6/18/09

Chiếc bóng

Mai Kim Đỉnh

Còn 15 phút hết giờ « thăm nuôi », viên công an quản lý khu thăm gặp gia đình tù nhân chính trị miền Nam khản giọng nhắc. Đảo mắt nhìn quanh rồi nghiêng người phía trước như cố thu giữ bóng dáng phút cuối đứa em trai ngấp nghé tứ tuần vào đáy mắt. Chị tôi dúi vội vào tay lọ dầu Con Cọp, thầm thì: Cha Lập gởi. Em giữ một ít. Còn lại trao cho cac Linh mục ở trại dâng Lễ cuối tuần. Không chút quan tâm phản ứng của tôi, Chị nói tiếp: Cha Nguyễn Văn Lập chuyển về họ đạo Bình Triệu, nhà thờ Đức Mẹ Fatima. Thăm Em lần trước, Chị không gặp được Cha. Trước khi đi lần này, Chị đến thăm để nhờ Cha cầu nguyện cho tất cả và riêng Em. Cha nhờ Chị mang ít Bánh Hằng Sống ban Hồng Ân Vượt Qua.

Cha Nguyễn Văn Lập! Ngần ấy chữ ngủ quên trong ký ức, bất chợt sống lại, trỗi vượt, chiếm ngự. Tôi buột miệng: Chị nhận làm chi của dữ ấy. Vào trại khám xét tận răng, chỗ nào cất dấu ? Chị trấn an: Bởi muốn trót lọt, Chị đựng bánh Thánh trong lọ dầu Con Cọp bao lâu nay Em vẫn dùng. Trong ba lọ dầu mà Chị vừa trao, chỉ có một chứa « của dữ » gói trong giấy nhựa, nhét ở đấy . Chị cười nói tiếp: Không nhiều lắm đâu. Thịt ở thị trường xã hội chủ nghĩa không dư, phải mua chui . « Thịt Chúa » lại càng khan hiếm, không dễ tìm, dầu « xếp hàng cả ngày ». Tôi cười méo xệu trước lời bông đùa : Lại kế « không thành » của Khổng Minh.

Hôn Chị lần cuối sau khi nhận lãnh dấu Thánh chúc lành trên trán và túi áo đựng «trái cấm», tôi chất quà gia đình và Nguyễn Chính Đoan lên xe kéo về trại Ba Sao. Mang tâm trạng « bước đi một bước giây giây lại dừng, » tôi nhìn Chị lần sau hết trước khi kềm càng xe đổ dốc ở khúc quanh. Mắt tôi thật cay.

Con gió chớm đông từ dãy núi đá vôi chập chùng thổi xuyên thịt da. Theo quán tính, tôi dừng lại. Tay lần tìm lọ dầu trong túi áo, xoa hai bên khoé mũi và thái dương. Ấm áp đến dễ chịu . Không chỉ dầu, dường như cả thân nhiệt từ chiếc bụng bao dung của Cha Viện trưởng nữa.

Nhờ kế « thanh dã » (vườn không nhà trống) của Chị, tôi mang « Thịt Chúa » và Cha Lập an toàn vào trại . Từ nay, Cha đồng hành, cùng sớt chia « nhất nhật tại tù, tam thu tại ngoại ». Sau giờ lao động nhọc nhằn ở đội cưa xẻ, chiều về nhai bo bo trộn chút thịt chà bông Mẹ làm, hoặc khô cá thu Phan Thiết của Nguyễn Chính Đoan. Đêm đêm giấc ngủ không về, mân mê lọ dầu tròn trĩnh, có lúc ngỡ là chiếc-bụng-trống-đồng-Ngọc Lũ-Đông Sơn của Cha thuở nào.

Mỗi sáng Chủ nhật, ngồi trên manh chiếu hướng về Cha Sơn, Cha Trung (dòng Chúa Cứu Thế) phía bên kia sập, cùng thông phần dâng Thánh Lễ. Quà của Cha Lập được chuyền tay. Mọi người chỉ nâng niu mà không ăn. Cuối lễ, cất vào lọ dầu nhờ Cọp canh giữ.

Để rồi tiếc nuối và thầm trách sao ít gần Cha thời đi học, cũng như lúc nghêu ngao đem bài giảng cóp nhặt từ giáo trình của Thầy LongTrần (phân biệt hai Thầy LongXăng – vừa là « cent » vừa là hãng xăng Esso – và LongAtomique – làm việc ở Cục nguyên tử Dalat); hoặc sách kế toán Meig & Johnson được Nguyễn Hương Giang tổng hợp.

