12/2/22

Ngạn ngữ Hán: thụ nhân

Phạm Văn Bân 

Hán Việt: thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân 

Hán tự: 十年樹木,百年樹人 

Bính âm tiếng Bắc Kinh : [shí nián shùmù, bǎinián shù rén]

Ý nghĩa: kế 10 năm không gì bằng trồng cây, kế 100 năm không gì bằng trồng người (gầy dựng nhân tài) 


Xuất xứ: 

管子 – 權修 => Quản tử - Quyền tu

[guǎnzi – quán xiū]

Quản Tử – Quyền tu: Thầy Quản – Chỉnh sửa quyền hành


管仲 [guǎnzhòng] Quản Trọng, chính trị gia nổi tiếng thời Xuân Thu, được cho là người soạn thảo bộ sách Quản Tử 管子,

trong đó thiên Quyền tu 權修 tiết 11: 


一年之計,莫如樹穀;十年之計,莫如樹木;終身之計,莫如樹人

一樹一穫者,穀也;一樹十穫者,木也;一樹百穫者,人也。

# 我苟種之,如神用之,舉事如神,唯王之門。

(https://ctext.org/guanzi/quan-xiu)


[yī nián zhī jì, mòrú shù gǔ; shí nián zhī jì, mòrú shùmù; zhōngshēn zhī jì, mòrú shù rén.
yīshù yī huò zhě, gǔ yě;
yīshù shí huò zhě, mù yě; yīshù bǎi huò zhě, rén yě.
wǒ gǒu zhǒng zhī, rú shén yòng zhī, jǔshì rú shén, wéi wáng zhī mén]
:

nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; chung thân chi kế, mạc như thụ nhân.

nhất thụ nhất hoạch giả, cốc dã; nhất thụ thập hoạch giả, mộc dã; nhất thụ bách hoạch giả, nhân dã.

# ngã cẩu chủng chi, như thần dụng chi, cử sự như thần, duy vương chi môn.


Kế 1 năm thì không gì bằng trồng lúa; kế 10 năm thì không gì bằng trồng cây; kế suốt đời thì không gì bằng trồng người. 

Trồng 1 mà thu 1, đó là trồng lúa; trồng 1 mà thu 10, đó là trồng cây; trồng 1 mà thu 100, đó là trồng người.

# Nếu mà tôi gieo trồng, nếu làm một cách phi thường, nếu khởi sự một cách phi thường thì chỉ có vua chúa mới có thể làm được. (*)


********

(*) 終身之計,莫如樹人 hay 百年之計,莫如樹人
"Chung thân chi kế, mạc như thụ nhân" hay "Bách niên chi kế, ..."

Người viết xin nêu ra ý kiến như sau:

Vấn đề là gốc của thành ngữ này là chữ chung thân thay vì bách niên

Trong tập quán nói chuyện hàng ngày, dân gian dễ đi đến so sánh với vế trước của câu (1 năm, 10 năm) nên biến thành 100 năm, và trong thực tế, để gọn gàng, người ta nói thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân mà không sai ý nghĩa của câu gốc. Lâu dần (cả ngàn năm), bách niên thụ nhân nghiễm nhiên được chấp nhận và cho là của Thầy Quản. Trong tiếng Hán có điểm thú vị về con số. Nói ngũ sắc không có nghĩa 5 màu mà là rất nhiều màu, bách không có nghĩa là 100 mà là rất nhiều như bách tính: 100 họ, bao gồm tất cả họ, mọi người, tất cả. Chữ chung thân (suốt đời, trọn đời) của Thầy Quản được nói lệch thành 100 năm cũng nằm trong ý nghĩa này vì người xưa nghĩ rằng không có ai sống quá 100 tuổi, tức là chung thân. Hiện nay bản án chung thân cũng có nghĩa như vậy.



