10/5/22

Giấy Dó

Giấy dó là gì và dùng để làm gì?

Giấy dó là loại giấy được sản xuất từ vỏ những cây dó (như dó giấy, dó liệt...), theo quy trình thủ công được truyền lại qua nhiều thế hệ ở một số làng nghề [thủ công nghệ] ở Việt Nam. Giấy dó được dùng cho/[để] vẽ tranh trong mỹ thuật dân gian Việt Nam, đặc biệt là để làm giấy điệp cho tranh Đông Hồ, hay lưu giữ các tài liệu, nhờ vào nhiều ưu điểm, nổi bật nhất là độ bền theo thời gian.

10/3/22

Luân Hồi

Luân Hồi
Samsara



Xe quay nhật nguyệt hai vòng
Lang thang (1) khuấy bụi long đong đường trần
Hai vòng sinh tử phân vân
Sân si rồi cũng có ngần ấy thôi
Đạt ma (2) tiếp nối nổi trôi
Bi thương chữ “pháp” bồi hồi quay nhanh
Chiếc xe quay bánh vòng quanh
Vô minh (3) mờ mịt tử sinh luân hồi
Cuộc đời bèo dạt mây trôi
Cánh bèo hờ hững một thời qua mau
Chữ “Thời” xuân, hạ đâu đâu
Thu, đông mái tóc nhuộm màu tuyết sương
Nhân duyên thập nhị vô thường
Chữ “ái” rồi cũng nói suông bụi mờ.

Lê Đình Thông
—-
(1) Samsara
(2) Dharma
(3) Avidyā



Bài đọc thêm:

10/2/22

Romy Schneider, người viết trang sử đẹp của điện ảnh Pháp

Nghe phần âm thanh:



Sinh ra tại Áo, thành danh tại Đức, Romy Schneider (1938-1982) đã cùng với những đạo diễn lừng danh nhất thế giới để lại dấu ấn của một thời đại trong làng nghệ thuật thứ 7. Bốn mươi năm sau ngày qua đời, « Romy » vẫn là biểu tượng của những người phụ nữ quý phái nơi kinh đô ánh sáng, của những trái tim đa tình. Với Romy Schneider, Paris là điểm khởi đầu của một mối tình « trẻ mãi không già ».

Mùa hè năm 1968, Alain Delon tại phi trường Nice, đợi đón nữ diễn viên Romy Schneider. Delon nói ông hồi hộp trước phút hội ngộ. Mười năm đã trôi qua từ ngày họ gặp nhau lần đầu cũng tại một sân bay, nhưng đấy là phi trường Orly, phía nam thủ đô Paris.
Năm 1958, Romy 19 tuổi, đã là một minh tinh màn bạc, nổi tiếng khắp châu Âu nhờ vai diễn hoàng hậu của vương quốc Áo Sissi. Alain hơn nàng 3 tuổi, vừa giải ngũ, từ chiến trường Đông Dương trở về. Delon mới chập chững bước vào thế giới nghệ thuật. Alain và Romy cùng đóng phim Christine, của đạo diễn Pierre Gaspard Huit.

Christine đã chìm vào quên lãng, nhưng bộ phim đó là một khúc quanh trong cuộc đời và sự nghiệp của cả Romy Schneider lẫn Alain Delon. Romy là « con nhà nòi » trong thế giới nghệ thuật sân khấu của Áo và Đức. Còn Alain khi đó là một chàng lãng tử, bụi đời, với mặc cảm ít học thức. Paris của Delon khi đó không phải là Saint Germain des Près, nơi giới trí thức lui tới. Alain là người của những khu phố xô bồ, nhộn nhịp với cuộc sống về đêm như Pigalle.

Tháng Giêng 1959, bộ phim ra mắt công chúng lần đầu tiên tại Bruxelles : Romy Schneider lộng lẫy và hạnh phúc xuất hiện bên Alain Delon. Thilo Wydra, nhà báo Đức và cũng là tác giả cuốn Eine Liebe in Paris-Romy und Alain - Tình Yêu ở Paris Romy và Alain kể lại lễ đính hôn ngày 22/03/1959 : « Lễ đính hôn tổ chức bên bờ hồ Lugano là một sự kiện lạ lùng. Magda, mẹ của Romy tổ chức tất cả. Nhưng cho đến tận giờ chót, không ai biết là Alain Delon có đến hay không. Ngay cả Romy Schneider cũng không biết là vị hôn phu có lỡ hẹn với cô và gia đình, bạn bè thân thiết hay không. Với Alain, Romy biết được một điều đó là không bao giờ có thể trông cậy vào cậu tài tử đẹp trai đó. Alain Delon đã bắt mọi người chờ đợi, bắt cả Romy phải sốt ruột đợi mình. Nhưng cuối cùng, anh cũng đến ! ».