Nhiều Bạn cùng khóa nghĩ rằng tôi là « con cưng », đâu ngờ lại « dị ứng » với Cha. Xuất phát từ cảm nhận ngày đầu tiên đi bộ từ nhà trọ đường Võ Tánh đến giảng đường Spellman dự lể khai khóa Trường cáo cạnh, danh xưng dài xọc: Chánh Trị – Kinh Tế – Quảng Trị Xí Nghiệp. Một người đàn ông mặc áo chùng đen, tuổi quá trung niên, khuôn mặt chử điền, da dẻ hồng hào, ánh mắt tỏa sáng sau mục kính, cao quá đầu dân bản địa đường bệ như … Tây. Linh mục Viện Trưởng Simon Nguyễn Văn Lập. Ai đó thì thào Phản Xạ tự nhiên. Tôi dừng lại Nhìn Cha rồi nhìn lại bản thân. Vời vợi chiều cao. Bẻ góc hướng đi, không muốn thân thể « phát phu » ấy đè bẹp bóng dáng thấp lè tè của mình. Và tôi cuộn tròn như loài sâu bọ trong ẩn ức không tên từ năm 1 đến cuối năm 3. Không gặp Cha dầu một lần.

Năm 1967 chính trường Miền Nam dậy sóng, tiền báo bi kịch Tết Mậu Thân. Trước khi nghỉ hè cuối năm 3, tôi được « gọi » vào gặp Cha ở văn phòng. Xao xuyến đan xen ngạc nhiên. Lâu nay nghe vài bạn thường vào ra khu hành chánh mang tên Đôn Hóa, mô tả phòng làm việc của Cha. Hình dung « to » lắm, dầu chẳng biết « bự » đến đâu. Vài bạn còn thêm mắm dặm muối. Nào là tường vây kín bởi hàng tủ nhỏ đánh vẹc ni bóng lộn đến con ruồi, con muỗi đậu vào cũng phải trượt chân. Không ai biết Cha cất gì trong đó, giữa lúc bàn giấy của Cha chỉ bầy biện vài tập hồ sơ mỏng. Đa phần hồ sơ giữ ở phòng Tổng thư ký do Thầy Trần Quang Diệu quản lý. Các bạn khen Cha không những có bộ nhớ « thần sầu » chẳng kém máy tính mà còn đậm chất khôi hài. Ai đó có lần mượn chiếc radio của Cha, nêu lý do tập nghe băng trau dồi tiếng Phú -lang- sa hay Ăng-lê gì đó. Đến hẹn quên trả. Vài ngày sau, Cha yết thị: Sinh viên nào mượn radio, vui lòng gặp Linh mục Viện trưởng nhận tiếp băng nhạc Thánh!

Tần ngần gõ cửa, giọng đặc sệt Bình Trị Thiên của Cha vọng ra: Vào! Ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bành, bên kia là Cha. Khác gì « petite chose » đòi chơi « géant ». Chưa kịp hỏi, Cha thong thả nói: Không có chi, ngoài việc muốn nhờ Con cùng Anh Lê Đình Thông và nhóm Sinh viên Khóa 1 giúp Viện tổ chức hội thảo mang tên « Mục Tiêu Quốc Gia ». Ngoài ra, ngày mãn khóa 1 năm sau cũng là sinh nhật thứ 10 của Viện, Cha muốn Con giúp Thầy Trần Long và Phó Bá Long thực hiện tập Kỷ yếu 1958-1968 cho Viện.

Ngạc nhiên, tôi hỏi Cha động lực tổ chức hội thảo Mục tiêu Quốc gia, liên hệ gì đến chuyện Mỹ du của các Viện trưởng Đại học Miền Nam, trong đó Cha là thành viên. Cha giải thích: Có lẽ Con đã biết sắp bầu cử bán phần Thượng nghị viện. Sau khi hội ý các Viện trưởng Sài Gòn, Huế, Vạn Hạnh … đồng thỏa thuận đưa ra liên danh tranh cử gồm 10 Giáo sư. Thụ ủy liên danh « Sư tử cầm bút » là Giáo sư Vũ Quốc Thúc. Có Thầy Phó Bá Long và Trần Long. Nhằm chuẩn bị dư luận, Đại học Dalat đứng ra bảo trợ và tổ chức khóa hội thảo ba ngày. Chủ tọa đoàn là các Viện trưởng. Thuyết trình đoàn đang được duyệt lần cuối. Trách nhiệm thư ký thuộc về các con. Làm sao biên tập toàn bộ những bài thuyết trình, tham luận và thảo luận. Tốt nhất, trước khi bắt đầu phiên họp sáng hay chiều, có được biên bản sinh hoạt trước đó gởi đến từng Tham dự viên. Chuẩn bị cả thông cáo báo chí kết khóa hội thảo. Cha bố trí phòng làm việc cho các Con, trang bị máy đánh chữ, máy sao chụp và máy in roneo. Thầy Trần Long đã mua giúp một số máy đánh chữ Tippa. Kiểu chữ máy Tippa khá đẹp. Tiếp theo, Cha trao bản kế hoạch tổ chức hội thảo, phân công – phân nhiệm thật chi ly, kể cả khâu đưa đón, ăn ở (hầu chắc không thiếu rượu lễ khai vị nổi tiếng được các Cha Pháp – Ý biếu tặng).