Bài đọc thêm:
1)- Sự tích "Quản Bào chi giao" (管鮑之交)
Là một điển tích trong Sử Ký - "Quản Bào chi giao" (管鮑之交), câu chuyện xuất phát từ tình bạn tâm giao của Quản Trọng và Bào Thúc Nha, hai người bạn thân hiểu biết lẫn nhau, Quản Trọng tài ba lỗi lạc, nhưng không gặp thời, sống đời túng quẫn khó khăn, Bào Thúc Nha tận tình giúp đỡ, thậm chí sau này còn tiến cử Quản Trọng cho vua Tề đảm nhận chức vụ tể tướng. Lúc Quản Trọng lâm chung, vua Tề hỏi Quản Trọng: "Bào Thúc Nha có thể thay thế khanh tiếp nhận chức tể tướng không?" Mọi người đều nghĩ là đương nhiên, không ngờ Quản Trọng trả lời: "Không được, là vì Bào Thúc Nha có tánh thù hận tiểu nhân, không thể dung thứ kẻ xấu, nếu làm tể tướng, bất lợi cho Ngài cũng bất lợi cho Bào Thúc Nha."

******

2)- Bao dung

Vào thời Xuân Thu liệt quốc, có hai người bạn rất thân: Quản Trọng và Bào Thúc Nha. Hai người hùn vốn làm ăn, Quản Trọng thường lấy nhiều tiền hơn trong lúc chia lời, Bào Thúc Nha không cho rằng Quản Trọng tham tiền, mà vì nhà nghèo. Quản Trọng đưa ra những phương án kinh doanh, thường không có hiệu quả tốt, Bào Thúc Nha không nghĩ rằng Quản Trọng thiếu khả năng, mà vì chưa có thời vận. Hai người đi đánh giặc, Quản Trọng ba chiến ba thoái, Bào Thúc Nha không cho rằng Quản Trọng nhút nhát, mà vì có mẹ già phải phụng dưỡng. Thậm chí về sau Bào Thúc Nha còn tiến cử Quản Trọng làm tể tướng cho Tề Vương, khiến Quản Trọng trở thành một chính trị gia lỗi lạc, giúp Tề Vương hàng phục chư hầu, thống nhất thiên hạ.

Quản Trọng nói:" Sinh ta cha mẹ, hiểu ta Bào Thúc Nha."

Sử gia Tư Mã Thiên nói: "Thiên hạ không ai khen thưởng tài ba của Quản Trọng, chỉ tán thán sự biết người và độ lượng của Bào Thúc Nha."

Khi trước đọc Sử Ký, tôi nghĩ rằng Bào Thúc Nha có lòng nhẫn nhịn phi thường.

Ngày nay đọc lại Sử Ký, tôi mới hiểu rằng Bào Thúc Nha có lòng bao dung độ lượng rộng lớn.

Tôi định nghĩa sự khác biệt về bao dung và nhẫn nhịn như sau:

Nếu người khác làm một việc không vừa ý mình, mình cố sức chịu nhịn, không có phản ứng đối kháng lại, đó là nhẫn nhịn.

Nếu người khác làm một việc không vừa ý mình, mình hiểu bạn mình làm như vậy là có lý do, nhìn sự việc dưới góc độ của người khác, đó là bao dung.

Nhẫn nhịn thì khó chịu, bao dung thì tự tại.

Trích "Bao dung" tg Lý Trinh Trường

12/1/22

Clip VĐH Đà Lạt của TN-C Nguyễn Quỳnh Như


Con chào các cô chú thụ nhân của Viện đại học Đà Lạt ạ. Con là Quỳnh Như - Con gái của ba Nguyễn Duy Tuyên - sinh viên QTKD khoá 7. Hôm nay con có dịp công tác ra Đà Lạt và con tranh thủ một chút thời gian để ghé thăm ngôi trường mang nhiều kỉ niệm và tình cảm của ba cũng như của các cô chú 1 thời thanh xuân… nên con làm 1 clip nhỏ về những nơi con đi qua để mong rằng có thể mang lại 1 chút kí ức xưa đến các cô chú… con rất cảm động khi đặt chân đến đây… nhiều cảm xúc khó tả… con cảm thấy vui và tự hào là 1 phần của thế hệ thụ nhân tiếp nối của ba và các cô chú. Bài hát kèm theo clip như 1 phần cảm xúc mà con muốn gửi đến các cô chú thụ nhân ạ.

