7/8/22

Gánh hàng hoa - Khái Hưng & Nhất Linh


 


Cảm đề tranh "Gánh hàng hoa"

Một Gánh Hàng Hoa giữa chợ đời,
Lòng héo nhưng phải giữ hoa tươi.
Bởi hoa  nuôi sống  thời  cơ cực...
Thắm tình phu phụ đẹp rạng ngời.

HS Phan


Nghe đọc truyện: 

GÁNH HÀNG HOA - Trọn bộ - Khái Hưng & Nhất Linh - Mc Ngọc Trầm


7/7/22

Giọt lệ cho người

Hung tin chợt đến buồn ray rứt
Giọt lệ trong tim nhỏ cho người
Những tưởng qua rồi cơn bĩ cực
Nụ cười tươi lại trong thới lai

Tơ vương nhè nhẹ nhưng vẫn mãi
Thà người còn đó ta thấy vui
Bây chừ tơ không còn nơi tựa
Chơi vơi bất định luống ngậm ngùi

Ta tiễn người đi nhưng nào hết
Ánh mắt nụ cười mãi không phai
Thôi thế người về nơi tịch diệt
Tan hợp rồi đây sẽ có ngày

Võ Thành Xuân


(Viết thay một bạn hiền)

CHÚT TÌNH TƯỞNG NHỚ

Mặc dầu chưa được biết Tiến và chưa gặp Tiến lần nào
Nhưng dù sao cũng là Huynh -Đệ Thụ Nhân...Xin chân thành
chia buồn cùng tang quyến và cầu nguyện cho Linh hồn Tiến
sớm vào Nước Trời an nghỉ trong tình yêu thương cuả Thiên Chúa.
Thương mến,

Phan Thạnh

CHÚT TÌNH TƯỞNG NHỚ

Trước sau rồi cũng một lần,
Giã từ cõi tạm hồng trần bon chen.
Về nơi vĩnh cửu bình yên,
Vô yêu, vô hận, vô phiền, vô ưu.

Nhưng sao vẫn cứ luyến lưu,
Vẫn thương, vẫn nhớ, vẫn sầu chia ly !
Đồng môn lại tiễn người đi,
Vườn xưa lưu lại chút gì xót xa.

Nén hương tưởng nhớ BẠN TA,
Thiên thu bằng hữu vẫn là Thụ Nhân.

HÀN SĨ PHAN

7/6/22

Voi rừng châu Phi, "vị thần" giúp thế giới chống biến đổi khí hậu

Isabelle Gerretsen - BBC Future - 22 tháng 6 2022


Khi đi qua rừng mưa dày đặc ở miền Tây và Trung Phi, voi rừng tạo ra mê cung xanh bằng cách ăn sạch và giẫm đạp những cây nhỏ nằm trên đường đi.

Có chiều cao 3m, loài thú khổng lồ hiền lành này nhỏ hơn voi đồng cỏ nổi tiếng, và hiện vẫn là loài động vật đơn độc khó hiểu.

Voi rừng tàn phá thảm thực vật, tàn phá cây trong rừng mưa khi nó lột vỏ cây non, đào rễ cây trong đất, ăn lá và quả cây. Nhưng sự phá hoại này đem lại nhiều lợi ích hơn so với những thiệt hại mà nó gây ra cho khu rừng: nó giúp rừng trữ nhiều carbon trong cây hơn và bảo tồn một trong những hệ sinh thái quan trọng nhất trên hành tinh.

Các công ty và chính phủ khắp thế giới đang chạy đua cắt giảm khí thải và phát triển công nghệ tiên phong thu giữ carbon. Nhưng voi rừng Châu phi tích trữ carbon cực kỳ hiệu quả mà chẳng cần đến công nghệ gì.

Voi rừng Châu Phi còn nổi tiếng với tên gọi "người làm vườn khổng lồ của rừng", vì chúng có thể tăng khả năng tích trữ carbon và giúp giải phóng những dưỡng chất quan trọng.

Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy thói quen phá phách của voi giúp tăng cường lượng carbon được tích trữ trong rừng mưa Trung Phi. Mỗi con voi rừng có thể kích thích tăng lượng carbon thu giữ trong rừng mưa lên đến 9.500m3 CO2 trên mỗi km2. Khối lượng này tương đương phát thải của 2.047 xe hơi trong một năm.