Lần đầu tiên tôi « gần » Cha suốt hè, cùng nhóm bạn do Anh Lê Đình Thông quán xuyến, trong đó có cô bạn mà tôi « mê » tên là Dục Tú, góp phần tổ chức khóa hội thảo qui mô cả nước. Tôi học được « nghề » dàn dựng hội thảo từ dạo ấy, để rồi vận dụng « know-how » này làm sinh kế suốt thập niên 1991 – 2000 khi làm việc cho một cơ quan Đức có văn phòng khu vực Đông Nam Á đóng tại Singapore.

Nhớ hôm khai mạc hội thảo, các Viện trưởng an vị ở bàn chủ tọa. Sau lưng là tấm vải mầu truyền thống huy hiệu Đại học Dalat với ba mũi tên vàng biểu trưng Nam-Trung-Bắc vươn lên, tụ hội ở tiêu điểm bản đồ Việt Nam. Viện trưởng Đại học Sai Gon Trần Quang Đệ đọc diễn văn khai mạc. Vừa ngồi xuống, ghế bị gẫy. Hội trường bất ngờ trước tình huống có một không hai. Cha Lập là người đứng dậy đầu tiên, đổi ghế cho Giáo sư Đệ (vội vã ra đi thời gian ngắn sau hội thảo).

Đứng ra gánh gồng hội thảo mang tính chiến lược, Cha Lập đã phải vượt qua nhiều lực cản, không chỉ hàng Giáo phẩm. Cùng lúc giáp mặt bầu khí nghi kỵ xuất phát từ các trung tâm quyền lực chính trị phân cực thảm hại: quân đội – đảng phái – tôn giáo – nghiệp đoàn… kể cả Sứ quán Mỹ và Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Trong thế trận phân liệt ấy, liên danh « Sư tử cầm bút » chỉ thắng phiếu ở một số tỉnh – thành phố lớn, còn nông thôn hoàn toàn bỏ ngỏ. Dầu lúc bấy giờ manh nha kế hoạch gọi là « Kinh tế hậu chiến », với vai trò năng động của Giáo sư Vũ Quốc Thúc kiêm Thụ ủy liên danh.

Cha Lập chủ trương nối kết hội thảo đầu tiên thành chuỗi hội nghị chuyên đề mục tiêu quốc gia, qua đó cung ứng diễn đàn cho các nhà lãnh dạo cùng những ai trách nhiệm phác thảo con đường phát triển Việt Nam bền vững. Hoài bão sâu kín này chỉ là giấc mộng « nửa chừng xuân » khi Cha rời Dalat, kết thúc vai trò mà Cha luôn tự nhận là « người lái đò » khi thực chứng Khóa 2 CTKD tốt nghiệp, để rồi bỏ lại phía sau khuôn viên mà Cha rất ưng ý thuật ngữ « cẩm vực » được Thầy Trần Long dịch từ chữ « campus » trong tập Kỷ yếu 10 năm Đại học Dalat.

Thời gian giúp thực hiện Kỷ yếu, tôi khám phá bản thể Trung dung – Kiêm ái trong Cha. Mỗi dịp nghe Cha minh danh từng giảng đường, lòng tự hỏi: Đây là Cố đạo Tây hay hậu duệ Cha Trần Lục với bản lĩnh chối bỏ cách điệu Gothique, Baroque để Việt hóa mô hình kiến trúc Nhà thờ Đá ở Ninh Bình, đến nay cơ quan chuyên trách văn hóa – giáo dục – khoa học Liên hiệp Quốc là UNESCO cận thị, chưa nhận thức tinh tường để công nhận là di sản thế giới. Phải chăng nhờ chiếc-bụng-trống-đồng mà Cha dung chứa và phối hợp nhuần nhuyễn bản sắc « năng động » cơ sở triết học Tây Phương với triết thuyết « năng tĩnh » Phương Đông?

