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, và cầu Thanh Trì… để đến làng Bát Tràng ngắm nhìn các hình tượng, chén, bát, bộ bình trà nhiều kiểu bằng gốm sứ! Hoặc một mình đi theo Tour Hạ Long…
Dù đi đó đây, nhưng chỉ là tham quan những địa danh đã dược nhắc nhở nhiều trong các tuyến du lịch. Tôi vẫn thích lang lang một mình đeo ba lô tìm về nơi nào xa lạ.
Thích thú nhất là chuyến đi đến chợ Sông Âm, xã Nguyệt Ấn, cách Thanh Hóa 78 cây số đường bộ, để thăm người anh trưởng tộc. Vì gia đình gốc gác cường hào, nên anh tôi phải đi vùng kinh tế mới và lưu lạc lập nghiệp nơi khỉ ho, cò gáy, gần buôn thượng này.
Ngày đi, anh tôi còn trai tráng độc thân, ngày gặp lại đầu tóc bạc phơ, răng rụng gần hết; ngoài ra anh cũng có năm đứa con, thêm đàn cháu và còn có cả chắt nữa. Các con anh, bây giờ cũng khá giả, chiếm trọn mấy căn nhà mặt tiền trong khu phố chợ.
Tôi lại có thêm hai đêm, một ngày sống với gia tộc, được quỳ lạy trước bàn thờ gia tiên, được trọn niềm vui trong không khí gia đình đoàn tụ cả bốn thế hệ . Quý nhất, là tôi xin được sơ đồ gia phả của họ Nguyễn ở Thôn Nội, Lý Nhân.
Trong ngày về, ba lô của tôi bây giờ có thêm cả trăm người . .
Thật vui!
Mà buồn không kém, vì lại phải chia xa!
Sáng sớm hôm sau, tôi phải đón chuyến xe duy nhất, mỗi ngày một chuyến, sáng đi Thanh Hóa và chiều về chợ Sông Âm.
Về đến bến xe Phía Tây Thanh Hóa chưa tới tám giờ, tôi hỏi đường xe Bus đi Sầm Sơn.
Bước chân xuống xe Bus, trời bắt đầu đổ mưa, tôi phân vân chưa chủ định, chẳng lẽ lên xe Bus ngồi chờ đợi và mong xe sớm quay về Thanh Hóa? Một chiếc xe xích lô, rộng rãi có thể ngồi hai người, dành cho khách du lịch ghé đến:
- “Bác ơ! Lên xe đi, chỉ mất vài ngàn đồng thôi, cháu chở bác đi dọc bờ biển, mưa rồi đi bộ làm chi cho ướt quần áo ”.
Thật ngạc nhiên với giá “bèo”. Tôi lên xe. Nhưng thực tế, bác ta mời chào tôi mua đặc sản Thanh Hóa của một cửa hàng nào đó kiếm hoa hồng! Sau đo tôi phải trả thêm, để bác trở lại đi hết dọc bờ biển và lên xe bus về thành phố Thanh Hóa. Rồi lên xe về Hanội.
Trước ngày tôi trở vào Nam, cha con tôi mới nói chuyện về quá khứ, về gia đình . Đây là những giây phút căng thẳng đối với tôi. Tôi không thể và cũng không muốn nói tới những nỗi niềm chua xót và khổ đau dằn vặt trong lòng trước cảnh ly tán, cùng những ngày tháng kế tiếp trắng tay đối phó đủ mặt với cuộc sống… không bạc tiền, không hộ khẩu, không công ăn việc làm… Tôi vẫn biết gia đình tan vỡ là niềm bất hạnh đổ xuống đầu trẻ thơ… Nỗi đau không san sẻ, tôi không muốn xảy ra nhưng vẫn phải gánh chịu. Và đám con tôi lãnh hậu quả nhiều hơn.