Nguồn: .nhathunhan@googlegroups.com

11/25/22

Những bệnh vô duyên

BS. Đỗ Hồng Ngọc


Tuy già không phải là một bệnh nhưng già thì thường có bệnh. Bệnh thì có bệnh nặng, bệnh nhẹ, bệnh có duyên và bệnh… vô duyên. Ai cũng biết thầy thuốc là người được học hành cẩn thận để giúp ta chữa trị bệnh tật, vậy mà thầy thuốc cũng có thể gây bệnh cho ta, dù là ngoài ý muốn, cái đó gọi là bệnh do thầy thuốc gây ra (iatrogenic) mà theo GS. Phạm Khuê, một chuyên gia về Lão khoa, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam thì có đến hơn một phần tư các bệnh ở người già là do thầy thuốc gây ra! (Bệnh học tuổi già, Phạm Khuê, NXB Y Học, 1998, trang 364). Những bệnh… vô duyên còn có thể do chính bản thân mình, người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm, hoặc các nhân viên tâm lý xã hội gây ra nữa! Bà cô của một bác sĩ bạn tôi trên 80 tuổi kêu lúc nào trong người cũng nóng bức, miệng khô nên đã mua rễ tranh, mía lau, mã đề ngoài chợ về nấu “nước mát” uống. Mát đâu không thấy, thấy đi tiểu liên tục gây thêm tình trạng mất nước trong cơ thể, lại thấy nóng bức, thấy khô miệng, lại uống thêm “nước mát”! Thì ra “rễ tranh, mía lau, mã đề” là những loại thuốc lợi tiểu (diuretics).

Một ông bác gầy còm nghe hàng xóm bày vẽ có loại tễ mập, bèn mua uống mấy cây. Mập thiệt! Nhưng người béo bệu, cơ thể bạc nhược! Thì ra, thuốc tễ đó chỉ là bột mì trộn với mật ong và Corticoid, một thứ thuốc uống vào lâu ngày gây hội chứng Cushing, ứ nước, làm mập bệu và gây ra vô số những tác dụng tai hại khác như giảm sức đề kháng, mọc lông, loãng xương, loét bao tử, cao huyết áp… Ta cũng biết thuốc chữa đau khớp có thể gây loét dạ dày; thuốc điều trị cao huyết áp có thể gây hạ huyết áp đột ngột; thuốc trị tiểu đường làm hạ đường huyết; thuốc uống cho đỡ bị đái són ở người già thì gây khô miệng, đỏ da, mờ mắt, chóng mặt…

Một đặc điểm sinh học của người cao tuổi là khả năng thích ứng dần kém đi. Hấp thu thuốc đã chậm mà đào thải cũng chậm. Tác dụng phụ của thuốc lại thiên hình vạn trạng, tùy từng người, từng lúc, có thuốc người này dùng thì tốt mà bày cho người khác không xong, uống vào bị phản ứng ngay. Cho nên dùng thuốc ở người già phải dò dẫm trên từng trường hợp, giảm liều, giảm lượng, đắn đo tính toán trước sau, nào bệnh trước mắt, nào bệnh tiềm tàng; thuốc chữa được bệnh này nhưng có gây ra bệnh khác không, có làm bộc phát một bệnh cũ nào đó không, người bệnh ăn uống ra sao, tiêu tiểu ra sao và trạng thái tâm thần ra sao? Người cao tuổi cũng thường hay tự ý gia giảm thuốc, tin lời bày vẽ, ai mách gì cũng nghe, gây tương tác thuốc lung tung rất dễ sinh ra nhiều bệnh… vô duyên đáng tiếc.