Hai ngày trước lễ Thánh Phêrô và Phaolô nhận lệnh « tha khỏi trại », lòng dửng dưng như tâm trạng người thầy già Chu Văn An: « Thân dữ cô vân trường luyến tụ. Tâm đồng cổ tĩnh bất sinh lan » [1](身 與 孤 雲 長 戀 岫,心 同 古 井 不 生 瀾。 Thân cùng với mây lúc nào cũng nhớ núi. Lòng như giếng cổ không gợn sóng). Phân phối áo quần, bánh trái, thuốc men, chút ít tiền mặt cho một số bạn tù chung đời lao động, tối đến buồng giam số 5 gặp Cha Minh (họ đạo Thị Nghè) chào từ biệt và trao lọ dầu Con Cọp, bởi hai Cha Sơn và Trung đã chuyển về trại Z nào đó ở Xuân Lộc. Cha Minh hỏi sao không mang về hoàn lại Cha Lập như một dấu chỉ tôi tớ Chúa luôn hiệp thông?

Gần nửa khuya con tàu suốt xuyên Việt rời ga Hàng Cỏ. Dừng ở Vinh rồi vượt sông Bến Hải. Miền Nam sừng sững. Mắt tôi nhòa lệ. Từ ga Sóng Thần, ngồi xe xích lô máy với Me Cha về lại nhà xưa. Mẹ tôi mân mê từng ngón tay đứa con « thiếu tiểu ly gia lão đại hồi » (少 小 离 家 老 大 回)[2], nói qua tai tôi giữa tiếng nổ bình bịch của động cơ: Con nghỉ vài ngày rồi tạ ơn Đức Mẹ Fatima và thăm Cha Lập.

Thăm Cha Lập! Tôi thảng thốt lôi lọ dầu Con Cop khỏi túi áo. Mẹ tôi hỏi: Sao không để lại cho các bạn? Đáp: Con đã chia Cha Lập làm hai. Một phần ở với Cha Minh và các bạn tù. Phần còn lại theo Con.

Buổi chiều hôm ấy tôi theo Mẹ và Chị viếng Đức Mẹ Bình Triệu, sau thăm Cha. Chị tôi sắp xếp trước. Cha chờ chúng tôi ở phòng khách. Giọng Cha ấm áp: mời Bà Cụ và Chị ngồi. Anh Đỉnh lại đây, ngồi bên Cha. Gần 20 năm mới có dịp chiêm ngắm Cha trong chiếc áo sơ mi ngắn tay màu lam. Tôi nhìn Cha trân trối đến ngỡ ngàng.

Cha hỏi thăm sinh hoạt cùng sức khỏe cá nhân. Hỏi chi ly các Cha Tuyên úy đang tập trung cải tạo, rồi nói: Cha về đây thuận tiện gập lại con cái Đại học Dalat. Một số anh chị đến thăm Cha luôn. Có cả những người đang ở ngoài về thăm quê. Lúc biết tin còn cải tạo ở Bắc, Cha ngạc nhiên vì nghĩ rằng con đang ở ngoài. Phụ khảo mà cải tạo lâu thế. Tôi đùa với Cha: « Chức » mà Cha và Thầy Trần Long dành cho được quảng diễn là: phụ tá tra khảo. Chưa kể được Cha xin Bộ Quốc phòng « biệt phái ». Biệt phái về Viện thực hiện chức năng phụ tá tra khảo. Thành phần ác ôn. Phạt « tập kết » ra Bắc ăn bo bo!

Cha cười to thoải mái: Biết vậy, Cha không xin Con về Viện làm chi. Thôi, hãy quên chuyện cũ. Tập trung vào thời gian còn lại phía trước. Anh em cải tạo lâu năm trở về thường thất vọng khi đối diện thực tại. Không chút tương đồng những gì ấp ủ hoặc hình dung trong tù. Cuộc sống luôn bộn bề và tiến về phía trước. Hãy vui những gì có được. Với người tin Chúa, đó là Hồng ân Thánh giá.