Ban đầu các nhà khoa học đi điền dã tại hai khu vực ở Lưu vực sông Congo, một nơi có voi rừng hoạt động và một khu vực nơi chúng đã biến mất.

Họ ghi chép lại sự khác biệt giữa lượng cây che phủ và độ dày của rừng. Sau đó, họ xây dựng mô hình theo dõi hoạt động của rừng, ví dụ như sinh khối, chiều cao của cây và lượng carbon tích trữ, và mô phỏng hoạt động có voi rừng phá hủy bằng cách gia tăng số lượng cây nhỏ bị phá hoại.

Mô hình sau đó cho thấy voi rừng làm giảm độ dày cây non trong rừng, nhưng làm tăng đường kính cây trung bình và tổng sinh khối trên mặt đất.

Lý do là voi rừng ăn và dẫm nát các cây có đường kính nhỏ hơn 30cm, đây là các cây cạnh tranh với cây to hơn giành ánh sáng, nước và không gian. Khi loại bỏ đối thủ cạnh tranh, những cây lớn hơn mọc sum suê hơn.

Kết quả là, cây lớn sẽ tiếp tục lớn hơn nữa nhờ thói quen của voi rừng, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Fabio Berzaghi, nhà nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm Khí hậu và Khoa học Môi trường ở Gif-sur-Yvette, Pháp, nói.

Những cây nhỏ là thức ăn ưa thích của voi, phần thịt gỗ vẫn chưa quá đặc, cứng, nghĩa là có khả năng lớn nhanh hơn và chết nhanh hơn.

Hành vi của voi giúp cho những cây lớn chậm hơn, là những cây tích trữ nhiều carbon trong thân cây hơn, Berzaghi giải thích.

Khả năng tích trữ carbon của cây chủ yếu phụ thuộc vào kích cỡ và độ đặc của thớ gỗ của thân cây, dù rằng những cây lớn hơn thì cần nhiều tài nguyên và thời gian hơn để sinh trưởng, ông nói thêm.

"Bạn có thể nghĩ về voi như người quản lý rừng," ông chia sẻ. Chúng là "loài chủ chốt", có nghĩa là chúng đóng vai trò cốt yếu trong việc duy trì sự đa dạng sinh học trong hệ sinh thái.

Ngoài việc loại bỏ những cây cạnh tranh, voi rừng cũng làm phát tán hạt giống và chất dinh dưỡng khi chúng càn quét thảm thực vật cũ và thải phân quanh rừng, giúp cây lớn nhanh hơn, Berzaghi nói. "Voi rừng giúp phát tán cây cối mà những loài động vật khác phụ thuộc vào. Cây rừng nhờ voi mà phát triển được sẽ giúp ích cho loài linh trưởng và nhiều loài thú khác."

Nghiên cứu này cho biết nếu như voi rừng tuyệt chủng thì điều này sẽ dẫn đến thiệt hại 7% khả năng tích trữ carbon, tổng cộng khoảng ba tỷ tấn, ở rừng mưa Trung Phi. Khối lượng đó tương đương với phát thải do hai tỷ xe hơi chạy bằng xăng thải ra trong một năm.

"Con số đem lại thông điệp khá mạnh mẽ về việc bảo vệ voi rừng," Berzaghi cho biết.

Có nguy cơ rất lớn là voi rừng Châu Phi sẽ tuyệt chủng. Chúng đang ở trong tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng, với số lượng sụt giảm nhanh chóng vì nạn săn trộm và phá rừng.

Trong thập niên 1970, có khoảng 1,2 triệu con voi quanh những dải đất mênh mông ở Châu Phi, nhưng chúng đã bị dồn đến bước đường tuyệt chủng bởi những kẻ săn trộm và do bị mất địa bàn sinh sống. Ngày nay, theo một nghiên cứu năm 2013, chỉ còn khoảng 100.000 con voi.

"Ít nhất vài trăm ngàn voi rừng đã mất trong khoảng từ 2002-2013, ở mức độ 60 con mỗi ngày hoặc một con chết mỗi 20 phút, cả ngày và đêm," Fiona Maisels, đồng tác giả của nghiên cứu và là nhà khoa học từ Cơ quan Bảo tồn Động vật Hoang dã, nói tại thời điểm đó.

"Vào lúc bạn ngồi ăn sáng là lại có một con voi nữa bị giết để làm đồ nữ trang cho thị trường ngà voi," bà cho biết.