Công luận Đức phẫn nộ, ví mối tình của cặp Delon - Schneider như « bông hoa nhài cắm… », nhiều người xem việc Romy đi lấy chồng xứ lạ như một sự phản bội.

Bỏ mặc những tiếng thị phi, Romy Schneider và Alain Delon xây tổ ấm cách Paris khoảng một giờ lái xe, rồi họ dọn về ở ngay giữa lòng kinh đô ánh sáng. Romy và Alain rạng ngời bên nhau tại Liên hoan điện ảnh Cannes, che khuất cả những ngôi sao màn bạc của thế giới như Sophia Loren, Grace Kelly…

Ngôi sao lúc tỏ lúc mờ

Đầu thập niên 1960, sự nghiệp của Alain Delon bắt đầu cất cánh. Những tên tuổi của làng điện ảnh lúc bấy giờ, như đạo diễn Ý Luchino Visconti, hay Henri Verneuil, René Clément... của Pháp mời Delon đóng phim.

Romy Schneider từ một ngôi sao điện ảnh hàng đầu của Đức đã lùi vào bóng tối. Cô đi cùng Alain đến phim trường, lặng lẽ như một chiếc bóng. Không một đạo diễn Pháp nào chú ý đến cô gái tóc vàng từ xứ sở của Goeth sang làm dâu kinh đô Paris. Họa hoằn lắm, Romy mới được trao một vai diễn phụ. Mùa hè 1960, Alain Delon giới thiệu Romy với đạo diễn Ý Visconti. Ông tuyển cô vào diễn chung với Delon trên sân khấu trong vở kịch nổi tiếng của văn học Anh 'Tis Pity She's a Whore với cái tên được dịch sang tiếng Pháp là Dommage qu’elle soit une putain, nói về một mối tình giữa hai anh em ruột để rồi cả đôi nhận lấy hồi kết thảm khốc.

Romy tỏa sáng trên sân khấu và thế là ông phù thủy của làng điện ảnh Ý Luchino Visconti đã mời cô cộng tác tiếp trong bộ phim Boccace 70. Giai đoạn 1961-1962, Romy khá thành công trên sân khấu kịch nghệ với Chim Hải Âu của Chekov. Romy Schneider chắp cánh bay xa : cô được mời đóng phim tại Mỹ với những tên tuổi lừng danh như Orson Welles trong The Trial - Vụ Án, lấy từ tác phẩm cùng tên của văn hào Franz Kafkaz.

Năm 1962, đạo diễn Alain Cavalier mời Romy Schneider tham gia phim Le Combat dans l’ile. Trong tác phẩm này, Romy đóng vai Anne, một phụ nữ Pháp với sự đam mê và một bầu nhiệt huyết lạ thường, một nhân vật rất phức tạp bị giằn vặt giữa ý chí chính trị, tình yêu. Gần nửa thế kỷ sau, Cavalier hồi tưởng lại về Romy : « Cô bé người Áo đó từng thành danh trong làng điện ảnh nhờ những phim tình cảm ngọt ngào lấy bối cảnh là thành Vienna. Thế rồi cô ấy đến trường phim để nhập vai một người đàn bà Pháp và phải công nhận là Romy đã rất dễ dàng thuyết phục tất cả đoàn làm phim. Romy Schneider vào vai diễn với tất cả sự tinh tế và thông minh của riêng cô ấy, với thái độ rất tự nhiên… Thực sự, đây là một điều tuyệt vời và rất đáng nể phục ».

Nhà sản xuất phim Alain Terzian, một mối thâm giao với Romy Schneider, từng cộng tác với nữ minh tinh màn bạc người Đức này cả chục lần cũng đồng quan điểm : « Romy Schneider là hiện thân của một người đàn bà Pháp lý tưởng. Điều lạ lùng, là không ai thể hiện vai diễn của người phụ nữ Pháp tinh tế hơn, sâu sắc hơn là một nữ diễn viên mang hai dòng máu của Áo và Đức ».

Alain Delon và Romy Schneider rất bận rộn với các dự án làm phim. Delon thường xuyên vắng nhà. Romy ký hợp đồng với các hãng phim Mỹ, lọt vào mắt xanh của đạo diễn nổi tiếng Orson Welles.