Đưa vợ mới cưới đến chào, được Cha thân dẫn giới thiệu các Sơ đang giúp Cha ở nhà khách. «Lại gặp đồng hương Huế, » Cha nhân ái nói với bạn đồng hành của tôi. Sau đó, Cha đưa chúng tôi thăm bờ kè đá xanh mới xây. Nền móng Nhà thờ rất yếu, Cha giải thích. Bờ phía Giáo đường bị dòng nước xoay gây sụp lở. Cha vận động con cái Đại học Dalat giúp. Các Anh Chị bên ngoài nhiệt tình, gởi về hơn 20.000 đô la Mỹ. Nhờ vậy xây được phần quan trọng của bờ kè. Nếu đủ phươg tiện, xây cả bờ. Vừa đẹp, vừa tăng cường nền móng Nhà thờ. Ánh mắt trầm ngâm, Cha nhắc tên từng con cái. Hầu như không sót một ai . Tôi hỏi: Sao Cha không gọi tên là bờ kè Thụ Nhân. Cha hồn nhiên cười: Vậy thì nhà Cha đang ở mang tên Thụ Nhân, bởi cũng do tấm lòng con cái trong và ngoài.

Tôi thăm Cha lần cuối trước khi rời Sài Gòn. Cha lại dẫn tôi ra xem bờ kè được nối dài. Có tiếng chim bìm bịp gọi nước về. Tôi đến gần, bóng Cha chập chờn. Chùn xuống, thu ngắn đến bất ngờ. Mắt tôi cay xè. Tóc Cha ngày xưa đã bạc, giờ đây như tơ mây. Tôi nghẹn ngào: Ngày đi học, Con mặc cảm nhỏ bé trước Cha. Giờ đây Con khát khao bé bỏng vĩnh hằng trong Cha không còn cơ hội.

Cha từ tốn: Lúc này hơn bao giờ hết, những ai từng là con cái Đại học Dalat càng phải đến với nhau, thương yêu nhau, đùm bọc nhau . Con ra ngoài muộn màng giữa lúc tuổi khá cao. Hãy bền chí, chớ mặc cảm. Lớn hay nhỏ chỉ là thước đo của trần thế. Tình yêu chân thật là cầu nối. Bờ kè đá này là chứng tích tình yêu chân phương. Không có giới tuyến trong tình yêu. Các bạn của con khi góp công, góp tiền giúp Cha xây bờ kè này không chút phân biệt ai sẽ đến hưởng gió mát sông Thanh Đa – Bình Quới hoặc dự Thánh lễ hay cầu xin ơn Đức Mẹ. Con nhớ lời Cha để hành xử. Cha luôn cầu nguyện cho các Thầy, các Bạn.

Giữa năm 1995 nhận thư bạn cùng khóa Đỗ Văn Ngọc đề nghị dành một số kinh phí Chương trình Việt Nam do Đức viện trợ giúp khoa Quản trị Kinh doanh vừa tái lập. Được biết, khoa Quản trị Kinh doanh Dalat tái sinh nhờ công sức Thầy Phó Bá Long sau nhiều chuyến về nước thuyết giảng Chính sách kinh doanh, Chiến lược tiếp thị, trong lúc Hà Nội đang lặn hụp giữa hai lằn ranh kinh tế kế hoạch tập trung và thị trường hóa. Thông qua Thầy Phó Bá Long, Đại học Georgetown tiến hành các lớp đào tạo ngắn ngày dành cho Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Dalat.

Trên đường từ Singapore về Hà Nội, tôi dừng ở Bangkok gặp Giám đốc khu vực Đông Nam Á là Georg Weber đang nghỉ giữa kỳ để thảo luận đề nghị này. Weber nhiệt tình ủng hộ, cho biết sẽ cùng vợ đến Thành phố Hồ Chí Minh sau khi tôi kết thúc khóa hội thảo quản lý thị trường vốn (capital market management) xong, cùng lên Dalat. Tôi gợi ý và được Ông Bà tán đồng thăm Cha Lập trước khi đi Dalat.

Tôi báo tin cho Đỗ Văn Ngọc sắp xếp phía Đại học Dalat. Đồng thời nhờ Chị thu xếp cuộc gặp giữa Cha với Ông Bà Weber. Đó là ngày ghi nhớ với riêng tôi. Cha tiếp Ông Bà Weber không phải với tư cách chủ chiên mà là cựu Viện trưởng Đại học Dalat. Ông Weber trình bầy và gởi Cha tập sách giới thiệu hoạt động toàn cầu và Đông Nam Á của Tổ chức. Nghe Cha khái quát lịch sử Viện và Trường Chánh trị Kinh doanh, Ông Weber tính trên ngón tay: Từ khi thành lập Trường đến nay, hơn 30 năm. Cùng lứa tuổi hai trường quản trị nổi tiếng ở Philippines (AIM) và Thái Lan (AIT). Đủ thấy tầm nhìn của Đại học Dalat.