"Chúng ta đã mất khối lượng voi rừng khổng lồ trong hai thập niên qua," Thomas Breuer, nhân viên về voi rừng châu Phi tại Quỹ Bảo vệ Thiên Nhiên (WWF) cho biết. "Voi rừng sinh sản chậm hơn rất nhiều [so với voi đồng cỏ], và vì vậy để hồi phục số lượng loài thì tốn rất nhiều thời gian."

"Hành vi sinh hoạt của voi rừng đã bị bọn săn trộm làm xáo trộn. Nhiều con voi không có mẹ và không thể học thói quen di chuyển độc lập, điều chúng thường học được từ voi mẹ," ông nói.

Khi hệ sinh thái của chúng bị thu hẹp, voi rừng cũng đến gần con người hơn, và dẫn đến những cuộc giết voi trả đũa, ông nói.

Biến đổi khí hậu cũng dẫn đến số lượng hoa quả sinh sôi sụt giảm trong rừng mưa châu Phi, khiến voi rừng cực kỳ dễ bị tác động vì sụt giảm nguồn thức ăn, theo một nghiên cứu năm 2020 do Emma Bus từ Đại học Stirling ở Scotland thực hiện.

Tôn trọng thiên nhiên

Nếu đàn voi rừng châu Phi trở lại kích cỡ ban đầu và hồi phục khu vực di chuyển 2,2 triệu km2, chúng có thể tăng lượng tích trữ carbon đến 13 tấn mỗi hectare, theo nghiên cứu của Berzaghi. Khối lượng này tương đương với phát thải của 10 xe hơi chạy xăng trong một năm trên mỗi hectare.

Berzaghi cho biết nghiên cứu cho thấy khả năng sống sót của voi rừng cực kỳ quan trọng cho việc bảo tồn vùng Congo Basin, rừng mưa lớn thứ hai trên thế giới và là hố tích tụ carbon quan trọng.
Khi đi qua cánh rừng, voi ăn và dẫm nát cây con, dành nhiều không gian cho những cây lớn hơn phát triển và tích trữ carbon

Điều này thậm chí càng trở nên khẩn thiết hơn vì giờ đây một phần rừng mưa Amazon đang mất đi khả năng hấp thụ carbon, ông nói.

Theo một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Quốc gia về Không gian (INPE) của Brazil, hơn một phần tư rừng Amazon giờ đây thải ra nhiều carbon hơn lượng nó hấp thụ.

"Đây là tác động vô cùng lớn, bạn hiểu điều này trực tiếp vì chúng ta đang thải CO2 ra bầu khí quyển, điều làm tăng tốc độ biến đổi khí hậu và cũng kích thích, làm thay đổi tình trạng trong mùa khô, gây bất lợi cho cây, khiến sinh nhiều phát thải hơn," tác giả chính của nghiên cứu Luciana Gatti nói với BBC News vào tháng 7/2021.

"Chúng ta sẽ không đạt được mức trung hòa carbon nếu ta không đầu tư vào các giải pháp có nền tảng từ thiên nhiên," Berzaghi cho biết.

Trong bản phúc trình mới nhất, ra hồi tháng Hai, Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) nhấn mạnh rằng các giải pháp dựa vào tự nhiên là công cụ quan trọng để tác động lên tình trạng biến đổi khí hậu và giảm thiểu phát thải carbon từ bầu khí quyển.

"Bằng cách khôi phục hệ sinh thái đã bị hủy hoại, bảo tồn hiệu quả và công bằng từ 30 đến 50% môi sinh của đất, đại dương và môi trường nước ngọt trên Trái Đất, xã hội có thể được hưởng lợi ích từ khả năng hấp thụ và tích trữ carbon của thiên nhiên," Hans-Otto Pörtner, một trong những đồng chủ trì bản phúc trình IPCC, nói trong một thông cáo.

Ralph Chami, trợ lý giám đốc của Viện Phát triển Năng lực thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đang trong sứ mệnh nhấn mạnh giá trị của bảo tồn thiên nhiên trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Kinh tế gia này đang thực hiện theo cách có thể khiến chính trị gia và công ty để ý: bằng cách đặt một biểu tượng tiền lên một con voi rừng.

Sử dụng kết quả từ nghiên cứu của Berzaghi năm 2019, Chami đánh giá dịch vụ thu giữ carbon của mỗi con voi rừng là 1,75 triệu đô la Mỹ, với tổng giá trị của đàn, nếu khôi phục trở lại được quy mô ban đầu là 1,2 triệu con, sẽ đáng giá khoảng 36 tỷ đô la Mỹ.