Hậu quả đó kéo dài trong quãng tuổi thành niên, nhất là sự giáo dục quá nghiêm khắc của tôi, nên giữa tôi và con tôi đã có khoảng cách mà tôi không hay biết. Sau nhiều năm xa cách, con tôi mang nặng thành kiến cho rằng tôi không chăm sóc, không quan tâm đến con cái, trong những ngày tháng sống bên nhau …
Sống ở đất lạ quê người, một mình bương trải, trưởng thành, con tôi đã phải chịu đựng bao nỗi khó khăn, trước nếp sống xa lạ và bất đồng ngôn ngữ, nhiều năm. Nỗi day dứt càng làm tăng thêm khoảng cách giữa cha con. Tinh thần trách nhiệm đối với bản thân và công việc, đã rèn luyện nó vững chãi trong việc tiến thân, ứng phó mau lẹ đối với những vấn đề khó khăn của công việc cũng như trong cuộc sống. Ngược lại, chính vì mang nặng tinh thần trách nhiệm, nên con tôi đã quy trách nhiệm ngược lại cho cha mẹ, mà không cần quan tâm đến hoàn cảnh. Và khi còn sống độc thân, ta không thể nào thấu hiểu được nỗi nan giải của thằng đàn ông trước sự xung đột ngấm ngầm giữa mẹ và vợ. Do đó tôi càng khó xử và khó giải thích.
Tôi đành phải im lặng và suy nghĩ mung lung hơn và hiểu rằng ngay chính bản thân, tôi đã thiếu cứng rắn và thiếu quyết đoán.
Sự im lặng căng thẳng được phá vỡ khi tôi và con tôi cùng ngồi trên băng ghế đá bên hồ Thuyền Quang:
- “Con chỉ muốn biết mọi việc đã xảy ra để giải tỏa những khúc mắc trong lòng. Mà thôi, chuyện xảy ra, cũng đã qua rổi; giờ này, Bố cũng đừng nên oán trách ai nữa. Giả sử con còn ở lại đây sống với Bố thì tương lai con sẽ ra sao?”
- “Khốn đốn! Học hành sẽ chẳng đến nơi đến chốn, tương lai chỉ là một anh công nhân hay một tư chức quèn như Bố. Cũng nhờ chuyện đổ vỡ này, các con mới thành tài và có ngày hôm nay.
Trước đây Bố đã từng viết thơ cám ơn và thán phục mẹ, trăm sự nhờ mẹ, một thân, một mình gánh vác nuôi con trên đất lạ, quê người, lo cho các con ăn học đầy đủ và nên người.”
Buổi trưa hôm đó cha con tôi mới có bữa ăn vui vẻ và khoảng cách đã hẹp dần lại dù bữa ăn chỉ có xôi vò, bánh chay và bánh đúc chấm tương.
Gần đến giờ, cha con cùng thu xếp hành lý, lên xe Taxi đến văn phòng hãng hàng không Jet Airline ở đường trần Quang Khải làm thủ tục và cân hành lý.
Còn dư thời gian, hai cha con bách bộ qua hai dãy phố, qua khách sạn Métropole. Qua nơi làm việc của con tôi, rồi dừng chân ngồi uống cà phê ở một quán bên đường.
- “Công việc của con hiện nay thế nào?”
- “Thật xui xẻo, khi Bố ra thăm con lại đúng vào thời điểm mà công ty con có vài biến động, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của con. Do đó con có rất ít thời gian dành cho Bố. Chỉ có hai ngày hôm nay là bố con sống luôn gần gũi bên nhau.”
- “Còn trong tương lai?”
-“Có thể con sẽ nghỉ việc. khi đã nghỉ, con sẽ có nhiều phương án giải quyết. Hoặc về Pháp, về Mỹ, hoặc qua Đức. Về Pháp, sống với mẹ chừng đôi ba tháng rồi kiếm việc sau. Chắc con sẽ không trở lại làm việc tại Việt nam nữa! Còn qua Đức, con lại bước vào cuộc phiêu du mới!”