Ngày càng có nhiều máy móc xét nghiệm và một số người cao tuổi cũng thường muốn được xét nghiệm này nọ. Báo Paris match của Pháp có đăng trường hợp một bà già bị rối loạn tiêu hóa đến khám ở một bác sĩ. Bác sĩ thấy không có gì nặng nhưng cũng gởi cụ làm thêm vài xét nghiệm cho chắc. Sau đó, bà cụ được tiếp tục làm thêm hàng loạt các xét nghiệm khác ngày càng phức tạp hơn vì xét nghiệm đơn giản không tìm ra bệnh: Siêu âm, nội soi, sinh thiết, chụp cắt lớp, chụp cản quang mạc treo… Sau hơn một tháng chuyển từ trung tâm này đến bệnh viện kia, nằm đợi trên những băng ca lạnh lẽo, đẩy từ hành lang này sang hành lang khác, tiếp xúc với những người mang khẩu trang chỉ chừa đôi mắt lạnh lùng, bà cụ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý trầm trọng và tiêu tốn mất 35 ngàn quan Pháp. Cuối cùng các bác sĩ hội chẩn kết luận không có bệnh gì cả! Tây gọi những người sính xét nghiệm là “examinite”. Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO) cũng cảnh báo hiện tượng over – investigation, “thăm dò quá mức cần thiết” này (Health of the Elderly, WHO, 1989). Một số người cao tuổi được chăm sóc bảo bọc quá đáng, được làm xét nghiệm thăm dò, theo dõi liên tục làm cho người bệnh muốn… hết bệnh cũng không được; không kể trong quá trình thăm dò, chọc hút, bơm tiêm, thụt tháo… không phải là không có nguy cơ. Dĩ nhiên nếu có bệnh thì cần phải làm để có chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả. Còn thăm dò chỉ để… thăm dò thì không nên. Các chuyên gia khuyên chỉ nên làm xét nghiệm cho người già khi nhằm để chẩn đoán một thứ bệnh có thể chữa được, có thể phục hồi được, có lợi cho người bệnh hoặc để chẩn đoán phân biệt tìm ra một bệnh có tiên lượng tốt hơn, điều trị có kết quả hơn, có lợi cho bệnh nhân và gia đình hơn mà thôi. Tóm lại, biết ơn mình thì cần thiết lắm mới phải làm xét nghiệm và phải có chỉ định của bác sĩ.

Thế nhưng có thứ không phải là thuốc, không phải là thủ thuật gì cả mà vẫn có thể gây ra những bệnh vô duyên: đó là lời nói! Có những lời nói gây hoang mang, lo lắng, làm mất ăn mất ngủ, gây kiêng cữ quá đáng làm cho tình trạng bệnh khó phục hồi hơn. Cái đó gọi là sự “dán nhãn” (labelling). Chẳng hạn như người không có chuyên môn, không đủ cơ sở khoa học chắc chắn mà “phán” cho một cái chẩn đoán kiểu như “nghi ung thư”, “hơi bị lớn tim”, hoặc một từ mơ hồ như “máu lộn mỡ, gan hơi nhiễm mỡ, viêm nhiễm phần phụ, rối loạn thần kinh thực vật”… hoặc “bị thư phù, bị người cõi trên nhập…” đều đem lại những kết quả tai hại không thể ngờ được! Ngay cả bị dán nhãn là già cả, già nua, già yếu, mất sức rồi bị ép phải nằm yên một chỗ, lúc nào cũng có người nâng đỡ chăm sóc thì sẽ ngày càng lệ thuộc, ngày càng suy nhược, mau loãng xương, bắp cơ thoái hóa, cứng khớp nhanh. Đáng sợ hơn cả là bị ép phải vào nằm viện, nằm nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà nghỉ mất sức… khi vẫn còn có thể tự quản được. Thật ra đây chỉ là giải pháp cuối cùng vì một khi đã vào các cơ sở này rồi thì không hy vọng gì trở lại đời sống bình thường được nữa vì càng ngày càng thụ động, ỷ lại, lệ thuộc, suy sụp.