1963, sự đổ vỡ và điểm khởi đầu


Mệt mỏi và cũng thất vọng vì cung cách làm phim của Hollywood, năm 1963, Romy bỏ cuộc chơi, quay lại Pháp vào lúc rộ lên hình ảnh một cô gái nẩy lửa luôn xuất hiện bên Alain Delon. Ngày trở về, Romy nhận được lá thư từ hôn và một đóa hồng đỏ thắm.

Chia tay với Delon, với Paris, Romy trở lại Berlin. Cô nhanh chóng kết hôn với nhà soạn kịch Harry Meyen và sinh cậu con trai đầu lòng, David. Romy Schneider vui với vai trò làm vợ, làm mẹ. Sân khấu, phim trường và hình ảnh của Alain nhạt dần.

Năm 1968, Romy Schneider kể lại : Alain Delon điện thoại cho bà và đề nghị Romy cùng diễn trong phim La Piscine của đạo diễn Jacques Deray. Nam diễn viên người Pháp trên đỉnh cao danh vọng xác nhận chính ông đã áp đặt với đoàn phim vai nữ Marianne phải do Romy Schneider đảm nhiệm. Delon ra tối hậu thư và đã được toại nguyện.

Mùa hè 1968, Alain và Romy hội ngộ trên bầu trời điện ảnh, gần 10 năm sau cuộc gặp gỡ ban đầu. Họ tình tứ, thân mật, tự nhiên như thể con tim chưa một lần nhỏ máu. Trước ống kính của Deray, đôi bạn diễn ăn ý với nhau : không còn biên giới giữa cặp Alain - Romy ngoài đời với đôi tình nhân Jean Paul - Marianne trong phim. Họ mất nhau để rồi tìm thấy được một tình yêu mới.

Ngoài mong đợi, Bể Bơi - La Piscine là cánh cổng mở ra hơn một thập niên Romy Schneider tỏa sang trên bầu trời nghệ thuật. Năm 1970, bà cộng tác với Claude Sautet trong phim Les Choses de la Vie, rồi đi từ thành công này đến thành công khác với những tác phẩm như là Max et les Ferrailleurs, César et Rosalie, Le Train, L’important c’est d’aimer, Clair de femme… Romy đã tham gia hơn 60 bộ phim, cộng tác với những đạo diễn bậc thầy trong làng điện ảnh, diễn chung với những nam tài tử nổi tiếng một thời. Trái tim đa tình của Romy đã dành một chỗ đứng riêng biệt cho mỗi người đàn ông đi qua đời bà.

Vẫn trước ống kính của nhà làm phim Claude Sautet, năm 1971, Romy Schneider rực rỡ và nẩy lửa trong vai Lily, một cô gái làng chơi. © Minh Anh/RFI


Vũ điệu cuối cùng

Ngoài đời, Alain Delon và Romy Schneider vẫn thường xuyên gặp lại nhau, khi nơi phim trường, lúc trong các buổi tiếp tân ra mắt phim… Nhà sản xuất Alain Terzian kể lại một lần, các ngôi sao điện ảnh Pháp họp nhau ở hộp đêm nổi tiếng của Paris, năm 1980 : « Tất cả những ngôi sao điện ảnh Pháp lúc bấy giờ đều có mặt đêm hôm đó, có Romy Schneider, Yves Montand, Lino Ventura... Mọi người họp nhau, ăn uống, nhạc xập xình tại hộp đêm Chez Régine. Thế rồi Romy kéo tôi lại, bảo rằng cô muốn khiêu vũ với Alain. Làm công tác giao liên, tôi nhắn lời lại với Delon. Anh đứng lên, yêu cầu cho chơi bản Stranger in the Night của Frank Sinatra. Anh đã mời Romy ra sàn nhẩy. Mọi người lui cả vào bóng tối. Chỉ còn lại có Alain và Romy. Họ quấn lấy nhau, như mối tình học trò, như hai người tình từ muôn thuở, họ thực sự yêu nhau tha thiết. Họ hôn nhau như những ngày đầu. Mireille Darc, người bạn đời của Alain Delon cũng có mặt đêm hôm ấy. Mọi người nín thở. Chỉ có tiếng nhạc và bước nhảy của Romy với Alain mà thôi ».

