Một đoạn văn trong bài "cao hổ cốt" khiến tôi có nhiều cảm xúc:
“…Giải quyết vấn đề là đặt nặng về việc cải tiến các môi trường sống hoang dã của cọp, tăng cường các lực lượng cảnh sát và kiểm lâm, đồng thời cung cấp cho người tiêu thụ những tin tức hữu ích hơn về sản phẩm cao hổ cốt...Và các cuộc vận động tin tức nhắm vào người tiêu thụ để dẫn họ đến các giải pháp điều trị thay thế vững chắc hơn xương cọp…”
Để góp phần về việc bảo vệ môi trường nói chung, quan niệm về "hộ sinh" nói riêng, tôi xin chia sẻ một vài nhận xét thô thiển.
Nhiều người hiện nay đang có niềm tin mù quáng khi tiêu dùng các sản phẩm cao hổ cốt với mục đích chữa bệnh. Nhưng cho đến nay chưa có bất cứ tài liệu hay công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh tác dụng chữa bệnh của cao hổ cốt. Tuy nhiên nhiều người bệnh vẫn mơ hồ về công dụng thực sự của những thứ được coi là “thần dược” này.
Theo kiến thức căn bản về y dược, thông thường sản phẩm từ động vật như: cao hổ, mật gấu, tê giác… đều pha trộn một ít lượng thuốc phiện. Thuốc phiện có tác dụng giảm đau và hưng phấn thần kinh, nên khi dùng cao hổ có trộn thuốc phiện, người dùng có cảm giác hiệu quả, chứ thực ra, chẳng phải do tác dụng của cao hổ, cao hổ cốt chẳng qua chỉ là keo xương, và các chất từ xương của một loài động vật mà thôi. Nhận thức như vậy, cao hổ cốt không phải là thần dược chữa bệnh. Đông y có rất nhiều vị thuốc chuyên dùng để chữa các bệnh đau nhức xương khớp rất hiệu quả như đỗ trọng, tục đoạn, cốt toái bổ, thiên niên kiện, cẩu tích… Các vị thuốc này giá cả bình dân và có nhiều hiệu quả hơn cao hổ cốt.
Những tin đồn mù quáng vô căn cứ về cao hổ cốt cũng là sát thủ đang đẩy loài hổ đến nguy cơ tuyệt chủng trong thiên nhiên.
Tin tức trên mạng cho biết, quần thể hổ đã suy giảm đáng kể tại Trung Quốc, Việt Nam và trên toàn thế giới. Riêng ở Trung Quốc, thực trạng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng là nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm, trong đó có loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, đã và đang bị săn bắt, buôn bán, xuất khẩu trái phép, thậm chí giết mổ làm món ăn đặc sản tại các nhà hàng, khách sạn, phục vụ thói quen tiêu xài lãng phí của một số người tự xưng là: "tay sành ăn chơi".
Động vật hoang dã là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống trong lành cho con người.Tất cả các cá thể sống đều là một phần của mạng lưới phức tạp, cân bằng một cách tinh vi gọi là sinh quyển. Sự biến mất của bất cứ một loài nào sẽ gây nên phản ứng dây chuyền, ảnh hưởng tới rất nhiều loài khác. Đặc biệt đối với các loài có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái thì sự tuyệt chủng của chúng có thể dẫn đến những hậu họa khó lường. Ví dụ: trên các cánh đồng cỏ, chuột thường xuyên bị rắn, cáo, chó sói, chim ưng... săn bắt. Bình thường số lượng chim, thú, chuột cân bằng với nhau. Khi con người tìm bắt rắn, cáo và chim thì chuột mất kẻ địch, thế là chúng được dịp sinh sôi nảy nở, gây tai hại cho mùa màng và cuộc sống. Cân bằng sinh thái là trạng thái ổn định tự nhiên của hệ sinh thái và được tạo ra bởi chính bản thân của hệ. Bất cứ một sự tác động và hủy hoại của con người sẽ gây ra tai biến trầm trọng. Bằng chứng là cơn dịch COVID-19 đang hoành hành hiện nay đã tước đoạt hàng triệu sinh mạng trên thế giới.
Mỗi loài đều có những giá trị ẩn sâu bên trong. Việc làm biến mất một loài sinh vật được ví như xé những trang giấy ra khỏi cuốn vở “sinh tử” nhưng chưa kịp đọc.
Chúng ta cùng nhau chung sống dưới một mái nhà chung là trái đất, con người cần ý thức sống hòa hợp với thiên nhiên, bảo vệ môi trường cũng như sự đa dạng sinh học… Chúng ta hãy cùng nhau góp phần bảo vệ động vật hoang dã nói chung và loài thú quý hiếm nói riêng bằng cách đình chỉ sử dụng cao hổ cốt và truy tố những kẻ giao dịch sản phẩm này chỉ vì tư lợi hoặc thỏa mãn khẩu dục.
Bảo vệ cân bằng sinh thái cũng là bảo vệ cuộc sống của Chúng ta. Đúng không các bạn?
Một vài nhận xét cá nhân, nếu có điều gì sơ sót sai lầm, mong các bạn và thiện tri thức bổ túc đính chính.
Trường
12-13-2021