Các cơ sở chăm sóc cho người già thực ra rất cần thiết, miễn là phải giữ một số nguyên tắc như đảm bảo sự riêng tư, tôn trọng cá nhân, giúp tự chủ, tự quản, và tạo nhiều cơ hội cho họ tham gia sinh hoạt phù hợp với sở thích và sức khỏe. Tóm lại, không nên để người cao tuổi mắc thêm những bệnh… vô duyên!

11/24/22

Thế Sự Dưới Cái Nhìn Của Tuổi Già

Khổng Tử nói: "Thất Thập Nhi Tùng Tâm Sở Dục, Bất Du Củ" (七十而從心所欲; 不逾矩).

Có nghĩa là con người tới 70 tuổi sẽ đạt đến tình trạng kiện toàn về phương cách đối nhân xử thế nên mọi hành động đều nằm trong khuôn khổ và nguyên tắc đạo lý của đời thường.

Tôi nay đã hơn 70, thời gian qua cuộc sống có nhiều thử thách, biến thiên. Tâm thường bị giao động bởi những sự việc không thuận ý hoặc những lời ăn tiếng nói cố ý hay vô tình của người khác có ý tứ tổn thương. Tôi thấy mình có vẻ đi hơi xa tiêu chuẩn của khổng Tử đề ra cho lứa tuổi 70. Vì thế, tôi cố gắng tìm tòi học-hỏi, tự kiểm thảo để tìm ra những khuyết-điểm trong các trải nghiệm vui buồn của cuộc đời.

Theo quan niệm cá nhân của tôi, tâm tư xác trộn trước thế sự nhiễu nhương là do sự cố chấp và chủ quan. Nếu nhìn sự việc dưới góc độ cởi mở, lạc quan, tha thứ sẽ khiến ta trải rộng lòng mình ra và mọi sự việc sẽ được giải quyết một cách dễ dàng hơn, tâm tư cũng được thoải mái nhẹ nhàng hơn.

Tuần vừa qua, tôi lại gặp phải một số chuyện nghịch ý, tôi tự nhủ không cố giữ lấy chủ kiến của mình nữa, mà cố gắng lắng nghe và cảm nhận ý kiến của người khác. Điều này mang đến kết quả là, công việc được giải quyết một cách hợp lý hơn, ổn thỏa hơn, đồng thời không làm buồn lòng người khác.

Thu nhặt kinh nghiệm kể trên, tôi muốn viết vài lời để bày tỏ và chia sẻ cảm nhận của mình. Bài viết của tôi chủ yếu là để cảnh giác chính mình, đồng thời muốn tìm hiểu về thế giới tâm linh của con người, rút lấy phần chân thiện mỹ để cùng các bạn và thiện tri thức học hỏi và khuyến khích lẫn nhau.

Văn dĩ tải đạo, dùng ngôn từ để truyền đạt đạo lý vốn là một việc làm rất có ý nghĩa và sâu xa. Vì vậy, mỗi lần chia sẻ bài viết là một sự vinh hạnh và niềm vui lớn. Muôn ngàn lời nói, chất chứa dâng trào trong lòng, nên cảm tác đề tựa: “Thế sự dưới cái nhìn của tuổi già”.

Thế Sự Dưới Cái Nhìn Của Tuổi Già


Ngày xưa, khi còn trẻ, bồng bột nóng tính, ai nói gì hơi nghịch ý, tôi cũng tìm cách phản bác. Bây giờ già rồi, nhìn đời qua lăng kính tuổi già, thấy cuộc đời quá đa dạng, tôi trở nên dễ dãi hơn, ai nói gì cũng… gật đầu xuôi thuận.