Chami tính toán dựa trên giá trị thị trường trung bình của một mét khối C02 vào thời điểm đó - chỉ dưới 25 đô la mỹ vào năm 2019.

Tình trạng săn trộm sẽ dẫn đến thiệt hại 10-14 tỷ đô la phát sinh từ tổn thất trong việc không thu giữ được carbon, theo phân tích gần đây của Berzaghi và Chami.

Với việc lượng hóa khối carbon mà voi rừng có thể thu giữ được thông qua các tập tính sinh hoạt hàng ngày của chúng, giới nghiên cứu hy vọng các số liệu sẽ hỗ trợ cho công tác bảo tồn voi

Thay vì coi bảo tồn voi rừng là kế hoạch tốn kém, ta nên coi đó là khoản đầu tư, ông lập luận.

"Voi rừng là tài nguyên tự nhiên có thể đem lại giá trị cho chúng ta suốt vòng đời," ông nói. "Một con voi rừng sống có thể đem lại dịch vụ đáng giá hàng triệu đô la, nó giúp ta chống biến đổi khí hậu và có giá cao hơn khi còn sống so với khi đã chết." Ngà của voi rừng chết có giá trị khoảng 21.000 đô la Mỹ.

"Chúng ta đang đánh mất nguồn vốn tự nhiên và sự đa dạng sinh học. Nếu ta thua trong cuộc chiến đó, ta cũng sẽ chết," ông nói. "Nhưng nếu ta đầu tư vào thiên nhiên, khoản đầu tư sẽ quay trở lại với ta dưới hình thức hấp thụ carbon."

Đây không phải lần đầu tiên Chami định giá một loài động vật. Năm 2019, ông ra một phúc trình cùng với các kinh tế gia của IMF, theo ddos xem xét ích lợi với khí hậu trong việc bảo tồn cá voi.

Phân tích cho thấy khi bạn thêm vào giá trị của carbon mà cá voi giúp hấp thụ trong suốt vòng đời, thì một con cá voi lớn có giá trị hơn 2 triệu đô la Mỹ, và tổng số các cá thể trong loài có thể đem lại giá trị hơn một tỷ đô la Mỹ.

Khi cá voi chết, xác chúng chìm xuống đáy đại dương và tất cả lượng carbon trữ trong cơ thể khổng lồ của chúng sẽ chuyển xuống đáy đại dương, nơi chúng sẽ được lưu giữ lại trong nhiều thế kỷ.

Chami cho biết định giá trị loài là cách tốt nhất để thuyết phục các quốc gia bảo tồn chúng.

"Tôi muốn chuyển những ích lợi khí hậu thành đô la và cent và đặt những con số đó lên bàn của giới hoạch định chính sách."

Bán dịch vụ lưu trữ carbon do voi cung cấp

Nhiều người khác đang tìm cách đưa ý tưởng về giá trị tiền mà voi có thể đem lại đi xa hơn.

Công ty khởi nghiệp Rebalance Earth định sử dụng phát hiện từ nghiên cứu của Berzaghi và định giá của Chami để bán tiềm năng hấp thụ carbon của voi cho các công ty trên thế giới.

Dựa trên thị trường bù trừ carbon, giúp các công ty bù cho phần phát thải họ thải ra bằng cách trả tiền để trồng cây hoặc trả cho dự án điện tái tạo ở nơi khác, Rebalance Earth đã bắt đầu bán phiếu hệ sinh thái đại diện cho lượng carbon mà mỗi chú voi giúp hấp thụ.

"Giá trị tiền tệ mà voi rừng trực tiếp có tác động đến lượng carbon phân ly được mà chúng tạo ra trong đời và khối lượng này nhân lên đến giá cả hiện thời của dịch vụ bù carbon," giám đốc điều hành của Rebalance Earth, Walid Al Saqqaf cho biết.

Đa số voi rừng châu Phi sống trong rừng mưa Gabon

Các công ty mua dịch vụ này sẽ trả tiền để bảo vệ voi, khoản quỹ gây được sẽ dành cho nhân viên rừng quốc gia và cộng đồng địa phương, theo Al Saqqaf. Toàn bộ quá trình trao đổi này sẽ được kiểm soát và theo dõi qua công nghệ blockchain tư nhân.