Ngày vui qua mau. Bước sang thập niên 1980, chồng thứ nhất của Romy Schneider là nhà soạn kịch Harry Meyen tự vẫn. Romy chia tay với người chồng thứ nhì là Daniel Biasini năm 1981, cùng năm David, cậu con trai của Romy 14 tuổi, chết trong điều kiện thảm khốc. Romy Schneider bị đẩy xuống vực thẳm, bà bị đẩy xa khỏi dòng đời để không bao giờ quay lại được vào bờ.

Ngày 29/05/1982, các đài truyền hình loan tin Romy Schneider không còn nữa. Một nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn vĩnh viễn ra đi, bà mới 43 tuổi.

Hay tin dữ, 5 giờ rưỡi sáng hôm ấy, Alain Delon cùng với nhà sản xuất Terzian đã đến ngay căn hộ của Romy ở quận 7 Paris. Họ đã bước vào phòng ngủ của người tình Alain Delon chưa bao giờ cưới. Delon đã ngồi lại bên Romy. Ông đã khóc, khóc rất nhiều. Hàng giờ sau, Magda Schneider, mẹ của Romy bước vào phòng. Bà ôm lấy Alain Delon. Terzian kể lại, giây phút đó, ông biết rằng, dù không lên xe hoa, Alain và Romy đã nặng nghĩa vợ chồng. Alain Delon một mình lo liệu tang lễ cho Romy Schneider.

Trong 24 năm đồng hành, trên đất kinh kỳ của Paris, Alain và Romy đã gặp nhau, họ yêu nhau, vô tình hay cố ý họ gây thương tích cho nhau. Họ chia tay nhưng chưa bao giờ lìa xa nhau. Dù là người rũ áo ra đi, Alain Delon đã cùng sánh vai Romy Schneider đi rất xa trên con đường nghệ thuật và cũng chính ông đưa hoàng hậu Sissi đi đến điểm tận cùng cuộc đời.

NGÀY ĐẠI THỌ

Sáng dậy thấy mây mù giăng mắc
biết ngày sẽ trôi rất âm thầm
Thở dài khi nhớ...Ồ, thứ Bảy!
Nhìn qua khung cửa, bỗng bâng khuâng.

Thả dòng ký ức theo trăn trở
Treo tâm tư vào gió qua hiên
Một mình gặm nhấm thương và nhớ
Đến bao giờ dứt nỗi ưu phiền?!

Trầm ngâm theo mảnh hồn thu xám
Lòng không phương hướng, chẳng dư âm!
Một ngày thêm tuổi trong hoài cảm
Bềnh bồng theo cảnh tiết thu phân.

Một giấc tha phương rười rượi, nhớ
Mấy cuộc bể dâu thổn thức, buồn
Nhìn quanh đời mãi còn nặng nợ
Trông vào hồn vẫn lạnh mù sương.

Gánh quan san của đời viễn xứ
mang hành trang mưa nắng một thời
Mong cầu vòng trong mơ hiện thực
để ấm lòng trong lúc đầy, vơi.

Hôm nay trời, biển sao lạnh vắng!
Nên lòng như khói xám, sương huyền
Dường như có tiếng ai thầm lặng
gọi nhớ một thời lắm truân chuyên!

Thời gian gõ nhịp nghe rất khẽ
Điệp khúc chậm, đều cứ vọng đưa
Đã 90 tuổi! Đâu còn trẻ?!
Sao vẫn miên man chuyện Nắng, Mưa!?

Thì cũng bấy nhiêu cơn lốc xoáy
cuốn đời qua gian khó dặm trường
Thầm nhủ "Bao giờ thôi khắc khoải
Khi nào mới thấy lại quê hương?!"
HUY VĂN

( Qúy tặng Đại Đội Trưởng của tôi,
cựu Đại Úy "Vương Vũ"-Trần Văn Vương
nhân ngày Đại thọ 90 của ông )

10/1/22

Bài thơ một câu- Mãn thành phong vũ....

Phan Đại Lâm thời Tống(潘大臨), rất giỏi về thơ văn. Nhưng số phận long đong. Sau khi lạc đệ nhiều phen, lui về sống ẩn dật trong cảnh cơ hàn.

Sau đây là một mẩu chuyện rất lý thú về bài thơ của ông chỉ có một câu nhưng vang dội một thời trong làng thơ văn Trung Hoa đương thời.