Sáng nay, xem lại mấy tấm hình cũ của nhóm mình từ hồi thập niên 70, khuôn mặt trẻ trung của lứa tuổi 18, đôi mươi đưa tôi về khoảng thời gian huy hoàng của thời sinh viên Đà Lạt. Trân quý biết bao! Thật lòng mà nói càng tiếc nuối thanh xuân thì càng ý thức được: "mình đã già rồi”!

Thời gian gần đây, lắm lúc hàn huyên phiếm đàm cùng mấy ông bạn già trong hội từ thiện, chúng tôi thường chia sẻ với nhau:

Về già, tai thì điếc lác, nên khi nghe ai nói gì thì tiếng được tiếng mất; nghe nhạc cứ như "đàn gẩy tai trâu", "nước đổ đầu vịt" không có khả năng tiếp thu, nghe không rõ hoặc trì độn. Tuy nhiên lảng tai cũng có cái hay là mình bớt nghe được những lời chê bai, trách móc và cả những lời thóa mạ, chửi bới nữa. Họ nói họ nghe, mình vô can.

Về già, mắt thì kém cỏi, đọc sách báo một lúc hoặc nhìn lâu vào màn ảnh của tivi, máy vi tính, hình ảnh bị nhòe đi. Nghĩ cũng bực nhưng cũng hay, mắt nhìn không rõ sẽ ít thấy những khiếm khuyết, ít thấy thì ít động tâm. Tâm có tĩnh lặng thì lòng đời sẽ an yên, vui vẻ.

Về già, đầu óc không còn minh mẫn nữa, nói trước, quên sau. Cũng hay, bởi nhiều thứ đang cần vứt bỏ bớt đi cho tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, giữ lại cũng chẳng ích lợi gì mà còn khiến mình cứ phải suy nghĩ vẩn vơ.

Về già, sức khỏe là vốn quý. Tuy nhiên, những khi đau ốm mới cảm nhận hết được cái vốn quý ấy. Theo kinh nghiệm bản thân, lỡ khi ốm đau thì ngoài người thân trong gia đình tới lui chăm sóc, may mắn hơn còn được sự chiếu cố của vài người bạn cố tri đến vấn an, an ủi. Thế chẳng phải là hạnh phúc lắm sao?

Nói thế thôi, sức khỏe vẫn phải được đặt lên tiêu chí hàng đầu. Phải ăn uống có chừng mực, nghỉ ngơi đầy đủ, tập thể dục thường xuyên, giữ tâm thanh tịnh mà suy ngẫm về cuộc đời đã cho mình nhiều may mắn, mà tạ ơn Trời Phật.

Một hôm trước đây, tôi bỗng thấy yêu đời, thế nên, muốn đi nhuộm tóc. Đến tiệm tóc nói rõ ý định của mình, chẳng hiểu có phải người thợ thấy mình già nua, quê mùa, họ nhìn tôi một hồi và đề nghị với tôi: "đầu chú đã hói, chỉ lưa thưa ít sợi tóc, nhuộm chi cho tốn tiền". Tôi bực lắm, cảm thấy tự ái bị xúc phạm. Hồi trẻ, chắc chắn là to chuyện, giờ thì già rồi, tôi tự nhủ : “Một câu nhịn, chín câu lành”.

Già rồi, nhịn riết cũng quen. Không nên để tâm bực bội những chuyện vu vơ nữa, cũng không nên đôi co cùng thiên hạ làm chi để tiêu hao sinh lực, tổn hại tình thân hữu. Thế sự như cuộc cờ, đánh cờ là để giải trí, không nhất thiết phải thắng, thắng chưa chắc là được là hơn, thua không hẳn là thiệt là mất.

Già rồi, khi bị chê bai, mình cười, không buồn, không oán trách.