"Mọi người đều yêu voi, nhưng liệu điều đó có giúp ngăn cản sự sụt giảm số lượng loài không?" ông nói. "Chúng ta không lựa chọn một cách đúng đắn dựa trên thiện chí, mà là chúng ta ra quyết định dựa trên ví tiền của mình. Bằng cách nào ta có thể sử dụng sáng kiến tài chính để làm điều đúng?"

Công ty Rebalance Earth đang chuẩn bị tung ra dự án thử nghiệm ở Gabon, nơi có đến 70% số lượng voi rừng Châu Phi.

Gabon chiếm khoảng một phần năm diện tích rừng Congo Basin và có tỷ lệ mất rừng thấp hơn các quốc gia láng giềng như Cộng hòa Congo và Cameroon. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ rừng ở Gabon đe dọa sẽ đình công năm nay, do điều kiện làm việc tồi tệ và tình trạng chậm trả lương.

"Quỹ của chúng tôi sẽ đảm bảo có đủ nhân viên kiểm lâm bảo vệ voi và đầu tư vào cộng đồng địa phương," Al Saqqaf nói.

Một số người tỏ ra nghi ngờ cách tiếp cận của Rebalance Earth, vì quan ngại môi trường và đạo đức trong việc sử dụng tiền ảo bằng blockchain để gây quỹ bảo tồn.

Catherine Flick, nhà nghiên cứu cao cấp về khoa học máy tính và trách nhiệm xã hội tại Đại học De Montfort ở Leicester, Anh Quốc, cho biết vấn đề chính là đây là "đầu cơ" và "rất khó quản lý".

Tuy nhiên, Al SAqqaf tranh luận rằng "vẻ đẹp" của hệ thống blockchain là mỗi bên có khả năng tiếp cận thông tin y như các bên khác. "Khi nền tảng của chúng tôi mở rộng, chúng tôi sẽ xây dựng một hệ thống quản trị độc lập và sẽ xem xét vai trò thông qua hệ thống trao đổi có xác minh," ông cho biết.

Flick nói rằng câu hỏi ai là người thụ hưởng chương trình vẫn còn là vấn đề: những công ty lớn mua tiền điện tử hay là cộng đồng địa phương, những người thực hiện công việc bảo tồn?

Al Saqqaf cho biết nhân viên kiểm lâm sẽ được chi trả bằng loại tiền tệ địa phương, cộng đồng trong dự án thử nghiệm cũng vậy. Khi sáng kiến được nhân rộng, mọi người có thể tiêu tiền điện tử ở một số cửa hàng, dịch vụ giáo dục và sức khỏe nhất định, ông chia sẻ. Doanh số do mô hình đem lại sẽ được đầu tư cho giáo dục và dịch vụ y tế địa phương, ông nói.

Về mặt khí hậu, có nhiều quan ngại với việc sử dụng công nghệ blockchain, vốn có thể cực kỳ hao tốn năng lượng.

Rebalance Earth cho biết công ty sẽ sử dụng công nghệ blockchain R3 Corda riêng, mà công ty này cho rằng chỉ tương đương như năng lượng để gửi email.

Trong khi Bitcoin và những nền tảng blockchain công cộng khác sử dụng cơ chế đồng thuận "bằng chứng công việc" (proof of work) để xác nhận giao dịch, thì R3 Corda sử dụng một blockchain riêng tư dùng cơ chế đồng thuận xác minh và đồng thuận duy nhất, tiêu thụ ít năng lượng hơn nhiều vì không đòi hỏi sức mạnh máy tính để giải toán.

Breuer cho biết dự án thử nghiệm là "sáng kiến tuyệt vời" nhưng cũng xác nhận có nhiều lỗ hổng. "Người ta cần phải có cơ chế dùng tiền để gìn giữ voi rừng và nâng cao khả năng của cộng đồng bản địa cùng tồn tại với động vật hoang dã," ông cho biết. "Nhưng chúng ta cần phải trung thực về giới hạn và thách thức của ý tưởng này."

Chẳng hạn, làm sao để có thể theo dấu voi vẫn là khó khăn trong thực tế. "Làm sao bạn biết đó cùng là một con voi? Không dễ gì có thể xác định được chúng," ông nói.

Kiếm tiền từ "dịch vụ sinh thái" do voi rừng cung cấp có thể giúp cung cấp tài chính cho quá trình bảo tồn, nhưng những câu hỏi phê phán làm dấy lên quan ngại liệu tiền đó có tạo ra lợi ích cho cộng đồng bản địa hay không

Người ta cũng khó mà thuyết phục được cộng đồng địa phương về "lợi ích vô hình" của sáng kiến kiểu này, Breuer nói.