Giờ này tôi thấy buồn thấm thía, vừa mới xóa được khoảng cách giữa cha con, thì cảnh chia ly lại xuất hiện, tôi thấy mình như hụt hẫng vào khoảng không gian vô định.
Được đấy, rồi lại mất đấy!
Thật gần mà lại quá xa!
Trả tiền hai ly cà phê sữa xong, hai cha con cùng im lặng đi về hướng văn phòng hãng hàng không Jet Airline.
Hành khách đang lên xe Bus. Như để rút ngắn cảnh chia xa, con tôi thúc giục tôi lên xe. Hai Bố con cùng quàng vòng tay ôm lấy nhau mà mắt cùng rưng lệ.
Cử chỉ lo lắng, như sợ xe bus chuyển bánh, con tôi đang lúi húi chờ mua miếng bánh đa kê và luôn quay nhìn lại, khi xong, chạy vội lên xe trao tay cho tôi!
Hình ảnh lo lắng, bồn chồn, nói lên tất cả tình cảm chân thành của con dành cho tôi vào giờ phút cuối. Bao ân tình đều được gói ghém trong miếng “Bánh Đa Kê” này.
Vừa lúc máy bay giảm tốc độ, tôi như bừng tỉnh giấc mơ nhìn chị. Chị cũng mở mắt và quơ tay tìm ví xách tay của mình. Chị mở ví tìm và cầm một thứ gì đó.
Tiếng tiếp viên thông báo hết lộ trình và sắp hạ cánh, cùng lời chúc và cám ơn.
Máy bay hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất và đang chầm chậm dừng lại. Mọi người lo hành lý để sửa soạn ra phía cửa phi cơ. Chị mỉm cười trao tôi tấm danh thiếp… tôi cũng cười đáp và cám ơn.
Chị nhanh chân xuống cầu thang và lên xe Bus, tôi và Hưng xuống sau và lên xe Bus thứ hai cùng chạy về phòng khách phi trường. Xuống xe chị đi rất nhanh và khuất vào đám hành khách, tôi kẹt lại vì còn lo chờ lấy hành lý. Thế là chị mất hút nơi hành lang.
Trong phòng chờ lấy hành lý, tôi mới nhìn tấm danh thiếp chị trao cho tôi:

Hoàng thị Mộng Lành
………………
Tôi nhìn theo ra cửa, không còn thấy bóng chị, tôi nhớ dáng chị mảnh khảnh giống y như người vợ cũ của tôi.
Vừa về thăm quê hương, quê hương chỉ còn trong tâm tưởng.
Vừa về thăm họ hàng, họ hàng chỉ là những tấm ảnh và tên tuổi nằm trong sơ đồ gia phả gia đình.
Vừa làm quen chị đấy, chị lại mất hút trong bóng đêm !
Vừa làm hòa với con, xóa mọi khoảng cách thì con lại đi xa hơn nữa.
Tôi còn lại gì ngoài tấm danh thiếp của chị!
Tôi còn lại gì ngoài mẩu Bánh Đa Kê đã hòa tan trong dạ dày, hy vọng có phần nhỏ nào hòa lẫn vào máu trong tim.
Tôi vẫn nhớ miếng Bánh Đa Kê có hình ảnh và tấm lòng của con tôi, mà tôi chia xẻ cùng chị, nên tôi đã lưu giữ hình bóng chị.
Nhân vật nữ ở đây không mang tên chị và chỉ được gọi là chị. Chị sẽ hiểu, vì đêm nào tôi cũng mong, khi ngủ có được Mộng Lành, và cũng trong Mộng Lành, con tôi đang vội vã mua Bánh Đa Kê. Nó chạy lên xe trao tay rồi mất hút.
Chỉ còn tôi, cầm nửa miếng Bánh Đa Kê chờ đợi chị.
Người Hànội
Hànội ngày vào Thu

No comments:

Post a Comment