Cha Lập vắn tắt cho biết các Đại học Việt Nam đang mở cửa đón nhận chương trình đào tạo từ ngoài rồi quay sang hỏi Bà Margot Weber lên Dalat bằng phương tiện gì. Nghe Bà đáp bằng đường bộ, Cha ân cần dặn dò tôi: Trên đường đi giải thích cặn kẽ và dừng lại những điểm khi xưa các Giáo sư và Con lên xuống Viện bằng xe do hai Anh Gấm va Tứ đảm đương hai đầu, gặp nhau tại Đồn điền Đại Nga của Viện.

Cha hỏi thêm có biết hoạt động của Thầy Phó Bá Long và Đại học Georgetown? Tôi đáp cho cả Ông Bà Weber cùng nghe: Con có dịp giúp nhóm Sinh viên học Chiến lược tiếp thị đầu tiên do Thầy Phó Bá Long trực tiếp giảng dạy. Thầy buộc làm luận văn kết khóa và thuyết trình trước hội đồng thẩm định như thuở nào. Thú vị nhất, nhóm mà Con hướng dẫn có Chị Trần Thị Út K8, đang là Giảng viên Đại học Nông Lâm. Đề tài nhóm chọn nghiên cứu là dự án thành lập Trung tâm Dịch vụ Kinh doanh Saigon, gọi tắt SBC (Saigon Business Center). Hôm thuyết trình, ngoài Thầy Phó Bá Long, có hai giới chức đương quyền. Đến phần thảo luận, Thầy Long mời khách phê bình. Giám đốc Sở Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh khen ngợi nội dung hoạt động của dự án, nhưng đề nghị đổi tên SBC. Không chỉ nhóm mà cả hội trường ngạc nhiên. Vị Giám đốc phê rằng ba chữ SBC đễ gây ngộ nhận là tổ chức « Săn Bắt Cướp » thuộc phạm vi hoạt động của công an! (Vài năm sau nhân vật này thăng quan tiến chức Phó Chủ tịch đặc trách kinh tế Uỷ ban Nhân dân Thành phố.)

Theo gợi ý của Cha, trên đường theo xe Đại học Dalat, đến cầu Đại Nga tôi yêu cầu dừng lại. Bà Weber loay hoay chụp ảnh và thu hình video. Tôi đóng vai thuyết minh. Đây là điểm dừng để các Giáo sư lên xuống Dalat thưởng thức trà, cà phê … cây nhà lá vườn. Đồn điền Đại Nga là cơ sở kinh doanh của Viện. Những năm đầu Giáo sư từ Saigon lên Dalat bằng máy bay. Sau khi Đồn điền Đại Nga hình thành, Cha Lập mở thêm tuyến đường bộ đưa đón Giáo sư. Lúc đầu ai cũng ngại đường xa đến 300 km, chưa kể Vi Xi (VC) đắp mô chặn đường nhồi nhét chủ nghĩa Mác- Lê. Đại Nga là chiếc cầu đầu tiên trên quốc lộ 20 bị đánh sập. Nhưng về sau, tuyến đường bộ lại hấp dẫn.

Bà Weber góp lời: Không gì ngạc nhiên. Phong cảnh đẹp. Đồi núi chập chùng xanh. biếc. «Padre» Lập tiên phong không chỉ lãnh vực giáo dục khi mở trường quản trị đầu tiên ở Miền Nam, còn sáng tạo mô hình du lịch sinh thái (ecotourism) kết hợp kinh tế trang trại (farming economy).

Kết quả chuyến đi, chương trình đầu tiên dành cho khoa Quản trị Kinh doanh Đại học Dalat tiến hành tháng 9. Ngoài Sinh viên năm cuối, chương trình dành cho Giám đốc các doanh nghiệp hoạt động trên đia bàn Lâm Đồng – Dalat và một số tỉnh phụ cận. Do vậy, tôi có dịp trở lại Dalat lần thứ hai, được gặp Thầy Tạ Tất Thắng và một số cựu đồng nghiệp như Anh Chị Nguyễn Thanh Châu (Văn khoa) – Lê Thị Quảng Hoa (Khoa học), Phan Nam (Khoa học), vài Bạn đồng môn như Nguyễn Thị Khơn (K4), Võ Đức Trung (K7) … Khóa học tổ chức ở Nhà nguyện Năng Tĩnh. Ngạc nhiên, tôi hỏi Đỗ Văn Ngọc: Không đủ giảng đường hay sao ? Cùng với Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng tiến đến hội trường. Vẫn con đường trải đá xanh một thời theo chân Cha Lập, đứng dưới tháp chuông chiêm ngắm tượng Đức Mẹ Đồng Công Chuộc Tội, ngâm nga bài thơ của Nguyễn Văn Sơn: Gác chuông cao lời cầu xin dưới thấp …Lòng buồn vô hạn. Thánh giá cao chót vót giờ đây che lấp bởi ngôi sao vàng. Trong tôi đồng vọng lời Cha: Trong các tên, Cha ưng ý nhất là Năng Tĩnh. Đấy là nơi giải phóng mọi định kiến, mọi bao vây, mọi mưu đồ. Chỉ có tĩnh lặng. Trước khi nhận nụ hôn Judas, Chúa cũng đã dành phút cuối trực diện Ngôi-Lời-Vô- Ngôn. Hiệu trưởng Nguyễn An Ninh thấy tôi trầm ngâm nhìn tháp chuông, bước vội vào hội trường. Tôi chẳng thiết hỏi thêm điều gì.