Già rồi, nghe thiên hạ huênh hoang, mình cứ giả vờ tin như thật. Mình chẳng mất gì, mà làm cho thiên hạ hoan hỉ vui sướng, lên tận mây xanh.

Già rồi, thỉnh thoảng gặp gỡ bạn bè hàn huyên dăm ba câu chuyện bên tách trà nóng, ôn lại buồn vui sự đời, đó là hạnh phúc hiếm hoi.

Già rồi, còn gặp nhau được ngày nào biết vui ngày đó, nên phải trân quý.

Già rồi, ai nói đúng sai gì, cũng không sao. Cuộc đời muôn hình vạn trạng, nên ai nói gì cũng có cái lý của riêng họ. Mình chỉ nên lắng nghe, cảm nhận và gật đầu.

Già rồi, không phản bác trước những sự oan ức, sự hiểu lầm của người khác, sẵn sàng bao dung buông bỏ, dễ dãi cho người khác tức là dễ dãi cho chính mình.

Mấy hôm nay, trời vào đông, thời tiết se se lạnh. Tôi cầu chúc mọi người “già” thêm một tí, “hồ đồ” thêm một tí, “lép vế” thêm một tí để tuổi già vui thêm một tí, để cuộc đời tươi thêm một tí và để thiên hạ “sướng” thêm một tí...

Chợt nhớ ca từ một bài hát (Hoa ngữ) có câu:"Hãy để dành một chút gì của mình cho chính mình." (留一點自己給自己.)
Nghe Nhạc: 
" Hãy để dành một chút gì của mình cho chính mình." (có thể chọn phụ đề theo ngôn ngữ mình chọn)

Phải chăng mình nên: “để dành một chút gì của mình cho người khác, và hãy dành một chút gì của người khác cho người khác?"

Già rồi, sống đơn giản cho mình, dành chút vui vẻ cho người. Hề chi ??

“Bầu trời rộng rãi cõi bao la
Thoắt đó mà nay tuổi đã già
Tóc bạc chưa tròn câu chuyện cũ
Tình bạn dặm trường vẫn thiết tha…”

Trường

11-20-2022


Xin chia sẻ bài thơ tuổi già với các bạn,


Trăng già


Bây giờ sức kiệt... còn đâu 
Làm lụng vất vả ngưỡng cầu cho ai!
Một đời cần mẫn hăng sai
Gia đình, xã hội tương lai vẫn còn!

Trước sau gìn giữ sắt son,
Nhớ về cố quốc núi non rạng ngời.
Quê hương cách biệt trùng khơi, 
Bình tâm ngoảnh lại thế đời qua mau.

Lo chi những chuyện làm giàu,
Bận chi những chuyện đảo chao của đời.
Giữ tâm an ổn thảnh thơi
Du lịch, viết, đọc... sáng ngời trong ta.


Cung đàn điệu nhạc lời ca,

Câu kinh tiếng kệ ngân nga chuông chiều.

Hoàng hôn gió mát hiu hiu

Thân tâm thanh tịnh thêm nhiều niềm vui.


Mạnh khỏe luôn có nụ cười
Bỏ buông phiền não thì đời bình an
Đã mang số kiếp trần gian

Sinh, lão, bịnh, tử chẳng màng để tâm.


Bây giờ tóc đã hoa răm,

Biết bao nhiêu cảnh thăng trầm trải qua.

Bâng khuâng ngắm ánh trăng ngà,

Hỏi trăng, trăng có tuổi già không trăng?


Ngô Văn Thành


********

Bài thơ của anh Thành hay quá, khiến người đọc trải rộng lòng ra, thoải mái và nhẹ nhàng. Nhất là 2 câu sau:
"Bâng khuâng ngắm ánh trăng ngà
Hỏi trăng, trăng có tuổi già không trăng?"

Thế giới ta bà nhân duyên hỗ tương tác động lẫn nhau mà khiến cuộc đời đa sắc đa màu.