"Nếu bạn đến một ngôi làng Trung Phi và nói với mọi người về sáng kiến blockchain, họ sẽ nói 'nếu chúng tôi thịt một con voi, chúng tôi sẽ có thịt ăn trong khoảng thời gian nhất định và điều này có giá trị với chúng tôi hơn,"," ông nói.

Nỗ lực bảo tồn nên bắt đầu từ mức độ cơ sở và tập trung vào việc giúp cộng đồng chung sống bên cạnh voi, theo Breuer. Các khoản quỹ nên được đóng góp trực tiếp vào việc chống săn trộm và cho lực lượng chấp pháp, ông nói.

"Chúng ta cần phải chắc chắn rằng tiền sẽ đến được tận nơi. Giải pháp luôn nằm trên thực địa chứ không phải nằm ở tiền bạc," ông nói.

Mục tiêu tối thượng, theo Breuer, nên là thuyết phục cộng đồng địa phương tin rằng bảo tồn là công việc xứng đáng mà họ cần theo đuổi, công việc đó có thể đem lại việc làm và sự thịnh vượng cho khu vực. "Vì vậy trong vòng một hoặc hai thế hệ, họ cảm thấy họ không thể sống mà không làm công tác bảo tồn."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

7/4/22

Thương Tiếc chị Việt-Anh



Thôi rồi chị đã quy tiên
Còn đâu tri kỷ, bạn hiền, chị yêu!
Chị ơi, em nhớ rất nhiều
Những ngày cắp sách, những chiều mờ sương
Tung tăng qua mấy đoạn đường
Bước vào cổng viện, sân trường đầy hoa
Bên cầu tâm sự thiết tha
Nụ cười của chị hiền hoà làm sao!
Lại thêm lời nói ngọt ngào
Dung nhan kiều diễm, ai nào chẳng thương?

Người về cực lạc Tây phương
Để bao thương tiếc vấn vương nơi này!
Đồng môn mất chị từ đây
Riêng em nhỏ lệ nhớ ngày có nhau
Tâm hương gửi bạn tâm đầu
Kiếp sau xin hẹn cùng nhau sum vầy!

Nhan Ánh-Xuân CTKD2

Cali 4/07/2022.



Biết rằng vạn sự vô thường
Chắc gì ngăn được tiếc thương thành dòng
Người về nơi ấy thong dong
Sao bao vương vấn nát lòng chị tôi
Kẻ đi cũng đã đi rồi
Điếu thư chi để bồi hồi lòng ai
Từ đây trong những tàn phai
Mờ đi thêm một dấu hài Việt Anh.
                                          TN.

Tiếc Thương Tiễn Biệt VIỆT ANH


Trong linh cảm tiếc thương người cũ,
Vườn Thụ Nhân giăng phủ mây sầu.
“Hoàng Hôn lại Một Chuyến Tàu”
Đón người viễn khách đi vào hư vô.

Rời cuộc sống xô bồ trần thế,
Thoát ly đời dâu bể tang thương.
Chẳng còn ly loạn nhiễu nhương,
Lìa xa những chuyện đời thường đua tranh.

Xin tiễn biệt VIỆT ANH lần cuối :
Người đồng môn những chuỗi ngày dài,
Bốn năm kỷ niệm khó phai,
Dẫu xa xôi vẫn nhớ hoài chẳng quên.

“Nữ sinh viên gốc miền sông nước,
Tính dịu dàng, hiền thục, dễ thương.
Luôn luôn nhỏ nhẹ, nhún nhường,
Việc chung hoàn tất tỏ tường sáng trong.”

Nhớ Đại Hội bốn năm về trước,
Năm mươi năm chung bước về Trường.
Chia tay chín nhớ, mười thương,
Việt Anh sao vội lên đường chia xa.

Đốt ngọn nến lệ nhoà khóe mắt,
Dâng nén hương se thắt tâm can.
Biết rằng bạn hữu thế gian,
Bèo, mây tan hợp, hợp tan chuyện thường.

Lòng tưởng nhớ…tiếc thương lời cuối :
“ Chúc Bạn mau vào cõi Niết Bàn,
Vô ưu, miên viễn, tịnh an,
Thảnh thơi, thanh thoát vĩnh hằng thiên thu.”

HÀN SĨ PHAN