滿城風雨近重陽*    Mãn thành phong vũ cận Trùng dương

*Trùng dương còn gọi là Trùng cửu là ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch. Năm nay, Trùng Cửu nhằm ngày 04.10.2022. Tết Trùng dương hay Trùng cửu vẫn còn được các vài xứ ở Á châu (Hàn quốc, Nhật bản , Việt Nam, Singapor .. .) tổ chức hằng năm ở nơi công cộng, trong các gia đình còn ảnh hưởng nền văn hóa Á đông. Trùng dương còn có ý nghĩa khá đặc biệt là "Tết của người già". Là ngày mà con cháu tỏ lòng hiếu kính cha mẹ, ông bà như mua tặng tấm áo mới, thăm viếng, đi dã ngoại, đi ăn nhà hàng...

Chuyện kể:

Phan Đại Lâm có một người bạn thân Tạ Dật ở lân cận. Vì cùng cảnh ngộ nên họ thân nhau như anh em ruột. Hai người thường trao đổi những bài thơ mình làm cho nhau xem.

Một mùa thu nọ, Tạ Dật đã viết thư cho Lâm và hỏi: “Gần đây anh có tác phẩm nào hay không?” Lâm trả lời: “Mọi thứ về phong cảnh mùa thu đều có thể viết thành một bài thơ hay, nhưng thật đáng tiếc vì nó đã bị hủy hoại bởi những sự việc trần tục. Đúng vậy. Hôm qua, tôi đang nằm trên giường không có việc gì làm, nghe tiếng gió và mưa trong rừng cây bên ngoài, tôi cảm thấy một ý thơ tuyệt vời, vì vậy hôm sau tôi lập tức viết lên tường:

 滿城風雨近重陽“    Mãn thành phong vũ cận Trùng dương.

(Khắp thành mưa gió sắp Trùng dương).

Ai ngờ vừa viết được một câu thì chủ nhà đã cử người đến giục trả tiền nhà, cảm hứng của tôi bị tiêu tán, không viết được nữa. Vì vậy, chỉ có bài thơ một câu này, gửi nó cho bạn!"

Ít lâu sau, Phan Đại Lâm chết vì nghèo đói và bệnh tật, khi ông qua đời chưa đầy năm mươi tuổi. Để tưởng nhớ Bạn , Tạ Dật đã viết tiếp bài thơ này:

滿城風雨近重陽,Mãn thành phong vũ cận Trùng dương,

無奈黃花惱意香。Vô nhại huỳnh hoa não ý hương.

雪浪翻天迷赤壁,Tuyết lãng phiên thiên mê xích bích,

令人西望憶潘郎。Linh nhân tây vọng ức Phan Lang.

Tạm phỏng dịch:

Khắp thành mưa gió sắp Trùng Dương,

Bất kể, hoa vàng tỏa ngát hương.

Hay, sóng tuyết chơi vơi nơi xích bích,

Phương tây gợi nhớ đến chàng Phan.

Bài thơ “Khắp thành mưa gió sắp Trùng Dương”*cũng đã trở thành một thành ngữ nổi tiếng qua các thời đại:  Mãn thành phong vũ*. 

*Mãn thành phong vũ: Chỉ một sự kiện xã hội , chính trị... gây xôn xao dư luận. 

(tiếng Anh: town is full of gossips)

 Và cũng là đề tài tạo nguồn cảm hứng cho các thi nhân thời ấy.

Xin đọc thêm: Tiết Trùng Cửu - Đỗ Chiêu Đức


9/29/22

Tân Định, thức cả trăm năm…

Bút ký của Hoàng Nguyên Vũ

Nơi đây giữ lại những hồn cốt của đất và người Sài Gòn trong chặng hành trình trầm tích những giá trị bản thể hàng trăm năm; cũng như những giá trị tính cách khó thể nào mất đi của người dân Sài Gòn.
Người ta nhớ thương về Tân Định nhiều khi không phải vì những giá trị lớn lao nào cả, mà người ta nhớ thương về những điều thân thuộc. Có khi, chỉ là một quán cà phê, một lối đi về; hay cũng có khi chỉ là một cơn mưa rất nhẹ của năm nào vương trên cây hoàng lan ngoài hiên cũ…

Với những người Sài Gòn xa xứ, Tân Định là một cái tên đủ nặng, đủ sâu như thế.

Theo dấu người năm cũ

Nhà ông bạn tôi nằm trên đường Thạch Thị Thanh. Căn nhà kiến trúc Sài Gòn cũ, với thép là ý tưởng chủ đạo ở cửa chính và các ô cửa sổ. Tường trét đá rửa, chia ô vuông trang trí theo họa tiết hình học, một thứ phong cách kiến trúc Âu Mỹ khá phổ biến ở Sài Gòn mấy chục năm trước.