"Núi xanh vốn không già, vì tuyết phủ mà bạc đầu,
Nước biếc vốn vô sầu, bởi gió thổi mà nhăn mày".
(青山原不老,為雪白頭;綠水本無憂,因風皺眉)

Nếu hỏi trăng có tuổi già chăng, trăng sẽ trả lời:
"Tôi sẽ mãi tròn trịa viên mãn khi người đời không còn oán hận thù hằn (月若無恨月常圓)."

Tiếc nuối làm chi tuổi xế tà
Cuộc đời vui vẻ cứ hát ca
Sống sao cho tròn nhân với nghĩa
Sống cả cho người và cho ta!

Trường


Today is Thanksgiving Day in the U.S.

I am thankful to be born as a sentient being (nhân 
thân nan đắc. 人身難得)
I am thankful to encounter Buddha Dharma (Phật pháp nan văn. 佛法難聞)
I am thankful to all people, events, things, conditions, circumstances which arise along my life to help me experience love,compassion, the wisdom of non-duality, and the reality of our existence.

Mostly, I am thankful for being old, về già, tai thì điếc lác, mắt thì kém cỏi, đầu óc không còn minh mẫn nữa, sức khỏe là vốn quý.

Happy Thanksgiving and let's enjoy our golden ages!

Thanks for sharing, anh Truong and anh Thanh.


Anh Diệp

Happy ThanksGiving - Tổng kết đợt gây quỹ mùa Lễ ThanksGiving 2022


 

11/23/22

Nga là quốc gia khủng bố.

 Điều gì đến sẽ đến, sau các cuộc tấn công khủng bố liên tiếp của Nga vào các cơ sở hạ tầng của Ukraina, Hội đồng các quốc gia NATO đã họp và hôm nay, 22-11-2022, đã ra quyết định chính thức công nhận chính phủ Nga do Putin đứng đầu là nhà nước khủng bố, với tỷ lệ chấp thuận tuyệt đối 30/30. Điều này cho phép các quốc gia này có thể tiến hành trừng phạt bất kỳ một quốc gia nào khác tiếp tục có quan hệ quốc phòng, quân sự với Nga bắt đầu từ ngày này, đồng thời là dấu hiệu cho thấy sẽ tăng cường nhiều hơn nữa sự hỗ trợ vũ khí cho Ukraina.

NATO Parliamentary Assembly declares Russia to be a ‘terrorist state’.


Không chỉ NATO, một dự thảo nghị quyết tương tự đã được trình lên Hội đồng chung châu Âu và sẽ được bỏ phiếu trong tuần tới. Như vậy, đây sẽ là những đòn trừng phạt cả kinh tế lẫn quân sự mạnh nhất từ trước tới nay của phương Tây đối với Nga, hầu như sẽ cắt đứt toàn bộ mọi buôn bán, giao thiệp, đồng thời bắt tất cả các quốc gia còn lại trên thế giới phải chọn bên và tỏ rõ thái độ trong vấn đề Ukraina, nếu không muốn đối mặt với những trừng phạt do “ủng hộ, hỗ trợ khủng bố”.

Không cần chờ nghị quyết của EU, chính phủ Czech hôm nay đã ra tuyên bố chính thức, công nhận chính phủ Nga do Putin đứng đầu là “nhà nước khủng bố”.

Sáu quốc gia công nhận chính phủ Nga do Putin đứng đầu là “nhà nước khủng bố”.


Để đáp lại, truyền thông Nga lại tiếp tục đe dọa: “sử dụng vũ khí hạt nhân” với lý do rất buồn cười: “để chứng minh rằng nước Nga không phải là nhà nước khủng bố”, nhưng đe dọa này dường như không còn làm cho bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu để ý.



Bài đọc thêm: Nghị viện châu Âu nói Nga là "nước tài trợ khủng bố" (Theo  BBC tiếng Việt)