Tôi đứng lớp buổi chiều ngày hôm sau. Lúc nghỉ giải lao, một nhóm Sinh viên tiến đến. Sau cơm tối, nếu Thầy cho phép, chúng con đến thăm Thầy và các Giáo sư ở khách sạn Đồi Cù. Bao nhiêu đợi chờ òa vỡ thành niềm vui thanh sạch. Khoảng cách hoàn toàn triệt tiêu. Giữa các Em và tôi, dòng chảy thời gian xuyên suốt. Không còn cột mốc trước sau biến cố «thương hải biến vi tang điền ». Không còn biên độ khoá 1, khoá « út » với khoá các Em đang học và tiếp tục học. Quan điểm của một Tham luận viên từng gây sôi động hội trường Mục tiêu Quốc gia âm vang. Nên gọi nơi chốn nào đó là Quốc gia hay Dân tộc? Dân tộc Việt có trước khi nhà nước Lạc Việt, Hồng Bàng, Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam định hình. Trên vùng đất gọi là Quốc gia Việt Nam này, nếu không còn Dân tộc Việt sinh sống thì Quốc gia gọi là Việt Nam còn tồn tại chăng?

Tiếng « Con » mà các Em xưng hô, nào khác tiếng « Ohm » réo gọi cung lòng Tất Đạt Ta. Tôi đã là cha bào thai kết từ khí huyết chính mình. Giờ đây lại là cha với thế hệ chưa từng quen biết, « đặc sản » giông tố lịch sử. Các Em ghi danh học rồi gặp gỡ, chẳng tra hỏi lý lịch của tôi. Và tôi chẳng cần truy tìm gia phả xem các Em thuộc thành phần C.O.C.C. – con ông cháu cha – ngày trước, hoặc tam đại bần cố nông hay tứ đại liệt sĩ … hiện tại . Khuôn mặt các Em giờ đây hóa thân con cái của tôi rạng rỡ. Ánh mắt các Em trong veo. Tiếng cười các Em như gió lướt ngàn thông Thụ Nhân. Trước mắt tôi chập chờn bóng dáng Cha Lập. Đôn Hóa kết nối Năng Tĩnh bằng con đường Thập tự.

Trở lại Đại học Dalat lần thứ ba với chương trình đào tạo Chiến lược tiếp thị quốc tế. Ngôi nhà mới xây nhô lên từ thung lũng trước mặt tòa kiến trúc thành nhà dành riêng Cha Lập thuở nào đập vào mắt. Hỏi và được trả lời . Nhà riêng đương kiêm Hiệu trưởng! Sỏi đá trăn trở dưới chân. Tần ngần trước ngôi nhà cũ một thời in đậm bóng dáng Từ Phụ. Đâu rồi hoa đào. Đâu rồi tiếng chuông trưa ngân nga. Đâu rồi âm sắc tiếng chó cộng hưởng nhạc chuông.

Năm 1969 khi Cha nhận quyết định chuyển về Giáo phận Huế. Vâng phục là phẩm tính hàng đầu của tôi tớ Chúa. Cha vui vẻ ra đi. Chỉ có Bác Tư, Anh Hoà trung thành, đưa Cha ra Huế trên chiêc Peugeot 403 mầu lam đậm. Gia sản của Cha thu gọn ở khoang sau. Cha để lại tất cả. Trừ trái tim và chiếc-bụng-trống- đồng Cha đành mang theo, trong đó lớp lớp con cái Đại học Dalat được Cha nâng dẫn từ khi chính thức nhận lãnh trách nhiệm Viện trưởng. Vài tuần sau gặp Bác Tư, vui biết Cha đến Huế bình an. Hỏi thăm bầy chó, Bác Tư buồn rầu: Cha muốn để lại, nhưng sợ không ai chăm sóc. Cha đành gởi người quen.

Giáo sư Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đức gặp tôi trước Nhà nguyện Năng Tĩnh, thông báo tối nay Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng Dalat muốn « làm việc » với Đoàn Giáo sư về định hướng phát triển cho Tỉnh và Thành phố. Anh Phan Nam ghé vào tai:bạn sẽ có dịp trở lại phòng Cha Lập. Tôi muốn lên tiếng, nhưng ngôn từ đông đặc.

Nổi trôi 30 năm mới lại đặt chân nơi mà Cha Lập đã gọi tôi lên giao việc khi còn là Sinh viên năm 3. Chừng ấy diện tích. Chừng ấy bờ tường. Tuyệt nhiên không còn dấu tích ngày xưa. Bàn làm việc của Cha, thừa kế bởi Cha Lê Văn Lý, đổi thành bàn họp hình chữ U. Tủ đựng hồ sơ của Cha được tháo gỡ toàn bộ. Thánh giá thay bằng cờ búa liềm. Đức Mẹ Pieta trám bởi tượng bán thân Hồ Chí Minh.

Tỉnh Lâm Đồng và Thành phố Dalat đánh giá cao công sức Ban Giám Hiệu (danh xưng mới) và các Giáo sư Đại học Dalat trước năm 1975. Chúng tôi có mời Cha Nguyễn Văn Lập thăm Viện, nhưng vì sức khỏe chưa có dịp. Riêng Giáo sư Phó Bá Long đã về dậy, vận động Đại học Mỹ giúp khoa Quản trị Kinh doanh …

Tan họp, tôi quyết định đi bộ từ Viện về khách sạn. Cấm vực thân thương dẫu chìm ngập bóng tối, vẫn không xóa nhòa từng lối đi quen thuộc trong tôi. Chiếc cầu đỏ không nhịp trước Thư viện ngày xưa thấy mới. Qua cầu dở nón trông cầu. Cầu không có nhịp … Tôi cười héo hắt. Đêm giăng mắc chập chùng. Trên tù xa canh giữ nghiêm nhặt bởi quân Nguyên- Mông, Tướng quốc cuối cùng triều đình Nam Tống Văn Thiên Tường – cũng là bại tướng – ngoảnh nhìn lần sau hết: Giang sơn phong cảnh nguyên vô dị, Thành quách nhân tâm bán dĩ phi …

Cha lại đưa tôi ra bờ kè đá. Tôi đi thật chậm phía sau chiêm ngắm Cha. Ngang qua nhóm hành khất, Cha hỏi: Hôm nay thế nào? không quên nhắc nhở: Chiều về nhớ rửa ráy đám trẻ con. Sông dâng đầy nước đục ngầu phù sa. Giọng Cha khẽ khàng như trối trăn: Cha có dịp gặp một số Thụ Nhân Âu Châu. Mỗi lúc nhớ con cái Thụ Nhân, Cha thường ra bờ kè đá này, rồi lại trở vào ngồi tĩnh lặng ở ngôi nhà mà từ viên gạch, góc tường, vật dụng, kể cả hoa cỏ đan kết tấm lòng hiếu hậu.

Bóng Cha nhấp nhô trên nền đá loang lổ. Nắng chiều thắp sáng từng ngọn cây. Lần đầu tiên bóng tôi hòa nhập bóng Cha. Thoáng chốc bóng Cha dàn trải sông nước Thanh Đa – Bình Quới, đưa nước sông Sài Gòn đến tận bờ vực sông Seine, sông Rhin, sông Thames, sông Potomac

Lễ Đức Mẹ Lên Trời.

Tháng 8.2002

mai kim đỉnh

(1)Trích bài thơ “Xuân Đán” (春 旦) của Chu Văn AN
寂 寞 山 家 鎮 日 閒,
竹 扉 斜 擁 護 輕 寒。
碧 迷 草 色 天 如 醉,
紅 濕 花 梢 露 未 乾。
身 與 孤 雲 長 戀 岫,
心 同 古 井 不 生 瀾。

柏 薰 半 冷 茶 煙 歇,
溪 鳥 一 聲 春 夢 殘。

Tịch mịch sơn gia trấn nhật nhàn,
Trúc phi tà ủng hộ khinh hàn.
Bích mê thảo sắc thiên như tuý,
Hồng thấp hoa tiêu lộ vị can.
Thân dữ cô vân trường luyến tụ,
Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan.
Bách huân bán lãnh trà yên yết,
Khê điểu nhất thanh xuân mộng tàn.

[2] Trích “Hồi hương ngẫu thư

(Ghi chú: BBT)

No comments:

Post a Comment